Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Thế mới thành chuyện


                    Con gái bé bỏng nhất của chúng tôi, con gái 

“rượu” con gái “bia” của bố Minh Quang đã đi lấy chồng. 

Hai vợ chồng nó là bạn cùng lớp trong trường đại học 

giống như tôi và Minh Quang vậy. Cưới xong được có mấy 

tháng, con rể tôi đi tu nghiệp ở nước ngoài làm bằng thạc 

sỹ. Bố mẹ chồng còn trẻ đang đi làm nên mẹ con Ngân 

Hương xin về ở bên ngoại để tôi nghỉ hưu rồi có điều kiện 

giúp đỡ chăm nom hơn. Chẳng mấy chốc, con gái tôi ở cữ, 

sinh ra một bé trai xinh xắn ngoan ngoãn và rất dễ thương.

 Như lệ thường, giấy chứng sinh được làm tại bệnh viện 

phụ sản nơi con gái tôi sinh cháu ngoại. Ít lâu sau, con gái 

nhờ tôi tới Ủy ban nhân dân phường nơi quản lý nhân khẩu

thường trú để làm giấy khai sinh cho cháu bé. 

           Tất nhiên là đi làm thủ tục tôi phải mang theo hộ 

khẩu của gia đình, trong đó có tên hai mẹ con (chưa 

chuyển hộ khẩu về nhà chồng). Và cẩn thận hơn, vì đi làm 

hộ giấy tờ nên tôi mang theo ba chứng minh thư của tôi, 

con gái và con rể. Tới nơi, tôi hỏi tìm chỗ làm giấy khai sinh, 

xếp hàng rồi ngồi đợi tới lượt mình. Tôi bị bệnh rối loạn 

thần kinh thực vật nên mỗi khi phải chờ đợi thì dù không có 

gì khó khăn vẫn cứ  thấy lo lo, hồi hộp, tim đập nhanh hơn 

bình thường, nên biết thân biết phận bao giờ cũng cầm 

theo một cuốn truyện nhỏ hoặc một tờ báo gì đó để đọc. 

Mãi rồi cũng đến lượt. Anh cán bộ giải quyết công việc này 

còn khá trẻ, chỉ hơn con tôi chừng mấy tuổi. Anh không gầy 

không béo, người cao ráo trắng trẻo, mọi nét trên khuôn 

mặt đều khả ái chỉ ngoại trừ cái mũi hơi to to bè bè sang hai 

bên. Anh lật lật mấy giấy tờ và sổ hộ khẩu của tôi trình, rồi

 hất hàm:”Bà là thế nào với cô Ngân Hương?”. Tôi hơi sững

người vì thái độ không lấy gì làm thiện cảm, nhưng vẫn 

phải trả lời cho từ tốn, lịch sự, tôi đáp:”Thưa anh, tôi là mẹ 

đẻ của Ngân Hương, là bà ngoại của Phan Hồ Anh Quân, 

cháu bé đang được xin làm giấy khai sinh”. Dường như 

ngại anh cán bộ muốn hỏi lí do tôi đi làm thay, tôi phải nói 

luôn:”Con gái tôi mới nghỉ đẻ xong, phải đi làm cũng xa. Bà 

nội cháu chiều nay không phải lên lớp, sang chơi với cháu,

 nên tôi tranh thủ đi làm giấy tờ cho cháu anh ạ”. Anh ta im 

lặng, tay vẫn tiếp tục lật đi lật lại giấy chứng sinh, bản khai 

kết hôn. Chẳng hiểu anh ta đọc gì mà kỹ thế không biết, tôi 

cứ băn khoăn tự hỏi. Sau rồi, anh ta ngẩng lên nhìn thẳng

 vào tôi:”Bà về đi nhớ, bảo anh con rể nhà bà đến đây gặp

 chúng tôi!”. Tôi quýnh lên, vội vàng giải thích:”Ấy ấy, thưa

 anh, con rể tôi không tới được đâu ạ, vì chẳng dấu gì anh

, nó đang đi học ở nước ngoài”. Trong óc tôi diễn ra đủ kiểu 

suy luận, hay là người ta cần con gái hoặc con rể tôi một 

trong hai đứa đến làm trực tiếp, chứ không cho tôi là mẹ 

chúng đi làm thay? Ơ nhưng tôi là chủ hộ của hộ gia đình 

kia mà, làm sao tôi lại không được đi làm hộ? Hay là chỉ đây 

với đấy con gái tôi không chịu xin nghỉ một buổi ở cơ quan 

đi làm giấy khai sinh cho con nên anh ta bực mình? Tôi

 chẳng biết đâu là lí do bị từ chối, tôi đành nói bừa đưa ra 

một giả định: "Hay là tôi gọi điện về bảo con gái tôi đến vậy 

nhé…" Anh ta tiếp tục cấm cảu, mặt lạnh như tiền mà hai lỗ 

mũi lại phập phồng căng to ra bất ngờ trông vừa buồn cười 

vừa đáng sợ làm sao:”Không cần con gái bà đến, tôi nhắc 

lại này, bảo con rể bà đến, tai bà có làm sao không đấy???” 

Tôi dù có tâm niệm chữ NHẪN tới bao nhiêu thì giọng cũng 

bắt đầu hơi cao cao lên rồi:”Khổ quá, tôi nghe rõ anh yêu 

cầu mà, nhưng tôi đã thưa với anh là con rể tôi không có 

nhà, chứ nếu nó có nhà thì chắc tôi chẳng phải thân già lọ 

mọ đến đây nghe anh gắt gỏng như thế!” Nói xong tôi cảm 

thấy mình căng hơi quá mức, nên vội vàng tiếp lời:”Tôi nói 

gì không phải mong anh bỏ quá, thông cảm cho người già 

chúng tôi…”. Anh cán bộ lắc đầu chán nản, rồi xua tôi:”Bà 

không về thì mời bà tránh sang chỗ khác để chúng tôi giải 

quyết cho hồ sơ tiếp theo”. 

            Tôi tìm một chiếc ghế ngồi tạm ở gần đấy. Tôi 

không có bụng dạ nào mà đi về cho được. Tôi chẳng hiểu 

thế là thế nào. Nhưng tôi cứ phải tự trấn tĩnh, vận hết nội 

lực "tĩnh khí công ý thức" để điều chỉnh ổn định lại nhịp tim, 

thở thật sâu cho hạ bớt huyết áp và cái mạch ở sau lưng 

khỏi giật giật liên hồi. Tôi lại giở sách ra đọc tiếp vài trang, 

và không quên thỉnh thoảng liếc xem khách còn nhiều hay 

ít để tôi có thể vào hỏi lại người cán bộ kia không. May quá 

rồi khách cũng vãn. Anh cán bộ ngồi vươn vai ra phía sau 

vẻ thư giãn. Tôi đi khẽ tới trước ô cửa   nhỏ, ngồi xuống 

ghế và cố nói vọng vào đủ để anh ta nghe thấy:”Thưa anh, 

tôi là mẹ em Ngân Hương đây, lúc nãy đến lượt tôi rồi, anh 

bảo tôi về gọi con rể đến, tôi trình bày về việc con rể tôi ở xa 

không đến được, nếu buộc con rể tôi đến mới làm được 

việc này, thì tôi đành chờ em nó về, mà khi đó thì chúng tôi 

mắc lỗi là khai sinh chậm trễ, quá hạn qui định chuyển từ 

giấy chứng sinh sang khai sinh, như thế có sao không ạ?” 

Anh cán bộ nhếch mép cười nhạt:”Đương nhiên là phải 

phạt hành chính rồi!” Tôi vẫn kiên nhẫn:”Bây giờ đã không 

còn khách nữa, tôi phiền anh chỉ giùm cho tôi hiểu, vì sao 

cứ phải con rể tôi đến mới được mà tôi làm thay, thậm chí 

tôi gọi con gái tôi đến làm cũng không được. Mà cứ như 

thiển ý của tôi, thì mẹ cháu bé hay bố cháu bé đều ngang 

nhau về vai trò làm cha mẹ, chưa kể thêm một chút thiên vị 

thì con gái tôi còn trực tiếp mang nặng đẻ đau ra cháu 

ngoại tôi nữa. Tôi xin lỗi, tôi không có ý định coi thường giới 

đàn ông hơn đàn bà đâu ạ” Chả hiểu sao cái hôm ấy tôi cứ 

dài dòng lắm chuyện như thế cơ chứ. Nhưng hình như cái 

dài dòng ấy, một mặt làm người nghe sốt ruột, nhưng mặt 

khác lại làm cho anh ta tức tiết lên mà đáp lại chỏng lỏn:”Vì

 sao vì sao à? Cái cậu con rể bà ấy, tôi nói cho bà biết, nó 

bố láo, mới lấy vợ xong đã … để vợ tòi ra con rồi, bà còn 

phải hỏi lắm nữa à?” Đến nước này thì tôi mới là người 

muốn nổi xung mà không biết nổi xung bắt đầu từ đâu, từ 

câu chữ nào trong mấy cái tờ giấy chết tiệt kia, hay từ cái ý

 nghĩ quái gở nào của người cán bộ xa lạ nọ. May mà tôi 

mới vận nội lực khí công nên tôi không quá thở gấp, tôi vẫn

 khẽ khàng:” Sao anh lại bảo thế ạ? Tôi làm đám cưới cho 

các con tôi, tôi biết chứ, sao con rể tôi mới lấy vợ đã làm 

cho vợ nó … tòi ra con hả anh? Tôi còn nhớ như in, chúng

 cưới ngày 4 tháng 3 năm 2007. Tới ngày 29 tháng 11 năm 

2007 thì cháu ngoại tôi ra đời. Vị chi là thai cháu chừng suýt 

soát 9 tháng tuổi bào thai và là hơn 9 tháng theo “kiểu tính 

ngày rụng trứng 9 tháng 10 ngày”. Tôi tuôn ra ào ào cứ như

 là tôi đang đứng trước một vị “thiên thần áo trắng” nào của 

bệnh viện phụ sản ấy. Anh cán bộ nhìn tôi trừng trừng 

cũng không kém phần quyết liệt:”Bà lí sự gì mặc bà, cứ 

theo giấy tờ mà giải quyết!” Đến nước này thì tôi lại phát 

hỏang chột dạ, thầm nghĩ “chết chết, biết đâu giấy kết hôn 

hay giấy chứng sinh lại chả đề nhầm ngày của bọn 

chúng?” Tôi đòi anh ta chỉ cho tôi xem thông tin ba mặt một 

nhời mà tim lại nổi cơn thịnh nộ đập đập liên hồi như muốn 

tung ra khỏi lồng ngực đang độ già nua “đại lão” thật rồi 

nào phải “trung lão” “thiếu lão” gì. Tôi giương sẵn mục kỉnh 

số 3,5 rồi liếc nhìn dãy số anh ta chỉ chỉ. Ô hay chả là 

4/3/2007 thì là gì, mà anh ta lại thốt ra lời 4/8/2007 để cự 

tôi? Tôi nhẹ thở phào, ôn tồn:”Anh ơi, anh nhìn lại giúp, 

ngày kết hôn là 4/3/2007 mà. Ấy cái con số 3 nó cũng giống 

con số 8 thật, nhưng mà bên dưới còn dòng chữ mồng bốn 

tháng ba … mà!” Nghe vậy, anh ta nhìn lại và buông ra 

gọn lỏn hai tiếng “Ôi giời”, sau đó làm thủ tục giấy khai sinh 

như thường lệ. Mấy người dân mới đến xung quanh đó 

nghe lỏm chuyện, thì thào hỏi tôi:”Mà giả thử chúng nó ĂN 

CƠM TRƯỚC KẺNG thì sao nào, chả lẽ không được làm 

giấy khai sinh cho thằng bé con à?”. Một người khác lại 

thêm vào:”Thời nay, nói thật với các ông bà chứ, nhiều gia 

đình còn đòi hỏi bọn trẻ phải SỐNG THỬ trước xem có con 

không mới cho cưới ấy chứ, là người ta sợ trường hợp vô 

sinh mà…” Riêng tôi, tôi ấp úng chẳng tham gia được vào 

cuộc bình luận này, bởi trong lòng đang có một thắc mắc 

theo thói quen sống của mình:”Anh ta nhầm mà sao anh ta 

không đệm một câu XIN LỖI nhỉ”. Nhưng thôi, làm xong là 

được rồi, là tốt rồi. 

           Tôi ra về ung dung sung sướng hơn lúc trước, hệ 

thần kinh thực vật không oanh tạc cái thân già nữa là may 

rồi. Tôi phi chiếc bình bịch cũ kỹ màu đỏ một mạch về nhà, 

mang theo trong tâm trí một kỉ niệm chả biết 

gọi là vui hay buồn để đến hôm nay mới thổ lộ ra trang giấy 

viết “văn ếch”, “thơ cóc” này…Nhưng cũng chỉ trong lúc viết 

ra thế này tôi mới tìm được lời bào chữa, lý giải cho lòng tốt 

và tinh thần trách nhiệm của anh cán bộ nọ, là lỡ ra có 

trường hợp sinh con sớm thế, người chồng không nhận 

con mình, mà người vợ cứ làm khai sinh “vơ” như thế thì 

sao? Nên phải gặp người cha của đứa bé để hỏi cho ra nhẽ.

 Có điều, đáng ra anh ta cứ nói ngay từ đầu chuyện ngày 

tháng nghi vấn này, thì tôi hiểu và giải thích lại có phải mọi 

chuyện êm đẹp không. Thì tôi mới đặt đầu đề bài viết này là 

Thế mới thành chuyện” …            

Hà Nội 4/1/2015
Hồ Minh Quang

Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Tình người


              Ngày ấy, tôi là sinh viên mới ra trường, đầu năm 1969 tôi về nhận công tác tại một cơ quan trung ương. Nhà tôi ở cuối thành phố, nên đi làm khá xa. Tôi thường đi xe điện, giữa đường mất điện thì đi bộ. Vì vậy bao giờ tôi cũng phải đi làm sớm. Buổi trưa và chiều tôi ăn  cơm tại nhà ăn liên cơ quan, tối đến thư viện Hà Nội đọc sách luôn và chừng 10 giờ đêm mới về nhà. Tôi không có gì hấp dẫn về hình thức nếu không nói là còn hơi xấu. Tôi cao chừng hơn 1m60 nhưng gầy lắm. Bạn bè thường trêu tôi là gió sông hồng thổi cũng bay. Da mặt tôi đã xanh lét còn lốm đốm nhiều trứng cá. Tôi phải buông xòa mấy sợi tóc trước trán để che bớt những nốt đầu đen. Đôi mắt không to tròn, lại chỉ có một mí rưỡi, lòng trắng không trắng hẳn lòng đen không đen hẳn, nghĩa là cứ mờ mờ nhàn nhạt. Lông mày thì vừa thưa vừa rộng. Tôi không có ý thức làm đỏm gì, thậm chí đi làm không soi gương mấy khi. Tôi chỉ có mấy sơ mi may kiểu hồng công thẳng đuỗn che bộ ngực không hề nở nang nịt trong áo lót ấm ớ vải bông mềm oặt. Quần thì mua sẵn loại rẻ tiền nhất, loanh quanh ghi ghi rồi nâu nâu tôi cũng chẳng để ý con gái thì nên mặc màu gì, hoặc cái quần có phù hợp tông màu với áo không.  Tóc tôi dài và dày, tết thành hai đuôi sam buông quá gấu áo, kể cũng gọi là tha thướt nhưng khốn nỗi đi đứng chẳng khoan thai uyển chuyển chỉ hùng hục bước nhanh quá đàn ông, chân lại đi dép cao su hoặc dép lê bạc màu cu cũ nên các đấng mày râu có định để ý cũng phải tắt lụi ý đồ. Tôi chẳng lo lắng vì thực tình tôi đã có người yêu từ khi học đại học, đó là Minh Quang, bạn cùng lớp. Minh Quang bảo anh yêu tôi không phải vì hình thức, mà vì tôi học giỏi, ít nói nhưng có cái gì đó sâu lắng bên trong và tình cảm. Minh Quang biết tôi yếu đuối hay khóc, còn Minh Quang thì cứng rắn vậy là ổn, chứ hai đứa cùng một tính nết thì có khi cũng sinh       chuyện.
            Chúng tôi ở xa nhau, nên chỉ gặp nhau cuối tuần, đi dạo trong công viên chừng hơn tiếng đồng hồ là phải về nhà rồi vì me tôi khe khắt quản lý chặt chẽ lắm.    
            Hàng ngày đi làm ở cơ quan tôi buồn vì nhớ bạn bè, nhớ người yêu. Tôi hay lẻn lên thư viện cơ quan tìm sách đọc thêm, hoặc tham khảo để soạn các bài giảng của mình. Chả là tôi hay phải vào trường dạy nghề làm giáo viên không chuyên trách. 
            Hầu như lúc nào lên thư viện, tôi cũng gặp anh Hoàng Thư. Anh học cùng trường hơn tôi hai khóa. Anh bị tật gù lưng và gù cả  ngực. Khuôn mặt anh gầy, da xanh tai tái và gò má hơi cao. Cặp kính cận nhiều đi ốp lúc nào cũng gắn trên đôi mắt của anh chừng như mệt mỏi. Anh làm chuyên môn rất giỏi. Thủ trưởng các cấp tin cậy anh, hay phân công anh soạn bài để họ đi giảng ở các bộ ngành, các trường đại học khi cần. Anh làm việc cần mẫn, nghiêm túc, nhưng hầu như không quen không chơi với ai cả. Vậy mà anh lại rất hay châm chọc mọi người, nói thẳng một cách thô lỗ khiến người ta mất mặt. Gặp ai dáng vẻ hơi mộc mạc ăn mặc xuềnh xoàng thì anh bảo người ta là trông cậu quê mùa lắm, lôi thôi luộm thuộm mà đến cơ quan à. Gặp người đang tra cứu sách tham khảo thì anh bảo ông biết cái gì mà lục lọi ghê thế? Làm sao ông đọc được sách chữ tây hả? ông học ngoại ngữ từ bao giờ vậy? Nghĩa là đủ kiểu khiến người ta phát điên phát rồ lên. Ai không biết tưởng anh thần kinh chập mạch. Nhưng nhìn vào công việc của anh thì chẳng ai dám tin người thần kinh lại làm lắm việc khó đến thế. Anh chủ trì biên soạn từ điển của ngành, anh thông thạo tới năm ngoại ngữ. Tiếp chuyên gia nước ngoài sang làm việc hợp tác bao giờ cơ quan cũng yêu cầu phải có anh.    
            Từ hôm tôi đến thư viện, anh đã mấy lần trêu tôi rồi. Anh bảo cái cô này ở đâu về đây ấy nhỉ? À à cô học ở tổng hợp toán ra đấy, cùng trường tôi, nhưng cô học chuyên ngành gì Phương pháp tính à, ôi trời vớ vẩn quá. Bây giờ cô đi phổ cập sử dụng bàn tính gẩy, hướng dẫn sử dụng một lũ máy cơ điện, rồi nay mai cô lập chương trình và sử dụng cái máy tính điện tử đèn sáng lập lòe là cùng chứ gì, càng dấm dớ hơn… Cô mang danh cử nhân Toán mà không xấu hổ à? Chẳng biết đáp chuyện với anh thế nào,  lúc đầu tôi hơi khó chịu, nhưng nhìn dáng vẻ anh, tôi thấy cứ tồi tội thế nào ấy. Thành ra tôi không dám nổi cáu bao giờ, chả bù cho một anh cùng phòng, mấy lần kể với tôi:”Tớ ghét thằng cha ấy quá. Nó coi khinh người ta như mẻ. Nó luôn trêu trọc chửi vỗ mặt vào tất cả. Có những lúc, tớ tức quá, chỉ muốn túm xách cái đám gồ gồ ở lưng hay ở ngực hắn lên rồi ném xuống cho hả thôi…” Tôi gắng hình dung thông cảm đôi phần nhưng cái “định” của anh ấy thì khiếp quá, rợn người, ai lại ác thế cơ chứ. 
           Mấy bữa rồi tôi bị cúm nghỉ ở nhà. Tôi mới đi làm trở lại. Anh Thư nhìn thấy tôi lần này vồn vã không nói những lời khó chịu nữa. Anh chỉ bảo: “Chào cô Thư, cô đi đâu thế không thấy cô lên thư viện đọc sách nữa?” Anh nhìn thẳng tôi, miệng cười cười nhưng tôi đọc được ở đó một nỗi buồn khó tả. Tôi hơi lúng túng nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh lành hiền như hôm nay, cứ như thể anh biến thành một con người khác. Tôi giải thích việc mình vắng mặt, rồi tự nhiên đánh bạo hỏi anh sao hôm nay không trêu tức tôi như khi tấn công mọi người không chút nề hà. Anh lặng đi một lát, rồi khẽ bảo: “Thật ra, tôi không có ý châm chọc ai cả. Nhưng nói thật với cô Thư, tôi luôn cảm thấy mình quá dị dạng trước mọi người. Nên tôi phải chủ động tấn công họ trước. Một khi họ nổi khùng lên với tôi, thì tôi đắc thắng vì tôi là người chủ động tạo nên cơn tức bực này. Họ ghét tôi, đành vậy, nhưng ghét là bởi tôi đã coi họ không ra gì chứ chẳng phải họ khinh thường tôi, cô hiểu không?” Tôi khuyên anh chân thành: “Vâng, em hiểu. Với em thì không sao, anh có thể trêu tức đủ điều, em không giận anh đâu. Nhưng với người khác, anh đừng làm thế. Ai cũng quí và kính trọng anh. Anh đừng mặc cảm làm gì” Hoàng Thư tư lự: “Phải, tôi biết…Thú thực với cô, từ khi quen cô, tôi cũng dần dần bớt châm chọc đi chứ ngày trước thì còn kinh khủng hơn nhiều”. Tôi thấy vui vui:” Vâng. Em mong anh sống thoải mái, hòa đồng   với tất cả, chính anh sẽ thấy dễ chịu hơn. Mà em nghe nhiều người khen anh lắm anh Thư ạ. Họ còn kể với em là từ nhỏ anh toàn tự học thôi, vào đại học tổng hợp anh thi theo kiểu thí sinh tự do rồi đậu và đây là lần đầu tiên anh tới trường học, có phải thế không ạ?” Anh Thư gật đầu, không nói thêm gì nữa. Một lát sau anh mới nói khẽ, “lúc nào rảnh hoặc nghỉ giải lao khi làm việc quá căng thẳng cô cứ lên thư viện nhé, ta nói với nhau nhiều chuyện hơn”.
            Thế là từ đó, tôi và anh dần trở nên thân thiết. Anh vẫn trêu tôi vẫn bông đùa đủ thứ nhưng có vẻ chân tình hơn, không xa lạ như những ngày đầu mới quen. Thi thoảng chúng tôi đi dạo bên nhau trên từng con phố nhỏ của Hà Nội 36 phố phường. Một lần, chúng tôi đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Khi đó sắp tết nguyên đán. Thực ra tôi chẳng biết quê anh ở đâu nên cứ hỏi bừa:”Tết này anh Thư có về quê không ạ?” Anh cười hồn hậu: “Không, vì gia đình tôi ở cả trên này từ lâu rồi, quê Thái Bình chỉ còn ít anh em họ hàng thôi cô ạ”.
-      Anh có đi đón giao thừa không anh? 
-     Có, ngày trước tôi hay ra hồ Hoàn Kiếm xem thiên hạ hái cành lộc…nhưng từ hai năm lại đây tôi không đi nữa.
-   Vâng, đêm giao thừa thường lạnh và mưa phùn, anh ra ngoài phải cẩn thận, mặc áo ấm…Sao mấy năm nay anh lại không đi nữa?
   - Nghe cô hỏi, tôi chợt nhớ lại một chuyện buồn. Đó là cái Tết năm kia, như lệ thường, gần đến Giao thừa là tôi đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm. Cô biết đấy, nhà tôi ra Hồ khá gần. Đêm hôm đó, mọi người đổ ra đường đông lắm. Tôi lững thững đi trong dòng người hướng về phía hồ. Năm nào cũng vậy, tôi chỉ đi một mình cô ạ.
Tôi chưa hiểu chuyện gì đã thấy lòng nao nao:
-    Dạ, em hiểu. Anh sẽ cảm thấy buồn?
Anh lắc đầu: 
 - Không, tôi quen rồi. Tôi chẳng buồn rầu gì hết nếu như không        xảy ra một tình huống bất ngờ và khó chịu. Tôi đang đi, thì trông thấy đi ngược lại về phía tôi, cặp vợ chồng anh chị tôi cùng một đám đông bè bạn nói cười vui vẻ. Tôi hơi sững người, nhưng cũng đang định đáp lời anh chị khi họ hỏi tôi. Nhưng không phải thế, anh chị lơ đi coi như không biết tôi là ai. Chắc anh chị xấu hổ ngượng ngùng với bạn bè rằng đã có người em trai xấu xí tật nguyền như tôi mà cô.
 Tôi không cầm lòng được dụi dụi mắt:
 - Ôi…em chẳng nghĩ thế…
 Anh hơi ngừng lại trong giây lát, hít một hơi thở sâu:
-    Cô không nghĩ thế nhưng sự thực là thế. Tôi tủi thân lắm cô Thư ạ, mặc dầu bình thường tôi cứng cỏi như cô đã biết. Tôi trở về, tự thề với mình rằng, sẽ không bao giờ đi đón giao thừa nữa. Nhưng tôi không ở nhà, tôi vẫn ra đường, đi một mình trong phố vắng, và không dám nhìn vào nhà ai, lỡ bắt gặp người ta âu yếm nhau, hay thấy cảnh vợ chồng con cái quấn quít bên nhau… 
           Từ hôm nghe anh Thư kể chuyện buồn trong đêm giao thừa ấy, lòng tôi chẳng lúc nào yên. Tôi tự bảo mình phải tìm mọi cách để làm cho thiên hạ biết rằng anh Thư chẳng làm sao cả, anh cũng có … bạn gái như mọi thanh niên khác, bạn gái ấy là tôi - mỗi tội bạn gái của anh không đẹp, nhưng thế thì đã sao nào, có phải mọi cô gái trên đời đều xinh xắn cả đâu?
           Thế là tôi vào “cuộc” ngay. Tôi tha thiết mời anh đi xem phim tại rạp Tháng Tám và anh nhận lời. Tôi hẹn chờ anh ở vườn hoa Mê Linh gần đó. Tới chỗ hẹn, anh đã ở đó từ bao giờ rồi. Hôm ấy, tôi cố tình mặc chiếc sơ mi popolin trắng tinh cổ cánh sen tức là mặc chiếc áo đẹp nhất nhưng khổ nỗi cái quần thì mầu nâu bàng bạc trông gớm chết. Tôi nghĩ chuyện mặc áo đó vì anh Thư cũng hay mặc áo trắng, nên tôi hi vọng có sự “đồng bộ”. Nào ngờ anh lại mặc sơ mi nâu sẫm làm nổi bật nước da trắng yếu ớt của anh. May mà qua cặp kính cận trong suốt, có thể nhìn thấy đôi mắt anh hôm nay thật linh hoạt khác thường, chẳng còn chút gì căng thẳng trên bộ mặt khắc khổ như mọi khi nữa. Bất giác tôi tủm tỉm cười rồi hỏi như để mà hỏi: “Anh ăn cơm rồi chứ ạ?” Anh nháy mắt cười trêu: “Chả lẽ tôi lại nhịn đói đi xem phim với cô sao?” Đoạn anh hơi băn khoăn: “Mà ta xem phim gì thế cô?” khiến tôi lúng túng quá: “Dạ, em … chưa biết. Ta cứ đến đó là xem luôn mà anh. Em vẫn hay đi xem thế. Thôi mình đi kẻo muộn anh ạ”.
           Chúng tôi đi bên nhau sóng đôi. Tôi tết hai đuôi sam dài và mượt, buộc dây chun hẳn hoi. Tôi gắng đi đứng thong thả ngang tầm bước chân của anh. Anh bị gù lưng và ngực nên phần trên ngắn, còn chân thì bình thường, nhưng chắc là mảnh gầy ẩn trong chiếc quần vàng nhạt hằn mép là thẳng tắp. Tôi cao hơn 1m6 mà anh chưa tới 1m4 nên tôi không dám đi sát vào anh. Tôi không ngại gì về mình, tôi chỉ lo anh có chút mặc cảm về sự không cân xứng ấy. Với lại, ngày đó tôi luôn tâm niệm cái sự “nam nữ thụ thụ bất thân” nên không bao giờ dám có sự va chạm nào với người khác giới, chỉ ngoại trừ riêng Minh Quang thì dĩ nhiên tôi có thể “ngả ngốn” mà cũng chỉ vào lúc hai đứa đi với nhau trong khoảng tôi tối rất ngắn ngủi nào đấy thôi. Gọi là không dám đi sát, nhưng tôi cảm thấy tôi có đủ “tư thế” để mọi người nhìn vào hiểu ngay rằng chúng tôi là một “cặp đôi” hẳn hoi, và tôi cảm thấy tự hào về điều đó, niềm tự hào tạo ra cho người bạn lớn mà tôi quí trọng.     
           Tới rạp, tôi liếc nhìn mấy tấm phông quảng cáo, rồi hồn nhiên la to: “Anh Thư này, hôm nay người ta chiếu phim hài đấy, chắc là sẽ vui lắm”. Anh im im hơi khó hiểu rồi như lơ đãng: “Ờ ờ hi vọng là thế”. Tôi vẫn say sưa kể lể: “Em thích rạp chiếu bóng này, xem dễ chịu lắm anh ạ. Nhưng hôm nào chiếu phim hay thì khó mua vé lắm, đông người mua đã đành mà cái chính là “phe” sẽ mua hết, không tới lượt mình đâu. Anh chờ em một chút nhé, em mua vé và chắc chắn sẽ chọn được chỗ thật tốt”. Tôi chạy vào ô cửa bán vé, gần như tức khắc tôi giơ giơ hai vé trước mặt anh rồi nhẹ kéo tay anh bước vào rạp. 
            Nhưng thật khốn khổ, bữa ấy, cảnh trên phim hài lại xuất hiện một chú hề có diện mạo y chang anh Hoàng Thư. Tôi hoảng hốt, mặt tái dại quay sang anh hổn hển: “Anh Thư ơi, em hơi mệt, như là bị chóng mặt ấy. Ta phải về thôi anh ạ. Khi khác sẽ xem. Anh Hoàng Thư nhìn tôi im lặng và cũng đứng lên lật bật bước đi. Tôi bấm đèn pin thủ sẵn trong túi để hai anh em thấy đường len lén đi ra trước ánh mắt hơi soi mói của mọi người xung quanh. 
            Ra khỏi rạp, anh lo lắng : “Em có sao không Kim Thư?” Nếu tôi không nhầm, đây là  lần đầu tiên anh Thư gọi tôi là “Em”, tôi xúc động : “Dạ dạ, em không sao. Em hơi choáng, em vẫn bị thế luôn anh ạ…Ra ngoài này dễ thở hơn nên em dễ chịu ngay thôi”.
Chúng tôi thong thả đi bộ về phía vườn hoa Mê Linh. Trước khi chia tay, tôi ngập ngừng: “Em xin lỗi anh, anh Thư nhé. Em chẳng biết nói sao bây giờ. Em không cố tình, chỉ là ngẫu nhiên xem phải cái phim này...” Anh im lặng nhìn tôi một lát, không dấu được ánh mắt buồn khôn tả.
           Vậy là sau lần ấy, tôi không dám rủ anh đi xem phim xem hát xem kịch gì nữa. Tôi chỉ còn tìm đến nhà riêng thăm anh, thăm bố mẹ anh để anh vui thôi, hoặc chúng tôi dạo quanh tìm ghế đá bên hồ ngồi mà nói chuyện tầm phào. Nhưng để làm được chuyện đó đối với tôi cũng là cả một nan trình. Cái hồi tôi còn hay đọc sách ở thư viện Hà Nội đến 10 giờ đêm mới về thì tôi cứ việc bỏ thư viện mà đi dạo với anh, chứ về sau này, tôi bận chuẩn bị cho đám cưới của mình, thì tôi thường phải về nhà sớm. Đã về mà còn đi thì chỉ có cách lẻn như người vụng trộm. Có lúc tôi lấy xe đạp đi, tôi nói với me tôi là tôi phải đi mượn sách, tôi dặn me nếu Minh Quang người yêu tôi ghé qua thì bảo chờ tôi về sớm, đừng có đi đâu. Có hôm, ngại nói với me, tôi tự tiện đi bộ ra khỏi nhà cứ như ra chợ quanh đâu đấy, thực ra tôi chạy thục mạng leo lên tàu điện để đến bờ hồ rồi lại chạy bộ vào nhà thăm anh Thư mấy phút rồi lại chạy về ngay. Tôi không hiểu rõ, vậy là thế nào, tôi chỉ biết tôi tự gán cho mình trách nhiệm, anh Thư phải luôn gặp tôi, không chỉ trên cơ quan, mà cả khi về nhà nữa. Tôi cần nhìn thấy gương mặt rạng rỡ của anh cả khi ở nhà cũng như khi anh mải mê đọc đọc viết viết trên bàn làm việc. Tôi thường hay dúi vào tay anh khi thì một quả mận thật to chín mọng, tôi đã từng lau nó tới hàng giờ để nó có thể bóng lộn lên; khi thì mấy chiếc kẹo tây thật ngon ai đó cho tôi. Anh hơn tôi cả tới hơn chục tuổi mà tôi cứ coi anh như trẻ con bởi tôi chính là con nít thực sự…
              Có một lần, trong khi trò chuyện, đột nhiên anh Thư hỏi tôi hình như tôi có người yêu rồi. Tôi cũng thật thà kể ngay, tôi có Minh Quang. Anh lại hỏi dự kiến tương lai thế nào, tôi hơi miễn cưỡng trả lời anh là chúng tôi sắp làm đám cưới. Miễn cưỡng là bởi tự nhiên tôi không thích “khoe” hạnh phúc của mình với anh – người bạn lớn mà tôi biết chắc anh đang rất cô đơn, nhưng tính tôi thật thà không mấy khi nói dối vả lại trong trường hợp này nói dối cũng chẳng để làm gì. 

             Thế rồi sau một thoáng như phải tự trấn tĩnh lại, anh Thư bảo: “Kim Thư này, anh không hiểu được, không thể hiểu được, vì sao em là một cô gái mới lớn, học hành giỏi giang, có người yêu sớm, … vậy mà lúc nào trông em cũng buồn. Gặp anh, em nói cười hớn hở, nhưng đôi khi anh cảm thấy đó là cái vui giả tạo Thư ạ”
           Nghe anh nói vậy, tôi nửa thật nửa đùa: “Thôi mà anh. Không có gì đâu ạ. Em thân với anh, em quí anh, chân thành chứ không bao giờ dám thương hại anh cả. Anh hãy vui với niềm vui của em đi, anh nghĩ anh lo em giả tạo để làm gì. Mà này em nói cho anh biết đây, em mà đóng kịch thì có trời cứu, không ai nhận ra được đâu, kể cả anh vốn lúc nào cũng kiêu căng nghĩ mình thông minh, tự hào là dân Toán chính hiệu, với cái đám lí thuyết Toán trừu tượng của anh, thì cũng bị em lừa hết ha ha ha!!!” Anh Thư thấy tôi đùa vui vậy, cũng dí dỏm theo: “Cái cô này gớm thật…Đọc những lá thư của cô mỗi lần cô đi công tác, tôi chả bị buồn nẫu ruột ra là gì, nhưng thôi tôi không căn vặn cô nữa…” Thấy vậy, tôi bật ứng khẩu mấy câu vần vè: “He he lại  đổi giọng CÔ/Khiến cho em thấy lo lo thế nào/Thôi đành xa chốn ồn ào/Ai về nhà nấy tào lao một mình/Hẹn anh lúc khác rập rình/Anh vui nhiều nhé giữ tình mến thương/Đường về “thơ cóc” còn vương/Chúc anh chớ có ẩm ương nữa mà” rồi chạy thục mạng đi giơ tay vẫy vẫy tạm biệt.
            Rồi những buổi trưa nghỉ tại cơ quan, anh em tôi cũng thường tâm sự chia sẻ với nhau hầu như không bao giờ hết chuyện. Có lần tôi hỏi anh bâng quơ mà rất nghiêm trang  : “Em nghĩ, anh Thư ạ, niềm vui được làm việc và làm việc được là niềm hạnh phúc lớn lao nhất quyết định mọi hạnh phúc khác trên đời này. Anh có thấy thế không?” Anh nhìn tôi thật lâu như dò xét điều gì rồi gật đầu: “Em nói đúng. Nhưng hình như, khi người ta có “mọi hạnh phúc khác” thì người ta mới nghĩ vậy!”
           Tôi như đứa trẻ đang tập diễn thuyết trước người thày của mình, mà không chút e dè lo lắng: “Hạnh phúc chỉ có thể có khi người ta được sống trong tình thương yêu của những người xung quanh. Tất nhiên có những tình cảm xuất phát từ máu mủ tự nhiên, nhưng rất đáng quí là tình thương yêu thật sự có được do sức lôi cuốn của trái tim mình”. Anh Thư trầm ngâm: “Nhưng không phải tất cả đều đáng yêu thương vì yêu tất cả tức là không yêu ai cả. Và dẫu với những người ta mến yêu, cũng phải thấy mỗi người đều có mặt xấu nhất định. Quên điều đó, lí tưởng hóa cuộc đời thì chỉ có thể đi đến tan vỡ lòng tin vào nó và cuối cùng chỉ thấy một màu bi quan xám xịt”.
            Tôi nhìn đồng hồ, sắp tới giờ làm việc rồi, tôi cười: “Hay thật. Tự nhiên hôm nay hai anh em mình lại lý sự ghê thế anh Thư nhỉ” Anh rất thật thà: “Anh bảo thật này, anh thích nói chuyện với em, Kim Thư ạ. Không rõ vì sao…” Tôi hơi ngượng ngập rồi bình tĩnh lại ngay: “Nói chuyện với anh em lại nhớ đến cái câu “tạch tạch sè” ngày xưa “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…”. Mà thôi, em đi về đây. Chiều nay nhà em có việc em xin nghỉ phép một buổi. Anh Thư ở lại làm việc ngoan và chăm chỉ nhé hé hé hé…”
            Cứ thế, cứ thế, chúng tôi luôn gặp nhau nhiều hơn cả Minh Quang và tôi gặp nhau. Chẳng những thế, bao lá thư anh gửi tôi và ngược lại cứ dồn dập đến, khi thì qua đường bưu điện, khi thì qua hộp thư cơ quan, khi thì đưa trực tiếp. Anh tự day dứt mình : “Một ngày gần đây, hạnh phúc sẽ đến với em, thì không biết lúc đó anh có còn giữ trọn vẹn tình cảm của anh đối với em như hiện nay không? Thú thực với em, anh không dám nghĩ nhiều tới ngày mai, và không tin gì ở nó”. Đọc dòng thư mà tôi bật khóc một mình: “Anh đừng nghĩ thế. Anh phải giữ sức khỏe. Anh đang làm được bao nhiêu việc có ý nghĩa. Hãy cứ hình dung và tin đi: em mãi là đứa em gái bé nhỏ của anh, luôn nghe anh tâm tình về những vui buồn của cuộc đời này. Sẽ không có gì thay đổi trong quan hệ của anh em mình anh Thư ạ…”
           Tôi gắng nén lòng nhưng thực sự có những lúc tôi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, người tôi cứ run lên khi vẳng bên tai tôi lời anh gọi thiết tha: “Em ơi! dầu cuộc sống bên ngoài có tươi đẹp bao nhiêu, anh vẫn thấy nó chẳng hứa hẹn cho anh một điều gì sáng sủa hơn. Hoặc là anh phải cứng rắn tàn nhẫn, hoặc là cứ phải đau khổ không cùng. Hình như hôm nay là lần đầu tiên anh dám nói với em điều này. Và chắc hẳn em chưa hiểu và cũng không thể ngờ tới được, đó là ảnh hưởng của Thư đã đần dần thay đổi cả nếp sống của anh. Từ chỗ sống câm lặng, anh đã cảm thấy NÓI là yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Mọi lúc vui, buồn, băn khoăn, hay hào hứng anh đều thấy cần phải nói với em, chỉ có điều hoặc nói ra thực hoặc chỉ nói ra trong ý nghĩ  của riêng mình mà thôi. Cũng có khi, anh lại tự bảo mình, chả lẽ anh lại cầu mong cho em … bất hạnh để có thể thương yêu em được nhiều hơn… Hãy tha lỗi cho anh vì những điều rồ dại ấy …”
           Tôi xúc động lắm: “Dạ, em cảm ơn anh. Em vẫn đang tưởng tượng nghe anh nói đây…và cũng chỉ hôm nay, em mới mạnh dạn thổ lộ ý nghĩ thầm kín của mình rằng, dù vật đổi sao dời, mãi mãi em không bao giờ quên được anh, một người bạn lớn bị tật nguyền về thể xác nhưng trí tuệ tâm hồn thì thật tuyệt vời và nghị lực phi thường hiếm có. Mong anh hiểu đúng và đừng giận em”.
           Mỗi lần gặp tôi ở cơ quan hoặc tôi đến nhà anh, hoặc chúng tôi đi dạo, tôi đều nhận ra ở anh một sự đổi khác, anh tự tin hơn, yêu đời hơn. Anh lắng nghe tôi hát những bài ca về Hà Nội thường không thuộc trọn vẹn tùy theo ngẫu hứng một cách say sưa và hình như anh rất cảm động. Nhưng  anh luôn luôn phải chịu đựng cái sự ra về vội vã của tôi, còn tôi thì luôn cảm thấy có lỗi với anh. Anh chẳng biết làm thế nào để giữ tôi lại, đành dúi vào tay tôi mảnh giấy chữ viết li ti trên tờ giấy po luya đã ngả màu vàng ố, mà phải khi về nhà, tôi mới chạy vào góc nhà tắm để đọc ngấu nghiến trong một nỗi đau đến như tê dại:”Trời ơi! cái triết lí muôn sự phục tùng một thứ logic khắt khe tiền định, con người cứ phải cúi đầu phục tùng, không nên oán trách, cứ kiên trì nhẫn nại chung sống hòa bình với nó, cái triết lí lạc quan ấy đã từng giúp anh che dấu tâm tư buồn thảm trước con mắt mọi người, cái triết lí ấy giờ đây hoàn toàn bất lực. Chỉ còn lại một nỗi buồn tê tái rã rời…Kim Thư ơi, sao em không ở lại, nói gì thêm nữa với anh, sao em lại cứ phải về???”
”Có lẽ giờ này em đang lủi thủi ở một bến xe nào hay đang lao đao say lử trên ô tô…Anh buồn vô hạn Kim Thư ạ. Anh thương cho em, thương cho anh, những con người yếu đuối về tình cảm, như những chiếc lá đơn độc run bần bật trước mỗi cơn gió nhẹ. Giờ đây, một mình, anh không còn giữ nổi vẻ bình thản diễu cợt thường ngày nữa, em có biết không. Kim Thư vô cùng mến thương! Chúng ta đều muốn giữ đến trọn đời nguyên vẹn tình bạn trong sáng hiện nay, nhưng thực tế phũ phàng trước sau rồi cũng cướp nó đi. Nỗi lo sợ trước sự mất mát đáng sợ ấy gây ra ở anh niềm đau khổ ngay từ bây giờ. Và anh cũng sợ rằng, tác hại của nó còn to lớn hơn nhiều. Chắc gì anh còn đứng vững được trước sự trống rỗng đang đến gần?”
”Anh không nói rằng em chưa hiểu anh. Nhưng rõ ràng rằng ngày mai của anh khác xa ngày mai của em, và do đó em không thể nghĩ như anh nghĩ. Em thực ngây thơ khi cho rằng em có thể giữ nguyên tình bạn đối với anh khi em bước vào cuộc sống hạnh phúc của mình. Em quên rằng anh khác xa Hiền bạn gái của em hay một người bạn nào khác. Em vẫn biết rồi đấy, thường thường một con người khao khát cái gì đó thì không muốn chứng kiến người khác được hưởng điều mà mình không có. Vậy thì làm sao anh có thể nhận tình thương của em mà không có ý nghĩ dẫu chưa rõ ràng rằng, đó chỉ là lòng thương hại thừa thãi? Em hiểu anh chứ em Thư, dù rằng anh mến thương em vô cùng”…
            Tôi không đủ thời gian và sự bình tĩnh để đọc kĩ, tôi chỉ đọc lướt thật nhanh rồi  vội vàng đốt đi. Tôi sợ bằng cách nào đó Minh Quang chồng chưa cưới của tôi bắt gặp. Cũng chẳng sao nhưng tôi chắc Minh Quang sẽ không vui. Vả lại, chính tôi, tôi cũng cảm thấy sợ … những lá thư của anh, ngại những lời nồng nàn da diết, sợ những triết lý sâu xa của anh mà nhiều khi tôi không hiểu được hết. Anh đối với tôi rất đường hoàng, đứng đắn, chưa bao giờ một lần nắm lấy bàn tay tôi. Tôi cũng vậy, rất tôn trọng anh, không bao giờ xàm sỡ chỉ ngoại trừ cái lần đi xem phim tôi kéo tay anh vào rạp mà sau đó tôi cứ thấy mình có cái gì … không phải. Vậy mà chẳng hiểu sao có lần đi công tác xa nhà tới mấy tuần, khi nhớ về Hà Nội, tôi chẳng nhớ Minh Quang, tôi chỉ nhớ anh Thư và viết cho anh thôi:”Anh Thư quí mến! Giờ này anh đã nghỉ chưa hay vẫn ngồi trong thư viện? Em đã dạy xong. Em dự liên hoan chia tay với lớp và bây giờ ra biển viết thư cho anh đây. Chỉ ngày mai thôi em sẽ về nhà, đến cơ quan là gặp lại anh rồi, gặp người bạn lớn rất quí mến em chỉ tội hay chọc tức em thôi. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”.
            Thế rồi, đêm đến, tôi  đã nằm mơ, tôi lấy anh Hoàng Thư mà không phải làm đám cưới với Minh Quang bạn mình. Thật là kì lạ. Minh Quang mà biết chắc sẽ giận tôi  lắm đấy. Khổ thân tôi, tôi chỉ thương anh Thư thôi mà, thương đến thắt lòng. Tôi thầm mong sao Minh Quang hiểu tôi và đừng ghen tức tội nghiệp. Cho đến tận bây giờ ngồi viết những dòng chữ này, đôi lúc tôi cứ tự hỏi mình : chẳng lẽ trong con người ta, có những phút tình thương người còn mãnh liệt hơn cả tình yêu sao?  
           Rồi cái gì đến vẫn phải đến. Minh Quang và tôi phải làm bao nhiêu việc để chuẩn bị cho đám cưới dẫu rằng nó nghèo nàn và đơn giản vô cùng. Chúng tôi đi chọn mua thiếp cưới in sẵn với cỡ bé nhất đến mức có thể để đỡ tốn tiền. Chúng tôi phải tự viết bằng tay điền tên khách định mời. Khi viết đến bạn bè ở cơ quan, lướt tới tên anh -  Hoàng Thư, tôi hơi sững lại, mặt đần ra, nhưng rồi Minh Quang tình cờ nhìn tôi, tôi vội vàng cúi xuống viết tiếp thật nhanh, tôi chỉ sửa bằng tay hai từ “chúng tôi” thành “chúng em” mặc dù sửa thế trông rất cẩu thả. Tôi chỉ nghĩ giản đơn là chuyện chúng tôi sẽ lấy nhau tôi đã kể với anh lâu nay rồi, nên bây giờ mời dự cưới thì cứ mời thôi. Nhưng tới khi đưa thiếp thật, đến cơ quan, đi thẳng phòng làm việc của anh Thư tay cầm  thiếp cưới nhỏ, tôi mới thấy mình vô duyên và lúng túng quá: “Em chào anh ạ”. Anh Thư ngẩng nhìn vồn vã: “Thư đấy à, vào đây. Em đi đâu có việc gì mà tất tả thế?” Tôi đặt vội thiếp lên bàn nói cụt lủn: “Em gửi anh…Em xin phép về ạ”. Tôi lật đật quay ra và biết chắc rằng chỉ trong giây lát, anh sẽ ngơ ngác nhìn theo bóng tôi mà như chết lặng.
             Mấy ngày sau, tôi nhận được tấm thiếp trả lại người gửi là tôi qua đường bưu điện, một tấm thiếp mời nhỏ xíu đơn độc trong một cái phong bì lớn, tịnh không kèm một ghi chú nào. Và sau đấy vài ngày nữa, mới lại có lá thư tiếp theo với những dòng chữ run rẩy: “Thế là hết, tôi đã mất em thật rồi. Nếu có em giờ này, ở đây, chắc tôi sẽ không dấu nổi nước mắt, và chẳng thể nào câm lặng trước em đâu Kim Thư! Tôi sẽ phải trở lại bình thản bên mấy cái cấu trúc đại số hay là rã rời tiêu tan tất cả vì tan vỡ và trống rỗng? Tôi lại trở về với con số không sáng vác ô đi tối vác về , không còn đủ sức để say mê và ước vọng một cái gì ư??? Nhưng không sao, em không cần phải thương hại tôi, tôi đủ sức chịu đựng, mà sức chịu đựng đó chính là do em mang lại cho tôi một cách vô tình trong thời gian qua. Em có hiểu hay không thì cũng vậy thôi. Chúc em hạnh phúc”.
           Thế đấy, anh đã trở thành "TÔI" xa lạ trong ngôn từ giao tiếp với đứa con gái bé bỏng vừa tinh tế vừa vụng về mà bấy lâu nay anh trao cho nó tiếng "ANH" trìu mến. Từ đó, chúng tôi gặp nhau trên đường hay trong cơ quan, không ai nói gì với nhau cả, cũng không chào hỏi coi như người không quen. Tôi không hẳn giận anh, nhưng thấy anh lạnh lùng, tôi ngại. Rồi cuộc sống mới cuốn tôi vào những cơn lốc. Chúng cuốn đi hết những trăn trở trong tình cảm mến thương anh từ lâu nay, mặc dầu tự trong sâu thẳm tôi vẫn quí trọng anh lắm. Tôi bận mải với tình yêu của tôi, với những đứa con ra đời. Những năm tháng chiến tranh sơ tán vất vả có lúc cái chết kề bên cũng như khi lặn lội trên bao nẻo đường công tác trong hòa bình, vật lộn với cái khó khăn thiếu thốn nghèo nàn đến cùng cực không bao giờ khóc, mà chỉ cười với hạnh phúc đầm ấm mãn nguyện bên chồng con, tôi hầu như đã quên anh Hoàng Thư trong tâm tưởng. Thì ra ngày xưa anh bảo tôi trao cho anh "tình thương hại thừa thãi" lại là đúng hay sao? mặc dù tôi không cố ý. Tôi không biết, không nghĩ lại, cũng không dằn vặt gì cả. Sau này, khi về già, đã sống gần hết đời người rồi, tôi mới lờ mờ hiểu ra rằng cái “duyên” của chúng tôi chỉ đến thế. Nhưng quả là hợp rồi tan, tan xong lại hợp là câu chuyện sắp đặt của “thượng đế”. 12 năm sau khi gửi trả lại cái thiếp cưới bé nhỏ, anh Thư gửi cho tôi một lá thư nói lời xin lỗi. Anh xin lỗi vì ngày ấy, anh đã hành động như một đứa trẻ dỗi dằn. Anh bảo rằng thời gian cứ lặng lẽ trôi, dẫu tôi có quên anh, hình ảnh của tôi vẫn luôn ở trong anh. Anh vẫn giữ nguyên những bức thư tôi tâm sự an ủi động viên anh ngày nào, chứ không như tôi đốt thư anh dần theo năm tháng. Tôi phải đốt ngay từng bức thư sau mỗi lần đọc vội vàng để bảo vệ tình yêu với người chồng sắp cưới. Thì làm sao khác được, tôi và Minh Quang yêu nhau cũng là duyên trời định đoạt. Tôi chẳng yêu ai ngoài Minh Quang. Tôi chưa bao giờ suy nghĩ so sánh rằng Minh Quang thể hiện tình cảm sự quan tâm đối với tôi khác gì tôi nhận được ở anh Hoàng Thư để mà vui buồn vẩn vơ. Tôi thường nghĩ, dường như Minh Quang sinh ra là để có tôi rồi, Minh Quang có đầy đủ tình cảm vợ con và người thân trong đại gia đình của anh. Minh Quang vô tư sống, học tập, giảng dạy, …với tất cả nhiệt huyết của một người thanh niên trong thời đại mới, một người thầy giáo khoác quân phục sĩ quan, Minh Quang có tâm hồn lành mạnh lạc quan thậm chí hơn cả những gì có thật trong đời. Vậy thì việc tôi thương xót người bạn lớn tuổi tài giỏi mà bị tật nguyền, phải chịu đựng thiệt thòi đủ thứ cũng là chuyện dễ hiểu, tình cảm của tôi là trong sáng, tôi chẳng có lỗi gì. Có điều khi người bạn ấy lảng tránh thì tôi không thể chạy theo anh ấy nữa. Tôi chỉ là một cô gái mới lớn lên, cuộc đời chưa từng trải, tôi cần có cuộc sống ổn định vậy thôi, ổn định một cách quay cuồng trong những bận rộn lo toan của người phụ nữ hầu như nuôi con một mình vì chồng đi bộ đội xa nhà.  Tuy nhiên, trong câu chuyện này, nghĩ lại - tôi đã cư xử chẳng ra gì. Tôi thừa biết rằng anh không muốn và sẽ không đến dự đám cưới của tôi, vậy sao tôi đã thân thiết với anh mà không nói trực tiếp với anh được mấy lời chân tình hơn, mà lại gửi cho anh cái thiếp lạnh lùng như thế? Tôi lúng túng vì lẽ gì, tôi bận rộn quá nên “đại tiện” mọi việc, hay là tôi quá vô tâm, để anh phải cư xử lại “bất bình thường” và rồi phải nhận lấy lỗi “trẻ con dỗi dằn” ấy về anh? để rồi tôi tự “có cái cớ” mà quên hẳn bóng hình anh trong suốt 12 năm đến nỗi dứt khoát không liên lạc với anh nữa, trái hẳn lại với ngày nào tôi bảo rằng “dù vật đổi sao dời, mãi mãi em không bao giờ quên được anh, một người bạn lớn bị tật nguyền về thể xác nhưng trí tuệ tâm hồn thì thật tuyệt vời và nghị lực phi thường hiếm có”. Thế đấy, đời là chốn vô thường mà! “Xám hối” và trăn trở vậy nhưng thật ra “đổ” tại “duyên trời định” có lẽ vẫn thỏa đáng hơn. Làm sao tôi có thể là đứa nói xạo chứ? Mà thực ra trong cả quá trình thân thiết với anh Thư, tôi có lừa dối anh bao giờ đâu? Tôi không “khoe” hạnh phúc của tôi và Minh Quang, nhưng tôi đã nhiều lần buộc phải nói vắn gọn nhưng rõ ràng là chúng tôi yêu nhau lắm để không thể có bất cứ sự hiểu lầm nào cơ mà? Hay là tại vì tính tôi, bất luận sai hay đúng, tôi quen Minh Quang luôn phải làm lành trước với tôi mỗi khi có những xung đột trong cuộc sống vợ chồng, mà Minh Quang thì lành hiền tính tình vui vẻ không “chấp” tôi nên anh Hoàng Thư phải chịu hậu quả về cái tính xấu cố hữu của tôi ư?                 
              Trở về thực tại, dòng thư với nét chữ quen thuộc của anh Thư lại nhảy múa trước mắt tôi. Chúng gọi ngày xưa trở về. Tôi tự thầm oán trách mình mà chỉ im lặng không một lời giải thích. Tôi chỉ sửa lỗi bằng cách đến thăm anh ngay. Chúng tôi coi như không có chuyện gì căng thẳng, lại vui vẻ tự nhiên trò chuyện. Nhưng giờ đây tôi không còn là cô gái lẻn trốn mẹ trốn người yêu để đến với anh trong ít phút vội vàng nữa. Tôi là phụ nữ có chồng có tận ba đứa con. Tôi có thể tranh thủ thời gian thăm anh mỗi tuần mỗi tháng, nhưng tôi phải dắt con đến, hoặc phải cố rủ một cô bạn gái thân thiết hiểu tôi, hiểu về tình bạn giữa chúng tôi đi cùng. Nghĩa là tự tôi không chấp nhận tôi đến thăm anh mà chỉ có một mình. Tôi sợ anh có phút giây nào yếu đuối, tôi sợ cái cứng rắn lạnh lùng vốn không phải là bản chất của tôi vô tình làm tổn thương anh. Tôi sợ đủ thứ. Nhưng thực ra, anh Thư vui lắm và đơn giản hơn tôi tưởng. Anh đã khác hẳn ngày xưa rồi. Anh đã làm Trưởng phòng của một cơ quan nghiên cứu kinh tế, anh đã gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi không có ý định ca ngợi rằng anh vào Đảng tức là anh tốt hơn ngày xưa, anh làm công tác quản lý nghĩa là anh “oai” hơn giỏi hơn ngày xưa. Điều làm cho tôi vui là tôi hiểu anh đã hòa mình vào cuộc sống, đã thực sự là người bạn giữa đông đảo bạn bè đồng nghiệp, là người cán bộ mẫn cán không chỉ thầm lặng làm việc một mình mà bên anh đã có “đồng đội” – những con người mộc mạc chân thật của cuộc đời vốn dĩ cái thiện vẫn là gốc mà chẳng có cớ gì anh lại lánh xa họ mãi. Và từ trong sâu thẳm, tôi rất vui thoáng một chút tự hào khi nhớ lại lời anh năm nào “ảnh hưởng của Thư đã đần dần thay đổi cả nếp sống của anh rồi đó”.
             Giống với ngày xưa, anh luôn mong được gặp tôi trò chuyện, nhưng khác ngày xưa anh không còn gửi tôi những dòng thư yêu thương nồng nàn mà ủy mị buồn nản nữa. Mỗi lần tôi đến, anh vừa hỏi chuyện, vừa liên tay rót nước trà mạn đặc ép tôi uống rồi liên miên chuyển chủ đề khiến tôi không thể nào đứng lên cáo từ ra về. Khổ thân tôi, tôi có biết uống trà đâu nhưng nể anh nên phải uống. Có lần, tôi đang nhịn đói (nhà hết gạo chưa mua được chỉ còn lưng bơ nấu cháo cầm hơi nhường mấy bà cháu), mà uống trà nhiều quá, nên tôi lăn ra chóng mặt gục đầu xuống bàn. May vì có bạn gái đi cùng nên tôi đã nhờ cô ấy mà “thoát thân” đưa về nhà trong nỗi thương anh thương mình thật khó tả.
              Khổ quá, đói nghèo quá cũng có lúc sung sướng. Năm 1985 khi tôi lần đầu tiên được sang Bangkok học ngắn ngày, tôi choáng  ngợp trước những tòa nhà hiện đại cao ngất trời, những đường phố rộng ken chặt hàng trăm hàng ngàn chiếc xe bóng lộn đi trật tự trên đường phố mà không thấy bóng một cảnh sát nào, những cửa hiệu, siêu thị tràn ngập hàng hóa đủ sắc màu chủng lọai với các luồng thang máy cuốn dòng người tấp nập… Một lần, tình cờ tôi đi ngang qua quầy xà phòng thơm, bỗng tôi ngậm ngùi nhớ về Hà Nội một thời bom đạn, một thời bao cấp tôi cùng Minh Quang đi mua tích trữ một đống xà phòng giặt Liên Xô để vào gậm giường để phòng ngừa lúc thiếu thốn, tôi nhớ cái mùi hôi hôi nồng nồng của chúng tôi trên chiếc giường ngủ tồi tàn bốn chân gẫy một Minh Quang phải tự đóng thay chân khác, tôi thoáng có ý định mua một loạt bánh xà phòng thơm đủ loại này về cả  nhà dùng cho bõ tức, song nghĩ đến túi tiền của mình, đến cuộc sống còn quá khốn khó của gia đình mình, tôi bấm bụng “nhịn”, và chỉ mua đúng một bánh xà phòng Camay đen mà thôi. Mà bánh xà phòng thơm duy nhất ấy lại là dành cho anh Hoàng Thư chứ không phải cho bố, mẹ, chồng, con, anh chị em hay bạn bè nào khác. Tôi còn nhớ như in, bánh xà phòng ấy thơm đến mức tôi cầm nó một tí rồi cất vào va ly, vậy mà mùi thơm còn mãi trên tay, tôi không dám rửa tay hàng bao nhiêu giờ sau đó mà ngửi lại vẫn sực nức. Tôi tưởng tượng ngay ra khi tôi trao nó cho anh Thư, không biết anh có thích không chứ tôi thì quá xúc động là cầm chắc rồi! Thế đấy tình cảm và sự quan tâm của tôi tới anh chỉ nho nhỏ vậy thôi, nhưng xuất phát từ tấm lòng của tôi với anh, và dĩ nhiên tôi chẳng thể kể với anh chi tiết về nó.      
            Mặc dù rất bận việc nhà việc cơ quan, nhưng tôi luôn tranh thủ thời gian để thăm anh Thư thật nhiều. Anh không còn ở cơ quan tôi nữa. Anh đã chuyển công tác đi nơi khác lâu rồi, nên ngoài việc tới nhà riêng, thi thoảng tôi sang cơ quan anh chuyện phiếm mà anh rất lấy làm thú vị. Có việc gì khó khăn, tôi cũng hỏi anh và nhận được khuyên bảo thật chân tình.
           Thế rồi, bẵng một thời gian, tôi bận đi công tác địa phương, và bấn bíu với con cái học hành, tôi không liên lạc với anh. Tôi cũng chủ quan là sức khỏe anh khá tốt, tinh thần anh thì thoải mái, công việc của anh cũng bận rộn. Nào ngờ tới một hôm, tôi nhận được hung tin là anh ốm nặng đang điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị. Thực ra anh bệnh đã lâu lâu rồi, nhưng đến khi nặng quá, anh mới nhờ mấy cô nhân viên liên lạc báo tin. Nghe người ta kể, anh bị đau tim rất nặng đã đến giai đoạn cuối khó qua khỏi, anh phải chữa bệnh tốn kém lắm, mà kinh tế của anh thì eo hẹp, anh không có tiền để bồi dưỡng sức khỏe. Tôi nghe mà rụng rời tay chân. Tôi tự trách mình thân với anh mà chẳng mấy khi quan tâm đến bạn. Trong khi tôi chóng mặt, đau đầu, tôi hơi xổ mũi ho hung hắng là anh đã biết ngay. Còn tôi, tôi chỉ biết rằng anh bị tật bẩm sinh nên sức yếu, anh nói nhỏ và hay phải thở hổn hển, anh hay bị tức ngực nhất là khi thay đổi thời tiết, chứ tôi hoàn toàn không biết gì về bệnh tim của anh cả.
           Ngay tối hôm nhận được tin, ở chỗ làm về, tôi hớt hải đến thẳng bệnh viện tìm thăm anh. Trên giường bệnh, anh Thư nằm tựa vào gối cao, khó thở, nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Anh không gầy đi, vì vốn cũng đã gầy rồi, nhưng da xanh xao lắm. Có vẻ như vì nhờ bạn báo tin, nên anh không mấy ngạc nhiên khi tôi tới thăm, tuy nhiên nét mặt anh rạng rỡ dần lên. Anh tự ngồi dạy dựa lưng vào tường nói chuyện với tôi. Tôi trách nhẹ anh không báo cho tôi biết sớm, anh mỉm cười thật hiền rằng anh biết tôi rất bận và vất vả với con cái, và anh cũng không ngờ được kết cục bệnh lại nặng đến vậy. Anh mệt mà còn nhớ hỏi tôi dạo này làm việc thế nào có gì mới mẻ thú vị, hỏi thăm con gái tôi đã đi học ở Nga chưa, chồng tôi có hay được về với vợ con không … 
            Tôi cắt cam ra vắt cho anh uống, tôi xúc từng thìa một, anh chăm chú uống từng ngụm khá ngon lành. Anh luôn lo lắng giục tôi về nhà kẻo muộn. Tôi gạt đi vừa động viên anh chịu khó ăn, uống mỗi thứ một tí cho lại sức, chứ tiêm và uống thuốc tây nhiều là hại người lắm, mà anh thì đang yếu nữa. Anh cảm ơn tôi với ánh nhìn chân thành mà không hề yếu đuối, mệt mỏi. Chúng tôi lại chuyện trò với nhau như biết bao lần từng là như thế nhưng hôm nay thì là lần đầu tiên tôi chăm anh trên giường bệnh. Tôi vừa bón nước cam vừa dỗ anh:
- Anh uống nốt đi nào, có nhạt không để em pha thêm đường?
- Ngọt rồi em ạ.
- Buổi tối này anh đã uống thuốc chưa anh?
- Tôi mới uống trước khi em vào đấy.
- (sót xa): Nào anh gắng nhé, còn có một thìa thôi. À, hay là em về báo với nhà rồi em vào đây với anh đêm nay nhé. Có sao không anhThư?
- Thôi đừng. Em còn bao nhiêu việc ở nhà, mai lại đi làm sớm. Các anh chị của tôi lát nữa đến sẽ ở lại đây chăm tôi mà. Em đừng lo. Bây giờ cũng muộn rồi thì phải. Em về đi kẻo ở nhà mong đấy.
-   (tần ngần): Vâng ạ. Mai đi làm em sẽ ghé qua đây sớm. Anh cố ngủ một lát đi cho đỡ mệt ạ.
-   Em về nhé. Cảm ơn em lắm.
Tôi ghé vào tai anh nói nhỏ: “Sao anh lại xưng “tôi” với em? Mai em trở lại thăm anh, em “cấm” anh xưng hô thế đấy nhé” rồi vụt chạy ra ngoài…
              Sớm hôm sau, mới 5 giờ sáng, tôi đã vào bệnh viện để có nhiều thời gian rồi từ đó đi làm ngay. Tôi xăm xăm tới phòng anh, nhưng chẳng thấy anh đâu. Tôi vội tìm bác sĩ trực hỏi đầy lo lắng: “Thưa bác sĩ, làm ơn cho tôi hỏi thăm, bệnh nhân Hoàng Thư nằm phòng 303 tối qua, chuyển đi đâu rồi ạ?”.
-      Anh Hoàng Thư hôn mê sâu từ nửa đêm, chúng tôi cho chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu rồi.
-      Dạ thưa…phòng ấy ở đâu bác sĩ chỉ giùm cho.
-      Chị đi thẳng đường này rồi rẽ trái, nhà D tầng 1 phòng 420.
           Tôi cảm ơn người đàn ông rồi lao tới phòng Hồi sức cấp cứu. Trong phòng, anh Thư nằm gần như bất động, máy móc dây rợ đầy xung quanh. Chị Cảnh Hoàng chị dâu của anh đang ở đó. Chị em tôi có quen nhau vì cùng làm trong cơ quan. Tôi lo lắng:”Em chào chị ạ. Tối qua em thăm anh Thư tới chừng hơn 10 giờ, sớm nay quay lại thì bác sĩ bảo anh mới chuyển sang đây…Tình hình anh Thư thế nào chị?”
-      Kim Thư phải không? Thư mới chuyển đêm qua em ạ, bất tỉnh  luôn, chẳng biết gì. Em ở đâu, có gần đây không mà sao đến được sớm thế?
-      Dạ, em ở gần, vùng chợ Giời ạ. Em đi làm ghé qua đây trước…
-         Tối qua, Thư còn bình thường mà. Khi em mới về khoảng nửa tiếng thì vợ chồng chị vào. Thế mà bệnh xoay chuyển nhanh quá, chừng nửa đêm nó khó thở hôn mê em ạ. Khi chị mới vào nó gửi chị đưa em lá thư này đây.
              Tôi run run xé mép phong bì, mấy tờ pơ luya ghi những dòng nhật kí của anh với nét chữ quen thuộc: Tri! Chết bây gi k cũng bun. Nhưng thôi, chết phi chăng là li thoát tuyệt vời nhất cho bao cái bế tắc hôm nay…Kim Thư ơi! Không hiểu sao mấy ngày nay anh hay nhắc đến cái chết, liệu có phải điềm gở không em? Anh kiệt sức thật rồi…Mà lúc nãy em tới đây thăm, anh không dám nói gì với em…
Anh sẽ không bao giờ quên tên em, vì chẳng bao giờ anh quên được tên anh, hỡi người bạn cùng tên vô cùng mến thương của anh.
Nhưng có một điều chắc chắn là ý nghĩ cuối cùng của anh trước khi chết sẽ hướng về em. Anh sẽ dành tiếng nói cuối cùng để gọi tên em và người ta cũng chẳng cười anh được vì họ tưởng rằng anh tự gọi tên mình thôi”…
          Mắt tôi nhòe đi… Tôi gắng gượng trở lại bình thường nói với chị: “Vâng, tối qua lúc em tới, anh Thư còn nói chuyện vui vẻ lắm và uống hết cốc nước cam. Thật không ngờ anh mệt nặng nhanh thế”. Chị Cảnh Hoàng buồn rầu kể: “Đêm qua, trước lúc hôn mê, chị thấy nó cứ gọi gì Thư…Thư, và ràn rụa nước mắt. Chị không hiểu, chị hỏi “Thư cần gì hả em” mà nó im lặng em ạ…” Tôi sụt sịt: “Tội nghiệp anh Thư quá. Chị ơi, cho em ra hỏi chuyện xem anh ấy có tỉnh không chị nhé”. Chị Cảnh Hoàng gật đầu: “Ừ em cứ hỏi Thư đi”.
Tôi tới bên giường bệnh, sờ trán anh, khẽ lay gọi: “Anh Thư ơi! Em đây…Kim Thư đây…” 
Anh Hoàng Thư mở mắt nhìn… Tôi thì thào:”Anh có mệt lắm không ạ?” Anh chỉ im lặng…Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc của anh: “Anh có nhận ra em không ạ?” Anh khẽ gật đầu. Vậy là anh tỉnh rồi. Tôi nhẹ nhàng: “Anh có dễ thở không anh? Có hả? Vậy anh ngủ đi một lát. Em xoa lên trán anh nhé và hát cho anh nghe này… Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thơm nâu…”    
           Suốt trong khoảng một tuần sau đó, ngày nào tôi cũng đến thăm anh và ở lại rất lâu trong bệnh viện cùng anh chị của anh để chăm sóc anh. Phần lớn thời gian anh ở tình trạng hôn mê sâu, rất sâu. Đôi lúc anh mới tỉnh, anh chăm chú nhìn tôi và những giọt nước mắt rơi đã thay điều anh muốn nói. 
            Và anh cứ yếu dần yếu dần, anh đã ra đi vì một cơn đau tim đột quị.
            Hôm sau nữa tang lễ anh cử hành tại bệnh viện. Tôi nói với chồng: “Anh Minh Quang ơi, anh Hoàng Thư mất rồi. Em phải qua bệnh viện dự tang lễ bây giờ…Anh ở nhà nhắc các con ăn sáng đi học và đừng chờ em nhé”. Chồng tôi vẻ ái ngại: “Ừ, em đi. Nhớ thắp giùm anh một nén nhang cho anh ấy”. Tôi phải cố kìm nén không thì tôi đã ôm chầm lấy Minh Quang mà khóc rồi. Từ bao nhiêu năm nay kể cả từ những ngày đầu mới thân với anh Hoàng Thư, tôi đều kể cho Minh Quang mà, tôi không dấu diếm quan hệ thân tình ấy. Chỉ có điều, không bao giờ Minh Quang có thể đọc được những bức thư anh Thư gửi cho tôi. Và Minh Quang cũng không biết việc anh Thư trả lại thiếp cưới cũng như chi tiết về việc tôi “trốn” mẹ và Minh Quang để đi thăm anh ấy ngày nào, lại càng không thể biết giấc mơ tôi cưới Hoàng Thư. Còn sau này, tôi thường dắt các con lên thăm bác Thư thì hầu như lần nào tôi cũng nói với Minh Quang, chỉ trừ khi Minh Quang vắng nhà thôi. Mọi chuyện đã qua rồi, người bạn lớn của tôi đã vĩnh viễn ra đi để tôi khỏi phải lẩn tránh những  niềm thương nỗi nhớ thẳm sâu trong những lúc chúng tôi còn “duyên” mà đến với nhau nữa…      
               Dự đám tang có đông đủ gia đình, lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp của anh. Tôi đã không kìm nén được, òa khóc nức nở một cách lạ lùng và bất thường. Tôi đã khóc suốt, mà khóc to nữa hầu như át mọi tiếng khóc. Tôi không biết niệm A di đà Phật như bây giờ để cầu cho anh vãng sanh về nơi cực lạc. Trong phút chốc gần như mê muội, tôi thầm hỏi các đấng siêu nhân nào không rõ, sao không đưa tôi về một giấc mơ, tái lại cảnh đám cưới tôi lấy Hoàng Thư, rồi tiếp đến cảnh đám tang anh như thế này, để tôi để tang anh như vợ để tang chồng? và lúc đó, bao nhiêu vòng hoa trắng muốt sẽ biến thành những vòng hoa với đủ sắc mầu của cuộc đời trao tặng gửi gấm tiễn đưa anh. Tôi không kịp nghĩ nói lời xin lỗi với chồng tôi, tôi cũng chẳng kịp hình dung Minh Quang có đủ độ lượng để chấp nhận những ý nghĩ bất thường mà thực ra là rất dung dị này của người vợ đã đang và mãi mãi chung thủy với Minh Quang hay không. Còn cái đám đông, rất đông khách dự tang lễ ấy, hình như ai cũng nhìn tôi bằng con mắt ái ngại nhưng vô cùng kinh ngạc, bởi lẽ họ chứng kiến quá bất ngờ nỗi đau đớn của tôi khi tiễn đưa anh Hoàng Thư về cõi vĩnh hằng, họ không thể hình dung tôi là ai, thân với anh Thư từ bao giờ, thân đến mức nào, và vì sao tiếng khóc tiếc thương anh Thư của tôi lại thê thảm đến nhường ấy…
             Tôi tiễn anh, và ngay sau đó tôi được biệt phái vào Đà Nẵng gần một năm. Âu cũng là trời sắp đặt như vậy, chứ nếu tôi đi xa trước đó chỉ ít ngày thì tôi không thể ở bên anh trong những giờ phút cuối cùng. Tôi sẽ chỉ còn biết ngậm ngùi mỗi khi đến viếng thăm mộ anh, ở giữa cánh đồng hoa Nhật Tân, và thì thầm : “Em chào anh ạ. Anh chắc còn nhớ em chứ anh Thư? Em mong anh hãy trở về nói chuyện với em nữa đi anh! Em xin phép dẫm lên chỗ này, để làm cỏ và lau dọn anh nhé! Anh Thư ơi! Lâu nay em vẫn sống, gắng sống bình thường và tự tạo cho mình hạnh phúc. Em vẫn nhớ đến anh, nhớ những ngày xưa, nhớ mãi. Cầu mong nơi thế giới bên kia, anh được khỏe mạnh, an lành, được thỏa sức say mê những ước mơ và thực hiện mơ ước của mình nhé anh!…”
                Tôi ra về, và trong gió lay động những cánh hoa đủ màu khoe sắc thắm, tôi vẫn như nghe vẳng đâu đây tiếng gọi của anh Thư:” Kim Thư ơi! anh muốn gọi em ngàn lần, người bạn cùng tên mà anh mến thương…”, nghe để cảm nhận đến tận cùng trong cái vô biên thinh lặng tình người…

Hà Nội 29 tháng 12 năm 2014

Hồ Minh Quang