Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Hồi ký NMNC - Chương 5

CHƯƠNG 5. HÒA BÌNH              
               
Ít lâu sau, cuộc sống trở lại bình thường, tôi về Hà Nội đi làm, con gửi ở nhà bà me trông cho. Công việc chuyên môn có những đổi khác. Đúng trong mấy tháng chiến tranh địch phá hoại ác liệt thì cơ quan tôi cử hàng loat cán bộ đi học và tiếp nhận máy tính điện tử Minsk32 của Liên Xô (đặt tại trung ương), và máy tính S385, C8205, C8205 Z của Cộng hòa dân chủ Đức (để trang bị cho các tỉnh phía Bắc). Mấy bạn nam khóa sau tôi đều đi trong những đoàn này. Các em ở khóa sau tôi ba năm, tức là vừa mới về cơ quan đều được lấy đi học hết vì rất thiếu người, chỉ trừ mình tôi ra, “hiển nhiên” là không được đi đâu cả, một phần vì tôi nuôi con nhỏ, nhưng nhiều phần là vì lí do “cố hữu” khỏi cần nhắc lại nữa. Tôi biết vậy, nhưng mặc kệ và không bao giờ buồn chán gì cả. Đến khi mọi người trở về thì chiến tranh phá hoại ngừng từ lâu rồi. Tôi học các bạn về máy Đức C8205 và C8205Z qua một số buổi trình bày, còn chủ yếu là tự học, tự đọc sách họ mang về. Cục nơi tôi công tác bây giờ vẫn giữ nhiệm vụ là xây dựng các phòng máy tính tại địa phương miền Bắc nhưng cái mới là ở chỗ không chỉ có máy tính cơ điện nữa, mà có máy tính điện tử chuyên dụng S385, máy tính điện tử vạn năng C8205, C8205Z. Hai loại máy C này là máy tính điện tử thế hệ 2, bộ nhớ trong và ngoài đều là trống từ. Ngôn ngữ lập trình là ngôn ngữ máy. Ngoài việc soạn giáo trình, tham gia giảng dạy, chúng tôi còn thường xuyên đi các tỉnh giúp đỡ và cùng với họ xử lí các điều tra trên máy tính. Thế là tôi lại rong ruổi  đi đi về về từ Hà Nội đến các tỉnh có trang bị máy, may gửi được con cho bà me, và khi chưa cai sữa thì chỉ đi rất vội tối đa là hai ngày, hoặc xuống phòng máy ở Hà Nội là chính, còn khi cai sữa rồi có thể đi nhiều hơn, đi xa hơn.Tôi đi công tác giống như ngày xưa nhưng chỉ khác là không phải gẩy bàn tính, không phải bấm máy cơ điện, mà là lập chương trình với những lệnh máy bằng số; đục dữ liệu trên máy băng đục lỗ, hướng dẫn cho các phòng máy làm việc, và đi giải quyết những cuộc cãi vã đổ lỗi cho nhau giữa người sửa chữa máy và người lập chương trình.
           MQ không còn là lính. Anh được chuyển về một học viện Quân đội làm giáo viên Toán, chứ không “được” ra quân. Vì vậy, anh không ở cùng vợ con mà chỉ chủ nhật mới về, có xe của đơn vị đưa đón. Thành ra tối thứ bảy, tôi lên nơi đỗ xe để đón MQ về và tối chủ nhật đi tiễn. Thế là MQ trở về cảnh “ở rể” như hồi mới lấy nhau. Tôi quen dần với cuộc sống mới, suốt ngày suốt tuần bận rộn ở cơ quan, cuối tuần thì lo có bữa cơm tinh tươm hơn một chút, nhưng vẫn chỉ loanh quanh với mấy hạt lạc rang mặn là cùng, và một chút bì kho nhầy nhầy chứ phần thịt phải ưu tiên cho con gái. Cháu lớn nhanh như thổi, và ngoan lắm. Cơm thì tự xúc cả bát đầy, không rơi vãi hạt nào. Chủ nhật mẹ có nghỉ nhiều khi vẫn phải làm việc ở nhà, cái ngày còn chưa cai sữa ấy, bé lững thững đi bộ ra vỉa hè chơi. Lúc đói bụng thèm sữa mẹ thì về và bảo “mẹ ơi măm mới” rồi tự tiện đứng tìm ti mẹ bú như lợn con, còn tôi thì vẫn ngồi viết. MQ thấy thế buồn cười và rất thích thú, nhưng chẳng được lâu, mọi người trong nhà và bạn bè
giục tôi phải cai sữa cho con, vì tôi gầy quá. Hôm cai sữa, rình tối thứ bảy, MQ về ngủ bên con gái riêng một giường, tôi trốn sang nằm với me tôi. Đến khi bé tỉnh dậy giữa đêm không thấy mẹ đâu, rối loạn đi tìm, phát hiện thấy mẹ nằm bên giường này, hắn lao tới như một con thiêu thân. Thương con quá, tôi bế con và bôi kháng sinh đắng ngòm vào ti, để bé kinh mà không dám bú, nhưng cô nàng ứ sợ, cứ nhắm mắt nuốt ừng ực cho qua cái đắng rồi bú ngon lành như thường. Chịu thua ư? không được, MQ tiếp tục dỗ con cả đêm, cho uống ít nước đường, và nhấm vài cái bánh để con bớt khóc. Rồi qua đi, và hết một ngày chủ nhật mẹ lẩn trốn nữa, đến đêm chủ nhật bố lên đơn vị thì ở nhà ngủ với bà me là êm hẳn.
               Từ sau đấy, hàng tuần bố MQ về thường dẫn vợ con đi chơi công viên ngày chủ nhật cho thoải mái, hoặc cứ một vài tháng vào tối thứ bảy, hai vợ chồng nhờ bà me trông con cho và đi xem kịch nói buổi biểu diễn muộn. Ngày ấy, chúng tôi nghèo thì rất nghèo, nhưng vì chưa có ti vi như bây giờ nên cứ bóp bụng để dành mấy đồng mà giải trí thôi. Thời gian xem thì ngắn mà tranh luận bàn cãi về vở kịch thì dài, có khi thức tới hai giờ sáng. Chúng tôi mệt nhưng thích nhất là cái đoạn tranh cãi ấy. Ngày xưa khi còn bé, nhiều thời gian, thi thoảng tôi xin me cho mua vé xem phim ở rạp Mê linh, mà toàn xem phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi thôi, khi vào cửa rạp tôi cứ phải kiễng chân lên ra vẻ ta lớn cao rồi đây, mà đi thì có một mình, chả có ai mà bàn bạc. Xem phim “Người thứ 41”, thấy hay hay, mặc dù chưa hiểu tình yêu là thế nào, chưa biết sao “nữ chiến sĩ hồng quân Liên Xô” yêu “sĩ quan bạch vệ Đức” mà lại bắn anh ta và bắn cả mình khi xuất hiện chiếc tàu của hải quân Đức; lớn lên chút nữa thì say sưa với tình yêu lãng mạn mang sắc màu cổ tích của Jane Eyre với Rochester (trong Jên Erơ), thích tình cảm của cô Eugenie và cậu Saclo (trong Ơgiêni Grăngđê), thích đủ thứ với hiểu biết rất mơ hồ. Còn bây giờ, tôi đã có chồng con. Tôi chẳng phải đi sơ tán nữa, cuối tuần cả nhà đoàn tụ. Buổi tối thứ bảy, chúng tôi lại cùng nghe những bản nhạc êm dịu, và khi con gái ngủ rồi, thì thế giới chỉ còn hai đứa chúng tôi, yêu nhau vội vã, tâm tình hối hả, vì không còn giờ nữa, ngày mai chủ nhật quanh quẩn vài bữa ăn là hết ngày và sẽ tất bật tiễn chồng lên đơn vị rồi. Đấy là chưa kể đêm về, MQ còn phải dành chút thời gian gõ đấm đầu cho tôi vì tôi đau lắm. Tôi bảo MQ rằng anh cứ coi tôi như kẻ thù ấy, cứ lấy cái khóa đồng khóa gang nào to nhất nện thật mạnh vào giữa đỉnh đầu, nếu không tôi phải đập đập đầu vào tường kiểu lấy độc trị độc vậy. Hoặc tôi ước đùa giá như chúng mình hay cãi nhau nhỉ, anh sẽ rất căm ghét em và vũ phu đến mức cứ túm tóc vợ mà giật cho hả dạ, thì em sẽ cảm ơn anh biết chừng nào.Tôi không nhớ rõ mình bị đau đầu chính xác từ bao giờ nhưng chắc chắn là vào khoảng mới ra trường. Tôi còn bị đau nhức xương khớp nữa mặc dù còn trẻ. Ngày ấy chả biết gì cứ uống hàng trăm viên Sa la mit hình như rất hại thận. Nhưng mà đau gì thì đau so với chứng đau đầu chóng mặt của tôi thì nó chẳng là gì.
            Hết tuần rồi sang tuần, tôi làm như một cái máy với bộn bề công việc, với những tập lệnh máy dày đặc, căng óc chọn cho chính  xác địa chỉ trống từ để tối ưu hóa những chương trình con chạy cho nhanh, lẩn mẩn tìm lỗi chẳng phải chỉ do chương trình lập sai mà còn do lỗ đục tín hiệu trên băng nữa, cứ một tay cầm bút viết lệnh, một tay ấn đầu. Lúc nào trong túi tôi cũng mang theo một hộp cao Sao vàng, và bôi liên tục cho đỡ đau. Nói ra thì buồn cười nhưng rất thực, đó là chỉ khi ăn uống, bất luận là ăn những bát cơm hôi mùi gạo mốc, hay củ sắn củ khoai, miếng rau miếng bì, tôi không bao giờ đau đầu cả. Lúc ấy có cố nghĩ ta đang đau đầu đây thì nó chẳng đau cho. Nhưng mà làm sao ăn suốt ngày suốt đêm được chứ. Và cứ mỗi buổi chiều đi làm về, dù nhớ con đến chết thì vẫn phải kiên nhẫn xếp hàng khi thì mua tí rau mậu dịch, lúc thì mấy bìa đậu phụ bằng phiếu, mà không mấy khi có mỡ để rán, chỉ kho chay thôi. Mất thời gian nhất là xếp hàng mua rau, tại vì có người cứ chen ngang, mà rau thì nát ơi là nát. Các chị mậu dịch viên tối mắt tối mũi nhập rau về từ chiếc xe chở hàng thật lớn, rồi phải xếp, phải cân, bốc từng nắm to cân cho khách xong ném uỵch ra mặt bàn để khách vơ vội bỏ vào làn giỏ mang theo, hoặc có khi cứ ôm bừa vào ngực cho khỏi rơi. Tôi rất luyến tiếc những ngày bé thất học, rỗi rãi đi xếp hàng ở phố Huế, không phải xếp mua rau mà là mua thịt bò tươi. Người ta mổ bò ở đâu mang về, của mậu dịch hẳn hoi, bán tự do mỗi người hai lạng, phải đứng từ mười giờ sáng, đến hai giờ chiều mới được mua, mang về thuôn hành dăm thì thật tuyệt vời. Tôi còn nhỏ nhưng được me dặn, bao giờ cũng xếp đầu tiên và “đòi” mua hai lạng cắt từ miếng thăn, mới mềm và ngọt thịt. MQ ở trên đơn vị, chịu khó trồng xu hào và ớt, tối thứ bảy lẽo đẽo đèo bòng mấy củ về để chủ nhật cải thiện. Có lần, MQ đưa tôi và con gái lên đơn vị chơi thăm nữa, rồi mua mít về bổ mời  bạn bè sang ăn thật là thích. Nhưng những lúc như thế, tôi ngại nhiều khách chả dám ăn thích khẩu.
         Cuộc sống cứ êm đềm giản dị trôi đi, nhưng sinh hoạt “chăn gối” thì lủng củng. Không phải vì chúng tôi không yêu nhau mà là tôi sợ sinh thêm con ngay, vì thế tôi hay nửa đùa nửa thật nói dối MQ là khi thì tôi đang hành kinh, hoặc đúng hoặc sắp đến ngày rụng trứng, khi thì bị đau bụng, lúc đau đầu, nghĩa là đủ thứ để …từ chối! MQ biết thừa không trách gì tôi nhưng
trêu “sao lúc nào mình cũng hành kinh và rụng trứng thế?” “Hi hi…một tháng em có kinh những gần hai lần cơ mà, chu kì có 18 ngày thôi”  Thật là vậy, điều này không nói đùa cũng không phịa ra.
Con trai
Thế là MQ đành kiếm cách kế hoạch hóa bằng cách rủ tôi đi ra đầu phố mua…”giống …OK ngày nay”. Nhưng đâu tránh được, trời vẫn “bắt” phải sinh con nữa ngay, ai bảo khi trước tôi cứ sợ không có con, “OK” vẫn có thai vì “OK” có phốt mà không biết. Vậy là tôi bước vào cuộc lần thứ hai, nhưng may không ốm nặng như lần đầu, một ngày chỉ nôn ba lần thôi, lúc đói, đó là sáng sớm, trưa và chiều tối (trước lúc ăn cơm). Tôi đi làm bình thường, vẫn đi công tác tỉnh xa với cái bụng nghễu nghện cả khi thai hơn tám tháng, còn con gái thì ở nhà với bà. Nghĩ thấy ghê ghê, rủi mà chuyển dạ dọc đường thì không biết ra sao. Mang thai lần này, kinh tế eo hẹp hơn, nên tôi không bồi dưỡng gì. Sáng ra, tôi ăn cơm rang với dưa muối, trưa ăn cặp lồng cơm độn ngô mang từ nhà nguội ngắt và thức ăn thật đơn giản. Được cái là tôi ăn khỏe nên lấy lượng bù chất. Suốt quá trình mang thai, tôi không dám ăn một bát phở nào. Có một lần bụng chửa vượt mặt rồi, tôi đi qua một cửa hàng phở, ngửi mùi thơm điếc cả mũi, tôi thèm quá, dừng lại và liều đi vào. Đi đến giữa cửa ra vào, tôi đứng nhìn, nhìn ông chủ hàng phở đang tất bật, nhìn khách hàng đang xì xụp ngon lành. Tôi nghĩ, nếu mình ăn một bát lại mất bốn hào, thế thì tiếc tiền quá, thôi không ăn nữa, nên quay ra. Ông hàng phở gọi: “Ơ cái cô kia ơi sao không vào ăn lại đi thế?”. Tôi cứ giả đò không nghe thấy và lầm lũi đi thẳng. Đặc biệt lần nghén này tôi thích ăn đồ ngọt kinh khủng, nên khi đi làm, qua chỗ chắn tàu hỏa, tôi hay để xe đạp vào cạnh gốc cây, rồi xà vào quán nước mua cái kẹo lạc hoặc cục kẹo vừng nhai lốp cốp và nuốt lấy nuốt để, không thể nào kiềm chế được. Người ta bảo chửa mà thích ngọt là hay sinh con trai đấy. Thai trong tôi lớn lên và phát triển bình thường, nhưng bé không đạp mạnh như chị ngày trước, chỉ lục đục trườn qua trườn lại nhẹ nhàng.
               Tôi vừa nuôi thai vừa bận rộn chăm con gái đầu, nhưng may cô nàng biết phận mình là chị cả hay sao ấy, ngoan lắm. Còn nhớ có lần cháu bị sốt cao tới tận 40 độ, mà khi mẹ đưa lên khám bệnh ở trạm y tế  phố Trần Nhân Tông, bé cứ tụt xuống đất chạy lạch bạch không cho mẹ bế và bảo “con tự đi được, mẹ bế nặng lắm” thật là thương. Mới chỉ hơn hai tuổi đầu, bị đi đái dắt, năm phút một lần ban đêm cháu tự lọ mọ dạy ngồi bô, kéo quần tụt quần một mình, và bảo con tự đi đái được mà. Đến khi bị thấp khớp cấp, vào dịp bố cháu được nghỉ hè, chân đau xưng không tự đi được mới cho bố MQ cõng ra trạm xá để tiêm thuốc kháng sinh.
            Tôi bắt đầu có thai lần hai vào khoảng mùa thu năm trước thì sinh con đầu mùa hạ năm sau. Lần này, tôi không nghỉ đẻ sớm, mà đi làm sát ngày sinh. Nhớ lại hôm đó, gần nghỉ trưa, tôi thấy hơi lẩm nhẩm đau bụng, và nôn nao khó chịu một cách đặc biệt. Tính nhẩm ra thì tới ngày sinh rồi, tôi giao thìa khóa phòng để trực nhật cho một đồng nghiệp và dặn sáng mai chưa chắc tôi đi làm được. Tôi ăn cơm trưa thật nhanh, rồi ra về. Vẫn còn rất bình tĩnh, tôi vào chợ Hôm xếp hàng mua mấy lạng thịt, và một kg đậu phụ theo tem phiếu. Trong lúc xếp hàng thi thoảng lặp lại cơn đau nhưng còn thưa, và đau rất ít. Tôi đoán mình sắp sinh rồi nhưng nghĩ giống lần trước thì không vội lắm. Về đến nhà, tôi làm thức ăn, cho con gái ăn cơm, tắm rửa cho con cẩn thận, rồi tắm gội cho mình nữa. Xong đâu đấy, tôi nói với me là tôi đi đẻ. Tôi đi bộ một mình từ nhà đến nhà hộ sinh Cây đa Nhà bò, tức là hộ sinh B đấy, xách theo một cái túi đựng sẵn giấy tờ cần thiết và một vài quần áo cho mẹ cho con. Tôi nhờ me dặn MQ có về thì đến nhà hộ sinh. Me bảo gọi xích lô nhưng tôi không chịu, tôi muốn tự đi bộ để vận động nhiều cho mau đẻ, và để đỡ tốn tiền.
              Ra tới nhà hộ sinh là bốn giờ chiều. Lên bàn khám, người ta bảo tôi sắp sinh, cứ vào phòng chờ tạm. Tôi thay váy áo của nhà hộ sinh rồi vào phòng chuyện trò với chị em. Tôi có những cơn đau liền hơn nhưng còn chịu được, và cố tán chuyện vui vẻ với mọi người cho quên đi. Nào ngờ chuyện mới được chừng mười phút thì cơn đau liền kéo đến dồn dập. Bà đỡ khám bảo tôi bắt đầu vỡ ối nhưng nước ối rất xanh tức là có tình trạng nhiễm khuẩn ối, để lâu không có lợi cho con. Tôi không hiểu sao lại thế, và quả thực tự mắt nhìn thấy “nó” xanh lè lè thật. Ca kíp bác sĩ hộ lí vây quanh tôi tiêm thuốc trợ lực, trợ tim cho khỏe, (không biết có tiêm thuốc
giục sinh không) rồi đưa tôi vào phòng đẻ. Người đỡ cho tôi là một em sinh viên thực tập. Lúc đầu tôi ngài ngại, nhưng rồi chuyển dạ quá nhanh, tôi đẻ ra con trai trong mấy phút và êm đẹp. Em sinh viên hỏi tôi đã có con chưa, tôi nói đã có con gái. Cô gái reo lên, “thế thì lần này chị sinh con trai rồi, sướng nhé, em cho chị nhìn cháu một lát này”. Tôi cảm ơn cô gái ríu rít, nhìn con, và nhắm mắt lại thở phào hạnh phúc. Vậy là con trai tôi Hồ Anh Tuấn chào đời ngày 16 tháng 4 năm 1974 với cân nặng 3,1 kg. vào lúc 4h30 chiều. Mọi việc diễn ra thật nhanh chóng, chỉ trong nửa giờ đồng hồ, mặc dù kể ra thì dài dòng. Nửa giờ đồng hồ cả chuyện trò tán phét, đau dồn lẫn đẻ thì quả là lí tưởng cho một cuộc vượt cạn.
              Gần năm giờ, tôi được đẩy cáng về phòng sản phụ thì đúng năm giờ MQ đã gọi ời ời ngoài cửa sổ rồi. Sao chàng thính và “khôn” thế, vợ đẻ xong, đẻ con trai là xuất hiện liền ngay à. Tôi báo tin cho MQ sơ bộ tình hình và MQ vui lắm, lật đật nhờ người ta chuyển hộ đồ ăn mang theo chứ chưa được vào thăm ngay.
              Lần sinh này, so với lần trước thì thật lí tưởng, không phải khâu, nên không phải dùng kháng sinh, không bị đau đầu ti nữa nên con bú thoải mái. Tôi ăn khỏe, và lắm sữa, vắt nhiều sữa thừa và lần này thì không phải mình MQ mà là bố và con gái đều uống. Bé cũng lớn nhanh như chị, được hai tháng thì mặt đã tròn xoay, hồng hào bụ bẫm. Rồi bé dướn suốt ngày đêm tức là mắt tuy nhắm ngủ nhưng người cứ oằn oằn vặn vẹo miệng thì phát ra những âm thanh là lạ nghe như tiếng hổ bé xíu tập gầm. Một hôm bà nội từ Hải Phòng lên thăm thấy thế phải “xử lí” bằng mẹo. Chả là vào ngủ, tôi thấy cồm cộm dưới chiếu, lật lên thấy con dao nhọn sáng quắc, tôi kêu lên, “ôi sao thế này má ơi…”. Má tôi cười và bảo má làm thế cho thằng bé bớt gầm đấy mà vẫn chóng lớn.

Lồng ruột                 Tôi ở nhà nuôi con bốn tháng theo tiêu chuẩn nghỉ đẻ, rồi đi làm và cháu ở nhà với bà me. Cháu phát triển rất tốt, khỏe mạnh hồng hào, cứng cáp, mới gần năm tháng đã suốt ngày đứng thẳng trên đôi chân nhảy lên nhún xuống cười tít mắt. Cơ quan bố trí tôi vào trường dạy để buổi chiều có thể về nhà với con. Một lần, đêm khuya rồi, tôi thấy bé cứ trằn trọc không ngủ, miệng rên rên khe khẽ, và có vẻ quấy hơn mọi khi. Nhưng bé vẫn bú mẹ bình thường. Sáng ra, nguyên tình trạng như vậy, nhưng vì có bà me trông đỡ nên có giờ dạy buổi sáng tôi vẫn vào trường. Trong khi dạy, tôi nóng lòng mong hết giờ về xem con có sao không. Về nhà là trưa rồi, tôi cho con bú, nó bú khỏe, nhưng bú xong nôn ngay. Tôi giở thay tã thì thấy vết máu nhỏ. Tôi hỏi bà khi sáng đến giờ có vậy không (nôn và máu) thì bà bảo không sao, bé vẫn ngoan, chỉ rên ư ử khe khẽ không đáng kể. Tôi cho bú lại, vẫn thế, cháu bú rồi nôn ngay.Tôi tái mặt, nhớ ngay một chuyện khi cháu hai tháng tuổi. Đấy là tôi có thói quen, vừa cho con bú vừa đọc những quyển sách nhỏ về bệnh tật của trẻ, hoặc khi bé khác thường là giở ngay một quyển từ điển y học nhi khoa (mượn của anh rể họ ở bên cạnh) để tra và theo dõi ngầm. Lần ấy, tôi tình cờ đọc được một bài nói về bệnh lồng ruột. Bệnh thường xảy ra với cháu trai bụ bẫm chừng năm tháng tuổi. Nếu cháu bụ bẫm mà hoạt động quá, hay nhảy.thì dễ bị bệnh, tức là đoạn ruột non chui vào trong ruột già, chỗ chúng tiếp giáp nhau, gây ứ tắc phân và không cấp cứu kịp sẽ tử vong sau 48 giờ kể từ khi mắc bệnh. Tôi nhìn cháu đang bú, cười và nựng “Này con trai ơi, con liệu hồn đấy nhé, bây giờ con đang bụ bẫm, đến khi năm tháng con chắc vẫn bụ đấy, con mà hoạt động nhiều coi chừng lồng ruột hết hơi đó”. Thì bây giờ cháu đang năm tháng tuổi và bất thường đây, có gì liên quan đến lồng ruột không nhỉ. Tôi tra sách một lần nữa, đọc kĩ hơn và trong tôi hình thành ý nghĩ hết sức rõ ràng về việc cháu bị lồng ruột. Tôi nhẩm tính, muời mấy giờ trôi qua rồi. Phải thật khẩn trương nhưng bình tĩnh. Tôi chạy sang nhờ anh họ xem giúp cháu. Anh là y tá, nhưng có rất nhiều kinh nghiệm chữa bệnh trẻ nhỏ. Tôi nói với anh, tôi nghi cháu bị lồng ruột, nhờ anh khám xem có phải vậy không? Anh ấn sờ bụng cháu ở nhiều nơi khác nhau, cuối cùng ấn sâu vào một chỗ lâu và rất lâu, cuối cùng anh bảo “Có khả năng lồng ruột rồi. Nhưng phải ấn rất sâu mới thấy, còn bình thường bụng vẫn mềm”. Tôi hỏi anh, có cách nào giải quyết tốt nhất không. Anh bảo, nếu kịp may ra người ta sẽ tháo lồng bằng hơi, còn không thì cuối cùng phải mổ; tùy tình hình, nhưng tóm lại là đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay. Tôi không kịp hỏi thế nào là “tháo lồng bằng hơi”, chỉ tâm niệm thuộc lòng bốn chữ này. Tôi lại sang nhà bên hỏi chị khác cũng là y tá,vợ bộ đội, “Chị ơi con em chắc lồng ruột rồi, đưa đến bệnh viện 108 được không hả chị?”. Chị khuyên tôi: “Cô đưa cháu ngay đi, bệnh viện 108 đầy đủ phương tiện đấy, kể cả phải mổ điều trị cũng tốt”.
           Tôi xếp ít quần áo đồ dùng rồi nhờ bố tôi sang trông nhà và trông hộ con gái, để tôi và me tôi đưa con trai đi. Bố tôi hỏi, tôi bảo cháu nghi bị lồng ruột, bố tôi hỏi thế lồng ruột đến bệnh viện người ta làm gì nó, tôi bảo người ta sẽ mổ. Bố tôi hốt hoảng ngăn giữ tôi lại, “con cẩn thận và bình tĩnh đã nào, không thể để mổ bé thế đâu!”. Tôi nhăn nhó đau khổ: “Trời ơi, bố nghe con nói này, bây giờ không còn kịp thời gian để con giải thích thật kĩ lưỡng với bố nữa, bố thông cảm cho con, con đưa cháu đi ngay đây ạ.”
           Rồi, thế là ba mẹ con bà cháu lên đường. Đường nắng gắt tịnh không có bóng xích lô nào. Tôi bế con trên tay gần như chạy bộ, me tôi không thể theo kịp, bà đành đi từ từ đằng sau theo hướng tới bệnh viện 108. Đến nơi, đang giờ nghỉ trưa, tôi vào phòng cấp cứu. Tiếp tôi là một bác sĩ Nhi già, tôi mừng thầm trong bụng, bác sẽ có kinh nghiệm đây.Tôi thuật lại quá trình từ đêm qua cháu quấy đến trưa nay nôn, ra máu thế nào, và nói luôn tôi ngờ cháu bị lồng ruột. Bác sĩ khám sờ nắn bụng, nhìn nét mặt cháu vẫn hồng hào ngoan ngoãn dễ thương lắm, ông bảo tôi cho cháu bú.
Cháu bú một hơi ngon lành. Chả có chuyện gì xảy ra cả, không nôn, không khóc gì hết. Tôi thầm nói với riêng mình, “con ơi sao con sợ bác sĩ mà không nôn nữa hả con, rồi bác sĩ bảo con không bị bệnh thì làm thế nào”. Quả nhiên, ông bảo tôi giở tã ra, một vết máu nhỏ mờ mờ còn dính. Ông ghi sổ y bạ “Nhu động ruột mềm, không có gì đặc biệt, theo dõi lỵ tại nhà”. Tôi đọc xong kinh hoàng nói như van nài:
-
Bác sĩ ơi! em nghe chị em nói bệnh viện đây có phương tiện để cứu cháu lồng ruột mà, bố cháu là bộ đội, xin bác sĩ cho cháu vào Viện theo dõi và giải quyết chứ về nhà thì cháu chết mất.
- Ơ chị buồn cười thật, tôi bảo chị về là về đi, lúc nào nó ỉa xem phân có máu mũi lầy nhầy không rồi sẽ cho uống thuốc.
- Thưa bác sĩ, thế thì thôi vậy, em xin phép mang con đến bệnh viện Việt Đức, ở đó có khoa ngoại, họ còn có thể mổ cho con em.
- Tùy chị, chị đến Việt Đức hay đến đâu là tùy chị, nhưng tôi thì vẫn khuyên, chị về nhà đi, à mà nhà chị ở đâu nhỉ…chợ Trời à, gần đây thôi, có gì đặc biệt thì lại đến đây.
            Tôi đội nón bế con chạy tiếp, tôi dặn me tôi là tới bệnh viện Việt Đức tức là bệnh viện Phủ Doãn ngày xưa ấy-nơi đã để lại kỉ niệm đau thương về cái chết của mẹ tôi. Me tôi tất tả đi theo. Vẫn thế, tịnh không một bóng xích lô nào. Đường phố buổi trưa thật vắng vẻ. Đi đến đường Lê Thánh Tông tôi không thể đừng được nữa, chạy xuống lòng đường ngăn một chiếc xe đạp đang đi tới. “Anh ơi, con em đang bị bệnh hiểm nguy lắm, mà không có một xích lô nào. Em phiền anh chở giúp hai mẹ con đến bệnh viện Việt Đức để cháu được cấp cứu ạ” Người đàn ông nhìn hai mẹ con ái ngại ”tôi phải đi trực ca này ở nhà máy…khó quá nhỉ…nhưng thôi tôi sẽ chở vậy, nào chị ngồi lên”. Líu ríu cảm ơn anh ấy rồi tôi đăm đăm mắt vẫn hướng về những con đường phải đi qua để đến bệnh viện. Đây rồi, tới cổng bệnh viện, tôi chào cảm ơn anh ấy một lần nữa rồi chạy thẳng vào phòng cấp cứu. Trực cấp cứu là hai cô hình như là sinh viên thực tập và một bác sĩ nam tuổi trung niên, mà các cô gọi là thầy. Một cô ra làm thủ tục cho con tôi. Cô hỏi bệnh, tôi vắn tắt kể. Tôi chưa kịp nói gì về chuyện lồng ruột cả, thì cô gái đã xỏ tay vào găng cao su một ngón đưa vào hậu môn cháu rồi rút ra, một dòng máu chảy theo ngón tay ra ngoài. Cô chăm chú ghi vào bệnh án kết luận “Bệnh lồng ruột”. Cô trình lên bác sĩ, bác sĩ ghi MỔ. Bác sĩ bảo tôi chuẩn bị kí giấy tự nguyện chấp nhận mổ. Tôi dè dặt nói với ông “Thưa bác sĩ hãy tha lỗi cho em nếu có gì không phải, em xin bác sĩ hãy cho con em THÁO LỒNG BẰNG HƠI thử xem, nếu không được thì hãy mổ”. Bác sĩ nhìn tôi một lát, rồi gật đầu, “kể ra cháu bé bị lâu lâu rồi, tính từ đêm qua…nhưng thôi, chị muốn thế thì chúng tôi cho tháo”, bác sĩ bảo cô gái làm lại bệnh án với phương án xử lí “Tháo lồng bằng hơi”, rồi dặn thêm, “mà nếu không được thì chị phải để mổ đấy nhé!”. Tôi mừng quá, lắp bắp cảm ơn bác sĩ không rõ thành lời.
             Con trai tôi được đặt nằm trên một chiếc giường trải ga trắng tinh, nhưng vì trắng tinh thế nên tôi càng đau lòng hơn khi nhìn thấy máu thấm ướt loang cả một vùng lớn, chắc chảy ra từ hậu môn ngày càng nhiều, kèm theo đó sắc mặt bé cứ xanh dần xanh dần. Mới mấy phút trước đây, bé còn hồng hào bụ bẫm là thế mà bây giờ thì…Tôi sốt ruột vì không thấy con được chuyển đi tháo lồng, mà cứ để nằm đó mãi. Các cô sinh viên và thầy giáo đã đi đâu cả rồi? Chỉ còn một cô nhân viên trực ngồi bên máy điện thoại. Tôi hỏi cô:
- Chị ơi, bao giờ cháu mới được đưa đến chỗ tháo lồng ruột hả chị?
-  Chị cứ chờ đã, các bác sĩ còn nghỉ.
-???
Lại chờ đợi. Vẫn không thấy gì.
- Chị làm ơn gọi điện tới các bác sĩ vậy. Chị xem đây, con tôi ra máu liên tục mà, cấp cứu chậm rồi liệu cháu có tháo lồng được không ạ?-Tôi sốt ruột.
Cô gái tần ngần nhấc máy gọi:
-A lô…Dạ thưa bác sĩ, dạ…có cháu bé chờ tháo lồng ruột…
Tôi nghe rõ đầu dây bên kia quát rất to:
- Sao? Lồng ruột hả? còn đợi gì mà không đưa ngay lên?
-Em sợ các bác sĩ đang nghỉ ạ…
-Nghỉ nghỉ cái gì? Chúng tôi đang chờ mà có thấy bệnh nhân nào đâu? Cho xe đẩy mang cháu bé lên ngay đi! Làm ăn gì mà lạ thật!
Tôi thở phào,và ngay sau đó cô gái lấy xe gọi người đẩy xe và dẫn tôi lên khoa ngoại. Me tôi đi theo sau. Ngoài hiên nhà, tôi thấy năm bác sĩ cao to lừng lững, đang đi đi lại lại hút thuốc lá vẻ chờ đợi và nét mặt căng thẳng. Thấy mọi người đến, các bác sĩ ra đón và đưa cháu vào một phòng bên trong. Họ hỏi tôi là mẹ cháu? và cho vào theo, còn bà me bị chặn lại không được vào. Đây là phòng chuẩn bị.Các bác sĩ giải thích cho tôi thêm về việc tháo lồng, Tôi chăm chú nghe, rồi bỗng nhiên một bác sĩ bảo: “Chị khá đấy, chị thật dũng cảm, phải như những trường hợp khác, chúng tôi không muốn cho mẹ cháu vào vì các chị thường khóc lóc um sùm rất khó cho chúng tôi làm việc”. Rồi ông hỏi: “chồng chị làm gì ở đâu sao giờ này không thấy?” Tôi nói:” dạ chồng em là bộ đội đang ở Vĩnh Yên chưa biết cháu bị lồng ruột ạ mà ở nhà chưa báo tin lên được vì chuyện xảy ra gấp quá”. Tất cả cười ồ…”thảo nào vợ bộ đội có khác…dũng cảm là đúng rồi” (tôi ngượng quá nhưng thấy thinh thích). Ông hỏi tiếp:”mà này ở nhà, chị đã đoán là cháu bị lồng ruột hả (chắc bác sĩ khám có nói gì với họ), sao chị biết?” Tôi ngường ngượng: “Dạ em đọc một cuốn sách nhỏ về bệnh tật của nhà xuất bản Y học, em thấy triệu chứng cháu giống thế, và nhờ anh em khám hộ cũng nghi như thế đấy ạ”. Các bác sĩ cười tiếp vui vẻ, “Hóa ra sách cũng có ích lợi đấy chứ nhỉ. Thôi nào chúng ta bắt đầu nhé, mọi người vào phòng trong đi!”. Con tôi được đặt nằm trên bàn, các bác sĩ bảo tôi giữ đầu cháu, còn một bác sĩ giữ chân và làm gì nữa tôi không rõ, một bác sĩ điều khiển máy chụp chiếu, một bác sĩ điều khiển máy bơm hơi tháo lồng, một bác sĩ hô dừng bơm hoặc tiếp tục bơm, và một bác sĩ chỉ huy chung toàn bộ kíp tháo. Thoạt đầu, một bác sĩ khám ấn bụng cháu, bác ấn kĩ lắm và hình như ấn sâu, giống như ông anh tôi, và bảo mọi người, ca này khó phát hiện quá nếu chỉ ấn sơ sơ, bác sĩ dùng những từ chuyên môn gì ấy tôi không hiểu và không nhớ. Rồi con tôi được tiêm thuôc gây mê, cháu lịm đi ngay, nằm yên. Máy chụp bật lên, tôi nhìn thấy toàn bộ bên trong khoang bụng, đủ các bộ phận. Đặc biệt xuất hiện một đoạn ruột lồng nhau trông đã thẫm màu. Sau đó, công việc đều đặn nhịp nhàng, cứ bơm một ít từ hậu môn lên, lại tắt máy chiếu, tắt bơm, theo tiếng hô điều khiển hoặc điều khiển chung đã phân công trong nhóm. Trải qua phải đến bốn đợt, không có kết quả. Hai khúc ruột vẫn lồng nhau, có tụt ra một tí không đáng kể. Tôi căng mắt theo dõi không dám ho he. Bác sĩ chỉ huy chung bảo tôi, họ chỉ có thể bơm một lần cuối cùng nữa thôi, nếu không được là đành phải mổ. Tất nhiên là tôi hoàn toàn tuân theo chỉ định của các bác sĩ rồi. Tiếp tục, bật máy chiếu, hiệu lệnh bơm, …và thật là có phúc, đoạn ruột non từ từ được tháo ra khỏi đoạn ruột già ngay chính trong lần cuối cùng này. Hiệu lệnh dừng. Các bác sĩ chụp đưa ngay phim ra, soi xem bằng mắt, so sánh với phim chụp lúc đầu. Tốt rồi, đoạn lồng nhau dài tới 12 cm được gỡ ra khiến cho ruột trắng đều, không bị thẫm màu nữa. Bác sĩ dặn tôi
: “Bây giờ tạm ổn. Tuy nhiên, mẹ con chị sẽ nằm lại bệnh viện theo dõi qua đêm nay, nếu ruột thông hẳn thì mai có thể về nhà. Nhưng cháu sẽ còn rối loạn tiêu hóa đi phân xanh lâu lắm mới bình phục hẳn, có những trường hợp không ổn thì phải mổ, thậm chí mổ đi mổ lại. Chị phải bình tĩnh nhé. Mong rằng cháu không sao.
             Tôi luống cuống cảm ơn các bác sĩ rồi theo xe đẩy đưa con xuống phòng điều trị. Chiều, rồi tối đến nhanh quá. Tôi đi nhận thức ăn của cháu do bệnh viện phát là 1/3 hộp sữa bò (giống sữa Ông Thọ bây giờ). Tôi cho bé bú không có mấy sữa nên pha sữa bò cho cháu ăn bộ. Còn tôi thì đói quá chả có gì ăn. Me tôi phải về ngay từ lúc họ đuổi ra rồi. Vì me tôi còn trông cháu lớn ở nhà, và bận bao nhiêu việc nữa nên không thể đến được Trong túi tôi mang theo mấy đồng định là để đi xích lô, mà nay đói quá không dám đi đâu mua cái gì ăn, cứ phải kè kè bên con thôi. Một giường là hai mẹ hai con trở ngược đầu đuôi, là trở ngược cho hai bé chứ còn các mẹ thì chỉ ngồi ghé hoặc ngồi bế con.
            Đêm đến, cháu sốt to dần. Cháu không quấy lắm, nhưng tôi rất lo. Tôi đến phòng trực hỏi bác sĩ về tình trạng con mình. Ông đưa cho một gói thuốc các hạt nhỏ màu tím, bảo cho cháu uống đi, nếu sáng mai thấy ị ra thuốc tím tức là ruột thông, còn nếu không thì phải xử lí tiếp. Tôi mang con về, cả đêm bế trên tay cho con ngủ chứ không đặt ở giường, vì cháu đâu có ngủ yên được cứ ít phút ị một lần, phân vẫn tiếp tục có máu, nhưng máu nhạt dần và đến sáng thì ị ra thuốc tím. Vậy là ổn. Tôi quên hết cả mệt nhọc, thực ra tôi chỉ cầu mong đừng có dở chứng chóng mặt trong cái đêm này thôi, ngoài ra không ngại gì hết. Sáng rõ, tôi đặt cháu và gửi con cho chị cùng giường, chạy ra ngoài cổng định tìm mua gì ăn thì thấy một cậu bạn cùng cơ quan đi vào, tay xách mấy cái bánh mì to tướng. Tôi gọi ầm lên:”
- Ban ơi…
- Ơ chị Thư đấy à, sao chị ở đây? Em vào bệnh viện thăm bà chị họ đang điều trị…
- Ừ chị mới đưa cháu cấp cứu hôm qua. Ban này, chị xin lỗi nhé, chị đói quá, cho chị một cái bánh mì được không?
- Ồ được được mà, chị cầm luôn hai cái này…
- Không không… cảm ơn em một là quá đủ rồi.
Tôi chạy ù về phòng cũ, ngốn ngấu bánh mì một cách ngon lành và xong chuyện cấp cứu luôn. Bệnh viện cho cháu ra viện ngay, và cho thuốc uống, nhắc nhở rằng cháu sẽ bị rối loạn tiêu hóa tiếp trong ba tháng liền, và nếu có gì bất thường quá sẽ quay lại bệnh viện. Tôi bế cháu ra về, gọi được xích lô hẳn hoi, và thở phào nhẹ nhõm.
               Mấy tháng sau, một buổi sáng chủ nhật, tôi để con ở nhà bố MQ trông, tôi đi lên gần cơ quan xếp hàng mua lòng bò (bán tự do), mà phải xếp từ hai giờ sáng cơ, chừng bảy giờ sẽ mua được. Tôi khệ nệ chở bằng xe đạp một cái làn to đựng đủ thứ lòng. Tôi hăm hở rẽ vào chợ gần đó mua thêm quả đu đủ xanh để ninh dừ lên với lòng bò. Me tôi thích món này lắm. Mà cứ gì me, vợ chồng tôi và bé con sẽ được một bữa cải thiện ra trò đây. Nào ngờ, vừa về đến cổng, me tôi nghe tiếng tôi dắt xe đã chạy ra và kêu tướng lên,”Này chị, thằng Tuấn lại bị lồng ruột rồi!”. Tôi vứt cái làn và quả đu đủ vào trong bếp không kịp dặn gì me tôi, chỉ hỏi biết được bố cháu đưa bé lên Việt Đức là tôi lao đi ngay. Lên đến nơi, thấy hai bố con cùng chú Văn, bạn đi cùng đang ngồi ở ghế. Tôi hốt hoảng giằng lấy con và hỏi mấy cô nhân viên (chứ không hỏi hai anh em), mới vỡ nhé là bé bị bố “nghi” lồng ruột mang lên cấp cứu nhưng bác sĩ khám rồi, cháu không sao cả. Thì ra chắc cháu đói.Tôi cho con bú, con bú thun thút còn nhoẻn miệng cười thật đáng “ghét”, hèn gì ở nhà làm sao mà dọa bố dọa chú bê nhau lên đây. Định thần rồi tôi mới kịp cảm thông với hai anh em đang chần chừ đợi tôi, vì biết tôi về nhà thấy có chuyện sẽ lao đến ngay. Nghe chồng kể lại, tôi được biết sáng sớm hôm đó, chú Văn đến chơi, và cùng với MQ lôi xe đạp ra chữa. Hai anh em đang hì hục xoay xoay vặn vặn thì bé nằm trong giường khóc “gọi” bố vào. Bố bế con lên thấy con cứ rên rên hự hự, tưởng giống như tôi kể hôm nào đi cấp cứu lồng ruột thế là thần hồn nát thần tính hai anh em rủ nhau lên Việt Đức khám lồng ruột lại cho lẹ! Thôi thì để bố MQ trải qua đôi chút cảm giác về nỗi lo khi con bị bệnh nan nguy.
Gắng lên nào               Anh Quy trưởng phòng một hôm gặp tôi nói chuyện riêng thật dài. Anh tỏ ý ái ngại tôi chăm chỉ làm việc, năng suất cao, chất lượng tốt, mà không được đi học nước ngoài như mọi người, dù chỉ là học ngắn ngày về máy. Anh giải thích, giải thích hoài. Tôi phải xin lỗi và ngắt lời anh, rằng anh đừng ái ngại gì cho tôi cả, vì tôi đã xác định rõ lắm rồi. Tôi hiểu chuyện lí lịch, tôi biết rằng mọi chuyện đều mang tính lịch sử từng giai đoạn thời kì. Tôi vẫn cố gắng đấy thôi, chỉ có điều nếu ngày mai, hay đến một ngày nào đó, tôi không còn tốt như hôm nay tôi đang là như thế, thì anh hãy hiểu cho, đấy là tôi bị thay đổi, tôi xấu đi, chứ tuyệt nhiên sẽ không bao giờ tôi xấu đi là bởi tôi không được đi nước ngoài, tôi không được cơ quan bồi dưỡng, đào tạo chi cả. Chuyện loanh quanh một hồi, anh mới bảo, anh có ý định để tôi làm hồ sơ đi thi nghiên cứu sinh, nhưng không biết tôi có chịu đi thi không. Hai bạn nam sau tôi thì đều từ chối khi được hỏi đến. Ngày đó thi hình như rất khó. Tôi hơi cuống, hai bạn nam kia còn son rỗi chưa vợ con gì, mà không đi, vậy tôi sẽ vừa nuôi con mọn thế này vừa lăn lộn học rồi biết thi có đậu không. Chỉ một thoáng trăn trở vậy thôi, tôi trở lại với mình, thì học, thì thi, sợ cái gì nào. Ơ…ơ …nhưng mà, tôi vội quên ư cái ông tổ chức nào ngày xưa chả bảo tôi không thể được đi nghiên cứu sinh vì lí lịch đấy thôi? Sao bây giờ anh Quy lại bảo cho tôi đi thi? Anh muốn thử xem gan tôi có to không à? Hay anh thử cho tôi đi, rồi biết chắc tôi không dám đi thi, và thế là xong một việc, đấy nhé,cơ quan quan tâm đủ kiểu nhưng tại cô từ chối, tại cô không dám. Thật tội nghiệp có những lúc tôi cứ có ác ý thế, với Sếp, người đã bảo đảm với tổ chức “dám” nhận tôi về làm việc tại cơ quan này. Tôi đành bộc lộ thẳng thắn, “Cảm ơn anh thật nhiều đã quan tâm đến em. Em sẽ làm hồ sơ, sẽ ôn thi và đi thi, nhưng anh thử hỏi kĩ xem, liệu tổ chức có duyệt cho em đi không chứ? Đi học có mấy tháng mà họ còn ngại không cho em đi, thì làm sao đi thi để lỡ ra đỗ, em ra nước ngoài những ba bốn năm liền cơ ạ?” Anh Quy nghe thế gạt đi và bảo đó là trách nhiệm của anh, anh sẽ thuyết phục tổ chức để cho tôi làm, chỉ cần tôi chịu là được. Thấy thái độ anh kiên quyết, tôi cảm thấy nhẹ lòng, và thực sự tôi phải quyết định một cách nghiêm túc, tôi sẽ đi thi. Tôi phải khắc phục khó khăn về gia đình. MQ không về thường xuyên nhưng bao giờ MQ cũng là chỗ dựa của tôi thật mạnh mẽ về tinh thần. Cùng lắm là mỗi tuần, tôi sẽ nhờ MQ quên “chuyện khác” (!) và chỉ để thời gian trả lời những câu hỏi của tôi về Toán thôi, giúp tôi ôn thi. Sẽ không có chuyện gì là đùa cợt nữa cả. Xong, vậy là tôi lên Vụ tổ chức mượn học bạ trong hồ sơ để sao y bản chính, rồi làm một số giấy tờ khác nữa hoàn tất theo chỉ dẫn của trưởng phòng. Ít lâu sau, tôi quên đi chuyện đó, vì quá bận với “việc nhà việc nước”, thì một hôm, anh Quy gọi tôi, anh buồn rầu bảo, tóm lại là tôi không được duyệt, vẫn vì chuyện lí lịch thôi. Anh chẳng làm sao thuyết phục được mặc dù đã rất cố gắng. Tôi, lúc này thành người an ủi anh chứ không phải anh an ủi tôi:”Em đã hình dung vậy rồi mà, em “can” mà anh không nghe em, thôi không sao đâu anh, em hứa sẽ vui vẻ và càng tích cực công tác hơn anh ạ. Dù sao em cảm ơn anh nhiều lắm”. Tưởng thế là thôi, nào ngờ anh Quy còn hỏi tiếp tôi, “mình có cái khó này Thư ạ. Nếu anh em trong đơn vị hỏi sao để Thư làm hồ sơ rồi mà không cho Thư đi thi thì mình phải trả lời thế nào đây?” Ôi tưởng gì chứ thế đơn giản quá. Tôi trả lời chân tình, “s
ao mà khó hả anh? Có thế nào anh cứ nói thế. Anh cứ giải thích đúng với thực chất, đó là cho em làm hồ sơ rồi nhưng em không được duyệt vì lí lịch em không đủ tiêu chuẩn, hay nói trắng ra là lí lịch gia đình em xấu. Em không ngại gì thì sao anh phải ngại chứ ạ?”.Anh vẫn tỏ ra lúng túng và bảo, “thôi việc này Thư cứ để mình lo, mình sẽ nghĩ kĩ xem nên giải thích như thế nào”. Phức tạp quá đi mất, bây giờ nghĩ lại, quả là tôi cứ “thật đến mức khó chịu”, thế thôi.
             Thực ra, qua chuyện này, tôi chả buồn nản gì, chỉ thấy hơi bực mình vì, hóa ra cái ông tổ chức ngày xưa nói như đinh đóng cột về tương lai của tôi, điều mà tôi nghĩ ông ta quá hồ đồ, bây giờ cứ đúng mới khó chịu chứ. Có điều hơi vui là thôi cứ yên chí đi làm nuôi con đón tiễn chồng cuối tuần, đỡ phải lăn lê bò toài lục lại mấy cái lí thuyết bài tập dẩm dít Toán Tiếc kia nữa, để chỉ nhớ rằng đã có những phút giây can đảm, mụ đàn bà “điếc không sợ súng” này đã quyết định thi nghiên cứu sinh cơ đấy; và không phải bắt tội chồng quên “chuyện khác” để giúp mình ôn tập nữa.
                 Tôi kể chuyện với chồng. Anh an ủi tôi và thông cảm. Anh nhắc lại rằng không cần suy nghĩ gì phức tạp quá, và đừng tự suy diễn , bản thân mình sẽ khổ trong khi cuộc sống đã vất vả và phải chịu đựng quá nhiều rồi. Tôi thấy MQ nói đúng, nhưng thực tế, nhiều khi tôi không tự vượt qua được chính mình. Tôi rất hay suy diễn, buồn bực mà không nói ra. Chúng tôi rất yêu nhau, nhưng ngày đó, không phải hoàn toàn suôn sẻ. Tôi hay tủi thân, nghĩ phức tạp, hay kiếm cớ để giận dỗi MQ. Trong những lần như thế, bao giờ MQ cũng là người làm lành trước, bất kể tôi đúng hay sai. Có thể, một phần vì tính MQ suy nghĩ đơn giản, lạc quan, một phần vì MQ thương tôi. Nhưng đặc biệt, mỗi lần tôi khóc, MQ thường chỉ dỗ qua quít, sau đó thì mặc kệ, khiến tôi thấy buồn, ấm ức và khó chịu lắm, mà chả biết làm thế nào. Tôi không bao giờ hỏi MQ về nguồn cơn của điều đó, nên không biết MQ nghĩ những gì. Tôi không nhớ mình có tâm sự gì không với Hiền, bạn gái thân, mà có một lần Hiền viết cho MQ mấy dòng đại ý thế này:”MQ đã nói, đã làm, những điều đúng chứ không sai, nhưng giá như MQ làm khác đi một chút, nói khác đi một chút-vẫn đúng- mà Thư thấy đỡ khổ hơn thì MQ nên thay đổi”. Đấy là một khía cạnh hơi “trục trặc” trong cuộc sống tình cảm và chia
sẻ của vợ chồng tôi. Nhưng nhìn về một khía cạnh khác, tôi phải thừa nhận rằng, sự yếu đuối của tôi đã bớt dần theo thời gian, tôi cảm thấy MQ là một chỗ dựa vững vàng của mình, nhất là những lúc khó khăn cùng cực, kể cả khi MQ vắng nhà chứ không nhất thiết phải hiện diện bên tôi.
           Con trai tôi đã ổn định đường tiêu hóa. Cháu ngoan, ở nhà với bà để mẹ đi làm. Vì cháu còn bú nên tôi chỉ đi công tác sang phòng máy Hà Nội và Hà Đông rồi về ngay trong ngày. Ngày ấy, không nhớ nhà trẻ gần khu tôi chưa nhận các cháu ba tuổi hay sao mà tôi phải gửi con gái lớn ở khá xa. Một hôm tình cờ tôi ghé vào một con ngõ nhỏ của phố Khâm Thiên, thấy có nhà trẻ thế là hỏi gửi luôn, và được biết họ chỉ trông trẻ thôi chứ ăn uống thì gia đình tự lo. Thế là sáng ra, hai mẹ con mỗi người một cặp lồng. Cặp lồng của cháu có khi là một ít cơm với vài miếng thịt tem phiếu, có khi chỉ vài củ khoai lang, một bắp ngô luộc. Họa hoằn lắm mới có một quả trứng gà luộc. Buổi trưa, mỗi cháu tự ăn đồ của mình, rồi nằm co ro ngay trên bàn học. Mùa đông, lớp có mấy cái chăn chiên mỏng thôi. Tôi mang đến thêm cho cháu cái khăn bông dày to nhưng làm sao đủ ấm được. Nhớ lại buổi sáng đầu tiên đưa bé vào lớp, bé khóc thét chạy ra đuổi theo mẹ. Tôi chạy rất nhanh và nấp vào một góc khuất. Con ra không thấy mẹ đâu ngó quanh khóc gọi mẹ ơi. Tôi thắt cả ruột gan, nhưng phải giả đò không biết, kiên nhẫn đợi cô giáo ra dắt cháu vào lớp, rồi tôi lặng lẽ đi làm. Có buổi trưa tôi lẻn về nhà trẻ, nấp nhìn trộm xem con tự ăn thế nào và nằm ngủ ra sao. Tôi chỉ muốn chạy ào vào ôm lấy con nhất là những ngày giá rét, nhưng không thể. Tôi không khóc như lúc này đang viết, nhưng tôi thương con quá chừng. Tôi lại nhủ thầm phải cứng rắn hơn lên, phải vui vẻ như bố MQ của cháu ấy thì mới sống được thanh thản (trời đất ạ…). Cháu hơn ba tuổi đã bụ bẫm, lớn, hơn các bạn cùng lứa. Về sau cháu quen, đến lớp học, các anh chừng 4, 5 tuổi chạy quanh bảo, “em Hoa đến rồi, ôi béo quá, ôi trắng quá”. Tôi không nhịn được cười và dỗ cháu, “đấy các anh yêu con, quí con, mừng con đã đến này, con chạy xuống vào lớp chào cô và chơi với các anh các bạn nhé”. Cháu hơi ngượng rồi chào mẹ và tung tăng đi vào lớp nên tôi thấy yên tâm hơn.
             Buổi chiều sau giờ làm, tôi về nhà trẻ đón con thì trời đã sẩm tối. Có khi rẽ vào xếp hàng mua thực phẩm theo tem phiếu thì xin ưu tiên mua trước vì có con nhỏ, nghĩ tội nghiệp quá, mà những lúc như thế thịt chỉ còn “
rọi long” thôi. Về nhà, bà me đã nấu cơm cho rồi. Vệ sinh qua loa, cho con trai bú, ăn uống xong phải đến hơn tám giờ tối. Sau khi dỗ các con ngủ, tôi phải làm thêm, không dám bật điện cả nhà thức giấc, chỉ vặn ngọn đèn dầu ngồi ngay trong giường gói mực thuê. Nghĩa là nhận của người ta những kg bột mực tím (pha mực viết cho học trò), rồi chia ra thành hàng trăm hàng ngàn gói mực nhỏ, bọc vào những mảnh giấy báo. Làm quen thì xúc có cữ, theo cái thìa con. Lẩn mẩn thế phải 1, 2 giờ sáng mới đi ngủ, người mỏi nhừ, lưng đau còn hơn bây giờ về già bị đau. Nếu không gói mực thì bóc lạc thuê, khâu áo len- nhận các mảnh người ta đan rồi, khâu lại thành sản phẩm hoàn chỉnh. Sáng ra 5 giờ sáng tôi đã dạy, rang cơm ăn sáng, nấu cơm chuẩn bị đồ ăn mang đi, chuẩn bị sữa hoặc để sẵn các thứ bà nấu cháo cho bé Tuấn. Ở nhà thì bà ủ cơm cho nóng rồi trưa ăn.
             Được cái là tôi quen làm nhiều việc từ nhỏ nên lúc này, bận rộn nhưng không cảm thấy mệt nhọc ngại ngần. Mà có rỗi  cũng chả ngủ được, bệnh đau đầu còn tăng hơn, nên liên miên việc này việc kia lại hóa may. MQ luôn than thở rằng MQ “vô tích sự” quá, chả biết làm gì giúp đỡ vợ con. Tôi phải lí sự đủ kiểu để MQ an lòng, nào là MQ bận dạy học này, lương cao hơn lương tôi này và không dám tiêu gì cho mình, trừ những khoản bắt buộc ở đơn vị (tiền ăn tập thể, chi phí sinh hoạt tối thiểu), MQ đều đưa hết lương cho tôi còn gì nữa. Đấy là chưa kể, hàng năm nhận được trang phục quần áo bộ đội, chúng tôi túng tiền quá dắt nhau lên đường Nam bộ, len lén bán đi khi thì bộ quần áo mùa đông, khi thì cái áo mùa hè, rồi cả đến cái quần đùi rộng lùng thùng đều bán nốt, MQ chỉ mặc mãi mấy cái quần cũ thôi. Đi bán thế xấu hổ lắm, người ta trả bao nhiêu là bán ngay không dám kêu ca đòi hỏi gì. Đấy là chỗ buôn bán quần áo bộ đội mà. Nghĩ cho cùng, chúng tôi còn sướng chán, bao nhiêu người khổ hơn chúng tôi nhiều, còn chả có công ăn việc làm, chả có cơm ăn áo mặc thì sao.
              Từ ngày thôi sơ tán, trở về Hà Nội, thi thoảng bà nội lên thăm cháu. Tôi vẫn mua cau trầu vỏ và luộc ốc vặn như ngày trước, má thích lắm. Còn tôi thì thích cái thích của má. Biết má thích ăn riêu cá nữa, tôi ra chợ tìm mua con cá mè thật lớn. Đối với chúng tôi lúc đó, cá hơn 1kg là lớn lắm rồi. (chỉ tìm cá mè thôi chứ cá khác đắt lắm). Mang về, má vừa ngạc nhiên vừa xuýt xoa: “sao con mua làm chi cá bự zậy, tốn tiền quá ha?” Tôi kể với má: “Má ơi tưởng vậy thôi, vì ít người mua, nên cá to giá không đắt hơn cá bé bao nhiêu, mà cá to thì ngon hơn và đỡ tanh má ạ” Thế là, sau khi làm cá sạch sẽ, tôi lấy mấy khúc giữa rán lên chấm nước mắm tiêu, đầu đuôi thì nấu riêu kiểu miền Bắc, ăn với ít rau sống, má khen ngon lắm. Vào những dịp này, me tôi mới được ăn cá to, tội nghiệp thế đấy, vì tôi chỉ hay mua cá mè bề ngang bằng ba ngón tay gầy guộc của tôi, về mổ ra rửa sạch lớp màng đen, thái nhỏ lá xương sông bỏ vào bụng cá để khử tanh, rán qua một tị rồi kho cà
chua hoặc kho tương thôi mà. Má lên chơi với mẹ con bà cháu tôi, vui lắm và đầm ấm. Me tôi quí má và ngược lại, má quí me tôi, mặc dù giọng nói và phong tục tập quán có khác nhau.
              Vậy có thể nói cuộc sống cứ êm ả trôi đi, và chúng tôi thực sự hạnh phúc. Chủ nhật, thi thoảng vợ chồng con cái dắt nhau đến mấy nhà họ hàng bên nội, có khi được ăn những bữa cơm thật ngon vì nhà cô, nhà dì có tiêu chuẩn cao hơn, lại quí cháu, nhịn miệng thết khách nữa. Tôi dần quen với phong tục tập quán bên nhà chồng, như ngày giỗ ba chồng tôi, làm tại nhà cô là em họ ba, cả má tôi và cậu Lê Hân cùng về. Vừa thắp mấy nén hương và để mâm cỗ lên bàn cúng, thì cậu đã bảo thôi nào dọn xuống ăn đi. Rồi khi ngồi vào mâm, chả ai mời ai, cứ thế ăn uống vui vẻ hỉ hả. Lúc đầu tôi ngạc nhiên lắm, và khó chịu. Nói thế thôi, chứ nhớ hồi trẻ con, tôi rất ngại mời, cứ dựa theo các chị mà à à hùa theo chứ có mời rõ ràng ai đâu, mời xong lâu khiếp lên được. Cái gì mà chả quen, quen thấy bình thường, về sau còn thích thú là đằng khác, là không phải mời ai cả!!! Chả cứ cúng giỗ, cách nói năng cũng lạ. MQ mang cái gì về biếu bố mẹ tôi thì MQ bảo “con cho me này”, “con mang cái này về cho bố” rồi đưa. Tôi tức quá lườm nháy (ghê gớm không) mà MQ chả hiểu, cứ tươi cười phớ lớ. Thời gian đầu, bố mẹ tôi rất bực mình, nhưng về sau nhận ra đó là cách thể hiện thôi, chả giận chả bắt bẻ gì nữa, thế là xong. Các con tôi lớn dần lên, khi có bà me, có mẹ thì bị bắt mời cơm, rồi khi có bố lại tự nhiên như không, dần dà quanh quẩn bọn trẻ chả mời nữa. Đến tận bây giờ, nhiều lúc tôi chả biết mình vui hay buồn về thói quen đó.
Chị ra đi sớm quá chị ơi!
 
           Gia đình nhỏ của tôi đang ổn thì gia đình lớn có chuyện buồn. Chị Hiền Thục, chị thứ hai trong nhà, đang dạy học và nuôi hai con lớn hơn con nhà tôi một ít, thì bị ốm nặng. Một lần, chị đang lội mảnh ruộng nhỏ tự cấy ít rau muống bên trường Đại học Nông nghiệp I, có người đi ngang qua kêu ầm lên, chân chị sao bị nhiều muỗi cắn thế. Chị nhìn xuống thấy đầy hai bắp chân, những nốt xuất huyết dưới da, chứ không phải muỗi đốt. Chị đi khám bệnh, người ta chuyển về Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Hà Nội. Bệnh của chị tôi được các bác sĩ hội chẩn nhanh chóng, là ung thư máu dạng cấp. Trong lúc chị chữa bệnh, chồng chị-anh Nghiệp-cũng ở tạm nhà tôi. Giữa đêm, anh thức dạy ra sân tập thể dục. Tôi ít ngủ nên biết ngay và trở dạy hỏi sao anh không ngủ được Anh kể chuyện bác sĩ gọi anh hôm qua thông báo tình hình nguy cấp của chị tôi, vì anh là chủ gia đình nên cần biết để chuẩn bị tinh thần.
            Tôi chợt nhớ, 16 năm về trước, tôi tình cờ đọc một bài báo. Người ta khuyên ai có nốt ruồi không nên tự đánh đi, nếu dùng thuốc hoặc hóa chất gì đó không cẩn thận sẽ bị ung thư sau 16 năm. Ngày ấy, tôi rất hoảng sợ khi biết chị mình mới tự đánh một nốt ruồi to trên má. Tôi không dám nói gì, chỉ bấm đốt ngón tay hình dung 16 năm sau, chính là cái năm này đây, chị tôi sẽ mắc bệnh. Không thể tưởng tượng được sự thể diễn ra đúng như vậy. Tôi thương chị, anh Nghiệp và các cháu. Tôi đã gắng thường xuyên qua bệnh viện thăm và động viên chị, nhất là buổi tối. Cả gia đình và bệnh viện vẫn dấu chị. Chị chưa biết rõ bệnh mà chỉ có cảm giác là bệnh nặng thôi. Hàng ngày chị đọc đủ loại sách, và vui vẻ như không. Các em sinh viên thực tập cứ thì thào mách nhau đến “xem” bệnh nhân bị máu trắng mà vẫn nghị lực và yêu đời thế này, làm chị ngạc nhiên, nhưng rồi cứ kệ. Chị chính là người chị duy nhất trong nhà ủng hộ mối tình của chúng tôi từ khi chúng tôi còn đang học với nhau, vì chị quí học sinh miền Nam lắm.
           Sau đấy ít lâu, không thể dấu chị mãi được. Các bác sĩ hội chẩn cả với bác sĩ giỏi của khoa huyết học bệnh viện Bạch Mai, dự đoán chị chỉ có thể sống thêm chừng ba tháng. Trong thực tế thì anh Nghiệp rất chịu khó, tìm đủ thứ thuốc, chăm lo cầm cự tới ngày chị tôi ra đi tất cả là tám tháng. Trong suốt thời gian ốm bệnh ở bệnh viện Việt Nam Cu Ba, chuyển về bệnh viện Bạch Mai, và cuối cùng ở tại nhà tôi (tức là nhà bố mẹ), ngoài anh Nghiệp và các cháu, tôi là người gần gũi nhất với chị tôi. Gần gũi không chỉ vì chăm sóc chị, mà vì chị tin tưởng nhờ, tôi là cầu nối thông tin giữa chị và bạn Phước, một học sinh miền Nam mà chị thương quí nhất. Tôi đã chứng kiến những ánh mắt nhìn nhau của chị và Phước, suốt đời tôi không quên được, mà mãi sau này tôi mới hiểu, đó là tình người thật thiêng liêng. Tôi gọi
Phước là bạn, vì cùng lứa. Bạn ít hơn chị tôi cỡ 7, 8 tuổi. Thật là buồn, khi chị tôi sắp mất thì Phước đã vào Nam, theo một đoàn cán bộ xung phong tình nguyện đi B, xuyên qua đường Trường Sơn đầy nguy hiểm, và sau đó chắc Phước hi sinh, không còn liên lạc và có tin tức gì của bạn nữa. Chị tôi đã run rẩy thêu một chiếc khăn tay cho Phước mang đi đường giữ làm kỉ niệm, viết nguệch ngoạc ít dòng trên một tờ pơ luya mỏng xam xám trong những ngày cuối cùng trước lúc đi xa để tôi chuyển cho Phước. Và cái Tết cuối cùng, chị đã tự tay quấn nem cho cả nhà ăn chiều 30, cũng là lần đầu tiên, không biết tôi có nhầm lẫn không, chị rơi những dòng nước mắt trong im lặng, với tôi và chỉ với tôi thôi. Rồi sau đó chị bảo, trong những ngày lâm bệnh này, chị mới hiểu chồng chị đã tận tụy đến thế nào. Bỗng nhiên tôi chợt nhớ ngày tôi chưa có việc làm, lên tạm chỗ anh Nghiệp. Có lần tôi hỏi anh chị có hay viết thư cho nhau không.Anh bảo, lâu lâu mới viết, có gì đặc biệt thì mới viết chứ tự nhiên thì có gì mà viết. Tôi rất ngạc nhiên, tôi nghĩ yêu nhau, vợ chồng càng như thế, khi sống xa nhau phải luôn nhớ, luôn viết thư cho nhau chứ nhỉ, sao lại đợi có việc cần mới viết? Hay là tôi chưa sống đời vợ chồng nên chưa hiểu?
             Bây giờ thì chị tôi không còn nữa rồi. Tôi nghĩ về mình, tuần nào MQ cũng về nên tôi không viết thư chứ nếu chúng tôi ở xa nhau hơn tôi không thể im lìm được, tôi không thể đợi đến khi tôi sắp chết (tôi vẫn luôn nghĩ tôi mất trước chồng tôi vì đường sống bàn tay tôi quá ngắn) tôi mới biết rằng chồng tôi tận tụy như thế nào. Tôi sẽ không để yên khi MQ sống xa tôi mà không chịu viết thư cho tôi. Đấy tôi cứ nghĩ suy lủng củng phức tạp thế hèn chi chẳng đau đầu và đau đầu dữ dội?
             Sớm 2 tết, chúng tôi đưa đi cấp cứu nhưng chị không qua khỏi. Chị mất khi còn quá trẻ đúng 36 tuổi, chỉ hơn mẹ tôi ngày xưa mấy tuổi thôi.Chồng con chị thì khỏi phải nói rồi, mất mát là quá lớn, còn với tôi, tôi thấy hụt hẫng quá. Tôi không còn được cùng với MQ sang thăm mấy mẹ con chị ở khu tập thể trường Nông nghiệp nữa, không được xem một cách thán phục chị, ngày xưa là nữ sinh trường Trưng Vương yểu điệu, mà nay tự tay đóng chuồng gà, tự tay đóng chạn bát, tự sửa xe đạp, tự đủ thứ việc lẽ ra đàn ông đảm nhận; không còn nghe chị nói, đọc tiếng Anh thật hay; không được nghe chị và chị Tân bạn thân của chị, hai chị nói chuyện với nhau cực nhanh, và bằng những từ ngắn gọn, rất buồn cười. Tôi không còn được nghe chị động viên vượt qua trở ngại để giữ gìn hạnh phúc với người mình yêu. Tôi không còn được rưng rưng cảm động vì ngày cưới chị chỉ có mảnh lụa trắng sọc xanh nhỏ ai tặng ấy mà chị nhường cho tôi may để “diện” với bạn bè. Chị lo tôi xấu trong con mắt người yêu là MQ, một học sinh miền Nam dễ thương hiền lành như Phước, như bao nhiêu học sinh của chị, mà chị đặc biệt quí người miền trong. Chị bảo, họ thật lắm, tình cảm lắm.Tôi không còn được thấy chị mặc những quần lụa đen bạc phếch lên giảng đường đại học mà không ngại ngần, bởi chị chỉ cần sạch thôi, chị không quan tâm đến hình thức. Chị giặt quần đen bằng xà phòng, chị không chịu giặt nước lã như tôi và đại bộ phận chị em khác. Và đặc biệt nữa là tôi không được chăm chú nhìn chị với gương mặt giống mẹ tôi nhất nhà,là tôi cứ so với di ảnh của mẹ, để cố tìm ra hình bóng của mẹ.
                Khi chị mất, cháu trai mới 10 tuổi, cháu gái 5 tuổi. Cháu trai thì nhớ mẹ nhưng là con trai nên đỡ hay sao ấy, chứ cháu gái đi mẫu giáo, muốn tè mà cứ
giụi mông vào tường để nhịn, dứt khoát không nghe lời cô giáo bảo ra ngồi bô khiến cô giáo rất ngạc nhiên vì sự lầm lì của cháu. Nghe cô phản ảnh, về nhà bố Nghiệp hỏi ra mới biết, cháu giải thích là “con không nghe lời cô giáo đi tè, vì con không thích cô, con ghét cô, cô đã biết mẹ con chết rồi mà cứ hỏi mãi mẹ đâu, mẹ đâu, hỏi lắm thứ về mẹ. Con nhớ mẹ bố ơi”.
                Thế rồi, các cháu lớn dần trong sự yêu thương chăm sóc của bố Nghiệp, và về sau của mẹ kế (chị Tư nhỏ hơn chị tôi bảy tuổi, thật tốt, thật giàu tình thương), các cháu đã trưởng thành giỏi giang nay đều lập nghiệp trong thành phố Hồ Chí Minh. Và trong cả quá trình lớn lên ấy, tôi nói riêng và chị em tôi nói chung, có mấy khi quan tâm chăm sóc được các cháu đâu. Chỉ có trong hoàn cảnh như vậy tôi mới hiểu rằng, thì ra ai cũng bận lo toan cuộc sống của gia đình mình, ngày xưa tôi cứ ngạc nhiên khi mẹ mất không thấy các dì các cậu đâu. Bây giờ chính mình là cậu là dì của các cháu đây, vậy ra chỉ có thể lí thuyết lí sự là dễ thôi, chứ hành động cụ thể thì từ từ đã, phải thế không nào, thật là đau sót.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét