Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Hồi ký NMNC - Chương 11

CHƯƠNG 11. HẠNH PHÚC
            Tôi đi Thái Lan về, hai vợ chồng lăn ra thu gom đồ để bán. Công việc này mới mẻ khiến bận rộn quýnh cả lên, không còn tâm trí nào để ý đến con cái. Chúng mà lò mò ngó nghiêng mấy cái áo cái quần là tôi quát đi ra chỗ khác ngay. Hoa lớn dần, đến tuổi dậy thì 14 rồi, mà mẹ chả để ý tâm tình gì với con, chỉ nói qua qua về kinh nguyệt, thay băng thôi, coi như hết trách nhiệm. Nó học hành ra sao bạn bè thế nào, tôi chỉ ra lệnh là chính. Nghĩ lại thấy thương con quá, và tự ghét mình. Lâu nay mình không thích tiền, mình sống đơn giản và tình cảm. Bây giờ sao có mấy trăm đô la mang hàng về được tăng thêm một ít tiền "lãi" nữa mà mình thay đổi tâm tính như thế? MQ làm luận văn sắp xong rồi, hay phải vào Sài Gòn, áp lực gia đình đối với tôi vẫn nặng nề quá.
             Và thời gian vẫn trôi nhanh, Hoa ngày càng cảm thấy ngột thở khi mẹ cứ bắt nhường em chuyện chương trình ti vi, rồi mẹ lại hay quát, không kiên nhẫn mềm mỏng chịu đựng như ngày xưa nữa. Có một lần, nó lỡ cất cái khăn tay của mẹ vào trong tủ, định bụng tặng bạn ngày sinh nhật, mà chưa kịp  hỏi xin mẹ, thế là mẹ cháu điên khùng lên, la lối khiến cháu không còn dám tường trình nữa. Cháu ấm ức viết thư cho bố MQ (khi ấy đang công tác Sài Gòn), lần đầu tiên tâm tình với bố và than phiền về mẹ, đành rằng có biết lỗi sai của mình. MQ viết thư hồi âm, giải thích cho cháu phải thông cảm với mẹ. Mẹ lo toan bận bịu nhiều thứ quá, nên thi thoảng nóng giận, còn thực tình mẹ rất thương con rồi bí mật gửi thư Hoa viết về cho tôi. Đọc xong, tôi giật mình, thầm cảm ơn chồng, và từ đó điều chỉnh thái độ với con hơn. Đúng như MQ nói, tôi thương cháu chứ, làm sao không thương được, có chăng trước kia khi mang bầu tôi thầm ước cháu là trai. Không phải vì tôi phong kiến thích con trai, mà là tôi cứ nghĩ thời nào thì con gái vẫn còn khổ lắm, đành rằng bình đẳng giới ngày càng được chú ý hơn. Tôi không thích các con tôi phải khổ. Thế thôi.

Con học giỏi
           Chẳng mấy chốc, Hoa chuẩn bị thi vào chuyên Toán cấp 3 rồi. Đây là thử thách lớn, hơn rất nhiều so với ngày đầu thi vào chuyên lớp dưới. Tôi chỉ biết động viên con cố gắng hết sức, để được vào trường chuyên Hà Nội Amsterdam. Ở đó, con sẽ có môi trường tốt để phấn đấu, có sức học vững thì về sau thi đại học đỡ vất vả, (và còn một điều khác nữa còn xa vời quá nên tôi chưa dám nói, mà chỉ thầm nghĩ, con sẽ cố gắng đạt điểm cao để được đi học ở nước ngoài con nhé!). Bố mẹ nghèo, chẳng có gì cho các con, chỉ mong các con học hành đến nơi đến chốn. Cháu đã rất cố gắng, và năm ấy thi vào đạt điểm chuẩn đậu lớp Toán 1 với điểm 16/20. Kém chút nữa thì học lớp Toán 2 là lớp mở rộng thêm về sau.
           Nhưng rồi sau năm đầu của cấp 3 chuyên Toán, Hoa đã không trụ nổi ở lớp Toán 1, học sinh được đảo theo thứ tự xếp điểm từ trên xuống dưới, cháu phải chuyển sang học lớp Toán 2. Cháu buồn, tôi có khi còn buồn hơn cả cháu nữa, vì tính tôi hay nghĩ ngợi lủng củng chứ không đơn giản vô tư như cháu. Nhưng rồi cố ghìm lại, tôi động viên con học ở lớp nào cũng tốt, miễn sao bản thân mình phải cố gắng hết mức, và có khi học ở lớp Toán 2 vừa với khả năng của con sẽ tốt hơn. Lớp Toán 1 tập trung nhiều học sinh giỏi, luyện theo đội tuyển đi thi cấp này cấp kia rồi cả chọn luyện thi Toán quốc tế nữa mà, con làm sao theo được? Đấy là chưa kể, dù tư duy của cháu khá tốt, nhiều sáng tạo, nhưng làm bài tắt làm ẩu rất hay bị trừ điểm, nên tôi thầm nghĩ chứ không nói ra, chuyển xuống lớp Toán 2 có cái tốt là cháu bớt chủ quan, và phải tự rèn giũa nhiều hơn.
           Sang lớp mới, thầy giáo dạy Toán đồng thời là chủ nhiệm cũng thay đổi. Hoa có vẻ không thích thầy và cách dạy của thầy. Những buổi thầy dạy thêm, nối tiếp giờ học Toán chính khóa, cả lớp ở lại học thêm, còn một mình cháu xách cặp đi ra. Cháu kể chuyện, tôi ái ngại quá và bảo con cứ học thêm đi, mẹ cố lo học phí cho con. Nhưng Hoa nhất định không chịu. Tôi khuyên cháu, con nhất định không học thêm thầy, thì thái độ của con vẫn phải ngoan ngoãn lễ phép. Con nên đi nhẹ nhàng kín đáo một chút ra phía cạnh lớp, con đừng đi ra nghênh ngang với thái độ bất cần, dễ làm cho thầy và các bạn hiểu lầm đấy. Cháu kể, thầy có vẻ bực tức trù con, giờ Toán của thầy, con lỡ để quên sách văn học trên bàn chưa cất đi, thế là thầy mắng rằng con không tập trung, giờ nọ làm việc kia, con chả biết trình bày sao cho lại, con mệt quá mẹ ơi!.
           Đúng vào những ngày căng thẳng đó, tôi bị sốt xuất huyết, phải nghỉ ở nhà. Tôi nằm không yên, MQ đi vắng, may có bạn gái ở cơ quan đến chăm lo đỡ cho, nhưng cái ốm thêm vì chuyện của con thì tôi không dám nói cho ai biết. Sau khi dậy đi làm, tôi đến ngay trường và tìm cách hỏi thăm nhà thầy giáo ở đâu, chứ không nói cho cháu biết, rằng tôi sẽ đến thăm thầy giáo tại nhà riêng.
            Nhà thầy ở một ngõ nhỏ nơi phố xá đông đúc. Đây là lần đầu tiên, tôi đi thăm thầy trong khi cháu đang học. Chả là, lâu nay, với con cái tôi, chỉ sau khi các cháu kết thúc học, xa thầy cô giáo, thì tôi mới tới nhà thăm và bày tỏ lời cảm ơn thầy cô, hay là ngày nhà giáo Việt Nam cũng thế, tôi đến thăm tặng quà thầy cô giáo cũ của các cháu, chứ khi đang học, tôi rất ngại tiếp xúc. Tôi tự giới thiệu tôi là mẹ cháu. Tôi xin phép đến thăm thầy, và muốn trình bày để thầy thông cảm với hoàn cảnh gia đình tôi. Chồng tôi là bộ đội xa nhà. Kì vừa rồi, tôi ốm bệnh, nhà đông con, cháu là chị cả nên phải làm việc vặt giúp mẹ. Tan học xong cháu phải về nhà, nên chưa có điều kiện để tham gia các lớp học thêm. Nhưng tôi hứa sẽ nhắc nhở cháu chịu khó học và làm bài đầy đủ, thưa thầy. Nghe tôi nói, dường như thầy ôn hòa, hiền dịu hơn, và có vẻ thông cảm. Vậy là hoàn cảnh thì có những điểm đúng rồi, nhưng có một điểm tôi không dám nói thật là cháu không thích học thầy. Tôi gắng "dàn xếp" vậy để thầy bớt ác cảm với cháu, và để cháu bớt mặc cảm chán nản, tránh đi sư tụt dốc nguy hiểm không đáng có.
           Tôi tuyệt nhiên không nói cho cháu biết việc trao đổi với thầy, chỉ hỏi thăm tình hình học hành ra sao, thì cháu nói hồi này thầy không cáu kỉnh với con nữa, và thế là tạm ổn.
        Tuấn thì càng lớn càng ương, không bao giờ chịu nhường chị, Được cái cậu học khá chứ không ì oep như ngày lớp hai, nên  thi vào chuyên Toán đỗ, và theo học thầy guồng bạn bắt chước chị mà học thôi. Cháu học Toán không được nhanh nhẹn thông minh như chị, nhưng bù lại, cẩn thận hơn, kĩ lưỡng hơn không ẩu bửa như chị, nhất là khi làm bài tập hình thì tuân thủ cách trình bày thầy cô dạy, bài nào không làm được nghe thầy cô giảng rồi về nhà làm lại cẩn thận. Cu cậu có cái tội là  thèm ăn thì không kiềm chế được. Có lần ban đêm vợ chồng tôi thức giấc, thấy cu cậu ra sân đi tiểu xong vào nhà, cậu không dám bật đèn mà rón rén đến gần nồi thịt phần riêng của bà me. Bà me đậy kĩ lắm, đè cả một cái thớt lên, sợ mèo cậy. Vậy mà cậu khe khẽ bỏ thớt xuống, mở vung nồi, ăn vụng một thìa thịt băm rồi đậy mọi thứ như cũ, xong vào giường ngủ. Chúng tôi nhìn con vậy mà rớt nước mắt, chỉ vì thiếu thốn quá, ngày nào bọn trẻ chỉ được ăn khá nhất là mấy miếng bì lợn thôi, thái nhỏ thi thoảng sót vài sợi lông rồi kho lên ướt nhầy nhầy. Ngày sinh nhật tôi hỏi con thích gì mẹ mua cho, cháu bảo con chỉ thích mẹ mua củ sắn dài nhất chợ. Thế là tôi dắt cháu ra hàng sắn khoai luộc sẵn, chọn củ dài nhất thật và cu cậu hí hửng ăn mê mải. Đấy cái ước mơ của con trai tôi thời ấy không vượt quá củ sắn, tức là khoai mì miền Trung miền Nam thường gọi.
         Bé út Hương thì biết đọc khi chưa tới trường. Mới học lớp một bé về nhà đã nằm vắt chân chữ ngũ đọc “Không gia đình”. Chả biết nó có hiểu không nhưng thấy say mê lắm. Có một lần, nó có cái gì ấy không hiểu, nó hỏi bố MQ, bố hơi ngạc nhiên, thì ra con gái bảo nó đọc trong báo “Tuần tin tức” của anh Tuấn, vì không hiểu nên hỏi bố. Hương quí anh Tuấn lắm. Hồi nhỏ, nhiều lần, xem anh và các bạn anh chơi một trò chơi, anh giả vờ chết và bị mọi người khênh đi, Hương cứ chạy theo khóc lóc, “các anh ơi, trả em anh Tuấn đây hu…hu….”.Vậy mà lớn lên, Hương luôn bị anh tranh giành Ti vi chứ chẳng nhường em giống chị Hoa ngày trước. Hương còn bé nhưng hay lo xa. Thi thoảng, cô nàng lụi hụi bắc ghế leo lên mở nắp thùng gạo và bảo mẹ “Mẹ ơi, nhà mình sắp hết gạo rồi này!”. Tôi thương con đến ứa nước mắt “Thôi mà con. Rồi mẹ sẽ mua gạo tiếp, con không phải lo đâu, yêu quí của mẹ!”
             Hương học Toán rất tốt, chả mấy khi bố mẹ phải kèm cặp, chỉ hỏi han con cho biết vậy thôi. Bé hay nhìn trộm bố khi thấy bố cứ ngang nhiên ôm mẹ trên giường  Đấy bé mà còn thấy ngượng nên phải nhìn trộm trong khi bố MQ cứ như không. Tôi bấm MQ để ý con gái kìa, nhưng MQ cười bảo, có làm sao đâu mà, mình cũng cần cho chúng biết rằng bố mẹ yêu nhau chứ!.
           Từ khi đi Thái Lan về, tôi vẫn làm việc bình thường ở cơ quan, nhưng hồi này công việc nhàn nên tôi đi học tiếng Anh bằng C buổi tối. Tôi vẫn đến lớp một tháng trước khi vào thi thôi. Sẵn có kinh nghiệm “giơ tay”, tôi cứ thế mà học. Bây giờ không ngại nói nữa, nhưng bài dịch thì khó hơn trước nên phải mất công hơn, và cuối cùng thì tôi chỉ được bằng C loại trung bình. Tôi tự học thêm máy vi tính, và thi thoảng đi công tác vài nơi gọi là kết hợp với họ để tìm hiểu đưa máy vào hoạt động. Còn loại máy cũ  (của Đức) thì vẫn túc tắc chạy cố ở một số tỉnh hoặc cơ quan mới được chuyển giao “đồ cũ”. Dù công việc thế nào, dù làm ở đâu, tôi đều vui vẻ hòa mình trong những tập thể nhỏ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, duy chỉ có những buổi dự kết nạp Đảng viên mới là đáng sợ đối với tôi. Tại vì tôi luôn được mời dự, mà tôi hay mặc cảm nghĩ vẩn vơ. Tôi cứ thấy thế nào ấy và rất tệ là lần nào cũng khóc và phải bỏ cuộc họp mà ra ngoài. Mọi người ái ngại nhất là lãnh đạo luôn an ủi tôi, rằng đơn vị vẫn đang cố gắng xác minh lại lí lịch. Ơ hay, khổ quá, tôi có sốt ruột gì đâu, tôi có yêu cầu cơ quan làm gì đâu, hãy để cho tôi yên. Tôi xin lỗi vì già rồi còn khóc như trẻ con, thực tình tôi chỉ muốn giá như những buổi kết nạp bạn bè tôi, đừng có gọi tôi dự làm gì. Thế thôi, tôi vẫn là tôi mà. Tôi chưa là Đảng viên, nhưng các anh vẫn định đề bạt tôi, (không thành là tại tôi từ chối chứ!) rồi đưa tôi đi học ở nước ngoài, vậy là tôi quá may mắn rồi. Quỉ tha ma bắt tôi đi, cái tính tôi cứ vớ vẩn như thế, làm phiền hết cả. Nhiều lúc tôi chỉ muốn gào lên thật to, rằng tôi không nhầm lẫn gì cả, tôi luôn cố gắng và tự giác làm việc, tôi đang là một người tốt, còn nếu ngày mai tôi thay đổi, tôi xấu đi thì quyết không phải vì tôi chưa được kết nạp Đảng đâu, hỡi mọi người!
         Đến một ngày đẹp trời nào đấy, đơn vị mới phái người về quê, và tìm ra manh mối có liên quan đến lí lịch của tôi, và yêu cầu tôi khai bổ xung, về chính những điều mà lúc này tôi mới biết, để hoàn tất thủ tục người giới thiệu và chuẩn bị kết nạp tôi vào Đảng. Tôi không vui, chẳng buồn, có lẽ mọi thứ đã bị chai lì rồi.
          Đúng lúc ấy thì đơn vị tôi bị giải thể. Mạng lưới địa phương teo đi, nên cơ quan quản lí là đơn vị tôi không còn vai trò như trước. Anh Quy, Vụ trưởng của chúng tôi chuyển sang làm Viện trưởng một Viện nghiên cứu của ngành. Anh ngỏ ý muốn lấy tôi về, bảo tôi thể hiện nguyện vọng với tổ chức để chuyển sang Viện, nhưng tôi khước từ. Tôi muốn theo sự phân công từ Vụ Tổ chức.

Vẫn cười
           Đơn vị giải thể, tôi được điều động sang làm ở phòng Tổng hợp của một Vụ nghiệp vụ. Phòng đa số là phụ nữ, Vụ cũng vậy. Buổi đầu, tôi hơi ngượng ngùng khi làm quen với mọi người, nhưng sau rồi thoải mái ngay, vì tôi giao tiếp không đến nỗi nào, chỉ có thân là khó thôi. Ngoài công việc làm báo cáo tổng hợp, tôi có nhiệm vụ làm cầu nối để tin học hóa dần việc xử lí và lưu giữ  thông tin trên máy tính. Thi thoảng tôi đi công tác đến các nhà máy xí nghiệp để thu thập số liệu cần thiết. Dù đi công tác hay làm việc ở phòng, tôi đều hòa đồng với đồng nghiệp mới, chỉ hơi buồn vì nhớ bạn bè ngày xưa. Ở đây, công việc không có gì bận bịu lắm, nên anh chị em rất hào hứng ăn cơm trước giờ, tán chuyện gẫu và chia chác mấy thứ hàng thực phẩm hoặc hàng công nghệ. Thịt lợn không có nhiều, nhưng hay mua cá biển về chia. Làm gì có cá lớn đâu, toàn cá liệt, cá liệt ngang và cá liệt dọc. Mình cá mỏng dính, lắm xương ngạnh ra mổ không khéo là đau điếng và chảy máu tay như chơi. Bọn tôi mua về thường băm thật nhỏ trộn hành và rau thì là rồi rán chả cá. Không có mỡ thì kho khô mà ăn. Tôi say cái loại cá này lắm bởi tôi có động cơ khác, tôi chặt bỏ đầu và vây ngạnh để bỏ vào nồi nước gạo nấu cho gà ăn chóng lớn.
             Lúc này tôi nuôi gà công nghiệp, nuôi nhiều. MQ đóng chuồng, làm máng cho gà ăn, rồi làm sàn dốc để gà đẻ trứng trôi xuống máng khác nữa. Nhưng vì gà ăn thường bị thiếu chất, thi thoảng mới có đầu cá, bã cua, nên chúng đẻ trứng vỏ không được cứng lắm, Và mỗi khi đẻ trứng xong, lũ gà chống đối vợ chồng tôi bằng cách quay lại mổ ngay quả trứng để ăn cái vỏ! Ôi thôi những lúc ấy, quả trứng vỡ tung ra, hoặc có khi rơi lọt xuống khe sàn chuồng. Bạn đọc có thể tưởng tượng được không? Tôi loay hoay khều từ giữa đống phân gà quả trứng bị vỡ, cố lấy ra cái lòng đỏ sót lại, hoặc vớt cái lòng đỏ bị bẩn rồi nhẹ nhàng xé màng bọc chắt ra bát, rồi thản nhiên đánh lên đem rán! Bình thường, gà đẻ khá nhiều trứng nhưng chẳng dám ăn, tôi xếp vào rổ to mang ra hàng phở gà bán. Tôi bảo họ đây là trứng gà công nghiệp nhưng khác ở chỗ lòng đỏ rất thẫm màu, vì tôi nuôi theo kiểu gà ta. Họ đập ra thử thấy lòng đỏ còn đẹp hơn cả trứng gà ta, nên thích lắm, và bán theo phở, khách ăn rất khen. Thế là tôi đem tiền về mua đổi sang thức ăn khác. Chỉ khi nào trứng rơi vỡ thì nhà mới được ăn thôi!.
             MQ ở đơn vị về, thấy tôi bán trứng gà như thế, mới nảy ra ý định rủ cậu bạn thân cùng làm một việc. Đấy là hai chàng mua trứng gà công nghiệp ở trang trại gần đó, loại trứng này khá nhỏ, nhỏ y như trứng gà ta vậy, cái vỏ thì màu hồng xẫm một chút, nhưng cái lòng đỏ thì còn tuyệt vời hơn cả lòng đỏ trứng gà tôi nuôi ở nhà. MQ rắp tâm mang về để tôi bán đi cho đã, mà kiếm được lời kha khá. Ha ha tôi bắt thóp chàng là đẩy tôi vào tình trạng nói dối nhà hàng đây là trứng gà ta! Ôi trứng gà ta đẻ ở đâu ra mà lắm thế, hàng trăm quả chứ ít à? Chàng sống với vợ đã gần 20 năm rồi mà còn chưa biết tôi sợ nói dối đến thế nào ư? Nhưng thôi chuyện đó để sau. Số là chàng không có duyên đi buôn, hay là trời trừng phạt luôn về cái tội nói dối gián tiếp (MQ có đi bán trứng đâu), nên dọc đường chở bằng xe đạp, hai chàng đánh rơi hay xô dạt đệm lót thế nào mà vỡ cả mấy chục quả trứng! Thôi rồi, có nói dối kiểu gì cũng chỉ được lãi số trứng vỡ này mà thôi, sẽ rán được mấy đĩa trứng thật to cho mấy bà cháu khỏi thèm thuồng (!)
             Tôi vừa buồn cười vừa thương chồng và thương bạn mà không dám trêu đùa hay trách móc gì. Từ hôm sau trở đi là mấy buổi liền tôi đi bán trứng cho dãy hàng phở gần chợ Hôm. Quả tình tôi không dám nói dối đây là trứng gà ta. Nhưng nếu chủ hàng không thắc mắc đây là trứng gì thì tôi chả nói, chỉ thỏa thuận giá cả thôi, còn nếu ai hỏi thì tôi phải nói thật bạn tôi mang từ Vĩnh Yên về, nó là trứng gà công nghiệp đấy nhưng cái lòng đỏ thì đỏ lắm và rất ngon. Chả biết MQ có thương tôi không, khi mà đi bán ròng rã như thế chỉ đủ mang vốn về cho hai ông tướng!
              Ở nhà, tôi nuôi trên 30 con gà công nghiệp. Khi xuất chuồng bán, mỗi con phải 3,5 - 4 kg! Cứ một tuần lại đem cân thử từng con. Những khi chúng ho, tiêu chảy thì lớn chậm hẳn, thậm chí còn sụt cân, những lúc ấy hai vợ chồng vẫn hì hục cân nhưng buồn lắm. Nhất là tôi, tôi cứ lầm lì, chỉ có thiếu mỗi nước khóc thôi. Chả bù khi gà lớn khỏe mạnh thì vừa cân vừa trò chuyện với chồng nở như ngô rang mặt tươi hơn hớn.
            Vì nuôi nhiều như thế, nên phải mua cám gà công nghiệp chứ không thể dựa vào nước gạo đi xin. Cám khuân về hàng bao tải, rồi phân gà hót đi phải hàng tạ! Cứ đi làm về, chiều tối rồi hót phân mang đi đổ vào xe rác thì thở ra đằng tai. Nhà có cái giếng khơi, nước múc lên cọ rửa chuồng hàng ngày nhưng mùi phân gà vẫn bốc lên nồng nặc, sợ nhất là khách vào chơi chủ phát ngượng!
             Có một lần, vào ngày chủ nhật, vợ chồng tôi đang chuẩn bị bao tải dứa để đi mua cám gà, thì cô bạn MQ ở trong Nam ra chơi, đến thăm.Vẫn là cô gái cùng ăn trứng vịt lộn ấy mà. Tôi không khoái lắm, vẫn chỉ là những cái không khoái vô cớ, nhưng rồi trấn tĩnh lại, tôi nhẹ nhàng bảo MQ cứ ở nhà tiếp cô bạn, tôi đi mua một mình không sao. Và lúc này tôi bảo MQ ở nhà là thật lòng, bởi mấy khi bạn từ xa đến thăm mà gặp cho được, và hai người chuyện trò cho tự nhiên thoải mái, chứ có tôi, biết đâu cái mặt tôi cứ lành lạnh thì còn gay go hơn, mất vui đi. Tôi thì không thể nể bạn ở nhà luôn vì gà hết thức ăn mất rồi. Tôi đi một lúc rồi về có cần làm cơm gì vẫn được mà. Nhưng không hiểu sao, MQ không chịu, vẫn bảo sẽ đi cùng tôi, thế là chỉ tiếp cô bạn được một lúc. Tôi chẳng vui, cảm thấy buồn buồn khó tả, và thấy ái ngại thế nào ấy. Tôi chợt nhớ mấy hôm trước đây, MQ gắt gỏng tôi vì cái tội mặc áo mưa về mà không giặt lau khô xếp cất, cứ vắt bừa lên xe đạp. Tôi biết mình thiếu cẩn thận, nhưng tôi tự ái lắm, tôi tự bảo mình rằng, vì đấy là cái áo mưa mượn của cô bạn này nên MQ mới chăm chút thế, và cáu với tôi, chứ nếu là áo mưa của người khác thì chắc gì đã bực mình đến vậy? Đấy tôi tự vận vào mọi chuyện, bây giờ thì MQ tiễn cô ấy ra về và cáo lỗi vì bận đi mua cám với vợ là tôi đây.
           Nuôi gà là một chuyện, nhưng bán gà là chuyện khác. Mỗi lần đi bán, nếu có MQ ở nhà thì MQ buộc cho tôi cái lồng gà thật to sau pooc ba ga xe đạp, rồi bỏ vào đó 5, 6 con nặng chừng 20 kg. Tôi sẽ chở lên tận chợ Đồng Xuân bán cho hàng gà. Giá thì có rồi, người ta mua thế nào thì cứ vậy mà bán. Những con gà mượt mà, trắng tinh thật đẹp. Nhà tôi chả bao giờ được ăn gà tử tế, chỉ con nào bị dù, ho nặng chẳng may chết toi thì mới mổ ra, rim mặn lên với ít gừng, thế thôi. Lúc ấy thịt nó cứ tím ngắt, có khi đen đen, vậy mà ăn tất, chả sợ gì, còn sướng nữa. Phòng tôi có một chị lớn hơn tôi cả gần chục tuổi ấy, chị cũng nuôi một ít, có lần chị muốn bán một con, nên gửi xuống nhà tôi để tôi đi bán hộ luôn. Tôi quên không dặn me tôi, thế là khi chị mang gà đến bỏ nhờ vào chuồng, mẹ tôi kêu ầm lên, không được đâu, em nó bận lắm, vất vả lắm, nó bán của nó còn chưa xong nữa là, rồi lỡ ra gà bị bệnh lây nhau thì sao. Khổ thân chị ấy, tính hiền lành nói năng nhỏ nhẹ làm sao kịp giải thích thanh minh gì cho lại với me tôi. May quá đúng lúc ấy tôi về, nghe thấy me la lối om xòm. Tôi vội can me tôi và an ủi chị mong chị thông cảm tính me tôi vậy chứ không có bụng dạ gì đâu. Me tôi còn kịp lườm tôi, “ốc chưa mang nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu”. Rồi, tôi vội vàng đem gà đi bán ngay kẻo để lâu, gà có làm sao, me tôi thể nào chả cằn nhằn gà của chị ấy lây bệnh.
            Có một lần tình cờ đi chợ xa (ô chợ Dừa), tôi gặp một anh cùng cơ quan, đấy chính là anh Ngọc thay tôi dạy Toán và làm chủ nhiệm lớp ngày xưa tôi bị từ chối vì chưa phải Đảng viên ấy. Anh đội tùm hụp cái nón, lúng túng vì mang ra chợ bán mấy con gà ta. Tôi chào anh, nói đủ thứ chuyện để anh thoải mái. Tôi khoe tôi đi bán gà nhiều nhưng là gà công nghiệp nên tôi chỉ chở tới chỗ buôn, họ cân lên trả tiền chứ không vất vả như anh, rồi tôi buột miệng hỏi thế vợ anh đâu bận gì à mà không đi bán, hỏi rồi như cảm thấy mình lỡ lời. Thì ra cái óc phong kiến của mình thật nặng, biết phụ nữ khổ đủ thứ rồi mà cứ vận vào việc bán mấy con gà nhất định phải đến tay phụ nữ. Bởi thế, tôi chả có ý trách MQ chồng tôi đã không chở gà lên chợ Đồng Xuân bán mà để tôi đi một mình!
             Không phải chỉ nuôi gà công nghiệp đâu, tôi thấy có ai nuôi gì là hùa vào làm theo. Ngày ấy có phong trào nuôi cá trê phi, tôi cũng nuôi. Nhưng rồi cá chết hết, chả còn con nào. Rồi lại nuôi lợn nữa chứ. Anh rể tôi, anh Sự chồng chị Thùy Trinh, làm ở trại giống cá, nhưng được mua một con lợn giống. Gọi là lợn giống cho oai chứ thực ra nó là lợn còi, già rồi mà lớn chậm nên bé tí. Chắc họ bán nội bộ giá rẻ. Anh về hỏi tôi có thích nuôi không thì anh mua hộ. Tôi liều mình gật ngay, chả vì đang buồn bởi lũ cá trê phi chết hết. Tôi nhốt chú lợn trong cái xó buồng tắm bé tí. Hàng ngày tôi cho ăn cẩn thận. Nhưng khổ nỗi lúc ấy là mùa đông rét buốt, nên chỉ nuôi chưa được một tuần thì chú giở bệnh rồi. Chú nằm im, thở, chả ăn uống gì, Tôi nhắn anh Sự về trợ giúp nhưng vô hiệu. Chú đã ra đi rời bỏ thế gian này mặc cho tôi buồn đau không thể tả xiết, bởi ở làm sao được với tôi, một mụ đàn bà bận đủ thứ việc, lại chả nuôi lợn bao giờ.Tôi tiếc thương, nhưng còn đủ can đảm để một mình làm thịt chú, nào nước sôi, cạo lông, mổ.Tôi ướp đường mắm và gia vị thơm phức rồi rán lên, Chú còn nhỏ nên tôi xẻ ra bốn mảnh đùi mà quay luôn. Cái đầu với lòng ruột thì băm chặt kho với muối tránh ôi thiu rồi cho gà ăn dần. Bốn cái đùi, một để bà me, ba cái khác dành cho hai đứa lớn nhà tôi, với một thằng cháu con chị Thùy Trinh. Út nhất nhà tôi yếu và hay rối loạn tiêu hóa nên không dám cho ăn nhiều chỉ ké bà ké anh chị tí chút thôi. Chú lợn là lợn còi nên rất chắc, toàn thịt nạc, mỡ thật mỏng. Mấy bà cháu ăn ngon lành hết veo, còn tôi tuyệt nhiên không dám đụng. Tôi thấy ghê ghê, và tình sót thương chú lợn bé bỏng tội nghiệp không vượt qua được cái trăn trở vì cả nhà đang đói khát thèm thịt, nên tôi mới làm được cái việc “tày đình” ấy chứ. Nhưng nghĩ kiểu lạc quan, tôi khoái chí vì mình mổ được lợn, nên tự cười hể hả và khi MQ về tôi đấm cho anh một trận vì tội để tôi vật lộn một mình như thế với đàn cá trê phi và con lợn giống xấu số.

Lời thề cộng sản
          Vì đang làm dở thủ tục kết nạp Đảng thì đơn vị cũ giải thể, nên hồ sơ của tôi được chuyển tới Vụ mới. Hai Đảng viên giới thiệu tôi vẫn là người của đơn vị cũ, chỉ tổ chức kết nạp là làm ở nơi mới mà thôi. Hai người ấy một là anh Quy, Viện trưởng Viện nghiên cứu, một người là Mạnh, trưởng phòng của một phòng cùng Vụ, ngày xưa là học sinh miền nam giống chồng tôi. Mạnh hơn tôi một tuổi, nhưng học từ nước ngoài về, ra trường sau tôi tận mấy năm nên coi là bạn bè. Chắc vì từ nước ngoài trở về, nên tính tình thoải mái tự nhiên, tự nhiên đến mức có một lần chặn tôi ở ngay giữa đường phố đông đúc, để bảo tôi rằng cậu ấy yêu tôi! Tôi ngạc nhiên và hơi buồn cười. Tôi bảo, ơ bạn có vợ mà, mình thì có chồng, anh MQ đấy thôi, bạn biết rồi còn gì, sao lại nói thế? Cậu ấy cười rất tươi và bảo, nhưng mình cứ yêu Thư! Một chuyện vui ghi lại cho truyện đỡ tẻ nhạt, chứ thực chả có gì nghiêm trọng, bởi cậu ấy cũng chỉ tếu táo nói thế, còn tôi thì lúc nào cũng nhăm nhăm yêu mỗi chồng mình.Tuy nhiên, tôi hơi ngại khi còn làm việc chung Vụ cũ, có lúc Mạnh chặn tôi ngay trong phòng làm việc dù chỉ vài câu bông đùa, miệng thì cười rất tươi nhưng sợ phát khiếp, sợ ai nhìn thấy trông kì kì và không hiểu được.
             Lễ kết nạp Đảng của tôi vậy là tiến hành tại đơn vị mới, ngày 28 tháng 6 năm 1987. Tôi rất xúc động, không còn chai lì nữa, ngay từ khi quốc ca và quốc tế ca cất lên. Tôi đọc đơn xin gia nhập Đảng mà run run, tuy không òa khóc. Rồi tôi đọc những lời thề. Đọc xong, và khi những nghi lễ thủ tục khác hoàn tất, tôi không thở phào nhẹ nhõm. Trái lại, tôi cảm thấy nặng nề hơn, bởi từ nay những trách nhiệm của một đảng viên cộng sản, dù vô hình hay hữu hình, sẽ gắn theo mình suốt cả cuộc đời.Nhưng nghĩ đến chồng mình, tôi lại cảm thấy ngập tràn niềm hạnh phúc: Tôi đã là đồng chí của anh. Tôi không còn là cô sinh viên ngây thơ thuở nào nghe anh giáo huấn về Đoàn thanh niên, cánh tay phải của Đảng nữa. Một năm sau, tôi trở thành Đảng viên chính thức, sinh hoạt tại chi bộ ở môi trường mới này.

Tự hào
            MQ bảo vệ luận văn phó tiến sĩ xong từ ngày tôi còn ở đơn vị cũ. Hồi ấy chưa có máy vi tính, mà dùng máy chữ để đánh văn bản. Ở cơ quan, đến giờ nghỉ trưa là tôi hì hục làm cho MQ. Lần này là đánh máy, và điền thêm bằng tay những kí hiệu toán học, thật cẩn thận, mà không sợ rằng luận văn bị thầy giáo trừ điểm như ngày trước tôi chép bài kiểm tra bằng tay hộ MQ nữa.
            Bọn trẻ nhà tôi lớn nhanh như thổi và học quay cuồng, nhất là Hoa, sắp thi đại học rồi. Cháu muốn theo bạn học thêm, nhưng tôi không đồng ý. Một phần vì tôi không có tiền, nhưng một phần khác là vì tính cháu làm bài rất ẩu, nên tôi mua sách bộ đề để cháu tự học, cho thấm và trình bày chuẩn hơn. Hoa ngoan, và chịu khó, mượn bài vở của bạn được đi học để tham khảo, thậm chí chép lại. Học trên lớp về, xong việc nhà là ngồi vào bàn miệt mài giải Toán, rồi cả Lý, Hóa nữa. Hoa định thi khối A, và có ý phấn đấu thi điểm cao để được đi học ở nước ngoài. Mới ngày nào, đó còn là ý định thầm lặng của tôi, mà nay tự cháu đã hình thành một quyết tâm trùng lặp với mẹ. Rồi tôi cho cháu thi thử nhiều lần để rút kinh nghiệm và biết sức mình tới đâu. Có lần, đi thi về, ba bài toán lí hóa tưởng như làm được hết cả, mà tổng số điểm chỉ có 20! Bố MQ xem bài thi toán của con gái xong thì xé tan thành nhiều mảnh, ném xuống đất và di chân lên. Cháu bị bố mắng té tát vì cái tội làm được mà làm tắt làm ẩu, nên bị trừ điểm suốt. Chả là cô nàng cứ thỉnh thoảng viết “rõ ràng là”, “hiển nhiên là” rồi viết béng cái điều mà mình suy luận ra để làm tiếp các bước khác. Bố MQ năm nào chả chấm thi đại học, nên mới phân tích rõ ràng và chỉ cho cháu thấy như thế nào là được điểm, được bao nhiêu từng cung đoạn. Rồi còn những chỗ xóa lem nhem nữa, ai biết đằng nào mà lần! Sau khi thi thử, Hoa thường phải làm lại và trình bày cho nghiêm chỉnh hơn. Vì thế kết quả có khá lên, và ngày càng tự tin. Giai đoạn sau, sắp thi, tôi cho cháu đi học thêm cả ba môn, có chú tâm chọn lớp rèn giũa tính cẩn thận, chứ khả năng giải Toán của cháu thì tốt rồi. Riêng môn Lý, theo học một thầy giáo là bạn của bố MQ, cháu được thầy khen lắm nên tạm yên tâm.
             Năm ấy, Hoa thi vào một trường đại học kĩ thuật, bởi hi vọng có 80 chỉ tiêu đi nước ngoài. Một tuần trước khi thi, tôi cho cháu nghỉ ngơi và hầu như không học hành gì nữa, có xem phần lí thuyết thì chỉ đáo qua một chút nhẹ nhàng, bởi tôi cho rằng để đạt được kết quả cao, cần có nhiều yếu tố, kiến thức chắc chắn vững vàng, tự tin chứ không chủ quan, nhanh mà cẩn thận, sức khỏe tốt, tâm lí thoải mái, không cay cú không căng thẳng. Trên đường đưa con đi thi, tôi tâm tình với cháu. Lâu nay, mẹ không thúc ép con nhiều, để con tự giác, và mẹ biết con muốn phấn đấu đi học nước ngoài. Đấy cũng là ý nguyện của bố mẹ. Tuy nhiên, con cần hiểu rằng, suốt bao năm nay, con đã cố gắng hết sức mình, thì hôm nay đi thi, con sẽ thể hiện hết những gì mình có. Nhưng như thế không có nghĩa là bắt buộc con phải được điểm thật cao, bắt buộc con phải được đi nước ngoài. Con cần thật sự thoải mái và chấp nhận tất cả. Có thể khi thi, không những không được điểm cao, mà thậm chí còn có thể trượt đại học nữa. Nếu trượt thì sẽ học lại sang năm thi, chả sao cả. Chỉ cần nhất là đã ngồi trong phòng thi thì làm bài và trình bày thật cẩn thận, kiểm tra kết quả cho chính xác, và không được ngó nghiêng sang bạn sẽ mất tinh thần và làm phiền bạn. Mẹ chúc con khỏe mạnh, tỉnh táo, và bình tĩnh.
           Hoa thi môn đầu tiên là môn Toán, trưa về thì bố MQ và một chú cùng đơn vị đã ngồi chờ sẵn để kiểm lại kết quả con gái làm bài. Tôi không thích làm vậy, và ngăn MQ, dù con làm đúng sai thế nào thì đã xong rồi, để nó nghỉ ngơi chiều làm môn khác chứ, xoáy vào tìm hiểu lỡ ra thấy có sai lại chán nản mất tinh thần ra. Ngăn chả kịp, hai anh em đã kịp truy con bé, và chấm cho nó chín điểm rồi, và cằn nhằn nó để sơ sảy tí chút. Thật may là khi thừa giờ cô nàng đã kịp kiểm tra thấy sai và làm lại một bài!
           Hai buổi sau cháu thi Hóa và Lý, làm bài có vẻ tốt. Có vẻ thôi, còn thì chả biết thế nào. Dù sao, tôi đã cho con du ngoạn vào Nam một chuyến, thăm mộ ông bà nội ở Nha Trang, thăm bà con họ hàng ở cả Nha Trang và Sài Gòn. Chuyến đi là để cháu thoải mái sau những năm học hành vất vả. Nhà ở chợ Trời, người ta buôn bán ăn uống tấp nập, hàng bún chả suốt ngày thổi khói thơm vào nhà, mà nhà tôi thì đóng cửa thật chặt, con cái cứ việc học hành quên cả đói khát.Với lại, “may ra” cháu được đi nước ngoài thì đây cũng là một chuyến đi có ý nghĩa. Sẽ lâu lắm cháu mới lại vào Nam được như thế này. Hai mẹ con đi, con thì vô tư, còn mẹ thì tỏ ra vui vẻ, nhưng trong lòng canh cánh, không biết điểm thi của con sẽ thế nào. Đậu đại học thì chắc là đậu rồi, nhưng hồi hộp lắm về cái vụ đi nước ngoài ấy.
            Trở ra Hà Nội, biết ngay điểm rồi đây 25/30, mà điểm đi nước ngoài là 25,5! Toán 9 Hóa 9 Lý 7. Ngạc nhiên nhất là môn Lý 7 điểm. Hoa thì thấy gần như môn Lý là mãn nguyện nhất, vậy mà chỉ có 7 điểm thôi! Hay là người ta bỏ quên mất một tờ? Cháu thắc mắc. Tôi chả biết làm thế nào người ngây ra như khúc gỗ, xong phải cố trấn tĩnh ngay. Không thể để con bé chán nản quá được. Tôi an ủi và bảo con làm đơn để xin phúc tra, hai môn Hóa và Lý. Phúc tra cả Hóa thì buồn cười vì Hóa đã 9 điểm, nhưng lỡ ra môn Lý làm dở thật mà Hóa tăng được ½ điểm thì sao. Đúng là “chày cối” quá mất thôi.
             Tôi mang đơn đi tìm nơi nhận hồ sơ phúc tra. Thế quái nào tôi gặp ngay một ông (không biết có phải thầy Vật Lý hay không). Nghe tôi trình bày và hỏi thăm, ông ấy bật tín hiệu để ông ấy sẽ giúp đỡ, còn tất nhiên đơn cứ việc nộp ở nơi mà ông ấy chỉ dẫn. Không biết tôi có nhầm lẫn không, nhưng nhận thức lúc đó của tôi là, ông ấy bảo phúc tra ½ điểm của môn Vật lí là OK nếu như tôi đồng ý chi tiền ra, mặc dù ông ấy không hoàn toàn nói trắng ra như thế. Tôi ngần ngừ, rồi kiên quyết chào và ra về, chỉ nộp phúc tra bình thường. Tôi không dám kể chuyện này cho con gái, và bố MQ. Tôi không biết hai bố con sẽ nghĩ gì, và nhất là con gái liệu có “trách” tôi không. Nhưng tôi đã quyết là như thế. Tôi quyết để con mình học trong nước với điểm số 25, thế thôi, mặc dù được tăng ½ điểm cũng thích!!!
           Và gần như tất nhiên, sau khi phúc tra, con tôi giữ nguyên điểm 25. Tôi dắt con đến trường làm thủ tục nhập học. Tôi gắng an ủi con, học trong nước cũng tốt, còn bao bạn trượt mong được đỗ kìa, con thấy đó. Hai mẹ con đành phải quen dần với sự gạt bỏ hi vọng nhỏ nhoi lâu nay vẫn thường trú trong đầu óc của mình.
            Học sinh nhập học đông lắm, nên phải xếp hàng chờ đợi rất lâu. Rồi đến lượt mình. Bỗng nhiên, loa phát thanh của trường vang lên một thông báo mà tôi không dám tin ở tai mình nữa: “Điểm chuẩn đi học nước ngoài đã hạ xuống 25, vậy những em nào đủ điểm 25 sẽ không làm thủ tuc nhập học mà chuyển sang cơ sở Thanh Xuân để đăng kí nước học và đi học ngoại ngữ!” Ơ hơ, thế chả có “số” là gì??? Tôi lồng lên ở cái bàn người ta làm thủ tục nhập học để xin lại hồ sơ con mình, và cẩn thận hỏi đi hỏi lại mãi. Thế đấy, thế là đi đăng kí, có thể đăng kí đi Ba Lan, đi Liên Xô. Tôi bảo con, thôi đi Liên Xô cho “lành” con ạ, con là con gái một thân một mình sang Ba Lan thấy ngại lắm (trước mắt tôi hiện ra cảnh mấy cô gái Ba Lan phì phèo thuốc lá suốt ngày, cảnh ăn chơi do mình tự tưởng tượng ra, đến là ngây ngô và thủ cựu). Nhưng mà để về nói với bố và hỏi ý kiến bố đã, kẻo hai bố con thích chọn Ba Lan thì mẹ phải xem lại!.
              Về nhà, bố MQ đồng ý, đi Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Thế là làm thủ tục và con gái vào trường học tiếng Nga rồi chuẩn bị lên đường, chả biết đằng nào mà thay đổi ý định!.
  .       Cậu con trai thoắt đã học xong cấp 2 chuyên Toán. Thi vào cấp 3 trường Hà Nội Amsterdam, nếu theo đuổi chuyên Toán như chị, Tuấn khó lòng mà đậu. Bởi vậy, tôi chuyển hướng cho cháu thi vào chuyên Hóa, với hai môn thi Toán và Hóa. Toán thì không quá khó, nhưng Hóa thì phải học thêm trước khi thi. Tôi đưa cháu đến nhà thầy giáo dạy Hóa và xin cho học. Mấy buổi đầu đi học về, cu cậu ngồi làm bài tập Hóa mà nước mắt chảy ròng. Tôi ngạc nhiên hỏi thì cậu bảo con không làm được. Tôi giở vở ra xem, bài tập Hóa tính vài nồng độ tỷ lệ phần trăm thôi mà. Tôi giảng cho cháu và nhắc nhở (phải cố kìm chế nhịn cười): “Con không làm được thì nói và mẹ sẽ giảng cho con hiểu, sao con trai lớn rồi lại khóc như thế? sau này sẽ còn học thật nhiều nữa, chả lẽ cả đời con cứ khóc vậy sao, hay là khóc đến khi lấy vợ?!?” Vậy đấy, rồi cũng qua, cháu trở lại ổn thỏa ngay, và thi với điểm số môn Toán thật cao, còn điểm Hóa thì thấp, nhưng đủ để đậu vào chuyên Hóa 1. Mỗi lần, mẹ trêu thì cậu ngường ngượng. Và vì bố ít khi có nhà, nên cu cậu hay tranh thủ nằm cạnh mẹ, gối đầu lên tay mẹ như hồi còn bé tí. Thỉnh thoảng cậu thích đọ bàn tay vào bàn tay mẹ, và khoái chí nhận xét:”bàn tay con sắp gần bằng bàn tay mẹ rồi, ngón tay con béo hơn, chỉ ngắn hơn mẹ chiều dài thôi”. Tôi cười nói tiếp, “mà bàn tay con các ngón khít lại không có những kẽ hở, nghĩa là sau này, con giầu hơn, không nghèo như mẹ!”
           Chị Hoa thi đậu, lo học ngoại ngữ rồi sẽ ra nước ngoài, công việc nấu ăn chuyển sang cho Tuấn. Mỗi lần tôi đi công tác vắng, ở nhà giao cho cậu đi chợ lo cả nấu ăn nữa, thì khi về, lần nào bà me cũng kêu:”Gớm, chị về tôi mừng quá, ở nhà với cái thằng này đến khổ. Suốt ngày nó bắt cả nhà ăn đậu phụ kho trắng tinh, chán ơi là chán. Chưa hết nồi này nó đã mua mấy bìa đậu khác về rồi”. Rau thì thấy cậu đề ở bảng dặn em “luộc nửa mớ rau muống!” Ấy là hồi này khá lên đấy chứ, trước mua đậu bằng tem phiếu còn chả có mà ăn nữa là. Nhưng thôi vừa thông cảm với bà me, vừa thương con, thằng bé khổ quen nên tiết kiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét