Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Giây lát

Người yêu ơi nhớ ngày xưa hạnh phúc
Kỷ niệm ngọt ngào trở lại giấc mơ
Anh dìu em trên bãi biển sóng to
Ấn đầu em vang tiếng cười trong trẻo

Đường đi xa muôn trùng vạn nẻo
Sao không chờ em cùng tới bến bờ
Sao lặng im nhìn hương khói lượn lờ
Để trang thơ đời mình em viết tiếp?

Chẳng sắp tứ thơ chỉ nhớ anh da diết
Con chữ hiền thầm lay gọi hồn anh
Đêm thu ơi se lạnh mong manh
Người có đang về bên em giây lát?

Để anh nghe vẫn dịu dàng câu hát
Ru con ru anh sâu lắm yêu thương
Em chờ anh chẳng chút giận hờn
Chờ anh hoài trong mộng tình lặng lẽ… 

Hồ Minh Quang

Hồi ký NMNC - Chương 16

CHƯƠNG 16.
VIỆC RIÊNG VIỆC CHUNG

Làm nhà và con gái lấy chồng
           Sau mấy năm đi làm, con gái tôi đã gặp một “tình yêu sét đánh”. Chỉ sau một thời gian ngắn, hai đứa đã thành vợ thành chồng, đúng là duyên số thật. Lúc đang yêu nhau, chưa cưới, con gái tôi đã quyết định dùng toàn bộ số tiền mình có được do tích lũy, tiết kiệm, làm thêm khi còn ở Liên Xô và về đây làm ở công ty nước ngoài được trả lương cao, để mua nhà cho mẹ và các em. Hoa bảo: “Con không biết rồi cuộc đời sẽ thăng trầm ra sao, con muốn bà, mẹ và các em đỡ khổ, nên biếu mẹ toàn bộ số tiền con hiện có để mua nhà. Như thế con sẽ rất thanh thản kể cả khi con nghèo khó. Còn nếu để lại, một là con tiêu hết đi, hai là không tiêu mà biếu mẹ sau thì có thể có sự hiểu lầm là con dùng tiền của chồng, của gia đình nhà chồng mang về bên ngoại”. Hoa còn tâm tình cởi mở không giấu giếm với chồng chưa cưới về việc này. Tôi nghe con nói mà xúc động vô cùng. Sự xúc động ấy không nói được thành lời. Chỉ biết rằng từ đáy lòng mình, tôi biết ơn con gái, biết ơn MQ, và tôi xúc động không phải đơn thuần vì con đã trao cho tôi một tài sản lớn đầu đời của nó.
             Rồi hai mẹ con đi tìm kiếm nhà, mãi mới được một chỗ ở đường Bạch Đằng, phía bờ sông Hồng. Cả nhà và đất rộng 80 m2. Nhà hai tầng mặt bằng chừng 50 m2, xây đơn giản, nhà vệ sinh ở cách riêng ngoài sân. Nhưng với chúng tôi, đó là ngôi nhà lí tưởng lắm. Tôi thăm mấy gian phòng rồi tự tưởng tượng xem me tôi ở phòng nào với tôi, chỗ nào cho chị em Hoa, cho Tuấn…Tôi và Hoa đều kết ngôi nhà này, nên người ta yêu cầu bao nhiêu cây vàng thì Hoa không kì kèo, coi như đồng ý ngay và chỉ xin lại một cây gọi là lộc. Nhà chủ bằng lòng. Hai bên thỏa thuận nhanh chóng vui vẻ. Bà chủ nhà hẹn ngày đặt cọc ba cây vàng, và từng bước làm giấy tờ. Mẹ con tôi cẩn thận xem giấy tờ, đây là ngôi nhà bà đứng tên chủ sở hữu một mình. Tôi đã hỏi bà, các con bà có ủng hộ mẹ không hay có vấn đề gì khó khăn trong nội bộ gia đình không, bà bảo chả có vấn đề gì. Chồng bà mất rồi, các con có nhà riêng cả, bà ở có một mình thôi, nay bán đi rồi bà thu xếp.
             Hai mẹ con đúng hẹn, chuẩn bị mua vàng đặt cọc từ hôm trước. Sáng hôm sau, Hoa đưa tôi đi. Trước khi ra khỏi nhà, tôi thắp hương khấn MQ, tôi nói với anh đại ý là con gái mua nhà để mẹ con, bà cháu ở cho thoải mái hơn, xin anh phù hộ cho công việc mua bán trôi chảy làm giấy tờ thuận lợi. Tôi chưa đi ngay, bao giờ cũng thế, thắp hương có vội mấy cũng phải chờ một lúc. Chẳng cần đợi lâu, hương tắt ngấm luôn. Đây là lần đầu tiên có hiện tượng lạ này. Bình thường thì hương thắp lên cũng có thể bị tắt phải thắp lại, vì nhiều khi nó bị ẩm, chất lượng kém. Nhưng bàn thờ MQ, tôi mua một loại hương riêng từ Bắc Ninh đem về, rất nhỏ, thơm, và châm là bén và cháy hết, 100%. Nên thấy vậy, tôi rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng, nhưng không nói gì với con gái cả.
              Đến nơi, bà chủ nhà đang đợi. Chúng tôi chào bà và hoan hỉ xếp vàng đặt cọc thì bà chủ nét mặt buồn buồn bảo “Tôi xin lỗi hai mẹ con, tôi không bán được, nên không phải đặt cọc gì cả”. Tôi và Hoa đều ớ ra, ngạc nhiên, gặng hỏi, hay là bà muốn thay đổi giá cả (?) Nhưng bà lắc đầu kiên quyết, “tôi không bán nữa vì bọn trẻ nhà tôi …không nhất trí!” Thôi rồi! bữa trước tôi đã cẩn thận hỏi bà, bà khẳng định là không sao mà. Nhưng đành chịu, bà ấy không bán thì chỉ có nước đi về. Mẹ con tôi buồn thiu. Tôi chợt nhớ đến những nén hương tắt ngấm sáng nay.Thảo nào, thôi đúng rồi, MQ báo trước đó: không mua nhà này được! Cũng bởi mua nhà không thành, nên Hoa mới nghĩ ra phương án khác, và hỏi tôi:
- Hay là mẹ xây nhà ở Cổ Nhuế được không mẹ?
- Ôi dào, Cổ Nhuế xa lắm, em Hương còn đang đi học…
- Mẹ phải thử chứ, tưởng xa chứ chắc gì đã xa? - Hoa giục giã.
            Thế là ba mẹ con (cả Tuấn) đi xe máy đến Cổ Nhuế. Bọn trẻ tính cây số, tính giờ đi từ khu tập thể đến mảnh đất này, rồi tính từ mảnh đất tôi đi làm tới cơ quan mất bao lâu. Tóm lại là thị sát cụ thể thấy rất ổn. Nhanh chóng, cả nhà quyết định dùng số tiền Hoa cho để xây nhà. Chỉ có Tuấn hơi lưỡng lự hỏi: “thế xây nhà là tiền của chị Hoa hay của mẹ? nếu của chị Hoa thì…thôi mẹ ạ”. Tôi buồn cười không nhịn được, “hà hà chả tiền chị Hoa thì tiền nào của mẹ? Con không thích thì thôi, để bà, mẹ với em Hương về nhà mới nhé.” Chú chàng đành cười ngượng nghịu.
            Vậy là Hoa hoàn thành ý tưởng giúp mẹ của mình, yên tâm bước sang chặng mới của cuộc đời: LẤY CHỒNG. Đám cưới con gái tôi tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, sau khi làm thủ tục hai gia đình gặp gỡ, và ăn hỏi. Gia đình thông gia tôi vốn ở Hà Nội, nhưng chuyển vào Sài Gòn đã lâu (1989), nên nay làm đám cưới cho con trai thì chỉ ra Hà Nội ít ngày. Về phía nhà gái, bạn bè dự đa phần là bạn bè tôi, còn bạn MQ thì ít thôi. Tôi không dám mời bạn MQ thật nhiều vì sợ không chịu nổi sự lạc lõng của mình trong một đám đông ngập đầy kỉ niệm ngày xưa. Tôi mặc áo dài truyền thống, màu xanh lam thẫm có thêu hoa, tóc uốn dài. Anh Thơ, anh cả của MQ từ Sài gòn ra dự, nên mấy mẹ con cũng thấy đỡ tủi thân. Vợ chồng Thanh Hoa Quang Anh đã chung sống hạnh phúc, và vào lúc tôi viết quyển sách này, các cháu đã có hai con, một trai 14 tuổi học lớp 9 - chuyên Toán Hà Nội Amsterdam và một gái 11 tuổi học lớp 6 - chuyên Quận Cầu Giấy.
               Trở lại chuyện làm nhà. Nó được triển khai chớp nhoáng. Hoa có người bạn vừa xây nhà xong, giới thiệu một cậu kiến trúc sư thiết kế cho. Tôi gặp gỡ, bàn bạc tí chút đã thấy thích rồi. Cũng là cái duyên, cậu ta thiết kế hồ sơ A, đưa tôi xem, chỉ chỉnh lại một chút, không quá lớn, rồi tới thiết kế hồ sơ B chi tiết tất cả chỉ trong hơn một tháng trời. Tôi hoàn toàn thỏa mãn. Kế đó, tôi thuê một kĩ sư xây dựng đang làm cao học tại Hà Nội, do con rể mách, làm giám sát trong ba tháng xây thô, nhờ một chú hàng xóm lo quản lí vật tư, gọi hộ gạch đá xi măng…còn tôi thì tự lo mua thép, đá cầu thang, gạch lát nhà, hoàn thiện nội thất; riêng sắt làm cửa sổ thì con rể đi tìm mẫu và gọi hộ. Thi công thì tôi kí hợp đồng với một đội xây dựng thật trẻ, người Hà Tây. Hồi đầu, cậu đội trưởng còn thắc mắc hỏi tôi sao lại chịu thuê họ khi họ quá trẻ. Tôi cười bảo thì các cháu trẻ làm mới khỏe, nhanh và năng động chứ sao.
                  Tôi kể chuyện dự định xây nhà cho các anh của chồng ở trong Nam biết. Anh kề của MQ, anh Quảng viết thư bảo sẽ cố gắng thu xếp công việc để ra trông nom giúp tôi. Thoạt đầu tôi cũng mừng lắm, có anh ra trông nom cho, anh lại hiểu biết chuyện xây dựng, nhưng nghĩ lại, thấy kinh kinh cái vụ có thể gây hiểu lầm, nên sau tôi lảng đi không mặn mà nữa, và anh cũng không thu xếp được hay sao ấy nên thôi.
                Thế là tôi lao vào cuộc xây nhà mê mải say sưa, nhưng tuyệt nhiên không nghỉ việc cơ quan một buổi nào. Làm lễ khởi công, đổ trần, và sau này hoàn thành tôi đều phải nhờ anh Liên (người bạn cùng Vụ cũ mà trước đây sửa hộ tôi cái trần nhà dột ấy), thay tôi cho hợp tuổi. Ấy là ông thầy địa lý khuyên thế. Trưa đến, tối về, chủ nhật là tôi nhúng mình thực sự vào nó, khi thì thức đêm xem thợ đóng cọc, đổ móng, đến tưới thêm nước vào những bức tường mới xây, rồi đãi thợ những đồ ăn giản dị nhưng tình cảm và rất quan tâm. Khi thì đi tìm nơi nào bán thép chất lượng giá cả phải chăng, lúc thì lọ mọ tìm mua tận nhà máy các đống than xỉ đổ vào trần cho cách âm và cách nhiệt. Bây giờ làm nhà tôi mới biết thế nào là đổ trần với dầm lộn lên trên hay dầm đâm xuống dưới, biết làm ô văng to dài thì nở tiền ra đến thế nào. Rồi còn đi đặt cửa nữa chứ. Với cửa gỗ, tính toán chỗ nào gỗ lim, chỗ nào gỗ chò, cửa nào nhôm kính. Đi chọn đá cầu thang, gạch lát nền, lát nhà vệ sinh thì lắm kích cỡ chủng loại màu sắc, tôi chỉ thích đồ thật tốt mà lại không đắt tiền. Tóm lại là làm gì cũng phải điên đầu tính toán cân đối sao cho không quá tốn kém mà chất lượng không đến nỗi nào. May mà có các bảng tính Excel phát huy tác dụng. Con số chi phí từng khoản mục tương ứng với chủng loại phương án lựa chọn cứ nhảy múa mỗi ngày, khi tăng lúc giảm. Số tiền con gái cho làm được 2/3 ngôi nhà, còn lại 1/3 tôi tự lo và vay mượn rồi cũng xong.
                Trong khi làm nhà, tôi đi công tác Philipine mấy ngày, nên giao cho Tuấn trông nom thay mẹ. Lúc đó đang là đoạn trát tường. Thợ phải tập trung làm rất đông. Mặc dù đã để tiền ở nhà cho cu cậu chi mua vật liệu nhưng còn thiếu nên cậu cuống lên gọi điện sang giữa lúc tôi đang chóng mặt và nôn trong toilet một mình. Hôm ấy là chủ nhật, ngày nghỉ. Mấy người bạn cùng đoàn đi chơi hết cả. Tôi thấy mệt nên nằm nhà và căn bệnh cố hữu lại hoành hành. Lễ tân báo lên mà tôi chịu chết, sau rồi ngật ngưỡng vịn cầu thang đi xuống tôi gọi điện về cho con, bảo con vay tạm chú hàng xóm trông nom vật liệu ấy chứ biết làm thế nào. Thì cũng phải trải qua một chút gì căng thẳng chứ, với thằng con trai duy nhất của tôi, trong một việc lớn thế này: mẹ xây nhà tầng phần lớn bằng tiền của chị gái!
               Tôi làm nhà, và mọi người đều rất ngạc nhiên. Tôi bảo đến tôi còn bất ngờ nữa là, vì bỗng nhiên, con gái cho tiền, mua nhà không thành nên xây nhà. Còn xây nhà trên đất Cổ Nhuế này, và vi sao có đất lại là một câu chuyện khác. Từ khi MQ chưa đi Liên Xô, cả nhà (me và các chị) đã kí giấy xác nhận cho vợ chồng tôi và chị Thùy Trinh sở hữu phần nhà đất ở chợ Trời của bố mẹ để lại, chia đôi cho hai chị em, trong đó, chúng tôi sử dụng ngôi nhà vẫn ở lâu nay và phần bếp, nhà xe liên quan, còn chị tôi thì dùng phần đất ngày xưa là cái nhà tôn mà hai đứa hay phơi khoai lang luộc ấy. Chị tôi lại bán đi một nửa lấy tiền làm nhà ba tầng nhỏ. Khi MQ mất, cơ quan phân cho căn hộ tập thể, me tôi bảo tôi cứ giữ lấy phần nhà chợ Trời này, bao giờ các cháu lớn lên có tiền sẽ xây lại mà ở cho đàng hoàng. Nhưng tôi đã không giữ mà xin phép me cho bán đi, tôi được hưởng một nửa, còn một nửa chia chung mọi người trong gia đình, vì tôi nghĩ “lộc bất khả hưởng tận”, và chị Kim Thanh nghèo nhất nhờ số tiền được chia đã có thể xây lại ngôi nhà nhỏ, cơi nới lên gác sép thêm diện tích để mấy mẹ con đỡ khổ. Số tiền một nửa phần tôi được dùng để thu vén cho kinh tế gia đình và thu xếp trả nợ mảnh đất Cổ Nhuế mà tôi và vợ chồng anh Nghiệp mua chung, mà chính tại nơi đây, MQ cùng tôi và hai cháu Tuấn Hương đã từng chụp hình tết, khi chúng tôi đến dự đám giỗ chị Hiền Thục năm nào. Không biết có phải vậy không, mà MQ xui khiến mấy mẹ con quay lại để xây nhà, chứ không đi mua vu vơ ngoài bờ sông nữa. Vậy là sau sáu tháng trời ròng rã, ngôi nhà mới của chúng tôi đã hoàn thành, trên một diện tích đất 180 m2, nhà hai tầng rưỡi, diện tích xây dựng 90 m2 +75m2+25m2. Nhà tôi có bàn thờ gia tiên hai họ, tôi thờ MQ ở một bàn thờ riêng, cạnh giường trong phòng tôi, chứ không ghép chung. Tôi ở tầng nào thì chuyển bàn thờ MQ đi theo tầng ấy nếu như có sự thay đổi. Tôi đặt bàn thờ MQ phía trên một cái tủ nhỏ bằng gỗ lim ngày xưa anh Hồ Quảng tự đóng rồi tặng vợ chồng tôi. Khi còn sống, MQ thích nó lắm. Mấy chục năm rồi, tủ chỉ bạc màu chứ vẫn còn chắc chắn. Tôi bỏ vào tủ bộ quần áo của bố MQ mà Hoa mang về làm kỉ niệm, cùng một ít giấy tờ của chồng, quyển lưu niệm hình chụp đám tang MQ tại Nga và sổ tang tại Hà Nội. Bằng phó tiến sĩ, sau khi MQ mất 15 năm, mới được một đồng nghiệp chuyển đến tay tôi, và tôi đặt trên bàn thờ anh, ngậm ngùi. Trong số giấy tờ của chồng tôi, có một tờ giấy xác nhận của học viện, nơi anh dạy học đến cuối đời, là anh "không có tài sản gì để lại". Đã có thời gian, thi thoảng tôi giở đi giở lại tờ giấy này, đọc mãi, không hẳn buồn, mà chỉ là lâng lâng một cảm giác bùi ngùi xen với niềm kiêu hãnh thầm kín, tài sản của anh để lại tôi đã giữ hết rồi còn gì :TÌNH YÊU VÀ NHỮNG ĐỨA CON CỦA CHÚNG TÔI.
             Về sau, có một đợt phân đất không biết có phải cuối cùng của đơn vị MQ không, bạn bè báo tin và khích lệ tôi làm đơn xin. Đơn vị đã cấp cho tôi một mảnh đất 50 m2 ở một vùng ngoại thành Hà Nội. Nơi đây, đồng nghiệp của anh đã xây nhà lên gần hết, thành một khu tập thể hoành tráng. Chỉ có mảnh đất của tôi trong số ít ỏi còn lại là để trống, tôi nhờ bạn anh ở khu đó xây mấy mét nhà cấp 4 để gọi là có chỗ đi lại thắp nhang thờ thần linh thổ địa. Tôi muốn trao lại mảnh đất này cho Hoa, con gái tôi. Hoa xứng đáng nhận kỉ niệm tài sản của bố MQ để lại thay cho mảnh giấy xác thực “vô sản” ngày nào. Rồi Hoa muốn chuyển đổi vùng đất khác, tôi đồng ý và kí giấy bán trao toàn bộ số tiền này để con tôi làm việc chuyển đổi theo ý nó. Nhân bản bức hình chụp MQ trước khi mất lại được rong ruổi lên đường. Tôi lưu luyến đất cũ, nhưng nhẹ lòng vì thực ra cứ mỗi lần đến khu tập thể ấy, tôi chịu không nổi khi gặp lại những đồng nghiệp (đã quen biết hoặc chưa quen) của MQ, mặc dù tôi vẫn cứ phải nói nói cười cười với anh em, chứ không thể mang bộ mặt u sầu tăm tối ra mà tra tấn họ - những con người chân chất như chồng tôi vậy.
                 Ngôi nhà tập thể nơi tôi làm giỗ đầu MQ, quá cũ nát, và nhà tôi chuyển về nhà mới không tiện quản lí nó nữa, nên tôi bán đi cho con gái út gửi tiết kiệm tự quản lí để có thêm tiền mà học thi đại học, học tiếng Anh, học đại học sau này. Nghĩ lại cũng tiếc vì ngày ấy bán thật rẻ, chẳng được bao nhiêu. Nhưng thôi, mọi chuyện run rủi đều là…Trời định, tôi luôn bằng lòng với những “toan tính” giản đơn miễn là vì các con, vì người thân mà thôi.


Chia tay bạn
Trở lại chuyện bạn Phi: Sau ngày lủng củng vì xem kịch về muộn, Phi và tôi vẫn thân nhau và tôn trọng nhau. Những lúc đi công tác xa, chúng tôi thường viết thư cho nhau. Phi chỉ sợ tôi buồn mà lao vào công việc mải mê quá sức, còn tôi thì lúc nào cũng ngại rằng Phi cứ phải chia sẻ nỗi nhớ, tình thương cho một người bạn khác giới là tôi; và tôi tự ái một cách thầm lặng, nên tôi rất khổ. Cho tới một ngày, ngày 8/3 năm 1996, buổi trưa trong lúc nghỉ làm, Phi rủ tôi đi mua hoa để bạn tặng tôi và vợ. Hai tên đi mãi, không thấy hoa bán ở đâu cả, hay là đi muộn nên hết rồi? Vô lí quá! Đang nghĩ thế thì đến đường Giảng Võ, chúng tôi gặp một bà bán hoa rong bằng xe đạp. Chỉ còn ít bông hồng nhung thôi. Hoa cành dài, chỉ để một bông vào trong giấy bóng kính làm quà tặng chị em. Đây cũng là loại hoa tặng đỡ tốn tiền nhất, nên tôi bảo Phi dừng lại mua. Tôi chọn dùm Phi một bông đẹp nhất trong số đó mang về tặng vợ. Bông hoa này tươi tắn, nở chúm chím, trông còn duyệt được. Số hoa còn lại, tất cả đều lôm nhôm, bông thì có vẻ đang tàn, bông thì có vết bầm dập, nhưng tôi cũng lấy đại một bông để làm quà Phi tặng tôi. Phi thì không để ý, Phi tin tưởng quyết định và lựa chọn của tôi mà, còn tôi không muốn có lựa chọn nào khác. Mang về, tôi lặng lẽ vứt ngay bông hoa đó đi. Tôi chấp nhận tình cảm sự quan tâm của bạn, nhưng tôi không chấp nhận cái sự đại tiện của cả tôi và của bạn. Ngay hôm đó, tôi đã ngầm quyết định, từ lúc này, tôi và bạn không còn tồn tại tình thân đặc biệt nữa.
               Tôi rất biết ơn bạn, Phi ơi! Trong những giờ phút đớn đau nhất của cuộc đời tôi mất MQ, bạn đã dành cho tôi những ánh mắt đầy thương cảm mặc dù bạn chỉ im lặng một mình làm những việc nho nhỏ giúp tôi. Bạn đã không quản ngại những buổi trưa hè nắng gắt cùng tôi vào mộ MQ với bàn tay nắm chặt tay tôi như truyền cho tôi một sức mạnh diệu kì, tôi làm sao quên được? Trên những chặng đường công tác xa nhà, những dòng thư của bạn bao giờ cũng là nguồn động viên tôi hăng say làm việc quên bớt nỗi buồn và là lời nhắc tôi nhanh chóng trở về với mẹ già và đàn con ngày đêm trông đợi, về để ban thờ MQ lại được ấm vì những nén nhang và những trái cây hay món quà gì nho nhỏ tôi mang về bày lên khấn người đã khuất. Bạn đã đem lại cho tôi lòng dũng cảm để sống tiếp và chôn dần nỗi đau bất hạnh vào đáy lòng sâu thẳm của riêng mình, bạn đã cho tôi nghiệm ra rằng lòng tin vào cuộc đời, vào con người sẽ phải còn mãi mãi. Vậy là quá đủ rồi, mấy năm trời qua, tôi cứng cỏi, và đã vượt lên. Nhưng hôm nay đây, chúng ta không còn “duyên tri kỉ” nữa! “Thượng đế” đang xui khiến tôi hãy xa dần bạn, và bông hoa 8/3 kia chỉ là cái cớ mà thôi, có phải thế không? Chúng ta sẽ không phải quá quan tâm đến nhau, thân nhau đặc biệt làm gì Phi ạ. Nhưng chúng ta, cả Loan nữa mãi mãi vẫn còn là bạn tốt của nhau. Và…lòng tôi thanh thản vô cùng. Thế đấy, chẳng ai tuyên bố điều gì, chẳng ai than thở điều gì cả, hai chúng tôi cứ lặng lẽ xa nhau như một lẽ thường của định mệnh.

Quan hệ quốc tế
             Cơ quan nói chung và Trung tâm tôi nói riêng tiếp tục được phát triển trên cơ sở hiện đại hóa ngành với sự trợ giúp dài hạn của dự án Sida Thụy điển. Bởi vậy chuyên gia Thụy điển sang nhiều, trong đó có hai chuyên gia làm việc luôn tại Trung tâm và một số chuyên gia sang công tác ngắn hạn. Làm việc với họ, chúng tôi học được rất nhiều, từ phương pháp làm việc, cách xây dựng dư án, viết dự án, trình bày thuyết phục, kiểm tra giám sát triển khai công việc theo mục tiêu ngắn và dài hạn. Chuyên gia phải đi một số địa phương khảo sát, và Sếp cử tôi dẫn họ đi. Vì vậy tôi lại rong ruổi đường trường, và có những kỉ niệm vui buồn khó quên.
               Một lần tôi đi Thái Nguyên cùng hai chuyên gia. Một ông để quên hộ chiếu nên vào khách sạn (nhà nước), họ không chịu. Ông ấy biết là mình thiếu sót rồi, nhưng quay lại Hà Nội để lấy giấy tờ thì mất công quá, nên tôi trình bày với khách sạn rằng chúng tôi thuộc một đoàn công tác ở cơ quan trung ương, tôi đã gọi điện về cơ quan địa phương nhờ bảo lãnh, nhưng mãi vẫn chưa dàn xếp xong. Thế là chuyên gia nổi cáu, họ cự tôi sao không thuê khách sạn tư nhân, mà cứ nhất định phải vào khách sạn nhà nước? Chả là vào tư nhân thì chủ dễ thông cảm hơn, chỉ cần để giấy tờ của một người đại diện là đủ. Tôi ú ớ chỉ giải thích chung chung là ở đây an toàn hơn, nhưng thôi họ đã quyết chí thì tôi cũng đưa sang khách sạn tư nhân vậy. Tất nhiên là chả có chuyện gì, nhiều khi chỉ là thói quen thôi. Có điều là, nếu xảy ra chuyện gì bất thường, thì ở một nơi kiểm tra gắt gao chắc cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng, và tôi đỡ trách nhiệm hơn, bởi vì tôi phải lo nhiệm vụ bảo vệ chuyên gia nữa chứ. Cũng không phải vô cớ mà ông chuyên gia nọ khó chịu khi vào khách sạn nhà nước, ông ấy rất ác cảm vì đã đi nơi khác nhiều rồi, ở khách sạn tư thì cần gọi gì, ăn sáng điểm tâm thế nào, loáng một cái là xong, còn khách sạn nhà nước thì thật to, người phục vụ rõ nhiều, cứ đi qua đi lại mà đợi được một bát phở buổi sáng còn là mệt lắm, lâu lắm.
               Làm việc buổi sáng xong, lãnh đạo và tổ chức đãi tiệc đoàn, các món đặc sản chế biến từ con cầy hương. Nhưng chỉ có một chuyên gia sài, vừa nhâm nhi vừa suy nghĩ, còn một ông thì từ chối hẳn, nên phải gọi cho ông ấy vài món thịt gà, dưa chuột, khoai tây rán gì đấy. Ông ta nhẩn nha kể chuyện: “Ngày xưa hồi bố tôi còn sống, ông dễ tính lắm chứ không khó khăn gì. Tuy nhiên, bố tôi chỉ ăn những thứ biết rõ nguồn gốc của nó, và cách chế biến. Ví dụ, quả dưa chuột thái ra ăn sống, khoai tây thái miếng ra rán, đùi gà mua ở siêu thị mang về luộc hoặc chiên…chứ tự nhiên có những món là lạ thì chịu không dám ăn…” Rồi ông ta kết luận “mà tôi thì giống tính bố tôi!!!”. Thảo nào mặc cho chủ nhà ra sức ca ngợi món đặc sản, rằng con cầy hương là loài quí hiếm lắm (không phải là chó đâu!), không phải lúc nào nhà hàng cũng có sẵn…nhưng chuyên gia thì dửng dưng nghe, cười tủm tỉm và cứ việc say sưa chén thịt gà khoai tây thêm chút cơm trắng!
                Lần khác, chúng tôi vào Nghệ An. Chuyên gia nhận phòng xong, kiểm tra ngay mọi thứ, phát hiện thấy vòi nước hỏng và toilet tắc ở một phòng. Họ kéo ra lễ tân và kêu um lên, yêu cầu đổi phòng ngay. Không may các nhân viên chưa giải quyết được kịp thời, thế là ba ông đỏ mặt tía tai giận dữ. Thấy tôi chỉ ôn tồn nói với mấy cô bé và nhắc các em khẩn trương hơn, thái độ có vẻ hòa bình, mấy ông cáu luôn với tôi “Này madam Thư, bạn không được hiền thế đâu nhé. Bọn này bậy quá, phải cho chúng nó một trận, ấm ớ là đi ngay khách sạn khác chứ!”. Tôi cũng sợ luôn, vì tuy đã làm việc với họ lâu lắm rồi, mà tôi chưa bao giờ chứng kiến sự nổi nóng điên cuồng của họ đến thế. Nhất là ông cố vấn trưởng, phải nói là mọi khi ông ấy hiền đến mức không thể hiền hơn, cực kì tình cảm, điềm đạm, mà nay ông ấy thành một người khác hẳn. Thì ra, họ quen với mọi sự nghiêm túc, có trách nhiệm và không thể tắc trách, đại khái, còn “quân ta” thì cứ phải từ từ, rồi thì cũng đổi phòng khác mà.
             Cho tới một lần sau đó chừng nửa năm, chúng tôi tới một khách sạn khác, cũng gặp phải tình trạng tương tự. Lần này, chưa cần để chuyên gia nổi nóng, tôi đã đỏ mặt tức giận và gay gắt yêu cầu khách sạn cho người đi sửa rồi. Và mặc dù không biết tiếng Việt, mấy ông chuyên gia vẫn hiểu tôi đang nói gì, rồi các ông ấy cười vừa hiền lành vừa dí dỏm bảo tôi “Hôm nay mới đúng là Madam Thư đây. Bạn đã thay đổi, theo chiều hướng đúng đó. Không thể hiền mãi được đâu!!!” Nghe vậy tôi hơi ngượng và buồn cười, chứ không lạ, vì tôi vẫn biết rất rõ cái mệnh “TÍCH LỊCH HỎA” của mình, có điều mọi khi thì tự kiềm chế, còn bây giờ “lây” tính mấy ông, nên tôi bùng phát tự nhiên, thế thôi.
              Mỗi lần đi công tác ở đâu, chuyên gia quen yêu cầu tôi đi với họ rồi và Sếp cũng quen cử tôi đi. Một số lớp đào tạo chuyên gia giảng, hoặc hội thảo tôi cũng được yêu cầu đi dịch trực tiếp. Ở lớp đào tạo thì không có vấn đề gì, đã là chuyên môn sâu thì tha hồ yêu cầu chuyên gia trình bày lại, giảng giải kĩ, học viên thầy giáo thoải mái tranh luận nhau cho ra nhẽ. Nhưng ở hội thảo, có khi tới hàng trăm người, thì tôi không bao giờ bị vấp váp khi dịch từ Việt sang Anh. Các lãnh đạo, các chuyên gia trong nước, cán bộ chuyên viên muốn nói trời nói đất gì (ý tôi muốn nói trong phạm vi chuyên môn của hội thảo thôi, chứ lanh tanh bành sang lĩnh vực khác, là tôi ngọng ngay!) tôi cũng dịch đuổi theo thoải mái, và không bao giờ cảm thấy lúng túng trục trặc. Nhưng khi nghe chuyên gia trình bày, tôi dịch Anh sang Việt, thì có lúc tôi bí, tai ù cả lên, không hiểu thật rõ ông ta nói gì. Với mạch đang bốc, và để khỏi mất thời gian, tôi cứ dịch ào đi để bắt đầu từ câu sau quay lại tự tin và làm chủ hơn. Nhớ lại, tôi thấy thông cảm với ai gặp sự cố trong khi dịch, chứ không phải bào chữa cho mình. Dịch ào thế là không đúng rồi, là sai rồi, nhưng thực sự tôi không bao giờ có ý coi thường người nghe cả. Và may là chuyên gia luôn hài lòng, nên tôi đỡ áy náy. Chỉ những bản báo cáo viết bằng tiếng Anh, tôi biết là mình viết còn kém lắm, nên tôi luôn đưa sản phẩm của mình nhờ chuyên gia sửa lỗi hộ rồi mới nộp đi. Qua đó, tôi học được nhiều hơn. Nhưng nhiều cũng chẳng ăn thua gì, bản chất là tôi viết kém, thế thôi. Ở Trung tâm, các em các cháu trẻ dần dần cũng tiến bộ nhiều về tiếng Anh vì có điều kiện làm việc trực tiếp với chuyên gia trong chuyên môn. Tuy nhiên, có những kĩ sư chương trình rất giỏi mà ngoại ngữ yếu thì thiệt thòi, vì muốn đi nước ngoài phải thi kiểm tra tiếng Anh. Tôi luôn khích lệ họ tránh mặc cảm, và phải mạnh dạn. Một lần tôi được các Sếp cử đi Úc. Tôi chưa tới Úc bao giờ, nhưng đã đề nghị cho một cậu đi thay. Nói bằng lời trực tiếp chưa ổn, tôi phải viết giấy chính thức, và động viên cậu tích cực lên. Kết quả là sau chuyến đi này, cậu thay đổi nhiều, sau được đi nữa không khó khăn gì. Dịp ra nước ngoài làm việc với bạn, tôi giao cho nhân viên tập dịch những đoạn nào đó để họ mạnh dạn tự tin hơn. Hoặc trong các hội thảo phần thảo luận, tôi khuyến khích các bạn trẻ đảm nhận một phần, cho quen. Tôi biết, tôi sẽ già đi, không ôm đồm, “đại tiện” mãi được.
               Năm 1998, anh Tự giám đốc, Lý - trưởng phòng kĩ thuật và tôi đi công tác tại Thụy điển và Pháp mười ngày theo dự án. Tôi làm phiên dịch. Thời gian ở Thụy Điển là chính. Nhớ lại ngày đầu tiên gặp gỡ, Sếp Thụy điển tiếp chúng tôi và ông cắm hai lá cờ nhỏ hai phía, quốc kì Thụy điển và Việt Nam. Ông nói ngậm miệng như người Anh vậy, nét mặt lạnh lùng khiến tôi cũng hoảng, sau dần dần thấy ông ấy rất khôi hài, nên bớt lo và thoải mái hơn.
Ngày nào chúng tôi cũng làm việc hai buổi, luân phiên qua một số đơn vị nghiệp vụ rồi làm kĩ với các đơn vị công nghệ thông tin. Giờ nghỉ giải lao, chúng tôi có thể vào phòng căng tin ở ngay cùng tầng, để uống sữa, cà phê, chè đủ loại, để ăn chút bánh ngọt hoàn toàn miễn phí. Ở đây họ tổ chức thế thật là tiện lợi, tiện cho bạn bè có thể ngồi với nhau chuyện trò vui vẻ, kể cả nhắn nhủ tâm tình trong chốc lát những việc cần và gấp gáp.
             Chỗ ở bạn bố trí cho chúng tôi thật dễ chịu, gần cơ quan. Chúng tôi có thể đi bộ thong thả trên những con đường ngập tràn lá vàng lá đỏ rơi bay xào xạc, trong một cảm giác yên bình. Đi đường, tới ngã tư đèn xanh đèn đỏ, người đi bộ bao giờ cũng được ưu tiên nhất. Nếu bạn đang phải dừng vì đèn đỏ mà lại muốn qua đường ngay, thì bạn nhấn nút ra hiệu, đèn đổi sang xanh ngay và bạn được như ý. Đi ở đâu, không có đèn hiệu giao thông thì bạn luôn được các loại xe dừng lại nhường đường để bạn đi trước. Thủ đô Stockholm đã ít người thì chớ, lại có tàu điện ngầm, nên mọi người như chui hết xuống đất, bỏ lại những con đường lớn vắng vẻ, sạch sẽ và yên tĩnh. Buổi tối, chúng tôi hay dạo chơi trên những con đường nhỏ lát đá lớn, dãy nhà hai bên xây thẳng tắp, những ngôi nhà có tới hơn trăm năm tuổi mà vẫn kiên cố, không bị thay đổi kể từ những con ốc vít ở cánh cửa tiếp xúc với mặt đường. Người Thụy điển mặc quần áo không đẹp, trông giản dị và thô, nhưng trang phục ấy lại khiến họ trông càng hiền từ hơn.
               Kì này sang đây, chúng tôi được hai chuyên gia (vốn cùng làm việc dài hạn ở trung tâm) dẫn về thăm gia đình của họ. Một ông có bố mẹ già sống với nhau tại một ngôi nhà rộng rãi và khuất nẻo thuộc thành phố Orebro. Hai ông bà già tình cảm lắm và thật mến khách. Bà vợ tự tay nấu ăn và làm bánh ga to rất ngon thết đãi chúng tôi. Mới gặp nhau chút ít mà bà đã nước mắt lưng tròng khi chia tay làm chúng tôi vô cùng cảm động. Một ông ở ngay tại thủ đô, căn hộ sạch sẽ ấm áp. Trong khi vợ ông đang ngồi hút thuốc lá và đọc báo thì ông tay dao tay thớt nấu ăn. Ông khoe với chúng tôi mọi việc nội trợ dọn dẹp nhà cửa nấu ăn đi chợ…ông làm hết, còn vợ thì được giải phóng. Ông cười nháy mắt nhìn vợ rồi lại nghiêm chỉnh nét mặt: “Tôi biết mà. Vợ tôi tạm được an nhàn thế, nhưng nay mai có con cái là khổ ngay, phải mang thai đẻ con nuôi con vất vả lắm. Ở nước tôi, các bạn biết đấy, bình đẳng giới đã ăn sâu vào tiềm thức của cánh đàn ông chúng tôi rồi”. Nghe vậy, tôi cũng lại nháy mắt nhìn hai ông bạn Tự và Lý của mình, nhắc họ về Việt Nam nhớ mà học tập chuyên gia liệu bề cư xử với các phu nhân của họ.
              Một lần, họ dẫn chúng tôi dạo quanh siêu thị lớn. Tôi loay hoay tra tìm giá định mua một cái máy hút bụi nho nhỏ. Tôi sáng mắt lên khi thấy nó quá rẻ. Chuyên gia tiến lại gần, xem tôi định mua gì, ông ấy nhìn một lát rồi cười và bảo, máy của Trung Quốc đấy, không phải của Thụy điển đâu. Mắt tôi liền cụp xuống, không dấu được nỗi thất vọng. Tôi hỏi bạn sao biết vậy trong khi tôi chưa tìm ra chữ nước nào sản xuất. Ông ta cười và bảo: “Chỉ nhìn giá là biết thôi!” Sau rồi, chúng tôi cũng chỉ ngắm nhìn cho biết chứ không mua được gì cả. Nhưng trước khi ra khỏi cửa hàng, tôi gắng tìm một thứ gì đó của Thụy điển để mang về làm kỉ niệm. Tìm lâu lắm, tôi mới nhặt một cái móc treo nhỏ gắn tường, vậy mà tốn tới hơn chục đô la. Khi tôi ra quầy trả tiền, ông bạn mới đi theo và cầm cái móc lên xem, xong ông ta tiếp tục cười và bảo tôi: “Cái móc này đúng là hàng Thụy Điển sản xuất, nhìn giá là tôi biết mà!!!” Tôi không dám kể là ở nhà tôi có hàng đống móc rồi, tôi cố chọn móc này để ghi dấu ấn tôi đã sang Thụy Điển, vì sợ ông ta lại vặn sao không tìm thứ gì khác làm kỉ niệm, chả lẽ lại bảo vì tốn tiền quá dù họ thừa hiểu mình là khó khăn và đời sống thấp rồi.
                 Không mấy khi có dịp sang Châu Âu, Giám đốc Tự nảy ý xong việc sẽ gọi điện hoặc Fax về báo cáo thủ trưởng cơ quan xin ở lại mấy ngày để du ngoạn Hà Lan, Ý…cho biết.Nhưng tôi cản lại, và nói với Sếp: “Nếu chúng ta là nhân viên thì còn có thể. Dù sao xin ở lại là “tiền trảm hậu tấu” rồi, tôi và anh ở trong ban giám đốc cùng với cậu Lý trưởng phòng mà rủ nhau ở lại thì thế nào ấy. Đó là chưa kể ở nhà bao nhiêu việc bận dồn vào mình anh Hòa. Giá như ý nghĩ này của anh có từ hồi chưa đi thì hay biết mấy, chúng ta sẽ báo cáo xin phép trước, may ra mọi người thông cảm mà duyệt thì có phải OK không. Tôi cũng hiểu đây là dịp hiếm có trong đời nhưng không khác được Sếp ạ”. Bây giờ nghĩ lại, đôi lúc tôi thấy ân hận vì không nghe theo sáng kiến của Sếp.
              Ở Thụy Điển là chính, chúng tôi chỉ sang Pháp làm việc một ngày liên tục với 7 nhóm chuyên môn từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối và ngủ một đêm tại Paris. Mệt phờ người nhưng tôi rất vui vì cũng biết qua thành phố diễm lệ này, nhưng chỉ nhìn cái bên ngoài của nó chứ không biết cái bên trong. Chúng tôi được dạo qua tháp Eiffen, chụp hình dưới chân chứ không dám đi lên đỉnh, vì tôi đang mệt choáng mà cậu Lý thì lại khuyên,”chị ơi thôi đừng lên cao em sợ chóng mặt lắm” nên thôi luôn. Chỉ khổ thân anh Tự, Sếp của chúng tôi thích lên quá cho biết, mà hai thằng cùng đoàn cứ ngang phè cản lại. Rồi đi qua nhà thờ Đức Bà, dạo bên bờ sông Seine thơ mộng, lòng vòng về khách sạn bụng đói meo, tôi phải chạy ra đường phố tìm mua ít cơm nóng, đùi gà quay cho mấy người dùng tạm.
              Chúng tôi thuê hai phòng khách sạn, tôi một phòng và hai ông tướng chung một phòng. Dạo ấy đúng vào dịp hội nghị gì nên khách đến Paris rất đông. Khách sạn trở nên khan hiếm. Chúng tôi nhờ cả chuyên gia bạn tìm hộ mà cũng khó khăn mãi mới ra được chỗ này còn sót lại. Phòng tôi là phòng quái quỉ gì mà là hình hộp tam giác bé tí chứ không phải hình hộp chữ nhật. Cái phòng hai ông bạn ở là phòng kho người ta mới dọn dẹp lại cho thuê tạm, chứ không còn phòng nào khác. Tất nhiên là với loại phòng giá tiền hình như thấp nhất 60 $ một đêm vào thời điểm đó, chứ nếu thả tiền ra hào phóng thì chắc cố tìm cũng có thể khá hơn. Chúng tôi chặc lưỡi thôi thì ngủ qua một đêm sáng mai đã về nước ấy mà. Đêm ấy, tôi ngủ chập chờn. Tôi quá mệt mỏi nên đầu đau như búa bổ, lại nơm nớp không dám ngủ sợ quên rồi ra sân bay bị trễ. Sáng sớm tinh mơ tôi đã dậy, không nằm nữa, xuống lễ tân báo họ cho ăn sáng trước giờ qui định, và chuẩn bị check out. Xong tôi lên tít tầng thượng, gõ cửa gọi hai anh em Tự và Lý. Mở cửa ra, tôi thấy cảnh tượng thật lạ lùng, cậu em Lý thì đang đi đi lại lại, mặt mũi bơ phờ, nói với tôi,”chị ơi muỗi đốt em ghê quá chị ạ”, rồi cậu ta chỉ vào hai ống chân (mặc quần soóc) với những nốt chấm đỏ dày đặc kinh hồn. Còn Tự, giám đốc của chúng tôi thì ngồi xổm trên giường, nét mặt hầm hố, tôi vào phòng mắt ông chẳng buồn đổi hướng nhìn sang tôi. Dưới sàn từ giường kéo ra vào cả trong toilet là lằng nhằng đám ga trải giường và chăn hoa bẩn bẩn cũ cũ. Tôi hỏi thì Lý trả lời thay là mấy cái đám ga chăn này hôi quá nên anh Tự bực mình ném xuống. Ha ha thì ra là vậy, tôi buồn cười quá nhưng không dám phá lên cười, vì bỗng nhiên thấy thương thương hai anh em. Tôi chỉ nói vui vui nhẹ nhàng, “ai bảo các ông không chịu khó mắc màn lên mà ngủ đại đi? (tôi trêu họ thế, chứ chỉ có tôi mới thủ từ nhà sang một cái màn đơn kè kè trong va li nên tôi thoát nạn đấy, tôi vốn không thể ngủ mà không có màn trong mọi trường hợp). Thôi thì đêm qua rồi, các ông đánh răng rửa mặt thu xếp hành lí và xuống ăn sáng đi kẻo trễ bây giờ. Mọi thứ đều thành kỉ niệm mà, bất luận vui buồn thú vị giận dỗi gì cũng đến thế thôi. Chúng ta đã có một đêm ở Paris tuyệt vời, theo cách rất riêng của mình. Đã chắc gì có ngày nào chúng ta trở lại nơi đây phải không?”
             Trong lúc hai anh em lục tục chuẩn bị, tôi xuống ăn sáng trước để còn giờ mà lo thanh toán, gọi xe rồi hai anh em xuống ăn sau. Trông thế thôi chứ vội ra phết, chúng tôi tất tả ra sân bay trở về với đất nước, gia đình mình, tuy còn nghèo nhưng hẳn là nơi thân thương hơn chốn phồn hoa diễm lệ không phải của mình này.
              Trở về, theo kế hoạch của dự án, chúng tôi phải chuẩn bị cho một đấu thầu quốc tế để chọn đơn vị cung ứng phần cứng phần mềm cho mạng máy tính toàn ngành. Khâu chuẩn bị tài liệu làm rất công phu. Phần tiếng Anh, tôi đưa chuyên gia tài liệu 25 trang qui định về hồ sơ thầu thì chuyên gia gửi đi bộ phận có trách nhiệm duyệt phản hồi về tới 7 trang góp ý tỉ mỉ, yêu cầu giải thích từng điểm li ti để họ thật hiểu nhất là những điều khoản phù hợp với điều kiện của nước mình. Chỉ sau khi trao đi đổi lại thật kĩ lưỡng giữa hai bên, sửa đi sửa lại cẩn thận, tài liệu mới trở thành chính thức phát hành. Mọi khâu chuẩn bị, mời thầu, mở thầu, chấm thầu,…đều được làm dưới sự giám sát và tham gia trực tiếp của chuyên gia kĩ thuật. Nhớ lại khi chấm thầu, hai công ty được chọn vào ngang tầm nhau rồi về tất cả các mặt, thì khâu cuối cùng là chuyên gia yêu cầu tháo máy mẫu, xem từng bộ phận bên trong, lập bảng kê đánh dấu, bộ phận ấy do nước nào sản xuất, đánh dấu cộng trừ , để cuối cùng chọn ra người thắng thầu. Chúng tôi rất cảm phục sự làm việc khách quan, vô tư và chặt chẽ nghiêm túc của họ. Vẫn chưa hết, đó là chuyên gia ở đây nhất trí, còn khi qua cơ quan kiểm toán, thì các biên bản phân tích chấm điểm được người có trách nhiệm gọi trao đổi hàng giờ qua điện thoại để chất vấn, và chúng tôi phải phối hợp với chuyên gia sở tại trả lời giải thích trực tiếp.
                Đến khi trúng thầu, công ty nọ có nhã ý bố trí một chuyến đi Singapore cho các lãnh đạo, sáu người. Thủ trưởng cơ quan và ban lãnh đạo chúng tôi thống nhất không đi mà đề nghị họ cho phép thay thế bằng một đoàn sáu trưởng phó phòng Trung tâm chưa được đi nước ngoài lần nào. Rất may công ty đã đồng ý, nhưng rồi họ lại tự thêm một xuất nữa “bắt” tôi phải đi cùng, mặc dầu người của họ đi kèm đã thạo tiếng Anh rồi. Thế là tôi lại được lên đường với anh chị em, và buổi tối trước khi đi, tôi chở con gái út trên đường về nhà bằng xe máy đỏ DD thì từ từ lao xuống ruộng vì quả dưa hấu mua nặng quá con ôm bị lệch. Hai mẹ con ngập chân xuống bùn lầy mãi mới kéo được xe lên, may cả hai không sao và hôm sau có chuyện vui mà phét lác với anh chị em. Chuyến đi rất vui vẻ, chỉ có ít tiền tiêu vặt nhưng mọi người được tham quan hãng máy tính, xem qui trình lắp ráp kiểm tra thiết bị, biết những đường phố sạch như li như lau với các hàng cây ngay ngắn tỉa tót y chang nhau từng chủng loại, biết Sentosa với những tiết mục biểu diễn trên sân khấu laser đặc sắc, những khu vực bảo tàng sống động lịch sử. Và chị em được một phen cười suýt vỡ bụng vì một đấng mày râu trong đoàn đêm ngủ ở khách sạn cứ ngang nhiên nằm lên trên tất cả bộ chăn ga gối đệm của họ rồi kêu lạnh quá trơ trọi quá không ngủ được!!!
              Ra về, tôi cứ bị ấn tượng mãi về môi trường sạch sẽ vệ sinh tuyệt vời của nước bạn, một “Thụy điển ở Châu Á” (có ai nói như vậy với tôi). Tôi lại ngậm ngùi đau sót nghĩ đến cảnh tượng cứ sau mỗi ngày lễ, ngày hội ở mình, to thì là Quốc khánh, bé thì là Trung thu, thôi thì các cháu học sinh sinh viên (lớp người có văn hóa hẳn hoi) ngồi bừa lên các bãi cỏ ven đại lộ hoặc công viên, ăn uống tùm lum rồi vứt đầy túi nilon, vỏ trái cây, vỏ hộp bánh kẹo…tanh bành không hề dọn dẹp, để các cô các chị nhân viên môi trường phải dọn hót đẩy đến vẹo người những xe rác cao ngất ngày đêm sau đó, để Hà Nội được hồi sinh phần nào trong ánh mắt của những ai còn đôi chút lòng tự trọng khi nhìn ngắm đất trời Thủ đô.

Công tác đoàn thể
               Ngoài công tác chuyên môn và tham gia công tác công đoàn ở trung tâm, tôi tham gia Thường vụ ban chấp hành công đoàn cơ quan, có thời gian làm trưởng ban nữ công cơ quan, rồi về sau lại là Phó ban vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành nữa. Nhưng làm những công việc này, nhất là khi làm báo cáo, tôi phải làm giấu giếm cứ như việc riêng không bằng. Tranh thủ lúc nghỉ trưa, hoặc nhất là trong giờ làm việc, bất chợt giám đốc mà sang phòng là tôi phải tắt phụt bản soạn thảo dở dang trên máy tính. Thực ra cũng chẳng phải Sếp ngăn cản gì, nhưng tôi cứ có cảm giác như Sếp không khoái tôi mất thì giờ về những việc này. Nhưng tôi mặc kệ, tôi chăm chú say sưa tổng kết từ những báo cáo của địa phương, có bao nhiêu chị em được vay vốn làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo, được đi học nâng cao trình độ, được đề bạt, được tăng lương và cảm thấy niềm vui tràn ngập. Nhưng lại chợt băn khoăn, cả địa phương cả chúng tôi ở trung ương, chả ai tổng kết xem có bao nhiêu chị em đi làm về cứ quần quật lăn lộn với đàn con với công việc không tên một mình mà ông chồng yêu quí chả bao giờ chia sẻ, vì nghiễm nhiên coi đó là việc của đàn bà! Có bao nhiêu chị em đau khổ âm thầm khi tuổi sang xế chiều, đức lang quân quên mất người vợ đã một đời hi sinh tất cả vì mình vì con, mải mê bỏ chạy theo những bóng hồng của thời hiện đại và tự vấn rằng đó là chạy theo tiếng gọi của trái tim(!) Là cứ nghĩ thế thôi, chứ tôi chả làm gì được, ngoài việc song sóc nhắc con trai, rằng vợ con cũng làm như con, con phải động tay động chân mà cùng chia sẻ việc nhà và quan tâm đến nó đấy nhé.
              Tôi đã tìm được nguồn động viên lớn chính là từ tập thể đoàn viên công đoàn nơi đang công tác, từ tập thể anh chị em trong ban chấp hành công đoàn và chị em trong ban nữ công cơ quan. Họ đã tiếp sức cho tôi và giúp tôi hiểu ra rằng những hoạt động công đoàn, có khi chỉ là ngồi với nhau tập văn nghệ, chuẩn bị cho một buổi biểu diễn hay sinh hoạt nội bộ cơ quan, nhưng chính nó lại là sợi dây vô hình gắn kết mọi người, khiến cho ai nấy đều dễ cởi mở cộng tác hợp tác với nhau làm chuyên môn cho tốt hơn, chứ không dè chừng, lạnh lùng, xa cách, cục bộ. Có khi chỉ một cái nhìn thương cảm, một cái nắm tay bạn trên giường bệnh, cũng đủ để người ta vượt qua được cơn đau, và ngồi dậy để ngày mai đứng lên đi tiếp.
              Nhưng làm công đoàn thì hay phải đi “xin”, xin đủ thứ. Có những cái xin được rất vui, có cái xin được thấy buồn. Tôi đã xin cơ quan cho chị em được đi du ngoạn một năm một lần vào ngày 8/3, tới di tích lịch sử, thắng cảnh nào đó, hoặc chùa chiền. Ban nữ công và ban vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp tổ chức, kinh phí xe cộ đi lại…cơ quan và công đoàn chịu, giờ làm việc vàng ngọc bị xâm phạm thì thủ trưởng lơ cho không khiển trách. Về sau, trở thành tiền lệ, cứ 8/3 là chị em lại nô nức lên đường, bỏ lại đằng sau tất cả những muộn phiền của cuộc đời thường nhật, và quên tạm chồng con! Đấy là niềm vui.
               Còn ở trung tâm, ngày 8/3 nào thì cũng thành lệ, công đoàn phải đi xin giám đốc chút ít, phát cho mỗi người dăm ba chục ngàn gì đó, gọi là để chị em từng phòng từng tổ rủ nhau đi “bù khú” ở đâu, hoặc để tự do thì chị em có người còn phải dùng tiền ấy mà tự mua hoa về nhà cắm cho đỡ tủi thân vì không may đức ông chồng thân yêu của mình mải việc, vô tâm, hoặc bận đi chúc mừng 8/3 cho các cô gái khác! Tôi vẫn hay làm công việc đi xin này. Nhưng có một lần, vào dịp 8 tháng 3, bỗng dưng tôi nổi cơn tự ái, tôi thầm nghĩ và nói với mấy chị em “cùng hội cùng thuyền”, tôi không xin nữa, tôi án binh bất động, xem thử các đấng nam nhi làm công tác quản lí có ý kiến gì không, có chủ động quan tâm gì không nào. Tôi hơi bốc đồng, và liều, bởi phải chi mấy đấng mày râu ấy lại quên luôn thì tôi thật mang tội với chị em. Nhưng thật may, giám đốc không thấy chị em lên tiếng gì, không lèo nhèo đệ trình bẩm báo gì, bèn thắc mắc hỏi tôi: “sắp đến 8/3 rồi sao không thấy các bà ý kiến gì nhỉ?”. Tôi cười đậm mà cố tỏ ra nhạt: “Cảm ơn ông. Là chúng tôi đang đợi các ông đây, chỉ khác là đợi trong im lặng thôi để nhường cho sự quan tâm của các ông động đậy…” Rõ là văn nghệ văn gừng quá. Kết quả là từ năm ấy, tôi viết giấy xin tiền thì xin ráo, cho cả đàn ông đàn bà mấy chục nghìn như nhau, để cho các ông có cái mà mua hoa về tặng vợ mình ở nhà nữa!!! Đấy là bất chợt manh nha một chút buồn, cái buồn rất phức tạp và “tạch tạch sè” của tôi chứ bản chất vẫn là niềm vui thôi, niềm vui thật giản dị. Và nói sao thì nói, chúng tôi - những đàn bà hiền dịu mà cũng rất ghê gớm này - vẫn phải cảm ơn các ông một cách thật lòng. Và để thể hiện tình đoàn kết gắn bó không chỉ trong công việc, tôi đã “lôi kéo”, luyện tập để TOÀN BỘ TRUNG TÂM đàn ông thì sơ mi trắng cổ thắt cà vạt (cả giám đốc nữa không trốn được), đàn bà áo dài quần trắng xuất hiện trên sân khấu lớn ở tổng hành dinh cơ quan, hai hàng từ dưới hội trường đi lên ào ào như thác đổ trước sự kinh ngạc và phấn khích của mọi người, cất cao lời ca tiếng hát rõ thật hoành tráng.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tự tình


Ta rơi vào mênh mông sâu thẳm
Đêm thầm thì nàng hát ta nghe
Con tim nào đắm đuối say mê
Để hồn thơ rung theo khúc nhạc

Thơ ơi thơ thoáng buồn man mác
Nhớ dịu dàng thơm ngát hương bay
Ta về đây vội vã tháng ngày
Nghe sâu lắng một trời kỷ niệm

Ta trở về không từ ước hẹn
Mà trở về từ chốn hư không
Nhưng hồn ta đọng mãi khôn cùng
Ân tình nàng vẫn còn nguyên vẹn

Ta biết nàng nỗi niềm e thẹn
Chờ cuộc tình thơ mộng ngày xưa
Ta bên nàng nàng sống trong mơ
Không cần nói chỉ thầm yên lặng

Đôi mắt ấy sáng bừng khát vọng
Đôi môi kia nàng khẽ run run
Trao cho ta lửa ấm tim nồng
Ta nghe tiếng từng hơi nàng thở

Ta bên nàng biển bờ sóng vỗ
Nhấn chìm nàng tập dắt nàng bơi
Ta ra đi không kịp một lời
Biển lắc đầu sóng thôi không dậy

Lão Bệnh Tử cuộc đời là vậy
Lão Bệnh chưa tìm vội thế sao
Chưa trọn kiếp đã chờ kiếp sau?
Ta không thể làm điều có thể!

Đêm hôm nay ta về lặng lẽ
Nghe bên ai tha thiết tiếng thơ
Nghe dặt dìu thương nhớ bài ca
Ta bùi ngùi thoát ra từ mạng

Trong cách xa nàng đang thầm lặng
Mang tên ta blog nhớ yêu
Nàng lang thang sớm tối trưa chiều
Tưởng tượng ta đang cùng sánh bước

Ta với nàng trọn lời thề ước
Sống với nhau đầu bạc răng long
Vũ trụ khôn cùng hiểu ta không
Hạt cát bụi của đời siêu thoát?

Tên ta nàng thiêng liêng thầm nhắc
Suốt cuộc đời vất vả sớm hôm
Đến hôm nay xế bóng hoàng hôn
Nàng vẫn vậy thủy chung như nhất

Dẫu cuộc đời chẳng còn khe khắt
Nàng vẫn trao tha thiết tình yêu
Như xưa không sớm nắng mưa chiều
Ta nói gì âm dương hai ngả???

Nàng với ta nàng là tất cả
Suốt đời này, mãi mãi thời gian
Xa nghìn trùng gần lại không gian
Ta có thể làm điều không thể…

7/2010
Hồ Minh Quang

KÝ ỨC ẢNH

Bố, năm chị em gái và em trai. KT đang khóc trên xe đẩy

Bố và KT 6 tuổi, 1952

Góc sân nhà chợ Trời, 1961, KT đứng thứ ba từ trái sang 

Me và năm chị em, 1953

Bố KT, không rõ năm chụp hình

Năm chị em, KT 4 tuổi , 1952 

KT bên trái, chị Thùy Trinh bên phải, 1954

Bố KT, không rõ năm chụp hình

Mẹ Tường Vân (mất năm 1950 khi KT hơn một tuổi)

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Si mê

Mộng mọi thời vẫn còn bay bổng
Mặc nhân tình thế thái hư vô
Cần chi ai đợi ai chờ
Cuộc đời ngắn lắm hững hờ mà chi

Bao nhiêu vẻ đẹp trần gian thế
Ta quay đi vẫn phải quay về
Gửi vào blog nỗi si mê
Rượu say người tỉnh hê hê vẫn TÌNH...

2/2013
Hồ Minh Quang

Hồi ký NMNC - Chương 15

CHƯƠNG 15.

ĐỨNG DẬY ĐI TIẾP

               Hết thời kì biệt phái cơ quan bạn, tôi trở về làm việc ở trung tâm bình thường. Chiếc xe máy cũ mua từ Ấn độ được bán nốt để trả nợ. Bù lại, tôi có xe máy mới, xe DD đỏ. Các bạn sang Liên Xô cùng chuyến với MQ đã bán hộ hàng, thu gom lại và Hoa đặt chiếc xe máy này từ Nhật gửi qua đường Nga về Hà Nội. Tôi giữ xe đó cho đến giờ, mặc dù nó cũ và hỏng. Nhiều khi, đang đi tự nhiên nó đứng sững giữa đường, rất nguy hiểm. Ai cũng bảo thay xe mới, nhưng tôi không chịu, vì muốn giữ kỉ niệm về MQ. Bây giờ sau nhiều lần đại tu trung tu, xe ổn và đi tạm được. Tôi cố dùng nó tới ngày già quá không đi xe máy thì thôi.
              Công việc ở Trung tâm, ngoài mảng xử lí số liệu, có những dự án do nước ngoài giúp, hoặc làm dịch vụ cho họ, nên tôi được làm việc với chuyên gia đến từ các nước: Nhật Bản, Chi Lê, Ấn độ, Bỉ, Đức, Anh, Braxin, Úc. Có lần, nhóm chúng tôi làm việc với một chuyên gia Chi Lê về xây dựng cơ sở dữ liệu. Anh ta trẻ lắm, có vợ và con còn nhỏ. Sang Việt Nam một tháng, ở nhà vợ dặn đi xa lạ nước lạ cái phải ăn uống cẩn thận, nên anh ta rất giữ gìn. Đầu tiên là tôi thuê một phòng tại khách sạn loại kha khá ngay gần Hồ Gươm, chứ không thuê loại thật sang sợ tốn cho anh ấy quá vì chuyên gia phải tự trả tiền. Hôm sau, đến làm việc, hỏi chuyện anh ta mới kể…”Ôi, đêm qua tôi không ngủ được, vì ở giường cứ có tiếng gì ran ran ken két đều đều, tôi gắng tưởng tượng đó là dàn hợp xướng của bao loại côn trùng giữa đêm khuya tĩnh lặng, nhưng không thể. Tôi ăn rất ít, vì thức ăn ở đây lạ quá, nên đêm đói bụng tôi trở dậy, dạo quanh khách sạn, chẳng có gì. Quay ra bật ti vi, cũng không có kênh nào ngoài các kênh tiếng Việt mà tôi tịt mít,…vậy đấy”. Tôi buồn cười , thương anh ta và cũng hoảng hồn, nên bảo sẽ đổi khách sạn. Anh ta mừng rỡ và nhân tiện, đề nghị tôi chọn dùm một khách sạn nào tốt nhất, bằng bất cứ giá nào. Vậy là ngã ngũ, anh ta chuyển tới Metropole. Và mọi chuyện yên ổn. Tuy nhiên, vì rất cẩn thận, mỗi khi bọn tôi đưa anh ta đi ăn trưa ở nơi nào đó để chiều làm việc luôn cho tiện, thì dứt khoát anh ta chỉ ăn một chén cơm trắng khói bốc nghi ngút, một khoanh thịt lợn thăn nạc luộc nóng hổi, một dúm muối trắng không trộn hạt tiêu hoặc bất cứ gia vị gì. Nên đến đâu chúng tôi cũng phải gọi nhà hàng đáp ứng thực đơn này thật nhanh. Còn dân Việt mình ăn gì thì ăn, không bao giờ mời được anh ta nếm dù chỉ một miếng rất nhỏ.
              Hết hạn, chuyên gia về nước. Trung tâm mua quà tặng. Đang nghĩ xem mua gì thì hôm ấy có lễ kỉ niệm 8/3, chúng tôi phấp phới áo dài quần trắng đi họp. Anh chàng trông chị em mặc trang phục truyền thống Việt Nam thích quá, nên bảo tôi: “Madam Thư, mua dùm em vải rồi may theo số đo của chị nhé để em mang về cho vợ em, chắc cô ấy thích lắm”. Vậy là ổn quá, tìm ra quà rồi. Tôi thương lượng anh chàng, sẽ may dài rộng hơn vì cô vợ hơn tôi những 7 kg, và cao hơn 5 cm! 
              Buổi trưa, trước khi ra sân bay, người chặn gặp nói với tôi lời tạm biệt, mặc dù đã có liên hoan cảm ơn chuyên gia cẩn thận rồi. Cậu bảo, “Thời gian trôi nhanh quá, em phải về rồi. Em cảm ơn chị thật nhiều vì chị chăm lo cho em rất chu đáo. Em xin phép được hôn má chị, bên nước em, đó là hôn kiểu bạn bè, đó là cách bày tỏ tình cảm và lòng quí mến của mình với bạn”. Rồi chẳng cần biết tôi nghệt ra lúng túng thế nào, cậu ta thơm lên má tôi và cười rất hiền. Tôi hơi hoảng, không phải là làm sao với cậu ta, mà chỉ sợ lỡ ai nhìn thấy, không hiểu thấy kì kì quá. Từ sau đó, tôi mới biết chuyện “hôn kiểu bạn bè”, đúng là già mà còn ngố thật!
             Một lần, có cậu thanh niên người Mỹ hai bằng cử nhân kinh tế, một ở Mỹ, một ở Nhật đến Trung tâm tôi xin gặp Sếp và muốn đặt vấn đề hợp tác xây dựng một dự án làm phần mềm và kinh doanh sản phẩm từ nó, trong đó mọi chi phí cậu chịu, còn trung tâm đầu tư lao động chất xám. Cậu chừng 28, 30 tuổi, con một của một nhà tư bản giầu có ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, cậu rời xa gia đình, xin phụ huynh cho học tiếp một bằng nữa ở Nhật, rồi sang Việt Nam để tự thử sức mình, và không muốn phụ thuộc bố mẹ nữa. Mặc bố mẹ can, cậu nhất quyết thực thi kế hoạch của mình. Và chẳng biết ai giới thiệu, cậu tìm đến cơ quan tôi.
              Cậu viết dự án cẩn thận lắm, xác định mục tiêu, tính toán đầu vào đầu ra, lập kế hoạch tiêu thụ sản phẩm thật chi tiết, rồi dự tính rủi ro. Chúng tôi chỉ góp ý được rất ít, và thầm cảm phục cậu được học hành bài bản, làm đâu ra đấy. Không chỉ có thế, cậu thuê hai luật sư Mỹ viết một hợp đồng 24 trang. Cậu bảo cậu không tự làm vì chuyện này quan trọng, cần người am hiểu luật, và hợp tác kinh doanh, viết. Thấy thế, tôi cũng chờn luôn. Tôi bảo cậu, tiếng Anh của tôi còn kém, văn phong và từ ngữ dùng trong hợp đồng thấy có vẻ cầu kì, khác lạ, nên tôi sẽ đọc kĩ và nói với cậu, tôi hiểu thế nào về những điều khoản trong hợp đồng, rồi cậu giải thích lại nếu tôi hiểu sai, hoặc chưa thật đầy đủ, chỉ tới khi nào cả hai thấy thống nhất thì tôi mới viết bản dịch trình Sếp tôi, và khoản nào Sếp không tán thành, muốn sửa đổi thì tôi trao đổi lại sau, nghĩa là phải mất thời gian chứ không qua loa được. Cậu đồng ý và vui vẻ lắm. Buổi trưa, tôi dẫn cậu đi ăn, thì cậu bảo ăn gì cũng được, không quan trọng, nhưng cậu muốn tôi dẫn đến hàng trứng vịt lộn để …xem mọi người ăn thế nào chứ không phải để cậu ăn, cậu tò mò muốn tìm hiểu những món ăn lạ của Việt nam!
             Có một lần, cậu hỏi tôi: “Madam Thư này! Liệu dự án hợp tác giữa hai bên, tôi và các bạn có thành hiện thực không?” Tôi thật thà và cũng chủ quan nữa nên trả lời ngay: “Thành hiện thực chứ! Nhưng sao cậu lại hỏi tôi thế?” Cậu lặng yên một lát rồi bảo: “Tại vì tôi có một người bạn thân sang đây trước tôi mấy năm, bạn tôi làm ở lĩnh vực khác, không phải công nghệ thông tin, nhưng bạn ấy bảo tôi là, hãy cẩn thận, vì ở đây cái gì người ta cũng OK mà rồi chẳng OK cái gì cả!”. Nghe vậy, tôi buồn cười, nhưng rồi cũng chột dạ, nên chỉ khẳng định lại qua qua xong lảng sang chuyện khác. Hôm sau, quả nhiên, khi gần đến đích của việc kí tá hai bên thì cậu ta lại hỏi thêm cái gì đó cho chắc, thế là Sếp tôi nổi cáu, và bảo “Thôi dẹp đi chị ạ, cái thằng này trẻ con mà lắm chuyện, dự án bé tí tẹo đầu tư có đáng bao nhiêu mà nó căn vặn mình đủ thứ, hợp đồng thì cầu kì tràng giang đại hải mấy chục trang rối rắm. Chị bảo nó là thôi, chúng tao không hợp tác nữa. Mình phải để thì giờ làm chuyện khác thì hơn” Tôi cũng choáng, nhưng không thuyết phục được Sếp.
                Tôi mua vé xem kịch ở nhà hát mời cậu đi cho biết, và để có lí do mà chuyện trò dông dài. Mãi rồi tôi mới lựa lời nói với cậu về cái tin “dữ” vừa kể. Thật tình tôi xấu hổ và ngượng với cậu lắm. Tất nhiên tôi phải nói lái đi nhẹ nhàng, và xin lỗi cậu, nhưng kiểu gì thì kết cục vẫn là chấm dứt. Cậu không khỏi ngạc nhiên, rất buồn, rồi cố trấn tĩnh lại, cậu động viên tôi. Cậu cảm ơn tôi vì nhiệt tình làm việc với cậu thời gian qua nhưng cậu dở khóc dở cười nhắc lại một lần nữa kinh nghiệm của người bạn thân truyền cho. Tôi nghe cậu nói, không dám khóc chẳng dám cười, chỉ im lặng. Tôi thương cậu, chứ chắc cậu chẳng cần thương tôi, vì qua công việc này, tôi đã học được từ cậu cách làm việc cẩn thận, kĩ lưỡng, và không thể quá tin ngay khi chẳng có gì khiến ta nghi ngờ được!



Một vụ kỉ luật
           Ở Trung tâm, tôi là chủ tịch công đoàn. Cùng với ban chấp hành và các tổ trưởng, tôi chịu khó “đấu tranh” với các Sếp để người lao động được hưởng quyền lợi, được tăng lương, được chia thưởng, đi nghỉ mát v. v…Nói là “đấu tranh” cho vui thôi, chứ thực ra các Sếp không “kẹt xỉ”. Mỗi lần tôi thay mặt anh chị em lên trình bày đề nghị thì Sếp giám đốc lại cười hể hả, chấp nhận chẳng khó khăn gì, thậm chí còn tự đề ra quy định mới có lợi cho nhân viên. Khí thế làm việc trong Trung tâm sôi nổi, cuộc sống được cải thiện rõ ràng.
            Đang vui vẻ phấn khởi thì xảy ra chuyện. Có đơn tố cáo gì ấy nên người ta thanh tra tài chính Trung tâm. Các chứng từ kế toán được rà soát cẩn thận, có chứng từ kế toán trưởng không kí, để ban giám đốc tự quyết đơn phương, có nghi vấn về danh sách chi tiền không có người kí nhận. Lâu nay chỉ mải làm, tôi không biết chuyện gì cả. Cá nhân mình, tôi thấy ban giám đốc thật dễ chịu. Các anh ấy tôn trọng nhân viên, giao việc bàn bạc kĩ lưỡng, luôn động viên về cả vật chất và tinh thần.Vật chất thì không nhiều, nhưng đủ để nhân viên cảm nhận rõ sự quan tâm của lãnh đạo. Ở đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, các Sếp rất năng động tìm việc làm, chấp nhận kiến nghị của công đoàn để cải thiện dần đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, thế là tốt rồi. Tôi thấy rõ, thời gian này Trung tâm làm ăn thịnh vượng nhất, và vai trò của ban lãnh đạo là không thể nào phủ nhận được. Nhưng bây giờ xảy ra chuyện gì rồi đây? Tôi không cảm thấy nghiêm trọng, theo như kết quả thanh tra. Có một bản kê tiền bồi dưỡng cho các đối tác, ngoại giao ông nọ bà kia, tên tuổi thì có mà kí nhận thì không. Nhưng không nhiều, chỉ mấy chục triệu đồng trong khi công việc được triển khai theo nhiều mảng, mang lại doanh thu rất lớn cho Trung tâm. Rồi cả việc Trung tâm có chút quà biếu các lãnh đạo ở chính cơ quan quản lí mình vào dịp lễ tết nữa. Thôi thì các Sếp phải làm những gì có Trời biết được để cho chứng từ ổn thỏa! Trong thời buổi cơ chế chính sách chưa ổn, việc vận dụng chế độ tài chính theo kiểu “vượt rào” nhiều dạng lắm thành ra, sờ đến ai thì người ấy chết là vậy, trên đe dưới búa là vậy.
             Trong quá trình thanh tra, một lần tôi được thủ trưởng cơ quan - anh Lê - gọi lên để tìm hiểu tình hình. Tuy không mấy khi tiếp xúc trao đổi, nhưng anh có vẻ tin tôi. Đây cũng là vị thủ trưởng có lần nhắn anh Trung bảo tôi đến nhà nói chuyện. Ông có ý đưa tôi làm phó giám đốc và điều động anh Trung về làm giám đốc thay cho bộ sậu đương nhiệm. Khi ấy tôi trả lời luôn anh Trung rằng tôi chỉ muốn làm chuyên môn, nếu cơ quan nhất định điều anh Trung làm Giám đốc thì sử dụng ngay người trong ban giám đốc cũ làm phó giám đốc, sao phải dùng tôi? Rồi tôi hỏi ý kiến MQ. MQ bảo không phải đến nhà, cứ xin gặp tại cơ quan, nơi làm việc là được rồi. Tôi thấy MQ nói phải, nhưng sợ thủ trưởng khó thông cảm, nên dấu MQ, tôi lại tìm đường đến một mình, không báo trước. Rất “may”, thủ trưởng vắng nhà, tôi thăm gia đình một lát rồi cáo lui.
             Bây giờ thì tôi đang ngồi tại phòng thủ trưởng đây. Anh than phiền ban giám đốc Trung tâm tệ thật, làm một danh sách dài ông thứ trưởng nọ, bà vụ trưởng kia nhận quà biếu, chả biết đằng nào mà lần. Tôi thật thà hỏi lại thủ trưởng:
- Ơ… thưa anh… khi triển khai công việc, các anh chị ấy có những đóng góp, Trung tâm bồi dưỡng thì sao ạ? Bây giờ cần kiểm tra lại thì có thể gặp những người ấy để xác minh mà.
Thủ trưởng khoát tay không nói gì. Tôi vẫn tiếp mạch suy nghĩ dở:
- Nếu là em, ai đưa bồi dưỡng cho em rồi, thì bất cứ khi nào cần, em sẽ nhận ngay chứ có gì đâu, vì sự thực là thế mà! Anh thử nghĩ xem ạ, với anh cũng vậy, em giả sử có đơn vị nào biếu anh vài ba trăm nghìn chẳng hạn, anh nhận mà họ không yêu cầu anh kí nhận, khi có chuyện gì đấy người ta muốn hỏi lại anh, chả lẽ anh lại bảo anh không nhận, anh không biết gì về việc đó hay sao? Thế chẳng hóa ra nhân viên được Sếp họ giao đi biếu quà đã lấy số tiền này ạ?
- Cô chả hiểu cái gì cả, thôi không nói chuyện này nữa.
- ?!?
Thủ trưởng hỏi sang công việc ở Trung tâm, chuyện về tôi. Tôi nhắc lại quan điểm của mình, thật thoải mái.
              Ít lâu sau, tôi nhận được giấy mời họp hội đồng xét kỉ luật ban giám đốc. Tôi không nhớ chính xác hôm đó có bao nhiêu người họp hội đồng, đại loại là đủ Lãnh đạo, Tổ chức, Đảng, Công đoàn…cơ quan, riêng Trung tâm, chỉ có mình tôi. Sau khi nghe kết luận về sai phạm ở Trung tâm, hội đồng biểu quyết hình thức kỉ luật, đó là cách chức toàn bộ ban giám đốc, mức độ nặng nhất của xử lí nội bộ. Phần phát biểu ý kiến, tôi phân tích toàn cảnh, những sai sót và những đóng góp, thành tích của ban giám đốc, những khó khăn trong thực tế…từng người một, và đề nghị nếu có kỉ luật thì ở mức độ thấp. Tôi bày tỏ ý kiến cá nhân, chứ không dám đại diện cho ai cả. Đến phần biểu quyết, tất cả hội đồng giơ tay đồng ý với thủ trưởng, chỉ mình tôi không giơ tay. Hỏi tiếp ai không đồng ý thì một mình tôi giơ tay. Tất nhiên, một là thiểu số, không có tác dụng gì, nhưng lương tâm và nhận thức của tôi là thế, tôi không làm khác được, mặc dầu tôi thấy thủ trưởng đỏ mặt lên rồi.
               Tôi ra về, thật buồn. Có thể tôi không đủ thông tin. Tôi luyến tiếc những ngày qua, những ngày Trung tâm làm việc với khí thế hừng hực, với những trăn trở lo toan của Ban Giám đốc mà tôi cảm nhận được. Trong ban giám đốc thì phó  giám đốc Ba là xuất sắc hơn cả. Tuy nhiên, anh ấy hay định kiến với người yếu chuyên môn, với chị em công nhân lao động giản đơn, đôi khi đối xử còn hơi “ác” nữa. Tôi quí và tôn trọng Ba, nhưng không thân. Tôi hay bênh vực chị em bị Ba ghét, đôi khi còn cãi nhau to tiếng với Ba nữa, nhưng xong là thôi, tôi không để bụng, và chắc Ba cũng vậy. Ba vốn học cùng trường cùng khoa với tôi, sau ba khóa. Giám đốc thì học ở Liên Xô cùng với trưởng phòng Quy của tôi ngày xưa; lúc nào giám đốc cũng nghiêm trang, hay cười tủm tỉm, luôn tôn trọng ý kiến các Phó giám đốc khi cần quyết một điều gì lớn. Một phó giám đốc nữa là kĩ sư về kỹ thuật; anh xốc vác, vì mọi người nhưng đôi khi nóng nảy. Tôi không thân với ai cả, chỉ tiếp xúc qua công việc, chưa bao giờ tâm sự riêng. Nhưng lúc này, bỗng nhiên tôi cảm thấy thân hơn với họ. Trong quá trình thanh tra, tôi vẫn qua lại phòng lãnh đạo, không làm được gì để động viên, nhưng tôi nghĩ họ cần sự có mặt của các nhân viên dưới quyền. Các anh ấy không kể lể, thanh minh gì nhiều với tôi, vì biết vốn xưa nay tôi chỉ lo làm chuyên môn thôi, không hiểu biết và quan tâm đến chuyện tài chính, thu chi, quan hệ thế nào.
               Trung tâm ngập tràn bầu không khí căng thẳng, người bênh vực các anh ấy, người thì thở phào sung sướng khi nghe tin kỉ luật. Tôi cảm thấy lòng dạ chẳng yên, nỗi buồn MQ chưa kịp vơi thì bây giờ lại não lòng vì chuyện cơ quan. Trước tình hình ấy, tôi không tránh xa, mà đã gần lại thêm với Ban giám đốc, vì tôi nghĩ, dù họ có sai lầm khuyết điểm thì hãy nhìn họ bằng con mắt của những người bạn, người đồng chí chứ không thể xa lánh.
            Mỗi người đều có nhận thức và cách nhìn riêng. Với Ba, tôi cảm thấy rất tiếc và buồn nếu anh ấy chưa được giữ trách nhiệm thật lớn về mảng công nghệ thông tin, và bất bình nếu Ba phải ra đi. Tôi biết rõ một vài nhược điểm của Ba, nhưng tôi không thể nói khác được, tôi đánh giá rất cao năng lực và những đóng góp thực sự có hiệu quả của Ba, cho Trung tâm này nói riêng, và cho cả cơ quan, cho toàn ngành nói chung. Ba có khả năng tuyệt vời trong tổ chức và triển khai công việc, lại thông minh và táo bạo trong giải quyết sự việc. Tôi từng nói với cấp trên hãy dám sử dụng Ba như sử dụng một con dao sắc chứ đừng ngại ngần và thù ghét anh ta.
              Với tôi, không biết anh Lê nghĩ sao, khi tôi luôn là người bênh vực và ca ngợi Ba. Còn anh Trung có tự ái gì không khi tôi khuyên anh hãy hợp tác với Ba, chứ đừng nghĩ rằng tôi làm tốt hơn, bằng không thì “Hãy để cho họ yên!”.
             Tôi đã có 25 năm làm việc tại cơ quan này, đã chứng kiến và trải qua những cảm giác đau sót về những chuyển thể, giải thể đơn vị mà không có thời gian để ghi lại, nhưng quả thực chưa bao giờ tôi bị tác động mạnh như lần này. Trong suốt 25 năm ấy, tôi chỉ là một nhân viên bình thường, và được các lãnh đạo quí mến, tin cậy, không phải vì bất cứ mối liên hệ cá nhân nào, mà là sự chân thành, là trách nhiệm với công việc và tập thể mà MQ đã truyền cho tôi từ thuở còn ngồi ghế nhà trường. Vòng đời cứ quay, và đôi khi, tôi cảm thấy hình như cái cao đẹp ở đời không hẳn được giữ gìn và bảo vệ. Một số người có chức quyền đôi khi lại nhân danh này nọ để làm những điều vì động cơ cá nhân nào đó. Lúc ấy, tôi chỉ cảm thấy ngậm ngùi và thương sót cho thế hệ mai sau. Tôi luôn gò mình giữ cho trọn những gì thật tốt đẹp và trong sáng mà MQ đã hướng cho tôi đi cùng anh trong cuộc đời giản dị và không mấy khi bình lặng này. Giờ đây, MQ ra đi để lại mình tôi với những ưu tư không biết nói cùng ai. Nếu chỉ vì tôi, thì thực ra con đường phía trước đang rộng mở. Có thể thủ trưởng, tổ chức sẽ đề bạt tôi, nhưng như thế đâu có vui gì, khi phải chứng kiến sự ra đi của ban giám đốc như thế này. Vả lại, tôi cũng không đến nỗi ngây thơ để không biết rằng, vừa qua, vì sao mọi người ở đây tín nhiệm tôi. Còn một khi thực sự tôi lại ở cương vị lãnh đạo, thì tôi đâu có tài giỏi gì để mang lại cho họ cuộc sống ổn định và ngày càng cải thiện trong điều kiện kinh tế – xã hội đang còn khó khăn.Và rồi sự thể không biết sẽ đi tới đâu, trong khi chỉ mới đối đầu với cuộc sống riêng bản thân mình hiện tại, tôi đã thấy bất lực lắm rồi.
            Phải thú thực rằng, trong suốt hai năm qua, từ khi MQ mất, tôi đã làm việc quen như một cái máy. Không ai khác ngoài Ba có thể mang đến cho tôi những niềm vui sâu sắc và sự say mê công việc để tôi có thể vơi đi phần nào những day dứt và nỗi đau mất MQ. Bỗng nhiên, mọi thứ xảy ra, tôi ngơ ngác và một tâm trạng chán chường lại trỗi dậy. Có lẽ nào tôi cũng phải từ biệt cơ quan này mà đi chăng, tôi sẽ phải quên đi chặng đường dài trên 25 năm đã sống và phục vụ nó với bao tâm huyết và sự nhẫn nại đến không ngờ, với một tâm trạng cố thủ không bao giờ muốn thay đổi, dù rằng những đổi thay có thể tốt hơn cho cuộc đời mình. Cả một thời tuổi trẻ tràn trề tình yêu cách mạng dù có hơi ngây thơ nhưng vẫn là những gì tốt đẹp của quá khứ mà MQ đã khắc đậm trong tôi nay cũng để nó trôi đi luôn với anh ư? Tôi biết nói gì cùng ai trong lúc này? Tôi muốn an ủi họ, nhưng cái vẻ bên ngoài cứng rắn giả tạo của tôi hình như không cho phép tôi thể hiện. Tôi muốn nói với  anh Lê tâm trạng của tôi về Ba, rằng: ”Tôi hi vọng anh hãy tin tôi, hãy nhìn sâu hơn toàn diện hơn, hãy dùng quyền của chính mình để giữ Ba lại ở cương vị mà Ba hoàn toàn xứng đáng, chứ không phải để giữ tôi lại vì sự nghiệp của ngành. Tôi muốn anh hiểu, chúng tôi dù không chức không quyền vẫn luôn lo lắng trăn trở với công việc. Và tôi thành thực xin lỗi anh Lê, nếu như ý niệm này có gì phạm thượng. Tôi chỉ nói đúng tiếng nói của lòng mình, không bị một áp lực nào cả. Có thể người học Toán chúng tôi quen nghĩ suy kiểu Toán, thích mổ xẻ rõ ràng và thích cái gì cũng sòng phẳng cứng rắn kiểu Toán mà không thể khéo léo mềm mỏng được, nên đôi khi sự bày tỏ quan điểm của mình cũng “cưa đứt đục suốt” quá chăng. Nhưng xét cho cùng, tôi không thể không tin anh được anh Lê ạ, bởi chính anh là nhà khoa học hơn ai hết trong cơ quan này, và anh là lớp rất đàn anh của chúng tôi, thì sao tôi lại không dám bày tỏ với anh mọi tâm tư của mình. Xin anh hãy hiểu cho, lòng tự trọng buộc tôi phải nói rõ quan điểm của mình mà không ngại anh sẽ đánh giá thế này thế nọ. Còn nếu như những điều này lại làm giảm bớt chút lòng tin lâu nay anh có với tôi, thì tôi cũng chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng, nhưng lòng tôi yên ổn”.
               Tâm sự là thế, nhưng chưa kịp xin gặp thủ trưởng nói gì thì đã xong rồi, cái chuyện hội đồng kỉ luật và kết luận kỉ luật. Vậy là cả ba anh trong ban giám đốc đều chuyển đi. Cơ quan đưa anh Tự, từ lãnh đao một Vụ nghiệp vụ về làm giám đốc trung tâm, đồng thời bổ nhiệm tôi và Hòa (nghiên cứu sinh từ Nga về) làm phó giám đốc, sau khi lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ nhân viên. Lúc đầu tôi từ chối, nhưng sau cùng phải nhận. Một người bạn gọi điện kể lại thủ trưởng than phiền với chị ấy rằng “chịu, không hiểu được sao cô Thư lại chống đối tôi đến thế”. Khổ thân tôi, tôi có chống đối anh ấy đâu, tôi chỉ có ý kiến trái chiều khi thấy không thể đồng thuận được thôi mà.


Đảm nhận
                 Tôi được phân công phụ trách Đối ngoại, Đào tạo và Xử lí thông tin. Anh Tự từ nghiệp vụ chuyển sang, ít biết về chuyên môn máy tính nhưng vững vàng về quản lí kinh tế, và tập hợp được anh chị em, nên công việc dần đi vào ổn định. Chúng tôi đoàn kết, hỗ trợ nhau, vì công việc chung. Ba mảng tôi phụ trách, công việc đều phù hợp, nên tôi thoải mái, làm nhiệt tình, có trách nhiệm và quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người.
              Với quan hệ quốc tế, tôi quen việc từ trước, nay cứ thế mà phát huy, chỉ khác là trước đây có Ba lo hết. Ba sử dụng được tiếng Anh, tôi chỉ thực thi cụ thể nhiệm vụ Sếp giao, nên nhàn hơn. Khi làm việc với người nước ngoài, Ba cũng vui tính và khôi hài lắm. Ba bảo tôi “đấy chị xem, cái ông chuyên gia Liên hiệp quốc người Ấn độ, xét cho cùng, tiếng Anh còn kém lắm, kém hơn mình”. Tôi đang ngẩn người không hiểu Ba nói thế là sao, vì ông này rất giỏi, còn hay mắng người khác dưới quyền ông ấy về tội sang Việt Nam làm chuyên gia mà tiếng Anh yếu kém đủ kiểu cơ mà? Ba cười tưng tửng: “Này nhé, ông ta nói cái gì thì mình đều hiểu cả, nhưng mình nói thì ông ta không hiểu, cứ phải hỏi lại, thế chẳng kém hơn mình là gì?” Vỡ nhẽ, tôi phì  cười, và lúc ấy có buồn nẫu ruột ra cũng phải cười, nhưng bây giờ thì không có Ba nữa. Anh ấy chuyển sang cơ quan khác rồi. Và với tư chất thông minh, năng lực đầy sáng tạo, năng động dám nghĩ dám làm, Ba rất thành đạt trong cương vị chủ chốt của ngành khác, cống hiến hết mình thậm chí có đóng góp nhiều trong sự thay đổi về chất của ngành này.
               Với mảng đào tạo, tôi tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu và biên tập chúng dùng cho các khóa tập huấn. Có nhiều loại hình: đào tạo nội bộ cơ quan, đào tạo người chủ chốt ở các tỉnh thành phố về sử dụng mạng và truyền tin, đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ lập trình, hệ điều hành, hệ cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên dụng với đặc thù của ngành; đào tạo về xử lí thông tin các tổng điều tra cho các trung tâm vùng hoặc địa phương tham gia xử lí. Sau những đợt tập huấn dài ngày, triệu tập học viên từ địa phương, thường có liên hoan chia tay. Tôi không uống được bia rượu (vì dễ dị ứng), nhưng để hòa đồng, tôi lẻn đổi sang trà đá, màu của chúng vàng vàng giống nhau, thế là chúc uống lia lịa, ai cũng phải chờn. Tới khi mời mấy anh chị đến nhà chơi, nhâm nhi uống bia thì bí mật gian giảo kia của tôi mới bị lộ, nhưng sự đã rồi, chả ai làm gì được, tôi thì chỉ cười trừ! Cười vậy thôi, chứ nhiều buổi liên hoan, đang vui thì tôi lại ngồi đần mặt ra và khóc lặng một mình, rồi phải cố che mà có dấu được đâu. Chả là vì tôi nghe học viên ở miền Nam miền Trung ra, nói tiếng giống chồng tôi ngày trước, nên tôi buồn và nhớ thế thôi. Rõ tuổi thì cao rồi, gần 50 đến nơi, mà ấm ớ như con nít. Bây giờ viết sách tôi mới thổ lộ, chứ ngày ấy thì mọi người chịu chết chả hiểu ra làm sao.
                Với mảng xử lí thông tin, cần tổ chức chuẩn bị số liệu, nhập tin vào máy, và chạy tổng hợp kết quả. Làm điều tra chọn mẫu thì ít phiếu, đỡ vất vả hơn, nhưng với tổng điều tra thì khối lượng phiếu rất lớn. Thời vào Đà Nẵng, chúng tôi phải thuê một kho rất lớn, làm các giá đỡ xếp phiếu theo đơn vị hành chính, rồi có kho trung gian, xử lí đến đâu (chương trình kiểm tra báo lỗi) thì lục tìm tra cứu hồ sơ gốc sửa sai đến đấy. Nhưng ở Trung tâm hiện tại, mặt bằng có hạn, nên việc cất giữ, chuẩn bị phiếu trước khi đưa vào máy cực hơn. Đa phần chị em đảm nhận công việc này, và thường bị định kiến là nhàn, là hay tán chuyện, nhưng nếu làm cùng thì mới thấy quả thực có lúc họ nhàn, nhưng nhiều lúc vất vả lắm chứ. Hàng đống tài liệu để trong những gian phòng chật chội, bới lên tìm xuống mang vác nặng nề, nóng điên người, rồi phải bơm thuốc chống mối, sặc sụa. Những khi cần lục tìm phiếu đã chuyển sang kho khác, trời nắng như đổ lửa, toàn chân yếu tay mềm mà cứ hùng hục mang vác, phân loại, sắp xếp, mồ hôi chảy ròng ròng. Tôi phụ trách mảng này nên thị sát và thông cảm hơn. Bởi vậy mới có lần, tôi trình bày với anh Tự đề nghị quan tâm đến chị em, bị Sếp phản đối, phàn nàn gì đó, thế là bỗng dưng tôi nổi điên lên, tôi quát ầm ầm, tay đập xuống bàn một cách giận dữ và thô lỗ, rồi gần như hét lên trong gian phòng nhỏ. Có lẽ đấy là lần đầu tiên và duy nhất trong đời công tác tôi nóng nảy đến thế, chứ ngày trước cãi nhau với Ba cũng chẳng ăn thua gì. Ngay sau đó, tôi hiện nguyên hình với nỗi bất lực đến tận cùng và chỉ còn “tung chưởng” cuối cùng là khóc. Tôi khóc tự nhiên thế thôi, chứ chẳng phải dùng khóc làm vũ khí của đàn bà trong cái công sở này. Chỉ những lúc như thế tôi mới tự hiểu, mệnh của mình “TÍCH LỊCH HỎA” là như thế nào. Đấy là những lúc đặc biệt, còn nhìn chung, tôi ôn hòa với Sếp, bởi thầm cảm phục Sếp từ nơi khác đến mà hội nhập được nhanh chóng với môi trường mới, quản lí vững vàng, giữ được những nguyên tắc đồng thời rất có tâm, có tình, lãnh đạo trung tâm phát triển và phục vụ tốt cho ngành ở thời kì có những đổi thay lớn về công nghệ.
            Chuẩn bị số liệu thì như vậy, đến khi nhập tin trên máy lại khổ theo kiểu khác. Vì làm theo năng suất, chất lượng nên các em các cháu phải ngồi lì, xin lỗi chẳng dám đi tiểu nữa. Các cháu trẻ thì có thể vì tiền lương, nhưng mấy em lớn tuổi nhiều khi chẳng phải vì tiền, mà vì ngại xấu hổ mình làm được ít quá, sợ các Sếp kêu, nên cứ cố. Trong khi nhập, chương trình kiểm tra báo lỗi số học và logic thường xuyên nên nhân viên phải nhìn lại phiếu gốc để xem xét sửa lỗi. Có lần, các em phát hiện thấy tổng nào cũng chênh với cộng các chi tiết, không có số nhớ sang cột bên cạnh khi cộng, ví dụ 324 cộng với 927 thì phiếu chỉ ghi phần tổng là 241, trong khi cộng tự động bằng chương trình là 1251. Mà không phải chỉ một phiếu sai, tất cả đều sai thế. Đến khi tìm hiểu ra, hỏi lại đơn vị điều tra mới nghe mấy anh chị nghiệp vụ của tỉnh phản ánh, đây là phiếu của một vùng miền núi, người dân tộc làm, khi bị chất vấn sao cộng không có số nhớ, thì họ trả lời rất hồn nhiên “Bao lâu nay, có đứa nào dạy tao là cộng thì phải nhớ sang bên cạnh đâu hả?” Vậy là chịu rồi, đành cười ra nước mắt!
                Đó là nói về xử lí thông tin với các điều tra, tổng điều tra để thực hiện “nhiệm vụ chính trị”. Còn dịch vụ cho các cơ quan, chúng tôi làm thêm một mảng lớn là tính lương người nghỉ hưu (Bảo hiểm Xã hội) và các đối tượng có công (Thương binh Xã hội) cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Công việc này không phải lật lên lật xuống khối lượng tài liệu khổng lồ, nhưng đòi hỏi chính xác tuyệt đối, và thời gian hoàn thành hàng tháng không được chậm trễ. Về sau, khi các cơ quan bạn có đủ người và trang thiết bị có thể tự làm, trung tâm tôi tập trung cho xử lí thông tin trong ngành.
                Tôi được giao phụ trách mấy khối công việc như thế, tôi chỉ biết chăm lo vào chuyên môn, còn quản lí thì làm đại đi theo cảm tính, theo hiểu biết, trên nền tảng cái tâm cái đức của mình, chứ tôi có được đào tạo bồi dưỡng gì về quản lí đâu, có kiến thức gì về kinh tế đâu. Mãi sau này, tôi mới được học lớp chính trị trung cao cấp hai tháng của Học viện Hành chính Quốc gia về mở tại cơ quan, gọi là có, mà là “chính trị” chứ không phải “kinh tế”. May mà có Giám đốc đứng mũi chịu sào rồi. Có điều, tôi tự xác định, nếu xảy ra lỗi lầm gì bị bắt bẻ bị khiển trách về bất cứ phương diện nào thì tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho giám đốc, thế thôi.
                Con gái tôi đến kì làm luận văn tốt nghiệp. Hoa muốn về làm mấy tháng trong nước, để được gần mẹ và gia đình, nên nói với tôi xin cho về thực tập làm luận văn tại Trung tâm tôi đang làm việc. Tôi xin phép Sếp, và được chấp nhận. Gọi là thực tập làm tại Trung tâm, chứ Hoa không làm phiền ai cả, ngoài việc nhờ mượn một cái máy để tự làm một cơ sở dữ liệu phục vụ cho luận văn. Có chăng, thi thoảng Hoa hỏi anh kĩ sư chương trình giỏi ngồi gần đó vài điều cụ thể và anh đã giúp nhiệt tình, vậy thôi.
               Xong đợt này, con tôi trở lại Liên Xô bảo vệ luận văn và thi tốt nghiệp. Khi bố MQ còn, Hoa dự định xin học tiếp, hoặc kiếm việc làm ở bên đó một thời gian, nhưng khi bố mất, Hoa thay đổi hẳn dự định. Hoa thấy cần về nước với tôi và các em. Tôi đã viết thư bảo cháu, “con đừng băn khoăn gì về mẹ, con hãy làm những gì theo kế hoạch mà con dự định, và vì sự trưởng thành của con là trên hết. Mẹ sẽ hạnh phúc khi thấy con hạnh phúc dù mẹ con mình xa nhau đến mấy”. Nhưng rồi Hoa nhất định về, nên tôi không cản nữa. Cháu làm tại một công ty nước ngoài phù hợp với khả năng chuyên môn và Anh ngữ. Công ty không khai man lương của nhân viên, mà đóng bảo hiểm, đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, nên mẹ con tôi không quá áy náy về việc con ra trường mà không phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp cách mạng như thời của tôi. Tuy nhiên về sau, tôi vẫn động viên và Hoa làm thạc sĩ xong thì về cơ quan nhà nước làm. Đấy là những năm tháng tôi vui lắm, mà Hoa tuy hiểu, nhưng không thể nào hiểu đầy đủ được.


Đi xuyên Việt và chuyện buồn
                Mỗi lần có tổng điều tra, chúng tôi tập huấn để các trung tâm vùng nhập tin. Lần này, không chỉ ba trung tâm Hà Nội, Thành phố Hồ chí Minh, Đà Nẵng, mà gần như các tỉnh đều tự nhập. Mùa hè 1995, Hòa, Xuân (một kĩ sư phần cứng) và tôi có chuyến công tác dài ngày bằng xe con từ Bắc vào Nam để nghiệm thu kết quả. Số liệu được lưu trên các bộ đĩa mềm và làm hai nhân bản. Ngày ấy chưa nối mạng toàn ngành, nên chúng tôi mang theo những thùng tôn to để xếp các hộp đĩa. Trời nóng nắng như đổ lửa. Tôi say xe, vẫn khủng khiếp thế thôi. Mặc dù mang theo hàng trăm viên thuốc chống say, cứ 4 giờ lại uống 2 viên, nhưng không mấy tác dụng. Mỗi lần dừng lại ăn uống dọc đường thì còn đỡ, vì xuống xe chân được tiếp đất, hít thở khí trời bớt nôn nao, nhưng tôi ăn được rất ít nên mệt lử. Chỉ đến địa phương, tôi mới tỉnh thực sự vì buộc phải vào việc. Chúng tôi cài chương trình vào máy, cho chạy để kiểm tra phát hiện lỗi, rồi chủ nhà dẫn đi ăn trưa hoặc ăn tối ở đâu đó. Ăn xong, chúng tôi lại về phòng máy làm tiếp, những biên bản báo lỗi được rà soát, cần thì lục tìm tài liệu gốc xác minh, yêu cầu địa phương sửa lại, cho đến khi đưa ra những bản copy số liệu trên đĩa mềm, và kí biên bản nghiệm thu. Chúng tôi làm suốt ngày đêm, có thể nói như vậy. Nếu công việc kết thúc chừng 2, 3 giờ sáng thì 5 giờ sáng chúng tôi đã lên đường. Nếu công việc kết thúc lúc 7, 8 giờ tối thì chúng tôi sang tỉnh khác luôn. Hầu như không có giờ để du ngoạn, để biết danh lam thắng cảnh của địa phương. Nơi nào có nhà khách tại cơ quan, chúng tôi có thể nghỉ đó tí chút, còn không thì chúng tôi ra khách sạn và tự trả tiền, không làm phiền cơ sở.
              Một ngày, giữa trưa nắng chang chang, chúng tôi tới Nha Trang, vào một cửa hàng ăn. Mỗi lần xuống đâu đó, chúng tôi phải hì hục khênh mấy cái thùng đĩa để vào chỗ mát, chứ không để trong xe. Vừa khênh xong, nóng điên lên, ngồi vào bàn, chưa kịp gọi gì cả, mấy cô nhân viên đã đến rồi, niềm nở: “Các anh chị ơi mình dùng món gì zậy?” Xuân vươn vai ngả về phía sau “khổ quá, đang nóng điên người đây…” Tôi thì mới say xe, mặt còn tái dại, Hòa thì vốn tính lành hiền, chưa định thần. Cậu lái xe vừa chạy đi đâu chắc ra toilet. Mấy em nhanh nhẹn mang ra, nào rau sống, chén mắm các loại, và nghi ngút một tô canh thật lớn, canh khổ qua nhồi thịt. Cả ba tên ngơ ngác ơ ai gọi món này đâu, và hỏi nhau có ăn được không. Tôi thì chịu rồi vì đã có lần nếm thử, đắng, không quen, chỉ MQ nhà tôi ngày trước là thích món này lắm. Xuân không, Hòa cũng lắc đầu nốt. Xuân vẫy một cô bé lại hỏi, cô ta chỉ Xuân, chính anh mà, em hỏi các anh chị dùng gì, anh bảo “khổ qua”…Thôi đúng rồi anh Xuân ơi anh chẳng bảo “khổ quá, đang nóng điên người đây là gì”. Tôi bỗng hết hẳn say, trêu nhại lại cậu Xuân một trận. Đấy “ngôn ngữ bất đồng” là thế. Nhưng không sao, tôi khuyên mọi người gắng mà ăn, món này ngon lắm đó, chỉ có tôi kém cỏi chẳng cố được, mặc dầu tôi là con dâu Nha Trang có tới 25 năm rồi.
            Tôi đến Nha Trang chớp nhoáng rồi đi ngay, không có thời gian thăm họ hàng gì cả. Chỉ một buổi tối ở lại nhưng làm việc liên tục tới đêm và sớm sau lại đi tiếp. Tự nhiên tôi lại nhớ MQ. Mang bài thơ “Đánh cờ” của Tuấn ra đọc, tôi thấy ngậm ngùi quá, và tự nhiên lẩm nhẩm hát được mấy câu trong khi nước mắt rơi hoài:

Hành trang của mẹ là bài thơ của con
Trên những chặng đường trở về quê nội
Trong đêm vắng trong nỗi buồn mênh mông
Mẹ vẫn nghe lời con nhắn gọi
Ôi giá như giá như bố con quay trở lại
Chơi với con dù chỉ một ván cờ thôi
Hay giá như giá như mẹ trở về thời con gái
Để đón tình yêu của bố giữa sao trời
Trong ngàn giọt nước mắt mẹ gắng có hàng trăm nụ cười
Mẹ gửi yêu thương vào trong quá khứ
Con trai của mẹ dẫu đã lớn khôn hay con còn bé
Con có hiểu được không tình mẹ yêu yêu bố mãi suốt đời
Con trai của mẹ dẫu đã lớn khôn hay con còn bé
Con có hiểu được không tình mẹ yêu yêu bố mãi suốt đời...
 


             Chúng tôi đi tiếp, miền Trung Nam bộ, tranh thủ ghé qua Phan Rang Tháp Chàm cổ, ngắm nhìn say sưa vườn nho xanh hoặc tím ngắt bên đường, ngẩn ngơ với trang trại Thanh Long bông trắng vàng diêm dúa, rồi đến Thành phố Hồ chí Minh nhưng không kịp ngắm đêm về đèn rực sáng lung linh sắc màu đô hội, qua miền Tây, miền Đông Nam bộ, được nhâm nhi những bắp ngô Cần Thơ thơm dẻo ngọt không thể nào quên, được đập đôm đốp những chú muỗi to nơi miền Minh Hải, được dạo đêm trên đường phố Bạc Liêu hình dung chàng Hắc công tử nào đang đốt tiền để tìm đồng bạc bạn đánh rơi, đang đốt tiền để đun sôi nồi đậu xanh thách đố, chứ ngày ấy chưa được bỏ tiền để ngủ một đêm tại khách sạn Công tử Bạc Liêu như bây giờ.
                  Chuyến đi kéo dài 33 ngày đêm với 16 tỉnh thành phố, nghĩa là cả đi đường thì bình quân hai ngày đêm một tỉnh. Vì đi vội về vội, nên chúng tôi chưa kịp nhận ra sự khác biệt của mỗi vùng mình đặt chân đến. Và lọ thuốc mấy trăm viên của tôi chống  chọi với chứng say xe cũng vơi dần. Đang trong hành trình căng thẳng như vậy, tôi nhận được một tin sét đánh, chị tôi, chị Thùy Trinh bị tai nạn giao thông đã phải cưa một chân từ trên đầu gối trở xuống. Thật khủng khiếp. Nhưng công việc đang dở dang, tôi ra ngay cũng không giải quyết được gì, chị tôi đã phẫu thuật xong, nên tôi đành hoàn thành nốt phần việc trong kế hoạch, và gắng kiềm chế tâm trạng rối bời. Lần trở ra đi nhanh hơn, vì không phải rẽ vào đâu nữa. Nhanh nhất là từ Đà Nẵng ra Hà Nội 700 km mà chỉ đi trong một ngày, từ sáng sớm và 11 giờ đêm về đến Hà Nội. Đấy là còn rẽ qua Huế thăm Đại Nội, và nghỉ ngơi ăn uống ở Thanh Hóa rất lâu.
              Về Hà Nội, tôi ghé thăm chị tôi ngay. Chị đang nằm nghỉ ở một gian phòng nhỏ trong Chùa Quán Sứ (mọi khi chị làm công việc tiếp lễ cho nhà chùa). Hàng ngày, có cô bé người yêu của con trai, tức là con dâu tương lai đấy, chăm sóc. Ngoài ra thì anh chị em, bạn bè lui qua lui lại. Sức khỏe chị đã ổn, vết cắt thì chờ bình phục dần. Tôi ở với chị tới gần trưa thì ra về, chưa kịp lấy xe máy, đang đi trên vỉa hè thì xa xẩm mặt mày, chóng mặt quay tít, chẳng làm gì được lăn ra đấy, người đi đường thấy vậy, chở đi cấp cứu vào trạm xá gần nhất trên đường Lý Thường Kiệt. Tôi vẫn tỉnh, chứ không ngất lịm. Người ta đo huyết áp, nghe tim rồi cho uống thuốc, tiêm thuốc gì tôi không nhớ, và yêu cầu chở đi bệnh viện. Họ hỏi cơ quan, điện thoại rồi báo cho anh Tự Giám đốc. Chỉ một lát sau, anh Tự và mấy đồng nghiệp tới, đưa tôi đến bệnh viện Hữu Nghị. Huyết áp tôi cao, nhưng không cao lắm, chiếu chụp xét nghiệm tổng thể thì thoái hóa ba đốt sống cổ, hai đốt sống lưng, các chỉ số sinh hóa khác bình thường. Nhưng vì bị chóng mặt nên vẫn phải điều trị ở bệnh viện, tất cả mất hai tuần. Tôi nghe nhiều người nói, bệnh viện này ít bác sĩ giỏi, chỉ lắm thiết bị, ai nằm kiểu an dưỡng thì tốt, còn chữa bệnh thật thì khoan đã. Tôi lúc này bệnh chẳng nặng, mỗi tội khó đi lại, cứ nằm thôi vì choáng, nên chẳng tìm hiểu kĩ làm gì, chỉ biết là thấy cũng thoải mái và hài lòng với sự điều trị chăm lo của các bác sĩ, y tá. Duy chỉ có một lần…Hôm ấy tôi phải ra phòng tiêm để tiêm ven. Một cô y tá trẻ, trông hiền lành dễ thương, tiêm cho tôi, nhưng không lấy ven được. Tôi gắng chịu đựng, không khó chịu, không bực tức, không gắt gỏng sợ cô ta cuống, nhưng chịu đựng tới sáu lần lấy ven ở những chỗ khác nhau mà không thành công thì tôi buộc phải có ý kiến, mà rất nhẹ nhàng thôi: “Này em, tôi kiên nhẫn lắm để em tiêm cho, nhưng bây giờ thì đừng bắt tôi chịu đựng nữa nhé, em gọi người khác đến tiêm dùm đi!”. Cô gái mời tổ trưởng đến, và người mới này nhanh thoăn thoắt, đâm mũi tiêm vào là trúng ven ngay. Tôi thở phào, từ nãy tới giờ thấy cô gái trẻ lúng túng mãi, không thấy cô dò tìm ven theo đúng cách ngày xưa tôi được huấn luyện trong khóa “Cứu thương” khi mới vào trường, nhưng tôi không dám góp ý vì sợ cô gái tự ái, và nhất là cô ta sẽ cuống vì nhận ra sự sốt ruột của bệnh nhân, nhưng cuối cùng vẫn không ổn, nên tôi mới thấy mình giữ ý là không phải lối. Về sau, có dịp nào bác sĩ tiêm cho tôi, thì tôi cũng “tương” luôn ông ơi nhớ “hai nhanh một chậm” đi chứ, sao ông bơm thuốc vù vù thế, tôi bị xốc thuốc thì làm thế nào??? Bác sĩ nhìn tôi tròn mắt, không biết bà này bị làm sao….
               Ngay từ khi mới vào bệnh viện, anh Tự đã trao đổi với các bác sĩ và điều dưỡng rồi, rằng đề nghị họ cố gắng điều trị tích cực cho tôi, tôi mới đi một đợt công tác dài mệt mỏi nhiều, hoàn cảnh của tôi cũng hơi đặc biệt nữa, chồng tôi mất, tôi hay suy nghĩ và đau đầu chóng mặt. Lúc đầu tôi không biết, sau nghe mấy người kể lại, mới thấy cảm động và biết ơn Sếp quá. Biết ơn vậy thôi chứ ngày ấy tôi chả có câu nào cảm ơn, chỉ bây giờ viết sách này mới bày tỏ được, một sự biết ơn vô hình.
                Ra viện, bình phục rồi, tôi chủ động bàn, đón chị gái về nhà tôi để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Hàng ngày, chị nhờ một bác sĩ đến thay băng, vệ sinh vết thương. Tôi giúp chị những việc vặt trong sinh hoạt, và nấu nướng theo yêu cầu của chị, ngày nào cũng bồi dưỡng một quả tim lợn đem xào hoặc nấu cháo. Nhà tôi hơi chật, nhưng sạch sẽ. Chị ở đó ba tháng, vừa chữa lành chỗ đau, vừa đặt chân giả rồi tôi giúp chị tập luyện để đi lại được. Chị rất vui vẻ, lạc quan không bao giờ buồn nản, vì chị theo đạo Phật. Chị bảo đó là nghiệp chướng, phải trả nợ từ kiếp trước. Cậu con trai duy nhất của chị đang chuẩn bị lấy vợ, lấy cô gái đã chăm sóc chị từ khi chị bị tai nạn đó.