Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Hồi ký NMNC - Chương 14

CHƯƠNG 14.
NỖI ĐAU KHỦNG KHIẾP

Tin dữ

              MQ tiếp tục gửi thư về cho tôi, một ngày cuối tháng bẩy năm ấy. Nhưng mới hôm qua nhận thư xong thì hôm nay tôi đã cáu kỉnh nóng nảy bất thường. Tôi quát và vùng vằng với bọn trẻ, “sao bố không gửi thư nữa cho mẹ?” Hai đứa trẻ ngơ ngác, “ơ hôm qua mẹ mới nhận thư bố mà, thì phải lâu lâu rồi mẹ mới có thư khác chứ?” Tôi im lặng, thực sự là không hiểu được mình.
             Chỉ khi đến cơ quan, lao vào công việc tôi mới thấy ổn lòng ổn dạ hơn. Tôi đang say sưa với bao nhiêu chồng đĩa mềm, đang giở một đống tài liệu làm dở, thì nghe ai đó bảo tôi ra ngoài có khách. Tôi vội đi ra, thì thấy ngoài sân cơ quan, anh rể tôi đang đứng chờ. Tôi mời anh vào trung tâm, nhưng anh từ chối, anh bảo nói chuyện ngoài sân cũng được (!) Anh là anh Nghiệp chồng của chị Hiền Thục (chị đã mất vì ung thư). Anh đã tái giá, có một gia đình hạnh phúc và ở cách nhà tôi khá xa. Anh chị đều bận đi làm, và có con nhỏ, sao hôm nay có việc gì mà đến tìm tôi nhỉ. Tôi hỏi anh, anh bảo chẳng có việc gì, tiện qua đây thì ghé thăm tôi thôi. Tôi ngạc nhiên hết sức, nhưng anh không vào thì đành vậy. Chuyện bâng quơ, chả đâu vào đâu. Anh hỏi tôi, Cô đi làm có bận lắm không? Me vẫn khỏe chứ? Chú MQ có hay viết thư không? Chú ấy vẫn ở Liên Xô à? các cháu Tuấn và Hương vẫn đi học đều chứ? đi học ở trường có xa không? Tôi miễn cưỡng trả lời, vâng em bận, me vẫn khỏe, chỉ tội hay đau nhức chân, nhà em vẫn viết thư thường xuyên, anh ấy đang ở Liên Xô, các cháu đi học đều ... Nhưng trả lời xong câu “các cháu đi học đều” thì tôi chột dạ: “Ơ anh hỏi gì thế? các cháu nhà em đi học cả mà, hay các cháu nhà em có chuyện gì? chúng bị ốm đột xuất, hay làm sao hả anh, anh nói đi! Sao tự nhiên anh đến đây, ngay trong giờ làm việc của em (và của anh nữa) để chỉ hỏi những câu hỏi đơn giản vậy thôi ư?” Anh rể tôi lúng túng ra mặt, nhưng vẫn cố gượng gạt đi, “không có gì mà, anh hỏi thăm cô thế thôi”.
             Tôi càng sốt ruột hơn, kéo anh ra một góc sân khuất kẻo ngại mình la lớn lên thì kì quá, không ai hiểu chuyện gì. Rồi tôi nghiêm nét mặt lo lắng:
- Có gì cần thì anh nói đi nào, anh làm sao thế, anh nói đúng cái điều anh định đến đây nói với em đi! Đúng là con nhà em bị làm sao rồi hả anh?
- Không, các cháu không làm sao cả. - Anh hơi lúng túng.
- Thế thì me làm sao à? - Tôi sốt ruột hỏi.
- Không, không, me bình thường cô ạ…Chỉ có chú MQ…- Anh ngập ngừng.
- Nhà em ư? Nhà em ở Liên Xô cơ mà, có ở đây đâu? - Tôi hoảng hốt hỏi dồn anh.
- Ừ chú ấy bị mệt…nghe nói chú ấy bị tai nạn, đang chữa trị…
Tôi sững sờ, như không tin ở tai mình nữa, nhưng rồi tôi chợt bình tĩnh nói giọng rắn đanh:
- Anh Nghiệp! anh hãy nói cho em nghe đi, chồng em sao rồi, anh hãy nói thật đi! Em xin lỗi anh, anh đừng quanh co nữa, dù ở mức độ nào em cũng chịu đựng được mà!...
Dường như đã đến lúc không thể nào và không cần dấu nữa, anh nói thật khẽ đủ để tôi nghe rõ: “Chú MQ mất rồi. Chú ấy bị giết”.
              Tôi bỏ anh đứng đó một mình, chạy vào trung tâm, mắt vẫn ráo hoảnh, nhưng đến khi lao vào gian phòng đầu tiên, tôi không nhận ra là phòng nào chỉ thấy đang không có người, ngồi vật ra gục đầu lên mặt bàn, thì tôi mới khóc nức nở. Các Sếp, cùng bạn bè từ đâu chạy tới thật nhanh, hỏi thăm, tôi chỉ nói được nửa câu của anh rể: “Chồng tôi - MQ mất rồi!” và nỗi đau đớn, thương sót, hoảng sợ ùa đến trong những cảm xúc lẫn lộn khiến tôi không còn biết mình đang ở đâu, làm gì, chỉ có điều chắc chắn, tôi chưa điên, tôi chưa mất trí.
             Tức khắc sau đó, cơ quan cho xe con chở tôi cùng một số bạn bè áp tải tôi về nhà chị cả tại một khu tập thể gần nhà tôi, chứ không về chợ Trời. Chắc là mọi người đã kịp hỏi han sự thể qua anh rể tôi nên bàn bạc quyết định như thế, chứ tôi chả biết gì mà yêu cầu đi đâu về đâu. Xuống xe, mọi người dìu tôi hai bên đưa lên tầng 5, căn hộ của chị. Cả nhà gần như đông đủ, chỉ thiếu me tôi, và con trai tôi đi học chưa về. Tôi nằm vật ra giường, vẫn thế, vẫn nức nở chứ không dám gào thét. Hương, con gái út tôi đang loanh quanh ở đó, ngồi bên canh mẹ. Nó đi lấy cặp, lục tìm sách vở ngồi làm bài, rồi cầm tay tôi, nhìn thẳng vào mắt mẹ, lắc đầu quầy quậy: “Con biết rồi, nhưng mà mẹ! mẹ! mẹ đừng khóc nữa! mẹ đừng khóc!!!” Nghe con nói, nhìn dáng điệu cử chỉ của con, đứa con gái “rượu bia” bé bỏng, gầy còm, xanh xao mà bố MQ vô cùng yêu quí, tôi càng không thể chịu được, nhưng tự nhiên thấy “nể” con, nên cố kìm lại cho tiếng nấc nhỏ hơn.
              Cả nhà, chẳng ai nói với tôi thêm điều gì, tôi không tìm hiểu nữa.Trong óc tôi chỉ thoáng hiện lên, MQ đi đâu, lúc nào mà bị kẻ ác …bắn, và vì sao như thế thì chịu. MQ viết thư về cho tôi gần đây đâu có kể chuyện làm ăn thế nào, mà tôi thì không hỏi. Có lẽ cả hai tránh né nhau không muốn đụng đến việc này thì phải. Vì thế thư đi thư lại không nhiều và chủ yếu chỉ là MQ nhắc nhớ mấy mẹ con, động viên tôi khắc phục khó khăn cho đến ngày MQ trở về. Đầu óc tôi như muốn nổ tung lên. Vì sao trời lại trừng phạt chồng tôi (chứ tôi không nghĩ nhiều đến tội lỗi của ké ác độc nào đang còn dấu mặt hay cao chạy xa bay rồi), để MQ từ bỏ mẹ con tôi mà ra đi trong tình cảnh như vầy kia chứ? Vì sao tôi vốn tự hào rằng mình là người hay được báo mộng, hay biết trước mọi điều sẽ xảy ra, mà tôi không biết gì hết, tôi chỉ loanh quanh tưởng tượng lo sợ MQ sang bên đó mải vui thú cuộc sống hiện đại với những cô tình nhân trẻ xa lạ mà quên mẹ con tôi? MQ ơi, tôi tự thì thào với chính mình: Anh đã làm gì? Hay là anh làm gì sai trái tội lỗi để phải chịu như thế, ôi nếu vậy thì xấu hổ biết chừng nào. Không, không thể thế được, anh hiền lành lắm mà, anh đầy lòng nhân ái và vị tha, ai cũng quí mến anh có phải chỉ vợ con yêu quí anh đâu? Tôi có thể làm gì để anh quay trở lại, để tin đồn kia chỉ là một sự nhầm lẫn không có thật? Hoặc là giá như, ừ thì anh cứ bị thương thật nặng đi, để tôi còn tìm cách  sang Liên Xô chăm sóc cho anh, để anh còn có tôi ở bên, để chúng tôi có những giây phút bên nhau mà chung quanh không có một người nào khác chứ!
              Tôi nằm nghỉ ở nhà chị rồi chiều đến, chợ Trời vãn đi, mọi người mới đưa tôi về. Bàn thờ MQ đang được lập lên ở một góc nhà. Bạn tôi, Phi có ở đây rồi, đang treo tấm vải màn trắng và sửa sang gì đó. Cả vợ bạn cùng đến để hỏi thăm, chia buồn. Tôi nằm như chết lịm, không khóc nữa, không nhận ra trong nhà có những ai, chạy đi chạy lại việc này việc kia. Con trai tôi đi học về, tôi không dám thể hiện gì xúc cảm, tôi sợ mình phát cuồng lên. Lúc này, tôi cần im lặng, không có nhu cầu phải chia sẻ với ai hết.
                Mấy ngày sau, câu chuyện đau buồn dần hé lộ, mà tôi không nhớ rõ những ai đã kể cho mình nghe, chắc phải có Hoa rồi. MQ chờ đợi mãi mà không xin được visa sang Ba Lan, nên tạm ở lại Nga, làm một đầu mối giúp bạn quản lí hàng đi hàng về. MQ làm một cách vô tư vui vẻ và ngây thơ đến mức bọn ác nổi lòng tham rình rập mà MQ không hề hay biết. Mấy tháng đầu mới sang, MQ thuê nhà ở chung với hai người bạn cùng đi thì không sao. Tới khi Chiến từ Ba Lan sang, thấy anh ở chung chật chội quá, thương anh chưa bao giờ được đi nước ngoài mà sinh hoạt lem nhem vất vả nên đã thuê nhà khác, một căn hộ thật xinh xắn của một bà chủ nhà người Nga, để đưa anh ra ở riêng. MQ thực sự thích thú với cuộc sống mới này, với căn hộ mà MQ có thể tự do nghỉ ngơi, có thể ngồi hàng đêm viết thư liên tục cho vợ (nhưng không gửi). Chính tại căn hộ này, MQ đã nhen nhóm và say sưa với ý định con gái viết thư mời mẹ sang nghỉ ngơi một thời gian với bố, bởi mẹ tuy đi nước ngoài mấy lần rồi nhưng là đi học, vất vả lo lắng đủ thứ chứ chưa rảnh rang sống cho mình, cho riêng vợ chồng mình.
             MQ chuyển sang nhà mới, con gái tôi lên thăm. Cháu lo sợ và nhắc bố, “bố ơi bố phải làm lại khóa cẩn thận đi chứ, ở đây phức tạp lắm đấy bố ạ, sao bố để cửa giả hờ hững thế này?” Vốn dĩ MQ sửa khóa thay khóa rất giỏi, nhưng cười gạt đi và bảo, “không sao đâu con, bố là “vô sản” có gì đâu mà phải cẩn thận?” Rồi bố chỉ luôn nhắc con gái khi trở lại trường, nhớ gửi thư mời để mẹ sang ngay với bố. Bố MQ sang đây được mấy tháng mà đã mập lên nhanh chóng, vì hợp với bơ sữa, chắc thế. Bố vui vẻ, yêu đời, say sưa với “công việc” trong hiện tại, một công việc tạm giết thời gian chờ đợi đi Ba Lan, theo những dự định từ trước. Bố quí chú Chiến, ơn bạn vì bạn tốt với mình, và hết lòng với bạn.
             Con gái ở với bố được mấy ngày, rồi phải trở lại thi tiếp vài môn cuối cùng. Buổi tối hôm ấy, khi tiễn con lên taxi để ra ga xe lửa, bố vẫn còn kịp nhắc con một lần nữa, “về tới nơi con nhớ gửi thư mời ngay cho mẹ con nhé!” Xong MQ trở lại căn hộ, đêm khuya bổ dưa hấu ăn, gọi điện cho bạn bè ở các thành phố, khoe mình đang ăn dưa, dưa ngọt quá chưa bao giờ được ăn dưa ngon như thế trong đời. Thế rồi, sau đó bạn bè gọi điện đến không thấy ai nhấc máy nữa. Mọi người kể cả Chiến nháo nhác thấy là lạ, ái ngại, báo cho nhau giữa đêm khuya, như thế nào không rõ, chỉ biết là khi con gái tôi vừa xuống tầu về kí túc xá thì nhận được hung tin rồi. Lúc đầu, chú Chiến còn bảo bố MQ đang nằm bệnh viện, chắc là để cháu khỏi đột ngột, nhưng con gái tôi đã kịp nhận ra ngay, chuyện gì đã đến với bố mình.
            Rồi cháu đi gặp cảnh sát, hay là cảnh sát gặp cháu, tôi không biết, chỉ có một nỗi buồn chồng chất thêm. Đó là, khi con gái tôi đề nghị điều tra, thì nhận được trả lời thật lạnh lùng, “mày có đủ tiền để làm việc đó không?” Ôi trời, con bé sinh viên nghèo kiết xác, cả ngày ăn một bữa mỳ ăn liền thì còn có gì nữa? Thôi đành lủi thủi ra về. Và trước khi về, cháu còn kịp xin nhận lại một bộ áo quần của bố làm kỉ niệm, đặc biệt xin những bức thư mà bố viết cho mẹ trong đêm mà cháu chứng kiến, những bức thư chưa gửi ấy, mang về cho mẹ, bởi biết rằng chúng là vô giá. Nhưng bộ quần áo thì được phép chứ thư thì không được. Vậy là những bức thư cuối cùng anh gửi cho tôi đã không đi theo anh, cũng chẳng đến với tôi, chúng trôi nổi ở tận phương nào có trời mới biết được.
             Mọi chuyện xảy ra trong chớp mắt, kinh hoàng và đau thương không sao tả xiết. Mới hôm nào đây, bố MQ còn vui đùa với con gái và đám bạn sinh viên của cháu tại kí túc xá, nơi bố lụi hụi nấu sẵn đồ ăn chờ con đi thi về. MQ còn mang khoe với bọn trẻ áo quần và đồ dùng tôi đi mua sắm cùng anh, khoe cả cái quần đùi, quần soóc nữa, mặc thử từng cái một và hỏi bọn trẻ chú mặc có đẹp không, có vừa không, hồ hởi cười rất mãn nguyện rằng vợ chú mua cho chú đấy.
              Mới hôm nào đây, gặp bạn bè khi được hỏi trêu rằng anh có thấy bọn con gái Nga đẹp không, anh đã nhìn trộm bao nhiêu đôi chân của chúng rồi thì MQ còn cười ngô nghê mà rất khôi hài rằng “không, mình không nhìn đứa nào cả, vì mình biết chắc rằng đôi chân của vợ mình còn đẹp hơn của chúng nhiều”. Đương nhiên, anh nói vậy là “xạo” rồi, là đùa vui rồi nhưng sự khôi hài ấy càng khiến tôi đau sót và thương anh lắm.
             Vừa mới hôm qua đây, khi dạo chơi cùng con gái và cậu bí thư đoàn trường, cậu ấy hỏi tuổi của MQ và của tôi. Cậu ấy nghĩ một lúc rồi nói với MQ, gay rồi, không ổn rồi anh ạ. MQ ngạc nhiên hỏi, cậu bảo sao, không ổn là thế nào, vợ chồng mình yêu nhau lắm mà!? Cậu ta buồn buồn trả lời tiếp, thì em có bảo vợ chồng anh không yêu nhau đâu, mà vấn đề là tuổi của anh chị khắc nhau lắm, em thống kê cả gần 300 trường hợp rồi, chẳng ai thoát cả! MQ vẫn cười vui vẻ, thôi nào, ta chuyển sang chuyện khác đi.
              Hôm nào và hôm qua là thế, còn hôm nay và ngày mai là sự im lặng đến rợn người, là sự chịu đựng lớn lao ngoài sức tưởng tượng của con gái tôi, một đứa trẻ chỉ quen sống bình dị trong tình yêu thương của ông bà, của bố mẹ và các em, và sống giản đơn vui vẻ, cái vui vẻ luôn lạc quan thừa hưởng được từ bố MQ, thì bây giờ phải một mình lặn lội thu xếp và đương đầu với mọi chuyện mà con không thể nào hiểu được, lường được. Các chú thân thiết với bố cháu đi đâu hết cả rồi, có thể cũng đang bị cảnh sát gặp gỡ và chất vấn gì chăng. Một không khí căng thẳng bao trùm, đến cả đám tang tổ chức tại Mạc Tư Khoa, cũng là do một bác, tình cờ thấy chuyện chẳng lành thì vào cuộc, huy động bạn bè mọi người hãy đến giúp cháu, trấn an cho mọi người rằng hãy đừng tránh né, hãy đừng sợ, rằng nghĩa tử là nghĩa tận. Bác ấy có biết và nghe nói đến MQ, nhưng không thân quen, vì thời MQ dạy ở trường thì bác ấy đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, rồi sau MQ đi bộ đội không cùng đơn vị công tác nữa.




              Đám tang rồi cũng đầy đủ lễ nghi, có đại diện của đại sứ quán, đông đủ bạn bè, tạm gọi như vậy. Và đẩy theo xe chở quan tài bố đến nơi hỏa táng thì con gái tôi là người duy nhất trong gia đình tôi có mặt.Và mọi việc nào mua vé máy bay, nào thủ tục hỏa táng, khai trình báo bẩm, chuẩn bị hành lí, cấp tập khẩn trương tới mức một người bạn thân của cháu phải chờ để nhận lọ tro do cháu ủy nhiệm nhận thay, sát giờ kịp đưa ra trao cho cháu tại sân bay để lên đường về Việt Nam, suýt nữa bị lỡ. Ngày ấy, MQ chưa đủ “tiêu chuẩn” để mang thi hài về, bắt buộc phải hỏa táng, và mẹ con tôi không có mặc cảm gì về điều này. Cũng vì vội vã và quá đau đớn, một thực tế đau lòng khác lại xảy ra, toàn bộ phong bì phúng viếng Hoa gom trong một chiếc túi lớn đã bị thất lạc, một ai đó nỡ lòng nào cầm lấy đi rồi. Điều này tôi chỉ được biết sau khi MQ mất tới gần hai chục năm trời, vì ngày xưa con gái không nỡ kể cho tôi nghe, và tôi thì không để ý hỏi han gì. Bởi vậy, tôi không có khái niệm gì về đám tang ai đã đến dự, ai phúng viếng để có một lời cảm ơn sau này khi gặp lại họ. Cho tới khi làm đám cưới cho Hương, con gái út lấy chồng, tôi mới ngạc nhiên và xấu hổ khi thấy một người đàn ông đến bắt tay tôi, tự giới thiệu, rồi nói rằng, “chắc chị không biết tôi, và chị không mời tôi dự đám cưới này, nhưng tôi vẫn cứ đến để chúc mừng hạnh phúc hai cháu và gia đình chị”. Và anh ấy kể vắn tắt rằng, anh ấy là người bạn tình cờ đã hô hào động viên bạn bè đến dự tang lễ MQ như tôi viết ít dòng kể trên. Tôi xấu hổ vì tôi không biết gì về cái ngày xưa ấy. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi chưa bao giờ có một lời cảm ơn nào gửi đến bạn bè có mặt tại đám tang chồng trên nước bạn, tôi không hề biết ân nhân của gia đình mình là ai ở nơi đất khách quê người xa lạ này.Tất nhiên sau đó, tôi hỏi anh ấy địa chỉ, và tôi cùng con gái lớn đã đến thăm gia đình anh ấy, để cảm ơn, và để nói đôi lời vắn tắt về sự thể của tôi, như để thanh minh dù chỉ môt chút một chút thôi về cái sự vô tình oan nghiệt tôi đà mắc phải, mà trong đám cưới con gái, tôi không có thời gian và điều kiện để bày tỏ.
            Còn đối với hai người bạn thân, Văn, người cãi nhau với tôi khi tôi cản anh đi, và Chiến, người luôn chăm lo cho MQ những ngày ở Nga, thuê cho MQ ở căn hộ tưởng sung sướng mà bạc mệnh ấy, đã kịp đến để chia buồn an ủi tôi. Tôi buột miệng nhắc lại, tôi có linh tính gì mà cứ khăng khăng cản MQ, và tranh cãi quyết liệt với Văn hôm nào, bạn còn nhớ chứ,…thì Văn lắc lắc đầu nét mặt thật đau khổ và bảo, “thôi mà, em biết rồi, chị đừng nói nữa...” Bỗng chốc tôi cảm thấy mình lỡ lời, tôi đâu có gì oán trách các bạn. Tôi hiểu, đó là lòng tốt, là tình cảm quan tâm chân thành nhiệt tình của các bạn đối với chồng tôi, còn việc xảy ra là ngoài ý muốn, có ai hình dung được đâu. Có chăng là MQ quá ngây thơ, quá chủ quan, mà thôi trách gì MQ nữa thêm tội nghiệp. Cả đời, anh chỉ sống chân chất đâu có biết gì về những khốc liệt của thương trường nói chung, và của một đất nước bạn đang ở thời kì khủng hoảng, thiếu thốn trăm bề, nói riêng? Đấy là chưa kể, trong  tai nạn khủng khiếp này, Chiến, bạn thân của anh, liệu có mất mát gì không, MQ lúc bị nạn có giữ tiền của bạn không? tôi đâu có biết, mà bạn cũng chả bao giờ nhắc đến để thêm đau lòng. Có nghĩa là, nếu chồng tôi ngây thơ mười phần, mà Chiến có già dặn hơn một phần thì vẫn là ngây thơ tới chín phần. Thật đáng thương và đau đớn vô cùng cho cả hai người.
            Trong vài ba bức thư Chiến gửi cho tôi, bạn có nhắc đến chuyện vợ chồng tôi tiễn nhau trên sân bay. Chả là MQ có chuyện gì đều kể cho bạn nghe. MQ kể với Chiến rằng ngày ấy, vì quá xúc động, nên MQ lúng túng, không nói được lời nào với tôi, nên lảng tránh, chứ làm sao quên được tôi, trong khi tôi buồn nản trách móc đủ điều. MQ tâm sự với Chiến rằng MQ gặp tôi, yêu một lần, duy nhất và vĩnh viễn. MQ tự hào về tình yêu của chúng tôi, về một gia đình hạnh phúc mà chúng tôi đã cùng nhau dựng xây vun đắp.
             Vậy mà MQ đã đột ngột ra đi, không một lời trăng trối. Rồi MQ trở về với tôi và gia đình trong một bình tro gắn xi kín bên ngoài ghi rõ tên anh. Con gái tôi đánh điện và ở nhà đưa mấy người đi đón, mang MQ về làm tang lễ tại Hà Nội, với đủ nghi thức cho một trung tá là “quân nhân từ trần”. Tôi ôm chặt bình tro vào ngực và nước mắt dàn dụa. Tôi không biết mình đang ở đâu, nhìn thấy những ai, chỉ cảm nhận được hơi ấm lẫn lộn từ bao người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến nắm tay tôi chia sẻ. Tôi nâng niu vuốt ve những trái Thanh Long đặt trên bàn thờ anh, những trái cây mà vì là vợ anh nên tôi mới biết từ những ngày mới thống nhất nước nhà, khi chúng tôi về Nha Trang thanh bình và vô Sài Gòn nơi phồn hoa đô hội. Tôi sờ lần như mê muội tất cả những vòng hoa đặt viếng anh, từng bông từng bông một, chẳng biết để làm gì. Rồi tôi cùng đứng đó, bên ba đứa con thơ dại - Hoa, Tuấn, Hương, lúc trân trân, khi mệt mỏi, để đáp lễ các đoàn vào phúng viếng như một cỗ máy không hồn rệu rã. Ít phút sau, xe tang đưa anh trở về qua ngôi nhà ở chợ Trời, nơi anh đã từng chung sống với cha mẹ tôi, với mẹ con tôi. Suốt dọc đường, tôi vẫn thế, vẫn ôm chặt bình tro mà thổn thức. Đôi mắt của tôi xưng mọng, hàng mi tự khép lại như hai vệt kẻ chỉ mong manh.
              Chợ Trời vẫn vậy, vẫn đông đúc. Chợ Trời hôm nay dường như đông hơn, vì người ta tò mò nhìn tôi ôm anh rẽ lối vào nhà, không buồn nói lấy một lời xin lỗi vô lí như bao năm qua đã từng là như thế. Xong xuôi thủ tục, chúng tôi đưa tiễn anh về Nghĩa trang Văn Điển, khu hỏa táng, tại một vị trí mát mẻ nhìn ra hồ nước thơ mộng. Tôi đã òa khóc gọi anh, nói những gì đó trong một trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, nhưng thú thực giờ này tôi không còn nhớ đến từng chi tiết nữa.


Không chỉ khổ vì mất anh
              Vậy là tôi đã mất anh thật rồi. Thế mà, đêm về, thi thoảng tôi lại thấy như MQ đang gọi cổng, anh trở về và cười bảo rằng không có chuyện gì, rằng hóa ra tôi bị nhầm. Sau đám tang anh, anh Quảng (anh trai MQ) từ Nha Trang ra, còn ở lại ít hôm, để an ủi động viên tôi. Thấy anh nhận được điện tín, chị dâu gọi anh về vì nhà bận con nhỏ, tôi vội vã nhắc, bằng mọi cách để anh phải về ngay. Giục giã bên ngoài mà lòng tôi đau sót, tủi thân lắm lắm. Tôi rất thông cảm vì hiểu hoàn cảnh anh chị mà, nhưng tôi khóc thầm với cái yếu mềm mà cứng cỏi của mình.
               Hoa, con gái tôi cũng ở lại mấy tuần với mẹ và các em rồi trở lại trường. Bây giờ, nó dường như trở thành trụ cột về tinh thần của cả nhà. Những ngày này, nó đã mất đi, những nụ cười tươi vô tư phớ lớ giống như bố MQ của nó. Hoa không nói gì nhiều, bởi Hoa hiểu mẹ. Hoa bảo với mọi người, mẹ yếu đuối lắm, nhưng sức chịu đựng lại…phi thường. Mẹ sẽ không bao giờ gục ngã.
               Đúng vậy, tôi không được phép gục ngã.Tôi phải sống, để tiếp tục nuôi các con nên người. Chỉ có điều, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, tối đến, hoặc ngày nghỉ cuối tuần, xong cơm nước cho cả nhà, là tôi lẻn đi, dạo một mình trên hè phố. Tôi tưởng tượng vẫn có anh đi cùng, nào là rẽ vào cửa hàng bách hóa mua chiếc khăn mặt, rẽ vào cửa hiệu mua bánh trung thu hạ giá cho các con, đi xem kịch ở nhà hát Tuổi trẻ đến khuya còn hăng say tranh luận, và ngượng ngùng hỏi mua “OK” nơi góc phố tối tăm với ánh mắt lườm nguýt chồng đầy yêu thương đan xen hờn trách. Có những lần, trời đổ mưa tầm tã, mà tôi vẫn đi, như một cái bóng vô hồn hướng về nơi vô định. Tôi chẳng biết rồi cuộc đời sẽ ra sao. Khóc mãi nước mắt phải cạn dần, tôi chỉ làm hùng hục mọi thứ phải làm, như một nghĩa vụ không thể rời xa.
            Với bạn bè, tôi phải thu xếp khẩn trương đến mức có thể để trả nợ. Tôi không muốn bạn bè thương hại ái ngại cho tôi, hoặc lo lắng chẳng biết bao giờ tôi mới trả được họ. Thật may, tôi được biệt phái sang một cơ quan Bộ làm chiến lược ngành phần liên quan chuyên môn của mình, đồng thời sau giờ hành chính, lại trở về trung tâm làm tiếp đến 10 giờ đêm  Bởi vậy tôi được hưởng hai lương, vừa là để quên bớt đi nỗi đau, vừa là có tiền nuôi các con và thu xếp nợ nần.
            Các bạn ở đơn vị MQ công tác, ở trung tâm đào tạo nơi MQ tham gia dạy học trước khi đi, rất quan tâm, thi thoảng tới thăm cho quà các cháu và an ủi động viên mẹ con tôi. Đặc biệt là Chiến, cậu ấy quá khổ chứ chẳng sung sướng gì, khi mất MQ - người bạn thân thiết chí cốt nhất, gia đình đang trục trặc nữa, mà vẫn luôn thư từ động viên tôi, động viên cháu Hoa, có lần về thăm còn cho cả tiền nữa mà tôi từ chối không được. Tôi biết ơn tất cả, nhưng tránh né gặp mọi người. Tôi rất ít thăm ai, hầu như vậy trong cả mấy chục năm trời nay. Phần vì quên đường (ngày xưa chỉ biết ngồi sau xe MQ chở thôi, nay không còn MQ chả biết nhà ai mà đến), phần vì không muốn, và rất ngại ngần, mặc cảm. Thấy tôi làm việc miệt mài như thế, không quan hệ gì nữa, cậu bạn cùng đơn vị MQ (người ngồi chờ cháu Hoa thi đại học về để cùng với MQ chấm điểm Toán cho cháu ấy), bảo tôi: “Chị Thư ơi!, chị không thể sống như thế này được đâu! Chị phải đi bước nữa nhé chị. Chị đừng ngại gì, sẽ có người tốt và yêu thương chị mà. Em đưa người ta đến nhé…”. Ôi cảm ơn bạn. Nhưng đừng nói thế. Mình ổn mà. Anh MQ vẫn ở bên mình và các cháu mà!”.
             Có lẽ trời đã sắp đặt mọi chuyện. Ông mang MQ của tôi về cõi vĩnh hằng, ông xui khiến tôi xa cách với mọi người và cô độc, thì đây, ông đưa đến cho tôi người bạn nam tri kỉ để chia xẻ nỗi niềm. Đó là Phi. Nhưng ông không cho tôi biến thành đàn ông để câu chuyện trở nên đơn giản nhẹ nhàng hơn. Tôi biết, là phụ nữ góa chồng, nên tôi phải luôn giữ gìn để đừng ai hiểu lầm về mình. Bởi thế, tôi chỉ có thể tâm sự với bạn thật vội vã, và tự hiểu tự hình dung rằng, có một người bạn luôn cảm thông, quan tâm động viên an ủi mình để nỗi đau quá lớn không quật ngã, dù chỉ trong im lặng, là đủ. Và nếu bạn có những cử chỉ thân mật với tôi hơn mức bình thường, thì cũng chỉ xuất phát từ lòng tốt, từ sự thương mến chân tình giản dị mà thôi, chứ đâu có gì quá đáng.Tôi hiểu bạn, tôi trân trọng tấm lòng bạn. Về phần mình, lòng tự trọng luôn nhắc nhở tôi rằng, tôi quí bạn, thì càng phải tôn trọng gia đình hạnh phúc của bạn. Nhưng đời là bể khổ, chả có một chút gì thương hại kẻ yếu đuối như tôi lúc này!
             Một lần, cô bạn tôi cho hai vé xem kịch ở Nhà hát Tuổi trẻ. Cô ta đi với chồng. Tôi buồn lắm, thấy bơ vơ quá, chả rủ được ai, thế là chợt nảy ra ý, rủ Phi đi cùng. Thực ra, lúc ấy, tôi chả nghĩ gì, vô tâm quá! Tôi chỉ nhăm nhăm muốn đi xem cho đỡ buồn thôi. Đến lúc ngồi trong nhà hát, xem thật, thì tôi không thích nữa, tôi hối hận đã rủ Phi. Chốc chốc lại xem đồng hồ, tôi muốn về giữa chừng để Phi về nhà sớm. Phi không để ý đến băn khoăn của tôi vẫn xem chăm chú nên tôi không dám nói. Chả lẽ rủ bạn đi rồi lại bảo bạn về?
               Thế là sau đó sinh chuyện ngay. Loan, vợ Phi nghe ai nói tôi và Phi thân nhau, bây giờ thấy hai tên đi đâu về muộn nên đã có thái độ khác thường với tôi làm tôi bức xúc lắm và khóc. Tôi đã đến nhà và nói với vợ bạn rằng: ”Loan tin mình hay không thì tùy, nhưng mình chỉ muốn nói một điều với bạn, mình mất anh MQ, đó là nỗi đau mất mát quá lớn, nhưng mình không bao giờ đem cái bất hạnh của mình đến cho người khác. Mình không thể phá hạnh phúc của các bạn. Phi và Loan, đều là bạn của mình mà. Dù sao, mình có lỗi là đã rủ Phi đi xem kịch và về quá muộn mà lẽ ra không nên thế. Cho mình xin lỗi về điều đó, và mong rằng bạn đừng suy diễn điều gì Loan ạ”.
             Rồi tôi đi chuyến công tác miền Trung với cơ quan làm chiến lược. Tôi viết thư cho Phi, tâm sự về công việc của tôi và tâm trạng xa nhà khi không còn MQ nữa. Tôi hỏi thăm và mong hai bạn vui vẻ, hạnh phúc.Tôi thú nhận rằng, tôi đang sót xa đang thầm ước sẽ đến một ngày rất gần thôi, tôi có thể lạnh lùng với tất cả mọi người, với cả Phi. Tôi sẽ thay đổi hẳn, sẽ sống thuần túy bằng lí trí, để thực sự chỉ còn lại những nụ cười, cười ngay trên những đau khổ của chính mình và của cả mọi người. Tôi sẽ không còn là nô lệ cho thứ tình cảm quá sâu nặng và yếu đuối không cần thiết. Tôi sẽ không hi vọng và tin vào lòng tốt của ai để sẽ chẳng bao giờ bị thất vọng. Tôi bảo Phi, tôi biết cái triết lí sống vậy là“quái gở”, nhưng tôi mệt mỏi rồi, tôi thật thà và quí bạn nên mới kể bạn nghe, chứ không nói với ai hết. Ôi chao giờ đây viết lại cảnh tình ngày ấy, tôi chợt bật cười vì mình, chứ không khóc nữa, và thương ai lỡ có một lần dù chỉ là trong ý nghĩ, muốn thân với mụ đàn bà đa cảm phức tạp như tôi.
             Sau khi MQ mất ít lâu, cơ quan quan tâm đến tôi hơn. Và vì MQ mất, nên mọi người mới đến thăm nhà, chứ tôi vừa chuyển về Trung tâm, đã có ai thân? Tôi nhớ mãi một cô em trong cùng bộ phận khi đến nhà, mới dậm chân bành bạch “ôi em không thể tưởng tượng được gia đình chị phải sống khổ sở chật chội đến thế này, em cứ tưởng nó phải khác lắm cơ”. Đấy là cô bạn nhỏ tuổi. Còn các Sếp thì manh nha một ý tưởng thật tốt đẹp, thu xếp phân nhà cho tôi. Cuối cùng thì tôi được phân một căn hộ tập thể 30 mét vuông trên tầng 5, một khu tập thể, nơi mà cặp vợ chồng khác đã ở 20 năm nay trả lại để đổi sang nhà mới. Nhà rất cũ, phải sửa sang lại, xây bể nước trên cao, rồi thay đổi một số thứ nữa cho khang trang hơn. Dù nhà cũ, nhưng vậy là rất quí rồi. Tôi bận đi làm tối ngày ở hai cơ quan cùng một lúc, lại kém cỏi về xây dựng, nên nhờ anh rể, đến thị sát và làm giúp hợp đồng thuê thợ sửa. Tôi không thể nhờ Phi, mặc dù Phi am hiểu và tháo vát cẩn thận, bởi tôi không muốn Phi vất vả vì tôi, lại thêm sự hiểu lầm cho vợ bạn thì mệt quá cho cả hai. Anh rể rất nhiệt tình. Trước khi đi xa, MQ nói, mà sau này anh nhắc lại tôi mới biết, rằng “em đi vắng, ở nhà có gì cần, anh giúp đỡ vợ em với nhé”. Anh rể cứ tâm niệm lời dặn ấy, và khi MQ mất rồi, thì nó trở thành thiêng liêng. Bởi vậy, quá sót MQ, thương tôi, nên khi có việc tôi nhờ là làm ngay. Tuy nhiên, vì tôi vô tư quá nên không để ý rằng anh mất nhiều thời gian và thật nhiệt tình có thể dẫn đến phiền phức nhất định, làm đảo lộn phần nào sinh hoạt gia đình anh chị, sẽ kém vui. Chả là trong lúc tôi đi làm vắng, anh tranh thủ được buổi trưa buổi tối đến là đến, bảo thợ làm, kiểm tra đôn đốc suốt. Tôi thì đi làm hai nơi suốt từ 8 giờ sáng tới 10 giờ đêm mới về, tranh thủ lắm thì buổi trưa tạt về mấy phút nhìn ngó qua rồi đi. Mấy bà cháu vẫn ở chợ Trời và tự lo cho nhau. Bởi vậy, tôi đã chủ động tâm tình để chị tôi thông cảm, về sự vô tâm của mình và tôi quên không biết đã kể tình tiết này chưa:
            Một lần, tình cờ anh đến, tôi đang dọn dẹp nhà cửa (thợ làm xong rồi), thì tôi bị chóng mặt. Anh cuống lên, hỏi có cần giúp gì không? Tôi nhờ anh đi mua hộp dầu cao, và đúng chỉ như thế, rồi bảo anh về ngay đi, tôi tự lo được. Tôi kiên quyết đến mức khó chịu, buộc anh phải về. Còn tôi thì nằm đó, một mình, ngày càng quay cuồng, tự nôn mửa, tự xoa dầu, không gọi được ai đến giúp. Tôi không sợ hiểm nguy của tật bệnh, kể cả cái chết, vì nếu chết tôi sẽ được gặp lại MQ ở thế giới bên kia. Tôi luôn ý thức được chuyện “nam nữ thụ thụ bất thân”, nên phải thận trọng cả với anh em thân thiết trong gia đình. Tôi ngày càng cảm thấy BUỒN và CƯỜI cho sự cô đơn của mình bởi vì lúc nào cũng phải dè chừng tránh đi những hiểu lầm không đáng có.
            Hôm nay ngồi viết sách, tôi phải thú nhận một sự thật: tôi rất sót xa cay đắng mỗi khi vô tình nhớ đến những chuyện buồn xảy ra. Suy cho cùng, tại vì không có MQ làm chỗ dựa cho tôi như ngày xưa nữa. Tôi đã nhận ra rằng, không phải vì mất MQ mà tôi được phép vô tư nhận từ người khác giới những sự giúp đỡ chân tình và sót thương giản dị Tôi càng thấm thía bức thư bạn gái ở Ấn độ (nơi tôi ở nhờ đầu tiên), gửi cho tôi nhân chia buồn về chuyện MQ ra đi. Bạn bằng tuổi tôi, nhưng chồng chết trước nữa tám năm. Bạn trải qua những phiền toái, cực khổ sớm hơn tôi, nên thương tôi mà viết, mà chia sẻ. Còn bây giờ, tôi kể chuyện riêng của mình, không đơn thuần là kí ức ghi lại, mà tôi muốn gửi một thông điệp, cũng là lời nhắn nhủ tới chị em không may góa bụa (và rộng thêm nữa, chị em đang không có chồng dù với bất cứ lí do nào), rằng “TÔI THƯƠNG CHỊ EM VÔ CÙNG!!!”

Vợ gọi chồng
             Tôi không gục ngã, nhưng tôi yếu đuối, vẫn với MQ và chỉ một mình anh. Bây giờ MQ đi xa rồi, tôi gắng tưởng tượng vẫn có anh để tâm tình qua những dòng thư không bao giờ gửi được, những dòng thư khi thì tha thiết, lúc lại đắng cay, nghiệt ngã nữa:
            “Từ ngày mai, em sẽ chuyển về nhà mới. Em đã hẹn với anh rằng, khi nào có nhà khác, em sẽ đón anh về với em và các con. Ôi niềm mong ước lớn lao ấy của cả đời anh, bây giờ mới thực hiện được. MQ ơi! hãy tha lỗi cho em, em đã không biết và không có cố gắng gì hơn giúp anh toại nguyện, để đến bây giờ muộn quá mất rồi. Em vẫn khóc hoài, tưởng cạn nhưng rồi vẫn chảy mãi dòng nước mắt của em, của người vợ suốt đời yếu đuối ẩn mình trong một cái vỏ bề ngoài dư thừa sự cứng rắn, mà chỉ có anh mới hiểu nổi và phải chịu đựng để làm chỗ dựa cho em.
            Đã có thời gian, em tìm thấy niềm say mê trong công việc để quên đi tất cả, nhưng lúc này đây thì không thể. Em cảm thấy bất lực hoàn toàn. MQ ơi! anh đang sống ở đâu, ở tận nơi nào xa xa lắm chứ có phải Ba Lan đâu phải không? Có cách gì em gọi được anh trở về, có cách gì để sau mỗi buổi đi làm, những niềm vui, nỗi buồn, lo lắng thầm kín sẽ được trút hết sang cho anh, để em có thể vùi đầu vào ngực anh mà khóc, để rồi lại ngủ thiếp đi trong vòng tay và những lời an ủi của anh, và ngày mới lại đến với những lo toan khắc khoải nhưng đầy ý nghĩa khi các con chúng ta lớn dần. Khi xa em, anh lo lắng hỏi rằng em sẽ sống thế nào khi vắng anh? nhưng chẳng bao giờ anh đặt ra câu hỏi rằng em sẽ sống thế nào khi vắng anh mãi mãi phải không? “
           “ Em đang về chợ Trời đây, dọn mang đi một số thứ, đâu đó vẫn đầy rẫy những kỉ niệm về anh. Em không thoát đi đâu được những mặc cảm về hiện tại, về một cuộc sống mà em càng gắng hòa nhập bao nhiêu thì càng cảm thấy xa cách và xa lạ bấy nhiêu. Tình cảm bạn bè thân thiết, tình thương sâu sắc chân thành - phút chốc - đã trở nên vô nghĩa! Chúng luôn “nhảy múa” và “giễu cợt” em mà không còn là cái gì lắng đọng nơi sâu kín nhất của tâm hồn…MQ ơi! xa anh rồi, em đã sống và sẽ còn sống tiếp cuộc sống giả tạo này đến bao giờ nữa? Anh hãy trở về với em đi, không phải trong thực tại, nhưng hãy về trong những giấc mơ ngắn ngủi để em được là em với nguyên vẹn lòng tin và tình yêu gửi gắm nơi anh. Nó mãi mãi là những gì sâu sắc nhất, chân thành nhất, và tha thiết nhất, mà em biết chắc rằng em không thể có và không thể nào tìm thấy trong đời.”
             “MQ thân yêu! Em đã hiểu rất rõ rằng, dù anh còn hay mất, anh vẫn luôn là người chồng yêu quí nâng đỡ em trong từng bước em đi. MQ ơi! Em xin cảm ơn anh nhiều lắm, cảm ơn tình yêu của chúng ta đã để lại cho em những đứa con yêu thương em hết mực, nhưng em cũng tự biết rằng, em vẫn phải dựa vào anh là chính để sống được và nuôi dạy các con nên người. Anh không còn nhưng tình yêu của anh vẫn còn nguyên vẹn, đó chẳng phải là chỗ dựa của em đó sao?”
             “MQ ơi! em gọi anh hoài mà có thấy gì đâu? Anh, và cả các con của chúng ta nữa, đều lạnh lùng và cứng rắn một cách đáng sợ! chỉ có em, sống lạc loài trong một thế giới không phải dành cho mình, mà vẫn cứ cố sống, vẫn cứ đóng kịch suốt đời để lấp đi những gì mất mát, những gì khát khao mà không bao giờ được thỏa mãn bởi nó xa lạ với mọi người, có phải vậy không???”
            Rồi hai tuần của mùa xuân 1993, tôi được đi Indonesia khảo sát về xây dựng Cơ sở dữ liệu. Khác những chuyến đi nước ngoài trước, lần này tôi không có gì hứng thú để nhớ và ghi lại nhiều, ngoài đôi điều đơn giản là: Jakarta đẹp lắm và hiện đại, nhưng càng đi về vùng Sứ quán mình, càng nghèo nàn và bẩn thỉu hơn, có cái gì nhang nhác như phố nhỏ của Dehli (Ấn độ) vậy. Hàng ngày tôi đến cơ quan nghe trình bày, thảo luận, đi một vài cơ sở địa phương, và dù đến đâu, tôi cũng được ở một khách sạn đầy đủ tiện nghi - điều hòa, tủ lạnh, ti vi màu, nước nóng lạnh và bể bơi. Tôi chỉ im lặng, ủ rũ nhớ đến MQ, thầm trách ông Trời thật ác nghiệt đã chỉ cho chúng tôi sống với nhau khi còn nghèo khổ. Có lẽ ông thấy vợ chồng tôi quá hạnh phúc, nên khi được sung sướng thì không thể cho tiếp tục sống với nhau nữa, kẻo chúng lại đạt đến “tận cùng của hạnh phúc” theo nghĩa thông thường. Hay nói cách khác, như triết lí của Xuân Hùng (bạn thân MQ), chúng tôi đang đi đến tận cùng của hạnh phúc, theo nghĩa đặc biệt, đó là bất hạnh!!! (đã “tận cùng” rồi thì làm gì còn hạnh phúc nữa?) Nhớ lại, bạn ở xa không tiễn đưa MQ được, đã đến thắp nhang sau và rót rượu hai chén để cùng uống với MQ khiến tôi không cầm được nước mắt.

Giỗ đầu
             Thấm thoắt một năm trôi qua. Giỗ đầu của MQ vào một ngày đầu thu năm 1993. Ba mẹ con tôi chuyển về nhà tập thể trước. Me tôi tạm ở với vợ chồng chị Hiền Trang, có lúc thì ở một mình tại chợ Trời và anh chị ở gần sang thăm nom. Nhà tập thể gần trường chuyên, gần cả chỗ tôi làm việc, Hương đã thi đậu vào chuyên Toán cấp 2, nhà gần trường nên đi lại đỡ vất vả.
               Ngày MQ mất và ngày giỗ đầu, trong Nam có anh Thơ, anh Quảng ra, còn anh Hồng thì không, chỉ có cháu Duy ra thay. Hồi ấy, tôi hơi lạ về việc anh Hồng không ra, Sau này, nghe cháu Duy kể lại, lí do chính anh Hồng không ra vì trong chuyến đi Nam của MQ trước khi sang Liên Xô (lúc này tôi đi Ấn độ học), MQ có trao đổi với các anh về việc mình đi làm kinh tế. Trong cuộc họp bàn ấy, anh Hồng là người duy nhất cực lực phản đối ý định của MQ. Giữa mấy anh em xảy ra bất đồng ý kiến, nên sau này xảy ra chuyện chẳng lành, anh Hồng quá đau sót và không dự đám tang MQ, không muốn ba anh em còn lại gặp nhau khi chẳng còn gì để tranh luận như ngày nào năm trước. Thôi thì chuyện lỡ rồi, ai đúng ai sai thì MQ xấu số cũng đã mất. Tôi nghe chuyện mà thở dài, lại chợt nghĩ tình cảnh của mình, nếu như tôi khích lệ MQ đi, nhất lại là thúc giục MQ phải đi để "đổi đời" thì không hiểu ngoài nỗi đau khủng khiếp vì MQ ra đi, tôi còn thêm nỗi day dứt ân hận thế nào nữa. Có lẽ linh tính đặc biệt của tôi cũng chỉ tạm dừng ở mức phản đối “cùn” vô lí sự mà thôi, và đứng trước mộ ba hôm nào tôi chợt khóc thảm thiết vì tưởng tượng đến ngày không còn MQ nữa trong khi MQ đang khấn ba bên cạnh tôi.
             Những bài thơ MQ tặng tôi từ ngày đầu mới yêu nhau, khi đã lấy nhau và ngược lại, thơ của tôi tặng MQ, đều được ghi âm trong một cuốn băng, và tôi mở trong ngày giỗ để tưởng như MQ sẽ trở về, chia sẻ. Tôi không khóc nữa, nhưng lòng tôi trĩu nặng. Anh Quảng bảo rằng, tôi có một cái lỗi lớn nhất, đó là dựa vào MQ và chỉ một mình MQ thôi, nên bây giờ MQ mất, tôi mới khổ thế này.Tôi mời khách không quá nhiều, nhưng người thân trong đại gia đình cũng đông nên đủ để chật ních căn hộ bé nhỏ suốt từ sáng tới chiều ngày giỗ. Cuốn băng ngâm thơ, đọc thơ cũng được chạy suốt ngày hôm đó, mà tôi không cảm thấy dị dị.
             Xong việc giỗ, tôi gặp riêng mấy anh. Tôi rơm rơm nước mắt thuật lại trước khi đi, MQ nói với tôi về một nguyện ước nho nhỏ, là khi về có ít tiền sẽ biếu được mỗi anh 100 đô la Mỹ, gọi là một chút tình quan tâm đến nhau, thương nhau ai cũng nghèo quá. Nhưng nói trước không qua được, bây giờ không may MQ ra đi rồi, bỏ lại các anh. Tôi là vợ anh, vợ chồng là một, tôi không có gì nhưng tôi gắng thu xếp được rồi, tôi xin gửi lại các anh mỗi người một chiếc nhẫn hai chỉ vàng để làm kỉ niệm, mong các anh nhận cho bởi đó là thể hiện tình cảm của MQ đối với các anh còn ở lại.

Chuyển mộ ba
             Cũng nhân dịp giỗ MQ, hai anh ra, có kế hoạch chuyển mộ ba về Nha Trang cho gần với má nên phân công nhau đi mua tiểu, chuẩn bị này khác. Nhưng việc liên hệ với gia đình đã cho má đưa mộ ba về ruộng của người ta từ ngày xưa, rồi nhờ người bốc mộ, xin phép, cảm ơn, cúng bái…cho đúng tập tục nơi sở tại, thì hai anh ... nhường nhau, vì đến mộ của ba, hai anh còn không nhớ (có quá ít lần ra Bắc và thăm lại mộ ba), nữa là tìm nhà dân giúp đỡ. Thực ra, chỉ có má và MQ biết gia đình cần tìm, vì MQ đã theo má đến chơi thăm họ mấy lần. Nhưng bây giờ má và MQ đều không còn nữa. Tôi chỉ biết mộ ba, chưa đến nhà ai bao giờ, cũng không biết địa chỉ xóm thôn nào. Ra khu ruộng thì vắng tanh vắng ngắt, không có ai mà hỏi. Ruộng lại cách xa nhà dân. Cuối cùng, hai anh chẳng biết làm thế nào, đành giao cho cô em dâu là tôi, tự tìm ra để trưa hoặc chiều bốc mộ, rồi tối đưa hài cốt ba ra tầu về Nha Trang. Tôi nghe hai anh giao nhiệm vụ mà ngẩn cả người, nhưng không thể từ chối.Thôi thì cũng đành liều, ra đi, mà không biết đi đâu.
            Tôi đi xe máy vào Hà Đông, tới một trong nhiều xóm làng gần đó thật hú họa. Rẽ vào làng, thấy một cái đền, chả hiểu thờ ai, mà dân chúng đang đi lễ đông lắm. Tôi lang thang vào đó, thắp một nén hương, lòng thành công đức như lệ thường mỗi khi qua đền chùa, rồi khấn xin đấng bề trên phù hộ cho tôi tìm ân nhân giúp ba má ngày xưa. Tôi trở ra, lững thững dắt xe theo đường làng, rồi dừng bên một quán nước nhỏ. Tôi hỏi vu vơ, chứ chả hi vọng gì. Tôi kể, ngày xưa má chồng tôi có nhờ đặt mộ ba ở một mảnh ruộng chỗ ấy chỗ nọ, gần “bia bà”, nhưng má tôi mất rồi. Bây giờ tôi muốn tìm gặp bà chủ ruộng mà không biết địa chỉ, nên tôi muốn hỏi thăm. Nào ngờ, một người trong quán nước chỉ ngay: “Kia kìa, chị đi theo đường này, tới ngã ba thì rẽ, gặp vườn có cây ổi thật to bên cạnh nhà mái ngói ba gian, chị hỏi người ta sẽ chỉ”. Tôi không tin ở tai mình, nhưng vẫn cảm ơn và lật đật đi theo chỉ dẫn. Tới nhà có cây ổi, có một vườn ổi lớn thì đúng hơn, tôi gặp một bà trạc trẻ hơn má nhiều. Tôi hỏi thăm, thì bà ấy cười rất tươi, vồn vã bảo, “chính tôi đây, tôi cho bà má nhờ đấy.Thế chị là con dâu của bà má à? Bà mất từ bao giờ vậy?” Rồi bà rót nước mời tôi thân tình. Trời ơi, tôi ngẩn ra nhìn bà, không biết tỉnh hay mơ, đến thế này thì không tin vào tâm linh còn tin gì nữa? Ai đã đưa đường chỉ lối cho tôi đến nơi này, để chỉ thoáng một cái, mọi việc đã đâu vào đấy? Này nhé, sau khi tôi trình bày ý định bốc mộ ba, nhờ bà tìm ai làm giúp và mọi thủ tục xem giờ, cúng khấn ngay trong chiều nay, để tối chuyển đi, thì bà rất nhiệt tình bảo một cháu nhỏ đi xe đạp ra xóm bên mời một ông chuyên làm công việc mồ mả. Chỉ 20 phút sau, ông ấy về. Tôi trao đổi, và thỏa thuận xong hết, thủ tục, lễ lạt, chi phí, giờ giấc, duy chỉ có việc rửa hài cốt, tráng nước thơm và lau khô xếp lại bỏ vào trong tiểu hay vào đâu thì gia đình tự làm lấy.
              Tôi cảm ơn rối rít, và không quên để lại một chút quà biếu bà chủ nhà đã chuẩn bị sẵn từ trước. Nhưng có điều quan trọng hơn tôi lại không nhớ, đó là ghi địa chỉ cụ thể nơi này. Thật là tệ, nhưng chả biết sao, lúc ấy cứ mừng rơn nên chỉ làm được có thế, rồi tức tốc về báo lại các anh, đi mua giấy vàng, giấy bản, nước thơm, rượu…để buổi chiều theo giờ hẹn mà đi cùng tôi tới khu mộ ba. Anh Thơ rủ thêm một người bạn cũ cùng vào. Chị ấy là bác sĩ Hằng. Vậy là chúng tôi có bốn người.
             Trời nắng to, công việc trôi chảy như đã thống nhất. Hài cốt của ba được đưa lên. Có sẵn mấy thùng nước to người đàn ông bốc mộ để sẵn. Nhưng chả ai làm những việc mà người thân cần làm, ngoài tôi. Hai anh và một chị ngồi “xem” tôi rửa, tráng, lau, từng mảnh xương và xếp lại cho đúng trật tự một bộ hài cốt, đặt trong một cái túi du lịch khá to. Tôi không thấy ngại, chỉ cảm thấy thương, rất thương ba dù chưa một lần gặp mặt. Tôi trở thành con dâu của ba khi ba mất trước đó 24 năm rồi. Tôi làm cẩn thận, ba nằm gọn trong túi, và phéc mơ tuya được kéo lại. Tôi ngồi sau anh Thơ, ôm ba và nhắc anh đi từ từ khỏi sóc. Đến Khâm Thiên, anh cùng chị Hằng đưa ba về trạm xá nơi chị làm việc để tối ra tầu về Nha Trang. Còn tôi về nhà mình, chuẩn bị ít đồ ăn, cơm nếp muối vừng, trái cây cho hai anh. Mấy anh em đã thống nhất, anh Quảng lo mang tiểu, anh Thơ mang ba, tôi mang đồ ăn rồi tự mỗi người ra thẳng ga Hà Nội gặp nhau ở đó. Vì không được phép mang hài cốt công khai nên mới phải để ba nằm trong túi du lịch, tiểu thì để trong hộp to dài vốn đựng đồ điện tử đắt tiền, rồi mang lên tầu cứ như hai anh em đi chơi từ Hà Nội vào Nam.
               Kế hoạch là thế, nhưng chuẩn bị xong đồ ăn, còn sớm ít phút tôi bỗng thấy sốt ruột, xếp đồ ăn trái cây vào mấy cái túi nhỏ, rồi phi xe máy đến trạm y tế xem anh Thơ thế nào. Chưa đến cổng, tôi gặp ngay anh đang bơ phờ hớt hải. Anh bảo anh đưa chị Hằng cất ba ở đâu, anh không biết, anh ra ngoài có chút việc bây giờ chị ấy tan làm đi về nhà rồi. Anh chả biết hỏi ai bây giờ, vào trạm xá thấy vắng tanh vắng ngắt. Ôi trời, tôi muốn rụng rời tay chân. “Thế anh mang ba vào gửi chị ấy, mà anh không đến tận nơi xem ba nằm ở đâu à? Chị Hằng không biết tối nay anh đi tầu Thống nhất mang ba vào à???” Tôi hỏi. Anh lắc đầu. “Thế anh biết nhà chị Hằng chứ, có điện thoại không anh?” - tôi tiếp tục. Anh im lặng. Biết thế này chẳng nghe các anh kiêng, chẳng để anh gửi bạn bè gì cả, cứ mang ba về nhà tôi cho rồi. Tôi nghĩ vậy. Nhưng “biết thế” cũng chẳng để làm gì, bây giờ phải vào trạm xá tìm thôi. Tôi bỏ mặc anh đứng đó. Chẳng thấy ai thật. Nhưng rồi lùng sục mãi cũng thấy thấp thoáng bóng áo trắng, một cô gái. Có thế chứ. Tôi mừng quá đến hỏi líu cả lưỡi, “…em ơi…cho chị hỏi thăm, em thấy bác sĩ Hằng về lâu chưa? Anh của chị có gửi chị Hằng một túi du lịch, chị Hằng có dặn gì không?”.“Vâng, có chị ạ. Anh chị đâu? Chị vào đây, túi để trong tủ này”. Cô gái mở tủ, ba nằm đó, tất nhiên vô tình, cô gái không biết túi đựng gì. Tôi cuống lên xin lỗi ra gọi anh Thơ vào, cảm ơn cô gái, và mang ba đi. Tôi hoảng hồn rồi thở phào vì còn may là trên đường từ mộ về tôi đã hỏi chị Hằng địa chỉ trạm y tế mà tìm đến. Thú thật từ lúc này, tôi không tin ông anh chồng nữa. Tôi bảo anh chở tôi và ba ra ngay ga thôi, sắp tới giờ tầu chạy rồi còn gì.
             Ra ga, anh Quảng đến lâu rồi. Chúng tôi vào phòng chờ. Tôi đặt ba xuống ghế và ngồi cạnh, tay còn cẩn thận khoác vào cái quai túi. Tôi dứt khoát không cho anh Thơ “quản lí” ba, lỡ ra anh bỏ đâu chạy đi kẻ trộm lại xách thì thôi rồi, tìm đâu ra Giàng mà hỏi. Tôi chỉ nhắc anh mua dùm tôi cái vé đi tiễn. Anh Quảng tính cẩn thận, và luôn chăm chút “đồ điện tử” dễ vỡ rồi, khỏi cần lo.
              Tôi tự tay nâng ba lên tầu, tới giường nằm (giường tầng 2 và giường tầng 3), tôi leo lên tầng 3, đặt túi du lịch vào khoang lớn đầu giường, rồi mới dặn anh đồ ăn thức uống sau. Và tất nhiên là nhắc khẽ anh trông nom, bảo vệ ba cẩn thận, không được ngủ quên để kẻ gian nào lục lọi. Gớm quá, tôi không cần để ý anh có tự ái không. May mà ông anh chồng vốn rất vô tư, vô tâm nữa, nên không chấp cô em dâu làm gì. Xong tôi thầm nói với mình chứ không thể thốt thành lời giữa nơi công cộng ấy, “Ba ơi, tầu sắp chạy rồi, con về nhé ba. Ba vào trong ấy với Má yên lành. Con thương Ba và lo lắm. Ba phù hộ các anh một chuyến đi may mắn ạ. Vậy là từ nay, 30 tết con không còn được vào mộ ba cùng với anh MQ khấn ba về nhà chúng con nữa rồi. Hôm nay không biết chồng con có về với Ba không” Tôi rơm rớm nước mắt, chào hai anh rồi xuống, và đứng lại sân ga vẫy khi tầu chuyển bánh.
                Trước kia, vì có Niệu liệu pháp nên tôi hết đau đầu chóng mặt, nhưng giờ đây khi không còn MQ, bệnh của tôi quay trở lại, mặc cho “nước thần” tác động. Tôi không còn cách nào để chữa, đành chịu đựng như 20 năm trước đây đã từng như thế. Chỉ khác là, chỗ lõm trên đỉnh đầu tôi không sâu thêm nữa, vì MQ không đấm đầu day huyệt bách hội cho tôi nữa. Anh đang bận nơi bên kia thế giới, tự sắp xếp cho cuộc sống mới của mình. Tôi tưởng tượng thế, vì có lần, ông chuyên gia Liên hiệp quốc người Ấn độ, trong bữa ăn trưa cùng tôi, khi hỏi thăm chồng tôi và tôi nói anh mất rồi, thì ông ấy xin lỗi là không biết nên hỏi. Sau rồi, ông nói tiếp: “Không phải vì định an ủi chị, mà tôi chỉ muốn nói chị nghe quan niệm của chúng tôi, cái chết là bắt đầu của một sự sống mới, nên không có gì phải sợ hãi, phải quá đau khổ. Cuộc sống mới biết đâu sẽ chẳng tốt đẹp hơn cuộc sống này, mà mỗi người đang gánh chịu những cực khổ của riêng mình. Tôi xin chia sẻ nỗi đau buồn của chị, nhưng mong rằng chị hãy vui hơn”. Tôi cảm ơn ông ấy, và ghi nhớ mãi.


Con gọi cha
              Hoa, con gái tôi, vẫn học tiếp những năm cuối cùng. Từ khi bố MQ mất, Hoa cũng buồn lắm, ngơ ngác, mặc dầu nó là đứa trẻ giầu nghị lực. Mỗi lần đi học về, Hoa lại giật mình tưởng như bố vừa mới thu gom giặt cả một chậu quần áo to tướng cho mình vì sợ con gái bị lạnh như hôm nào đến thăm kí túc xá. Con gái luôn viết thư an ủi tôi và chia sẻ:
” Mẹ có biết rằng ngày đêm con luôn cầu nguyện nếu như Chúa Trời và Đức Phật là tồn tại thì hãy phù hộ cho mẹ và các em. Con nhớ mẹ nhiều và nhiều lắm. Con muốn lặp đi lặp lại nói với mẹ về tình cảm của con mà không biết chán. Nhất là trong những lúc mất
thăng bằng này, con nghĩ đến mẹ và ngay lập tức thấy lòng dịu lại, cảm giác ấm áp và yêu thương lại giữ được cho con yên ổn.
Mẹ thân yêu của con! hơn lúc nào hết, đến bây giờ con mới cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của tình cảm gia đình, mà bố mẹ luôn dành cho con một cách trọn vẹn và mong muốn con hiểu được thật sâu sắc điều đó, chỉ tiếc rằng bây giờ đã là quá muộn. Chẳng phải tất cả cuộc sống tinh thần là con thừa hưởng được từ gia đình đó sao. Cũng bởi vậy, con hiểu mẹ cũng đang cần con lắm hệt như con cần mẹ vậy, trong lúc này….”
”……Mẹ ơi! Mẹ đã nói thật đúng, điều quí giá nhất bố để lại cho chúng con là sự lạc quan và tự tin trong cuộc sống, sự chấp nhận cuộc sống với đúng bản chất của nó và dầu trong hoàn cảnh bất hạnh đến đâu vẫn tồn tại ý chí sống và càng phải sống mãnh liệt hơn, bởi mỗi đứa chúng con có thêm cả sức sống của bố nữa. Chính vì thế, nên mẹ đừng lo lắng nhiều cho con. Con luôn là con gái bé bỏng của mẹ nhưng trong cuộc đời con đã trưởng thành và là một người lớn thực sự rồi. Con nghĩ nhiều đến ý nghĩa của sự sống ấy, bởi vì con thực sự sung sướng là cái sức sống đó thật tiềm tàng trong mẹ, nên dù mất mát và bất hạnh nhất như lúc này, dù phải chịu đựng quá nhiều nhưng mẹ vẫn sống thực sự chứ không phải là “tồn tại”. Nghĩ về mẹ, đọc những dòng thư của mẹ dẫu buồn đến bao nhiêu, con chẳng bao giờ có cảm giác thương cảm yếu đuối, mà là sự yêu quí và thông cảm đến nhói cả tim mình, là sự tự hào về mẹ, là sự dịu dàng ấm áp mẹ truyền đến cho con. Và con cảm thấy như con có đúng những xúc cảm của mẹ”.
       Mẹ ơi! con vô cùng biết ơn Thượng đế đã cho con sinh ra và lớn lên trong gia đình mình, mà không phải trong gia đình nào khác; được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, mà không phải của ông bố bà mẹ nào khác….Mẹ có biết rằng con hạnh phúc và may mắn biết bao khi có mẹ là mẹ? Giờ đây, khi không còn bố nữa, con luôn ước mong được ở bên cạnh mẹ, được ôm mẹ thật chặt và hôn mẹ thật lâu. Rồi con sẽ nghe mẹ kể mọi chuyện, mọi suy tư của mẹ như trước kia mẹ từng kể để tìm sự thông cảm và sẻ chia nơi bố. Dẫu chẳng thể biến thành bố được, nhưng con hi vọng sẽ làm vơi đi phần nào nỗi buồn trong mẹ. Mẹ hãy tưởng tượng rằng con luôn ở bên cạnh, chứ không cách xa hàng chục ngàn cây số. Cũng như bố nữa, con tin rằng bố chẳng thể xa mẹ được đâu, vì bố mẹ sinh ra trên đời này để sống cho nhau mà! Con tin rằng bố vẫn luôn sống trong lòng mỗi người chúng ta mẹ ạ. Tất cả những việc bố làm, mọi tình cảm và suy nghĩ của bố sẽ theo mẹ con mình trong suốt cả cuộc đời phải thế không mẹ?”
             Tuấn, con trai tôi không biết nói gì và an ủi mẹ thế nào, nhưng trong lòng cũng thương bố, và sót cho tôi lắm. Chắc Tuấn khó lòng quên được hôm đi thi Đại học Nông Nghiệp, đó là lần duy nhất, cũng là gần nhất trước khi đi xa, bố MQ đã đưa đón con thi. Trong lúc chờ con thi, bố trải nilon ra chơi cờ tướng với mấy vị phụ huynh khác, và nói vui với mọi người là “con cái đi thi còn bố mẹ thì trượt hoặc đỗ!”. Con trai tôi đã viết mấy bài thơ, thơ sót thương mẹ và gọi bố trở lại:
  
Thơ viết cho Mẹ (năm 1993, 19 tuổi)


Thắp nén nhang thơm đặt bàn thờ
Mẹ ngồi ngâm mãi những vần thơ
Chuyện tình ngày xưa ôi đẹp quá
Còn vọng bên tai mãi đến giờ

Chuyện ngày xưa đẹp quá đi thôi
Mẹ ngồi yên lặng đếm sao trời
Mặc trái tim ai đang dồn dập
Mặc cho ai chẳng nói nên lời

Làm sao quên được những đêm đông
Mẹ thêu, thêu mãi giấc mơ hồng
Đôi chim hạnh phúc nhìn âu yếm
Mong ngày mai nên vợ nên chồng

Đâu còn những phút tay trong tay
Ngắm làn gió thoảng nhẹ rung cây
Đôi trái tim non chung một nhịp
Chẳng uống rượu mà cứ say, say…

Nụ hôn mẹ nhận trong lặng im
Sẽ còn đọng mãi ở nơi tim
Phải chăng cơn bão nào đã dứt
Hay biển dâng dòng nước êm đềm

Con đã tìm nhưng chẳng thấy đâu
Hình bố, mẹ bên những khay trầu
Áo dài mẹ mặc màu gì nhỉ
Màu hy vọng hay của buồn đau?

Thấm thoắt cũng đà mấy mươi năm
Đàn con đã đến tuổi trăng rằm
Nhìn con mẹ thấy lòng sung sướng
Hạnh phúc dâng trào thỏa ước mong

Con muốn gọi gọi mãi: bố ơi!
Âm dương đôi ngả quá xa xôi
Đôi chim bay mãi trên nền gối
Chia ly không kịp nói một lời…

Mẹ nhìn ảnh bố khóc suốt đêm
Con nhìn mẹ khóc sót xa thêm
Ở dưới suối vàng bố có biết
Mẹ gửi nơi bố trọn niềm tin?

Cả đời bố sung sướng gì đâu
Bao năm lặn lội với xe, tầu
Tóc bố đã điểm nhiều sương gió
Mỗi sợi là một nỗi khổ đau…

Nhớ bố, mẹ tìm trong đống thư
Những mong thấy lại bóng hình xưa
Này đây thiếp cưới còn đỏ thắm
Này đây tấm ảnh đã phai mờ

Mẹ ngồi cạnh con khẽ xoa tay
”Này thằng trán nhọn giống bố mày…”
Mẹ cố che bao nhiêu nước mắt
Đêm hỡi làm sao tối thế này?!...

Nhớ bố, mẹ nhìn vào đàn con
Đông thế mà sao mẹ cứ buồn
Xung quanh còn có bao người tốt
Mà sao mẹ vẫn thấy cô đơn?

Lạnh lẽo đêm khuya thật não nùng
Mẹ nằm trăn trở mỗi đêm đông
Gió đông thổi hắt lòng tê tái
Mẹ ơi! mẹ có thấy lạnh không?

Ngày xưa bố thích nhổ tóc sâu
Nhổ mãi cho vơi nỗi khổ đau
Bây giờ con muốn nhổ tóc quá
Than ôi! mái tóc biết tìm đâu?

Con gọi tên cha giữa đất trời
Mẹ con tìm bố khắp mọi nơi
Tiếng con bố đã quen rồi chứ
Làm sao mà bố chẳng trả lời?

Buồn quá mẹ lại ra bật đài
Tìm trong quá khứ chút tương lai
Trời xanh hỡi! sao mà rộng thế
Biết tìm đâu ra bóng một người?

Mẹ đã tránh bao nhiêu cuộc vui
Mẹ tránh đi bao chỗ đông người
Mẹ luôn luôn thấy cô đơn quá
Mẹ khóc lặng trong những nụ cười

Lá thư nào mẹ viết trong đêm
Giọt nước mắt nào ướt đẫm con tim
Trang giấy kia in đầy nước mắt
Đã in luôn lòng mẹ chẳng yên

Ở dưới suối vàng bố có hay
”Nắng mưa đã trải biết bao ngày
Nụ cười ý vị như mai mỉa
Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay!”

Con muốn viết nhiều nhiều lắm mẹ ơi
Nhưng lòng con đã thắt lại rồi
Mong mẹ luôn luôn tươi trẻ mãi
Quên mọi khổ đau, tin cuộc đời!...

Đánh cờ
(năm 1995, 21 tuổi)


Nhớ ngày xưa khi con còn bé
Thấy ba thường ngồi cạnh bàn cờ
Con thích quá nên đòi xem ba đánh
Ba chiều con nên dạy cách đi

Dù mới học qua vài ba nước
Đã bắt ba ngồi làm đối thủ cho con
Ba chấp những quân gì con không nhớ
Chỉ biết rằng con vẫn bị thua luôn

Mỗi khi thua con hay ngồi khóc
Mẹ dỗ con còn ba lại bật cười
Trách thằng này sao kì lạ thế
Con giận hoài nên dỗ mãi không nguôi


Con lớn lên thương mái đầu ba bạc
Ba và con chẳng thể bỏ bàn cờ
So ngày xưa có nhiều đổi khác
Bởi nhiều phen ba buộc phải chào thua

Mỗi khi thua ba không hề giận
Xoa đầu con khen tiến bộ nhiều
Con mỉm cười chợt nhớ ngày còn bé
Mẹ khen con trêu ba mãi “bêu bêu…”

Ba thường ví cờ như cuộc sống
Cố đừng thua dù chỉ một ván thôi
Con phải biết khát khao chiến thắng
Bởi khi thua là mất ít nhiều rồi!

Lúc nhớ ba cô đơn, buồn tẻ
Lấy cờ ra và con đã sẵn sàng
Phía bên kia sao mà vắng vẻ
Con đợi hoài mà chẳng thấy ai sang

Những quân cờ giờ đã thành kỉ niệm
Sẽ cùng con đi suốt nẻo đời
Cờ còn đó mà không còn đối thủ
Chẳng thua ai mà nước mắt cứ rơi!

Con muốn kéo thời gian trở lại
Để được cùng ba phân xử được thua
Con xin ba đừng ra đi vội thế
Ở lại với con dẫu chỉ một ván cờ!


            Bé Hương, con gái “rượu bia” của bố MQ, lúc nào cũng trăn trở vì mẹ khóc nhiều. Nó gầy yếu, bé nhỏ nhưng suy nghĩ nhiều khi lớn trước tuổi:


Nhớ bố (Năm 1993, 12 tuổi)

Ngoài kia
       Cây vẫn lay
             Chim vẫn hót
Trái đất
        vẫn quay
Nhưng bố con
         Chẳng còn bao giờ
                 Ôm con
                         Ôm mẹ
Sẽ chẳng còn
          Hôn nhẹ
                   Vào trán con
Sẽ chẳng còn
          Ôm hôn mẹ
                      thắm thiết
Và cũng chẳng còn
          Viết thư cho mẹ
Dù mẹ và con
           Tưởng tượng hoài
                 Bố còn đang sống…
Hôm nay
Sinh nhật mẹ
Con thấy nhớ bố
Nhớ ngày hạnh phúc
Khi bố chưa đi
Tạm một lời
Kết thúc
Gửi cả mẹ
Cả bố
Những chiếc hôn
Thật lâu
Và kêu
Thật to…

Đừng để mẹ khóc
(Năm 1997, 16 tuổi)


Đêm đêm con nhiều lần thức giấc
Lặng người đi nghe mẹ thì thầm
Gọi tên ba hoài trong tiếng nấc
Sao nước mắt mẹ nhiều thế mẹ ơi?

Con những muốn xà vào lòng mẹ
Có thể chăng mẹ bớt nỗi buồn
Nhòa đi hình ảnh ba yêu thương
Để trở lại cuộc sống ngày thường

Con những muốn cựa mình gọi mẹ
Bởi con nghe thương lắm mẹ ơi
Nhưng con không biết vì sao lại thế
Điều gì ngăn con bật thành lời?

Đêm kéo dài không gian lắng đọng
Mẹ vẫn khóc và lòng con thổn thức
Thấy nhói đau nấc nghẹn lồng ngực
Xin Chúa đừng để nước mắt rơi…

Nếu ở trên đời này có Chúa
Đừng để mẹ khóc mãi không thôi
Riêng con còn có một ước nguyện
Lúc ấy con gọi được MẸ ƠI!


              Me tôi, từ ngày MQ mất, cũng không hay quát tháo con cháu trong nhà nữa. Me không thật hợp với MQ nhưng cũng thương MQ lắm khi xảy ra chuyện tầy đình như thế. Mỗi lúc tôi chóng mặt, đau đầu, me rất lo lắng và luôn xoa dầu, bóp đầu giật nhẹ tóc cho tôi. Mãi bao nhiêu năm về sau nữa, mỗi khi bạn bè đến chơi, me lại bảo me rất thương tôi, đũa chỉ còn một chiếc, tôi cứ vất vả tất bật thế thôi, lo cho các con, lo cho me thật nhiều.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét