Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Hồi ký NMNC - Chương 13

CHƯƠNG 13: XA NHAU

Bất đồng ý kiến
              MQ sau bao nhiêu năm chưa một lần nào được đào tạo ở nước ngoài, mặc dù ở đơn vị, có nhiều xuất đi. Thế nên, lúc này, đơn vị cử MQ thi tiếng Nga để sang Liên Xô học một năm. (MQ đã bảo vệ Phó Tiến sỹ trong nước lâu rồi). Đúng là “số” MQ lận đận, đúng đến ngày thi thì lăn ra ốm, thế là nghỉ thi, phải đợi sang đợt khác muộn hơn. Rồi đến đợt sau thì thi đậu nhưng chỉ được xếp “dự bị” thôi. Và thấy mọi người xui hay thế nào mà MQ gửi thư sang cho con gái bảo cháu liên hệ qua sứ quán “theo dõi” tình hình xem bố cháu có được nhận sang học không. Khổ thân con bé, biết ai mà liên hệ, mà quan hệ, vẫn phải cố gắng, lùng sục, nhưng việc không thành, thế là mọi chuyện im lìm luôn. Tôi đành an ủi MQ để anh khỏi buồn, rằng tại cái “số” anh vất vả, cứ là phải giữ “thân cư thê” thôi cho yên. May là tính MQ rất vui, rất lạc quan nên không mấy khi chán nản, buồn bã. Anh quay sang đi dạy thêm về lập trình trên máy vi tính (anh đã tự tìm hiểu về máy và lập trình từ lâu rồi). Hồi ấy đổi mới gì gì rồi nên có giờ thì lên đơn vị dạy, còn không anh hay về Hà Nội lắm, và tham gia dạy ở một trung tâm đào tạo tin học của mấy người bạn mở, rồi dạy ở một vài lớp nơi khác nữa.
              MQ còn nhận làm thuê một số trình ứng dụng, có thể từ bạn bè, hoặc ai đó giới  thiệu truyền nhau, và mỗi khi nhận được tiến bồi dưỡng, MQ đưa ngay cho tôi với một vẻ thích thú đặc biệt. Vậy mà MQ còn trêu tôi chứ “Sao mình thích tiền thế nhỉ? Thấy chồng đưa tiền là mắt cứ sáng lên ấy!” Ghét không, người ta không thích tiền lại chả có người buồn nẫu ruột ra à? ta biết thừa ra rồi, có “đứa” lúc nào chả thích cái thích của ta  mà còn nhiều chuyện. Thôi nói đùa trêu mình vậy thôi, mai em sẽ mua hẳn nửa kg thịt bò về sào nhé, để anh có dịp uống bia một mình, ai bảo lấy nhầm vợ?” Chả là mọi khi MQ vẫn trêu tôi là anh lấy nhầm vợ, vợ gì mà không uống được bia rượu, không café, không mọi thứ; chỉ được cái chồng chở trên xe máy thì ngồi đằng sau ôm chặt và luôn tay bấu, giật, điều khiển tay lái của chồng, khiến cho “cái gì” ở đằng sau cứ thúc vào lưng chồng thật là khó chịu ha ha. Quên mất, vợ MQ có thích một thứ, đó là cơm rang, do chồng làm cho mình, trước mỗi lần đi công tác xa nhà. Trong khi tôi dậy vệ sinh cá nhân, kiểm tra lại những gì mang đi, vài bộ quần áo, ít tài liệu, thì MQ cũng dậy rồi. Anh phi hành mỡ thật thơm, rang cơm cháy cạnh, đôi lúc có quả trứng gà đập vào nữa, cho vợ ăn. Những lúc ấy, thật khó tả cảm giác của tôi. Tôi chỉ thầm tiếc, trải qua biết bao lần tôi đi công tác địa phương từ nhiều năm qua, vợ chồng tôi xa nhau, nên tôi không được MQ chăm lo tận tình như thế.
              Một hôm, tôi đang làm việc thì một cô bạn nháy ra ngoài để gặp anh cán bộ ở Nha Trang ra công tác. Anh có tài xem tử vi rất được các cô “mê tín”, nên hết người này đến người nọ nhờ. Tôi ngồi xuống cùng mấy bạn, và chờ đến lượt mình. Bạn tôi đã kịp in sẵn cho tôi cái tử vi qua máy tính. Thật ra tôi có biết anh ấy đến, anh có ghé qua phòng tôi làm việc hẳn hoi, nhưng vốn bản tính tôi không thích xem tử vi bói toán gì cả nên lảng tránh, chỉ chào hỏi xã giao, không đánh tiếng nhờ vả gì cả. Nhưng đến khi cô bạn nhiệt tình quá kéo mình bằng được thì trí tò mò cũng phải trỗi dậy. Xem cho tôi, anh ấy khen tôi có ba đứa con thật “OK”. Anh ấy phán rằng, kiếp trước tôi rất ghê gớm, đến mức tinh quái, nên kiếp này có "mệnh" làm những điều tốt lành, phục vụ tận tụy để trả nợ, thành thử tôi đến đâu thì ở đó phát triển; rằng tôi làm mọi thứ phải vì người khác thì ổn, còn nếu tính toán cho mình là hỏng việc ngay, nên đừng bao giờ đòi hỏi cái gì cho mình, trừ khi nó tự đến. Rồi anh ấy bảo, bây giờ tôi sống đã dễ chịu hơn rồi. Nghe vậy, tôi gật gù và nhân tiện khoe luôn, rằng hồi này chúng tôi đỡ cực rồi, rằng Chiến, người bạn thân của chồng tôi mới cho chúng tôi bao nhiêu thứ, nào tủ lạnh, nào xe máy…Đang thao thao khoe, thì anh ta cắt lời tôi, “Này chị, đừng có vội sung sướng vì những thứ ấy. Những cái lợi lớn đến với chị chưa chắc đã là ổn đâu!”.Tôi ngơ ngác, định hỏi thì anh ấy gạt đi không muốn nói tiếp nữa. Tôi hơi mất hứng và lo lo, nhưng rồi tự trấn an, ôi dào, xem cho vui thôi chứ sợ cái gì nào và về nhà tôi dấu biến không kể cho chồng nghe cái vụ xem tử vi này.
              Tôi vẫn bận và ngày càng bận hơn. Ngoài công việc hàng ngày, buổi tối tôi và một nhóm bạn phải ở lại rất muộn, tới 12 giờ đêm chế bản điện tử ra bản can để đưa đi in sách công bố số liệu. MQ thường dắt hai con lên chỗ tôi làm, rồi dùng nhờ máy tính để soạn bài, để lập trình, và hai con thì mang sách vở lên làm bài tập, hoặc chơi trò chơi trên máy cho đỡ sốt ruột.Vì phải làm sách nước sôi lửa bỏng mà tôi để lỡ một chuyến đi xa cùng MQ, nên sau này rất ân hận. Một nhà máy ở Thanh Hóa mời MQ vào làm việc với chuyên gia nước ngoài phát triển một phần mềm quản lí. MQ nghe tiếng Anh thì hiểu, nhưng không nói được. MQ muốn tôi xin nghỉ phép đi cùng hỗ trợ anh khâu giao tiếp, trao đổi vì tôi có kinh nghiệm hơn. Anh còn muốn nhân dịp này, vợ chồng tôi có thể sống với nhau thoát li khỏi mọi ràng buộc bận rộn của gia đình, con cái, để có thể hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên nhau. Khi ấy chúng tôi sẽ thoát khỏi cái cảnh các con đòi ngủ với mẹ nên mẹ phải chia ngày trong tuần, ngày chẵn thì mẹ nằm với bố, ngày lẻ nằm với các con (sau này đông người nên có hai giường, không chỉ một giường cưới gẫy một chân thuở trước); để bố MQ phải giận dỗi “mình làm người ta như trẻ con ấy mà phải qui định chẵn với chả lẻ, các con lớn rồi, nằm với nhau một giường, bố mẹ một giường, việc gì phải “dân chủ công bằng quá trớn” thế???”
              Tôi muốn đi với MQ quá, nhưng thấy cả nhóm ngày nào cũng ở lại đến khuya, mà thời gian phải hoàn thành đến gần giục giã, thì không nỡ bỏ bạn bè và không dám xin phép các Sếp. Tôi đành nhờ một anh bạn đã về hưu, có thời kèm thêm tiếng Anh giúp tôi, đi với MQ. Tất nhiên về công nghệ thông tin thì anh không biết nên trở ngại một chút, nhưng cứ trôi chảy những phần giao tiếp đã, rồi MQ tự xoay sở vậy. Anh bạn đồng ý và hai anh em lên đường, MQ hẳn là không vui. MQ có thể thông cảm với tôi được đôi phần vì đã chứng kiến nhóm chúng tôi làm việc căng thẳng thế nào, nhưng chắc anh không hiểu được sao cuối cùng tôi có thể bỏ anh đi với bạn như thế. Suy cho đến cùng, vẫn là tinh thần làm việc ngày ấy cao quá, bao giờ lợi ích tập thể cũng đặt trên lợi ích cá nhân thôi, mà tôi thì cái nguyên tắc ấy chót thấm vào xương tủy mất rồi, nhất là từ ngày vào Đảng, tôi luôn bắt mình phải gương mấu.
              Thế là vợ chồng tôi lỡ mất một dịp hiếm có trong đời, nếu không nói là duy nhất (sau khi có con), để có thể sống chỉ có hai đứa với nhau. Chợ Trời đông vui lắm - với thiên hạ, còn với chúng tôi, đó là một môi trường khủng khiếp. May mà con cái chúng tôi không bị ảnh hưởng, chúng tập trung học hành không chơi bời lêu lổng gì. Sự chật chội trong căn nhà thì không nói làm gì, thì phải chịu, nhưng dắt được cái xe ra khỏi nhà để đi làm hay đi đâu, rồi dắt xe trở về là cả một thách thức lòng kiên nhẫn chịu đựng. Người ta ngồi đứng bán hàng chắn hết lối ra vào ở ngay cửa nhà mình đã đành, mình muốn đi thì phải len lỏi, phải luôn miệng xin lỗi, nhờ vả đủ kiểu, có khi không may va chạm vào họ còn bị họ quát cho chứ không phải mình quát họ. Một lần, chồng tôi đi qua đám đông trước cửa nhà mình hẳn hoi, không biết sao mà bị một thằng cha nào ấy lấy cái gì nện cả vào sau gáy, may chỉ xơ xước nhẹ, tôi chẳng dám làm gì chỉ loay hoay đi tìm dầu tìm thuốc bôi cho anh. Phải chi tôi cứng rắn hơn thì đã nhảy ra mà căn vặn mấy lời, hoặc la lối chửi một trận cho bõ tức, đằng này... Hiền quá hóa đụt là vậy, nhưng chúng tôi không làm gì để thay đổi hoàn cảnh và thay đổi cách hành xử của mình được. Thế nên, giá như không phải ở lại làm việc buổi tối, thì tôi vẫn phải kiếm chuyện gì đấy, hoặc đi chợ, hoặc đi vào hiệu sách, lang thang ghé qua một người bạn để khi tan chợ Trời, hay ít ra là vãn chợ rồi mới trở về nhà.
              Một hôm vào ngày chủ nhật, vợ chồng tôi đến khu Giảng Võ có việc. Xong, MQ đưa tôi dạo quanh nhìn ngắm mấy căn hộ ven hồ. Rồi MQ hỏi tôi: “Em có thích chúng mình có một căn hộ như thế này không?” Tôi cười trả lời: ”Dĩ nhiên là em thích rồi, nhưng thích để mà thích thôi, sẽ chẳng bao giờ có được”. MQ không nói gì thêm, sau đó chúng tôi về nhà. Sau này tôi mới biết đấy là những ý nghĩ đầu tiên của MQ về một ước mơ và quyết tâm để thực hiện  mơ ước ấy, mơ ước được sống trong một ngôi nhà do mình tự làm ra.
              MQ không được đi nước ngoài. Thế là mấy cậu bạn thân (Chiến, bạn cho chúng tôi xe máy, tủ lạnh,..; Văn, bạn mở cái trung tâm đào tạo mà MQ vẫn đi dạy) nảy ra ý định bàn với MQ bằng mọi cách đưa được MQ ra nước ngoài một chuyến để hi vọng giúp MQ “đổi đời”. MQ có vẻ xuôi xuôi. Vốn là mấy cậu bạn này đều làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, có tranh thủ làm ăn tí chút, và thấy kiếm tiền đơn giản hơn ở mình nhiều; nên họ có ý định tìm đối tác để làm giấy mời hợp tác khoa học 6 tháng cho MQ, rồi khi sang thì MQ vừa làm khoa học vừa tranh thủ tiếp cận thị trường và tập “hoạt động” cho quen. Để đi 6 tháng như thế, dĩ nhiên phải xin phép đơn vị, nhưng chắc không khó, vì đơn vị rất thông cảm, lâu nay MQ chưa được đi đâu mà.
              MQ về kể với tôi, tôi chả nghĩ gì, kịch liệt phản đối ngay. Tôi không có lí sự gì cả, chỉ hỏi: ”Sao anh phải đi nước ngoài tìm cách làm ăn? Cứ ở nhà đi dạy và làm thêm như bây giờ là được rồi mà!” MQ than phiền, vẫn một tâm sự như bao lần đã từng chia sẻ mà tôi gạt đi. Anh bảo: ”Anh cảm thấy mình thật vô tích sự, em quá vất vả, anh đi làm thì tiền lương cứ “rải dọc đường” thôi, về Hà Nội mấy bữa thì nào tàu xe, rồi họp hành đủ kiểu. Anh là đàn ông mà không làm gì để vợ con sung sướng hơn. Ngày trước chiến tranh thì đã vậy, bây giờ sao cứ mãi sống thế này?” Tôi nghe chồng nói mà trào nước mắt, “anh ơi chỉ cần anh có những ý nghĩ thương vợ vất vả đã là quí lắm rồi, còn đầy đủ, sung sướng thì chả biết thế nào cho vừa. Ngày xưa mình khổ thế, ăn đói mặc rét mà còn vượt qua được huống chi bây giờ. Anh đừng nghĩ gì phức tạp quá, hãy nghĩ đơn giản như anh đã từng khuyên em đi”.
              Rồi, một buổi tối tôi đi cùng anh lên trung tâm nơi anh dạy học, gặp Văn ở đó. Không biết anh kể gì về sự không nhất trí của tôi mà bạn “tấn công” tôi ngay:
- Chị Thư này, sao chị không “cho” anh MQ đi? Sao chị ngăn cản anh ấy?
- Ừ…thì…mình không muốn, thế thôi! - Tôi đáp.
- Gia đình anh chị khó khăn cực khổ bao lâu rồi, còn phải nuôi các cháu ăn học dài dài, chị để anh MQ đi thì kinh tế mới khá lên chứ, dù sao đi mới có cơ hội kiếm được tiền. - Văn kiên nhẫn nói tiếp.
- Mình không cần tiền, Văn ạ. Mình chỉ muốn vợ chồng con cái sống yên ổn, gần nhau, rau cháo có nhau thôi. - Tôi trả lời bạn giọng buồn buồn.
- Chị …rõ là…Chị phải nghĩ là anh MQ chưa bao giờ được đi đâu cả. Lần này, nếu đi được thì đó là dịp tốt để anh được mở mang đầu óc tí chút, để thay đổi không khí, để thấy được nước ngoài là thế nào, người ta sống ra sao chứ! - Văn hơi cáu.
- Chả cần phải ra nước ngoài mới biết, cứ xem ti vi là biết ráo! - Tôi ngang ngạnh.
- Chị buồn cười thật. Mà không, chị ích kỉ vừa vừa chứ!
-???
- Chứ còn gì nữa, em nói chị ích kỉ là bởi vì chị đã đi nước ngoài mấy lần rồi, chị chỉ biết chị thôi, chị không quan tâm gì đến chồng chị cả. Tại sao chị không thể xa chồng một thời gian mà cứ khăng khăng ý mình thế? mà là cái ý kì cục, không thể chịu được! - cậu ta đỏ mặt giận dữ.
- Văn nói đến nước này thì chịu rồi, mình không cãi, không thanh minh với bạn, chỉ biết là mình không thích và không đồng ý để anh MQ đi, thế thôi! Còn anh ấy cứ đi hay không thì tùy anh ấy!
              Tôi căng lên, tức mà không thèm khóc, dù bình thường tôi yếu đuối và dễ rơi nước mắt lắm. Hừ cậu ta còn khích tôi, rằng tôi không chịu sống xa chồng một thời gian à? trong khi cậu thừa biết rằng hàng chục năm bọn tôi vẫn sống xa nhau đấy thôi (ờ mà cậu ấy chấp cuối tuần chúng tôi vẫn gặp nhau chăng?), hàng năm trời tôi đi sơ tán nuôi con một mình theo nghĩa tuyệt đối, vì MQ đi bộ đội có ở nhà đâu? Kệ cậu ta, tôi sẽ thuyết phục MQ tiếp.
              Tuy nhiên, thực lòng, có những phút giây ngắn ngủi thôi, một con người khác nổi lên trong tôi, cất tiếng nói khác. Ôi thời buổi này, chồng được ra nước ngoài vừa làm khoa học vừa kiếm được tiền như người ta thì may quá sướng quá còn gì nữa? Chả mấy chốc, thời gian trôi nhanh như chó chạy ấy mà (!!!), gia đình lại đoàn tụ và chồng mang về đủ thứ, con cái không phải rách rưới khổ sở thiếu thốn, Hoa ở bên kia sẽ được bố mẹ tiếp tế cho mà học hành tử tế, không phải nhịn đói ngày ăn có một bữa quá tệ hơn hồi bao cấp và chiến tranh ở Việt Nam nữa. Ơ nhưng mà sao nhỉ, rõ ràng là như vậy, nhưng vô ích, cái tiếng nói khác ấy thật yếu ớt và chìm nghỉm. Nó bị con người rất mạnh mẽ của tôi lúc này, trái với mọi yếu đuối thường nhật, cứ ngang nhiên đùng đùng ngăn cản chồng, ngăn cản quyết liệt, và không thể hiểu nổi chính mình, chỉ biết là tôi cùn đấy, thì sao nào, anh MQ ơi, anh không đi đâu cả. Không cần lí sự gì cả, dứt khoát là không đi.
              MQ vẫn thích đi, vẫn thầm lặng tiến hành các thủ tục. Rồi có một hôm, cần xin giấy tờ gì ấy, mà MQ bận lên đơn vị, MQ tưởng lâu lâu rồi im im rồi, tôi đã xuôi xuôi nên MQ nhờ tôi ở nhà làm hộ. Lâu ngày tôi không nhớ rõ đó là giấy gì chỉ biết là làm việc đó thật dễ và không tốn mấy thời gian, nhưng tôi mặc kệ, bỏ đó, cho đến lúc MQ về. MQ hỏi, tôi bảo tôi chưa làm. Anh bực mình và buồn quá, trách móc, “em lạ thật! vợ gì mà chồng nhờ có một việc cỏn con thế mà không làm? để lỡ việc của anh thì sao?” Tôi thản nhiên, “thì anh biết là em không muốn anh đi mà, nên em không làm, chứ chả phải việc này có gì khó khăn. Em đang chờ anh bị lỡ đây” MQ lắc đầu, lụi hụi tự làm tiếp.
              Công việc chuẩn bị có tới bao nhiêu tháng trời chứ có phải muốn là đi được ngay đâu. Tôi không cản được thì đành mặc kệ, không hỏi han nhắc nhở gì hết. Cái tết năm ấy, vẫn vui như mọi khi thôi, hai vợ chồng tôi vẫn xuống mộ ông nội cháu như thường lệ, nhưng khi xuống mộ thì có một việc buồn, buồn mà chả hiểu sao lại thế. Chúng tôi lội ruộng tiến về phía mộ ông nội, sửa sang làm cỏ để tấm bia nổi lên không bị che lấp. Vẫn là bày biện các thứ rồi thắp hương, đến những khấn khứa thầm thì (vợ chồng tôi đứng cạnh nhau lễ ba ) “ba ơi ba về ăn tết với chúng con và các cháu nội của ông, ba phù hộ cho các con các cháu được an lành nhé ba”. Nhưng tự nhiên, tôi khóc, khóc thảm thiết, chẳng phải vì nhớ ba, thương ba đang nằm lại đơn côi trên đất Bắc, mà là trong tôi một ý nghĩ vụt đến: Giờ này, sắp đón năm mới rồi đây, vợ chồng tôi còn cùng đứng bên nhau để khấn ba, mời ba về. Nhưng nếu đến một ngày, chồng tôi không còn nữa, thì tôi sẽ đứng ở đây, một mình, giữa mảnh ruộng này, để khấn ba và sẽ ra sao???  Đúng là ý nghĩ quái gở điên rồ. MQ rất ngạc nhiên, “sao tự nhiên hôm nay em xúc động thế? mọi khi em vui lắm, dọn dẹp mộ, khấn mời ba về ăn tết với mình, rồi em còn luôn vội vã giục về sớm để lo làm cơm cúng chiều 30 cơ mà?” Tôi không trả lời, làm sao tôi có thể nói với MQ những ý nghĩ lạ lùng của tôi  như thế kia chứ? Tôi lau nước mắt và đánh trống lảng, “không có gì đâu anh ạ”.

Ấn độ khó quên
             
Chưa kịp ăn tết xong cho trọn vẹn thì tôi đã đi nước ngoài rồi, còn đi trước cả MQ nữa. Chuyến đi đến với tôi bất ngờ. Sếp gọi, thông báo, thế là đi. Tôi được đi học ở Ấn độ ba tháng về phân tích và thiết kế hệ thống. Đoàn tôi có bốn người, một bạn ở thành phố Hồ Chí Minh, một bạn ở Đà Nẵng, Phi - bạn ở cùng trung tâm, và tôi. Chúng tôi đi theo chương trình của một dự án. Những ngày gần đi, tôi vẫn tránh né không hỏi chuyện của MQ, còn MQ thì nói qua qua là có thể MQ đi trong lúc tôi còn ở Ấn Độ, hoặc là sau khi tôi về tùy tình hình thực tế. Tôi buồn lắm, vì rốt cuộc MQ vẫn theo đuổi cái giấc mộng đổi đời mà Chiến, cậu bạn thân trong nhiều lần viết thư cho MQ đã nhắc nhở khơi dậy cái chí của người đàn ông! cái chí mà riêng tôi tôi không cần, tôi không bao giờ đòi hỏi .
             
Mới mùng 2 tết chúng tôi đã lên đường, bỏ lại mẹ già, và ba bố con ở nhà. Thì tôi lại đi nước ngoài đấy thôi, có từ chối để được ở nhà líu ríu với chồng con đâu. Tôi đi là đi học, được trợ cấp tiền của dự án. Tôi không thích MQ đi để nai lưng kiếm tiền theo kiểu hoạt động thị trường, buôn buôn bán bán kiếm lời, rồi biết có hợp tác khoa học gì không hay chỉ mải mê và đồng tiền dễ làm cho con người ta hư hỏng lắm. Đấy là tôi cứ tự nghĩ thủ cựu thế chứ chưa lần nào nói với MQ cho ra môn ra khoai cả. Tôi vẫn chờ đợi MQ được đơn vị cử đi ít ra một lần nào đấy chứ, nhưng vô vọng, nên đành nghĩ đó là “số phận” mà thôi.
              MQ tiễn tôi ra sân bay, tôi chả có gì vui, và chắc MQ cũng vậy. Tôi không dám nghĩ nhiều đến ngày trở về, MQ đã sang Ba Lan rồi. Tôi chỉ dặn anh cố thu xếp về nhà được nhiều để bảo ban con cái học hành. Tuấn thì chả phải lo lắng gì lắm. nó cứ đạp xe đạp đi học thôi, và tôi khích lệ con học tiếng Anh thêm. Nó phát âm không tốt nhưng học nhanh và nói rất nhanh, đến kinh ngạc. Chỉ ái ngại bé út Hương, đi học xa và vất vả gầy yếu lắm.
              Sang đến nơi, chúng tôi tìm về nghỉ tại một cơ quan Việt Nam tại New Dehli đã liên hệ trước. Xuống sân bay, trời về khuya. Chúng tôi gặp một thanh niên, hỏi thăm đường về cơ quan. Cậu ta nhiệt tình đi cùng chỉ dẫn. Từ từ nói chuyện tôi mới biết cậu là sinh viên du lịch đang học năm thứ ba.Tới cơ quan rồi, các anh chị Vịệt Nam đón tiếp thật niềm nở. Chúng tôi sẽ nghỉ ở đây dài dài, và trả tiền phòng cho công đoàn cơ quan. Mới gặp, mà chúng tôi đã cảm thấy như anh em một nhà, thật là dễ chịu.
              Cậu thanh niên sau khi “hoàn thành nhiệm vụ” giúp bạn, cáo từ ra về. Chỉ quen nhau chút thôi, mà khi tạm biệt, cậu đã tỏ ra  lưu luyến rồi. Tôi thấy vui và cảm động vì gặp một người bạn nhỏ nhiệt tình. Cậu bạn đã ghi địa chỉ để liên lạc tiếp. Sau rồi suốt trong ba tháng học ở đó, cậu và tôi trở thành bạn tốt của nhau. Chỉ có một điều buồn cười và vui vui. Đó là cậu thích tôi, muốn làm thân nhiều hơn. Tôi kể chuyện tôi có con gái lớn đang học ở Nga, chắc tầm tuổi cậu. Cậu bé một mực không tin, bảo tôi nói dối, tôi chưa…có chồng đâu mà! He he, hóa ra tôi sang đây trông trẻ hơn mình tưởng đến thế là cùng. Tôi phải “nghiêm sắc mặt” rồi “giải trình” mấy bức thư và ảnh con gái chụp tôi mang theo, và cả thư nhận tại Ấn Độ nữa mãi rồi cậu mới tin. Và khi đã tin rồi thì cậu ngỏ lời nhờ tôi giúp cậu làm quen và kết thân với Hoa, con gái tôi. Tôi chỉ cười cười, chả biết hứa hẹn gì, làm sao tôi có thể điều khiển từ xa được tình cảm của con gái mình chứ.
              Chúng tôi đến trường tập trung. Từ cơ quan nơi ở trọ, chúng tôi phải đi scutter giống như xe lam bên mình vậy, trả tiền theo số đo đồng hồ. Tôi vẫn bị say xe, nên mặc dù đi xe nhỏ gọn thoáng gió, tôi vẫn mệt lắm. Đây là một cơ sở đào tạo Công nghệ thông tin, nhận học viên từ Ấn độ và nhiều nước tới. Chủ nhiệm lớp là một cô giáo, quấn sary với những đặc trưng của phụ nữ Ấn, đôi mắt mở to, đẹp, trên trán dán nốt tròn đỏ (sau này tôi được biết nốt đỏ ấy là biểu hiện đã có chồng). Trời nóng, cô giảng toát mồ hôi, thi thoảng xếch vai xếch áo lên thật vất vả. Nhưng cô vẫn giảng say sưa, nói nhanh, và nhiều âm R thật rung nên hơi khó nghe, sau mới quen dần. Phụ trách khối là một đốc tơ vui tính, đạo mạo với một cái bụng thật bự, nghe ông này nói còn mệt hơn nữa, vì ông nói mà gần như ngậm miệng. Giờ giải lao thì đỡ căng thẳng hơn, nhưng vất vả theo kiểu khác. Đấy là tôi cố gắng “tung hoành” với vốn liếng tiếng Anh còn ít ỏi của mình giữa đám bạn bè, đa phần là người Ấn và người Châu Phi. Đầu tiên là làm quen với họ rồi phải kể vài ba chuyện buồn cười vui vui đã để họ nhớ đến mình, rồi những ngày sau họ mới vồn vã và cười thật tươi mỗi khi thấy mình đến lớp. Học không khó lắm vì tài liệu được in ra đầy đủ, từng bài từng bài, tóm tắt lí thuyết rồi bài tập thực hành. Nghe câu được câu chăng thì tài liệu đấy tối về mà nghiền ngẫm.
              OK học, nhưng chưa OK chỗ ăn chỗ ở. Tại vì khi đi làm thủ tục nhận tiền, thì mới vỡ lẽ ra là được ít quá chứ không như mình tưởng tượng. Hóa ra dự án “vét” nốt tiền đưa bọn mình đi đào tạo hay sao ấy nên kinh phí eo hẹp quá. Cả bọn, sau khi lĩnh tiền xong, buồn nản, chả ai nói với ai câu nào, cứ thất thểu đi trên đường và im lặng. Mãi sau, một vài tiếng “chửi” mới bột phát ra “bố khỉ” rồi tất cả lại cười phá lên. Nỗi buồn nào cũng phải qua đi, nữa là cái chuyện “vặt” này. Thôi thì “cái khó ló cái khôn”, chúng tôi bàn nhau không ở chỗ cơ quan nữa, mà liều mạng đi thuê nhà dân ở cho rẻ, thuê ở ngay gần trường, sẽ đi bộ không đi scutter càng tiết kiệm hơn. Thế là sau buổi học bốn tên cứ lang thang tìm nhà, xộc vào bao nhiêu chỗ mà vẫn chưa được. Nơi có vẻ sạch sẽ an toàn thì đắt, nơi rẻ và chỗ ở tàm tạm thì kinh ông chủ nhà trông “trộm trộm”, nghĩa là đủ kiểu, mệt rã rời, nhưng riêng tôi, tôi thỏa mãn với những cuộc “mặc cả” này bởi lẽ được tôi luyện tiếng Anh của người Ấn dân dã.
              Cuối cùng chúng tôi tìm được một ngôi nhà ưng ý. Chủ nhà là một cặp vợ chồng trông có vẻ già hơn tôi, nhưng con trai đầu lòng mới 18 tuổi, vừa vào đại học. Họ để cậu con trai làm việc thỏa thuận cho chúng tôi thuê cả tầng hai trong suốt mấy tháng học, về giá cả thế nào, điện nước theo công tơ ra sao, rồi làm hợp đồng. Từ nhà này ra trường khá gần, chúng tôi đi bộ khoảng một km thôi. Tầng hai có hai phòng ngủ, một phòng tiếp khách, một chỗ nấu ăn đơn giản bằng bếp điện. Tôi và cô bạn nhỏ người Nam bộ ở một phòng, còn hai anh em ở một phòng, vừa xinh. Chúng tôi có thể đi chợ, ra siêu thị mua đồ về nấu ăn thuận tiện. Tôi nhớ mãi có một lần ra chợ, mua gà, tưởng người ta làm lông gà hộ mình như ở nhà, ai dè họ lột da trắng hếu như chuột được làm thịt bán ở chợ làng Đình Bảng Từ Sơn ấy. Sau rồi đến con thứ hai phải giải thích kĩ, họ mới vặt lông cho và cứ nhìn chúng tôi như những sinh vật lạ!
              Thi thoảng cuối tuần chúng tôi được đi picnic, qua những vùng núi cao hiểm trở như đường Hà Nội lên Yên Bái Lào Cai vậy. Những lần như thế, tôi chả thích thú, chỉ nôn suốt dọc đường và người lả lướt như một tàu lá.chuối. Ông giáo phụ trách cứ lắc đầu nhìn tôi ái ngại, mặc dù đã được nghe kể là tôi luôn bị say xe. Ông ấy cầm bàn tay tôi xem và nói vui tôi có những ba người yêu để tôi buồn cười mà bớt say đi. Tôi phì cười, và kịp giải thích lại, rằng tôi yêu có mỗi đức ông chồng đang ở Việt Nam cách xa hơn nửa chục ngàn cây số đó thôi. Nói đến đây, tôi bỗng trầm ngâm hẳn, tôi tưởng tượng MQ giờ này đang làm gì? Đang dạy học hay đi chợ mua thức ăn với con gái út? Rồi tự hỏi mình, sao lần này đi học xa nhà, trừ lúc mải học ở lớp phải tập trung căng tai lên mà nghe, căng mắt lên mà đọc, còn khi tan học về, và suốt đêm nữa tôi cứ trằn trọc nhớ nhà, và buồn lắm. Nhớ nhưng không viết được thư dài như ngày xưa, chỉ ngắt đoạn mấy dòng là lại khóc. Dấm dớ như thế biết bao giờ mới kết thúc được ba tháng dài dằng dặc đây? Nghĩ lung tung mãi, kìa xe đỗ xuống rồi, tôi lao xuống như một mũi tên và nôn thốc nôn tháo mật xanh mật vàng trước sự kinh ngạc của thầy cô giáo bạn bè mặc dù họ đã chứng kiến trên xe tôi nôn thế nào rồi. Thành thử mỗi lần đi chơi là một lần như chịu tội, mất hết hứng khởi để tìm hiểu về một đất nước đất rộng người đông vào bậc nhất nhì thế giới này.
              Có lần, anh chị em ở cơ quan nọ rủ chúng tôi đi chơi quanh thành phố bằng xe hơi. Thế là tôi bị say đến mức ngay giữa phố xá đông đúc phải vào nằm lả trên một chiếc ghế dài ở trạm xăng, không động đậy được chân tay. Tôi bảo mọi người cứ về trước cho khỏi mất thời gian. Rồi chỉ có Phi, người bạn cùng trung tâm tôi là ở lại, xoa dầu vào đỉnh đầu và thái dương cho tôi bớt say. Tôi nằm cả tiếng đồng hồ rồi mới đi bộ về sau.
              Cuối tuần nghỉ hoặc sau giờ học buổi chiều, bọn tôi hay dạo chơi trong phố xá gần nhà, để ngắm những biệt thự ẩn trong khu vườn tươi hoa xanh lá của tầng lớp thượng lưu, và ngắm những gia đình cùng khổ vợ chồng con cái lếch thếch có tới mươi người trải nilon nằm ngay giữa đường mà ngủ, bên những dây phơi quần áo ngổn ngang. Sự phân biệt đẳng cấp thật là rõ rệt. Đến cửa hàng bán vải cũng có riêng dành cho người giầu. Chẳng ai qui định đề biển nhưng một cách tự nhiên là như thế. Chúng tôi là người nước ngoài nên cứ dạo mọi cửa hàng, và nhận ra rằng, cùng một thứ vải y chang như nhau, nếu mua ở chỗ người nghèo mua thì giá rẻ chỉ bằng một phần mười so với cửa hiệu người giầu. Thành ra khi cần quấn sary giống phụ nữ Ấn, tôi liền chạy ra cái chỗ người nghèo mà mua sáu mét vải luôn cho tiện!
              Ba tháng sống ở Ấn độ, chúng tôi được đi thăm một số di tích, thắng cảnh: Đền Lotus nằm ở phía nam Delhi, cấu trúc đền thờ làm theo biểu tượng hoa sen nở, khiến khi đến nơi này, chúng tôi cảm thấy thật nhẹ nhàng trong một bầu không khí hòa bình thanh thản. Khi đến đền Taj Mahal, ngôi mộ tình yêu, chúng tôi ngây người với vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Ấn Hồi, nhưng lâu quá rồi, bây giờ tôi không biết tả nó như thế nào cả. Chúng tôi được tới Bangalore, thành phố cao nguyên nghe nói là mát mẻ, nhưng khi chúng tôi đến, thì thực sự nhiệt độ trong phố đang là 45 độ C. Từ xe hơi bước xuống, chạy nhanh vào một siêu thị để có điều hòa, thì tôi tưởng người mình bị rang bỏng đến nơi rồi. Tôi vừa say ô tô vừa nóng rồi chuyển sang lạnh ngay, nên ngồi vật ra một chỗ mà thở và luôn tay bôi dầu vào mũi đến là khổ. Chính bởi vậy, nên Phi ngày càng thương sót tôi hơn thì phải. Bạn rất có kinh nghiệm và luôn là chỗ dựa của tôi mỗi khi tôi phải chiến đấu với cái chứng say sưa dở hơi này, trong khi cô bạn gái thì thương chị nhưng lóng ngóng chẳng biết làm thế nào.
              Chúng tôi sang học thời gian đầu là cuối mùa Đông. Ngày thì bình thường, nhưng đêm lạnh tới 4, 5 độ C. Nhà thuê không có lò sưởi nên lạnh lắm. Sau rồi chuyển dần sang mùa Xuân, nên mát mẻ hơn. Trên đường từ nhà tới trường, chúng tôi đi bộ qua một nơi trồng toàn hoa hồng mà là bông to bự như cái bát (chén). Có cả hoa hồng xanh, hoa hồng đen đẹp kinh khủng. Cánh hoa dày, mướt, gần như không biết tàn là gì, nghĩa là chúng tươi rất lâu.
              Trong các lễ hội, khi ở Ấn độ, tôi chỉ được chứng kiến lễ hội sắc màu Holi. Một buổi sáng trở dậy, và suốt cả ngày hôm đó, ra đường chúng tôi thấy mọi người mặc những bộ quần áo sặc sỡ đi trên đường phố luôn miệng nói cười. Hoặc nhìn lên các tầng cao chúng tôi thấy họ té nước, ném bột đủ các thứ màu vào nhau, rồi ném xuống đường mà người đi đường không một chút tức giận, trái lại họ đặc biệt hoan hỷ. Về sau tôi mới biết ý nghĩa của lễ hội là để đón mừng mùa Xuân đến, giã từ mùa đông giá lạnh. Đây là cảnh tượng lạ mắt và rất vui, rất đẹp thể hiện những tâm hồn thư thái yêu đời và ngập tràn hi vọng. Chúng tôi vì được thấy lễ hội lần đầu nên không có sự chuẩn bị để cùng tham gia, chỉ ngắm nhìn, nhưng hơi ngại ngại nếu như mình bị ném bột vào người, lo xa không kịp giặt quần áo để đi học thì hết hơi.
              Học hành bình thường thì không có vấn đề gì, chỉ có đợt phải làm dự án nhỏ trình bày trước lớp là vất vả thôi. Chúng tôi chuẩn bị công phu, có đêm thức suốt tới sáng. Nhóm thống nhất để tôi trình bày, nên tôi được nói tiếng Anh thật “đã”. Xong việc, tôi mới thở phào. Khi trước lo nhất là bị thầy cô giáo và bạn bè Ấn độ vặn vẹo thắc mắc mà mình nghe không thủng. Còn các bạn châu Phi và một ít bạn người Đức thì nói tiếng Anh dễ nghe hơn nên không sợ.
              Càng học, bạn bè càng gần lại vui vẻ với nhau hơn. Một lần, một cậu người Bắc Ấn bị cảm trong lớp, cậu đau đầu lắm, mặt tái dại. Giờ nghỉ, thấy mọi người lao xao, tôi vội móc túi ra hộp cao Sao vàng và đánh gió cho cậu (trên trán, thái dương, sống mũi, đỉnh đầu và sau gáy thôi!). Tôi lấy hết sức xoa bóp và ấn các huyệt cho cậu bằng kết hợp cả hai bàn tay. Trời lúc đó còn hơi lạnh mà tôi toát hết mồ hôi. Kết quả là cậu đỡ hẳn và bảo dễ chịu lắm. Mọi người rất vui mừng hỏi han ríu rít, tôi giải thích sơ sơ, rằng tôi hay bị cảm và hay đau đầu nên phải thủ sẵn loại dầu cao này và thấy có ích nên làm vậy, chứ tôi có biết thuốc men gì đâu. Hôm sau, đến lớp, giờ nghỉ lại có vài cậu nhờ đánh gió, lúc đầu tôi không để ý cứ giúp bình thường, sau thấy họ nhao nhao thi nhau đòi “Madam Thư, tao đau đầu lắm, mày làm như hôm qua làm cho thằng kia đi”, thì mới bật cười, đúng là già rồi mà vẫn nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò! Tuy vậy, để vui vẻ giúp mọi người biết về “dầu cao Việt  Nam”, tôi chia cho mỗi cậu một hộp dầu (hồi đó mang đi hơn chục hộp thì phải) và gắng “lao động miệt mài”, để các cậu nở những nụ cười mãn nguyện trong khi mình thì toát mồ hôi, hai bàn tay mỏi nhừ mà chẳng bố con thằng nào biết cả.
              Hàng ngày chúng tôi đến trường chủ yếu là đi bộ, rất hiếm khi gọi scutter. Ở New Dehli lúc này không nóng lắm vì là mùa xuân rồi. Thi thoảng tôi kiếm mua cái váy áo rẻ tiền, nhưng là trang phục của người Ấn để cố hòa đồng với mọi người, và đừng ai để ý đến mình. Nhưng tính một đằng, chuyện thực xảy ra một kiểu. Chính vì tôi mặc thế mà một chàng Ấn độ rất đẹp trai đã “nhìn ngó” từ bao giờ tôi không biết, chỉ biết là có một hôm đang đi học về gần tới nhà thì cậu ấy đỗ xịch cái xe máy phân khối thật lớn và ngăn tôi lại, chào hỏi làm quen. Tôi ngẩn ra nhìn, sao trên đời này lại có người đàn ông đẹp lạ lùng đến vậy? Cậu cao lớn, cân đối, da trắng (người phương Bắc thì phải) đặc biệt là đôi mắt với cả đôi lông mày thật …hút hồn! Cậu ta bảo từ lâu lắm rồi cậu đã để ý tôi hàng ngày đi học, và biết tôi ở nhà thuê đây nên hôm nay đón đường và ngỏ ý muốn vào thăm. Trông cậu ta hiền lành không đến nỗi nào, nói tiếng Anh rất hay không ngọng nghịu pha tiếng dân tộc, nên tôi không có cảm giác sợ hãi đề phòng gì. Hôm đó, tôi không nhớ sao tôi về nhà một mình, ba bạn kia về trước hay đi đâu về muộn (chả là chúng tôi đi đi về về có lúc cùng nhau có lúc đi rời). Tôi chỉ thoáng có “động cơ” tiếp nhận sự làm quen của cậu và mời cậu vào chơi để tranh thủ nói tiếng Anh thôi.
              Lên tầng hai, tôi mời cậu vào phòng khách và đun nước pha trà Việt Nam. Phòng có một băng dài tận dụng từ một bộ salon hỏng, và một cái bàn với bốn ghế gỗ chúng tôi thường dùng cho các bữa ăn. Tôi mời cậu ngồi ở bàn. Hai chiếc ghế đối diện qua chiếc bàn dành cho tôi và cậu mỗi người một phía. Hai tên chuyện trò tự nhiên, sôi nổi, hỉ hả, hỏi thăm nhau học hành, công việc đủ thứ, cứ như quen nhau từ bao giờ rồi. Tôi đang rất sung sướng vì được nói và nghe tiếng Anh thỏa sức, thì bỗng nhiên cậu ta bảo: “Sao chị ngồi cách xa tôi thế? sao không ngồi gần lại một bên?” Tôi thoáng thấy là lạ, nhưng trấn tĩnh và cười thoải mái ngay, Hì hì, cậu biết không? Bên chúng tôi các bậc cha mẹ thường nhắc con cái “nam nữ thụ thụ bất thân” trong giao tiếp xã hội. Tôi biết nói bằng tiếng Anh sao cho cậu hiểu được bây giờ nhỉ? đại loại như thế này - cậu là đàn ông, tôi là đàn bà, vậy nói chuyện ngồi cách ra cho tiện, cho phải phép, không thể ngồi sát nhau được! Nghe tôi giải thích, cậu cười và hai tên tiếp tục câu chuyện. Cậu hỏi thăm về gia đình tôi, tôi bảo tôi có chồng là giáo viên, và ba con - hai con nhỏ học ở Việt Nam, con lớn học ở  Liên Xô. Cậu thì khai chưa lấy vợ, 35 tuổi, là kĩ sư của một nhà máy cơ khí. Cậu nghe mà không tin là tôi có chồng có con rồi. Cậu trách tôi nói dối. Tôi bảo tôi 44 tuổi, cậu cứ tròn mắt ra ngạc nhiên, rồi lắc đầu quầy quậy. Một lần nữa, trên đất Ấn này, tôi “được” trẻ lại một cách bất ngờ. (Tôi không tự biết mình trẻ thế nào, nhưng sau mấy cái vụ này, về nhà so hai hình chụp đặt cạnh nhau, thì hình chụp ở Ấn Độ tôi trẻ hơn hình chụp ngày 26 tuổi, khi mới sinh hai con đầu, có lẽ vì ngày ấy vất vả quá). Càng nói chuyện với cậu tôi càng say sưa, là say cái tiếng Anh ấy, chứ không phải thích cậu ta! Còn cậu ta thì đổi “sách lược”, bảo tôi sang ngồi salon đi cho thoải mái. Ừ thì ngồi salon, tôi bật cười, và nào thì chuyển chỗ. Tôi ngồi cách cậu chừng nửa
mét, câu nhăn mặt (càng đẹp hơn, của đáng tội), và bảo “Thật không thể nào hiểu được chị! Tôi muốn ngồi gần chị thì có sao đâu mà chị cứ phải tránh né thế?” Tôi nghiêm nét mặt, này cậu, em trai tôi tính ra hơn tuổi cậu cơ đấy, tôi đã nói tập quán bên nước tôi là vậy, sao cậu cứ “lắm chuyện” thế? Tôi nghĩ bụng, phải “trị” cho cậu cái tội có vẻ muốn “bờm xơm” chứ không cần đợi đến lúc lỡ ra cậu ta dở trò gì bằng cách đánh tiếng rằng sống ở đây, tôi cần gì là có thể gọi ông bà chủ hoặc con trai và họ sẽ lên ngay, họ tử tế lắm sẵn sàng giúp đỡ đấy. Quả đúng thế, cậu ta tấn công tiếp luôn, “ừ thì chị bảo chị có chồng rồi, nhưng chồng chị đang ở tận Việt Nam, anh ấy có ở ngay đây đâu mà chị phải gìn giữ? Hãy thoải mái đi chị! Tôi thích chị, thế thôi”. Tôi kiên nhẫn giãi bày cho cậu ta hiểu, dù chồng tôi ở xa, tôi không thể làm điều gì khuất tất, vì vợ chồng tôi yêu nhau và tôi chỉ có thể gần anh ấy mà thôi, không gần người khác được. Tốt nhất là cậu nên làm thân với những cô gái ở ngay thành phố này, vừa trẻ, vừa đẹp, phù hợp cuộc sống của cậu; và hãy lập gia đình riêng đi, cậu đã khá tuổi rồi đấy! còn tôi, tôi già rồi, tôi coi cậu vừa như em út, vừa như bạn bè và ta chuyện trò với nhau thế là đủ. Tôi cũng cảm ơn cậu về buổi nói chuyện hôm nay, cậu đã cho tôi một cơ may tập nói tập nghe tiếng Anh thật tuyệt vời, tôi thật thà bảo vậy. Chưa xong, cậu ta vẫn lắc đầu đứng dậy, vẫy tôi lại gần, và bảo, chị hãy nhìn thẳng vào mắt tôi đi nào! Dĩ nhiên là tôi không lại gần, và không nhìn vào mắt hắn. Ngay từ đầu, và suốt quá trình nói chuyện, tôi còn lạ gì mắt hắn thế nào. Vốn dĩ tôi rất không thích khi chuyện trò với nhau cứ lảng tránh mắt nhìn đi chỗ khác, đã nói chuyện là phải nhìn thẳng vào nhau, chân tình. Nhưng ở trường hợp này, tại mắt hắn quá đặc biệt, nên tôi sợ, tôi luôn lảng tránh chứ ít khi nhìn thẳng. Tôi thừa biết nhìn sâu vào mắt hắn thì “chết” lúc nào không biết mất thôi.
              Tôi gắng trở lại bình tĩnh và mời cậu ta ngồi vào ghế gỗ. Rồi tôi xin lỗi tôi phải sang sứ quán có việc nên khi khác mời cậu đến chơi sẽ nói chuyện tiếp. Cậu cười thật hiền rồi bảo cậu sẽ đi, và nếu không thấy phiền, cậu đưa tôi sang sứ quán. Tôi bằng lòng ngay. Tiễn ra đến cửa, bỗng nhiên cậu ôm lấy tôi, kéo vào một chỗ hơi khuất, thơm lên má, tôi cuống lên không biết làm sao, cậu còn định sờ soạng nữa nhưng chưa kịp làm gì vì tôi giả vờ gọi con trai ông chủ nhà lên. Rồi ngay sau đấy, thật may, Phi từ trong phòng nam đi ra (bạn về từ bao giờ hay là hôm ấy bạn nghỉ học, tôi  không nhớ). Cậu đành miễn cưỡng chào và xuống cầu thang. Tôi leo lên xe để cậu chở tới sứ quán, lúc ấy tôi chả hiểu mình, lẽ ra là cáo từ ở nhà luôn mới phải chứ, sao cứ nể nang kì lạ vậy. Rất may, cậu đã hoàn toàn tử tế. Khi đến trước cửa sứ quán rồi, cậu chỉ nhìn tôi rất buồn và nói,” thực lòng, tôi muốn … ngủ với chị cơ, nhưng chị thật kiên quyết khác thường, có lẽ nào chị không phải là phụ nữ ??? nên chúng ta phải chia tay. Đây là các của tôi, tôi chờ chị hẹn gặp khi chị muốn”. Tôi bắt tay xã giao chào cậu, bụng bảo dạ, tôi mà hẹn gặp cậu nữa chẳng hóa tôi thần kinh à???
              Thời gian đã qua đi bao nhiêu năm trời, nhưng tôi không quên được khuôn mặt và đôi mắt của cậu ta, thậm chí không biết nói có quá đáng không, trong đời thực và cả qua bao nhiêu phim ảnh mà tôi đã xem, tôi chưa thấy ai đẹp hơn cậu cả (tất nhiên là đẹp về hình thức bên ngoài). Và quả tình, sự lôi cuốn của cậu có lúc đã làm tôi xao xuyến, dù nhiều nhất chỉ trong mươi giây ngắn ngủi, nhưng đủ để lại trong tôi một cảm giác khó chịu về sự bất thường của mình, sự bất thường không giải thích được vì lâu nay, tôi chỉ rung động xao xuyến với MQ và chỉ với MQ thôi. Thế mới biết, sự thể đàn ông đàn bà phức tạp ra phết, không thể nào chủ quan được. Thế mới biết, các cụ bảo người khác giới có cho nhau nhận từ nhau cái gì đều phải qua vật trung gian khác, không có đụng chạm là đúng rồi! Thế mới biết, bố tôi ngày xưa kể chuyện bạn đến nhà, ngồi nói chuyện với vợ bạn là phải ngồi đối diện, không được ngồi cạnh đâu có gì quá đáng? Tôi viết dài dòng chuyện riêng của tôi, biết chỉ là chuyện tầm phào, nhưng tôi muốn kể cho chị em nghe mà tự đề phòng trong cái thế giới đầy “ma lực” này (xin lỗi các đấng mày râu nhé).
              Nhắc đến cậu con trai ông bà chủ nhà, tôi bật cười một mình khi nhớ về những kỉ niệm khá đặc biệt. Như phần trên tôi kể, con trai chủ nhà là cậu sinh viên mới vào học năm thứ nhất. Sau khi thay mặt bố mẹ bàn soạn và làm hợp đồng cho chúng tôi thuê nhà, em hay lên tầng hai nói chuyện phiếm với tôi, bất kể là ngày thường hay chủ nhật, buổi tối, hay ban ngày, miễn là lúc ấy tôi có nhà và em không phải tới trường. Tôi quí cậu bé lắm, hai cô cháu chuyện trò không dứt ra được, chủ yếu là chuyện học hành và sinh hoạt của bọn trẻ ở hai nước. Nhưng mỗi lần em chạy lên nói chuyện với tôi là một lần bà mẹ gọi con trai xuống, với một giọng ngày càng nặng nề, gắt gỏng. Khổ thân em, chạy xuống lầu bầu gì ấy rồi lại chạy lên. Thấy vậy, tôi hơi ngại. Tôi nhắc em, này cháu, mẹ gọi đấy, mẹ gọi về đi học phải không, hay cháu phải làm bài tập? cháu có giúp mẹ nấu ăn hay dọn dẹp gì không? khi khác ta nói chuyện nhé! Nhưng không, em lắc đầu cương quyết, không sao đâu cô, cô cứ kể tiếp cho cháu nghe đi! Thế là hai cô cháu lại rơi vào “mê lộ” của những đàm thoại khó thoát. Về phần tôi, khỏi phải nói, tôi thấy sướng - sướng với trò chơi tiếng Anh này.
              Rồi đến một ngày, bên họ có một lễ hội gì đấy không rõ, chỉ biết là nhà nào cũng nấu ăn đủ các món liên hoan chè chén linh đình. Ông chủ nhà sai con trai dẫn lên tầng mời chúng tôi xuống dự tiệc. Cha mẹ ơi, sao mà lắm món thế, các món đều mầu nâu nâu đen đen nấu sền sệt, với những hương vị đặc biệt Ấn độ, do bà chủ nhà tự chế biến. Chúng tôi xuống nhà dưới, ngồi vào bàn. Bà chủ nhà đi ra đi vào mang dọn đồ ăn, nhưng vẻ mặt không vui tẹo nào. Chúng tôi mang quà xuống tặng, mải nói chuyện với ông chồng, ông ấy nói được tiếng Anh nhưng không thạo. Rồi bữa tiệc bắt đầu, hai vợ chồng chính thức mời chúng tôi một cách trịnh trọng. Ông chồng giải thích thêm rằng vợ ông không biết Anh ngữ, nên khi cần con trai sẽ phiên dịch. Tuy nhiên, chỉ ông chồng thao thao bất tuyệt, lúc tiếng Anh khi tiếng Ấn còn bà vợ tuyệt nhiên không nói một lời. Đôi khi chúng tôi xã giao hỏi vài câu thì bà ấy trả lời rất miễn cưỡng, nét mặt lành lạnh và tỏ vẻ khó chịu.
              Sau rồi, tôi chủ động tâm sự kể cho ông bà nghe về gia đình tôi ở Việt Nam, và giới thiệu gia đình các bạn tôi nữa. Nghe chuyện tôi có chồng và ba con, con lớn 21 tuổi đang học đại học ở Liên Xô, tự nhiên bà vợ rơm rớm nước mắt, rõ ràng là bà khóc. Rồi bà chạy đến ôm lấy tôi nhờ con trai hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi trả lời xong, bà thôi khóc nhưng còn xụt xịt và cười cười ngượng nghịu rất xúc động “Tao xin lỗi mày, tao hiểu lầm rồi. Từ nay chúng ta là bạn của nhau nhé! Tao cùng lứa tuổi với mày đấy” Rồi bà nói tiếp, "mà sao mày không dán cái nốt đỏ lên trán?" Tôi ngơ ngác không hiểu, bà lấy từ tủ ra một hộp đầy nốt giấy đỏ rồi lấy một cái dán lên giữa trán tôi. "Đó, phải thế chứ. Mày có chồng rồi mà. Có chồng thì phải dán lên để mọi người biết". He he…tôi hiểu rồi tôi hiểu rồi ạ, thì ra lâu nay bà chủ ngỡ tôi chưa có chồng mà con trai cứ chạy lên chạy xuống lỡ ra có phiền hà gì, bị mấy mụ nước ngoài này chài mồi thì hết hơi. Chưa hết, bỏ dở bữa ăn, bà hì hục quấn sary vào người tôi, dạy tôi cách quấn,và khen tôi giống người Ấn độ. Bà bảo bà tặng tôi cả cái hộp mang về Việt Nam mà dán dần các nốt đỏ. Còn tôi thì khoái chí vì xem phim Ấn độ, thấy người đẹp dán nốt đỏ trên trán, tưởng họ có cách trang điểm riêng, chứ biết đâu đó là dấu hiệu phụ nữ có chồng.
              Từ sau đó, không khí tiệc tùng vui vẻ sôi nổi hẳn, không còn sự mặc cảm xa cách nào nữa. Bà chủ nhà không còn ủ dột đăm chiêu, nét mặt bà bừng lên tươi tắn, thi thoảng nhìn tôi với một vẻ trìu mến dịu hiền. Ông chủ nhà thì rượu vào lời càng ra lắm. Ông dặn chúng tôi lúc nào rỗi nhớ xuống chơi. Rồi những ngày sau hễ cứ thoáng thấy tôi đi qua (lên gác), ông lại gọi, “Madam Thư vào đây vào đây, tôi thích nói chuyện với bà”.Tôi chỉ cúi chào ông và cáo từ ngay, tôi không bao giờ dám ghé vào, tôi phải tự răn đe mình rằng không được để sự hiểu lầm nào xảy ra nữa (!!!).
              Chưa hết chuyện bất thường của tôi trong những ngày sống xa nhà. Như trên đã kể, kì này ra nước ngoài, cứ nghĩ về MQ, tôi lại buồn khó tả, những nỗi buồn không định hình rõ ràng, chứ không phải chỉ buồn vì MQ không nghe tôi cứ loay hoay làm thủ tục đi Ba Lan bằng được. Mỗi lần nhận được thư MQ và các con ở nhà gửi sang, mặc dù thư viết rất quen thuộc, tự nhiên nhưng tôi vẫn thấy nao nao khó tả và lòng dạ chẳng yên. Tôi có cảm tưởng MQ chỉ viết gọi là viết, chứ thực tâm đang mải hướng về chuyến đi, mà trong hoàn cảnh cụ thể của MQ và theo cách nhìn thời bấy giờ, là hết sức may mắn và tốt đẹp, là tràn đầy hi vọng, trong khi tôi ngoan cố bác bỏ phủ định mà chẳng có lí do gì cho ra hồn. Nói vậy chứ qua thư nhà gửi sang, biết MQ chưa đi, tôi yên tâm phần nào về me tôi, về các con vì MQ hay về nhà thường xuyên, chăm lo chu đáo. Tôi vẫn nhớ các con lắm nhưng tâm trí bị phân thành hai nửa, một nửa cho hai đứa nhỏ, một nửa cho con gái lớn. Mỗi khi nói chuyện với con trai ông bà chủ nhà, tôi liên tưởng ngay đến Tuấn, con trai mình. Mỗi khi nói chuyện với cậu sinh viên dẫn đường thì tưởng tượng đến Hoa, con gái lớn, và tối về lại chăm chỉ viết trường thư cho con ngay. Riêng Hương, con gái út, ở nơi này chả có bé nào trạc tuổi ấy nên tôi tự trấn an rằng, đã có bố MQ yêu quí bé lắm rồi, bố vẫn đang đi chợ cùng với bé đây, và chờ ngày tôi trở về.
              Sống và học tập ở đây, tôi và Phi dần dần thân nhau hơn. Chúng tôi đã từng làm việc với nhau từ rất lâu rồi ở đơn vị cũ, cùng đi học ở nước ngoài, nhưng đối với nhau cũng bình thường. Chỉ lần này, khi sang đây, tôi mới cảm thấy quí bạn và tin cậy hơn. Một buổi tối, hai đứa nói chuyện với nhau, chuyện nọ xọ chuyện kia, tự nhiên tôi kể cho bạn mấy chuyện buồn của mình, từ thuở xa xưa, rồi chuyện hiện tại. Trong một xúc động tình cờ, bạn có cử chỉ thân mật với tôi. Tôi ngượng ngùng bảo bạn, tôi hiểu tình cảm của bạn, nhưng mỗi đứa chúng ta đều có gia đình nhỏ đầm ấm nên phải giữ gìn, đừng quá xúc cảm mà rách việc. Bạn đồng ý và chúng tôi rất tôn trọng nhau. Dù chẳng ai nói với ai, tôi hiểu giữa chúng tôi đang có một tình bạn tốt đẹp. Nó giúp chúng tôi say sưa học tập hơn, mang đến cho chúng tôi những niềm vui giản dị mà tiền bạc không thể nào mua được. Tôi bảo bạn, hãy coi tôi như “đàn ông” đi. Mặc dầu vậy, từ trong sâu xa, tôi vẫn không hiểu được mình. Có phải tôi xúc động khi được Phi quan tâm bởi mình yếu, mình thường say xe không, hay vì bây giờ tôi mới nhận ra bạn, một người thật tốt về nhiều phương diện ẩn dưới một hình thức bên ngoài có phần khắc khổ, vừa nóng tính vừa lạnh lùng không lấy gì làm thiện cảm?
              Thời gian trôi đi nhanh. Sắp hết khóa học, chúng tôi lo thu xếp tiền tiết kiệm được cùng ít tiền mang đi từ nhà, để đặt mua mỗi đứa một xe máy Nhật cũ 50 phân khối. Ngoài ra, xách theo, không phải xách mà là đeo trên lưng một cái máy vắt sổ nặng 12 kg để mang về bán lại kiếm chút đỉnh. Nghĩ thương mình và thương các bạn quá, vì chẳng có gì để mua cho có lợi nữa nên mới cố, mới cực kì vất vả mà cuối cùng về bán thật khó khăn và rẻ mạt, suýt nữa hòa vốn mất công không; nếu biết tình cảnh vậy thì không đời nào rủ nhau tham chi cho khổ. Ngày ấy chúng tôi bảo nhau, đã là người Việt Nam, thì có ra nước ngoài nào, sướng mấy vẫn khổ thôi. Nhưng xét cho cùng, bọn mình còn may mắn chán, có bao nhiêu đồng nghiệp nhất là anh chị em công nhân cùng làm ngay trong đơn vị chúng ta, đã bao giờ được đi nước ngoài đâu? có đầy rẫy đồng bào mình đang cơm không đủ ăn áo không đủ mặc kia kìa! Nghĩ vậy cả bọn như được tiếp sinh lực mới, hăm hở đi chợ, hăm hở nấu ăn chỉ trên một cái bếp tự tạo, tự gắn dây may so mà lúc đầu lo phải trả tiền điện nhiều, sau mới thấy càng dùng nhiều số càng được giá rẻ chứ không như bên mình. Quà cáp cho bạn bè, cho người thân đều chờ về nhà sẽ mua chứ không mang được gì từ Ấn độ. Duy nhất với MQ, tôi mua về cho anh một cái áo da thật để anh mang đi cho đỡ lạnh. Áo da đắt lắm, nên tôi chỉ dám mua loại vừa vừa không phải hàng cao cấp. Ngoài ra, tôi còn chịu khó khuân hai kg nho tươi, xanh, không hạt, để trong một cái hộp và khư khư ôm trước ngực bảo vệ khỏi nát khỏi hỏng, mang về để me tôi và mấy bố con nhấm nháp cho biết, vì nó ngon quá.

Tiễn chồng đi xa
             
Trở lại Hà Nội, may mắn là MQ chưa đi. Phải sau đấy hai tuần, MQ mới lên đường. Thủ tục sang Ba Lan chưa hoàn tất, MQ sẽ sang Liên Xô trước, nhờ làm tiếp, và tiện thể ghé thăm con gái đang học. Chiến, bạn anh ở Ba Lan, sẵn sàng chờ anh sang hợp tác khoa học, chủ yếu là kiếm cớ để sang làm ăn thì đúng hơn.
            Vậy là vợ chồng tôi còn gần nhau được nửa tháng. Những ngày tháng này, đêm nào chúng tôi cũng thức, nói chuyện và …đủ thứ…hàng mấy giờ đồng hồ. Tôi không vùng vằng gì cả, chỉ bình tĩnh dặn anh:”Vậy là anh nhất quyết đi, anh không nghe em, thôi thì anh cứ đi. Nhưng anh nhớ chỉ đi đúng sáu tháng, tức là tới dịp sinh nhật em (tháng 11) anh phải về đấy”. MQ trầm ngâm rồi khẽ bảo, “nói vậy thôi chứ đi đúng sáu tháng thì chưa kịp làm gì cả, có lẽ anh  phải đi hai năm. Em đừng buồn. Anh hứa sẽ về vào dịp sinh nhật em rồi sang tiếp 1,5 năm nữa xong mới về hẳn”. Tôi im lặng. Đầu óc tôi quay cuồng, và một ý nghĩ bất chợt nổi lên, anh đi hai năm cơ à? Hai năm, thời gian quá dài và đủ để một mối tình với cô gái xa lạ nào đó phát sinh và phát triển! Anh sẽ không còn nhớ gì về những năm tháng chúng tôi yêu nhau và có một gia đình nghèo khó mà ngập tràn hạnh phúc. Đồng tiền chắc sẽ rủng rỉnh trong túi anh, nó sẽ thao túng anh, sẽ biến đổi anh thành một người khác. Vậy thì anh cố trở về đúng dịp sinh nhật vợ mình còn có ý nghĩa gì cơ chứ? Nghĩ vậy, một lúc sau tôi nói nhẹ nhàng nhưng rất cương quyết: “Thôi, em không biết nói gì nhiều cả, em chỉ nhắc anh một lần nữa rằng, nếu sinh nhật em, anh không trở về, tức là chỉ sau sáu tháng ấy, thì em sẽ chẳng có bất cứ trách nhiệm gì trong quan hệ của chúng mình nữa, và hãy đừng trách em!”. Anh vuốt nhẹ lên mái tóc tôi, âu yếm: ”Đừng dọa anh như thế Thư ơi! hãy hiểu cho anh, tất cả là vì cuộc sống của chúng ta, vì con cái chúng ta mà em. Rồi thời gian trôi nhanh lắm, anh hứa anh có mặt trong sinh nhật em, nhưng sau đó thì hãy để anh đi tiếp!”.
           Cả hai, ai cũng nhẹ nhàng, mà ai cũng kiên quyết, nhưng nói qua nói lại mãi chả ích gì, nên tôi dừng lại. Đêm ấy, và suốt những đêm của hai tuần trước khi xa nhau này, tôi hoàn toàn chiều anh, không phòng bị bất cứ dụng cụ tránh thai nào, không có bất kì lời nào nhắc nhủ chồng rằng phải “cẩn thận”. Tôi không sợ lỡ ra lỡ vào gì nữa. Tôi chỉ nghĩ, tôi sẽ vì anh, đây cũng là dịp đầu tiên trong đời vợ chồng (trừ mấy ngày mới cưới, mà mấy ngày này thì chỉ lăm lăm có con), tôi không tránh né lo lắng gì cả, thậm chí tôi còn nghĩ trước, nếu tôi có thai nữa thì khi anh đi rồi, tôi đành đi "giải quyết" một mình vậy, dù cho đau đớn và kinh sợ đến thế nào. Tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng, TRƯỚC HẾT, tôi vì anh, bởi tôi hầu như không có ham muốn, không đòi hỏi gì trong suốt bao nhiêu năm, đã thành thói quen rồi. Có chăng tôi chỉ cần sự vuốt ve, cần sự chia sẻ thương yêu qua ánh mắt, với vòng tay ôm tôi thật chặt mà thôi. Tôi đã quá sợ sinh con trong tình cảnh vỡ kế hoạch một cách bất lực thực sự, mặc dù tôi yêu anh vô cùng. Nói vậy chắc nhiều người chả tin, nhưng tôi không nói dối. Tuy vậy, đã không nói dối thì phải nói thật nốt: SAU HẾT, những đêm trước khi MQ tạm xa tôi này, vì không lo lắng chuyện có con nữa, tôi mới biết được cảm giác hạnh phúc sung sướng khi tình yêu được thăng hoa trong cơn mây mưa - để xóa sạch bao ưu phiền bụi bậm của cuộc đời là bể khổ này, điều mà trước đây, tôi không mấy khi có được, hay nói một cách mạnh dạn hơn, tôi chưa bao giờ có được. Tôi bật khóc khi viết những dòng này đây ngay trong khi tôi đang nhớ lại CHÚNG TÔI HẠNH PHÚC.
            Không lo sợ gì, thì trời xui khiến chả làm sao hết, chả có sinh linh bé bỏng nào hình thành thêm, âu vẫn là số phận!
             Vì đặt trước khi rời Ấn độ kha khá thời gian nên xe máy bọn tôi mua kịp về trước ngày MQ đi. Thật là may mắn quá, MQ đi cùng tôi ra chỗ nhận xe. Xe vẫn nguyên chiếc, chỉ xiết sơ sơ ốc vít, đi đổ xăng là MQ chở tôi về nhà yên ổn. Rồi sau đó, anh mới lau chùi xem xét kĩ hơn, và mắt anh cứ sáng dần theo độ bóng lên của chiếc xe hiển hiện. Anh bảo tôi gắng giữ xe này mà đi làm chứ đừng bán, khi anh đi rồi thì bán xe cũ mà bạn cho hồi nọ ấy để tiêu và góp vào trả nợ.Tôi cảm thấy mãn nguyện vô cùng, bất giác thấy thương chồng nhiều hơn.
           Tôi thu xếp tiền nong rồi đưa anh đi mua sắm quần áo và đồ dùng thiết yếu. Tôi mua quần áo bò cho anh, mặc vừa rồi, vẫn chưa thật ưng ý, tôi lại mua thêm nữa, loại khác, rồi áo phông, áo sơ mi, quần áo ngủ, quần áo lót, thắt lưng da, ví các loại. Cái gì anh cũng ừ hết, anh không phản đối một lời nào. Tôi hơi ngạc nhiên, sao bữa nay anh dễ tính thế? Mọi khi, cứ đụng đến mua sắm nhất là quần áo là anh giãy nảy lên, anh sợ tốn tiền, anh quen ăn mặc giản dị, suốt đời cứ đánh mấy cái áo quần bộ đội là xong. Lạ, nhưng thôi, anh dễ tính để vợ sắm sanh vậy là tốt rồi.
              Hôm sau, một anh bạn ở đơn vị đến thăm. Gọi là bạn, chứ thực ra anh là thầy My, dạy chúng tôi năm cuối đại học. Chả là ngày xưa MQ ở lại trường nên đổi cách gọi. Anh rất quí MQ, biết MQ sắp đi vắng, nên mang một can bia và mấy gói lạc rang tới liên hoan nhẹ chia tay. MQ thật thà khoe hết hôm qua hai vợ chồng đi đâu mua những gì. Rồi MQ tâm sự “Vợ em mua cho em đấy anh ạ. Em nghĩ đó không phải chỉ là vật chất, là mua sắm cái áo cái quần, mà đấy là tình cảm của vợ em, nên em tôn trọng. Thư mua sắm gì cho em, em đều vui vẻ đồng ý hết”. Nghe vậy, tôi mới ngỡ ngàng giải thoát được thắc mắc thoảng qua trong tâm trí mình hôm trước.
            Đó là mua sắm cho MQ. Một mặt, tôi vay đô la Mỹ của một vài bạn bè thân thiết, góp với hai người bạn đi cùng đoàn, mua một số hàng mang ra nước ngoài bán kiếm lời (như áo bay rởm, quần bò, và một số thứ khác lặt vặt). Chúng tôi nhờ bạn mua dùm rồi đóng thùng hộ luôn vì vợ chồng tôi chẳng biết đằng nào mà lần.
              Trước hôm đi mấy ngày, vợ chồng tôi lên cơ quan để MQ gặp gỡ chào tạm biệt bạn bè tôi ở trung tâm, và liên hệ gì đó với ai  để khi đến đất Nga có thể làm tiếp visa sang Ba Lan. MQ chở tôi bằng xe máy. Gần đến chỗ quặt lên đường Điện biên phủ tính từ phía Cửa Nam, có một cậu thanh niên đi xe đạp về phía ngược lại. Tôi ngồi đằng sau thấy rõ ràng MQ đi trái và có nguy cơ tông vào cậu ta, nhưng sợ MQ cuống, tôi phải ngồi im để MQ tự xử lí. Rồi chẳng tránh được, sự cố xảy ra thật khiến cậu ta đổ xe ngã xuống, nhưng may hai chúng tôi và cậu ấy đều không việc gì. Cậu ta đứng dậy nổi xung với MQ. Lẽ ra MQ xin lỗi thì xong, đằng này MQ cũng nổi nóng lại. Thế là hai người bỏ xe đấy say sưa cãi lộn nhau mới chán chứ. Tôi chạy đến can chồng, rồi lấy hết sức bình sinh tự mình vật lộn kéo cậu thanh niên ra, tôi xin lỗi cậu thay cho chồng tôi. Tôi nói:”Chồng tôi sai rồi, nhưng mong em thông cảm vì mấy bữa nay anh ấy có nhiều việc lo lắng căng thẳng, không được bình tĩnh nên mới thế, chứ mọi khi hiền lắm. Nghe tôi nói, cậu dịu giọng:“ừ thì nói như chị còn nghe được, chứ với anh nhà chị, em chịu không nổi”.
              Xong chuyện, đi tiếp, lại đến đèn xanh đèn đỏ. Đèn vàng nháy nhanh chuyển sang đèn đỏ rõ ràng, mà MQ cứ phóng vượt qua. Công an tuýt còi phạt, MQ lí sự tiếp, anh công an có nguy cơ tức giận. Mặt anh ta đỏ lên rồi. Tôi vội chạy đến nói với anh ta:
- Chúng tôi xin lỗi, vì vội quá…
- Ơ cái chị này hay nhỉ, chị chả có lỗi gì cả, chị tránh ra kia chờ đi, để yên tôi làm việc với chồng chị. - Anh công an nhìn tôi hất hàm.
- Dạ không, thưa anh, chính thực nguyên do là lỗi của tôi đấy ạ. Tôi vội lên cơ quan họp kẻo muộn giờ, nên ngồi sau cứ thúc chồng tôi vượt ẩu, mong anh thông cảm và bỏ qua cho. Chúng tôi hứa rút kinh nghiệm và đi thật cẩn thận. - Tôi nói dối đột xuất và biến báo thật nhanh.
Nét mặt anh công an chùng xuống. Anh cho chúng tôi đi và kịp lườm MQ một cái. Còn tôi thì mừng hú, bụng trấn an dạ, MQ sắp đi rồi, lắm chuyện trục trặc bây giờ để nay mai đi yên ả hơn chăng.
            
Ngày đi đến thật gần. Buổi tối, đi làm về, tôi với MQ đến hai cậu cùng đoàn để bàn bạc gì, tôi không nhớ rõ. Họ sang Liên Xô, chứ không sang Ba Lan như MQ. Hai cậu đều là người của trung tâm tin học nơi MQ dạy thêm. Họ ít hơn MQ tới chục tuổi, có vợ con cả rồi. MQ mặc áo sơ mi ca rô xanh vàng giắt áo trong quần trông trẻ trung hẳn ra, khác mọi ngày lúi xùi tất bật trong áo quần bộ đội bạc màu (bộ nào mới mẻ đẹp đẽ bán hết rồi còn đâu).
              Ngày 22/4/1992, ba anh em thuê chung một xe 16 chỗ chở ra sân bay Nội Bài. Gia đình hai cậu bạn đi tiễn rất đông, có cha mẹ, vợ con đủ hết. Riêng nhà tôi, chỉ một mình tôi đi tiễn, các con đi học bình thường. Kể cũng lạ, nhưng ngày ấy tôi đơn giản lắm, thấy bố con chia tay nhau, chào nhau lúc ở nhà từ hôm trước vậy là đủ, mà MQ lại chả yêu cầu gì. Xe đến, vợ chồng tôi lên xe, chỉ có me vẫy, dặn dò. Hành lí của MQ chủ yếu là áo quần và đồ dùng thiết yếu, còn hàng thì đã xếp chung với các bạn. Mọi giấy tờ, hộ chiếu, vé máy bay, tiền bạc, tôi đều giữ trong một xắc tay nhỏ.
               Hôm ấy, tiễn MQ, tôi mặc chiếc quần cũ bàng bạc, cùng áo phông có eo, nền xanh lơ, in những bông hoa bé tí. Chiếc áo này cũ lắm, nên màu không còn xanh tươi mà hơi ngả “cháo lòng”.  Tóc tôi uốn, đã dài, buộc cẩu thả túm ra đằng sau. Tuyệt nhiên tôi không trang điểm, không tí son phấn nào. Chân tôi xỏ đôi dép lê đi thất tha thất thểu. Nhiều đêm mất ngủ, tôi phờ phạc, mặt mũi tái dại. Mệt là có thật, nhưng cái bề ngoài lôi thôi thì do tôi cố ý, trong khi vợ của các bạn  xinh  tươi roi rói. Tôi cố tình để lại trong mắt chồng hình ảnh của một người vợ khốn khó, nghèo nàn, xấu xí, không có một chút gì hấp dẫn. Nếu so với những ngày học ở Ấn độ thì phải nói là khác nhau một trời một vực. Ở Ấn độ, tôi trẻ trung bao nhiêu thì bây giờ tôi già nua bấy nhiêu. Ở Ấn độ, tôi ăn mặc diêm dúa, mềm mại hoặc nếu hiện đại thì thanh thoát và đầy sức sống bao nhiêu thì bây giờ tôi ăn mặc cẩu thả với dáng vẻ tất bật nét mặt u tối buồn nản bấy nhiêu. Tôi muốn MQ ghi hằn sâu trong trí nhớ một hình ảnh tồi tàn của vợ trước lúc anh lên đường, để nếu như anh còn tình yêu thương thật sự, thì anh vẫn chịu đựng được sự hiện diện của tôi, và sẽ nhớ thương để quay về đúng hẹn. Bằng không, hình ảnh của tôi sẽ giúp anh dễ rời bỏ, cách xa hơn và bớt đi phần nào sự nuối tiếc, day dứt. Anh sẽ đi theo con đường anh lựa chọn với những mê đắm mới đang và sẽ vẫy gọi anh.
              Thật phức tạp quá. Tôi tự làm khổ mình và làm khổ anh. Có lẽ chỉ những lúc như thế này, tôi mới nhận ra mình thật là kì quái, và anh làm chồng tôi thực ra đâu có gì sung sướng.
               Xe đi đón tiếp gia đình hai cậu bạn, rồi ghé qua trung tâm tin học chào tạm biệt mọi người. Tôi không vào, tôi khẽ bảo anh tôi sang phía bên kia đường rồi trở lại ngay, anh cứ chuyện trò với bạn bè đi. Chả là bên kia đường có cửa hàng bán quần áo thật lớn, người mua đi lại tấp nập. Tôi vào mua thêm một sơ mi trắng cho MQ, mặc dù mấy bữa trước đã sắm đủ rồi. Tôi kéo phec mơ tuya mở xắc lấy tiền trả, rồi ra khỏi cửa hiệu, gần như phải chen lấn một chút vì khách quá đông mà tôi thì lo trễ. Quay về, vừa đúng lúc ba anh em và người thân lên xe bùi ngùi chia tay. Tôi nhanh nhẹn trèo lên, ngồi ở một chỗ ngoài cùng, rồi ngay lập tức căng thẳng chuyển sang trạng thái say xe khi ngửi thấy mùi xăng, nên chỉ chào chiếu lệ rồi nhắm mắt lại. Một lát sau, tôi mở mắt loay hoay lục tìm lọ dầu bôi cho đỡ mệt, thì giật mình khi thấy cái xắc đang mở toang, chỉ liếc nhìn qua là thấy ngay nào vé máy bay, nào hộ chiếu, nào tập đô la Mỹ, không có gì che đậy. Ơ hay, tôi hơi hoảng, lật đật kín đáo đếm tập tiền vẫn thấy đủ chín tờ 100 USD, tôi mang theo để sang sân bay trả nốt cho hai người bạn đóng hộ hàng, vì sát giờ đi tôi mới lo được đủ tiền, chưa kịp gặp bạn trao đổi tính toán gì. Tôi hoảng vì mình mới thoát ra từ một cửa hàng cực kì đông đúc, đeo cái xắc quên không kéo phec mơ tuya mà sao lại may mắn không gặp chú trộm nào nhòm ngó chứ. Thở phào chưa xong thì trong đầu óc tôi đã lóe lên một ý nghĩ khác: kẻ trộm đi đâu hết rồi mà không nhón luôn mấy thứ nhỉ, nhất là nhón hộ chiếc vé máy bay thì có phải MQ “đỡ”đi không, sao họ lại “đồng tình” để MQ ra đi như thế chứ? Chao ơi đúng là vẫn tại số mà!
            Sang sân bay, tôi trả các bạn tiền, cảm ơn và nhờ các bạn sang bên kia giúp đỡ MQ. Rồi, tôi lẽo đẽo đi theo MQ làm thủ tục,  khai báo hải quan.Tôi chuẩn bị sẵn cả từ cái kính, đến bút viết, hỏi MQ đã có chưa, chưa là tôi đưa ngay ra, và chỉ dẫn để MQ khai cho nhanh, vì ít ra tôi đã quen hơn với công việc này; rồi MQ trình vé, cân hàng, lấy boarding card. Xong đâu đấy, MQ trở ra bắt tay từng người một, chào tạm biệt. Và MQ đi thẳng vào phía cửa phòng chờ. Trong lúc MQ bắt tay chào mọi người, tôi cứ phấp phỏng chờ đợi, ngạc nhiên, lại chờ đợi, không thấy chồng nói gì với mình. Một thoáng suy nghĩ, tôi đưa xắc cho một ai đó giữ hộ, đi người không rồi nói với cán bộ kiểm soát: “Tôi xin lỗi, anh làm ơn cho tôi vào, dặn thêm chồng tôi một chút, chồng tôi kia kìa, rồi tôi ra ngay. Đây tôi không mang theo cái gì cả, anh đừng ngại!” Miệng nói chân đi vội vã khiến ông cán bộ ngơ ngác, nhìn theo không kịp ngăn cản hay tra hỏi gì. Tôi gọi hơi giật giọng,”anh MQ ơi!”...Chồng tôi quay lại. Tôi ghé sát vào anh nói nhỏ: “Này anh, vì sao trước khi ra phòng chờ, anh nhớ đi bắt tay chào từng người một, từ các ông bà già, những người vợ bạn, đến cả từng cháu nhỏ là con cháu của họ, không thiếu một ai, trong khi anh không nói một lời nào với vợ anh, không dặn dò một câu nào về me, về các con. Thế là tại sao? em không hiểu!”. Nghe thế, MQ đưa tay ra định nắm lấy tay tôi, thì nhanh như cắt, tôi bỏ chạy. MQ đuổi rượt theo tôi, hai đứa cứ chạy vòng quanh. Tôi quyết tâm chạy nhanh để MQ không thể đụng chạm vào mình. Mọi người đứng quanh hết sức ngạc nhiên, không hiểu đôi vợ chồng này làm cái trò gì. Rồi tôi nhanh chóng vọt ra ngoài, không buồn nhìn xem MQ về phòng chờ lúc nào, và MQ có vẫy tôi hay không.
             Đoàn người thân đứng chờ tôi. Tôi đến với họ, và bảo:
- Chờ ở đây đến lúc máy bay cất cánh còn lâu lắm, vì thế các bác, các anh chị, các em và các cháu cứ về trước đi ạ. Tôi ở đây chờ rồi tối về gọi điện sau cho cả nhà mình biết tin nhé.
- Ôi quí hóa quá, tốt quá, thế chị chịu khó ở lại vậy, chúng em về trước. Ơ thế khi về chị về thế nào? - Một cô mừng rỡ nhưng băn khoăn hỏi tôi.
- À không sao, mình sẽ đi nhờ xe hàng không ở đây nhiều lắm.
              Thế là tôi chia tay luôn với đoàn hai gia đình với đôi mắt ráo hoảnh và nét mặt cứng cỏi. Nhưng khi họ đi rồi, tôi mới thấy người mệt mỏi rũ như một tàu lá. Vai khoác cái xắc nhỏ rỗng không, chỉ có lọ dầu và một ít tiền lẻ, đầu đội cái mũ vải nhỏ nhợt nhạt che nắng, tôi lững thững tiến gần đến đám đông. Giờ này, còn lâu lắm máy bay mới cất cánh, tôi có thể lang thang thỏa sức để nhìn ngắm xem thiên hạ chia tay nhau như thế nào trước mỗi chuyến đi xa. Này đây, hai mẹ con bà mẹ già và cô gái trẻ đang chăm chút cho nhau uống từng miếng nước, ăn từng mẩu bánh; này đây, đôi vợ chồng trẻ bịn rịn bên nhau, chồng đi xuất khẩu lao động sang Li Bi, họ tựa vào nhau cả hai mắt đỏ hoe, rồi người chồng nắm chặt bàn tay của vợ dặn dò điều gì.Tôi cứ đứng đó, thản nhiên trân trân nhìn họ, và tôi khóc không biết ngượng ngùng. Rồi tôi lại lê bước sang những chỗ khác, cứ thế cứ thế, mắt tôi chả mấy chốc đã sưng mọng hết cả, đến lúc này thì người ta nhìn tôi như dò hỏi mà không biết nên hỏi cái gì? Chị ta bị mất cắp, hay bị làm sao, chị ta đi tiễn ai, hay là lạc mất người thân rồi?!? Tôi nhìn đồng hồ, ước chừng phải một giờ nữa. Tôi rời bỏ đám đông, tìm đường ra chỗ đứng chờ vẫy chào người thân của mình từ xa, chờ cái khoảnh khắc máy bay chạy trên đường băng chuẩn bị cất cánh. Tôi tìm ra một chỗ trèo tít lên cao, phải rồi, đứng ở đây là gần nhất. Trời nắng như đổ lửa, tôi không mang theo quạt, chỉ có một khăn tay bé tí, lau mặt lau nước mắt sũng hết rồi. Chả lẽ lại quệt ngang vào cánh tay của cái áo phông cồng cộc? Lúc này tôi không khóc nữa,chỉ chăm chăm nhìn từ xa và chờ đợi. Đây rồi, hành khách đang lần lượt đi ra, ai giông giống MQ, nhưng không phải, người này cao to hơn. Hay là kia, một nhóm đàn ông đang chuyện trò hể hả, không phải, họ có những bốn người mà! Mãi sau, đích thực là ba anh em nhà ta đây rồi. Tôi nhìn rõ, không chỉ chồng mình, mà cả hai cậu bạn nữa, rõ ràng là họ.Tôi dướn người như muốn cao hơn, tôi đứng đó một mình, duy nhất, không ai che lấp, không ai đứng cạnh. Tôi giơ khăn tay bé nhỏ lên vẫy vẫy và gọi tên anh, gọi tên các bạn. Tôi gào lên mà không khản giọng, tôi không biết mệt là gì nữa, không giận dỗi gì nữa. Dường như nghe được tiếng tôi, hay là tình cờ nhìn về phía đám người chờ tiễn từ xa, cả ba đều nhìn hướng về tôi, vẫy vẫy…
                 Tôi không gọi nữa, chỉ trân trân đứng lặng, không khóc, không cười, tránh cả chớp mắt đến mức có thể, để dõi theo. Ba người đã xách túi đi rồi, họ lên chiếc xe nào, xe chạy rồi kìa, về phía chân cầu thang máy bay thì chịu hẳn, không nhận ra ai nữa. Tôi chỉ gắng hình dung MQ và hai bạn đang bước lên cầu thang, đi qua mấy cô tiếp viên hàng không chào đón, đi tìm ghế của mình, bỏ túi đồ xách tay lên các ngăn phía trên, rồi ngồi cạnh cửa sổ ghé mắt nhìn ra, hay ngồi ở giữa, đang nói đang cười hay đang ngậm ngùi lơ đãng nhìn vào khoảng không chật hẹp trong máy bay này?
              Vẫn chờ đợi. Vẫn nóng nắng điên cuồng. Vẫn lau mồ hôi nhễ nhải, và thật may không có giọt nước mắt nào cả. Tôi đứng một mình, trên cao, cách xa mọi người, nên chẳng có ai mà nói chuyện cho quên bớt thời gian. Mãi rồi thì kìa, máy bay từ từ chạy trên đường băng, nhanh dần, xong đột nhiên dừng lại. Rồi máy bay cất cánh, vút vào khoảng không mênh mông vô tận. Bầu trời xanh trong, mây trắng thật yên bình. Chỉ có lòng người nơi tôi là không êm ả. Tôi tần ngần nhìn theo máy bay đến khi không còn dấu vết gì nữa thì lật đật trèo xuống, hòa vào đám đông và thoát ra ngoài.
              Như đã định, tôi lên một xe hàng không chở khách về Hà Nội. Hết chỗ ngồi vì xe quá đông rồi, nên tôi đứng và cầu trời “cho” xe đi thật nhanh, để tôi đừng say quá nặng. Mà tôi không say quá nặng thật, vì tôi lại khóc triền miên. Mắt tôi nhanh chóng sưng húp như cũ. Mấy bác hành khách ái ngại hỏi tôi bị làm sao, tôi lắc đầu cảm ơn và bảo không sao đâu ạ, rồi càng khóc tợn hơn, nức nở không cần biết trước mặt mình là những ai xa lạ.
           Về nhà, trời đã tối mịt tự bao giờ. Me tôi, các con tôi thấy tôi buồn bã, có vẻ khóc nhiều, không ai dám hỏi han gì, đoán chắc tôi xúc động trong cuộc tiễn MQ tại sân bay. Tôi rửa mặt mũi tí chút rồi đi gọi điện cho vợ bạn vắn tắt báo tin đoàn đã đi yên ổn, tôi tận mắt nhìn thấy máy bay cất cánh, để hai gia đình yên tâm.


Kí ức xa chồng

                   Hôm sau, đi làm, tôi gắng tỏ ra bình thường. Tôi không muốn để bạn bè dị nghị, chồng đi nước ngoài thích quá còn buồn nỗi gì. Nhưng tôi cần có sự chia sẻ. Nên tôi kể chuyện ra sân bay cho Phi, chỉ cần bạn nghe là đủ, là chia sẻ rồi, chứ không cần bạn bình luận. Chỉ có điều, kể lại lúc này, tôi không khóc nữa. Rồi từ đó, suốt ba tuần liền, vì giận dỗi, tôi không viết cho MQ lấy một chữ, mặc dù sang bên kia MQ viết thư về cho tôi ngay. MQ rất xúc động khi tới sân bay, đã có con gái chờ sẵn. Hai bố con gặp, ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Hoa về Mạc Tư Khoa đón bố chứ thực ra cháu sống và học ở thành phố khác. Cháu đã mong chờ từ bao nhiêu tháng nay rồi, chờ ngày bố sang. Con bé khi xa nhà, mới ngày càng cảm thấy yêu quí nhớ thương bà me, bố mẹ và các em. Đặc biệt là đối với bố MQ, con gái luôn ân hận vì khi còn ở nhà, đang tuổi mới lớn, bị bố mắng gì là rất tự ái, còn hay lí sự nữa. Mà bố mắng có gì lớn đâu, chỉ là một lần con gái lỡ thèm quá cứ lấy mỡ nước mà chan vào bát cơm nguội cho thỏa, bố nhắc con từ từ thôi nào, vì bố đã thuộc lòng lời dặn của mẹ với các con rồi, mẹ rán mỡ mẹ đã đếm mấy chục thìa mỡ nước đó, các con khi rang cơm hay xào rau chỉ được dùng hai thìa cho mỗi lần thôi!!! Giờ đây Hoa lớn rồi, con đã thấu hiểu lời dạy của bố “có những lúc, con phải biết làm những điều mình không thích và không làm những điều mình thích, cuộc sống là vậy con à”. Con đang sống ở một đất nước xa xôi, văn minh giầu có hơn nước mình bao nhiêu , nhưng không may rơi vào thời kì khó khăn, con đang phải chiến đấu với cái đói có ngày chỉ ăn một gói mì thôi, nhưng mà con vẫn vui, con vẫn chờ ngày gặp bố, và hôm nay bố đã sang đây, ôm con ngay giữa sân bay kì thú này, chứng kiến những bông tuyết rơi xứ người, nhìn những giọt nước mắt nóng hổi rơi từ mắt con, bố không cảm thấy lạnh mà lòng ấm áp vô cùng.
            MQ cùng hai cậu bạn thuê nhà ở chung, và từ đây, MQ đi chơi khắp thành phố, xông xáo qua Metro tới thăm bạn bè đang làm nghiên cứu sinh ở các thành phố khác, trước sự kinh ngạc của mọi người. Ai cũng phục anh, chưa ra nước ngoài bao giờ, tiếng tăm còn tậm tịt, mà dám một mình đi, và áy náy rằng lẽ ra họ đi thăm anh mới phải. Tất nhiên là đi chơi tranh thủ vậy, chứ việc quan trọng hàng đầu là MQ phải liên hệ xin visa đi Ba Lan, rồi thăm con gái, nơi cháu học hành xem thế nào, kẻo khi sang Ba Lan rồi, khó có dịp quay lại nữa. Tôi đọc thư MQ gửi về, vẫn như mọi khi xa nhau, đọc như nuốt lấy từng lời, rồi đêm về nằm vắt tay lên trán tưởng tượng MQ đang làm gì, sống như thế nào, và chờ mong thư mới đến, còn mình thì im lặng. Phải sau ba tuần, tôi mới viết lá thư đầu tiên, hỏi thăm qua quít, nhắc lại những giận dỗi trước sự “vô tâm” của MQ, và để giải thích vì sao tôi “đình công” chậm viết cho anh. Anh nhận được  thư tôi, chắc chắn vậy, nhưng MQ lờ luôn chuyện cũ, tịnh không một lời nào giải thich, thanh minh gì cả, khiến tôi càng bực tức mà chẳng biết làm thế nào, phải khá lâu sau tôi mới “đành” quên để trở lại bình thường. Tôi viết thư dặn MQ đi chơi thoải mái cho biết, và đừng căng thẳng chuyện làm ăn làm gì. Nhưng MQ, vì nung nấu đi để có cơ hội kiếm tiền nên lòng dạ chẳng yên. Anh viết thư về nói là anh xác định rồi, nhưng tự nhiên cứ cảm thấy có gánh nặng đè lên vai mình. Thật là khổ. Một ít hàng mang sang thì gửi chung bạn bán hộ, tiền bạn cũng cầm hộ là chủ yếu, MQ chỉ dè sẻn tiêu chút ít đi thăm bạn bè, thăm con gái thôi. Chờ đợi ở Nga đã lâu, mà khả năng sang Ba Lan thì mờ mịt, thế nên cậu bạn đang làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan (Chiến, người đã từng cho vợ chồng mình rất nhiều thứ xe máy, tủ lạnh …ấy) bàn để MQ tham gia vào công việc làm ăn của cậu ngay tại đất Nga, còn cậu thì chạy đi chạy về. Hai người thân nhau lắm và bạn tin tưởng MQ hoàn toàn.
            Tôi vẫn thế, chúi mắt chúi mũi vào công việc ở cơ quan. Thời kì này, chuyên gia sang, nên tôi được các Sếp giao việc nhiều hơn. Tôi không ngại việc bởi bận rộn lúc này lại trở thành may mắn, để tôi bớt nghĩ lung tung về MQ, và khỏi cần tính đếm ngày MQ trở lại. Không còn giận nữa, tôi viết thư liên tục cho MQ và chờ MQ cũng gửi thư về. MQ có thể biết được chuyện ở nhà, và ngược lại, tôi có thể cảm thông với anh hơn trong những ngày xa gia đình, lưu lạc bên đất người.
               Mặc dù bị lôi cuốn vào làm ăn với bạn, MQ đã kịp mua sẵn cho bé Hương (con gái rượu của bố) một gấu bông thật to, rồi tự sắm cho mình một thùng đồ chữa xe máy (cờ lê mỏ lết các loại), nặng tận 14 kg!!! MQ luôn lo lắng ở nhà tôi có khỏe không vì biết tôi hay làm việc quá sức, lo cái trần giả bị hỏng rồi, nước mưa cứ dột xuống hứng hàng chậu lớn mà MQ chưa kịp sửa. Chả thế mà trước hôm đi, tôi quên chưa ghi lại, MQ và tôi đến chơi thăm hai vợ chồng anh Liên, một người bạn cùng Vụ cũ với tôi. Anh Liên này sửa nhà vẩy mái giỏi có tiếng. MQ dặn anh ấy: "Tôi đi vắng lâu lâu, ở nhà có chuyện gì (ý là có hỏng hóc cái gì…) thì nhờ anh giúp đỡ vợ tôi với nhé”. Sau này, anh Liên cứ đùa trêu mãi về việc MQ nhờ, lại càng vui hơn khi anh ấy đến sửa hộ cái trần thật, thì me tôi cứ suýt soa: “ôi quí hóa quá, giá nhà tôi mà có được người như anh thì thích quá, yên tâm quá”. Nghe me nói, tôi buồn cười nhưng hơi tự ái, thế chẳng hóa ra MQ không làm được hay sao? Tại MQ đi vắng đấy chứ! À mà tôi biết rồi, MQ đã không khéo nói, còn thẳng như ruột ngựa, lúc nào anh sửa cái gì, me thường ngồi bên cạnh “kiểm soát” và hay căn vặn sao anh làm thế này sao anh làm thế kia, nên có lần MQ bực quá, cố nén và bùng ra một câu “đây me làm đi vậy!!!” Ôi, những chuyện nho nhỏ vừa bực vừa buồn cười ấy bây giờ chẳng còn nữa, MQ sống ở tận nơi xa kia, xa tới 9, 10 lần từ đây vào Nha Trang quê anh ấy chứ.
             Vợ anh Liên nghe MQ nhờ chồng mình thì bảo,”anh MQ cứ yên tâm đi, ở nhà có việc gì cần chị Thư cứ gọi điện một tiếng, ông xã nhà tôi sẽ đến ngay, ai chứ chị Thư thì …tôi OK, không vấn đề gì”. Chị ấy vui tính thế đấy, và tốt nữa, mỗi tội hay kêu ca ông chồng không làm gì ra tiền, chẳng có chức sắc gì cả. Tôi đành so sánh để chị ấy bớt trách chồng, “Này nhé chị Tám ơi, nhà mình cũng thế thôi, anh MQ lương ba cọc ba đồng, lại còn rải tiền dọc đường nữa chứ có được ở cùng vợ con đâu, chức sắc cũng không - có sao đâu mà, có phải một mình anh Liên nhà chị thế đâu? Mình nói thật, có tiền kể cũng thích nhưng có nhiều thứ tiền chẳng giải quyết được. Nên thôi hai ông bà cứ yên chí mà sống vui vẻ đi, thoải mái nói cười phớ lớ như bà là nhất rồi đấy!”. MQ nghe tôi nói thì gật gù tán thưởng, còn chị Tám cười nhưng nguýt dài, “hừ, thì thế, nhưng ông MQ nhà bà còn chịu khó tìm cách đi đây này, chả hơn ông nhà tôi à, cứ ù lì ra sốt cả ruột. À nhưng mà, bà cùng tuổi với tôi, năm nay tuổi chúng mình có sao Thái bạch đấy nhé, liều liệu kẻo sạch cửa nhà. Còn ông MQ thì sao nhỉ, ừ , tuổi Ất Dậu à, sao Kế đô nặng lắm cẩn thận đấy!!!” Ôi dào Thái bạch Kế đô ư? Tôi đùa vui, “lúc nào nhà bọn tôi chả …sạch??? Thôi nhé, bọn tôi về đây, MQ muốn đến thăm và chào anh chị mai đi”.
           Vậy đấy, MQ đi vắng rồi thì bạn bè đến làm giúp tôi cái nhà ngang đằng sau chứa xe đạp, xe máy cho tiện hơn. Khi nào về chắc MQ sẽ ngạc nhiên lắm đây. Rồi cả cái trần nhà dột nữa, chữa luôn. Chữa cái trần nhà tôi mới chợt nhớ, ngày chúng tôi lấy nhau, hai vợ chồng xin phép bố mẹ tôi tự đập vỡ các bức tường để trát vữa lại vì lâu ngày, nhà cũ nát. Chúng tôi đi lấy cát ở sông Hồng, đèo những bao tải to trên xe đạp. Vôi thì mua theo tạ, tự tôi vôi lấy, ngày ấy ít xi măng không như bây giờ. MQ làm còn tàm tạm chứ tôi trát vữa thì buồn cười lắm, chả phẳng gì cả. Tôi chỉ quen trát bằng rơm trộn bùn nơi sơ tán ngày xưa (làm nhà tranh vách đất mà!) chứ trát vôi vữa “nhà tây” thế này thì khó hơn nhiều. Đến lúc quét vôi mới càng ngộ hơn, trông người ta quét thấy gọn ngon ơ mà mình thì vung vãi khắp nhà, đến lúc dọn dẹp còn mệt hơn.
            Vì cái trần làm lại thật khó nên ngày ấy hai đứa lờ đi, chỉ quét vôi thôi, nay mới bung bét dột tơi tả ra mà, may có anh bạn “cao thủ” nên mới trát được cái dám dột, chứ không dám đụng đến cả trần. Ấy căn nhà bé tí, có mỗi một phòng 24 m2 bao nhiêu người ở, và mấy mét bếp, mấy mét chứa đồ, chứa xe, vậy mà mấy lần các ông tổ chức hay gì gì ở đơn vị MQ đến ngắm nghía để xem có cần phải phân nhà phân đất gì không thì đều bảo, “úi anh chị ở nhờ được bên ngoại thế này tốt quá rồi còn gì?”. Tôi hơi bực mình và cố lồi dẫn họ dạo quanh phòng ở rồi bảo: “Các anh thấy không, nhà tôi bé mà bàn thờ thì to, mẹ tôi nằm ngủ ngay trước bàn thờ này, còn vợ chồng con cái tôi chen nhau trong cái góc này, ấy là bố tôi đã mất, không thì … À mà chưa hết, có dạo mẹ con chị Thùy Trinh, chị tôi, còn ở chung nữa cơ, chị đi dạy học bên Yên Viên, và đi về thật vất vả”. Kể lể thì cứ kể lể, không phân được cứ là không phân, tôi biết vậy nên thôi.
            Có một lần, cô bạn thân của tôi mách, người ta bán một cái nhà trên diện tích đất 100 m2 ở Yên Hòa Cầu Giấy, rẻ lắm. Vợ chồng tôi dắt nhau tới xem. Nhà thật xinh xắn, lợp ngói cao ráo, rộng chừng 40 m2, còn lại trồng ít cây cối, có cả giếng khơi nước trong vắt mát lịm. Chỉ phải trả hai chỉ vàng thôi. Chúng tôi bàn nhau, tôi đã có một chỉ là nhẫn me tôi cho ngày cưới đấy, còn một chỉ nữa thì về nhà lục tìm tất cả những gì có thể bán đi và vay thêm tí chút chắc đủ. Nhưng rồi, hai vợ chồng chùn lại, con mình còn nhỏ quá, làm sao chạy đi chạy lại từ chợ Trời về đây mà coi nhà bỏ không? Chậc, thôi để khi khác! Vậy là lỡ mất một dịp chớp lấy cái “tự do muôn năm” rồi!
           Nhì nhằng mãi bao nhiêu năm, đến lúc đơn vị thương tình phân cho MQ một mảnh đất 100 m2 ở Thượng Đình, chúng tôi mới đưa nhau đến đó làm hàng rào bằng ít que củi, rồi hi vọng về tương lai, và gắng hình dung có ngày chúng tôi xây được nhà trên mảnh đất này. Nhưng rồi có chuyện MQ đi nước ngoài, thế là vợ chồng tôi bàn nhau trả béng đơn vị, để phân cho người khác, họ có thể làm nhà ngay mà ở, chứ mình giữ thì có làm gì được đâu, sau này có điều kiện thì xin đất sau. Nghĩ lại mà cười ra nước mắt, nhưng đành vậy vì là “thuận vợ thuận chồng” rồi mà, trách gì ai được nữa? Nực cười và đáng thương là vợ chồng tôi, cả hai tên học Toán mà không biết tính, trong khi MQ vẫn đang ôm ấp mộng ra nước ngoài là để kiếm tiền làm ra một “ngôi nhà mơ ước”. Chịu, loanh quanh chỉ có thể giải thích đó là số phận!!!
               Đ
ể chuẩn bị cho chuyến đi của MQ, và để trả nợ, trong nhà có gì bán được là bán hết rồi, chỉ giữ chiếc xe máy tôi mới mang về từ Ấn độ để đi làm. Riêng khoản tiền mang ra sân bay là còn nợ để đó, từ từ MQ về sẽ tính. Mọi khi có MQ ở nhà, đi dạy thêm và làm chương trình, tôi lo chi tiêu đỡ vất vả hơn. Nay chỉ có lương mình tôi, nên mấy mẹ con phải tiết kiệm. May đã khổ quen cả thời kì dài, nên thấy bình thường. Bọn trẻ đang tuổi ăn tuổi học, nhưng không dám đòi hỏi gì. Chỉ thương nhất bé Hương, nó còn yếu lắm, mà đi học thì xa, lại là năm cuối cấp, chuẩn bị thi vào lớp 6 chuyên Toán càng vất vả. Cháu không đi xe điện nữa, dần dà phải tập xe đạp để tự đi học. Nhà có cái xe đạp trẻ con Liên Xô cũ, bé đạp nặng thở hổn hển mà không kêu ca. Xe hỏng luôn, anh Tuấn phải chữa thay bố, mà chữa vụng lắm.Tôi nhìn cái cảnh ấy mà thở dài sườn sượt, nhà vắng đàn ông mà!
              Ở bên kia, MQ đã đến thăm con gái, tại một thành phố giáp Ba Lan. MQ chứng kiến cảnh mất điện mất nước còn tệ hơn cả ở nước mình. Cứ lúc nào có thang máy chạy (chỉ chạy một chiều) thì không có nước, khi có nước lên được tầng 9 (nơi ở) thì thang máy lại ngưng và phải trèo bộ cả hai chiều. Học bổng quá ít, tiền mất giá, nên bọn trẻ thường xuyên đói. MQ đến thăm con vào dịp con ôn thi và thi học kì, thế là bố phục vụ con thật tận tụy, nào nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. MQ sống vui vẻ hòa đồng và được bạn bè con gái rất quí mến.
               Trong lúc bọn trẻ đi thi thì MQ dạo chơi một mình và say sưa với những nét đẹp cổ kính của thành phố, với những con đường đá không trải nhựa ngay giữa trung tâm, với những công viên tựa như cánh rừng nghĩa là cây cối rậm rạp, suối nước chảy róc rách, có chim kêu mỗi tội không có vượn hót mà thôi. MQ còn đi thăm tháp truyền hình trên một quả đồi cao nhất, để từ đó ngắm được toàn cảnh thành phố tráng lệ. Rồi anh lững thững vào khu nghĩa địa với nhiều ngôi mộ cổ có kiến trúc khác nhau, những bức tượng tạc thật đep. Anh tiếc không có máy ảnh, và bực vì ở đó không có dịch vụ chụp hình như ở bên ta!!! MQ cũng kịp tưởng tượng, qua hè sang năm, tôi sẽ sang thăm con cho biết, còn MQ thì không biết lúc đó đã sang được Ba Lan chưa hay vẫn ở Nga. Có nghĩa là MQ vẫn ngầm gửi cho tôi một thông điệp rằng, anh không chỉ đi sáu tháng rồi trở về. Chỉ có điều anh phải thú nhận, anh khó có thể ở lại lâu dài, vì “hình ảnh em và các con cứ luẩn quẩn trong đầu”, và anh “luôn luôn áy náy là vắng anh, ở nhà em sẽ vất vả hơn và phải sống trong tình trạng thiếu vắng anh”.
              Thế rồi, bẵng đi tôi không nhận được thư MQ. Mọi người hỏi thăm liên tục. Tôi trả lời rằng MQ đang quên dần vợ anh mất rồi. Khi mới sang anh còn lạ lẫm, lúng túng, còn đi chơi tha thẩn nhiều nơi, thăm con gái mấy tuần, thì anh thấy nhớ vợ con, còn bây giờ, khi đã quen mọi thứ, chẳng có gì phải nhớ nhiều quá nữa. Dỗi một tí gọi là có, chứ tôi vẫn viết thư đều cho anh, tôi bảo  lúc nào cũng nhớ anh nhiều, tôi cảm thấy mình chưa làm trọn nghĩa vụ bổn phận và thể hiện hết tình cảm của một người vợ yêu thương chồng. Tôi đã cố tình che dấu những tình cảm vốn rất lớn lao đối với anh, bởi vì tôi cố chấp, bởi vì cái bên trong và bên ngoài của tôi lúc nào cũng muốn đánh nhau và nổi loạn. Tôi muốn anh phải chiều tôi, chiều tất cả những điều lạ kì mà theo lệ thường, cuộc sống giản đơn đầy lạc quan của anh sẽ khiến anh thấy thật khó chịu.
               Vốn dĩ  tôi không dễ ngủ. Từ ngày anh đi vắng, đêm tôi càng khó ngủ hơn, ngủ rất ít và ngủ chập chờn. Thi thoảng chợp mắt đi thì mơ những giấc mơ kinh hoàng. Công việc cơ quan lắm khi bận, phải mang tài liệu về nhà có hôm thức tới 3, 4 giờ sáng. May có hai đợt tôi được đi nghỉ ở biển, nên tinh thần đỡ căng thẳng và thư giãn hơn một chút. Một đợt đi Bãi Cháy theo dự án, có chuyên gia Nhật đi cùng; một đợt đi Sầm Sơn, với cả trung tâm. Đi Bãi Cháy thì tôi vui vẻ, mạnh khỏe, nhưng đi Sầm Sơn thì tôi bị một trận cảm và chuột rút dưới biển, mọi người phải khênh về nhà nghỉ cứu chữa đánh cảm mãi. Trong những lúc quá mệt và nửa tỉnh nửa mê, tôi bỗng khóc nức nở và gọi MQ về, chẳng kịp nhận ra nỗi ngượng ngùng xấu hổ trước bao bè bạn.
                Cả hai đợt đi biển, tôi đều mang theo bé Hương. Cả hai đợt, Phi bạn tôi đều đi. Tôi và Phi vẫn thân nhau. Trước đây tôi đã quen, mọi ý nghĩ, nỗi nhớ thương đều tập trung vào một mình MQ. Bây giờ, anh đi vắng, những điều cần chia sẻ tôi lại nói với bạn, thế nên đôi lúc tôi cảm thấy khó chịu.Tôi phải tự gạt đi, tôi không muốn bạn là người thứ hai sau anh, trách tôi, sao tôi hay suy nghĩ phức tạp đến thế trong mọi việc lớn nhỏ của cuộc đời. Thành ra, tôi viết thư cho anh, tôi bảo anh rằng: "…tốt nhất là MQ hãy trở về với em đi! Em cần có anh, MQ ơi, chắc chắn cần anh không phải vì những gì mọi người lầm tưởng - mà vì những lẽ khác em không thể nói hết với anh được. Chỉ biết rằng sự hiện diện của anh sẽ giúp em vượt lên khỏi sự yếu mềm như biết bao năm qua đã từng là như thế! Em cần có anh, dù cho anh đã có đủ hay chưa đủ tình yêu đối với em, theo những cảm nhận kì quặc và khó hiểu của riêng mình”.
              Tinh thần thì rối ren, vật chất thì thiếu thốn vì một mình phải gánh vác, nhưng tôi còn sướng chán. Đi làm nhà nước, có lương định kì, thi thoảng được bồi dưỡng làm thêm, chứ không khổ như chị tôi, chị Kim Thanh. Chị là chị thứ ba, sau chị Hiền Thục. Chồng chị mất sớm lắm, cùng năm mất với bố tôi, để lại một đàn con năm đứa. Chị là giáo viên tiểu học ở Thường Tín, nhưng nghỉ mất sức sớm về Hà Nội bươn chải. Chị có một câu nói cửa miệng “Giàu xứ quê không bằng ngồi lê Hà Nội”, nên về Hà Nội buôn bán tem phiếu thời bao cấp ấy, người ta gọi là “phe”, để nuôi đàn con. Chúng đi học đều bỏ dở giữa chừng, từ cấp hai. Nhìn chị bé nhỏ, gầy gò, đen đủi, mắt thâm quầng và trũng sâu, lang thang đầu đường cuối chợ, nơi xếp hàng thịt hàng cá, chẳng ai nghĩ được rằng chị là cô dâu đẹp nhất phố Hàng Bài ngày xưa (trong con mắt của tôi ngày còn nhỏ), lên xe hoa sang trọng lồng lộng, mắt sáng ngời hạnh phúc bên chồng - một anh giáo viên, con trưởng của một gia đình phong kiến mà bố làm công chức lưu dung. Nhìn chị, tôi giở tấm hình chụp gia đình các chị tôi áo quần dài tha thướt, mà chị là người xinh nhất, đẹp nhất, để không tin vào mắt mình ngắm chị trong thực tại. Nhìn chị, khó ai tin rằng chị thật tài hoa, có thể vẽ những bức tranh hết sức sống động trong chớp nhoáng, có thể xuất khẩu thành thơ với những dòng thơ tuôn chảy tuy mộc mạc mà thấm đậm tình người.
             Những ngày đói kém thời bao cấp, nhà tôi đã thiếu thốn rồi, nhưng chị tôi thì phải đi vay từng cân gạo là thường xuyên. Thế nhưng khi tôi ngỏ ý mua bơm xe đạp cho mấy cháu kiếm thêm chút đỉnh đỡ mẹ, thì chị trả lời ngay “Không được cô ạ. Trẻ nhà tôi không chịu làm đâu” “Ơ hay, các cháu không chịu hay là chị không chịu?” - tôi bực mình ngắt lời chị. Thấy vậy, chị khất về hỏi bọn trẻ, sau rồi chị bảo, chúng nói ai lại đứng ở đường bơm xe, ngượng chết đi được  Tôi ngán ngẩm, “chị ơi chị xem lại cách giáo dục của chị với bọn trẻ đi! Chị hãy bảo chúng rằng, cô Thư là kĩ sư từ mấy chục năm nay, còn đi nhặt từ đống rác chợ Hôm lượm ra ít rau nát, lá xu hào bắp cải mang về băm chặt nấu với nước gạo (cũng đi xin) rồi nuôi gà đây này, mà cô không ngượng, không xấu hổ trong khi các cháu không dám bơm xe đạp là thế nào? Dùng sức lao động chân chính của mình làm ra tiền sao phải hổ thẹn chứ?”
            Bực thì nói vậy, chứ tôi chịu, đành chỉ qua lại thăm nom, thi thoảng giúp chị tí chút thôi. Lần này, MQ đi rồi, tôi đến chơi với mấy mẹ con. Tôi hỏi hai thằng cháu thanh niên sức dài vai rộng,”sao hồi này các cháu làm ăn thế nào, cứ ngồi nhà thế này trông chờ mẹ nuôi đến bao giờ nữa?” Hai đứa rụt rè nói, “cô ơi, chúng cháu có một…ước mơ…mà chẳng biết làm thế nào để thực hiện cô ạ”. Tôi gặng hỏi,thì ra là các cậu muốn có một xích lô cũ để thay nhau đi chở khách, và chở hàng từ ga xe lửa. Ôi tưởng gì, chứ vậy là tốt rồi.Tôi ủng hộ ngay, và bảo, “lúc này, cô không còn tiền nữa, cô đã vay mượn nhiều vì chuyến đi của chú MQ rồi. Nhưng thôi được, cô sẽ vay tiếp và mua cho các cháu một xích lô mới tinh, không mua đồ cũ, để các cháu đi làm. Chịu khó anh em bảo nhau, các cháu hỏi sẵn nơi đóng xích lô, hỏi giá cả xe rồi bảo cô nhé”. Chúng sướng quá nhảy cẫng lên. Tôi nhắc thêm, nhưng mua rồi, không được chóng chán, mà bán đâu đấy. Chị tôi vui lắm, hứa nhắc nhở các cháu. Thế là chỉ trong mấy ngày, mọi việc xong xuôi, Tôi đi vay thêm 800 ngàn nữa trả tiền xe cho các cháu, lòng thấy lo lo nhưng thực sự thoải mái vô cùng.
             Nào ngờ, chỉ vài ba tuần sau đó, chị tôi đã tới nhà, buồn thiu cầm 600 ngàn đưa tôi, và bảo bọn trẻ chán rồi, chúng không thích đạp xích lô nữa, mặc dù có nhiều khách nhiều hàng để chở thuê. Có một lần, nóng nảy cãi cọ gì với khách ấy, chúng tức tối bán phắt xe đi, vì là xe cũ rồi nên thiệt mất 200 ngàn. Tôi ngơ ngác, nhưng chả biết làm gì nữa, chỉ đưa lại tiền cho chị, thôi chị mang về làm gì thì làm đi. Em thương chị, thương các cháu và cố hết sức rồi, nhưng em cũng bất lực luôn chị ơi...(trong lòng, tôi ngậm ngùi mà không dám nói, giá như anh nhà chị còn sống nhỉ, kiểu gì thì chị cũng đỡ khổ hơn, chứ không thể như thế này được!  Bất giác tôi lại ứa nước mắt vì MQ, chồng tôi, giờ này đang làm gì và có nhớ mấy mẹ con tôi không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét