CHƯƠNG 6.
THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
Thăm quê chồng
Vài tháng sau khi chị tôi mất, là giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Tối ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi lên bờ hồ Hoàn Kiếm hòa vào trong dòng người nô nức đón tin vui. Hôm đó là thứ mấy, tôi không nhớ rõ, sau này tra tìm mới biết là thứ tư, tức là giữa tuần, vậy mà tôi không nhớ sao MQ lại về (hay vì biết tin thống nhất),và lên bờ hồ tìm gặp được tôi mới là lạ. Chắc MQ tìm đến cái chỗ chúng tôi hay ngồi bên hồ khi đi chơi hoặc dạo trong đêm Noel. Vậy là chúng tôi bỏ hai con nhỏ ở nhà để bà me trông cho, mà lên đây như một cặp tình nhân đang yêu nhau vậy. MQ làm hai câu thơ “tức khẩu” mà tôi cứ buồn cười mãi :
”Anh tìm trong đám muôn vàn
Thấy em mặt tròn như cái bánh xe!”
Ôi sao mà hồi ấy mặt tôi tròn như cái bánh xe được nhỉ? Khi chúng tôi yêu nhau trong trường thì tôi nặng 54 kg, sau khi có con đầu lòng đến lúc này (con thứ hai được hơn một năm), thì tôi sút nhiều chỉ nặng 46 kg thôi, nghĩa là gầy đét mà.Thôi thì tính MQ hay đùa vui nên thế. Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, cầm tay nhau dung dăng dung dẻ như hai đứa trẻ, mắt ngời sáng khi đâu đây vẳng lên tiếng trống ếch rộn ràng. Chúng tôi lắng nghe như nuốt lấy từng lời qua loa phóng thanh nói về thời khắc đặc biệt của đất nước, rằng chiến tranh đã chấm dứt rồi, rằng đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, mà tim cứ đập thình thịch; thi thoảng nhảy cẫng lên reo hò nữa. Những lúc ấy, chúng tôi không kịp nghĩ đến má, sau 30/4 này, má dự định thế nào, và còn các anh của chồng tôi nữa. Chúng tôi chỉ liên tưởng ngay đến cậu Lê Hân, cậu sẽ về Nha Trang đoàn tụ với vợ con sau bao nhiêu năm xa cách.Tóm lại là chúng tôi chỉ hồn nhiên, rất hồn nhiên, và tất nhiên phải về sớm kẻo các con mong, và bắt tội bà me vất vả quá.
Ít ngày sau, tôi được tin má quyết định về Nha Trang ngay cùng với cậu. Má bảo má về trước, rồi từ từ mấy anh em về sau. Vậy là ngay sau niềm vui chung chấm dứt chiến tranh, tôi lại thấy buồn vì xa má xa cậu, những đấng bề trên tuy không phải ruột thịt, mà là ruột thịt của chồng, và thời gian tuy ngắn ngủi không dài những đã là rất đủ để tôi có những gắn bó thân thương, yêu kính. Chúng tôi tiễn má và cậu đi, những mong cậu về đoàn tụ gia đình thật hạnh phúc, và chỉ nghĩ đơn giản là má trở về sống cùng cậu mợ và các em, trong khi mấy anh em MQ, chưa ai về ngay.
Nhưng rồi, sự thật không phải thế. Má tôi có những mặc cảm. Mọi khi, chị em có nhau ở ngoài Bắc thì không sao, còn khi trở lại quê hương, má cảm thấy có một mình thật là lạc lõng, má không muốn dù chỉ là vô tình chạm vào hạnh phúc của em trên bất cứ phương diện nào, nên đã trình bày với chính quyền địa phương, xin lại một ngôi nhà thờ của họ Lê để ở tạm một mình. Cũng bởi lẽ ấy, về sau, chúng tôi thường xin nghỉ phép năm để về thăm má, hoặc tôi kết hợp công tác Nha Trang để về sống với má, cho tới ngày má trở về cõi vĩnh hằng.
Chuyến đi miền Nam của vợ chồng tôi lần đầu tiên là vào năm 1976. Lúc ấy là mùa thu. Chúng tôi mang theo bé Hoa. con gái đầu, cháu gần năm tuổi, còn bé trai thì gửi bà me ở nhà. Trước khi đi, tôi chuẩn bị sẵn, nấu ít cơm nếp đỗ đen và tí muối vừng, gói một loạt bánh chưng con để ăn đường. MQ được đơn vị cho mua theo giá cung cấp một xe đạp nam Trung Quốc, chúng tôi đành bán để lấy tiền vào Nam, và trích riêng một khoản tiền biếu má. Chúng tôi vào Sài Gòn trước, rồi quay ra Nha Trang sau mới trở lại Hà Nội. Để vô Sài Gòn, chúng tôi đi chuyến liên vận tàu hỏa đến Vinh rồi chuyển sang xe khách. Khi đi tàu thì không sao, còn từ lúc chuyển sang ô tô là tôi say ngay, say rất nặng. Không chỉ tôi, con gái tôi bị say luôn. Hai mẹ con thi nhau nôn liên tục. Một mình MQ vừa bế con ngồi lòng, phục vụ bé vừa đỡ đần tôi nữa. Mọi người ở trên xe ái ngại lắc đầu bảo “Gớm cái nhà anh này sao mà khổ, ai đời cả hai mẹ con cùng yếu và say thế cơ chứ” Tôi nôn liên tục, hết thức ăn thì đến mật xanh mật vàng và mặt cắt không còn hạt máu, người rũ ra. Còn con tôi thì nôn lung tung vào cả quần bộ đội của bố. Cái trò nôn say xe, ai trải qua mới biết, cứ nôn thế cho tới khi xuống xe mới thôi. Không thể tự nhiên cả chiếc xe lớn, chở bao nhiêu người chỉ vì mẹ con tôi mà thả khách xuống. Nên đành chấp nhận đến chỗ nào lái xe định cho nghỉ mới xuống tạm mà nghỉ. Tôi mệt lắm, không ăn uống gì được, chỉ nhắc MQ chịu khó lấy đồ ăn nước uống mang theo mà dùng kẻo mệt quá. Nhắc vậy, chứ tình thực MQ không có lúc nào mà ăn cả, cứ hết quay sang vợ lại quay sang con, thay khăn thay túi. Mãi sau, có lúc xe đỗ tạm để khách xuống “tự giải quyết nỗi buồn” thì tôi mới cố ôm con ngật ngưỡng và bảo MQ tranh thủ ăn uống tí chút gì thôi.
Xe chạy tới Huế thì dừng hẳn, ngủ qua đêm luôn sớm mai chạy tiếp. Vợ chồng tôi lếch thếch khăn gói vào quán ăn nhỏ đồng thời là quán trọ nghỉ tạm. Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe những âm thanh là lạ, những tiếng rao, tiếng mời chào rộn ràng, trong trẻo của các cô gái, của các bé bán rong đủ kiểu. Tự nhiên, người cảm thấy tỉnh hẳn ra. Chắc vì xuống xe chân được tiếp đất rồi nên bớt say. MQ mua bún bò cho hai mẹ con ăn. Bún nóng sốt thơm ngon nhưng cay ơi là cay. MQ lôi ra ăn nốt mấy nắm cơm nếp đậu đen chấm muối vừng mang từ nhà. Trời nóng, xe bí nên cơm nắm bánh chưng đều hơi chua ôi thiu rồi, mà vẫn phải ăn. Tôi tiếc công mình chuẩn bị chu đáo ai ngờ say quá không tiêu thụ được để bây giờ đồ ăn tanh bành thế này. MQ ăn xong chút ít, ăn cơm nếp là chính, còn một đống bánh chưng tôi đưa biếu chị chủ quán. Chị có một đàn con có vẻ vất vả nhếch nhác lắm. Tôi bảo chị chịu khó bóc ra đem rán lên mà ăn hộ bọn tôi cho đỡ phí. Tôi đặt con gái ngủ tạm, MQ đi tìm mua thuốc chống say cho tôi về mệt quá ngủ ngay, chỉ tôi là thao thức suốt đêm chờ trời sáng và nhẩm tính giờ đến Sài Gòn.
Từ Huế đi tiếp chặng đường dài mà tôi đỡ nôn hẳn vì có thuốc. Tôi có thể nhấm nháp lúc là bắp ngô luộc, khi thì cái bánh tráng, hay một nắm xôi vàng vàng tim tím. Nhưng tôi còn mệt, nên hầu như không ngồi thẳng được, và xin đổi ra gần thành xe, để tựa ngả đầu sẽ dễ chịu hơn. Mỗi khi lái xe bảo khách xuống nghỉ, MQ đi quanh đấy mua mấy thứ là lạ cho tôi nếm với một vẻ vui thích đặc biệt. MQ muốn nói với tôi rằng, quê anh nói riêng, và miền Trung Miền Nam nói chung có những trái cây, những kiểu bánh, cốc chè như thế đấy, mà quên rằng chính anh, anh cũng đang ngẩn ngơ về chúng. Anh rời xa quê hương cả hai mươi mấy năm còn gì, trong khi anh mới ba chục tuổi đầu. Càng đi sâu về phía Sài Gòn, tôi càng khỏe dần, không lả lướt nữa. Vì đường xá tốt, nên xe chạy cũng nhanh hơn, êm ả, dễ chịu hơn.
Đến Sài Gòn, chúng tôi thuê một xích lô về nhà chị Hoàn, con bác ruột tôi ở quận 3 thành phố, theo địa chỉ ghi sẵn, vì sau khi thống nhất, chị đã liên lạc với đại gia đình tôi ở Hà Nội rồi. Chúng tôi vào nhà chị, cảm giác đầu tiên là ngột ngạt bởi mùi xăng của mấy chiếc xe máy để ở tầng dưới, và lạ lẫm vì màu sắc của nhiều đồ đạc quanh nhà, chứ không một màu xam xám nhàn nhạt như nhà tôi ngoài kia. Lối vào hơi chật nên phải lách lệt xệt xách đồ đi qua, bỗng khự lại, chúng tôi xuất hiện trước một tấm gương lớn. Tôi rất ngạc nhiên gần như không nhận ra mình. Đầu tóc thì rối bù, mặt mũi lấm lem, áo sơ mi trắng (cố tình làm đỏm đây) xám lại hoen ố loang lổ đầy vết nôn, thức ăn rơi rớt, cái quần đen nhầu nhĩ xộc xệch, chân đi dép lê gì tôi không nhớ rõ. Tóm lại là một hình thù quái dị bẩn thỉu nhem nhuốc không thể tưởng tượng được. Con gái tôi đỡ hơn có lẽ vì có bộ mặt ngây thơ, ngơ ngác dễ thương, nó xóa lấp bớt những vết bẩn lem nhem trên áo trên quần. MQ trông khá hơn nữa, có lẽ vì tôi quen nhìn MQ suốt dọc đường khốn khổ phục vụ hai mẹ con rồi. Tôi xấu hổ lắm, không ngờ mình xuất hiện ở nhà chị với bộ dạng thế này. Cô giúp việc bấm chuông và chị tôi từ trên gác xuống đón chúng tôi lên nhà. Chị em tôi gặp nhau xúc động nhưng chắc không “lắm” vì khi chị di cư vào đây, tôi mới sáu tuổi, còn quá bé. Chị nhận ra tôi bởi chị bảo bé Hoa là hình ảnh y chang của tôi ngày xưa. Chồng tôi gặp chị là lần đầu. Chị xã giao chào hỏi, chứ thực tình tự cảm thấy có cái gì ngăn cách, “chồng cái Thư là bộ đội cộng sản đấy”- chị thường nhắc với mọi người trong họ mỗi lần gặp sau này. Chị chỉ dẫn cho chúng tôi tắm rửa thay quần áo, và một mâm cơm được chuẩn bị sẵn sàng. Chị bảo cả nhà chị ăn rồi, anh thì đi công chuyện chưa về, các con chị đi học cả. Chuyện trò một lát, chị lên tầng để chúng tôi tự nhiên. MQ và bé Hoa ăn ngon lành thích thú, có vẻ như vậy. Còn tôi thì rón rén nhâm nhi tí một. Mâm cơm thật nhiều món ăn, mỗi món đặt trong một cái đĩa hoặc bát xinh xinh, đĩa giò lụa, đĩa giò bò, đĩa xào giá với thịt nạc, bát canh riêu cá, đĩa rau muống xào tỏi, đĩa rau sống, bát mắm tép, đĩa thịt dọi luộc. Nồi cơm điện nhỏ, ba bát ăn cơm càng xinh nữa, tựa như những cái bát ngoài Bắc dùng để rót nước mắm, hoặc để múc chè.Tôi đói bụng, ăn thấy ngon nhưng không dám ăn hùng hục. Tự nhiên, tôi nghĩ, người ta bảo người Hà Nội ăn cơm cái giá cũng cắn đôi. Tôi bật cười, MQ ngơ ngác chả hiểu sao tôi cười. Cuối cùng thì chúng tôi không ăn hết nồi cơm, mặc dù lúc đầu tôi tưởng như tụi này sẽ nuốt chửng cả bát lẫn cơm cùng các thức ăn trên mâm đó. Chắc vì MQ có phần ngại chỉ ăn vừa phải, còn tôi thì rõ là không dám ăn thoải mái. Tôi quá quen cái cảnh xới liền ba bốn bát to thật đầy, cơm gạo mốc cơ, nở tung, chứ không phải cơm gạo mới trắng tinh deo dẻo thế này, và quen gắp những gắp rau to, những đĩa dưa muối đầy có ngọn. Thì thế mới là “Việt cộng” xểnh nhà, không ra thất nghiệp mà là ra ngố thiệt!!!
Buổi tối cả nhà đoàn tụ. Anh rể về, rất vui vẻ thoải mái. Anh chị có bốn con. Tôi chỉ một cháu, hỏi anh, cháu tên là gì ạ? Anh bảo từ từ đã nhé, anh phải tính tên chúng theo lối gọi thân mật ở nhà "tí teo tèo tẹo" đã. Ôi thật buồn cười và vui. Anh chị đều mải làm ăn, có người giúp việc. Chị là mẹ, lo lắng chăm sóc các con nhiều hơn nên không vô tư và vui tính như anh. Chuyện trò thăm hỏi một lát, anh chị đưa chúng tôi đi ăn hiệu. Anh tự lái xe nhà, một chiếc xe lịch sự, sang trọng. Dọc đường, phố xá sầm uất tấp nập, đèn xanh đèn đỏ đèn vàng hoa cả mắt. Một thành phố phù hoa, tôi chỉ có cảm giác lạ lẫm, chứ không kịp biết mình thích nó hay không. Tôi không được khỏe sau chuyến đi dài, lại bị say xe, nên chỉ thầm mong nhanh đến nơi. Tôi nghe chị nói chuyện câu được câu chăng, đại loại chị ca ngợi thành phố Sài Gòn hoa lệ và hoành tráng, thi thoảng hỏi về Hà Nội, về cuộc sống của chúng tôi ngoài ấy. Tôi cảm nhận được rõ, không biết có lầm không, là chị rất vui nếu chúng tôi xuýt xoa ngưỡng mộ Sài Gòn, và chia xẻ nỗi lo của anh chị về cuộc sống dưới chế độ mới những ngày sắp tới.
Dần dà, tôi bị cuốn vào cuộc đàm thoại và đỡ say. Đường phố đông nên xe đi chầm chậm.Tôi kể với anh chị về cuộc sống của chúng tôi, về bố tôi, me, dì và anh chị em ở Hà Nội. Khỏi phải nói, nhìn chúng tôi, cách ăn mặc, hành lí đồ dùng mang theo là chị biết chúng tôi sống ra sao rồi. Có điều, tôi bảo chị, bọn em đã quen, nhiều lúc không nhận ra mình khổ cực chi hết, sống đơn giản lắm, và bằng lòng với mình. Tôi giải thích khi chị hỏi, làm gì có chuyện người ngoài đó gầy đến mức cả gần chục người leo lên cành đu đủ mà cành không gẫy! chắc đó chỉ là chuyện hài hước châm biếm thôi. Còn chồng em chị đừng ngại, anh ấy theo ba mẹ tập kết ra Bắc, rồi học đại học cùng lớp với em, năm 1972 anh ấy đi nghĩa vụ quân sự rồi chuyển về dạy học trong quân đội, và thành bộ đội cộng sản thôi mà, người hiền khô và vui tính lắm rồi chị sẽ thấy. MQ nghe tôi nói chỉ cười ngượng. Tôi kể, những năm qua, ngoài Bắc, sống và làm việc kiểu bao cấp nghĩa là nhà nước lo đủ thứ, ai cũng nghèo như ai, gần như vậy! Tất cả quen với chế độ tem phiếu rồi, lương thực thực phẩm vải vóc, đến cả hàng tết nữa, mỗi nhà được mua túi hàng có hộp mứt, ít miến, gói chè, thuốc lá, cả miếng bóng con con nữa đều bằng tem phiếu hết. Chị cứ xoe tròn mắt nghe tôi kể. Vậy mà ai cũng vui vẻ, thương nhau lắm, tình cảm lắm, và chỉ nghĩ là tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt, nên có vất vả bao nhiêu đều chịu đựng được. Đến bây giờ, hòa bình thống nhất rồi, chắc nước mình sẽ xây dựng lại dần cho giầu mạnh hơn. Còn các anh chị, bà con trong này, em nghĩ cứ làm ăn bình thường thôi mà. Làm gì quen nấy, các anh chị đang buôn bán cứ buôn bán, phải vất vả lắm mới có cơ ngơi như anh chị phải không ạ chứ có phải mọi thứ từ trên trời rơi xuống đâu. He he cô này nói đặc giọng cộng sản à nhưng có lúc nghe cũng được, chị cười trêu tôi. Mà này, hay là cô vào Đảng rồi? Dạ không, chưa vào, chị ạ, chưa mà, tôi lí nhí đáp. Rồi chị hỏi tôi vào đây được bao lâu, có kế hoạch ý định gì không, cứ yên tâm ở nhà chị nghỉ ngơi nhé đừng ngại gì. Tôi bảo…dạ…mai nhờ chị dẫn tụi em đi thăm bác và các anh chị (khác), trong một vài ngày, rồi bọn em phải về thăm gia đình bên nội của MQ, đi chơi chợ Sài Gòn một chút rồi ra Nha Trang thăm bà nội cháu. Trong suốt cả chặng đường nói chuyện khá nhiều với anh chị, tôi không ca ngợi Sài Gòn hoa lệ, bởi không phải giống lúc trước là chưa kịp biết thích hay không thích, mà thực lòng lúc này tôi chưa thấy thích. Và chính cái sự không ca ngợi ấy, hình như, khiến chị tôi không khoái lắm. Tôi không nói dối để lấy lòng chị được.
Đến cửa hiệu ăn rồi. Chúng tôi được anh chị thết thịt bò bảy món. Tôi biết đó là món ăn ngon sang trọng nhưng vì tôi còn mệt nên ăn uống lờ đờ chứ không phải vì gìn giữ ý tứ gì. Tất nhiên, để ăn được, anh chị phải hướng dẫn chứ vợ chồng tôi ngố lắm, có biết gì đâu. Bé Hoa ngơ ngác nhìn, tuy không nói ra được nhưng chắc cháu thấy mình và bố mẹ như có phép thần thông bay đến một thiên đường kì lạ đầy rẫy sắc màu rực rỡ, và món ăn ngon chưa bao giờ nếm thử trong đời. Thật là đầy rẫy mâu thuẫn, tôi dùng chữ "thiên đường" cho vui vậy, chứ không có nghĩa là tôi ước mơ sẽ được sống mãi thế này.
Ra về, nghỉ ngơi một chút, vệ sinh rồi đi ngủ. Vẫn thế, chỉ có bố con MQ ngủ, còn tôi nằm nghĩ liên miên, tưởng tượng rồi mình gặp những ai, đi những đâu, và bao giờ thì gặp má, gặp cậu, xem má và cậu mợ sống ra sao đoàn tụ thế nào.
Hôm sau, chúng tôi thăm chị Nguyệt và chị Trà (hai chị sống độc thân), và gia đình anh Thụy với bác dâu, gia đình chị Mẫn. Hai chị ở hai nhà khác phố nhưng gần nhau. Cả hai chị đều không lấy chồng, sức khỏe yếu. Với ai cũng thế, khi mới gặp, các anh chị đều như ngại ngại, ngại nhất là cô em mình cứ đi kè kè với “anh cách mạng”, mà sao không kè kè được, chồng nó mà lại! Nhưng chỉ sau ít phút, chúng tôi đã phá tan không khí căng căng ấy bằng những câu nói mộc mạc, giản dị mà khôi hài. Các anh chị hầu như quên mất, tôi là cô em bé nhất nhà, cách xa các anh chị tuổi đời, ngày các anh chị ra đi tôi không biết không nhớ gì, chỉ mải mê chơi trò bán hàng, ô ăn quan, đánh chắt đánh chuyền thôi. Cứ thế, nhất là các chị, thôi thì chuyện ngày xưa, chuyện từ khi còn ở làng quê, chuyện ở Hà Nội đủ thứ các chị tuôn trào vừa kể vừa khóc, khóc rồi lại cười khiến tôi xúc động mặc dù có những chuyện nghe lạ lắm, tôi không có khái niệm gì. Vì thời gian ít, tôi không dám ngồi yên hoặc nằm mãi trên giường nghe các chị tâm sự, tôi phải ngồi dạy tranh thủ vừa nghe chuyện vừa lấy chổi buộc cán vào quét mạng nhện trên trần nhà, nhất là hai chị độc thân tuổi cao mà còn hay bị chóng mặt nữa. Rồi tôi lau nhà, dọn dẹp những chỗ vướng mắt. Chả gì thì tôi còn trẻ, mới 28 tuổi thôi mà. Tôi bảo các chị trông tôi gầy gầy thế thôi chứ tôi làm khỏe lắm, các chị đừng ngại.
Hôm sau nữa, chúng tôi xin phép đi thăm bên họ nội. Chả là anh Hồ Vinh, con bác ruột của MQ đã gửi thư liên lạc từ trước nên chúng tôi mới biết đường vào. Chúng tôi tới khu dệt Bảy Hiền. Nhiều bà con họ hàng bên nội của chồng tôi rời Quảng Nam ra đây làm ăn từ lâu. Chúng tôi nghỉ chính tại nhà bác dâu (bác ruột của MQ đã mất sớm), ở cùng với chị Hai Ngự của MQ, chị không lấy chồng. Suốt ngày máy dệt chạy ầm ầm, bác và chị nói tiếng Quảng Nam, tôi không hiểu, MQ phải “phiên dịch” hộ. Bác và các anh chị rất tình cảm, có vẻ rất thương quí MQ, và quan tâm đến hai mẹ con tôi lắm. Chị Hai hay dẫn mẹ con tôi ra chợ cho ăn đủ thứ quà bánh, qua hiệu bánh mua mấy trăm gram bánh qui ngon ơi là ngon. Nhắc đến bánh qui tôi chợt nhớ ở ngoài Bắc, mỗi dịp tết, tôi mang 2 kg bột mì (mua theo tiêu chuẩn lương thực), 10 quả trứng gà, 1 kg đường ra xếp hàng thuê làm bánh qui. Phải đi từ giữa đêm, tự đánh lấy trứng, trộn đường, trộn bột vào rồi nhà chủ đánh cho nhuyễn lăn ra từng lớp mỏng, khách tự ấn khuôn cho ra bánh qui theo các khuôn mẫu, xong nướng lò từng khay, khi ra lò bánh thơm phức nhưng ăn thì cưng cứng, không thể mềm mà vẫn xốp thơm sực mùi bơ như bánh chị mua ở đây. (cứng vậy mà bọn trẻ chả được ăn thoải mái, vì mẹ cháu còn giữ để mời khách đến nhà chúc tết).
Bữa nào chị cũng lo thổi nồi cơm rõ đầy, kho cá biển thật ngon, chúng tôi ăn veo veo. Ở đây, mặc dù là họ nhà chồng, nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái. Ngoài cơm cá là chính, chị còn hay làm món bánh tráng cuốn rau sống với thịt heo và tôm, nấu mì Quảng cho ăn nữa. Bác và chị luôn chăm sóc, nhìn chúng tôi ăn với vẻ thương cảm đặc biệt ánh lên từ những đôi mắt dịu hiền, khiến tôi rất cảm động, mặc dù tôi ít nói vì “bất đồng về ngôn ngữ” và lắm khi mắc cỡ. Bác gái luôn kể chuyện về má chồng tôi, rằng ngày xưa hai chị em cùng làm dâu, má thương bác lắm, má hay dúi cho bác mấy đồng ăn quà, hoặc chăm bác tận tình khi đau ốm. Rồi chúng tôi được dẫn sang nhà bác dâu khác (vợ hai của bác ruột MQ), ở với các anh Hồ Cảnh và Hồ Vinh. Bác gái là người Bắc, khi ấy nhà nghèo lắm, tôi nhớ trong nhà còn một quả trứng vịt thôi, nhưng bác dành cho bé Hoa khiến tôi rất cảm động. Rồi chúng tôi thăm vợ chồng chị Ba là em gái chị Hai Ngự. Anh chị đông con, làm nghề dệt vất vả, cháu đầu lòng thì bị tật, cả nhà cũng quan tâm thật tận tình. Các anh các chị ái ngại cho vợ chồng tôi vì cứ tự hình dung ra cảnh khổ cực hơn cả thực tế chúng tôi chịu đựng. Chúng tôi phải giải thích thanh minh hoài, rằng cả hai tụi em đều có lương nhà nước, được cung cấp đủ thứ thiết yếu là tốt rồi; chưa có nhà riêng nhưng con nhỏ nên ở nhờ tạm bên ông bà ngoại, hoặc nếu không thì ở khu tập thể của trường, chứ không phải "màn trời chiếu đất" đâu. Các anh chị bảo chúng tôi hãy đưa các con vào đây, rồi làm nghề dệt, có nhiều công việc lắm, từ từ là quen. Chúng tôi cảm động vì sự quan tâm của các anh chị nhưng cảm ơn và từ chối. Tóm lại chỉ mấy ngày thôi, Bảy Hiền đã để lại trong tôi những tình cảm thân thương khó tả.
Chúng tôi tìm đến chợ Trời của Sài Gòn. Ở đây có bán cơ man nào quần áo, mới cũ đủ kiểu. Chúng tôi xà vào đống quần áo cũ lục lọi mê mẩn, nhưng mua rất ít, không vì đắt, vì sợ quần áo bẩn, mà vì phải giữ tiền, hành trình còn xa lắm, và nhất là phải để tiền biếu má. Bấm bụng mãi, tôi mua một con búp bê to cho con chơi, tịnh không khuân vác hàng hóa gì cả.
Không mua hàng hóa, nhưng các bác và mấy anh chị ở hai họ đều cho quà miền Nam, nào là vải may quần áo, chồng đĩa nhựa to tướng, đồng hồ đeo tay xinh xinh, bánh trái các loại. MQ nhất quyết mang ra Bắc một chồng bánh tráng dày để làm món cuốn mà cả hai vợ chồng đều thích. Chúng tôi phải từ chối bớt quà, vì ngại mang nặng, đường xa mà tôi thì say xe, còn về thăm má nữa, đi lại lếch xếch lắm thứ chỉ khổ thân MQ thôi. Với lại, thực tâm sâu xa, tôi cảm thấy lòng tự ái luôn trỗi dạy khi văng vẳng đâu đây, người ta vẫn bảo “miền Nam nhận họ , miền Bắc nhận hàng”, tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Nói có quỉ thần hai vai chứng giám, ngày đó dù rất nghèo và thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng tôi không ham hố cái gì. Nhất là tôi lại có hoàn cảnh đặc biệt, như phần đầu kể, khiến tôi ghét …tiền nên càng không tham!!! Tuy nhiên, khi trở ra, vợ chồng tôi không cách gì chối từ được, đó là phải nhận từ bác dâu và chị Hai Ngự hai chỉ vàng – cầm trong tay nâng niu mà không hề có khái niệm nó quí đến mức nào, có giá trị cụ thể ra sao chỉ biết rằng đó không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà là tấm lòng là tình yêu thương của bác, của chị. Và sau này ra Bắc, thi thoảng tôi cứ giở ra ngắm nhìn để đắm chìm trong một nỗi xúc động nghẹn ngào khó tả.
Chúng tôi rời Sài Gòn đi Nha Trang, lần này có thuốc chống say của chị Hoàn chuẩn bị cho, hai mẹ con tôi không bị nôn nữa mới thần kì chứ. Tôi chỉ mệt và xuống cuối xe xin nằm ở mấy ghế thừa không ai ngồi, hoặc sau đó trở ra Đà Nẵng, Huế, nếu xe chật chội thì nói mọi người thông cảm rải ni lông ngay lối đi mà nằm cho đỡ cảm giác buồn nôn.
Về Nha Trang, thật cảm động khi được gặp lại má, gặp lại cậu - và bây giờ gặp thêm mợ cùng các em nữa. Cậu mợ ở với vợ chồng em Hạnh, trong một căn nhà riêng tại một con phố yên tĩnh, em thứ hai là Phúc thì học và dự định lập nghiệp ở Sài Gòn. Chẳng phải hỏi thì chúng tôi đã cảm nhận rõ hạnh phúc ngời lên ấm tỏa trong gia đình cậu, bù lại bao nhiêu năm xa cách nhau thương nhớ lo âu khắc khoải. Cậu và mợ đều giữ trọn tình chung thủy, và cùng với các em nữa, chịu đựng vượt qua bao gian khổ khó khăn thậm chí hi sinh cả xương máu cho ngày hôm nay đoàn tụ. Chúng tôi nhớ cậu, tìm đến, chuyện trò chia sẻ và xúc động vô cùng. Bây giờ, cậu đối với tôi đã thân thiết chẳng khác gì với MQ, cháu ruột thực sự. Bỗng nhiên, tôi chợt buồn khó tả khi nhớ về ngày đầu chúng tôi yêu nhau, không chỉ gia đình tôi phản đối, mà chính cậu, cậu đã ngăn cản rằng, MQ không nên lấy tôi, vì gia đình tôi không thuộc thành phần cơ bản! Nhưng may là má thì bảo tùy ý MQ quyết định, nên không có gì quá căng thẳng, và chúng tôi đã vượt qua ngăn trở của cả hai gia đình để đến với nhau. Và rất nhanh chóng, chắc do trời định thôi, tôi gạt bỏ được lòng tự ái từ khi nó chớm bùng nổ, để giữ được trọn vẹn mối tình đầu với người mình yêu quí. Rồi cả cậu nữa, cậu không cố chấp, cậu đã quan tâm và thương sót mẹ con tôi từ khi bé Hoa còn non nớt, không được bố ở bên chăm sóc vì bố đi bộ đội vắng nhà. Mà thôi, đã bẩy năm rồi, hãy mỉm cười vì những gì thật tốt đẹp của ngày hôm nay đi chứ.
Chứng kiến và hoàn toàn yên lòng mừng vui vì hạnh phúc của cậu mợ và các em, những ngày ở Nha Trang, chúng tôi chỉ thi thoảng mới thăm cậu, còn chủ yếu ở với má. Má sống một mình, thương lắm. Hàng ngày má lụi cụi nấu nồi cơm con, kho mấy con cá nhỏ bằng mấy cái củi cái lá khô luơ quơ ngoài vườn chuối. Má chỉ vui khi đi họp chi bộ Đảng thôi, vì gặp được người này người kia. Má có bán thêm tí dầu hỏa để người ta thắp đèn, đựng trong cái chai bé tí. Tôi chỉ nhớ thế, không thấy má bán gì nữa để kiếm thêm mấy đồng và cũng là để đỡ buồn. Chúng tôi ở với má có ít ngày nhưng được má chia sẻ tâm tình chuyện thầm kín buồn cười, mà trước đây ở ngoài Bắc, có lẽ vì má con gặp nhau vội vàng và luôn bận rộn nên không có dịp.thuận tiện mà kể. Má bảo lẽ ra má không lấy ba thằng MQ, vì má thích một ông khác cơ, ông ta làm nghề hỏa xa, chứ không đo đạc ngoài đường (thuộc Sở Lục lộ???) như ba nó. Nhưng vì hai nhà thân nhau, nên ông bà thằng MQ bắt má lấy ba. Khi cưới xong, đêm tân hôn má phải chạy ra ngoài bỏ đi cho bõ ghét. Sao thế hả má? (tôi chen ngang). Má cười bảo tại ba mày đen quá, xấu lắm, không trắng trẻo đẹp trai như cái ông kia. Nhưng rồi nói thế chứ má vẫn phải quay vào, sợ ông bà la về sau mới dần dần thương vì ba mày thật thà, hiền và tốt lắm. Bọn tôi lăn ra cười, riêng tôi thầm nghĩ muốn chêu má mà không dám nói, má trắng quá, ngày xưa chắc má đẹp lắm, thì lấy ba con đen và xấu là đúng rồi còn gì, qui luật bù trừ mà.
MQ tranh thủ thời gian dẫn hai mẹ con thăm họ hàng bên ngoại, tức là họ bên má, rồi nhờ người đưa chúng tôi lên vườn ông ngoại rộng lắm. MQ hẳn phải bồi hồi xúc động hơn tôi, bởi chính tại mảnh vườn này, ông ngoại MQ đã bị địch bắn chết, và nấm mồ liệt sĩ vẫn còn kia, trong nghĩa trang yên lặng. Cũng từ mảnh đất này, ba anh em (anh Hồ Hồng 12 tuổi, anh Hồ Quảng 9 tuổi, MQ 6 tuổi) đã tự nuôi nhau, đi mót lúa ở ruộng, rồi bà con thương tình mỗi người cho từng bát cơm, manh áo, khi mà cả ba và má bị bắt vì hoạt động cách mạng tại cơ sở, đang ở trong nhà tù (MQ có anh cả lớn nhất Hồ Anh Thơ khi đó đã làm liên lạc, thoát li lên chiến khu). Cũng tại nơi này, hôm nay, chúng tôi được chú em con nhà dì tự tay đánh bắt cá dưới sông lên nướng cho ăn, rồi trảy sa cu chê, khế ngọt, ổi…. Vườn nhà ai cũng rộng, đi vào là lạc lối luôn. Chúng tôi thăm gia đình hai dì, là em ruột của má, rồi thăm các cậu dì họ trước tập kết ra Bắc, nay trở về Nha Trang hết cả, mừng vui không sao tả xiết.
Nghỉ phép có hạn thôi. Chúng tôi phải ra Bắc, để lại má thui thủi một mình. Chúng tôi biếu má ít tiền để má bồi dưỡng thuốc thang như đã chuẩn bị, và sau đó cùng các anh bàn bạc thống nhất, đều đặn hàng quí mấy anh em gửi tiền vào má chứ không thể để má sống quá thiếu thốn bằng đồng lương mất sức lao động cực thấp (trước kia khi tập kết ra Bắc, thoạt đầu má làm cấp dưỡng ở các trường học sinh miền nam, rồi sau nghỉ mất sức). Phải mấy năm sau đó, các anh của MQ mới lần lần trở về lúc đầu anh thì ở Sài Gòn, anh thì ở Hà Tiên. Có hai anh rốt cuộc đều chuyển về Nha Trang, nhưng do hoàn cảnh riêng, chẳng ai sống cùng với má thực sự, mà chỉ tạm thời từng quãng thời gian ngắn ngủi.
Lần trở ra này, chúng tôi vẫn đi ô tô liên vận, nhưng bệnh say của tôi đã thay đổi về chất nghĩa là tôi chỉ mệt, không nôn lần nào. Phần lớn do thuốc, nhưng một phần là tôi tự biết tư thế nằm khiến đỡ say hơn. MQ bớt vất vả hơn nhiều. Chỉ trên đường trở ra, tôi mới nhâm nhi thấy ly chè Đà Nẵng là ngọt thơm đa mùi vị, thấy bát mỳ Quảng, bát bún Huế là đặc biệt, là không thể na ná từa tựa với bát gì của miền Bắc. Chỉ có gà Quảng Ngãi thì phải khá lâu về sau tôi mới được biết, nó không xuất hiện trong thực đơn của cuộc hành trình này. Trên những con đường miền Nam, rồi qua miền Trung, trời đều nóng bức nên đôi lúc cảm thấy mát mẻ như ăn chè, uống trà đá chẳng hạn, nhưng qua đèo Hải Vân là thay đổi rồi, trời thu dịu mát se se lạnh. Chuyển sang đi tàu hỏa, ban đêm bé Hoa lại được xỏ vào cái áo len cộc tay, mà tôi dùng các mẩu len cũ nối vào nhau đan pha màu nên đầy nút chằng chịt bên trong, lại mặc đồ từ quần ka ki hoặc quần bộ đội cũ tôi phá ra may vớ may vẩn. Còn tôi, tôi lại thủng thẳng chui vào cái áo chui đầu vải bông mỏng màu xanh công nhân đã cũ, chiếc áo -phải, chiếc áo duy nhất trong đời MQ sắm cho tôi, mà lúc mới mang về, tôi không biết đâu là đằng trước đâu là đằng sau, khiến MQ cứ trêu tôi mãi. Còn tôi thì đùa rằng, MQ ghê gớm lắm, MQ mua cho tôi cái áo cực xấu bởi MQ muốn tôi xấu đi trong mắt mọi người, có vậy MQ sẽ yên chí không đấng mày râu nào thèm để ý đến tôi, và bất luận trong hoàn cảnh nào, tôi biết và chỉ biết có MQ mà thôi.
Chúng tôi nghỉ thì ít, đi lại mệt nhọc thì nhiều, ngơ ngác trên đường phố Sài Gòn, ngẩn ngơ với con sông, với những vườn cây Nha Trang, rồi bận rộn vui buồn khi gặp gỡ người thân, tôi đâu có thời gian để nhớ gia đình ở ngoài Bắc, nhớ bố mẹ, anh chị em và nhớ con trai bé bỏng của mình đang gửi bà. Tôi không mang được đồ chơi gì về cho con, ngoài con búp bê thì Hoa dành lấy là chủ yếu và chỉ cho em chơi ké nhờ một tị.Thương con quá, mà con thì ngây thơ có biết gì đâu mà trách móc, mà dỗi dằn cơ chứ.
Các thứ quà trong Nam chuyển ra đem chia cho mọi người trong đại gia đình tôi ngoài Bắc rất vui vẻ không có chuyện gì, trừ trường hợp cậu em. Chuyện là có mảnh vải trắng pha nilon mấy chị ở xóm dệt cho, tôi thấy hợp với nam, nên bàn với chồng, mảnh này may được hai sơ mi cộc tay, vậy để MQ may một chiếc, còn một thì đem cho Vinh - em trai tôi, nó mới ra trường chuẩn bị đi làm chắc cần diện một chút. Lâu nay anh chị cứ bấn bíu, chẳng mấy khi quan tâm đến em, chỉ đưa bố chút đỉnh từ lương hàng tháng để góp thêm nuôi em, là yên lòng rồi. Bây giờ tôi muốn cho em vải, tất nhiên là MQ đồng ý ngay.Vậy mà vẫn không ổn.
Chả là tình cờ nghe tin anh chị đi phép miền Nam mới ra, em tôi chạy sang hỏi thăm, thế là tôi đem ngay vải ra khoe và bảo đây là quà tự tay chị của anh MQ dệt đấy, anh chị cho em để may mà đi làm, em xem có thích không này.Cậu em đang vui vẻ phấn khởi để tôi ướm vải vào người thì me tôi bỗng rất “hồn nhiên” không kiềm chế được: “Ơ tôi tưởng vải để cho cậu MQ may chứ chị?” Chúng tôi ớ ra vì Vinh còn đang đứng đó. Tôi vội giải thích “Không không, nhà con có rồi me ạ. Mảnh vải xẻ đôi mà, để em Vinh may”. Chuyện đến tai dì tôi, mẹ sinh ra em. Dì kêu la um xùm và cho rằng cả nhà tôi không thật lòng, anh chị bảo cho, me thì bảo không, nên dỗi không cho em nhận nữa. Thật khổ thân tôi, tôi phải sang tận nhà kể từ đầu đến đuôi để dì hiểu và thông cảm, mãi sau phải nhờ bố tôi can thiệp mới xong. Về nhà tôi không dám căng thẳng với me ngại me tự ái, ai bảo vô tình hai vợ chồng bàn nhau mà không cho me biết. Mà của đáng tội, nguyên nhân là do me tôi sót ruột, sợ tôi phân chia hết không quan tâm đến MQ mà. Tôi chả muốn nghĩ gì nhiều nhưng buồn lắm, giá như đừng có vải thì đâu sinh chuyện. Bây giờ nghĩ lại mới thấy đúng là ngày ấy nghèo quá. Chỉ vì một chút sơ xuất thôi là hiểu lầm nhau ngay. Mà thật khổ, cái tấm vải ấy pha đặc nilon, may lên mặc bí và nóng điên chứ có sung sướng gì cho cam.
Rồi cũng qua đi mọi chuyện. Chúng tôi trở về với cuộc sống thường nhật. MQ vẫn đi dạy học xa nhà. Thường hàng tuần có thể về, nhưng nếu phải dẫn sinh viên thực tập đâu đó, hay đi lao động, hay chấm thi, thì không về được. Những kì đó, MQ và tôi lại gửi thư cho nhau, tâm tình kể lể đủ thứ chuyện cứ như xa hàng tháng hàng năm không bằng. Hồi đầu, MQ viết thư còn ngắn, sau “lây” tôi, thư nào cũng tràng giang đại hải cả 4, 5 trang thật lớn.
Một lần, như “rình” chủ nhật MQ không về, mâm cơm nhà tôi có đúng một đĩa rau lang luộc, chấm với bát nước muối, vì nước mắm hết rồi.Đen đủi làm sao, bữa ấy, anh Quy, trưởng phòng tôi đến chơi thăm, đúng lúc nhà tôi ăn cơm. Eo ơi tôi xấu hổ quá, ngượng quá, ai đời chủ nhật mà lại ăn uống thế này. Tôi chỉ muốn có cái lỗ chui lẩn xuống đất mà trốn thôi. Tôi luống cuống tiếp khách, không còn tâm trí nào. Tôi không biết anh Quy có nghĩ gì không, hay chỉ tại tôi có bệnh tự hành mình phức tạp quá. Tự nhiên tôi thầm trách sao MQ chủ nhật này không về để cho tôi chịu cái cảnh bần hàn này trước mặt khách, bởi nếu có MQ, chắc hẳn tôi phải bằng mọi cách cào cấu ở đâu ra một cái gì đó khác với đĩa rau lang luộc duy nhất này. Tôi còn thầm trách trưởng phòng sao đến chơi muộn thế, vào đúng bữa ăn, mà không phải từ sáng chẳng hạn, trách lung tung một cách hết sức vô lí.
Bác sĩ yêu cháu
Vài năm đầu còn nhỏ, ngoại trừ trận lồng ruột, Tuấn, con trai tôi khỏe mạnh, bụ bẫm, hồng hào trắng trẻo. Nhưng sang năm thứ ba thì bắt đầu lở ghẻ mụn nhọt, như chị cháu hồi trước, và hơn thế bởi đau liên miên đợt này đợt khác. Đi phép miền Nam ra, tôi thấy cháu càng bị nặng hơn. Suốt ngày thôi thì bôi đủ thứ, Xanh-mê-ty-len, rồi cạo bột kháng sinh Tetracycline rắc vào đau thót ruột gan mà chẳng khỏi, cho đến một ngày, cháu bị đi tiểu ra máu. Lần này thì không thích cũng phải vào bệnh viện 108 thôi, và nhập viện hẳn hoi, chứ không sang bệnh viện Việt Đức cấp cứu được. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị viêm cầu thận cấp, cho chỉ định tiêm kháng sinh Peniciline liều cao 35 ngày liền. Mới 30 tháng tuổi, nhưng Tuấn đã nói sõi lắm, và “khôn” ra trò. Khi phải tiêm trích hay rút máu gì ấy ở cổ, các cô yêu cầu tôi ra ngoài, thoạt đầu cháu khóc thét gọi theo mẹ, nhưng thấy mẹ không thể vào được, bé liền thôi khóc, chỉ hơi nấc lên và bảo “cô ơi cô yêu cháu nhé”. Các cô dỗ cháu “ừ ừ, cháu ngoan các cô yêu cháu, các cô chỉ làm một tí là xong ngay” Tôi đứng nép bên ngoài, nghe và thương con quá chừng, thương chỉ chảy nước mắt chứ không dám khóc to.
Rồi cháu được một bác sĩ Nhi theo dõi điều trị. Nghe mọi người kháo nhau, bác sĩ này giỏi nhất nên tôi thấy bớt lo phần nào. Cháu bị tiêm đau quá, và kháng sinh lâu tan, nên cứ phải đổi chỗ luôn, tay bên này tay bên kia chân này chân nọ, càng ngày càng đau cứng hết cả. Bác sĩ giải thích là phải điều trị thật tích cực, hi vọng cháu còn bé sẽ phục hồi sau này đỡ tái phát. Cứ chịu đựng mãi, bé thì chịu tiêm đau, chịu sốt, còn mẹ cháu thì chịu đựng thương con đau đến não lòng. Tôi đành xua tan căng thẳng đó bằng cách cho cháu “biểu diễn” đọc thơ để bác sĩ, các cô y tá, và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghe. Chả là cháu có khả năng thuộc rất nhanh, nhớ chính xác, nên tôi hay đọc cho nghe thơ bác Trần Đăng Khoa. Mặc dù cháu không hiểu nhưng cái giọng ngòng ngọng đọc lên sao mà dễ thương quá chừng, khiến cho mọi người say sưa và luôn yêu cầu cháu đọc đi đọc lại. Cả bác sĩ điều trị cho cháu mặc dù bận nhưng cùng nghe rất chăm chú, không mấy khi bỏ đi làm việc khác:
”Tôi chưa gặp bạn lần nào
Mà nghe thư bạn lòng sao bồi hồi
Bạn yêu đất nước của tôi
Trong trong dòng suối MẤY trời xanh xanh
Yêu bao bạn NHẺ hiền lành
Nụ cười hé nở mắt xanh ánh trời
Thằng Mỹ nó đến nước tôi
Búp bê nó giết bao người nó tra
Nó bắn cả cụ mù lòa
Nó THIẾU cả bé chưa và được cơm
Bạn ơi ai chẳng căm hờn
Làng tôi thêm lượt lên đường tòng quân
Miền Nam thắng trận đông xuân
Miền Bắc bắn LỤNG hàng ngàn máy bay
Chúng tôi đến lớp ngày ngày
Mũ LƠM tôi đội túi đầy thuốc men
Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ đê vẫn chú dế mèn vuốt LÂU
Chúng tôi chẳng sợ Mỹ đâu
Vẫn cười vẫn hát những câu LỘN LÀNG
Bao giờ bạn đến Việt Nam
Mà xem Mỹ chết mà thăm Bác Hồ….”
Cháu đọc hàng chục bài thơ mà tôi nhớ nhất là bài thơ trên đây. Những chữ viết in là chữ đọc ngọng (đáng lẽ là “mây, nhỏ, thiêu, rụng, rơm, râu, rộn ràng”) còn lại rất rõ ràng mạch lạc. Mấy chục năm qua rồi, tôi giữ nguyên trong tâm trí, mà không bao giờ tra tìm xem bài thơ này có chính xác không. Nếu bị nhầm lẫn chữ nào từ nào thì mong tác giả bài thơ và bạn đọc bỏ quá cho.
Qua hơn một tháng điều trị, cháu khỏi và ra viện. Tôi tìm gặp bác sĩ để nói lời cảm ơn, rằng nhờ có bác sĩ điều trị thật cẩn thận, kịp thời, chính xác nên cháu đã lành bệnh (tôi nói thôi chứ chẳng có quà gì đem biếu). Bác sĩ ngắt lời nhìn tôi rất hiền từ: “Không có gì đâu chị ạ, nhiệm vụ của chúng tôi mà. Thực ra, đã nhiều lần tôi giải thích với người nhà bệnh nhân rồi, hôm nay cũng xin nói với chị như thế, rằng ngoại trừ những bệnh cấp tính phải can thiệp bằng phẫu thuật, các cháu khỏi bệnh đa phần là do cơ thể, do cơ địa, do sức đề kháng, do nội tạng với sự tự chiến đấu không mệt mỏi. Cơ thể con người ta phức tạp lắm mà. Bác sĩ chỉ là người hướng dẫn giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân những việc làm, cách chăm sóc trong khi chữa bệnh, rồi cho những chỉ định cần thiết tác động thêm bằng thuốc men, chứ bác sĩ không phải là thần thánh gì. Ở đây, mọi người hay truyền nhau khen tôi chữa bệnh giỏi, tôi biết, tôi cảm ơn các vị, nhưng tôi không nghĩ thế, không phải vì tôi khiêm tốn hay gì gì cả. Bệnh nhân khỏi bệnh chủ yếu là do chính họ đấy thôi. Chị cho cháu về đi và theo dõi sát sao, thấy có gì khác thường thì khám lại, đặc biệt không được để cháu bị mụn nhọt kéo dài, bằng cách giữ vệ sinh, ăn uống đủ chất. Tôi khuyên chị làm được thế là khó, nhưng chị phải cố gắng nhé.” Một lần nữa trong đời, những tâm tình giản dị cởi mở đầy tâm đức của một “thiên thần áo trắng” cứ ngân vang, vang mãi trong tôi, không thể nào quên.
18 đêm thức trắng Ngày tháng cứ thế trôi đi, con rồi đến mẹ qua cơn bệnh thì mẹ lại say sưa lên đường đi công tác, bỏ lại vất vả cho bà me. Tất nhiên là tôi đi nhanh rồi về ngay. Đêm nào ngủ lại ở tỉnh, thì tôi thức trắng luôn, vừa nghĩ về công việc vừa tưởng tượng hai con mình ở nhà ra sao, có quấy bà nhiều không, có bệnh gì nữa không. Rồi đến cao điểm của chuyện đi công tác xa nhà là đợt làm hệ chương trình thống nhất xử lí số liệu một cuộc điều tra năm 1978 trên các phòng máy ở miền Bắc có máy C8205 và C8205 Z.
Chúng tôi chọn một tỉnh để tổ chức hội nghị, tập huấn, trình bày thảo luận xây dựng hệ thống xử lí. Mỗi tỉnh có máy sẽ cử kĩ sư chương trình đến tham gia. Cán bộ trung ương tức là chỗ chúng tôi chủ trì, trong đó tôi lo mảng thiết kế hệ thống và lập chương trình. Ngày ấy, tôi và chúng tôi nói chung đã được đào tạo bài bản gì về thiết kế hệ thống đâu, nên vẽ đại sơ đồ khối, khối vào, khối xử lí, khối ra, rồi chi tiết hóa từng công việc trong các khối ấy, bàn cãi cách tổ chức số liệu, kiểm tra số liệu thế nào, sửa sai ra sao, lỗi số học lỗi logic thôi thì lúc tranh luận lúc cãi nhau như mổ bò. Chả lạ gì mấy ông phần mềm, đủ cách tổ chức, thừa thuật giải, và luôn “văn mình vợ người” nên phản bác bạn dữ dằn lắm. Tuy nhiên, chúng tôi xác định cho anh chị em tinh thần xây dựng vì một hệ thống xử lí chung thống nhất. Chất lượng cao nhất của hệ thống là thước đo lòng tự trọng của mỗi người trong cái tập thể này, nghĩa là hãy thẳng thắn trên tinh thần khoa học, nghiêm túc, thừa nhận những ý kiến nào là hay nhất, mà không phụ thuộc ý kiến ấy là của ai, của người nhiều hay ít kinh nghiệm lập trình trên máy, là cán bộ trung ương hay địa phương., được đào tạo từ trường nào, trong nước hay từ nước ngoài về, bằng cấp trình độ ra sao. Kết quả là tranh luận hết sức sôi nổi, say sưa, nhiều lúc lên “cao trào” nhưng vui vẻ là chính, những tức giận dỗi dằn cá nhân lúc đầu dần dần bị loại bỏ. Phải mất đúng 18 ngày đêm lăn lộn để hoàn thành công việc. Riêng tôi, đó là 18 đêm thức trắng một cách tuyệt đối, đạt kỉ lục cao nhất và duy nhất trong đời tôi cho tới lúc này. Tôi không hiểu sao ngày đó mình có thể làm việc như vậy. Ở cùng phòng với tôi là Đường, một cô gái mới ra trường, chưa chồng, rất thông minh, tiếp thu nhanh chóng những kiến thức về máy qua thực tế và hòa nhập dễ dàng. Tôi rất quí em, hai chị em trở nên thân thiết cũng từ đợt công tác này, lúc nào cũng “dính” bên nhau chỉ ngoại trừ ban đêm, cô gái còn trẻ và rất vô tư nên ngủ thật say sưa, thi thoảng trở dạy hỏi: “Ơ chị vẫn chưa ngủ à?”, rồi lại ngủ tiếp tới sáng. Những lúc căng thẳng như thế, tôi đau đầu, nhưng áp lực của công việc, trách nhiệm, chỗ dựa tinh thần là MQ, cùng với hộp dầu cao sao vàng là những người bạn đồng hành kéo tôi, không phải gượng dạy mà mà đứng thẳng để đi một cách dứt khoát, kiên cường. Tôi đảm nhận viết một trong những phần chương trình quan trọng nhất của hệ thống, khoảng 2000 lệnh máy, viết, rồi tự đục trên băng thật cẩn thận, cố gắng chính xác đến từng chi tiết. Dữ liệu thử cho chương trình, tôi cũng tự làm, và kết quả rất bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của chính tôi, đó là chương trình chạy thông một mạch từ đầu đến cuối không bị tắc bất cứ một lỗi nào. Đấy cũng là chương trình duy nhất trong đời tôi không mắc lỗi, còn bình thường thì không kẹt đoạn này lại kẹt phần khác, phải tìm lỗi, phải thử, phải sửa dần để hoàn thiện chứ.
Làm việc thì căng thẳng như thế, nhưng ăn uống thì nghèo nàn. Đương nhiên vậy rồi. Chúng tôi không bao giờ cảm thấy mình khổ và mệt mỏi. Bữa ăn tập thể vẫn là bát canh rau cải cúc nấu suông nhàn nhạt hay mằn mặn, những miếng đậu phụ kho trăng trắng hơi xam xám. Và chỉ thế thôi, ngày nào cũng như ngày nào, hầu như không thay đổi. Có thể tôi nhớ nhầm, chắc có bữa phải thay đổi đi chứ, nhưng lâu ngày rồi, cái ấn tượng thật mạnh, sâu đậm trong trí nhớ tôi là canh cải cúc, đậu kho suông, đậu kho suông, canh cải cúc thế thôi. Sau khi hoàn tất sản phẩm, chúng tôi hoàn chỉnh tài liệu từ thiết kế hệ thống, mô tả cấu trúc dữ liệu cho tới hướng dẫn sử dụng chương trình, rồi tự tay đánh máy chữ và tự quay máy in Roneo tạo lập nhân bản phát cho mọi người mang về. Tất nhiên toàn bộ chương trình (trên băng đục lỗ) được sao ra để các tỉnh mang về sử dụng thống nhất. Còn trong thực tế, nếu có phát sinh do đặc thù số liệu và yêu cầu thêm đầu ra của địa phương, thì anh em trở về do đã nhúng mình vào tham gia xây dựng hệ thống, sẽ tự sửa cho phù hợp; tỉnh nào mới quá chưa làm tốt thì gọi trung ương về trợ giúp. Ngày cuối cùng, buổi sáng sớm, sớm lắm, chỉ mới 3, 4 giờ gì đấy, tôi bỗng nghe tiếng gà quang quác, sau mới biết là chúng bị cắt tiết. Chả là đoàn cán bộ lãnh đạo lên thăm, nghiệm thu công trình và dặn dò anh chị em trước khi trở về địa phương. Nhà bếp nhận tin các Sếp lên là phải cố gắng cải thiện. Nhưng nói thì to chuyện, vài con gà chứ mấy để mời các Sếp, còn tụi tôi thì vẫn ăn bình thường, mà không cảm thấy có gì “chạnh lòng” hay “thèm muốn”. Nói thế là bởi trong trí nhớ của tôi, tôi không nhớ có bữa liên hoan nào. Thành ra, nếu trong thực tế là có thì tôi thành thật xin lỗi bạn đọc, rằng tôi đã quên chứ không có ý gì gây căng thẳng trong chuyện này.
Các Sếp đến thăm chúng tôi ngay tại hiện trường, chúng tôi đang in tài liệu, sắp xếp đóng tài liệu. Các Sếp ở đây đều là Sếp mới cả, Sếp cũ cấp cao thì chuyển công tác đi xa, Sếp cũ trực tiếp là trưởng phòng Quy thì đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Sếp cấp cao phụ trách mảng máy tính, anh Nguyễn đã kêu lên, kinh ngạc gần như không nhận ra tôi. Sếp bảo tôi gầy sút đi nhiều quá. Tôi thay hình đổi dạng một cách khủng khiếp, chắc thế. Tôi không dám nói với Sếp rằng, tôi đã trải qua 18 đêm thức trắng, mà tôi còn tồn tại, lại vẫn tươi cười chào Sếp, vẫn có thể nói những câu bông đùa mà vẫn tôn trọng và phải phép với Sếp, thì đó là điều hết sức tốt lành, may mắn với tôi rồi. Tôi tiếc không nói được tiếng nói từ tận sâu trong trái tim mình, rằng chúng tôi tuy vất vả nhưng biết ơn các Sếp lắm, đã giao cho chúng tôi một công việc đầy ý nghĩa, đã gắn kết đội ngũ cán bộ với nhau, không phân biệt tuổi tác, trình độ, địa phương hay trung ương để phát huy trí tuệ tập thể làm nên một hệ thống xử lí dữ liệu thống nhất, tuy chỉ là một bài toán, một vấn đề nhưng đã là cơ hội để mỗi người trưởng thành lên rất nhiều. Tôi rất cảm động và còn khắc ghi mãi ánh mắt của Sếp nhìn tôi đầy thông cảm, có chút gì thân thương, một thứ tình cảm trong sáng đầy nhân nghĩa.Cũng bởi vậy, tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh tuy vô hình nhưng to lớn vô cùng.
Xong việc, chúng tôi chia tay nhau ra về. Tối hôm đó, tôi đang chuẩn bị ba lô túi xách thì cậu kĩ sư Trân ở Thanh Hóa đến tạm biệt tôi:
- Em chào chị. Em ra tàu tối về Hà Nội rồi về Thanh Hóa đây. Chị về sau và mạnh khỏe nhé chị.
- Có gì trục trặc khi chạy chương trình thật, em gọi cho bọn mình nhé. Em đi mạnh giỏi, nhớ giữ đồ kẻo ban đêm thất lạc, - tôi dặn em.
Đến khuya, tôi mới lên giường. Là đêm cuối cùng, càng không ngủ được, cứ loay hoay trằn trọc, tôi mới giật mình nhớ ra, lâu nay mình mải làm, quên cả mấy bà cháu ở nhà. Đang nghĩ miên man hết chuyện này sang chuyện khác, thì lại có tiếng gõ cửa “Chị Thư ơi, em sang chào chị. Chị ngủ được không? Biết là làm phiền chị nhưng không thể nào cứ im lìm mà về cho được. Chị thông cảm cho em nhé".
- (Lục tục trở dạy mời bạn vào phòng) Ôi, chào Công. Chị tưởng hai em đi tàu từ lúc tối rồi, cậu Trân có sang chào chị rồi mà.
- À không,…vâng,…bây giờ em mới đi
- Sao hai em không đi cùng cho vui? (vì làm cùng một phòng của cơ quan ) - Tôi hỏi.
- Em không thích đi cùng, em và cậu ta không thích nhau, không hợp nhau chị ạ.
- Ra thế…(tôi sững sờ buồn buồn khó tả)…Ừ à thế em về nhé, chúc chuyến đi may mắn. Chị mong hai em gần nhau hơn và thông cảm, hợp tác với nhau để xử lí cho tốt nhé.
Cả hai cậu, vào những lúc khác nhau gặp tôi, đều chuyện trò cùng tôi “nở như ngô rang” rồi tần ngần lưu luyến ra tàu, vậy mà chỉ khi nào nhắc đến bạn mình, là câu chuyện trùng hẳn xuống, và im lặng. Thực tình, tôi quí cả hai. Họ đều thông minh, nhiều đóng góp sáng tạo lắm, mỗi người giỏi một kiểu, đều là người tốt, nhưng giữa họ, luôn có hố sâu ngăn cách, tôi không hiểu được, chỉ lẩm bẩm một mình-Vậy mới là cuộc đời, mới là con người, eo ôi phức tạp quá, chứ có phải lâu nay mỗi mình tôi phức tạp đâu?
THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
Thăm quê chồng
Vài tháng sau khi chị tôi mất, là giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Tối ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi lên bờ hồ Hoàn Kiếm hòa vào trong dòng người nô nức đón tin vui. Hôm đó là thứ mấy, tôi không nhớ rõ, sau này tra tìm mới biết là thứ tư, tức là giữa tuần, vậy mà tôi không nhớ sao MQ lại về (hay vì biết tin thống nhất),và lên bờ hồ tìm gặp được tôi mới là lạ. Chắc MQ tìm đến cái chỗ chúng tôi hay ngồi bên hồ khi đi chơi hoặc dạo trong đêm Noel. Vậy là chúng tôi bỏ hai con nhỏ ở nhà để bà me trông cho, mà lên đây như một cặp tình nhân đang yêu nhau vậy. MQ làm hai câu thơ “tức khẩu” mà tôi cứ buồn cười mãi :
”Anh tìm trong đám muôn vàn
Thấy em mặt tròn như cái bánh xe!”
Ôi sao mà hồi ấy mặt tôi tròn như cái bánh xe được nhỉ? Khi chúng tôi yêu nhau trong trường thì tôi nặng 54 kg, sau khi có con đầu lòng đến lúc này (con thứ hai được hơn một năm), thì tôi sút nhiều chỉ nặng 46 kg thôi, nghĩa là gầy đét mà.Thôi thì tính MQ hay đùa vui nên thế. Chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, cầm tay nhau dung dăng dung dẻ như hai đứa trẻ, mắt ngời sáng khi đâu đây vẳng lên tiếng trống ếch rộn ràng. Chúng tôi lắng nghe như nuốt lấy từng lời qua loa phóng thanh nói về thời khắc đặc biệt của đất nước, rằng chiến tranh đã chấm dứt rồi, rằng đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, mà tim cứ đập thình thịch; thi thoảng nhảy cẫng lên reo hò nữa. Những lúc ấy, chúng tôi không kịp nghĩ đến má, sau 30/4 này, má dự định thế nào, và còn các anh của chồng tôi nữa. Chúng tôi chỉ liên tưởng ngay đến cậu Lê Hân, cậu sẽ về Nha Trang đoàn tụ với vợ con sau bao nhiêu năm xa cách.Tóm lại là chúng tôi chỉ hồn nhiên, rất hồn nhiên, và tất nhiên phải về sớm kẻo các con mong, và bắt tội bà me vất vả quá.
Ít ngày sau, tôi được tin má quyết định về Nha Trang ngay cùng với cậu. Má bảo má về trước, rồi từ từ mấy anh em về sau. Vậy là ngay sau niềm vui chung chấm dứt chiến tranh, tôi lại thấy buồn vì xa má xa cậu, những đấng bề trên tuy không phải ruột thịt, mà là ruột thịt của chồng, và thời gian tuy ngắn ngủi không dài những đã là rất đủ để tôi có những gắn bó thân thương, yêu kính. Chúng tôi tiễn má và cậu đi, những mong cậu về đoàn tụ gia đình thật hạnh phúc, và chỉ nghĩ đơn giản là má trở về sống cùng cậu mợ và các em, trong khi mấy anh em MQ, chưa ai về ngay.
Nhưng rồi, sự thật không phải thế. Má tôi có những mặc cảm. Mọi khi, chị em có nhau ở ngoài Bắc thì không sao, còn khi trở lại quê hương, má cảm thấy có một mình thật là lạc lõng, má không muốn dù chỉ là vô tình chạm vào hạnh phúc của em trên bất cứ phương diện nào, nên đã trình bày với chính quyền địa phương, xin lại một ngôi nhà thờ của họ Lê để ở tạm một mình. Cũng bởi lẽ ấy, về sau, chúng tôi thường xin nghỉ phép năm để về thăm má, hoặc tôi kết hợp công tác Nha Trang để về sống với má, cho tới ngày má trở về cõi vĩnh hằng.
Chuyến đi miền Nam của vợ chồng tôi lần đầu tiên là vào năm 1976. Lúc ấy là mùa thu. Chúng tôi mang theo bé Hoa. con gái đầu, cháu gần năm tuổi, còn bé trai thì gửi bà me ở nhà. Trước khi đi, tôi chuẩn bị sẵn, nấu ít cơm nếp đỗ đen và tí muối vừng, gói một loạt bánh chưng con để ăn đường. MQ được đơn vị cho mua theo giá cung cấp một xe đạp nam Trung Quốc, chúng tôi đành bán để lấy tiền vào Nam, và trích riêng một khoản tiền biếu má. Chúng tôi vào Sài Gòn trước, rồi quay ra Nha Trang sau mới trở lại Hà Nội. Để vô Sài Gòn, chúng tôi đi chuyến liên vận tàu hỏa đến Vinh rồi chuyển sang xe khách. Khi đi tàu thì không sao, còn từ lúc chuyển sang ô tô là tôi say ngay, say rất nặng. Không chỉ tôi, con gái tôi bị say luôn. Hai mẹ con thi nhau nôn liên tục. Một mình MQ vừa bế con ngồi lòng, phục vụ bé vừa đỡ đần tôi nữa. Mọi người ở trên xe ái ngại lắc đầu bảo “Gớm cái nhà anh này sao mà khổ, ai đời cả hai mẹ con cùng yếu và say thế cơ chứ” Tôi nôn liên tục, hết thức ăn thì đến mật xanh mật vàng và mặt cắt không còn hạt máu, người rũ ra. Còn con tôi thì nôn lung tung vào cả quần bộ đội của bố. Cái trò nôn say xe, ai trải qua mới biết, cứ nôn thế cho tới khi xuống xe mới thôi. Không thể tự nhiên cả chiếc xe lớn, chở bao nhiêu người chỉ vì mẹ con tôi mà thả khách xuống. Nên đành chấp nhận đến chỗ nào lái xe định cho nghỉ mới xuống tạm mà nghỉ. Tôi mệt lắm, không ăn uống gì được, chỉ nhắc MQ chịu khó lấy đồ ăn nước uống mang theo mà dùng kẻo mệt quá. Nhắc vậy, chứ tình thực MQ không có lúc nào mà ăn cả, cứ hết quay sang vợ lại quay sang con, thay khăn thay túi. Mãi sau, có lúc xe đỗ tạm để khách xuống “tự giải quyết nỗi buồn” thì tôi mới cố ôm con ngật ngưỡng và bảo MQ tranh thủ ăn uống tí chút gì thôi.
Xe chạy tới Huế thì dừng hẳn, ngủ qua đêm luôn sớm mai chạy tiếp. Vợ chồng tôi lếch thếch khăn gói vào quán ăn nhỏ đồng thời là quán trọ nghỉ tạm. Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe những âm thanh là lạ, những tiếng rao, tiếng mời chào rộn ràng, trong trẻo của các cô gái, của các bé bán rong đủ kiểu. Tự nhiên, người cảm thấy tỉnh hẳn ra. Chắc vì xuống xe chân được tiếp đất rồi nên bớt say. MQ mua bún bò cho hai mẹ con ăn. Bún nóng sốt thơm ngon nhưng cay ơi là cay. MQ lôi ra ăn nốt mấy nắm cơm nếp đậu đen chấm muối vừng mang từ nhà. Trời nóng, xe bí nên cơm nắm bánh chưng đều hơi chua ôi thiu rồi, mà vẫn phải ăn. Tôi tiếc công mình chuẩn bị chu đáo ai ngờ say quá không tiêu thụ được để bây giờ đồ ăn tanh bành thế này. MQ ăn xong chút ít, ăn cơm nếp là chính, còn một đống bánh chưng tôi đưa biếu chị chủ quán. Chị có một đàn con có vẻ vất vả nhếch nhác lắm. Tôi bảo chị chịu khó bóc ra đem rán lên mà ăn hộ bọn tôi cho đỡ phí. Tôi đặt con gái ngủ tạm, MQ đi tìm mua thuốc chống say cho tôi về mệt quá ngủ ngay, chỉ tôi là thao thức suốt đêm chờ trời sáng và nhẩm tính giờ đến Sài Gòn.
Từ Huế đi tiếp chặng đường dài mà tôi đỡ nôn hẳn vì có thuốc. Tôi có thể nhấm nháp lúc là bắp ngô luộc, khi thì cái bánh tráng, hay một nắm xôi vàng vàng tim tím. Nhưng tôi còn mệt, nên hầu như không ngồi thẳng được, và xin đổi ra gần thành xe, để tựa ngả đầu sẽ dễ chịu hơn. Mỗi khi lái xe bảo khách xuống nghỉ, MQ đi quanh đấy mua mấy thứ là lạ cho tôi nếm với một vẻ vui thích đặc biệt. MQ muốn nói với tôi rằng, quê anh nói riêng, và miền Trung Miền Nam nói chung có những trái cây, những kiểu bánh, cốc chè như thế đấy, mà quên rằng chính anh, anh cũng đang ngẩn ngơ về chúng. Anh rời xa quê hương cả hai mươi mấy năm còn gì, trong khi anh mới ba chục tuổi đầu. Càng đi sâu về phía Sài Gòn, tôi càng khỏe dần, không lả lướt nữa. Vì đường xá tốt, nên xe chạy cũng nhanh hơn, êm ả, dễ chịu hơn.
Đến Sài Gòn, chúng tôi thuê một xích lô về nhà chị Hoàn, con bác ruột tôi ở quận 3 thành phố, theo địa chỉ ghi sẵn, vì sau khi thống nhất, chị đã liên lạc với đại gia đình tôi ở Hà Nội rồi. Chúng tôi vào nhà chị, cảm giác đầu tiên là ngột ngạt bởi mùi xăng của mấy chiếc xe máy để ở tầng dưới, và lạ lẫm vì màu sắc của nhiều đồ đạc quanh nhà, chứ không một màu xam xám nhàn nhạt như nhà tôi ngoài kia. Lối vào hơi chật nên phải lách lệt xệt xách đồ đi qua, bỗng khự lại, chúng tôi xuất hiện trước một tấm gương lớn. Tôi rất ngạc nhiên gần như không nhận ra mình. Đầu tóc thì rối bù, mặt mũi lấm lem, áo sơ mi trắng (cố tình làm đỏm đây) xám lại hoen ố loang lổ đầy vết nôn, thức ăn rơi rớt, cái quần đen nhầu nhĩ xộc xệch, chân đi dép lê gì tôi không nhớ rõ. Tóm lại là một hình thù quái dị bẩn thỉu nhem nhuốc không thể tưởng tượng được. Con gái tôi đỡ hơn có lẽ vì có bộ mặt ngây thơ, ngơ ngác dễ thương, nó xóa lấp bớt những vết bẩn lem nhem trên áo trên quần. MQ trông khá hơn nữa, có lẽ vì tôi quen nhìn MQ suốt dọc đường khốn khổ phục vụ hai mẹ con rồi. Tôi xấu hổ lắm, không ngờ mình xuất hiện ở nhà chị với bộ dạng thế này. Cô giúp việc bấm chuông và chị tôi từ trên gác xuống đón chúng tôi lên nhà. Chị em tôi gặp nhau xúc động nhưng chắc không “lắm” vì khi chị di cư vào đây, tôi mới sáu tuổi, còn quá bé. Chị nhận ra tôi bởi chị bảo bé Hoa là hình ảnh y chang của tôi ngày xưa. Chồng tôi gặp chị là lần đầu. Chị xã giao chào hỏi, chứ thực tình tự cảm thấy có cái gì ngăn cách, “chồng cái Thư là bộ đội cộng sản đấy”- chị thường nhắc với mọi người trong họ mỗi lần gặp sau này. Chị chỉ dẫn cho chúng tôi tắm rửa thay quần áo, và một mâm cơm được chuẩn bị sẵn sàng. Chị bảo cả nhà chị ăn rồi, anh thì đi công chuyện chưa về, các con chị đi học cả. Chuyện trò một lát, chị lên tầng để chúng tôi tự nhiên. MQ và bé Hoa ăn ngon lành thích thú, có vẻ như vậy. Còn tôi thì rón rén nhâm nhi tí một. Mâm cơm thật nhiều món ăn, mỗi món đặt trong một cái đĩa hoặc bát xinh xinh, đĩa giò lụa, đĩa giò bò, đĩa xào giá với thịt nạc, bát canh riêu cá, đĩa rau muống xào tỏi, đĩa rau sống, bát mắm tép, đĩa thịt dọi luộc. Nồi cơm điện nhỏ, ba bát ăn cơm càng xinh nữa, tựa như những cái bát ngoài Bắc dùng để rót nước mắm, hoặc để múc chè.Tôi đói bụng, ăn thấy ngon nhưng không dám ăn hùng hục. Tự nhiên, tôi nghĩ, người ta bảo người Hà Nội ăn cơm cái giá cũng cắn đôi. Tôi bật cười, MQ ngơ ngác chả hiểu sao tôi cười. Cuối cùng thì chúng tôi không ăn hết nồi cơm, mặc dù lúc đầu tôi tưởng như tụi này sẽ nuốt chửng cả bát lẫn cơm cùng các thức ăn trên mâm đó. Chắc vì MQ có phần ngại chỉ ăn vừa phải, còn tôi thì rõ là không dám ăn thoải mái. Tôi quá quen cái cảnh xới liền ba bốn bát to thật đầy, cơm gạo mốc cơ, nở tung, chứ không phải cơm gạo mới trắng tinh deo dẻo thế này, và quen gắp những gắp rau to, những đĩa dưa muối đầy có ngọn. Thì thế mới là “Việt cộng” xểnh nhà, không ra thất nghiệp mà là ra ngố thiệt!!!
Buổi tối cả nhà đoàn tụ. Anh rể về, rất vui vẻ thoải mái. Anh chị có bốn con. Tôi chỉ một cháu, hỏi anh, cháu tên là gì ạ? Anh bảo từ từ đã nhé, anh phải tính tên chúng theo lối gọi thân mật ở nhà "tí teo tèo tẹo" đã. Ôi thật buồn cười và vui. Anh chị đều mải làm ăn, có người giúp việc. Chị là mẹ, lo lắng chăm sóc các con nhiều hơn nên không vô tư và vui tính như anh. Chuyện trò thăm hỏi một lát, anh chị đưa chúng tôi đi ăn hiệu. Anh tự lái xe nhà, một chiếc xe lịch sự, sang trọng. Dọc đường, phố xá sầm uất tấp nập, đèn xanh đèn đỏ đèn vàng hoa cả mắt. Một thành phố phù hoa, tôi chỉ có cảm giác lạ lẫm, chứ không kịp biết mình thích nó hay không. Tôi không được khỏe sau chuyến đi dài, lại bị say xe, nên chỉ thầm mong nhanh đến nơi. Tôi nghe chị nói chuyện câu được câu chăng, đại loại chị ca ngợi thành phố Sài Gòn hoa lệ và hoành tráng, thi thoảng hỏi về Hà Nội, về cuộc sống của chúng tôi ngoài ấy. Tôi cảm nhận được rõ, không biết có lầm không, là chị rất vui nếu chúng tôi xuýt xoa ngưỡng mộ Sài Gòn, và chia xẻ nỗi lo của anh chị về cuộc sống dưới chế độ mới những ngày sắp tới.
Dần dà, tôi bị cuốn vào cuộc đàm thoại và đỡ say. Đường phố đông nên xe đi chầm chậm.Tôi kể với anh chị về cuộc sống của chúng tôi, về bố tôi, me, dì và anh chị em ở Hà Nội. Khỏi phải nói, nhìn chúng tôi, cách ăn mặc, hành lí đồ dùng mang theo là chị biết chúng tôi sống ra sao rồi. Có điều, tôi bảo chị, bọn em đã quen, nhiều lúc không nhận ra mình khổ cực chi hết, sống đơn giản lắm, và bằng lòng với mình. Tôi giải thích khi chị hỏi, làm gì có chuyện người ngoài đó gầy đến mức cả gần chục người leo lên cành đu đủ mà cành không gẫy! chắc đó chỉ là chuyện hài hước châm biếm thôi. Còn chồng em chị đừng ngại, anh ấy theo ba mẹ tập kết ra Bắc, rồi học đại học cùng lớp với em, năm 1972 anh ấy đi nghĩa vụ quân sự rồi chuyển về dạy học trong quân đội, và thành bộ đội cộng sản thôi mà, người hiền khô và vui tính lắm rồi chị sẽ thấy. MQ nghe tôi nói chỉ cười ngượng. Tôi kể, những năm qua, ngoài Bắc, sống và làm việc kiểu bao cấp nghĩa là nhà nước lo đủ thứ, ai cũng nghèo như ai, gần như vậy! Tất cả quen với chế độ tem phiếu rồi, lương thực thực phẩm vải vóc, đến cả hàng tết nữa, mỗi nhà được mua túi hàng có hộp mứt, ít miến, gói chè, thuốc lá, cả miếng bóng con con nữa đều bằng tem phiếu hết. Chị cứ xoe tròn mắt nghe tôi kể. Vậy mà ai cũng vui vẻ, thương nhau lắm, tình cảm lắm, và chỉ nghĩ là tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền nam ruột thịt, nên có vất vả bao nhiêu đều chịu đựng được. Đến bây giờ, hòa bình thống nhất rồi, chắc nước mình sẽ xây dựng lại dần cho giầu mạnh hơn. Còn các anh chị, bà con trong này, em nghĩ cứ làm ăn bình thường thôi mà. Làm gì quen nấy, các anh chị đang buôn bán cứ buôn bán, phải vất vả lắm mới có cơ ngơi như anh chị phải không ạ chứ có phải mọi thứ từ trên trời rơi xuống đâu. He he cô này nói đặc giọng cộng sản à nhưng có lúc nghe cũng được, chị cười trêu tôi. Mà này, hay là cô vào Đảng rồi? Dạ không, chưa vào, chị ạ, chưa mà, tôi lí nhí đáp. Rồi chị hỏi tôi vào đây được bao lâu, có kế hoạch ý định gì không, cứ yên tâm ở nhà chị nghỉ ngơi nhé đừng ngại gì. Tôi bảo…dạ…mai nhờ chị dẫn tụi em đi thăm bác và các anh chị (khác), trong một vài ngày, rồi bọn em phải về thăm gia đình bên nội của MQ, đi chơi chợ Sài Gòn một chút rồi ra Nha Trang thăm bà nội cháu. Trong suốt cả chặng đường nói chuyện khá nhiều với anh chị, tôi không ca ngợi Sài Gòn hoa lệ, bởi không phải giống lúc trước là chưa kịp biết thích hay không thích, mà thực lòng lúc này tôi chưa thấy thích. Và chính cái sự không ca ngợi ấy, hình như, khiến chị tôi không khoái lắm. Tôi không nói dối để lấy lòng chị được.
Đến cửa hiệu ăn rồi. Chúng tôi được anh chị thết thịt bò bảy món. Tôi biết đó là món ăn ngon sang trọng nhưng vì tôi còn mệt nên ăn uống lờ đờ chứ không phải vì gìn giữ ý tứ gì. Tất nhiên, để ăn được, anh chị phải hướng dẫn chứ vợ chồng tôi ngố lắm, có biết gì đâu. Bé Hoa ngơ ngác nhìn, tuy không nói ra được nhưng chắc cháu thấy mình và bố mẹ như có phép thần thông bay đến một thiên đường kì lạ đầy rẫy sắc màu rực rỡ, và món ăn ngon chưa bao giờ nếm thử trong đời. Thật là đầy rẫy mâu thuẫn, tôi dùng chữ "thiên đường" cho vui vậy, chứ không có nghĩa là tôi ước mơ sẽ được sống mãi thế này.
Ra về, nghỉ ngơi một chút, vệ sinh rồi đi ngủ. Vẫn thế, chỉ có bố con MQ ngủ, còn tôi nằm nghĩ liên miên, tưởng tượng rồi mình gặp những ai, đi những đâu, và bao giờ thì gặp má, gặp cậu, xem má và cậu mợ sống ra sao đoàn tụ thế nào.
Hôm sau, chúng tôi thăm chị Nguyệt và chị Trà (hai chị sống độc thân), và gia đình anh Thụy với bác dâu, gia đình chị Mẫn. Hai chị ở hai nhà khác phố nhưng gần nhau. Cả hai chị đều không lấy chồng, sức khỏe yếu. Với ai cũng thế, khi mới gặp, các anh chị đều như ngại ngại, ngại nhất là cô em mình cứ đi kè kè với “anh cách mạng”, mà sao không kè kè được, chồng nó mà lại! Nhưng chỉ sau ít phút, chúng tôi đã phá tan không khí căng căng ấy bằng những câu nói mộc mạc, giản dị mà khôi hài. Các anh chị hầu như quên mất, tôi là cô em bé nhất nhà, cách xa các anh chị tuổi đời, ngày các anh chị ra đi tôi không biết không nhớ gì, chỉ mải mê chơi trò bán hàng, ô ăn quan, đánh chắt đánh chuyền thôi. Cứ thế, nhất là các chị, thôi thì chuyện ngày xưa, chuyện từ khi còn ở làng quê, chuyện ở Hà Nội đủ thứ các chị tuôn trào vừa kể vừa khóc, khóc rồi lại cười khiến tôi xúc động mặc dù có những chuyện nghe lạ lắm, tôi không có khái niệm gì. Vì thời gian ít, tôi không dám ngồi yên hoặc nằm mãi trên giường nghe các chị tâm sự, tôi phải ngồi dạy tranh thủ vừa nghe chuyện vừa lấy chổi buộc cán vào quét mạng nhện trên trần nhà, nhất là hai chị độc thân tuổi cao mà còn hay bị chóng mặt nữa. Rồi tôi lau nhà, dọn dẹp những chỗ vướng mắt. Chả gì thì tôi còn trẻ, mới 28 tuổi thôi mà. Tôi bảo các chị trông tôi gầy gầy thế thôi chứ tôi làm khỏe lắm, các chị đừng ngại.
Hôm sau nữa, chúng tôi xin phép đi thăm bên họ nội. Chả là anh Hồ Vinh, con bác ruột của MQ đã gửi thư liên lạc từ trước nên chúng tôi mới biết đường vào. Chúng tôi tới khu dệt Bảy Hiền. Nhiều bà con họ hàng bên nội của chồng tôi rời Quảng Nam ra đây làm ăn từ lâu. Chúng tôi nghỉ chính tại nhà bác dâu (bác ruột của MQ đã mất sớm), ở cùng với chị Hai Ngự của MQ, chị không lấy chồng. Suốt ngày máy dệt chạy ầm ầm, bác và chị nói tiếng Quảng Nam, tôi không hiểu, MQ phải “phiên dịch” hộ. Bác và các anh chị rất tình cảm, có vẻ rất thương quí MQ, và quan tâm đến hai mẹ con tôi lắm. Chị Hai hay dẫn mẹ con tôi ra chợ cho ăn đủ thứ quà bánh, qua hiệu bánh mua mấy trăm gram bánh qui ngon ơi là ngon. Nhắc đến bánh qui tôi chợt nhớ ở ngoài Bắc, mỗi dịp tết, tôi mang 2 kg bột mì (mua theo tiêu chuẩn lương thực), 10 quả trứng gà, 1 kg đường ra xếp hàng thuê làm bánh qui. Phải đi từ giữa đêm, tự đánh lấy trứng, trộn đường, trộn bột vào rồi nhà chủ đánh cho nhuyễn lăn ra từng lớp mỏng, khách tự ấn khuôn cho ra bánh qui theo các khuôn mẫu, xong nướng lò từng khay, khi ra lò bánh thơm phức nhưng ăn thì cưng cứng, không thể mềm mà vẫn xốp thơm sực mùi bơ như bánh chị mua ở đây. (cứng vậy mà bọn trẻ chả được ăn thoải mái, vì mẹ cháu còn giữ để mời khách đến nhà chúc tết).
Bữa nào chị cũng lo thổi nồi cơm rõ đầy, kho cá biển thật ngon, chúng tôi ăn veo veo. Ở đây, mặc dù là họ nhà chồng, nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái. Ngoài cơm cá là chính, chị còn hay làm món bánh tráng cuốn rau sống với thịt heo và tôm, nấu mì Quảng cho ăn nữa. Bác và chị luôn chăm sóc, nhìn chúng tôi ăn với vẻ thương cảm đặc biệt ánh lên từ những đôi mắt dịu hiền, khiến tôi rất cảm động, mặc dù tôi ít nói vì “bất đồng về ngôn ngữ” và lắm khi mắc cỡ. Bác gái luôn kể chuyện về má chồng tôi, rằng ngày xưa hai chị em cùng làm dâu, má thương bác lắm, má hay dúi cho bác mấy đồng ăn quà, hoặc chăm bác tận tình khi đau ốm. Rồi chúng tôi được dẫn sang nhà bác dâu khác (vợ hai của bác ruột MQ), ở với các anh Hồ Cảnh và Hồ Vinh. Bác gái là người Bắc, khi ấy nhà nghèo lắm, tôi nhớ trong nhà còn một quả trứng vịt thôi, nhưng bác dành cho bé Hoa khiến tôi rất cảm động. Rồi chúng tôi thăm vợ chồng chị Ba là em gái chị Hai Ngự. Anh chị đông con, làm nghề dệt vất vả, cháu đầu lòng thì bị tật, cả nhà cũng quan tâm thật tận tình. Các anh các chị ái ngại cho vợ chồng tôi vì cứ tự hình dung ra cảnh khổ cực hơn cả thực tế chúng tôi chịu đựng. Chúng tôi phải giải thích thanh minh hoài, rằng cả hai tụi em đều có lương nhà nước, được cung cấp đủ thứ thiết yếu là tốt rồi; chưa có nhà riêng nhưng con nhỏ nên ở nhờ tạm bên ông bà ngoại, hoặc nếu không thì ở khu tập thể của trường, chứ không phải "màn trời chiếu đất" đâu. Các anh chị bảo chúng tôi hãy đưa các con vào đây, rồi làm nghề dệt, có nhiều công việc lắm, từ từ là quen. Chúng tôi cảm động vì sự quan tâm của các anh chị nhưng cảm ơn và từ chối. Tóm lại chỉ mấy ngày thôi, Bảy Hiền đã để lại trong tôi những tình cảm thân thương khó tả.
Chúng tôi tìm đến chợ Trời của Sài Gòn. Ở đây có bán cơ man nào quần áo, mới cũ đủ kiểu. Chúng tôi xà vào đống quần áo cũ lục lọi mê mẩn, nhưng mua rất ít, không vì đắt, vì sợ quần áo bẩn, mà vì phải giữ tiền, hành trình còn xa lắm, và nhất là phải để tiền biếu má. Bấm bụng mãi, tôi mua một con búp bê to cho con chơi, tịnh không khuân vác hàng hóa gì cả.
Không mua hàng hóa, nhưng các bác và mấy anh chị ở hai họ đều cho quà miền Nam, nào là vải may quần áo, chồng đĩa nhựa to tướng, đồng hồ đeo tay xinh xinh, bánh trái các loại. MQ nhất quyết mang ra Bắc một chồng bánh tráng dày để làm món cuốn mà cả hai vợ chồng đều thích. Chúng tôi phải từ chối bớt quà, vì ngại mang nặng, đường xa mà tôi thì say xe, còn về thăm má nữa, đi lại lếch xếch lắm thứ chỉ khổ thân MQ thôi. Với lại, thực tâm sâu xa, tôi cảm thấy lòng tự ái luôn trỗi dạy khi văng vẳng đâu đây, người ta vẫn bảo “miền Nam nhận họ , miền Bắc nhận hàng”, tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Nói có quỉ thần hai vai chứng giám, ngày đó dù rất nghèo và thiếu thốn đủ thứ, nhưng chúng tôi không ham hố cái gì. Nhất là tôi lại có hoàn cảnh đặc biệt, như phần đầu kể, khiến tôi ghét …tiền nên càng không tham!!! Tuy nhiên, khi trở ra, vợ chồng tôi không cách gì chối từ được, đó là phải nhận từ bác dâu và chị Hai Ngự hai chỉ vàng – cầm trong tay nâng niu mà không hề có khái niệm nó quí đến mức nào, có giá trị cụ thể ra sao chỉ biết rằng đó không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà là tấm lòng là tình yêu thương của bác, của chị. Và sau này ra Bắc, thi thoảng tôi cứ giở ra ngắm nhìn để đắm chìm trong một nỗi xúc động nghẹn ngào khó tả.
Chúng tôi rời Sài Gòn đi Nha Trang, lần này có thuốc chống say của chị Hoàn chuẩn bị cho, hai mẹ con tôi không bị nôn nữa mới thần kì chứ. Tôi chỉ mệt và xuống cuối xe xin nằm ở mấy ghế thừa không ai ngồi, hoặc sau đó trở ra Đà Nẵng, Huế, nếu xe chật chội thì nói mọi người thông cảm rải ni lông ngay lối đi mà nằm cho đỡ cảm giác buồn nôn.
Về Nha Trang, thật cảm động khi được gặp lại má, gặp lại cậu - và bây giờ gặp thêm mợ cùng các em nữa. Cậu mợ ở với vợ chồng em Hạnh, trong một căn nhà riêng tại một con phố yên tĩnh, em thứ hai là Phúc thì học và dự định lập nghiệp ở Sài Gòn. Chẳng phải hỏi thì chúng tôi đã cảm nhận rõ hạnh phúc ngời lên ấm tỏa trong gia đình cậu, bù lại bao nhiêu năm xa cách nhau thương nhớ lo âu khắc khoải. Cậu và mợ đều giữ trọn tình chung thủy, và cùng với các em nữa, chịu đựng vượt qua bao gian khổ khó khăn thậm chí hi sinh cả xương máu cho ngày hôm nay đoàn tụ. Chúng tôi nhớ cậu, tìm đến, chuyện trò chia sẻ và xúc động vô cùng. Bây giờ, cậu đối với tôi đã thân thiết chẳng khác gì với MQ, cháu ruột thực sự. Bỗng nhiên, tôi chợt buồn khó tả khi nhớ về ngày đầu chúng tôi yêu nhau, không chỉ gia đình tôi phản đối, mà chính cậu, cậu đã ngăn cản rằng, MQ không nên lấy tôi, vì gia đình tôi không thuộc thành phần cơ bản! Nhưng may là má thì bảo tùy ý MQ quyết định, nên không có gì quá căng thẳng, và chúng tôi đã vượt qua ngăn trở của cả hai gia đình để đến với nhau. Và rất nhanh chóng, chắc do trời định thôi, tôi gạt bỏ được lòng tự ái từ khi nó chớm bùng nổ, để giữ được trọn vẹn mối tình đầu với người mình yêu quí. Rồi cả cậu nữa, cậu không cố chấp, cậu đã quan tâm và thương sót mẹ con tôi từ khi bé Hoa còn non nớt, không được bố ở bên chăm sóc vì bố đi bộ đội vắng nhà. Mà thôi, đã bẩy năm rồi, hãy mỉm cười vì những gì thật tốt đẹp của ngày hôm nay đi chứ.
Chứng kiến và hoàn toàn yên lòng mừng vui vì hạnh phúc của cậu mợ và các em, những ngày ở Nha Trang, chúng tôi chỉ thi thoảng mới thăm cậu, còn chủ yếu ở với má. Má sống một mình, thương lắm. Hàng ngày má lụi cụi nấu nồi cơm con, kho mấy con cá nhỏ bằng mấy cái củi cái lá khô luơ quơ ngoài vườn chuối. Má chỉ vui khi đi họp chi bộ Đảng thôi, vì gặp được người này người kia. Má có bán thêm tí dầu hỏa để người ta thắp đèn, đựng trong cái chai bé tí. Tôi chỉ nhớ thế, không thấy má bán gì nữa để kiếm thêm mấy đồng và cũng là để đỡ buồn. Chúng tôi ở với má có ít ngày nhưng được má chia sẻ tâm tình chuyện thầm kín buồn cười, mà trước đây ở ngoài Bắc, có lẽ vì má con gặp nhau vội vàng và luôn bận rộn nên không có dịp.thuận tiện mà kể. Má bảo lẽ ra má không lấy ba thằng MQ, vì má thích một ông khác cơ, ông ta làm nghề hỏa xa, chứ không đo đạc ngoài đường (thuộc Sở Lục lộ???) như ba nó. Nhưng vì hai nhà thân nhau, nên ông bà thằng MQ bắt má lấy ba. Khi cưới xong, đêm tân hôn má phải chạy ra ngoài bỏ đi cho bõ ghét. Sao thế hả má? (tôi chen ngang). Má cười bảo tại ba mày đen quá, xấu lắm, không trắng trẻo đẹp trai như cái ông kia. Nhưng rồi nói thế chứ má vẫn phải quay vào, sợ ông bà la về sau mới dần dần thương vì ba mày thật thà, hiền và tốt lắm. Bọn tôi lăn ra cười, riêng tôi thầm nghĩ muốn chêu má mà không dám nói, má trắng quá, ngày xưa chắc má đẹp lắm, thì lấy ba con đen và xấu là đúng rồi còn gì, qui luật bù trừ mà.
MQ tranh thủ thời gian dẫn hai mẹ con thăm họ hàng bên ngoại, tức là họ bên má, rồi nhờ người đưa chúng tôi lên vườn ông ngoại rộng lắm. MQ hẳn phải bồi hồi xúc động hơn tôi, bởi chính tại mảnh vườn này, ông ngoại MQ đã bị địch bắn chết, và nấm mồ liệt sĩ vẫn còn kia, trong nghĩa trang yên lặng. Cũng từ mảnh đất này, ba anh em (anh Hồ Hồng 12 tuổi, anh Hồ Quảng 9 tuổi, MQ 6 tuổi) đã tự nuôi nhau, đi mót lúa ở ruộng, rồi bà con thương tình mỗi người cho từng bát cơm, manh áo, khi mà cả ba và má bị bắt vì hoạt động cách mạng tại cơ sở, đang ở trong nhà tù (MQ có anh cả lớn nhất Hồ Anh Thơ khi đó đã làm liên lạc, thoát li lên chiến khu). Cũng tại nơi này, hôm nay, chúng tôi được chú em con nhà dì tự tay đánh bắt cá dưới sông lên nướng cho ăn, rồi trảy sa cu chê, khế ngọt, ổi…. Vườn nhà ai cũng rộng, đi vào là lạc lối luôn. Chúng tôi thăm gia đình hai dì, là em ruột của má, rồi thăm các cậu dì họ trước tập kết ra Bắc, nay trở về Nha Trang hết cả, mừng vui không sao tả xiết.
Nghỉ phép có hạn thôi. Chúng tôi phải ra Bắc, để lại má thui thủi một mình. Chúng tôi biếu má ít tiền để má bồi dưỡng thuốc thang như đã chuẩn bị, và sau đó cùng các anh bàn bạc thống nhất, đều đặn hàng quí mấy anh em gửi tiền vào má chứ không thể để má sống quá thiếu thốn bằng đồng lương mất sức lao động cực thấp (trước kia khi tập kết ra Bắc, thoạt đầu má làm cấp dưỡng ở các trường học sinh miền nam, rồi sau nghỉ mất sức). Phải mấy năm sau đó, các anh của MQ mới lần lần trở về lúc đầu anh thì ở Sài Gòn, anh thì ở Hà Tiên. Có hai anh rốt cuộc đều chuyển về Nha Trang, nhưng do hoàn cảnh riêng, chẳng ai sống cùng với má thực sự, mà chỉ tạm thời từng quãng thời gian ngắn ngủi.
Lần trở ra này, chúng tôi vẫn đi ô tô liên vận, nhưng bệnh say của tôi đã thay đổi về chất nghĩa là tôi chỉ mệt, không nôn lần nào. Phần lớn do thuốc, nhưng một phần là tôi tự biết tư thế nằm khiến đỡ say hơn. MQ bớt vất vả hơn nhiều. Chỉ trên đường trở ra, tôi mới nhâm nhi thấy ly chè Đà Nẵng là ngọt thơm đa mùi vị, thấy bát mỳ Quảng, bát bún Huế là đặc biệt, là không thể na ná từa tựa với bát gì của miền Bắc. Chỉ có gà Quảng Ngãi thì phải khá lâu về sau tôi mới được biết, nó không xuất hiện trong thực đơn của cuộc hành trình này. Trên những con đường miền Nam, rồi qua miền Trung, trời đều nóng bức nên đôi lúc cảm thấy mát mẻ như ăn chè, uống trà đá chẳng hạn, nhưng qua đèo Hải Vân là thay đổi rồi, trời thu dịu mát se se lạnh. Chuyển sang đi tàu hỏa, ban đêm bé Hoa lại được xỏ vào cái áo len cộc tay, mà tôi dùng các mẩu len cũ nối vào nhau đan pha màu nên đầy nút chằng chịt bên trong, lại mặc đồ từ quần ka ki hoặc quần bộ đội cũ tôi phá ra may vớ may vẩn. Còn tôi, tôi lại thủng thẳng chui vào cái áo chui đầu vải bông mỏng màu xanh công nhân đã cũ, chiếc áo -phải, chiếc áo duy nhất trong đời MQ sắm cho tôi, mà lúc mới mang về, tôi không biết đâu là đằng trước đâu là đằng sau, khiến MQ cứ trêu tôi mãi. Còn tôi thì đùa rằng, MQ ghê gớm lắm, MQ mua cho tôi cái áo cực xấu bởi MQ muốn tôi xấu đi trong mắt mọi người, có vậy MQ sẽ yên chí không đấng mày râu nào thèm để ý đến tôi, và bất luận trong hoàn cảnh nào, tôi biết và chỉ biết có MQ mà thôi.
Chúng tôi nghỉ thì ít, đi lại mệt nhọc thì nhiều, ngơ ngác trên đường phố Sài Gòn, ngẩn ngơ với con sông, với những vườn cây Nha Trang, rồi bận rộn vui buồn khi gặp gỡ người thân, tôi đâu có thời gian để nhớ gia đình ở ngoài Bắc, nhớ bố mẹ, anh chị em và nhớ con trai bé bỏng của mình đang gửi bà. Tôi không mang được đồ chơi gì về cho con, ngoài con búp bê thì Hoa dành lấy là chủ yếu và chỉ cho em chơi ké nhờ một tị.Thương con quá, mà con thì ngây thơ có biết gì đâu mà trách móc, mà dỗi dằn cơ chứ.
Các thứ quà trong Nam chuyển ra đem chia cho mọi người trong đại gia đình tôi ngoài Bắc rất vui vẻ không có chuyện gì, trừ trường hợp cậu em. Chuyện là có mảnh vải trắng pha nilon mấy chị ở xóm dệt cho, tôi thấy hợp với nam, nên bàn với chồng, mảnh này may được hai sơ mi cộc tay, vậy để MQ may một chiếc, còn một thì đem cho Vinh - em trai tôi, nó mới ra trường chuẩn bị đi làm chắc cần diện một chút. Lâu nay anh chị cứ bấn bíu, chẳng mấy khi quan tâm đến em, chỉ đưa bố chút đỉnh từ lương hàng tháng để góp thêm nuôi em, là yên lòng rồi. Bây giờ tôi muốn cho em vải, tất nhiên là MQ đồng ý ngay.Vậy mà vẫn không ổn.
Chả là tình cờ nghe tin anh chị đi phép miền Nam mới ra, em tôi chạy sang hỏi thăm, thế là tôi đem ngay vải ra khoe và bảo đây là quà tự tay chị của anh MQ dệt đấy, anh chị cho em để may mà đi làm, em xem có thích không này.Cậu em đang vui vẻ phấn khởi để tôi ướm vải vào người thì me tôi bỗng rất “hồn nhiên” không kiềm chế được: “Ơ tôi tưởng vải để cho cậu MQ may chứ chị?” Chúng tôi ớ ra vì Vinh còn đang đứng đó. Tôi vội giải thích “Không không, nhà con có rồi me ạ. Mảnh vải xẻ đôi mà, để em Vinh may”. Chuyện đến tai dì tôi, mẹ sinh ra em. Dì kêu la um xùm và cho rằng cả nhà tôi không thật lòng, anh chị bảo cho, me thì bảo không, nên dỗi không cho em nhận nữa. Thật khổ thân tôi, tôi phải sang tận nhà kể từ đầu đến đuôi để dì hiểu và thông cảm, mãi sau phải nhờ bố tôi can thiệp mới xong. Về nhà tôi không dám căng thẳng với me ngại me tự ái, ai bảo vô tình hai vợ chồng bàn nhau mà không cho me biết. Mà của đáng tội, nguyên nhân là do me tôi sót ruột, sợ tôi phân chia hết không quan tâm đến MQ mà. Tôi chả muốn nghĩ gì nhiều nhưng buồn lắm, giá như đừng có vải thì đâu sinh chuyện. Bây giờ nghĩ lại mới thấy đúng là ngày ấy nghèo quá. Chỉ vì một chút sơ xuất thôi là hiểu lầm nhau ngay. Mà thật khổ, cái tấm vải ấy pha đặc nilon, may lên mặc bí và nóng điên chứ có sung sướng gì cho cam.
Rồi cũng qua đi mọi chuyện. Chúng tôi trở về với cuộc sống thường nhật. MQ vẫn đi dạy học xa nhà. Thường hàng tuần có thể về, nhưng nếu phải dẫn sinh viên thực tập đâu đó, hay đi lao động, hay chấm thi, thì không về được. Những kì đó, MQ và tôi lại gửi thư cho nhau, tâm tình kể lể đủ thứ chuyện cứ như xa hàng tháng hàng năm không bằng. Hồi đầu, MQ viết thư còn ngắn, sau “lây” tôi, thư nào cũng tràng giang đại hải cả 4, 5 trang thật lớn.
Một lần, như “rình” chủ nhật MQ không về, mâm cơm nhà tôi có đúng một đĩa rau lang luộc, chấm với bát nước muối, vì nước mắm hết rồi.Đen đủi làm sao, bữa ấy, anh Quy, trưởng phòng tôi đến chơi thăm, đúng lúc nhà tôi ăn cơm. Eo ơi tôi xấu hổ quá, ngượng quá, ai đời chủ nhật mà lại ăn uống thế này. Tôi chỉ muốn có cái lỗ chui lẩn xuống đất mà trốn thôi. Tôi luống cuống tiếp khách, không còn tâm trí nào. Tôi không biết anh Quy có nghĩ gì không, hay chỉ tại tôi có bệnh tự hành mình phức tạp quá. Tự nhiên tôi thầm trách sao MQ chủ nhật này không về để cho tôi chịu cái cảnh bần hàn này trước mặt khách, bởi nếu có MQ, chắc hẳn tôi phải bằng mọi cách cào cấu ở đâu ra một cái gì đó khác với đĩa rau lang luộc duy nhất này. Tôi còn thầm trách trưởng phòng sao đến chơi muộn thế, vào đúng bữa ăn, mà không phải từ sáng chẳng hạn, trách lung tung một cách hết sức vô lí.
Bác sĩ yêu cháu
Vài năm đầu còn nhỏ, ngoại trừ trận lồng ruột, Tuấn, con trai tôi khỏe mạnh, bụ bẫm, hồng hào trắng trẻo. Nhưng sang năm thứ ba thì bắt đầu lở ghẻ mụn nhọt, như chị cháu hồi trước, và hơn thế bởi đau liên miên đợt này đợt khác. Đi phép miền Nam ra, tôi thấy cháu càng bị nặng hơn. Suốt ngày thôi thì bôi đủ thứ, Xanh-mê-ty-len, rồi cạo bột kháng sinh Tetracycline rắc vào đau thót ruột gan mà chẳng khỏi, cho đến một ngày, cháu bị đi tiểu ra máu. Lần này thì không thích cũng phải vào bệnh viện 108 thôi, và nhập viện hẳn hoi, chứ không sang bệnh viện Việt Đức cấp cứu được. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị viêm cầu thận cấp, cho chỉ định tiêm kháng sinh Peniciline liều cao 35 ngày liền. Mới 30 tháng tuổi, nhưng Tuấn đã nói sõi lắm, và “khôn” ra trò. Khi phải tiêm trích hay rút máu gì ấy ở cổ, các cô yêu cầu tôi ra ngoài, thoạt đầu cháu khóc thét gọi theo mẹ, nhưng thấy mẹ không thể vào được, bé liền thôi khóc, chỉ hơi nấc lên và bảo “cô ơi cô yêu cháu nhé”. Các cô dỗ cháu “ừ ừ, cháu ngoan các cô yêu cháu, các cô chỉ làm một tí là xong ngay” Tôi đứng nép bên ngoài, nghe và thương con quá chừng, thương chỉ chảy nước mắt chứ không dám khóc to.
Rồi cháu được một bác sĩ Nhi theo dõi điều trị. Nghe mọi người kháo nhau, bác sĩ này giỏi nhất nên tôi thấy bớt lo phần nào. Cháu bị tiêm đau quá, và kháng sinh lâu tan, nên cứ phải đổi chỗ luôn, tay bên này tay bên kia chân này chân nọ, càng ngày càng đau cứng hết cả. Bác sĩ giải thích là phải điều trị thật tích cực, hi vọng cháu còn bé sẽ phục hồi sau này đỡ tái phát. Cứ chịu đựng mãi, bé thì chịu tiêm đau, chịu sốt, còn mẹ cháu thì chịu đựng thương con đau đến não lòng. Tôi đành xua tan căng thẳng đó bằng cách cho cháu “biểu diễn” đọc thơ để bác sĩ, các cô y tá, và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nghe. Chả là cháu có khả năng thuộc rất nhanh, nhớ chính xác, nên tôi hay đọc cho nghe thơ bác Trần Đăng Khoa. Mặc dù cháu không hiểu nhưng cái giọng ngòng ngọng đọc lên sao mà dễ thương quá chừng, khiến cho mọi người say sưa và luôn yêu cầu cháu đọc đi đọc lại. Cả bác sĩ điều trị cho cháu mặc dù bận nhưng cùng nghe rất chăm chú, không mấy khi bỏ đi làm việc khác:
”Tôi chưa gặp bạn lần nào
Mà nghe thư bạn lòng sao bồi hồi
Bạn yêu đất nước của tôi
Trong trong dòng suối MẤY trời xanh xanh
Yêu bao bạn NHẺ hiền lành
Nụ cười hé nở mắt xanh ánh trời
Thằng Mỹ nó đến nước tôi
Búp bê nó giết bao người nó tra
Nó bắn cả cụ mù lòa
Nó THIẾU cả bé chưa và được cơm
Bạn ơi ai chẳng căm hờn
Làng tôi thêm lượt lên đường tòng quân
Miền Nam thắng trận đông xuân
Miền Bắc bắn LỤNG hàng ngàn máy bay
Chúng tôi đến lớp ngày ngày
Mũ LƠM tôi đội túi đầy thuốc men
Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ đê vẫn chú dế mèn vuốt LÂU
Chúng tôi chẳng sợ Mỹ đâu
Vẫn cười vẫn hát những câu LỘN LÀNG
Bao giờ bạn đến Việt Nam
Mà xem Mỹ chết mà thăm Bác Hồ….”
Cháu đọc hàng chục bài thơ mà tôi nhớ nhất là bài thơ trên đây. Những chữ viết in là chữ đọc ngọng (đáng lẽ là “mây, nhỏ, thiêu, rụng, rơm, râu, rộn ràng”) còn lại rất rõ ràng mạch lạc. Mấy chục năm qua rồi, tôi giữ nguyên trong tâm trí, mà không bao giờ tra tìm xem bài thơ này có chính xác không. Nếu bị nhầm lẫn chữ nào từ nào thì mong tác giả bài thơ và bạn đọc bỏ quá cho.
Qua hơn một tháng điều trị, cháu khỏi và ra viện. Tôi tìm gặp bác sĩ để nói lời cảm ơn, rằng nhờ có bác sĩ điều trị thật cẩn thận, kịp thời, chính xác nên cháu đã lành bệnh (tôi nói thôi chứ chẳng có quà gì đem biếu). Bác sĩ ngắt lời nhìn tôi rất hiền từ: “Không có gì đâu chị ạ, nhiệm vụ của chúng tôi mà. Thực ra, đã nhiều lần tôi giải thích với người nhà bệnh nhân rồi, hôm nay cũng xin nói với chị như thế, rằng ngoại trừ những bệnh cấp tính phải can thiệp bằng phẫu thuật, các cháu khỏi bệnh đa phần là do cơ thể, do cơ địa, do sức đề kháng, do nội tạng với sự tự chiến đấu không mệt mỏi. Cơ thể con người ta phức tạp lắm mà. Bác sĩ chỉ là người hướng dẫn giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân những việc làm, cách chăm sóc trong khi chữa bệnh, rồi cho những chỉ định cần thiết tác động thêm bằng thuốc men, chứ bác sĩ không phải là thần thánh gì. Ở đây, mọi người hay truyền nhau khen tôi chữa bệnh giỏi, tôi biết, tôi cảm ơn các vị, nhưng tôi không nghĩ thế, không phải vì tôi khiêm tốn hay gì gì cả. Bệnh nhân khỏi bệnh chủ yếu là do chính họ đấy thôi. Chị cho cháu về đi và theo dõi sát sao, thấy có gì khác thường thì khám lại, đặc biệt không được để cháu bị mụn nhọt kéo dài, bằng cách giữ vệ sinh, ăn uống đủ chất. Tôi khuyên chị làm được thế là khó, nhưng chị phải cố gắng nhé.” Một lần nữa trong đời, những tâm tình giản dị cởi mở đầy tâm đức của một “thiên thần áo trắng” cứ ngân vang, vang mãi trong tôi, không thể nào quên.
18 đêm thức trắng Ngày tháng cứ thế trôi đi, con rồi đến mẹ qua cơn bệnh thì mẹ lại say sưa lên đường đi công tác, bỏ lại vất vả cho bà me. Tất nhiên là tôi đi nhanh rồi về ngay. Đêm nào ngủ lại ở tỉnh, thì tôi thức trắng luôn, vừa nghĩ về công việc vừa tưởng tượng hai con mình ở nhà ra sao, có quấy bà nhiều không, có bệnh gì nữa không. Rồi đến cao điểm của chuyện đi công tác xa nhà là đợt làm hệ chương trình thống nhất xử lí số liệu một cuộc điều tra năm 1978 trên các phòng máy ở miền Bắc có máy C8205 và C8205 Z.
Chúng tôi chọn một tỉnh để tổ chức hội nghị, tập huấn, trình bày thảo luận xây dựng hệ thống xử lí. Mỗi tỉnh có máy sẽ cử kĩ sư chương trình đến tham gia. Cán bộ trung ương tức là chỗ chúng tôi chủ trì, trong đó tôi lo mảng thiết kế hệ thống và lập chương trình. Ngày ấy, tôi và chúng tôi nói chung đã được đào tạo bài bản gì về thiết kế hệ thống đâu, nên vẽ đại sơ đồ khối, khối vào, khối xử lí, khối ra, rồi chi tiết hóa từng công việc trong các khối ấy, bàn cãi cách tổ chức số liệu, kiểm tra số liệu thế nào, sửa sai ra sao, lỗi số học lỗi logic thôi thì lúc tranh luận lúc cãi nhau như mổ bò. Chả lạ gì mấy ông phần mềm, đủ cách tổ chức, thừa thuật giải, và luôn “văn mình vợ người” nên phản bác bạn dữ dằn lắm. Tuy nhiên, chúng tôi xác định cho anh chị em tinh thần xây dựng vì một hệ thống xử lí chung thống nhất. Chất lượng cao nhất của hệ thống là thước đo lòng tự trọng của mỗi người trong cái tập thể này, nghĩa là hãy thẳng thắn trên tinh thần khoa học, nghiêm túc, thừa nhận những ý kiến nào là hay nhất, mà không phụ thuộc ý kiến ấy là của ai, của người nhiều hay ít kinh nghiệm lập trình trên máy, là cán bộ trung ương hay địa phương., được đào tạo từ trường nào, trong nước hay từ nước ngoài về, bằng cấp trình độ ra sao. Kết quả là tranh luận hết sức sôi nổi, say sưa, nhiều lúc lên “cao trào” nhưng vui vẻ là chính, những tức giận dỗi dằn cá nhân lúc đầu dần dần bị loại bỏ. Phải mất đúng 18 ngày đêm lăn lộn để hoàn thành công việc. Riêng tôi, đó là 18 đêm thức trắng một cách tuyệt đối, đạt kỉ lục cao nhất và duy nhất trong đời tôi cho tới lúc này. Tôi không hiểu sao ngày đó mình có thể làm việc như vậy. Ở cùng phòng với tôi là Đường, một cô gái mới ra trường, chưa chồng, rất thông minh, tiếp thu nhanh chóng những kiến thức về máy qua thực tế và hòa nhập dễ dàng. Tôi rất quí em, hai chị em trở nên thân thiết cũng từ đợt công tác này, lúc nào cũng “dính” bên nhau chỉ ngoại trừ ban đêm, cô gái còn trẻ và rất vô tư nên ngủ thật say sưa, thi thoảng trở dạy hỏi: “Ơ chị vẫn chưa ngủ à?”, rồi lại ngủ tiếp tới sáng. Những lúc căng thẳng như thế, tôi đau đầu, nhưng áp lực của công việc, trách nhiệm, chỗ dựa tinh thần là MQ, cùng với hộp dầu cao sao vàng là những người bạn đồng hành kéo tôi, không phải gượng dạy mà mà đứng thẳng để đi một cách dứt khoát, kiên cường. Tôi đảm nhận viết một trong những phần chương trình quan trọng nhất của hệ thống, khoảng 2000 lệnh máy, viết, rồi tự đục trên băng thật cẩn thận, cố gắng chính xác đến từng chi tiết. Dữ liệu thử cho chương trình, tôi cũng tự làm, và kết quả rất bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của chính tôi, đó là chương trình chạy thông một mạch từ đầu đến cuối không bị tắc bất cứ một lỗi nào. Đấy cũng là chương trình duy nhất trong đời tôi không mắc lỗi, còn bình thường thì không kẹt đoạn này lại kẹt phần khác, phải tìm lỗi, phải thử, phải sửa dần để hoàn thiện chứ.
Làm việc thì căng thẳng như thế, nhưng ăn uống thì nghèo nàn. Đương nhiên vậy rồi. Chúng tôi không bao giờ cảm thấy mình khổ và mệt mỏi. Bữa ăn tập thể vẫn là bát canh rau cải cúc nấu suông nhàn nhạt hay mằn mặn, những miếng đậu phụ kho trăng trắng hơi xam xám. Và chỉ thế thôi, ngày nào cũng như ngày nào, hầu như không thay đổi. Có thể tôi nhớ nhầm, chắc có bữa phải thay đổi đi chứ, nhưng lâu ngày rồi, cái ấn tượng thật mạnh, sâu đậm trong trí nhớ tôi là canh cải cúc, đậu kho suông, đậu kho suông, canh cải cúc thế thôi. Sau khi hoàn tất sản phẩm, chúng tôi hoàn chỉnh tài liệu từ thiết kế hệ thống, mô tả cấu trúc dữ liệu cho tới hướng dẫn sử dụng chương trình, rồi tự tay đánh máy chữ và tự quay máy in Roneo tạo lập nhân bản phát cho mọi người mang về. Tất nhiên toàn bộ chương trình (trên băng đục lỗ) được sao ra để các tỉnh mang về sử dụng thống nhất. Còn trong thực tế, nếu có phát sinh do đặc thù số liệu và yêu cầu thêm đầu ra của địa phương, thì anh em trở về do đã nhúng mình vào tham gia xây dựng hệ thống, sẽ tự sửa cho phù hợp; tỉnh nào mới quá chưa làm tốt thì gọi trung ương về trợ giúp. Ngày cuối cùng, buổi sáng sớm, sớm lắm, chỉ mới 3, 4 giờ gì đấy, tôi bỗng nghe tiếng gà quang quác, sau mới biết là chúng bị cắt tiết. Chả là đoàn cán bộ lãnh đạo lên thăm, nghiệm thu công trình và dặn dò anh chị em trước khi trở về địa phương. Nhà bếp nhận tin các Sếp lên là phải cố gắng cải thiện. Nhưng nói thì to chuyện, vài con gà chứ mấy để mời các Sếp, còn tụi tôi thì vẫn ăn bình thường, mà không cảm thấy có gì “chạnh lòng” hay “thèm muốn”. Nói thế là bởi trong trí nhớ của tôi, tôi không nhớ có bữa liên hoan nào. Thành ra, nếu trong thực tế là có thì tôi thành thật xin lỗi bạn đọc, rằng tôi đã quên chứ không có ý gì gây căng thẳng trong chuyện này.
Các Sếp đến thăm chúng tôi ngay tại hiện trường, chúng tôi đang in tài liệu, sắp xếp đóng tài liệu. Các Sếp ở đây đều là Sếp mới cả, Sếp cũ cấp cao thì chuyển công tác đi xa, Sếp cũ trực tiếp là trưởng phòng Quy thì đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Sếp cấp cao phụ trách mảng máy tính, anh Nguyễn đã kêu lên, kinh ngạc gần như không nhận ra tôi. Sếp bảo tôi gầy sút đi nhiều quá. Tôi thay hình đổi dạng một cách khủng khiếp, chắc thế. Tôi không dám nói với Sếp rằng, tôi đã trải qua 18 đêm thức trắng, mà tôi còn tồn tại, lại vẫn tươi cười chào Sếp, vẫn có thể nói những câu bông đùa mà vẫn tôn trọng và phải phép với Sếp, thì đó là điều hết sức tốt lành, may mắn với tôi rồi. Tôi tiếc không nói được tiếng nói từ tận sâu trong trái tim mình, rằng chúng tôi tuy vất vả nhưng biết ơn các Sếp lắm, đã giao cho chúng tôi một công việc đầy ý nghĩa, đã gắn kết đội ngũ cán bộ với nhau, không phân biệt tuổi tác, trình độ, địa phương hay trung ương để phát huy trí tuệ tập thể làm nên một hệ thống xử lí dữ liệu thống nhất, tuy chỉ là một bài toán, một vấn đề nhưng đã là cơ hội để mỗi người trưởng thành lên rất nhiều. Tôi rất cảm động và còn khắc ghi mãi ánh mắt của Sếp nhìn tôi đầy thông cảm, có chút gì thân thương, một thứ tình cảm trong sáng đầy nhân nghĩa.Cũng bởi vậy, tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh tuy vô hình nhưng to lớn vô cùng.
Xong việc, chúng tôi chia tay nhau ra về. Tối hôm đó, tôi đang chuẩn bị ba lô túi xách thì cậu kĩ sư Trân ở Thanh Hóa đến tạm biệt tôi:
- Em chào chị. Em ra tàu tối về Hà Nội rồi về Thanh Hóa đây. Chị về sau và mạnh khỏe nhé chị.
- Có gì trục trặc khi chạy chương trình thật, em gọi cho bọn mình nhé. Em đi mạnh giỏi, nhớ giữ đồ kẻo ban đêm thất lạc, - tôi dặn em.
Đến khuya, tôi mới lên giường. Là đêm cuối cùng, càng không ngủ được, cứ loay hoay trằn trọc, tôi mới giật mình nhớ ra, lâu nay mình mải làm, quên cả mấy bà cháu ở nhà. Đang nghĩ miên man hết chuyện này sang chuyện khác, thì lại có tiếng gõ cửa “Chị Thư ơi, em sang chào chị. Chị ngủ được không? Biết là làm phiền chị nhưng không thể nào cứ im lìm mà về cho được. Chị thông cảm cho em nhé".
- (Lục tục trở dạy mời bạn vào phòng) Ôi, chào Công. Chị tưởng hai em đi tàu từ lúc tối rồi, cậu Trân có sang chào chị rồi mà.
- À không,…vâng,…bây giờ em mới đi
- Sao hai em không đi cùng cho vui? (vì làm cùng một phòng của cơ quan ) - Tôi hỏi.
- Em không thích đi cùng, em và cậu ta không thích nhau, không hợp nhau chị ạ.
- Ra thế…(tôi sững sờ buồn buồn khó tả)…Ừ à thế em về nhé, chúc chuyến đi may mắn. Chị mong hai em gần nhau hơn và thông cảm, hợp tác với nhau để xử lí cho tốt nhé.
Cả hai cậu, vào những lúc khác nhau gặp tôi, đều chuyện trò cùng tôi “nở như ngô rang” rồi tần ngần lưu luyến ra tàu, vậy mà chỉ khi nào nhắc đến bạn mình, là câu chuyện trùng hẳn xuống, và im lặng. Thực tình, tôi quí cả hai. Họ đều thông minh, nhiều đóng góp sáng tạo lắm, mỗi người giỏi một kiểu, đều là người tốt, nhưng giữa họ, luôn có hố sâu ngăn cách, tôi không hiểu được, chỉ lẩm bẩm một mình-Vậy mới là cuộc đời, mới là con người, eo ôi phức tạp quá, chứ có phải lâu nay mỗi mình tôi phức tạp đâu?
Chuyện thời bao cấp
Tôi đi làm tối mắt tối mũi, Tuấn đi mẫu giáo, và sáng ra lúc nào cũng ư ử khóc “mẹ ơi con không đi mẫu giáo đâu”. Tôi lại phải dỗ, phải nịnh, rằng để yên cho mẹ đan xong cái tay áo này, mẹ con mình kể chuyện đi Nha Trang thăm bà nội cho các bạn con nghe, cháu mới lại hậm hực ăn được mấy miếng cơm rang, hay quả trứng luộc rồi đi ”hoạt động cách mạng”. Tuấn tuy năm tuổi thôi, nhưng đi mẫu giáo gần nhà nên bị mẹ huấn luyện tự đến trường và tự về nhà, nhất là tự về. Nghĩ lại sao hồi ấy mọi chuyện đơn giản thế nhỉ, mà cô giáo cũng cho phép thì mới tự về được chứ. May mà cháu tự lực chứ mẹ cháu đi làm về còn lang thang xếp hàng mua rau, mua đậu thì biết bao giờ mới về mà đón con được. Xếp hàng mua rau thì tôi kể rồi, nhưng xếp hàng mua đậu phụ theo phiếu thì lúc nào cũng hồi hộp và đa phần là tẽn tò về không. Chả là thế này, người ta bán đậu trong từng khay gỗ lớn, mỗi kg đậu là 5 bìa. Khi mình xếp hàng, mình phải đếm nhẩm 5, 10, 15, 20, 25… rồi chia cho 5 hoặc khoanh từng đám năm cái đậu phụ đếm là một, mười cái đậu phụ đếm là hai,…để tính còn bao nhiêu người được mua và có đến lượt mình không. Thường thì phải trừ hao mấy người vì họ được ưu tiên thẻ thương binh mà. Tôi hay bị tẽn tò vì nhăm nhăm đến lượt mình mua đây rồi, nhưng tự nhiên có một ông thương binh, thế là chịu, nản nhất là đến lượt mình còn đúng năm bìa đậu thì ông ta mua mất! Mệt mỏi quá nhưng phải nhịn, bụng bảo dạ vì họ có công, trải qua chiến tranh hi sinh xương máu bây giờ mới được ưu đãi một tí, đừng có ghen tị với họ!.
Ấy cũng bởi có chuyện thẻ thương binh nên cơ quan tôi mới có chuyện vui, và chị em chúng tôi được nhờ. Chả là anh Dư cùng đơn vị công tác không may bị tật mắt lác từ nhỏ, lác vì biến chứng của bệnh sởi. Lớn lên, Dư học đại học rồi ra trường về cơ quan tôi. Chỗ bọn tôi làm việc rất gần chợ. Dư chưa vợ con gì, thi thoảng ra mua thịt hay đậu phụ bằng tem phiếu, không chịu xếp hàng, cứ chen lên đầu tiên và đòi mua. Tay anh ấy tỏ ra móc vào túi ngực nhưng có thẻ ưu tiên đâu. Tuy nhiên, người bán hàng thấy anh bị lác, nghĩ là thương binh nên bán. Một ít bà con bên dưới xì xào, “anh này sao chen lên nhỉ, thẻ của anh ta đâu?”.Anh ấy quay lại hùng hổ nhìn thẳng vào người thắc mắc, mà có thẳng được đâu, cái tròng đen lại ở chỗ khác! một tay vỗ vào ngực đồm độp một tay chỉ chỉ đối phương: “Hừ, đường 9 Nam Lào về đây, các vị có giỏi ra ngoài ấy mà đánh nhau!” Thế là những người xung quanh can, “thôi thôi anh ấy là thương binh mà, để anh ấy mua!”.
Thế rồi,được đằng chân lân đằng đầu, Dư thương tình phụ nữ chúng tôi con cái nheo nhóc, tan sở xếp hàng tối mịt chả mua được gì, bèn sáng kiến nghĩ ra “các bà đưa hết phiếu cho tôi, là hôm nào các bà muốn mua ấy, tôi sẽ mua hộ”. Dư thuật lại mẹo vui cho chúng tôi nghe, chị em buồn cười quá nhưng thấy cũng hay, nên gửi phiếu. Vậy là ông ”thương binh từ đường 9 Nam Lào về” luôn bận rộn mua lắm thịt lắm đậu phụ quá mà bà con dân lành chịu chết không dám ho he.Thực ra vui thì vui tôi thấy thế nào ấy, nhưng có lúc bí quá đành tặc lưỡi gửi liều, hình như tôi có gửi vài ba lần.
Đã nói chuyện mua bằng tem phiếu thì cũng kể luôn một kỉ niệm khác. Hôm ấy là chủ nhật. MQ cùng tôi ra chợ gần nhà. Tôi thấy mậu dịch bán cá, tất nhiên là bằng tem phiếu rồi. Tôi xà vào xếp hàng, bảo MQ dạo quanh đó đi cho khỏi sốt ruột. Nào ngờ, MQ ghé tai tôi bảo, “để anh lên mua cho, em không phải xếp hàng”, và cầm luôn cái phiếu. Tôi ngơ ngác giật áo MQ chạy ra một chỗ khuất hỏi làm sao mà anh mua được, MQ cười, anh có cái thẻ …thư viện đỏ lòe(!) Trời ơi tôi phát hoảng, nhưng không ngăn được, MQ cứ phăm phăm đi lên phía trên. MQ mặc bộ quân phục sĩ quan, rút trong túi ngực ra cái thẻ đo đỏ, chứ có dám trình hẳn hoi đâu, thế là cô nhân viên cửa hàng bán cho ngay một kg cá. Trống ngực tôi cứ đập thình thình, họ mà biết họ lôi ra thì xấu hổ quá. Mua xong rồi, tôi chả mừng tí nào, mặt tôi cứ ỉu xìu xìu. Chắc MQ không hiểu được sao tôi như thế. Tôi buồn vì nhớ lại ngày xưa khi còn học trên sơ tán, MQ đã mất bao công phê phán mấy cậu bạn vì đói mà trộm sắn của dân, MQ ghét sự gian dối. Còn bây giờ, thì ra MQ thương tôi ư? Hay cái khó làm ló ra cái …khôn lỏi? MQ chắc không để ý rằng trong hàng xếp dài dằng dặc kia đang có bao bà mẹ già như hoặc hơn má, hơn me, có bao phụ nữ bụng chửa vượt mặt. Tôi nghĩ vậy thôi chứ không dám nói gì. Tôi chỉ bảo lần sau anh đừng làm thế nhé, tôi sợ lắm.
MQ nhà tôi là thế, hết sức đơn giản và lạc quan. Còn tôi thì phức tạp, chuyện gì cũng tự bới ra củ tỉ cù ti những thứ để mà day dứt. Bởi thế, lắm khi tôi bực mình và buồn vô hạn. Tôi biết MQ yêu tôi tha thiết nhưng tôi vẫn cảm thấy cô đơn. MQ lạc quan thì tôi nghĩ là MQ vô tâm. Mà có những cái MQ vô tâm thật ấy chứ. Đấy là tôi thích hoa, thích lắm thứ hoa chả cứ violet là loại thích nhất. MQ biết vậy nào phải tôi che dấu gì, mà mỗi ngày sinh nhật tôi, MQ cứ lơ lơ đi, hoặc đi mua hoa một cách miễn cưỡng. Có lần, tôi không chờ đợi được nữa, sáng sớm ra đã tự đi mua hoa về cắm rồi. Nghèo thì nghèo, chẳng thể nghèo đến mức cả năm có một ngày sinh nhật mình lại không mua mấy bông mà cắm cho được. Túi hết tiền thì mua hoa xấu, hoa rẻ, chả sao cả, về việc này tôi đâu có cầu kì. Ngọn lửa tự ái của tôi, bình thường chỉ âm ỉ, nhưng những dịp như thế, cứ bốc lên ngùn ngụt. Tôi tự mua hoa, tôi tự cắm, rồi mặt tôi xưng lên như cái lệnh. Tôi lạnh lùng, không nói gì cả. Tôi không cho MQ kịp trở tay nữa. Mà tôi cũng không khóc.Tôi cứng cỏi và trơ như đá. Dần dà MQ cũng hiểu tôi hơn, nhưng tôi dám chắc MQ không bao giờ hiểu hết.. Chỉ xa MQ một tuần, do chủ nhật MQ bận trông thi, chấm thi chẳng hạn, là tôi viết hàng đống thư gửi lên đơn vị. Sau khi viết một chặp đủ thứ tình cảm, thể nào tôi cũng đay lại một câu, “em biết những lá thư này sẽ làm anh bớt đi một ít niềm vui trong cuộc sống vốn rất đơn giản và đầy ắp tiếng cười của anh, nhưng thôi em là vợ anh thì anh cũng phải biết em nghĩ những gì”. Ôi mệt mỏi quá. Tôi đã lấy MQ làm chỗ dựa duy nhất của đời mình, nên tôi cứ trút bỏ mọi thứ vào đầu cho MQ chịu đựng. Trong gian khổ nhọc nhằn, đôi khi tôi không mấy thiện cảm với những nụ cười phớ lớ của MQ mặc dù tôi quá biết, không có người chồng lạc quan như thế, tôi chắc “chết” lâu rồi, tôi không chịu đựng nổi, tôi chỉ muốn tung hê tất cả.
Sóng gió nổi lên, rồi sóng lại lăn tăn yên bình, gió dịu êm vuốt ve mơn trớn cho lòng tôi dịu lại. Mấy năm sau đó, cứ ngày sinh nhật tôi, MQ dạy sớm và rủ con đi mua hoa về cắm bình chúc mừng mẹ. Tôi lờ đi, bây giờ là tôi lờ. Phải, vì bây giờ tôi không thích hoa nữa. Giới hạn đã bị vượt qua, thật khổ. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy mình có cái gì cực đoan, và quá đáng, nhưng chả biết làm thế nào. Tôi thích hoa, thích mộng mơ vớ vẩn. Còn MQ, anh thích những thứ thực tế hơn. Một lần ra mậu dịch MQ mua được cái khóa giá rẻ, vì thìa khóa kèm theo đó nhưng không mở được. Sau khi tháo lắp nghiên cứu, anh rèn được thìa khóa cho nó rồi quyết định ra mua 12 chiếc luôn, để tháo ra thay đổi thành 12 cái khóa nghiêm chỉnh, xong đem ra hàng khóa bán cho họ với giá đắt hơn. Lời lãi không là bao nhưng MQ rất khoái chí. Tôi phục anh nhưng chẳng động viên chia sẻ gì nhiều, mà MQ có giận dỗi trách móc gì đâu.
Mùa Đông, nhà tôi lạnh hun hút. Hai vợ chồng với hai đứa con nằm trên chiếc giường cưới hồi nào lủng cùng toàn chân là chân. Mùa hè, nóng, khi MQ về thì một trong hai con phải ngủ với bà. Còn bây giờ lạnh, chúng được ngủ cả với bố mẹ. Chả có đệm, chỉ có chăn chiên lót giường, thế là MQ lấy may so để lên cái bếp điện đất cũ, đốt dưới gầm giường cho ấm. Vợ chồng con cái khuya khuya nóng bỏng cả đít vì điện tăng mạnh lên, vừa thích vừa sợ vừa buồn cười. Ông bà thì không dám để MQ đặt may so. Ông ngoại bảo, “tôi sợ cái anh MQ này lắm, điện anh ấy mắc rối như tơ vò lủng là lủng lẳng, sờ chỗ nào cũng có thể giật, thôi tôi có chăn bông rồi để yên tôi nằm”. Bà me thì thích cái dây may so nhưng nghe ông nói thế cũng thôi luôn.
Cũng bởi dùng may so, nên mới tốn điện và MQ nảy ý gian giảo để trộm điện. Anh làm một cái công tắc có hai trạng thái, tắt thì công tơ chạy bình thường, còn bật thì công tơ đứng yên. Tôi biết, sợ mà không cản. Thời gian và cái khó đã “lưu manh hóa” làm thay đổi vợ chồng tôi mất rồi! “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, thế nên một hôm, người ta vào kiểm tra hàng loạt hộ, trong đó có nhà tôi, tóe loe ra lúc ấy công tắc đang bật. Chúng tôi phải nói khó mãi, nhận lỗi và trình bày hoàn cảnh, chắc là thương tình “vợ con bộ đội” nên người ta không làm to chuyện. Chúng tôi sợ xanh mắt, và từ đấy không dám gian lận nữa. Đấy cũng là một kỉ niệm buồn của vợ chồng tôi. Sẽ càng đau hơn khi nhớ về cái ngày MQ tức giận mấy bạn trong lớp đào trộm sắn của dân, mà bây giờ thì…
Dây may so nhà tôi dùng vô tư xả láng, bởi vì có một lần, Minh, quê ở Thanh Hóa, bạn của MQ đi nghiên cứu sinh từ Nga về. Hôm đó là giữa tuần MQ có giờ dạy không về được. MQ nhắn về tôi đi đón bạn thay MQ. Gia đình Minh ở xa, đi lâu ngày về Hà Nội chả hiểu thế nào, nên cũng muốn có người thân ra đón cho đỡ tủi. Đêm ấy, bạn về trên tàu liên vận. Tới ga Hàng Cỏ có dễ gần 11 giờ đêm. Tôi mặc bộ quần áo bộ đội, tôi không nhớ mình kiếm đâu ra hay là mặc của MQ nữa. Tôi đón Minh chỉ có tay không, trong khi mọi người tấp nập mang hoa, có nhà thuê cả xe con ra đón nữa, hay là con cháu ông to gì không biết. Ra đấy tôi mới thấy mình ngố. Nhưng thôi tình cảm là trên hết mà.Tàu xình xịch đến, và dừng lại. Minh và tôi nhanh chóng nhận ra nhau. Minh là bạn thân của chồng tôi, tôi biết từ lâu. Bạn rất cảm động khi thấy tôi ra đón. Tôi thuê xích lô cho bạn về nhà tôi, còn tôi thì lẽo đẽo đi xe đạp theo. Nấu nướng chút gì cho bạn ăn, chỉ dẫn cho bạn tắm rửa thay đồ rồi đi nghỉ cũng phải quá nửa đêm. Bố tôi có vẻ không bằng lòng, ông cằn nhằn lẽ ra MQ phải xin về mà đón bạn, chứ tôi đón và chăm lo cho bạn thế không tiện. Đúng là các cụ có khác. Tôi chỉ buồn cười, và thấy vui vui vì mình đã làm được một việc nhỏ có ích an ủi bạn thay chồng thôi. Hôm sau Minh thu xếp lên đơn vị ngay, và bạn mang về phần cho chúng tôi bao nhiêu quà, cái quạt tai voi này - là bạn tự cho chứ tôi không bao giờ dám mơ!-, hai kg đường kính, bao nhiêu là dây may so, một cái bàn là nữa, và kẹo tây thật ngon. Tôi cứ ngẩn cả người và bảo Minh mang về cho gia đình bạn, vợ con bạn chứ sao cho chúng tôi lắm thứ thế. Bạn chỉ cười rất hiền và bảo “không có gì đâu mà chị, không có gì…”. Đúng là … ngày xưa…thích thật!!!
Đến mấy ngày sau tôi đi làm về vẫn dở cái quạt cái bàn là ra ngắm, để rồi khi MQ về là hai vợ chồng dắt nhau đi bán lấy tiền tiêu chứ có được giữ làm kỉ niệm mà dùng cho sướng đâu. Quạt thì mấy năm sau cơ quan phân phối cho quạt “tai chuột” rồi, còn không thì cứ quạt nan thôi, cứ rôm cứ sảy đầy người; và quần áo cả nhà đều lem nhem, tụi tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ chuyện là lượt.
Cứ nhắc đến sự thiếu thốn ngày xưa thì đủ thứ ập về để nhớ, để “cười trong nước mắt” thật. Nhà tôi nuôi một con mèo tam thể, nó hay chuột lắm. Nhưng nó còn “hay” hơn một cách đặc biệt. Đó là thi thoảng cậu cắp trộm của nhà ai con cá mang về. Chưa kịp ăn thì cả nhà tôi mấy mẹ con đã hùa nhau đuổi bắt, để làm gì thì thôi, đừng ai bắt tôi phải viết ra cụ thể cho thêm đau lòng. Không dám mong gọi “Mèo ơi cắp trộm thêm cá nữa nhé!”, nhưng trong lòng, đôi khi vẫn có chút gì mong manh chờ đợi.
Có một lần, tôi bị ốm phải nghỉ việc mấy ngày. Mai, bạn tôi, một trong hai người học sau tôi một năm, đến thăm. Bạn xách một nải chuối tiêu chín vàng cho tôi để bồi dưỡng. Ngày ấy là thế mà, thăm người ốm thì nải chuối hoặc một chục trứng gà là quí lắm. Tôi ngồi dạy ra bàn tiếp bạn. Hai tên đang nói chuyện với nhau thì Hoa và Tuấn, con gái và con trai tôi dắt nhau ra nói nhỏ “Mẹ ơi cho bọn con ăn một quả chuối nhé”. Tôi gật đầu và cũng nói nhỏ “các con ăn đi”. Sau đấy, hai người lớn tiếp tục nói chuyện, không để ý gì cả. Một lúc sau, tôi mới giật mình nhìn ra phía hai con. Chúng ăn hết nhẵn cả nải chuối rồi, không còn quả nào, chỉ còn một đống vỏ chuối và cái cuống nải thôi, hai bộ mặt có vẻ tươi cười hỉ hả lắm. Tôi nhìn trộm Mai, không biết bạn có để ý không. Tôi ngượng với bạn quá, chứ không phải tiếc vì các con ăn hết. Đằng nào tôi chả nhường cho chúng, nhưng mà vô tư thế này ngay trước mặt khách thì thật là…Từ đấy, tôi nói chuyện gượng gạo hẳn. Mai thấy tôi có vẻ mệt nhắc tôi đi nằm nghỉ, cáo từ ra về. Tôi không dám dọn chỗ vỏ chuối đi, đành chỉ nhắc các con ra chào chú, chúng ra ngay và líu ríu chào hớn hở, chỉ còn thiếu mỗi nước là dặn “chú ơi lần sau chú lại đến thăm mẹ cháu ốm nhé”. Bạn về rồi, nằm xuống tôi ngẫm nghĩ, chỉ tại mình không có tiền mua chuối cho con ăn, lúc nào cũng cơm rang với chả cơm nguội, lúc nào cũng củ sắn củ khoai là ghê gớm lắm rồi, nên mới thế. Hai đứa con ấy hôm nay đã 41 tuổi và 38 tuổi mà hình ảnh chị em chúng lũn tũn rủ nhau ăn hết cả nải chuối vẫn còn nguyên vẹn và sắc nét hằn trong trí nhớ tôi không bao giờ quên.
Rồi một ngày kia, chị Hoàn con bác ruột tôi ở trong
Khổ lắm nhưng có lúc vui thật, thích thật đó là Tết Nguyên Đán. Ở nhà thì tiêu chuẩn có mấy lạng thịt và mấy đồ lặt vặt đi xếp hàng hết hơi rồi, nhưng MQ mà ở đơn vị về thì thể nào cũng đeo lủng lẳng hai cân vừa thịt vừa xương (lợn). MQ đi xe đạp 60 km, nên khi về đến nhà thường là giữa đêm. Lúc này ông bà đã ngủ. Tôi khẽ trở dạy mở cửa cho chồng, rồi hai tên lẻn vào bếp, xử lí đám thịt xương quí giá. Thường thì chúng tôi không thể dấu được các con. Chúng nửa tỉnh nửa mê mà nghe loáng thoáng bố gọi cửa, lại thấy bố mẹ lẳng lặng vào bếp là chúng dậy ngay và theo sang liền. Tôi tay dao tay thớt thao tác rất nhanh nhẹn, pha ít nước muối rửa vài lần, rồi lọc xương ra hoặc có mẩu chân giò thì tốt, xào lên dành cho nồi măng ninh nhừ. Một ít mỡ lằng nhằng được rán ngay tắp lự, và các con tôi chỉ chờ có thế, chúng hau háu đợi mẹ thổi phù phù cho mỗi đứa nếm một cái tóp mỡ, nhất là may vớ được cái tóp có dính một tẹo thịt thì khỏi phải nói rồi, mắt sáng rực như ánh đèn pha. Một ít thịt nạc lọc ra ngày trước rang lên để phần bà me, bây giờ có cả ông ngoại thì cái nồi xinh xinh hai ông bà cùng nhấm nháp gọi là có tí thịt trước tết. MQ đi xa về, vất vả, nhưng chả chịu tắm rửa ngay, cứ líu ríu bên vợ con thế thôi. Thi thoảng, anh chạy ra ôm ngang lưng vợ thì ít mà ôm trên lưng vợ thì nhiều và thủ thỉ “vợ của anh ơi!” khiến cho đôi đũa vợ anh đang đảo chảo đảo nồi phải ngập ngừng dừng lại. Tôi lườm yêu chồng và bảo anh từ từ đã nào, nói vậy mà chính tôi cũng không hiểu từ từ là thế nào nữa.
Sau khi xem vợ làm xong và dọn dẹp đâu vào đấy rồi, MQ mới đi tắm. Tất nhiên là tôi đun cho anh một nồi nước nóng. Nồi nước nóng thì bé mà chậu thì to. Gió mùa Đông Bắc tràn về lạnh buốt thấu xương. Anh vừa tắm vừa rên hừ hừ chêu tôi ở cái góc sân nhỏ hun hút, còn tôi thì cười mà thấy rùng mình.
Lục đục phải hai giờ sáng mới đi ngủ. Bọn trẻ thì bị khua lên giường từ trước. Mới lên giường chưa ấm chỗ, thì MQ kêu muốn …đi ngoài! Ôi quả là nan trình, tôi sợ nhất cái khoản này. Bạn đọc có biết vì sao không? Này nhé: cái chuồng xí đi chung tập thể nằm ở sân nhà khác, cách nhà tôi chừng 10 mét, nhưng phải lách người đi qua một lối nhỏ bên nhà ông anh họ tôi chỉ chừng 60 cm. Chuồng xí làm kiểu hai ngăn, nhưng vì không có nhiều tro để bỏ vào, nên nó rất bẩn và hôi. Vào đấy, chỉ trong phút chốc, xong “câu chuyện” của mình thì người bị ám nồng nặc cái mùi không thể chịu nổi. Thế nên khi MQ trở lại giường ngủ, thì tôi nhất quyết không cho anh vào, và “bắt” anh phải đi tắm gội đầu lại và thay quần áo khác. Thật cực khổ nhưng chẳng biết làm sao. MQ có oán tôi ác không tôi không biết. Chỉ biết là MQ chịu thua và rên hừ hừ ra sân. Ôi những kỉ niệm ngày xưa hỏi làm sao mà quên được cơ chứ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét