LỜI GIỚI THIỆU Tôi quen chị Bùi Thị Kim Thư trong buổi tọa đàm văn học nho nhỏ; nơi giới thiệu cuốn sách văn học mạng có tên là “Tình Blog”. Quan sát dung mạo người đàn bà ở độ tuổi trên 60, dáng đi điệu đứng đã có vẻ chậm chạp, tôi nghĩ, hẳn chị cũng giống như nhiều viên chức nghỉ hưu, có chút hẫng hụt nào đó trong nếp sinh hoạt nên mới tìm đến chốn hội hè, thơ phú cho khuây khỏa, đỡ bị mất thăng bằng! Nhưng khi tôi đọc cuốn “Tình Blog”, trong đó in bài thơ “Vợ ơi, anh yêu em” của tác giả Hồ Minh Quang viết tặng vợ là Bùi Thị Kim Thư, tôi mới hiểu ra rằng chị đến đây còn vì người chồng quá cố của chị có thơ trong tập sách.Thế rồi ít ngày sau, tình cờ tôi gặp Kim Thư trên đường Trần Cung, mới biết nhà chị cách nhà tôi chỉ khoảng hai cây số. Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi ghé qua nhà thăm nhau hoặc gọi điện trao đổi mấy câu xã giao. Cho đến một hôm, Kim Thư bảo chị đang viết một cuốn hồi kí, sắp xong, muốn nhờ tôi đọc để cho góp ý. Ít ngày sau, tôi nhận được bản thảo chị đưa, có tựa đề là “Nước mắt và nụ cười”. Thoạt đầu tôi hơi ngần ngại vì thấy tập bản thảo dày quá mà mình thì luôn thiếu thời gian. Nhưng khi đọc được khoảng mười trang là tôi bị cuốn hút. Bùi Thị Kim Thư kể về cuộc đời mình, nhưng xoay quanh con người chị là bao nhiêu cuộc đời khác, bao nhiêu trạng huống, cảnh vật đan xen với nhau; cảnh huống nào cũng đặc sắc, cảnh vật nào cũng ấn tượng, mà người đọc không thể bỏ qua. Cuốn sách như một cuốn phim tư liệu, có nhiều đoạn như phim truyện, tái hiện một thời không dễ quên của đất nước. Bom đạn giặc Mỹ đánh phá Hà Nội thế nào. Sinh viên học ở nơi sơ tán ra sao. Rồi cuộc sống của những trí thức làm việc ở thủ đô trong những năm tháng chế độ bao cấp thế nào. Có những cảnh đời khiến người ta không khỏi bùi ngùi khi chế độ bao cấp đã phơi lộ hết cái mặt trái của nó, làm cho cuộc sống vô cùng khó khăn, không hiếm khi dở khóc dở cười.Chỉ riêng gia đình chị đã có bao nhiêu chuyện. Có chuyện trữ tình đằm thắm.Có chuyện đầy kịch tính, dư thừa chất tiểu thuyết. Bùi Thị Kim Thư cứ thật thà kể. Mang cái nhãn quan của một người phụ nữ trí thức, vừa có học vấn vừa có những trải nghiệm nên chuyện nào chị kể cũng hay, cũng hấp dẫn, nếu không mang một ý nghĩa xã hội thì cũng mang một giá trị nhân văn. Không ít những chuyện gây ấn tượng mạnh, đến độ ám ảnh khó quên. Có chuyện Bùi Thị Kim Thư kể rất bình thản mà vẫn khiến tôi cười ra nước mắt. Chẳng hạn như chuyện về cái lý lịch của chị đeo đẳng ngáng trở suốt tuổi thanh xuân, nhưng chị không tự ái, càng không bao giờ có một chút biểu hiện chán nản hay bất mãn. Càng bị định kiến, chị càng làm việc thật tốt, cống hiến thật nhiều, giữ gìn phẩm chất và nhân cách cao thượng. Chị có thể từ chối cái chức trưởng phòng, sự từ chối thành thật, phù hợp với tâm lý không ham hố quyền lực ở chị, nhưng công việc chuyên môn được giao thì không bao giờ chị từ nan. Những cảnh cứ bước lên xe ô tô là say vật vã, nôn thốc tháo, nhưng chị luôn biết kìm nén mọi mệt nhọc để hoàn thành mọi nhiệm vụ, rồi không ít ngày đêm chị nén cơn đau đầu hành hạ, làm việc quên mình để có những thành quả hữu ích, chiếm được niềm tin yêu của lãnh đạo cùng bạn bè đồng nghiệp. Chuyện về tình yêu, tình vợ chồng của Bùi Thị Kim Thư cũng thật xúc động. Kim Thư và Minh Quang đến với nhau, yêu nhau từ thuở còn là sinh viên cùng lớp. Đó là cuộc tình duy nhất được họ duy trì, vun đắp và tôn vinh trong suốt cuộc đời vợ chồng nên vẻ đẹp của nó lấp lánh đến tận lúc họ đã có với nhau ba mặt con, và cả khi Minh Quang không còn nữa…Và chừng như nó rất ứng nghiệm với quy luật âm dương, bù trừ trong Kinh Dịch: hạnh phúc lớn thường đi kèm với đau khổ lớn! Cặp vợ chồng trí thức này giỏi về khoa học kĩ thuật nhưng lại khá khờ khạo trong chuyện cơm áo gạo tiền! Cứ mải mê làm chuyên môn, cho đến lúc nhìn ra thấy bạn bè nhờ công cuộc đổi mới mà “lên đời” cả, còn mình thì vẫn chưa thoát khỏi cái nếp sống “ngoan đạo”, trông chờ tất cả vào nhà nước, một “quán tính” của gia đình viên chức thời bao cấp; thì ông chủ gia đình - trung tá, tiến sĩ Hồ Minh Quang - tạm gác khoa học, quyết định sang châu Âu làm ăn một chuyến với hi vọng đổi đời. Nhưng thật không may, anh đang làm ăn có triển vọng thì gặp một tai họa, về cõi với tiên tổ. Từ đó, Bùi Thị Kim Thư, một bên vai gánh việc cơ quan, một bên vai gánh cái gia đình với ba mặt con và người mẹ già, cùng những phiền hà trắc trở trong đời, nhiều khi chị muốn gục ngã, nhưng vì thương con, chị lại gắng đứng lên mà đi tiếp. Hẳn biết Kim Thư là người hiền hậu chân thành nên tạo hóa không nỡ lấy hết của chị mọi thứ. Ba đứa con của chị học giỏi, có ý chí, sau này đều nối gót cha mẹ, trở thành những trí thức trẻ hữu ích cho xã hội. Họ rất yêu thương mẹ, luôn tìm mọi cách để làm cho cái gánh trên vai mẹ mình đỡ nặng. Nhiều trường đoạn trong hồi kí “Nước mắt và nụ cười”, là cuộc đời thật nhưng nhiều kịch tính, đậm tính điển hình như tiểu thuyết. Nếu Bùi Thị Kim Thư có “máu sáng tác”, cuốn hồi kí này có thể trở thành một tiểu thuyết hay. Đấy là tôi giả dụ thế, chứ để nguyên là thể loại hồi kí vẫn đắc địa hơn, bởi thể loại này cho phép tác giả ghi chép lại tất cả những gì mình tâm đắc mà không cần quá câu nệ về nghệ thuật dựng chuyện và tính cấu trúc của văn phong như thể loại tiểu thuyết. Và những điều Kim Thư ghi chép, theo thiển ý của tôi, nhiều năm sau người đọc vẫn còn thấy rất hữu ích.Tôi thành thực chúc mừng Bùi Thị Kim Thư về cuốn hồi kí rất có sức nặng sắp ra mắt bạn đọc vào đầu xuân 2012 này.
Hà Nội, mùa đông năm 2011
Lê HoàiNam – Nhà văn
Hà Nội, mùa đông năm 2011
Lê Hoài
CHƯƠNG 1. TUỔI THƠ Tôi nghe kể lại,trong khi chạy tản cư từ Hà Nội về Hưng Yên (quê nội tôi), mẹ sinh tôi trong hầm trú ẩn ở Ấp Quán Bạc, xã Bạch Đằng, huyện Ân Thi vào buổi sáng sớm lúc bà con đi chợ, không thật rõ giờ nào, ngày 17 tháng 11 năm 1948. Bà mụ đã dùng nứa thay dao cắt rốn cho tôi.
Nghe nói, tôi quấy mẹ lắm và háu ăn. Mẹ đến nhà ai cũng phải “kềnh” xuống giường cho tôi bú. Nhưng tôi không được mẹ chăm lâu. Mẹ mất khi tôi hơn một tuổi. Mẹ bị chửa ngoài dạ con, phải mổ tại bệnh viện Phủ Doãn nay là Việt Đức. Vì bị nhiễm trùng sau mổ, nên mẹ đã mất trước lúc bố tôi chuẩn bị đón mẹ xuất viện. Mẹ nằm viện, tôi ở với bố, và hình như biết thân biết phận nên rất ngoan không quấy khóc gì. Bố cho tôi ăn sữa bò, đêm ngủ với bố yên lắm. Bỗng nhiên, vào khoảng hai giờ sáng 25/7/1950 âm lịch, tôi khóc thét không thể nào dỗ được khiến bố trằn trọc lo lắng và vào bệnh viện lúc 5 giờ sáng (lẽ ra 7 giờ mới đón và làm thủ tục xuất viện). Thì ra mẹ tôi mất lúc nửa đêm. Chị Hiền Trang là chị cả của tôi 13 tuổi, trực nhưng ngủ quên, khi cô y tá gọi dậy thì mẹ đã mất rồi. Thế là tôi chẳng còn mẹ nữa. Đám tang mẹ tôi nghe nói thương lắm. Mẹ bỏ lại năm con gái mà tôi là nhỏ nhất. Thai trong bụng mẹ là con trai, giá như mẹ qua khỏi thì tôi đã có một em trai rồi. Vì mẹ mất sớm, mẹ già vợ cả của bố tôi, không có con, gọi là me không ở quê nữa mà ra Hà Nội chăm sóc chị em tôi và sống với tôi đến cuối đời. Cùng trong năm ấy, chỉ sau khi mẹ tôi mất mấy tháng, thì chị tôi, chị Hiền Thủy bị thương hàn và không cứu được, qua đời khi mới 9 tuổi, nên cả nhà buồn lắm. Năm 1953, mẹ tôi được cải táng từ nghĩa trang Hợp Thiện đưa về quê. Tôi chẳng nhớ gì ngoài những bông hoa mào gà to lắm nở bên mộ mẹ.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Thủ đô Hà Nội giải phóng. Gia đình tôi ở ngôi nhà gác hai tầng cuối phố Hàng Bài. Đấy là nhà bố tôi thuê, rồi cho vài gia đình khác thuê lại một số phòng, ở đó có một bà Ấn Độ thật vui. Bà cho hai tay nhờn mỡ nhúng vào thùng phuy nước dùng chung để rửa, ai kêu thì bà chìa cả hai tay và bảo “đây tay tôi sạch mà!”. Một gia đình khác có hai bạn tên là Tuấn và Loan. Các bạn hay chơi đùa với chị em tôi. Tôi thích nhất trò chơi thi nhau, đu người lên dạng hai chân bám vào hai thành cửa ra vào của phòng, rồi leo dần đến khi đụng đầu thì nhảy ùm xuống. Rõ ràng đó là trò chơi của con trai, vậy mà tôi-một bé gái béo tròn mũm mĩm-tưởng hiền, lại chơi rất thiện nghệ.
Ngày Hà Nội giải phóng, cả nhà tôi đứng ở ban công tầng hai nhìn xuống đường xem quân Pháp giải giáp. Từng đoàn lũ lượt mệt mỏi kéo nhau đi. Họ tức giận khi thấy dân chúng ra xem nên đã nhặt gạch ném lên. Một tấm kính cửa sổ nhà tôi vỡ tan. Chúng tôi sợ quá thụt vào nhà chỉ thi thoảng chạy ra nhìn trộm.
Quân Pháp đi rồi Bộ đội cụ Hồ đến. Tràn ngập đường phố là cờ đỏ sao vàng và các anh bộ đội với quân trang quân phục tề chỉnh đi đi lại lại. Suốt ngày, tôi ở ngoài đường co kéo mời bộ đội vào nhà chơi. Tôi nắm tay các anh và nói: “Anh bộ đội ơi! Em yêu anh lắm. Anh đi chậm chậm. Em kéo anh lui. Anh dạy em múa. Vui quá là vui”. Các anh vào chơi với chị em tôi trên phòng lớn nhất của tầng hai rộng gần 50 mét vuông. Phòng rộng và để trống nên chúng tôi tha hồ cầm tay nhau nhảy múa “Dân Liên xô vui hát trên đồng hoa”,“Sol sol sol do sol, sol sol sol do re”. Chúng tôi tìm gậy để các anh dạy nhảy múa sạp. Rồi các anh kể nhiều chuyện hay lắm, khiến chúng tôi nghe say mê với nét mặt sáng bừng tươi rói.
Đã qua đi những ngày tháng mười sôi nổi. Tôi lại trở về với những trò chơi tinh nghịch của mình. Ở nhà, tôi trèo cửa. Ra đường, tôi nhặt sấu nhặt me rụng ở đường Ngô Quyền mỗi ngày bão về. Đối với tôi, bão và mưa lớn sao mà thích thế. Có bão, tôi mới được nhặt mấy thứ quả hấp dẫn này. Có mưa lớn, đường phố mới ngập lụt đến mép bậc cửa, để tôi có thể xắn quần lội qua lội lại từ bên này sang bên kia đường chứ.
Gần nhà tôi có nhà thờ Hàm Long. Nghe nói, mẹ tôi và họ ngoại theo đạo Thiên Chúa, nhưng rồi mẹ tôi mất sớm, chúng tôi ít quan hệ với họ ngoại. Họ nội một số đi theo đạo Phật, một số theo Lương nghĩa là chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên thôi. Cứ mỗi chủ nhật, tôi sắp hàng theo người lớn vào nhà thờ. Tôi nghe Thánh ca du dương trầm bổng nhưng không biết hát. Tôi được cha cố vẩy nước thánh, quỳ xuống lễ giống người lớn, và được tự bốc ngô rang trong một cái hòm to lắm. Ôi những hạt ngô rang mới nở to và trắng đẹp làm sao! Bàn tay tôi nhỏ nên không thể bốc nhiều. Tôi bốc hai nắm, lặng lẽ đi theo lối có thể ra được, trút ngô cho bọn trẻ đứng ngoài chờ, rồi trở lại xếp hàng nhiều vòng như thế. Bọn trẻ thích ăn ngô nhưng chẳng ai dám nghịch ngợm như tôi vậy.
Tại khu nhà thờ này, có trường tiểu học. Những lớp học ở nhà hai tầng cũ kỹ và đơn giản. Tôi học vỡ lòng bình thường như nhiều bạn khác. Tuy nhiên, học được mấy tháng, thầy giáo lại nhấc tôi lên một lớp, nên hết tiểu học tôi mới 8 tuổi. Tôi nhớ, có lần thầy dắt tôi về nhà, gặp bố tôi. Thầy nói tôi học giỏi nên muốn cho tôi nhảy lớp. Bố tôi không bằng lòng. Ông bảo: cứ để cháu học bình thường, học nhanh không có lợi, cháu còn nhỏ quá. Nhưng rồi thầy vẫn tự động thu xếp, còn dắt tôi đi chơi và cho ăn kem cốc nữa. Thầy đeo kính cận, dáng thư sinh mảnh khảnh và trắng trẻo. Tôi học các lớp do thầy sắp đặt. Tôi ngạc nhiên vì luôn có những bài tính đố thật khó hiểu mà mình phải làm. Quả là tai hại như bố tôi tiên đoán. Tôi không được thi tiểu học vì thiếu tuổi nên không được vào lớp năm (cấp 2). Bố tôi đành viết đơn lên Sở Giáo dục trình bày hoàn cảnh, thế rồi họ cho tôi học thử lớp năm tại trường Cộng hòa Kiến Thiết. Vì học khá nên tôi được vào học chính thức cấp 2 tại đây. Cả lớp có tôi bé nhất, còn các bạn hơn tôi 6, 7 tuổi. Các bạn gái đã có kinh nguyệt, còn tôi là một bé gái 8 tuổi tinh nghịch nhưng chỉ chơi một mình vì các bạn không thích chơi với trẻ con. Từ phố Hàng Bài đến phố Quang Trung, tôi tập xe đạp người lớn để đi học, chỉ đạp đứng và có nửa vòng pê đan. Sang năm lớp 7, trường chuyển về phố Hàm Long, nhà tôi chuyển về chợ Trời. Thế là tôi đi bộ từ nhà đến trường. Trên đường đi học, tôi trèo bấm chuông một lượt các nhà rồi đi thẳng như không có chuyện gì xảy ra, để lại đằng sau vẻ bực tức của chủ nhà không tìm ra thủ phạm ai đã nghịch bấm chuông; không lẽ nghi cho một con bé khoảng 10 tuổi thấp tẹo đang xách cặp đi chậm rãi ở phía trước?
Ngày ấy tôi được tiếng là học giỏi, nhưng thực ra không giỏi. Toán hình và quĩ tích tôi cố làm thôi chứ sợ phát khiếp. Vật lí thì ngại nhất phải tự làm thí nghiệm, làm cái ròng rọc, quả lắc,… Tôi lụi hụi làm một cách thầm lặng vụng về, và không hỏi ai cả. Môn sinh vật thì phải tìm các loại lá, cây, chả có bạn nào rủ đi cùng, làm cùng nên tôi hiểu rất lơ mơ. Bố tôi bận đi làm. Me tôi bận bán hàng. Các chị lớn áo dài tha thướt học những gì cao siêu (?) ở trường Trưng Vương, tôi bé chả hiểu. Tôi chỉ nhớ chị Thùy Trinh hơn tôi bốn tuổi, xinh xắn trắng trẻo, hay bận rộn tập múa và học hành kết bạn với các anh chị lớn ở khác trường.
Có một lần lớp 7 trường tôi xuống xã gặt lúa giúp dân. Tôi bé quá, nên thầy chủ nhiệm không cho đi. Tôi khóc, cứ chạy theo các bạn và lên xe. Tới một vùng ở ngoại thành, tôi lẽo đẽo đi theo mọi người, bắt chước đủ thứ, nhưng không biết làm, chỉ chực đến bữa ăn được ăn cơm nóng trắng tinh với rau cải luộc chấm tương ngon kinh khủng. Khi trở về, tôi bị thầy viết sổ liên lạc phê bình vô tổ chức kỉ luật. Bố tôi phải nhận khuyết điểm về mình rằng không quản lí con sát sao. Thi thoảng đi lao động nghĩa vụ xây dựng công viên Thống nhất, tôi gồng lên cố vác đất to to một tí để các bạn đừng coi thường mình còn bé.
Bù lại tình cảnh không có bạn ở trường, tôi kết thân, thật thân với một bạn gái cùng tuổi từ ngày học vỡ lòng. Bạn tôi là “bạn đường phố”. Tôi không nhớ bạn học ngang tôi hay trên hay dưới, có cùng trường với tôi không. Bạn ở đầu phố Huế, tôi ở cuối Hàng Bài, vậy chúng tôi phải đi qua đường Hàm Long để đến với nhau. Hình như sợ phụ huynh ngăn cấm, bọn tôi hay sang nhà nhau, nhưng không phải để nói chuyện nhiều, mà chủ yếu chỉ là tặng bạn quà rồi chạy về ngay. Khi thì cái cặp tóc mai, lúc lấy sợi len cuốn thành cuộn len nhỏ xíu, hoặc là cái bánh, cái kẹo gói vào thật cẩn thận trong một tờ giấy báo, bên ngoài dán mảnh giấy đề “bạn Kim Thư thân tặng bạn Kim Chi” hoặc “bạn Kim Chi thân tặng bạn Kim Thư”. Cái câu thân tặng này được cả nhà tôi thuộc lòng; bà mẹ chồng của dì ruột tôi (dì Diễm) cũng biết và thuộc luôn. Cứ mỗi lần bố cho tôi đến thăm dì, bà lại đon đả từ xa ”A chào bạn Kim Thư của bạn Kim Chi. Ôi trời, bạn Kim Thư đến chơi này”. Bà vui tính quá, nhưng bà không phải là bà thật của tôi. Tôi quí bà nhưng tôi yêu bà thật của tôi cơ. Đấy là bà ngoại sinh ra mẹ tôi. Cả ông ngoại nữa. Tôi chỉ được gặp ông bà đúng một lần mà tôi nhớ như in. Bố tôi bảo ông ngoại tôi là Quân Y sĩ, làm ở Phú Thọ. Ông mặc quần áo bộ đội tay chống một cái ba toong, hình như ông yếu rồi. Bà ngoại có vẻ khỏe hơn nhưng già lắm. Bà bế tôi ngồi lòng, xoa đầu bảo thương tôi quá, mẹ mất khi cháu còn bé tí. Bà nói nhỏ nhẹ. Ông và bà đều rất hiền từ. Hình như ông bà từ Phú Thọ về chơi nhà cậu ruột tôi ở phố Quang Trung. Rồi sau đó ông bà mất mà tôi không nhớ hay không biết gì về đám tang của ông bà. Nói tóm lại, sau khi mẹ tôi mất, quan hệ của gia đình tôi với họ ngoại cứ xa xa, ngoại trừ gia đình dì Diễm. Tôi không thấy các dì cậu đến thăm các cháu bao giờ, cũng không thấy bố dắt mình đi thăm các cậu các dì. Chỉ có khi nào các cậu dì làm đám cưới thì bố tôi luôn có mặt và cho tôi đi theo. Tôi ngồi trên cái ghế nhỏ gắn vào thanh ngang phía trước xe đạp của bố, khi về mang theo bao nhiêu là kẹo bánh, vì thi thoảng tôi nhón một cái bỏ túi, chứ không ăn. Mãi đến sau này khi lớn lên rồi, chị em chúng tôi mới tìm, thăm hỏi, qua lại với họ ngoại, thân thiết hơn một chút.
Về chuyện học, sau khi hết cấp 2, tôi thi và có bằng tốt nghiệp nhưng không được thi vào cấp 3, vẫn vì nhỏ tuổi quá. Tôi mới 11 tuổi. Lần này đơn từ đưa lên Sở Giáo dục là vô hiệu. Tôi trở thành đứa trẻ lang thang thất học. Suốt ngày, tôi chơi bi-chơi khăng-chơi đi trốn tìm-chơi ù với bọn con trai con gái ở chợ Trời. Trong nhà, tôi chơi đánh chắt đánh chuyền-chơi ô ăn quan-chơi giả vờ bán hàng với chị Thùy Trinh. Khi chơi bán hàng với bao nhiêu cuộn len nhỏ xíu, những cái bánh tự cắt tròn tròn, vài cái cặp tóc mai cặp ba lá, tôi lại nhớ Kim Chi đến thẫn thờ. Tôi chẳng có bạn để tặng quà nữa. Bạn theo gia đình chuyển đi đâu từ lâu rồi mà chẳng bảo tôi một lời. Mà nhà tôi cũng về chợ Trời đấy thôi, biết đâu chả có lần Kim Chi tìm tôi ở nhà cũ Hàng Bài và không thấy tôi đâu nữa.
Đành vậy, tôi đang có những cuốn hút mới này. Đó là mỗi khi trời mưa xong, chị em tôi cùng lũ trẻ cùng phố chạy ào ra đường mải mê nhặt hạt cườm đủ màu sắc nổi trên mặt đất. Chả là gần đó có nghĩa địa tây, người ta đặt nhiều vòng hoa sắt kết bằng hạt cườm. Lâu ngày, vòng hoa hỏng và rã dần, nước mưa cuốn trôi tản hạt cườm trên những con đường quanh đó. Ngày ấy, đường phần nhiều là đường đất chưa trải nhựa.
Chơi mãi cũng chán, tôi đi tìm hứng thú trong những “trò chơi kiếm tiền” và giúp đỡ việc vặt cho me tôi. Tôi đan thuê, lúc đầu là những giải quai mũ sợi, sau là cả cái mũ có pha hình con chim hoặc bông hoa, rồi đan len từ cái gấu tay, đến gấu thân rồi cổ áo. Ngoài đan, tôi còn làm nhiều việc khác nữa. Ngày ngày tôi lên cửa hàng kem Tràng Tiền, không phải vì thèm muốn ăn kem. Tôi chỉ luôn tay nhặt que người ta ăn vứt bừa ra đấy. Tôi mang hàng đống que về nhà, rửa sạch rồi xếp cẩn thận mang bán lại cho nhà hàng kem. Tôi đi nhặt hạt táo trên đường phố, mang về chà sát chỗ nhầy lẫn đất cát, rồi rửa đãi nhiều lần cho sạch xong phơi khô đem bán.theo từng kg hạt. Tôi hay lang thang quanh chợ Trời, nhặt nhạnh trên đường khi thì cái chai vỡ, lúc mẩu sắt, mẩu nhôm, và thú nhất là những mẩu đồng vụn. Tôi luôn mài thử chúng xem có ánh sắc nâu đỏ không để biết đó là đồng và phân loại riêng, bán được đắt tiền hơn sắt, hơn nhôm. Tôi còn đi nhặt củi và hót lá rụng sau mỗi kỳ bão hoặc mưa lớn, đi xin mọt cưa chui vào gầm các máy cưa để bốc vét hót từng rổ mang về cho me đun, đi xếp hàng gánh nước máy trong đêm khuya với đôi thùng thật to, lúc đầu chỉ gánh nửa thùng sau dần dần tăng lên gần đầy, đi mua gạo mua củi bằng xe đẩy với me, rồi đi mua gạo và gánh bằng đòn gánh, theo me xuống chợ Mơ mua buôn xà phòng giặt mang về bán ở chợ Trời. Chưa hết, tôi chăn một đàn ngỗng, chiều chiều cho đi ăn cỏ và tắm ở ao cách xa nhà chừng mấy trăm mét vì hồi ấy, khu chợ Trời còn nhiều ao hồ, bãi cỏ lắm. Khi ngỗng đẻ trứng, quả trứng thật to, me rán một quả là đủ cho bữa ăn cả nhà. Thi thoảng trở trời, cá ở hồ Hai bà Trưng bị chết nổi đầy mặt nước, tôi ra vớt cá mang về me làm nước mắm. Hồi ấy sao tôi bạo dạn thế, cứ xắn quần men theo hồ, lấy gậy khều cá và bỏ vào rổ mang về, đi hết đợt này đến đợt khác. Có lẽ vì có nhiều người vớt nên tôi yên chí không sợ chết đuối khi lỡ ra ngã xuống(!) Mùa hè nắng to, nhà tôi có một gian phụ lợp tôn nóng bỏng. Tôi xin me mua khoai lang để luộc lên, thái ra phơi trên mái tôn cho khô, chị em tôi ăn dần. Ăn khoai khô thích lắm, nó cứ dai dai ngọt ngọt. Thi thoảng tôi còn phết thành những bánh đa rồi nướng lên nữa.
Trong những "trò chơi" kiếm tiền kể trên, khi có được dù chỉ một hào nhỏ, tôi đều đưa me mà không bao giờ tiêu cho mình. Me tôi hình như rất thích tiền, và tôi thì thích làm ra tiền để đưa me. Sống với me, tôi luôn khao khát tình cảm trìu mến, vỗ về nhưng me tôi bận lắm. Bà mải mê buôn bán, rồi bao việc nội trợ nữa nên chỉ chăm cho chúng tôi như một cái máy, đến bữa cho ăn, đến đêm cho ngủ, thấy con mải chơi ngoài đường thì ra la hét quát tháo gọi về. Nhưng tôi vẫn yêu thương me lắm. Khi ngủ, tôi thường nằm cạnh sát me. Me quay lưng lại chứ không bao giờ quay vào tôi. Tôi rón rén ôm lưng me rồi nhẹ nhàng sờ vào cặp vú to mềm mại của me và chỉ có như thế tôi mới ngủ say đến sáng. Tôi không còn mẹ nữa, tôi chỉ có me thôi, đấy là mẹ chứ có khác gì đâu? Cứ mỗi lần me đi vắng sang Bắc Ninh thăm vợ chồng cậu Mai, hay về quê Hưng Yên, sẩm tối mà chưa thấy me về là tôi ra đường, tôi nhất định không ăn cơm không làm gì hết, chỉ ngóng trông và hai hàng nước mắt lặng lẽ chảy cho tới khi đón được me mới thôi. Bố tôi có lần giận và trách tôi:”Vì sao bố là bố đẻ của con mà con không gần bố, con chỉ nhớ thương người đã không đẻ ra con thôi?”. Tôi chẳng biết nói sao, chỉ im lặng. Tôi không biết nói rằng, mỗi đứa trẻ đều có bản năng khát khao tình mẫu tử. Thêm vào đấy, tuổi thơ đã mách bảo tôi rằng, hình như bố có điều gì không phải. Mẹ đã mất rồi, có me, có bao nhiêu con rồi, sao bố còn lấy vợ nữa thế? Mãi sau lớn thêm một chút, tôi mới ngờ ngợ nhận ra rằng, bố có các con gái nghĩa là chưa phải có con, bố cần lấy vợ để có con trai mà.
Phải nói rằng, bố tôi đã lấy me tôi theo kiểu “nữ thập tam nam thập lục”. Ông bà nội gọi bố tôi về quê cưới vợ khi còn rất nhỏ. Rồi me tôi bị vô sinh. Bà chạy đi chạy lại lúc ở Hà Nội lúc về quê. Bố tôi giỏi giang lịch lãm, dáng vẻ thư sinh nói năng nhẹ nhàng từ tốn, còn me tôi thì nóng nảy phổi bò, nên dường như hai người không hợp nhau. Có một lần, bố tôi ngồi làm sổ sách trong một cửa hiệu, một ông người Tàu đi qua dừng lại nhìn và bảo: “Này ông! Ông nghỉ ngơi tí đã! Tôi sẽ nói cho ông nghe nhiều điều thật lạ, nhìn tướng ông…” Bố tôi cắt lời “Xin lỗi, tôi đang bận”. Ông khách tỏ ra bực tức mà phải kiềm chế “Ông không tin tôi hả? thôi thì tôi chỉ nói thử một điều cho ông nghe: Trong túi quần ông có cái ví tiền, đúng không nào? Nhưng tôi dám chắc ông chỉ biết đại khái chứ không biết rõ ông có bao nhiêu tiền trong đó. Còn tôi, tôi biết chính xác đến từng xu! Ví ông đang có một trăm chín bảy đồng tám hào bốn xu. Ông kiểm tra xem!”. Bố tôi tần ngần, và tò mò, liền giở ví ra xem và ông khách nói đúng 100%. Bố tôi kinh ngạc thán phục nhưng sợ nên xua đuổi tiếp “Cảm ơn ông, ông đoán biết thật tài. Nhưng tôi bận lắm, mời ông đi nơi khác cho!”. Ông khách chưa buông tha:”Ông nói vậy thôi, chứ tôi biết thừa là ông không tin tôi. Nhưng thôi tôi sẽ đi, có điều trước khi đi tôi nói cho ông biết một chuyện của tương lai. Hiện giờ như ông thấy đấy ông đang có vợ, nhưng rồi ra ngoài Tết ông sẽ lấy vợ nữa.”. Đến thế thì quá lắm làm sao mà tin lão được, bố tôi thầm nghĩ. Ông khách còn nói thêm “Ông cứ ngẫm xem nhé. Nếu đúng vậy mà ông cần gặp tôi thì đến tại địa chỉ này, số nhà…phố…”.
Thời gian vụt trôi qua, bố tôi quên chuyện gặp gỡ ông khách lạ. Vậy mà trong một dịp đặc biệt, bố tôi gặp mẹ tôi, một nữ sinh trường Đồng Khánh Hà Nội thắt đáy lưng ong, hiền dịu, đã phải lòng và không dám nói rằng mình đang có vợ. Mẹ tôi thấy bố lịch thiệp đẹp trai trẻ trung có vẻ lắm tài nên yêu rồi sắp cưới mới biết bố đã có vợ. Cực chẳng đã, mẹ tôi đành phải làm vợ lẽ. Lễ cưới được tổ chức đúng là ngoài tết năm ấy. Bỗng nhiên nhớ lại ông khách nọ, bố tôi đâm hoảng liền kể chuyện này với một người bạn thân và hỏi ý kiến bạn xem có nên tìm đến địa chỉ nọ không. Ông bạn khuyên:“Mình biết, có những người có tài “bắt sát” như vậy đó, nhưng cậu không nên đến gặp lão, sẽ phiền hà lắm. Biết được rồi lão nói những gì nữa? Thôi hãy quên đi và gắng giữ cuộc sống yên bình!” Mẹ tôi và gia đình bên ngoại đều có ý nghĩ thoảng qua rằng mẹ tôi bị “lừa”. Mẹ tôi khóc rất nhiều, nhưng thực tình, khi chung sống thì hai người yêu nhau lắm và rất hạnh phúc, ý hợp tâm đồng nói chuyện không bao giờ biết chán. Me tôi không ghen, mà rất quí mẹ tôi. Cũng vì thế, me tôi về quê ở hẳn. Khi cả nhà tôi tản cư từ Hà Nội về Hưng Yên, cả “hai bà một ông” sống cùng trong một mái nhà với đàn con gái không có gì căng thẳng. Chỉ đôi khi me tôi sốt ruột, hỏi “sao các người nói chuyện gì mà nói lắm thế?” hoặc có lần giật tờ báo mẹ tôi đang đọc (cùng với bố) vứt đi.
Nghe người thân kể lại, ngày ấy gia đình tôi khá giả vì bố đi làm rất nhiều tiền, vừa làm kế toán, mở trường dạy kế toán, dạy tiếng Pháp, chủ bút báo, rồi kinh doanh nữa, trong nhà thuê cả lái xe, vú em, người giúp việc. Bố tôi chỉ làm tư thôi, không làm cho tây, không hoạt động chính trị hay đảng phái nào. Sống cùng vợ hai (mẹ đẻ tôi) và đàn con gái ở Hà Nội, bố tôi vẫn thi thoảng tự lái xe con về làng thăm me, rồi tích góp mang tiền về tậu ruộng hoài những mong me tôi đỡ buồn. Không ngờ đó là tai họa. Me tôi thích làm ruộng và làm giỏi, chăm chỉ lắm nhưng không làm được hết, nên cho các chị em ruột của chồng (tức là các bác các cô tôi) cấy bớt. Rồi đến vụ lúa, các bác các cô trả cho một ít thóc gọi là có, chứ thực tình chỉ là giúp đỡ thôi. Khi lớn lên, tôi tìm hiểu và nhận ra rằng, trả thóc ít hay nhiều thì chị em trong gia đình biết với nhau, còn bên ngoài nhìn vào thì việc đó mang màu sắc "phát canh thu tô"! Khi mẹ tôi không may mất sớm, me ra Hà Nội ở hẳn và trông nom chị em tôi đồng thời làm đại lí sơn, bán tạp hóa. Bố tôi đi làm và đi dạy suốt ngày. Trong cải cách ruộng đất, ở quê chẳng còn ai, nhà và vườn để trống. Bố me tôi có nhiều ruộng bị qui là địa chủ công thương. Ruộng đất xung công, còn ngôi nhà cùng với ao vườn (mà me tôi ở) bị tịch thu một phần dùng làm công trình công cộng, một phần chia cho ba gia đình nông dân. Sau cải cách, me tôi về quê nhiều lần để đòi lại nhà cửa vườn tược, người ta giải thích rằng mọi sự đã lỡ rồi, ông bà có sống ở quê nữa đâu thì chả nên đòi làm gì. Bố tôi cũng khuyên me tôi đừng về mất công. Thế rồi từ đó, thi thoảng tôi theo me về quê, tôi không bao giờ nhìn đến ngôi nhà nhưng vẫn biết chắc rằng có nó đứng đấy, ngay giữa làng trong một vị trí gần như đẹp nhất. Cái ao nay trở thành nhà văn hóa. Còn ba gia đình thì chỉ có một gia đình ở, họ xây một nhà mái bằng; hai gia đình kia bỏ hoang không ở. Vào khoảng những năm 1970, ở quê có chủ trương trả nhà cho những chủ cũ và phân đất dãn dân cho những người đang ở, nhưng chủ cũ phải về viết đơn xin xem xét. Anh họ tôi kể lại tình hình và khuyên bố tôi về viết đơn, nhưng ông tự ái nhất định không về và không cho me tôi về. Ông mang trong mình nỗi buồn khó tả, và hiếm khi thể hiện. Cách đây chín năm, tôi mua lại ngôi nhà cũ và mảnh vườn thuộc sở hữu của hai gia đình không ở để làm kỷ niệm. Tôi chẳng oán trách ai, tôi hiểu đó là những gì đã qua của lịch sử, nhưng tôi cần kỷ niệm, nên mua lại sòng phẳng mà thôi. Giá tôi mua sớm hơn thì đã mua được của cả ba gia đình rồi.
Sau khi mãn tang mẹ tôi, bố tôi lấy vợ ba, ở nhà riêng cùng phố, còn me và chị em tôi ở một nhà. May mắn sao, lần này dì kế sinh ra em trai, tên là Vinh. Bố và dì chiều em lắm. Mỗi lần sang chơi, tôi phải múa hát bày trò cho em chơi em cười. Tôi làm nhưng không thích. Tôi tức nữa nhưng không nói ra được. Tôi ghen tị với em nhưng không dám biểu lộ, không dám đòi những thứ mà em có. Dù sao, đối với bố, tôi biết bố rất thương tôi, bố còn tự hào vì tôi học giỏi nữa. Thi thoảng, bố dẫn tôi và em Vinh đi ăn phở mặc dầu khi đó gia đình tôi sa sút lắm rồi. Tôi lớn lên tận mắt chứng kiến cảnh bao nhiêu tủ gương, bộ bàn ăn tròn bằng gỗ đánh bóng, sập gụ tủ chè trạm trổ đủ kiểu, những bộ bàn ghế đá thật lớn cứ lần lượt đội nón ra đi. Tiền thu vén còn lại bố tôi đổ vào xây nhà ở chợ Trời, hàng ngày thì đi làm nhân viên kế toán cho công ty ăn uống của nhà nước lương ba cọc ba đồng. Me tôi thôi làm đại lí sơn và quay ra bán hàng vặt ở chợ Trời, bán ít bát đĩa, nồi niêu xoong chảo nhôm, xà phòng giặt, rồi sau này bán hàng nước. Tôi là trẻ con, nên thích bánh kẹo như các bạn, và tôi thường được thỏa mãn. Đó là thi thoảng bố tôi ở công ty ăn uống được mua hay được chia tôi không rõ một đám kẹo bi bị chảy nước, màu sắc của các viên kẹo cứ nhập nhằng sang nhau. Mà chị em tôi thì ăn say sưa tấm tắc khen ngon hoài, và đặc biệt không bao giờ bị đau bụng tiêu chảy vì những cái kẹo đó.
Thấy tôi lang thang vừa chơi vừa làm lắm việc linh tinh thế, bố tôi sót ruột và nghĩ ra việc dạy tôi học tiếng Pháp rồi từ từ tính tiếp chuyện học hành. Tôi nghe lời bố, hàng tuần tôi sang học mấy buổi tối cho đỡ buồn. Tôi tập phát âm không đến nỗi nào, và đọc lưu loát những câu thông dụng. Nhưng tôi chóng chán và chẳng hiểu học tiếng Pháp để làm gì. Những năm cấp 2, tôi đã học tiếng Trung rồi. Tôi nghịch ngợm và láu cá lắm, cứ viết phiên âm la tinh ra bàn tay chữ nhỏ tí tẹo rồi đọc. Bây giờ học tiếng Pháp, bố tôi là thầy, chỉ có một thầy một trò với nhau, tôi lì lì chẳng thể nghĩ ra trò gì nữa. Tôi chỉ muốn đến trường đi học bình thường như các bạn.
Thế rồi cả nhà đành cho tôi sang Bắc Ninh ở với chị cả và giúp chị trông cháu. Chị tôi dạy trường cấp 2, sinh con gái đầu lòng. Hàng ngày, tôi bế cháu chơi ở sân trường để chị đi dạy mà lòng buồn vô hạn, và rất hay cau có bực tức.Vậy là tôi bị nghỉ học suốt hai năm. Cho tới khi tôi 13 tuổi, chị chuyển về dạy cấp 2 ở Từ Sơn, thì tôi theo về. Tại đây, tôi vẫn thiếu tuổi vào cấp 3 và đã xong kì thi tuyển, các bạn trúng tuyển bắt đầu vào năm học, nên chị xin cho tôi học đặc cách. Vì quen thuộc nể nang, thầy giáo hiệu trưởng cấp 3 nhận tôi vào học lớp 10. Ngày đó tôi uốn tóc quăn. Vì thế tôi trở thành một đứa kỳ dị trước mắt mọi người. Chà “một con bé người Hà Nội sao lại sang đây học với bọn mình?”, họ tự hỏi nhau vậy. Những giờ lao động gánh bùn, đào xắn đất, gánh gạch thoạt đầu họ không làm chỉ đứng nhìn tôi làm. Nhiều đôi mắt như thách bảo xem cái con bé Hà Nội tóc phi dê lạ kỳ kia liệu có tránh được những trận cười chế diễu không. Nhưng rồi thực tế chẳng có trận cười nào hết mà chỉ có nỗi kinh ngạc vì con bé gánh bùn rất dẻo dai. Nó không sợ bùn bẩn, nó cầm xẻng sắn đất sét, xúc bùn nhẹ nhàng như không có chuyện gì xảy ra. Khi cần bê bằng tay, nó hùng hục vận chuyển một mình thật thản nhiên. Nó không sợ phải đi chân đất trên con đường gánh gạch đầy những dăm đâm vào bàn chân bé nhỏ. Nó xếp gánh mỗi bên sáu viên gạch giống các bạn, nó đi phăm phăm lặng lẽ một mình, chiếc đòn gánh lăn trên vai và nhịp nhàng theo bước chân dứt khoát. Chẳng ai biết nó gánh được vì đã từng gánh quen ở nhà: gánh nước, gánh gạo trong những ngày buồn tẻ phải tạm rời ghế nhà trường! Nhưng riêng xúc bùn xắn đất thì chính nó không hiểu sao nó làm được “ngon lành” như thế. Chắc chỉ có thể giải thích rằng, nó mang trong lòng một "bồ" tự ái tự trọng gì đấy thật ghê gớm và được ông trời thấu hiểu nên đã ban cho nó sức mạnh, sức mạnh để hòa đồng được trong một môi trường bạn bè mới lạ, và để dập tắt được những nụ cười chế diễu từ trong trứng nước.
Sau nỗi ngạc nhiên về con bé từ Hà Nội sang học ấy, các bạn bắt đầu làm quen và thích chơi với tôi, rồi còn chế ghép đôi tôi với bạn này bạn khác. Tôi chỉ thấy buồn cười vì tôi còn quá nhỏ. Có bạn tự cạo trọc đầu vì không làm thân được với tôi, sao mà trẻ con đến vậy. Hành động đó khiến tôi để ý đến bạn, bạn ở ngay cạnh nhà tôi ở trọ. Cứ mỗi sáng ra lấy nước ở bể để đánh răng rửa mặt tôi lại lén nhìn sang sân bên kia xem bạn đâu, bạn đang làm gì. Rồi khi tới lớp, hai đứa gặp nhau đều quay mặt đi. Có bạn hát hay đàn giỏi, tôi thích nghe bạn hát lắm, lúc học bài xong tôi thường bế cháu sang nhà bạn chơi để nghe hát! Bạn gái cùng lớp thì tôi chơi thân nhất với Thuần vì bạn cùng nhỏ tuổi. Gọi là thân thôi chứ không mấy khi đến nhà nhau. Bạn gái khác lớp thì tôi thân với Di. Chúng tôi hay ôn bài với nhau nhất là kì thi tốt nghiệp. Ngày ấy đêm đến chỉ leo lét ngọn đèn dầu, chúng tôi ra trường ngồi học. Chúng tôi không bao giờ thấy mỏi mệt vì học, và không phải học thêm ở đâu cả. Với những bạn học kém thì các thầy cô yêu cầu đến học thêm tại trường. Các bạn gia đình đều nghèo, không phải nộp thêm tiền học. Các thầy cô thì tâm huyết và chẳng bao giờ được nhận thù lao bồi dưỡng gì trong khi đời sống vô cùng khó khăn.
Tôi học ở trường cấp ba Từ Sơn ba năm. Hàng tuần cứ chiều thứ bảy tôi đáp tàu hỏa về Hà Nội, để thăm bố tôi, và sống tại ngôi nhà quen thuộc của mình. Rồi sáng sớm thứ hai lại đi tàu sang và đi bộ một quãng khá xa từ ga tới trường. Lần nào tôi cũng gặp các thầy giáo của mình vì các thầy phần lớn đều từ Hà Nội sang dạy chứ không phải người địa phương. Tôi luôn chào hỏi các thầy cho phải phép rồi lánh đi một mình.
Tôi được chọn học lớp bồi dưỡng giỏi Văn và lớp bồi dưỡng giỏi Toán. Nhiều khi các buổi học trùng nhau, các thầy đều gọi nên tôi phải từ chối môn Văn vì thích Toán hơn. Tôi đã thi Toán giỏi của tỉnh, không được giải cá nhân (tôi chỉ được điểm 11/20), nhưng đồng đội chúng tôi được giải vì không có điểm dưới trung bình. Ngoài học lớp bồi dưỡng Toán, tôi tham gia một số hoạt động ngoại khóa: thầy giáo Văn giao cho tôi sưu tầm và lên chuyên san về ca dao con cò, tượng trưng cho người nông dân Việt nam. Thầy giáo Ngoại ngữ giao cho tôi đọc diễn văn bằng tiếng Nga trước toàn trường ngày bế giảng năm học. Tôi còn đóng kịch vai con gái viên đại úy, mặc áo dài rất điệu, trong một vở kịch do nhóm lớp tôi tập tành và trình diễn. Tôi hay đi lao động gặt lúa giúp dân. Tôi đã biết thế nào là gánh đòn sóc hai đầu, đi một mạch hàng mấy cây số không được nghỉ vì sợ rụng lúa. Tôi đi cắt rạ, làm đụn rạ và gánh về từng gánh thật to che hết cả người, chân cứ bước đại mà đi thôi. Tôi cắt lúa mùa bằng liềm và lúa chiêm bằng hái. Tôi tự chiến đấu với hàng đàn đỉa to, gạt đi và bôi vôi vào vết thương bị nó hút máu. Tôi cắt lúa rất nhanh đến nông dân phải thán phục. Công việc nhà nông chỉ mỗi cấy lúa là tôi vụng về chậm chạp, cấy không thẳng hàng lại còn hay đổ. Tất nhiên việc cày và bừa tôi chỉ thử chơi chứ không phải làm thật bao giờ.
Tôi ở trọ làng Đình Bảng, với chị Hiền Trang và me tôi sang đây trông cháu cho chị tôi dạy học. Thi thoảng tranh thủ lúc cháu ngủ, me tôi bện thừng, bện võng đay để bán. Me tôi chăm chỉ lắm. Lao động và kiếm tiền là hai thứ me tôi say mê không bút nào tả xiết. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng của me về hai việc này, nhưng rất khác me trong cách nghĩ về kiếm tiền. Sự khác biệt này có lúc khiến tôi lâm vào tình trạng cực khổ nhưng thôi không dài dòng sớm để từ từ tôi sẽ hồi tưởng sau. Chúng tôi ở trọ nhà bà Nhuận. Nhà to, sân to, đồng hồ to nốt. Tôi học trên một cái hòm đựng thóc của bà dùng tạm làm bàn. Một lần hòm thóc có nhiều con mạt quá, nó đốt tôi sưng toàn thân và để lại lắm nốt như ghẻ. Mỗi lần, nhìn đôi chân dài trắng trẻo của mình nham nhở sẹo, tôi lo lắm không biết rồi có khỏi không. Thực tế thì vài năm sau chúng biến mất, trả cho tôi nguyên vẹn đôi chân như cũ và sau này lên miền núi sơ tán, tôi được miễn dịch chả bao giờ bị loài bọ loài mạt nào cắn nữa trong khi các bạn thì ghẻ kềnh càng.
Tôi sinh hoạt, ăn ở giống các bạn, nghĩa là ăn bằng nước giếng khơi, giặt dũ ở ao, thi thoảng đi nhặt phân trâu nộp nghĩa vụ cho nhà trường. Nhưng riêng khoản ăn thịt chuột thì tôi đầu hàng. Có một lần, đi học về, tôi được chị để phần cơm. Tôi thấy có món canh thịt băm viên hành dăm thơm phức. Tôi tưởng là canh thịt bò, nhưng không phải. Chị bảo cứ ăn đi rồi biết. Tôi đói quá, ăn xoàn xoạt mấy bát liền chan canh đầy oặc, miệng khen ngon rối rít. Vậy mà khi ăn xong, chị tôi mới nói đó là thịt chuột, thế là tôi chạy ra ngoài vườn nôn thốc nôn tháo. Chị bảo cả làng này ăn thịt chuột, họ bán đầy chợ nên chị thử mua và nấu ngon chứ có sao đâu. Một lần khác, xảy ra đám cháy ở một gia đình nuôi nhiều gà tây. Gà chết cháy thui, nhưng chủ nhà tiếc rẻ đem bán. Chị tôi mua một con vì tham rẻ, mang về bỏ đi những phần cháy, còn lại thịt gà vẫn trắng nhưng dim lên đắng ngắt sặc đầy mùi khói. Chót mua rồi, cả nhà cứ phải nhắm mắt nhắm mũi ăn cho khỏi ...phí! Sau lần ấy, trong đời tôi cứ nói đến gà tây là tôi không sao quên được cái vụ ăn thịt gà cháy này và ớn hết chịu nổi.
Ngoài giờ dạy và học, chị em tôi tranh thủ tăng gia. Chị tôi mượn một mảnh ruộng dân không làm hết rồi làm đất và trồng khoai lang, đậu xanh, đậu đen, lạc. Nhờ vậy, tôi được làm quen với cuốc đất bằng cuốc, đập đất bằng vồ cho nhỏ tơi ra, đánh luống. Tôi rất khoái chí khi đi rỡ lạc, lựa củ non đem luộc lên ăn, còn già thì phơi khô bóc ra làm thức ăn dự trữ, rất thích tách vỏ đỗ lấy hạt đem phơi. Chỉ có khoai lang là quen thuộc từ mấy năm trước nên luộc ăn cho đỡ đói chứ không thích phơi phóng gì nữa. Chị tôi còn trồng rau muống trên mảnh đất nhỏ. Tôi thường pha nước tiểu loãng rồi tưới rau. Trồng rau muống cạn nhưng rau lên xanh um tốt lắm, và mỗi khi cắt ra để nấu ăn thì phải cắt hàng loạt rồi nhặt cho sạch chứ không ngắt lẻ từng ngọn.
Tôi học giỏi, tham gia hoạt động của lớp rất tích cực, nhưng khi các bạn ở chi đoàn thanh niên gợi ý tôi phấn đấu làm cảm tình, đối tượng, tôi từ chối phắt và bảo tôi còn nhỏ chỉ học thôi, sau này hãy hay. Đến khi vào Đại học tôi mới thấy mình lẻ loi quá, mọi người đều vào Đoàn từ hồi phổ thông rồi! Khi học xong cấp 3, tôi thi tốt nghiệp và đậu loại xuất sắc được giấy khen. Năm ấy tôi thi sáu môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Địa, Sinh vật. Nhưng khốn khổ tôi không được làm hồ sơ thi đại học vì thiếu tuổi. Suốt ngày đêm tôi khóc, ngơ ngẩn nhìn các bạn hỏi nhau thi trường này trường kia. Các trường đều yêu cầu 17 tuổi trở lên, riêng Sư phạm từ 18 tuổi, mà tôi thì chưa tới 16. May mắn làm sao, một hôm anh rể tôi, anh Nghiệp– chồng chị Hiền Thục từ Hà Nội sang và bảo tôi được thi vào Đại học Tổng hợp. Trường này cho phép học sinh ít tuổi thi nhưng với điều kiện phải đậu phổ thông xuất sắc, và điểm tổng kết phải có hai phần ba là điểm 5, một phần ba còn lại là điểm 4, không có điểm 3 nào. Thật hú vía, tôi vừa đạt điều kiện ấy. Thế là tôi cuống quít làm hồ sơ nộp trước ngày thi có mấy ngày. Trước ngày thi, danh sách thí sinh vẫn không có tôi. Phải đúng hôm đi thi mới có danh sách viết thêm bằng tay vào cuối trang đánh máy.
Vậy là tôi thi Đại học Tổng hợp ngành Toán, không được ôn thi. Ngày đó, tôi phải thi Toán Văn Lý Hóa và Ngoại ngữ cộng điểm khuyến khích. Tôi làm môn Văn môn Hóa đều tốt nhưng môn Toán bỏ mất câu cuối của bài thứ năm. Tôi làm hơn một giờ đồng hồ thì bị chóng mặt nên không cố làm nữa, xin về nửa chừng. Tôi chán nản định bỏ thi Lý vì nghĩ rằng mình thi ngành Toán mà Toán không làm hết thì “teo” rồi. (về sau mới biết hóa ra các bạn đều bỏ câu đó vì nó khó quá). Cũng nhờ anh Nghiệp khuyên, tôi mới thi tiếp. Xong xuôi, tôi chẳng nghĩ mình đậu vì năm ấy thi rất khó, và là năm cuối cùng trước khi bỏ thi Đại học. Nhưng rồi số trời đã định, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học trong khi đang chơi nhảy dây ngoài đường.
Trong khi chờ vào đại học, tôi lại nhàn rỗi, nhưng không làm linh tinh nữa. Tôi nhờ bố tôi xin làm tạm ở công ty nơi ông đang làm, với bất cứ việc gì. Người ta bảo chỉ có thể rửa bát cho một cửa hàng ăn thôi. Tôi đồng ý ngay, vì bao nhiêu việc nặng tôi còn làm được thì rửa bát chỉ là chuyện nhỏ. Hôm ấy, một sáng chủ nhật đẹp trời, lại đúng ngày có giỗ. Cả nhà đang làm cỗ với bao nhiêu món thật ngon, có những món đặc biệt do dì kế nấu (bà rất giỏi nấu ăn), tôi chạy lăng xăng làm phụ giúp người lớn. Mâm cỗ được bày để chuẩn bị cúng. Rồi mọi người thắp hương, tôi theo người lớn chắp tay lễ. Một tuần hương, hai tuần hương…Rồi cũng đến lúc hạ cỗ để người dương hưởng lộc. Tôi khoái chí ngồi vào một mâm với đũa bát, rượu thịt sẵn sàng. Đúng lúc đó, chưa kịp gắp miếng nào vào miệng, có tiếng gọi ngoài cửa ”Bác Dậu ơi, tôi ở công ty đây, bác cho cháu Thư đi làm ngay nhé, cửa hàng số 10 phố Lương Văn Can. Bảo cháu ra đây tôi chở đi để biết chỗ và biết việc”. Tôi ngơ ngác, nhưng chợt nhớ mình từng năn nỉ xin đi làm, nên không thể trì hoãn được. Cả nhà thương tình xin cho tôi ăn cơm xong rồi người nhà đưa lên cửa hàng, nhưng ông ấy không chịu, bảo phải đi ngay. Tôi thay quần áo và chào cả nhà rồi đi liền. Lên cửa hàng, tôi vào việc luôn. Tôi ngồi trên một ghế cao, trước mặt là bồn rửa cặp đôi, một bên rửa một bên tráng, có vòi nước nóng nước lạnh, có bột xà phòng để sẵn. Tôi chỉ việc rửa và để sang bên cạnh thành từng chồng bát hoặc đĩa. Có người khác mang bát đĩa bẩn đến và có người mang bát đĩa sạch đi. Vậy là một dây chuyền mà tôi ở đoạn giữa, ngồi yên mà rửa. Tôi nghĩ thầm, thế là tốt rồi, mình không phải bưng bê gì, lỡ chưa quen đánh vỡ thì nguy. Tôi hăm hở rửa, tráng, tháo nước, vặn nước, làm liên tục vì cứ ngưng một chút là bát đĩa bẩn ùn ùn kéo đến, rồi người mang bát đĩa sạch đi phải chờ đợi. Tôi hiểu rằng, mình phải làm thật đều tay, bao giờ tới giờ nghỉ (?) mới được nghỉ. Mà chẳng thấy ai báo nghỉ, nên tôi đành cố gắng mãi. Đến tối mịt khoảng 7 giờ, mấy chị mới bảo tôi dừng tay ăn một bát phở hay mì vằn thắn gì đấy. Nhưng tôi lắc đầu. Tôi cảm thấy buồn nôn mà không dám nói. Tôi tiếp tục rửa bát đĩa định hết giờ mới ăn luôn thể. Nhưng thật tồi tệ, đến khi nghỉ hẳn, chừng 10 giờ đêm, tôi nôn thốc nôn tháo thật. Các chị dỗ dành bằng bao đồ ăn thức uống, nhưng càng ngửi đồ ăn bốc khói nghi ngút, tôi càng kinh sợ, tôi lắc đầu quầy quậy, “em không thể…các chị ơi…em mệt lắm, hãy để cho em nằm yên một chút!” Thế rồi, tôi đòi về nhà, mặc cho các chị khuyên can. Tôi xấu hổ quá, ai đời mới đi làm có một ca mà đã lăn ra như thế.
Tôi lảo đảo ra về. Phố Lương Văn Can tôi đâu lạ gì. Vậy mà giờ đây, tôi chẳng biết theo lối nào để ra hồ Hoàn Kiếm rồi từ đó đi thẳng tiếp về chợ Trời. Tôi loanh quanh, rẽ phố nọ sang phố kia, rất lâu sau mới ra khỏi mê lộ của 36 phố phường Hà Nội. Khổ thân tôi, trời đổ cơn giông, và mưa như tát nước vào mặt. Tôi đi người không, có áo mưa nón mũ gì đâu. Tôi quên cả mệt. Tôi bắt đầu sợ hãi. Gần 12 giờ đêm, đi đường con gái một thân một mình, lỡ có chuyện gì thì sao. Sợ vậy thôi, chứ lúc này, trời mưa tầm tã, làm gì có ai đi đường chứ. Bọn xấu chắc ngủ rồi. Tôi rảo bước, người lạnh run, chỉ mong về đến nhà. Tới phố Huế, chỗ rạp Đại
Tôi ốm đúng một tuần mới trở dậy được. Suốt ngày tôi nôn kèm theo chóng mặt. Tôi buồn lắm. Tôi xấu hổ vì chẳng làm được gì nên hồn. Có mỗi chuyện rửa bát mà không xong, thì sau này ra trường, làm gì được nhỉ. Không phải tôi lười nhác, không phải tôi không biết rửa bát. Tôi rửa rất gọn gàng, sạch sẽ. Trong khi rửa, tôi luôn thay đổi từng động tác nhỏ để rửa nhanh hơn, xếp bát đĩa cẩn thận hơn, tiện cho người ta mang đi. Ôi thế chỉ vì sức khỏe ư? Tôi yếu vậy sao? Tại sao giữa chừng tôi không cố ăn một ít cho có sức? sao tôi cứ muốn tỏ ra mình rửa nhanh, đáp ứng được dây chuyền? để người ta cho làm ư? Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập đến, dồn dập đi. Thôi vậy là hỏng chuyện rồi, chả ai có thể nhận vào một con bé mới làm một ngày đã ốm một tuần như thế.
Lại đành làm vài việc linh tinh. Tôi mò sang nhà bà Bản gần đó và nhận sợi về làm. Bà là mẹ bạn Tuất, hay chơi với chị em tôi. Bà cho mượn bộ guồng quay, mắc con sợi vào, rồi quay sang một ống.
Ghi chú: Đây không phải là bản giấy can cuối cùng trước khi in sách mà MQ đã trực tiếp chữa, vì thế có thể còn sót một số lỗi chính tả, hoặc lỗi hình thức nào đó so với sách. MQ mong được thông cảm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét