Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Hồi ký NMNC-Chương 2

CHƯƠNG 2. THỜI SINH VIÊN CỦA CHÚNG MÌNH             Ngày nhập trường đại học đến thật nhanh. Tôi tập trung đến trường, đầu tiên phải khám sức khỏe. Linh tính mách bảo tôi rằng, phải rất cẩn thận kẻo bị loại. Tôi nặng 44 kg trong khi ngực lép mà cao những trên 1m6! Nghe nói, người ta tính chỉ số pi nhê liên quan đến chiều cao và cân nặng với vòng ngực, nên trước khi khám, tôi ăn sáng thật nhiều, ba bát cơm rang, hai quả chuối tây và hai quả trứng luộc, rồi uống rất nhiều nước. Khi khám, thật hú vía vì tôi đạt cận cuối cùng, nếu không ăn cho nặng cân thì đã trượt. Nhưng tính một đàng, lại vướng một nẻo. Huyết áp tôi 150/90. Người ta bắt khám lại và phải nhịn ăn. Hôm sau, tôi cố trấn tĩnh mà chỉ đạt 145/90. Tôi ra sức giải thích, tôi hồi hộp chứ không bị huyết áp cao đâu. Mãi rồi thì họ phải cho qua, vì thương tình con bé cao lêu đêu mặt xanh lét đang lo sợ. Ngoài tôi, một bạn nam nữa cũng bị huyết áp cao, suýt nữa hai đứa bị loại. Người đó chính là MQ, người yêu và là chồng tôi sau này, thế có lạ không?
               
Lớp tôi có hơn 40 sinh viên, trong đó 36 người thi đậu như tôi. Còn lại, một số lưu ban, một số ở khóa trước đang học ngoại ngữ nhưng không được đi nước ngoài vì hồi đó có chuyện xét lại của mấy nước Đông Âu. Cả lớp có năm nữ là chị Ái Thơ, Kim Chi, Hoàng Hiền, Hải Vân và tôi. Chúng tôi đều ở Hà Nội chỉ có chị Thơ là học sinh miền Nam. Mới vào trường nhưng xem ra không khí học tập hăng lắm. Hai tháng đầu chúng tôi tập quân sự ban ngày, tối thì giở từ điển Nga Việt ghi chép và học các từ Toán học (!). Nói là tập quân sự nhưng tôi phải học cứu thương. Lý do thật đáng buồn. Bởi vì gia đình tôi lý lịch xấu quá, bố là địa chủ công thương, bác ruột thì bị Việt Minh giết. Suýt nữa tôi bị loại ra khỏi danh sách thi đậu mặc dầu điểm thi của tôi vào loại khá cao (18/20), vì họ nhầm lý lịch tôi, cho rằng người bị Việt Minh giết là bố tôi. May anh rể họ tôi là bí thư Đảng ủy của trường đã bảo lãnh cho tôi. Anh cam đoan rằng bố tôi còn sống, xưa nay chỉ làm và dạy học tư thôi, và đang làm kế toán cho một công ty ăn uống ở Hà Nội. Bác ruột mới là người bị giết, mà thực ra bác bị giết là bị oan và do thù cá nhân. Bác tôi không làm gì cho địch, sau này sự thể đã được giải oan đôi phần và làm rõ hơn khi tổ chức Đảng ở cơ quan về quê điều tra để xác định lí lịch kết nạp tôi. Tôi được học cứu thương nghĩa là học băng bó, khênh cáng “thương bệnh binh”, học tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm ven, học nguyên tắc tiêm hai nhanh một chậm: đâm kim nhanh và rút kim nhanh, bơm thuốc chậm cho khỏi đau và sốc. Thoạt đầu, chúng tôi tập đâm vào cây chuối, xiên góc 45 độ, mãi sau mới tiêm thật cho nhau ít thuốc bổ. Riêng tiêm mông thì chỉ kiến tập thôi, không ai dám cho tiêm vì dễ bị thọt! Bình thường tôi rất nhát, khi nào phải tiêm thì quay mặt đi chả dám nhìn, nhưng nay bắt buộc nên quen dần. Vậy là biết thêm một “nghề” nho nhỏ. Các bạn học quân sự có vẻ vui hơn, hào hứng hơn, oai hơn chả là vì sau khi học xong sẽ là sĩ quan dự bị (!)
          Lớp tôi đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, toàn những tay sừng sỏ về Toán, nên nhiều chú chàng có vẻ kiêu căng lắm. Lúc đầu tôi hoảng, nhưng sau bớt dần. Hay nhất là bạn Minh Quyết, khi lên bảng chữa bài tập Toán Logic thầy Hoàng Tụy dạy, bạn cứ gõ cành cạch lên bảng và bảo “dễ dàng ta thấy rằng…, rõ ràng là…., hiển nhiên là…” khiến bọn tôi buồn cười quá và chỉ lo thầy giáo bực mình. Nhưng chả sao cả, thầy hiền lắm, thầy làm Toán từ năm 1945 kia mà, chấp gì bọn ranh con tò te vào năm thứ nhất. Mới vào học nhưng môn Toán có hàng trăm bài tập lớn nhỏ mỗi ngày, chúng tôi làm suốt tối tới 12 giờ đêm không xuể, sáng ra phải dạy từ 3 giờ sáng để làm tiếp. Môn chính trị thì bọn tôi ngây người nghe thầy giảng, và sợ run lên vì bắt đầu vào giảng thầy đã giơ nắm đấm lao về phía một bạn ngồi đầu bàn, “Cha các anh…”, xong nắm đấm lại chĩa sang một bạn khác “Mẹ các anh,…” , rồi thầy hạ bớt giọng một chút “đã từng lầm than cực khổ vì…” đến đây bọn tôi mới thở phào nhẹ nhõm, buồn cười mà không dám cười nên mới càng buồn cười, thì ra thầy giáo giảng say sưa hào hùng quá đấy thôi.
               Ngoài giờ học, chúng tôi sinh hoạt tổ, văn nghệ văn gừng rất vui. Tôi nhớ mãi Minh Quang, một bạn miền Trung, ngượng ngùng bắt nhịp và dạy các bạn bài hát “Áo đây em may May yêu may quí Khăn này em thêu Thêu nhớ thêu thương” với cái giọng lơ lớ ngang phè phè, vậy mà cả tổ hát nghiêm chỉnh chả đứa nào cười cợt gì cả. Chăm chỉ học bài làm bài nhất vẫn là bọn con gái. Chi, Hiền và tôi hay chơi với nhau. Chúng tôi ở nội trú nhưng thi thoảng về nhà tôi (chợ Trời) chơi, nghe tiếng cái chuông đồng hồ cũ kêu phèng phèng lấy làm thích thú lắm. Chi hát hay, nàng có giọng ngân rung thật nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi và Hiền học hát theo và dần dà hay hát, thế là sau này ở khu sơ tán, tốp ca nữ lớp Toán chúng tôi trở thành nổi tiếng cả khoa.
               Học kỳ 1 năm thứ nhất chúng tôi sống trong ký túc xá Phúc xá. Trời lạnh mà tôi vẫn cứ tắm nước lã đều đều vào lúc 5 giờ sáng sau khi làm bài tập hai giờ liền trước đó. Sau đấy ăn sáng, thường là bánh mì không. Tôi hay mang ít lạc rang giã nhỏ từ nhà đến để rủ các bạn nữ chấm cho ngon. Rồi cả bọn đi bộ từ Phúc xá đến giảng đường 1 tại Lê Thánh Tông hoặc giảng đường 2 tại Hai Bà Trưng để học, trưa đi bộ về kí túc xá. Ngày ấy tôi gầy, cao và xanh, tết hai tóc đuôi sam dài quá gấu áo. Tôi ít nói, chỉ hay chuyện trò với Hiền và Chi. Kết thúc học kì đầu của năm thứ nhất, mọi môn thi của tôi đều đạt điểm 4 và 5, duy có môn Hình Giải tích bị 3 điểm. Đó là điểm 3 duy nhất trong bốn năm đại học. Sau kì thi này, tôi không sợ như lúc mới vào. Thái độ kiêu căng của các bạn giảm bớt nhiều. Học kỳ 2 chúng tôi chuyển vào ký túc xá Mễ Trì. Ở đây chúng tôi có các bữa ăn thường xuyên là bánh mỳ với súp khoai lang khoai tây xu hào cùng một ít sườn. Sao mà nó ngon thế, có lẽ vì chúng tôi đang tuổi lớn. Thi thoảng khi nhận năm cái bánh cho năm đứa con gái, tôi lại bẻ trước một vài đầu mẩu nếm trước (xấu tính thế đấy). Cho đến suốt cuộc đời sau này, chẳng có lúc nào tôi thấy bánh mỳ ngon như vậy!
           Lớp tôi nhiều bạn nam, nhưng hai người có tình cảm đặc biệt với tôi là Minh Quyết và Minh Quang. Quyết hơn tôi một tuổi. Bạn mến tôi và làm thân với tôi. Tôi quí bạn nhưng không dám thân nhiều vì tính bạn có phần yếu đuối, giống tôi. Quyết dễ xúc động và hay khóc. Quyết làm nhiều thơ tặng tôi, thích nhất là mấy câu:
“Như sao băng vệt sáng chói màn đêm,
Khác sao băng bạn sáng mãi đêm đêm.
Và hình ảnh đó sẽ là mãi mãi…”

            Tôi ngượng nhưng thấy hay lắm, cảm động lắm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, hai đứa hay xúc động như nhau và sống quá nhiều bằng tình cảm thì cũng mệt; nên tôi chỉ giữ quan hệ là bạn tốt của nhau, và Quyết rất tôn trọng tôi. Quyết quê Nam Định, nhưng bố bạn công tác ở Hà Nội nên cuối tuần bạn hay cùng về với tôi. Chúng tôi đã tin cậy, quí mến nhau, và rất ngây thơ. Tôi chẳng thể quên ngày sinh nhật năm ấy, Quyết tặng tôi một hộp 20 chiếc kẹo với các chủng loại khác nhau khiến tôi mê mẩn, ngắm nghía hoài và về sau ăn thấy ngon ơi là ngon. Kẹo này chắc bố bạn hay đi công tác nước ngoài mang về và bạn lén cho tôi đây.
              Người bạn nữa là Minh Quang (từ nay tôi xin được viết tắt là MQ), hơn tôi ba tuổi. Bạn là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, quê ngoại Nha Trang Khánh Hòa, quê nội Điện Bàn Quảng Nam. Bạn là người giúp đỡ tôi phấn đấu vào Đoàn. Nhưng bạn nhút nhát và rất ngại gặp gỡ nói chuyện với tôi. Ở trường học sinh miền Nam, MQ chỉ học với con trai, nên chẳng quen bạn gái bao giờ. Tôi thì thích bạn chẳng hiểu vì sao, nhưng tự ái rằng tôi là con gái, tôi không thể chủ động tỏ ra muốn thân thiết với bạn trai được, thế là tôi lạnh lùng luôn và bực bội khổ sở. Những lúc chúng tôi buộc phải nói chuyện với nhau sao mà gượng gạo. Nhiều hôm, lên sân thượng học, tôi cứ ngẩn ngơ mơ màng ngắm bầu trời xanh và mây trắng lượn lờ đẹp lạ, rồi buồn vơ vẩn và biết chắc rằng mình đang nghĩ đến MQ, với một loạt thắc mắc, vừa giận vừa thương.
                 Cuối năm thứ nhất, có đôi lần bạn đến nhà tôi chơi, chắc để tìm hiểu đối tượng kết nạp Đoàn. Me tôi khen bạn ngoan và hiền lành, nhưng sau khi hỏi ra biết bạn là người miền trong, me tôi tỏ ra khó chịu không thích bạn đến chơi nữa. Lúc ấy tôi chưa hiểu vậy là thế nào. Tôi chỉ đối xử bình thường, còn tỏ ra lạnh nhạt với MQ. Mãi sau này sang năm thứ ba, bạn mới ngỏ lời làm thân với tôi. Bạn bảo, bạn thích tôi từ năm thứ nhất nhưng không dám đặt quan hệ vì thấy tôi hay chơi với những bạn khác, sau rồi thực sự không thấy tôi thân với ai cả nên bạn mới nói thật lòng. Vậy là hai đứa đều thích nhau, nhưng sau mấy năm trời mới bộc lộ được tình cảm của mình. Chúng tôi đưa nhật ký cho nhau xem, thấy bạn nghĩ giống mình quá. Chúng tôi thân nhau, rồi chúng tôi yêu nhau, chúng tôi lấy nhau. Đó chính là người chồng yêu quí của tôi sau này. MQ tỏ tình với tôi hay lắm. Bạn bảo “Người ta bảo chúng mình yêu nhau, Thư thấy thế nào?” Tôi gật đầu. Thế là xong, chúng tôi nghĩ như người ta nghĩ mà.
           
Từ ngày yêu MQ, tôi cảm thấy cuộc sống đáng yêu hơn rất nhiều. Vì yêu bạn, tôi đã làm được thơ. Ngày trước, cố gắng bao nhiêu tôi chẳng làm nổi hai câu thơ lục bát dù là chỉ gieo vần gượng gạo. Thế mà về sau tôi làm thơ hoài, thơ tặng bạn, thơ tặng mọi người. Thơ tôi chẳng hay nhưng làm thật dễ dàng và nhanh lạ.
               Tôi sẽ hồi tưởng về tình yêu của mình nhưng trước tiên phải nhớ về cuộc đời sinh viên nơi sơ tán đã, bắt đầu từ năm thứ hai. Chúng tôi đi tàu hỏa lên Thái Nguyên, đi ô tô từ Thái nguyên về Đại Từ rồi đi bộ tiếp đến khu sơ tán. Tôi nhớ mãi khi “hành quân” vào một đêm trăng sáng, qua cầu treo, Thiều, một bạn nam rất vui tính, tếu táo, đứng dạng hai chân và lắc người thật mạnh để cầu bị rung chuyển nhằm trêu bọn nữ nhút nhát. Chúng tôi kêu ầm lên, hắn và bọn nam cười khanh khách. Tôi thấy buồn cười, nhưng hơi sợ. Về sau, tôi tiếc, sao mình không bắt chước dạng chân và lắc theo cho hắn tịt trêu đi. Khi mới lên, chúng tôi ở nhờ tạm nhà dân. Bọn nữ có năm người chia làm hai nhà, và thường qua lại nhau luôn. Chị chủ nhà tôi có chồng là bộ đội xa nhà. Chị còn rất trẻ, chỉ chừng 18, 20, không hơn chúng tôi bao nhiêu tuổi nên dễ sống hòa đồng và thông cảm. Chị thích nghe Chi hát lắm. Chị chủ nhà nhà bên thì hiền lành chất phác, hay cho chúng tôi ăn ké chén cơm gạo mới với cá tép kho tương thật nhừ. Các chị nghèo nhưng rất tốt bụng. Tôi có biết một số việc nhà nông nên ra sức giúp dân khi thì giã gạo, lúc xay lúa, luôn tay quét nhà trên nền đất không mấy bằng phẳng. Các bạn gái lên đây bị ghẻ kềnh càng và rất ngạc nhiên tôi không sao cả.
              Chúng tôi ở nhờ dân thời gian ngắn rồi chuyển ra ở riêng, nghĩa là phải tự cất nhà bên sườn đồi. Nam lớp tôi nhiều bạn giỏi và khéo tay lắm, nhất là các bạn quê ở Nghệ An. Vì phải tự làm nhà, nên tôi có dịp học hỏi các bạn để thử sức nào là làm tấm gianh lợp, trộn rơm với bùn trát vách (nhà tranh vách đất mà!), biết thế nào là rui, là mè. Các bạn còn tự đóng những chiếc giường gỗ xinh xắn. Bọn nữ chẳng đóng được giường, nhưng đi rừng kiếm gỗ mang về nhờ các bạn nam đóng cho. Nhà nữ năm người kê năm cái giường. Mùa hè thì ngủ riêng, nhưng mùa đông tôi với Hiền luôn ngủ chật chội trong một chiếc giường cho ấm. Mỗi đứa có một chăn chiên, bỏ ra đắp chung một chiếc, cái còn lại rải ra làm đệm. Có câu “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế” vậy mà chúng tôi đương đầu với cái rét Thái nguyên bằng tấm chăn chiên như thế đó.
              Lớp học chúng tôi cũng tự làm lấy bằng tranh tre nứa lá, về sau quanh lớp còn đào hầm trú ẩn để tránh máy bay địch, bởi vì tình hình phòng không khu sơ tán ngày càng căng thẳng. Đã có vùng nếm mùi bom, may chưa phải lớp tôi, nhưng chúng tôi đã được thấy thùng xăng thả, được nhìn máy bay rơi xa xa, được sôi sục đắm mình trong cảm giác phẫn uất và vui sướng, nghe bạn mình kể được đả đảo và mục kích tận mắt phi công Mỹ. Rồi một tối trung thu khi trăng lên đẹp lắm, tôi và Hiền đi chợ phiên vừa về, làm cả hai việc một lúc là bày cỗ và phá cỗ, thì đột nhiên có một máy bay địch xoẹt qua ngay gần mái nhà, tiếp đó là ba tiếng nổ to đồng thời chớp lóe sáng, đến mức tôi vội nhìn vào trang  truyện “Nền giáo dục sai lầm” đang đọc dở còn xem được ... ít dòng! Tới một giờ sáng, chúng tôi được lệnh tập trung bất ngờ trong khoảng 15 phút, rồi về nhà ngủ, 5 giờ sáng hôm sau vào rừng với đầy đủ hành lí cần thiết, kể cả cơm không thì nguy mất. Rồi suốt ngày hôm ấy, chúng tôi “đóng quân” trên nương sắn của khoa Lý, chẳng biết làm gì cho hết giờ. Trời nắng lắm, người vô cùng mệt mỏi nhưng không đứa nào ngủ được cả. Tới chiều chúng tôi mới được lệnh đẵn một ít gỗ nhỏ mang về, để buổi tối làm thêm hầm và nắp ngay. Mấy ngày sau đó, sáng sớm và chiều tối, cứ đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống thì tuyệt lắm, vẫn là những cảnh đẹp nên thơ của núi rừng, nhưng giờ đây có thêm điều lạ là từ khắp các ngả, từng đoàn người xếp hàng một với đủ thứ lủng củng tiến vào rừng hoặc từ rừng đi ra.
              Về sau tôi mới được biết, địch đã chụp ảnh toàn bộ khu vực đóng quân của trường chúng tôi dọc suốt theo dãy núi. Trước  đó hai ngày, ta bắn được một máy bay, bắt tên phi công mang theo tấm bản đồ trong đó có kế hoạch oanh tạc Kí Phú và Văn Yên, nên tình hình mới khẩn cấp, phải vào rừng là thế. Nếu không có kì tích này thì khu sơ tán chúng tôi đã bị oanh tạc rồi. Kể cũng hú vía.
            
Vào thời gian này, một nhà toán học Pháp đã sang báo cáo công trình nghiên cứu khoa học tại nơi sơ tán của Đại học Tổng Hợp, chính là lên khoa Toán chúng tôi với ý nghĩa là để hưởng ứng phong trào thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, với nội dung:"Hàm ảo với vấn đề nước thấm dưới đáy công trình". Ngày ấy, chúng tôi mới sang năm thứ hai, chưa biết gì mấy, chứ nhớ lại, tôi thấy mấy anh lớp trên quan tâm lắm, đi nghe báo cáo thật say sưa. Có anh vừa nghe báo cáo khoa học ban ngày, lại vừa viết thư cho tôi với lời mở đầu thật mơ mộng:
”Anh viết thư này giữa ánh khuya
Cỏ cây yên ngủ gió xa về
Anh nhìn mây lướt hồn hiu nhẹ
Như bóng vườn trưa xanh tiếng ve…”
khiến tôi đọc mà tim cũng đập thình thịch, mặc dù chẳng có chuyện gì. Anh ấy là anh của bạn tôi, biết tôi từ ngày còn học cấp ba, nay có dịp lên khu sơ tán nghĩ về tôi hơi xao động một tí thôi, còn tôi thì nhớ bốn câu thơ này nên nhớ sự kiện đặc biệt trên, đúng là trẻ con thật.

              Tôi đã nhắc đến chuyện làm hầm để phòng địch oanh tạc, nhưng không chỉ có thế, mỗi đứa tụi tôi phải đan một cái mũ rơm đội trên đầu. Tôi không biết làm nên phải nhờ bạn nam Nghệ An khéo tay làm hộ, xong còn đòi đổi mũ nọ mũ kia cho đẹp hơn xinh hơn hi hi. Không những thế, nếu ra đường, lên lớp học mà lại mặc áo trắng thì dứt khoát phải choàng một cái khăn vải dù, hay vải màn nhuộm màu cỏ úa hoặc xanh lá cây. Thành ra, cũng ít bạn diện áo trắng lắm.
            Chúng tôi đào giếng ngay gần nhà ở, chỉ sâu chừng một mét là nước đã suốt ngày tràn ra lênh láng trong vắt. Mùa hè nước rất mát, mùa đông nước âm ấm nhưng múc lên mang vào nhà tắm thì khó chịu nổi vì trời lạnh khủng khiếp. Mỗi lần tắm gội đầu, chúng tôi cứ run rên hừ hừ rồi phá lên cười cho nóng ấm người một chút, vậy mà phải quen dần. Hai năm đầu, chúng tôi học cơ bản, chưa phân chuyên ban, vì thế cả lớp vẫn cùng ăn cùng ở cùng học vui lắm.
              Cuộc sống nơi sơ tán thật vất vả thiếu thốn nhưng chúng tôi không phải đi học xa, cứ quanh quẩn nhà đây lớp đấy mà sinh hoạt, học tập rồi vui đùa tán chuyện, hầu như không bao giờ buồn. Chúng tôi học, chúng tôi vui, nhưng chúng tôi đói và đói triền miên. MQ sau này luôn nhắc lại với một vẻ rất khôi hài “kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời sinh viên là ĐÓI
”. Quả là đói thật, đói ghê gớm. Chúng tôi đang tuổi mới lớn, ngoài giờ học phải đi lấy củi, lấy nứa trong rừng, mà ngày chỉ có hai bữa cơm tập thể mỗi đứa không xới nổi hai lưng cơm gạo mốc, hoặc nắm bột mỳ hôi rình, luộc lên rắn đinh, “ném chó chó chết”. Nhưng nói vậy thôi có ai dám ném chó đâu khi mà cái dạ dày suốt ngày sôi lên đòi ăn. Thức ăn thì hơn 100 người chỉ được một chảo canh gồm năm củ xu hào băm nhỏ và một con vịt đàn không tới một kg chặt ra nấu lõng bõng. Ô mà đó là bữa cải thiện đấy nhé. Còn bình thường thì ăn cơm với một ít dưa muối dăm ba miếng đậu phụ kho “trắng xam xám”. Bát ăn cơm thì còn giữ được, nhưng đũa hay thiếu lắm. Thế là chúng tôi chạy quanh đâu đó có cành trúc bẻ ngay mấy đoạn nhỏ, lá vẫn còn rung rung đầu cành, dùng làm đũa, đứa nào cũng buồn cười nhưng cứ ăn đại đi. Làm như vậy có vẻ luộm thuộm đại tiện, nhưng nếu học theo các thầy, mỗi người tự thủ một cái thìa trong túi quần, thì lại bị trở ngại khác, đấy là thầy đang giảng bài, thế quái nào cái thìa lại rơi cạch xuống đất khiến tất cả đều ngẩn người và thầy tái đỏ cả mặt. (Em nhớ lại tình tiết vui vui này, nếu có bạn đọc nào là thầy ngày ấy thì mong thầy đừng giận ạ). Chúng tôi rất chịu khó cải tiến, bữa nào phải ăn mì thì không ăn bột mì luộc nữa mà dùng bột nở làm bánh bao hấp lên. Nhưng tội nghiệp lắm, bọn nam háu đói giờ nghỉ lúc 10 giờ sáng đã rủ nhau xuống bếp, mỗi cậu làm một xuất bánh bao rồi. Khi tan học 12 giờ trưa, chỉ còn năm cái bánh bao để phần bọn con gái. Các cu cậu đành về với cái bụng đói cồn cào. Vì quá thiếu chất và “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”, nên có một lần, trong phiên nấu cơm, chúng đã kiếm được một ổ chuột bao tử, cho vào làm nhân bánh bao mỗi bánh một chuột. Chúng đánh dấu để chỉ có một mâm được ăn "của quí" đó thôi. Bọn con gái chỉ mới nghe kể đã run bắn lên rồi. Mặc dầu tuổi chuột, nhưng riêng tôi, tôi sợ chuột lắm lắm, thấy chuột là trống ngực tôi cứ đập liên hồi và ngực dường như muốn nổ tung. Trời ơi! sao mà bọn con trai dũng cảm và nghịch ngợm đến vậy?
             Học nhiều đói lắm nên tối tối mọi người rủ nhau vào nhà dân mua sắn về luộc. Mấy chậu thau các bạn gái chuyên dùng cả cho rửa mặt cả cho giặt kinh nguyệt được đánh bạo mang ra để rửa sắn. Ôi mấy cái thằng phong kiến dở mùa chuyên tỏ vẻ kinh tởm lũ con gái ở bẩn, nhưng khốn thay cứ phải đùn nhau sang mựợn chậu thau về, thôi thì nhắm mắt bước qua chỗ lội. Thì ra ăn vẫn là muôn năm! Nói vậy thôi, chúng tôi không nỡ ghét các bạn ấy đâu, thấy thương là nhiều. Tôi còn thương bọn con trai hơn khi có một lần, vì đói quá, chúng rủ nhau đào trộm sắn của dân đem về luộc, rồi bị bắt quả tang, bị chi đoàn bắt làm kiểm điểm. MQ thì phản ứng dữ lắm, có lẽ phần vì bản tính thật thà ghét sự gian dối, phần vì làm công tác Đoàn, nên MQ phải làm cho ra chuyện. Tôi thì chỉ im lặng, im lặng và thương các bạn quá chừng.
             Con gái dù sao còn chịu khó hơn con trai. Ngoài sắn, lâu lâu chúng tôi mang xảo đi xin hái rau lang của dân. Cứ từng xảo đầy, chúng tôi luộc lên chấm với muối mà sao ngon thế, cái vị hăng hăng của nó khi quen rồi thì thấy rất thích, đến nỗi về sau khi trở lại Hà Nội và đúng ra là trong cả cuộc đời tiếp theo bất cứ lúc nào tôi đều thích ăn vã những đĩa rau khoai lang đầy, ăn say sưa ăn mê mải như chưa bao giờ được ăn vậy. Hơn thế nữa, chúng tôi còn ra suối hái rau má về ăn sống. Rau má lá thật to, to hơn rau má dưới xuôi nhiều, xanh mướt và sạch lắm. Chúng mọc trên bãi đá cuội đâu cần đất nhiều. Sắn phần nhiều dùng để luộc hoặc nướng, nhưng có hôm chúng tôi còn chế biến một món hấp dẫn khác. Ái Thơ là người chị thật đảm đang. Chị gọt rửa sắn cắt thành từng miếng nhỏ nấu canh. Chị lấy tí muối và một chút mì chính từ Hà Nội gửi lên, ra mảnh đất nhỏ cạnh nhà hái một nắm rau mùi do chị tự trồng, đem nấu. Ba gia vị thần tiên ấy bỏ vào làm cho nồi canh sắn đậm đà và dậy mùi thơm phức thật khó tả. Năm cái dạ dầy nhỏ thi nhau tiết dịch cứ việc ngốn ngấu nồi canh cho đã, chủ nhân của chúng chẳng còn nhớ đến bao nhiêu bài tập toán đang chờ.
             Một đêm đông lạnh buốt thấu xương, năm đứa đốt lửa bằng cây và cành củi khô lớn, đặt cong queo giữa nhà. Chi nằm một giường, Vân nằm một giường. Tôi và Hiền nằm chung một giường. Hai đứa ghép hai cái chăn chiên cùng đắp, nhưng cứ phải rung nhảy người lên miệng rên hừ hừ vì rét quá. Chị Thơ lụi hụi đi nấu canh sắn. Nồi canh đặt ngay trên đống củi đang đốt. Đúng lúc có thể bắc nó ra thì chị vì mắt kém-cận thị và loạn thị nặng-nên đã làm đổ ụp xuống đống lửa. Không thể cứu vãn được rồi, năm đôi mắt ngơ ngác và buồn thảm nhìn nhau. Tôi và Hiền không nhảy trên giường nữa. Chúng tôi im lặng nằm đến khi trời sáng, tự trách mình vì đói quá và lười, cậy mình nhỏ tuổi, chẳng giúp gì cho chị, chỉ nằm chờ ăn thôi nên Trời mới phạt thế.
             Có khi đói ăn, mà phải vào rừng lấy củi lấy nứa, chúng tôi thường đi cùng các bạn nam, để có thể nhờ các bạn giúp chút chút và nhất là ăn ké các thức ăn mà chỉ có con trai mới tìm ra được, như đào sắn trong rừng rồi nướng lên, trèo lên cây dọc hái quả chín xuống. Rừng Thái nguyên chỗ chúng tôi ở có hai loại cây dọc, một là dọc chua, quả dọc thường dùng để đánh dấm canh chua như dưới xuôi vẫn làm; hai là dọc ngọt, quả của nó bé hơn loại chua, chỉ to bằng hoặc hơn một tí so với quả bóng bàn. Nhưng khi chín nó ngọt lự, với chút xíu vị chua không đáng kể. Có một lần, bạn Nguyễn Lưu, trèo lên hái dọc ngọt, nhiều và nhiều lắm. Tôi cứ ăn hoài. Bỗng nhiên, tôi tự nhủ phải đếm xem mình ăn bao nhiêu quả. Tôi đếm đến 50 rồi dừng lại. Thì ra khả năng ăn của tôi thật đáng sợ. Tôi đã ăn hơn 50 quả liền một lúc, không thể nhớ đích xác trước lúc đếm tôi đã ăn bao nhiêu quả rồi. Ngày hôm sau, nói ra thật xấu hổ, tôi đi ngoài ra toàn dọc, không thối, chỉ xực lên mùi chua ngọt của nó thôi!
            Chúng tôi sơ tán gần hai năm thì có thể tự trồng sắn trên đồi chứ không phải mua của dân nữa. Đồi thường trọc hoặc chỉ có những cây nhỏ. Chúng tôi phát quang đi, để khô rồi đốt. Sau đó, vào một ngày đẹp trời, chúng tôi đi trồng sắn. Một nhóm chặt các cây sắn thành nhiều đoạn chừng 12-15 cm, gọi là chuẩn bị hom sắn. Hai nhóm khác đứng thành hai hàng ngang, cứ tên đằng trước cuốc một nhát lên thì tên đằng sau bỏ vào đấy vài hom sắn rồi vùi đất. Chỉ có vậy mà sáu tháng sau có thể đi dỡ sắn đem về luộc ăn thơm phức. Củ sắn chỉ nho nhỏ dài dài nhưng ngon lắm, ở Hà Nội không bao giờ được ăn sắn ngon thế. Nếu ăn không hết, để sắn trong lòng đất một hoặc hai năm mới dỡ thì củ rất to nhưng không ngon. Từ khi chúng tôi tự trồng sắn chẳng bao giờ có chuyện bạn nào đào trộm sắn của dân nữa. 
             Đó là chuyện ăn. Còn mặc thì sao? Ở khu sơ tán những năm ấy tôi trạc tuổi 16, 17 nghĩa là cái tuổi mới lớn của người con gái, vậy mà tôi chỉ có một sơ mi lụa trắng kẻ sọc nhỏ xanh là áo đẹp nhất do chị Hiền Thục tặng vải ngày cưới của chị. Thi thoảng tôi mặc thì cùng lúc phải quàng lên tấm vải dù xanh sẫm tránh máy bay địch tuần tiễu. Tôi thường mặc áo cà tàng xam xám, quần đen cắt kiểu “chân què” do me tôi thải ra chữa lại (kiểu quần can đũng thật rộng, chứ không bó sát mông như thời nay). Mỗi lần lên bảng chữa bài tập, tôi cứ nghênh ngang cái áo cái quần như thế, mà chẳng biết các bạn có cười không. Đã thế, mấy cái quần lót thì to và rách vá chằng vá đụp, cũng là của me tôi cho (!) Ngày ấy tôi gầy lắm vậy mà cứ mặc chúng dài lòng thòng bên trong, nhưng thôi có ai biết đâu mà sợ?
              Ăn đói, mặc rách, nhưng chúng tôi lao động thật cừ, có lẽ vì đang tuổi lớn nên sung sức. Chúng tôi thường phải vào rừng đốn củi mang về đóng góp cho khoa để nấu ăn tập thể. Mỗi đứa vào rừng đem theo một con dao khoắm. Đường rừng chỉ có những lối mòn nhỏ, cứ lần bước đi lên rồi đi xuống. Những hôm mưa dầm đường trơn lắm, mấy đầu ngón chân phải bấm chặt kẻo ngã. Rừng bạt ngàn, hoa, chủ yếu màu trắng, chắc là hoa Ban - nở rộ xen trong các lùm cây. Chỉ thi thoảng gặp bụi chuối rừng mới thấy tận mắt cảnh “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi, Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” mà xưa kia chỉ học qua sách vở. Chúng tôi chặt các khúc gỗ nhỏ hoặc cành cây, chẻ dọc ra rồi lấy dây rừng bó lại. Đòn gánh là một đoạn gỗ tròn lẳn. Mỗi gánh củi nặng chừng 45-50 kg, vậy mà chúng tôi, gái như trai đều dẻo dai leo dốc gánh về. Có những đoạn dốc mà chắc chắn con nhà Toán chúng tôi không thể ước lượng nhầm, dốc 45 độ, trèo lên tưởng đứt hơi, vậy mà chúng tôi vừa thở vừa mỉm cười chứ đâu cười to được, để khi hết dốc, lên tới đỉnh đồi thì ai nấy quẳng gánh củi ra nằm lăn trên bãi cỏ, cười vang sung sướng rồi sau đó thi nhau hát với niềm vui ngập tràn hạnh phúc. Chỉ tiếc là những đoạn đi rừng này, tôi không có MQ ở bên vì ngày đó MQ rất yếu, bệnh nhiều và được miễn lao động!
             Có một lần, chúng tôi phải đi lấy nứa. Rừng nứa ở sâu lắm không như rừng lấy củi. Từ nhà đến rừng hơn 8 cây số. Mà rừng nứa thì thật nhiều vắt. Những con vắt đói chỉ bé tí, nhưng hút máu người xong chúng thành to mọng lắm. Chúng tôi lên đường vào rừng từ sáng sớm, trời mưa lâm thâm, mỗi đứa chỉ được ăn vài mẩu sắn luộc. Chưa làm gì đã thấy đói rồi. Nhưng mọi người đều lo lấy nứa cho xong. Muốn có nứa to dài thì vào rừng nứa sâu bên trong, nếu chỉ dừng ở bên ngoài mà chặt thì nứa bé lắm ngắn lắm. Ai nấy đều tự giác và tự nhủ rằng mình phải chặt được bó nứa to bằng hoặc hơn của bạn (ôi cái ganh đua mới thật đáng yêu làm sao!) Tôi chặt nứa cùng các bạn nam, Chi, và chị Thơ nữa. Chúng tôi mới chỉ dừng chân bên khóm nứa thì đã nhìn thấy từ bốn phía đàn vắt đánh hơi lao đến, chúng nhỏ nhưng nhiều quá nên thấy khiếp. Tuy vậy, sợ vẫn phải làm, chặt cho nhanh và quên đi, nếu cứ đứng mà nhìn chúng, lo chúng hút máu thì còn làm gì được nữa. Lần đầu tiên trong đời và là lần cuối cùng chăng, chúng tôi chặt và bó mang về những cây nứa to dài  kỳ lạ, mỗi bó chừng 40 cây. Xong xuôi, nhìn xuống đôi chân thì toàn vắt bám đầy. Mỗi đứa tự lấy dao gạt xuôi một lượt thế là máu chảy ra từ các nốt vắt, còn vắt thì con nào con nấy mập căng, nghĩ lại mà rùng mình. Quay sang nhìn thành quả thì eo ơi, bó nứa to quá, làm sao mà đôi vai bé nhỏ có thể lăn qua lăn lại vác nó về trên quãng đường dài 8 cây số bây giờ? Tôi không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ tự nhủ phải đi nhanh cho thuộc loạt đầu tiên mới được. Tôi đi, gần như chạy, bám riết bước chân của Kháng, cậu bạn người Nghệ An khéo tay, khỏe mạnh và dẻo dai có tiếng. Kháng không chịu dừng nghỉ tí nào. Tôi bám theo bạn, chỉ nhìn theo bước chân của bạn, không dám cười, mồ hôi chảy ròng, mặt đỏ như gấc. Mưa tạnh rồi lại nắng, nắng gắt. May hôm ấy, tôi không bị chóng mặt. Kết quả là chỉ có tôi và Kháng, hai đứa về chỗ tập kết nứa đầu tiên. Chúng tôi nghỉ ngơi uống nước rồi đợi mãi phải gần hai giờ sau, các bạn mới lác đác bò về. Đương nhiên mấy hôm sau, người tôi đau như dần, nhưng không sao cả. Cho đến tận bây giờ, chính tôi không thể hiểu được, ngày đó sức mạnh nào đã đến kỳ lạ vậy.May chăng chỉ có thể lờ mờ đoán rằng, mình đã được rèn luyện lao động từ bé?
           

            Ở nơi sơ tán, thiếu thốn và nghèo nhưng chúng tôi sống thoải mái. Đứa nào còn tiền thì góp vào mua sắn của dân, thi thoảng mua vịt về mới sang chứ. Vịt không bán theo cân, cứ đến chỉ vào một con trong đàn vịt để chủ bắt ra, mỗi con 1,5 đồng. Có lần chẳng ai còn tiền, đến cả thuốc đánh răng hết mà không mua được. Mọi người phải chui vào gầm giường, lục lọi sách vở may ra xem có rơi đồng hào đồng xu nào không gom lại mua một ống thuốc đánh răng chung. Khổ nhưng vui lắm, bụng đói mà lại thích hát. Lớp học nơi sơ tán do chúng tôi tự làm thật đơn sơ giản dị, có bục giảng bằng đất, có đủ bàn ghế thầy và trò ngồi, khi có máy bay địch thì chạy tản vào hầm trú ẩn ở xung quanh. Cứ đầu buổi sáng, chúng tôi hát đủ bài, đặc biệt nếu thấy thầy Cát Hồ (chúng tôi gọi là “thầy Hồ quay tay” vì lúc nào giảng bí thầy lại quay quay tay để diễn đạt) đi từ xa, Nguyễn Lưu bắt nhịp ngay cho chúng tôi hát trường ca Sông Lô hoặc Du kích Sông Thao, bét ra ba bè, nghĩa là những bài rất dài để thầy phải chờ không vào lớp được. Chả là chúng tôi thích hát hơn là thích nghe thầy giảng (láo thế đấy). Thầy thì nể chúng tôi đang hát say sưa và hát hay nên không vào mặc dù muộn giờ rồi, cứ phải đợi chúng nó hát xong đã.
             Đấy là trong lớp. Ngoài lớp, chúng tôi tập nhiều tiết mục để biểu diễn văn nghệ trong khoa. Hợp ca nam nữ, tốp ca nam, tốp ca nữ của lớp Toán chúng tôi nổi tiếng và được khen. Chúng tôi tự thấy mình hát hay hẳn hoi, chứ không phải chỉ hay hát. Nguyễn Lưu rất cao và Thiều rất thấp thường khoác vai nhau vừa đi quanh sườn đồi vừa hát mỗi buổi chiều. Giọng từng người vốn không thật xuất sắc, nhưng hát đúng nhạc và đầy tình cảm, lại hòa hợp nhau nữa nên nghe hay lắm. Bao năm qua rồi mà tôi vẫn tưởng như đang nghe họ hát đâu đây, và nhớ bạn đến nao lòng (Thiều đã mất hơn chục năm nay rồi).Vào năm cuối, trong khi Lưu bận, bạn Vĩnh - học sinh miền Nam, đã thay Lưu luyện cho chúng tôi hát. Xưa nay, Vĩnh không quen bọn con gái, còn ghét nữa là khác chẳng hiểu tại sao. Mỗi lần trông thấy bạn nữ là Vĩnh nhổ nước bọt, và không bao giờ nóí chuyện. Chỉ từ khi cho tập hát, Vĩnh buộc lòng phải nói với tụi tôi. Vĩnh hát hay và hát khỏe, rất nhiệt tình nữa. Sau này qua mấy chục năm gặp lại. tôi nhắc mãi chuyện đó trêu Vĩnh. Bạn đã có vợ, có con, có cháu đàng hoàng và là Giám đốc một Sở Giáo dục ở miền Trung, nay đã nghỉ hưu.
            Xa nhà, thi thoảng tôi viết thư về thăm bố tôi. Cái phong bì chả có, tôi dán phong bì bằng giấy vở nháp, rồi dán trùm lên chính giữa một mảnh giấy trắng chữ nhật và đề địa chỉ gửi thư. Chả hiểu sao các bạn lại biết. Họ nhận xét rằng,tôi đã không tôn trọng người thân của mình, nên mới làm phong bì tiết kiệm kiểu đó, và không chịu thông qua kết nạp tôi vào Đoàn (!) Sau này tôi biết, mới ra sức thanh minh cho lòng dạ tình cảm trong sáng của mình, rằng chẳng qua là thiếu thốn nên  làm vậy thôi chứ không có ý gì với bố - người đã cùng với mẹ sinh ra mình và cùng với me nuôi dưỡng mình khôn lớn. Cuối cùng, tôi được vào Đoàn, ngày 21 tháng 2 năm 1966.
             
         
Nhớ về sinh hoạt học tập lao động vui nhộn ở nơi sơ tán, dĩ nhiên không thể quên tình yêu của tôi và MQ. Sau khi làm thân, kết thân với nhau, và thừa nhận yêu nhau, chúng tôi hay cùng học thi, rủ nhau đào sắn trên rừng, hái sim trên đồi, đồi cao và xa xa lắm. Tối nào sáng trăng là hai đứa thường hẹn hò nhau leo lên đồi ngay gần chỗ ở, đồi đầy hoa mua tim tím, chọn một chỗ tương đối bằng phẳng. Chúng tôi ôm nhau không biết chán, và hồi hộp nhìn nhau dưới ánh trăng hiền dịu của núi đồi mênh mông, bình lặng. Tóc tôi hồi đó rất dài và dày, tôi gội đầu bồ kết và chanh nên mượt óng. Tôi tựa vào vai MQ mơ màng nhưng MQ thích bế hẳn tôi vào lòng để bạn hôn cơ. Thi thoảng, buổi tối, hai đứa còn lẻn ra ngay sau nhà (là rừng, là đồi sim rồi) để ngồi bên nhau. Chuyện thì chả có gì nhiều, chỉ hôn và đặt tay lên bộ ngực tươi trẻ của bạn gái là MQ giỏi thôi.
                H
àng tháng, tôi được học bổng 17 đồng. Chị Hiền Thục gửi thêm cho tôi 10 đồng nữa. Tiền ăn nộp 18 đồng, còn lại tôi chi dùng cho sách vở, đồ dùng lặt vặt, xà phòng khăn mặt…tạm đủ.
MQ được học bổng 32 đồng,loại cao nhất. Chàng luôn lo lắng thương sót người yêu ít tiền, thi thoảng dúi năm đồng kẹp vào quyển vở trong có cả lá thư tỏ tình hoặc bài thơ gì đó đưa cho tôi. Tôi cảm động vì tấm lòng và sự quan tâm ấy nhưng tôi chỉ nhận thư và trả lại tiền. Tôi ý thức rất rõ là mình không được phụ thuộc và “lợi dụng vật chất” đối với người yêu.
              MQ yêu tôi, bị phân tán tư tưởng nên thi thường bị điểm xoàng xĩnh. Mỗi lần ôn thi, hai đứa lại ra bờ suối truy bài. Tôi luôn tự nhủ phải tập trung học để điểm thi cao hơn khi chưa yêu, như thế không ai nói gì mình được, và tôi đã toại nguyện. Nhưng MQ thì chịu chết, quanh quẩn ngắm nhìn người yêu rồi tuôn ra mấy vần thơ hơn thơ "con cóc" một ít thì không sao học được. Có truy bài thì đến lượt mình, MQ trình bày chẳng ra sao cả. Ngồi học trên lớp, tôi ngồi bàn trên, MQ ngồi bàn dưới. Bằng mọi cách, MQ loay hoay phải chạm tay vào lưng tôi mới yên, thế thì nghe giảng gì chứ? Tôi thích MQ làm thế nhưng sợ bạn bè trông thấy nên lòng dạ thấp thỏm, nghe thầy cũng câu được câu chăng. Về phần mình, từ khi yêu bạn, tôi trở nên dịu dàng hơn, nữ tính hơn. Tôi vá quần áo cho bạn theo kiểu mạng rất tỉ mỉ. Mọi khi tôi khâu vá quần áo của tôi thì mũi chỉ thật to, to y như các mũi khâu của me tôi phô ra trong mấy cái quần si líp của tôi vậy. Bây giờ thì khác, tôi khâu mũi ngắn và cố đều thẳng hàng thẳng lối. Tôi sợ bị bạn chê cười vì miếng vá xấu xí vụng về. Thế mà đâm ra hay! Mỗi lần vá quần áo cho bạn, má tôi lại ửng hồng, phần vì trời mùa đông rét mướt mải tập trung nên máu dồn lên mặt, phần vì ngượng ngùng xấu hổ khi biết bạn đang nhìn tôi chăm chú nếu không nói là chằm chặp, vì bất chợt mỗi khi tôi nhìn trộm bạn đều bắt gặp ánh mắt thật đặc biệt. MQ có đôi mắt to đen và trong sáng, bình thường thì đó là đôi mắt ngây thơ, nhưng khi yêu rồi thì đó là đôi mắt hiền dịu mà tươi vui đầy sức sống, chứa chan hy vọng và nồng nàn say đắm của một chàng trai mới lớn trong tình yêu đầu tiên.
            Suốt mấy năm học sơ tán, mặc dù sống thiếu thốn vất vả nhưng tôi vẫn lớn lên, khỏe mạnh và học giỏi hơn, điểm thi cao ngất ngưởng ít nhất là hơn hẳn MQ. Nhưng thực chất, tôi nghĩ MQ học chắc hơn tôi, sâu sắc hơn tôi. Tôi chỉ nhanh nhanh thôi, mà hời hợt. Môn vật lí cũng vậy, tôi học ào ào nhưng có bao giờ mắc được mạch điện nào đâu, cũng chả giải thích được bao nhiêu hiện tượng trong thực tế. Từ năm thứ ba, chúng tôi phân ban. Tôi ở ban Phương pháp tính, còn MQ ở  ban Vận trù học. Khi làm luận văn tốt nghiệp, MQ về Hà Nội, còn tôi vẫn ở khu sơ tán. Thầy Phan Văn Hạp hướng dẫn tôi cả khóa luận năm thứ ba và luận án tốt nghiệp năm thứ tư. Luận án của tôi có nội dung giải gần đúng một phương trình đạo hàm riêng, mà muốn dùng phương pháp giải xấp xỉ (đưa về hệ phương trình tuyến tính) thì trước hết phải tìm ra một hàm số là nhân của phương trình tích phân, nếu không tìm ra thì chẳng thể viết được tí gì cho luận văn cả. Tôi đã làm việc đó trong một tâm trạng hết sức lo âu. Tôi vừa nhớ bạn ở xa, vừa lo nghĩ ra cái hàm số chết tiệt đó. Hàng ngày tôi dạo một mình lang thang qua các quả đồi đầy hoa sim và hoa mua tím đỏ rực rỡ, mà lòng buồn vô hạn. Nhìn chung quanh, và cả MQ nữa qua thư từ, mọi người đang viết mỗi ngày một ít trang, trong khi luận văn của mình trắng tinh tôi sốt ruột lắm. Nhưng rồi chắc Trời thương, nên bỗng nhiên sau bẩy ngày trắc trở, một hàm số vụt đến với tôi khá đơn giản. Tôi thử một số Test thấy phù hợp, thế là tôi thực sự bắt tay vào công trình đầy lý sự và những con tính. Tôi mải mê đọc tài liệu tham khảo, rồi viết luận văn một mạch trong một tuần nữa là xong. Thế là tôi lại được chơi, trong khi các bạn vẫn loay hoay viết. Thật là hú vía. Kết quả vui lắm, khi ra hội đồng bảo vệ, tôi được điểm 5 tròn trĩnh, điểm cao tuyệt đối thời bấy giờ, mặc dù có hai thầy trong hội đồng "vặn" tôi đủ thứ. MQ làm luận văn ở Hà Nội, ngày ngày gửi thư lên cho tôi. Tôi nhớ bạn quá mà chẳng làm thế nào được. Luận văn thì làm xong rồi. Tôi cứ đi chơi tha thẩn một mình, tôi có ngồi viết thư cho bạn nhưng làm sao hết được thời gian.
             Nhanh quá mất thôi, một năm học ở Hà Nội với ba năm sơ tán vụt trôi đi. Chúng tôi thi tốt nghiệp, bảo vệ luận văn, rồi ra trường, ngày
20/8/1968.
. Ai về quê người ấy. Riêng hai chúng tôi ở lại núi rừng Thái Nguyên một đêm rồi hôm sau mới về Hà Nội. Đêm ấy, chúng tôi nằm bên nhau trên cùng một giường, trong cùng một phòng. Chẳng có ai khác cả. Chỉ có tiếng côn trùng, và tiếng xào xạc của lá. Chúng tôi yêu nhau nhưng không đi quá giới hạn. Sau này, chồng tôi bảo anh tiếc quá sao đêm ấy không “mạnh dạn” lên. Tôi thì cười và bảo nếu anh có gì mạnh dạn quá là tôi sẽ bỏ anh ngay, tôi không chấp nhận “ăn cơm trước kẻng” như một số người hay mắc. “ Nam nữ thụ thụ bất thân” mà, chúng tôi nằm bên nhau và thi thoảng không kiềm chế được, MQ còn nằm lên người tôi mấy phút thế là ghê gớm lắm rồi còn gì nữa.
             Chúng tôi đi bộ, đi ô tô để ra Thái Nguyên và từ đó đi tàu đêm về Hà Nội. Có đoạn phải lội qua suối nước quá đầu gối. Tầu cứng chặt như nêm, chúng tôi khó khăn lắm mới chạm được vào nhau và chỉ nhìn nhau không biết chán. Về đến nhà là trời sáng. Hai đứa về tạm nhà tôi, sau đó MQ mới về với má ở tận Hải Dương. Me tôi thấy hai đứa đi đêm về với nhau sau cả một hành trình dài, có vẻ không thú vị gì. Vốn bà đã không muốn chúng tôi thân nhau, yêu nhau thì càng quá thể lắm. Từ lâu nay rồi, me tôi và nói chung cả nhà không thích tôi thân với MQ. Chỉ có chị Hiền Thục ủng hộ, vì chị dạy Toán ở Đại học Nông nghiệp I, chị rất thân với học sinh miền Nam, nay thấy em mình thân với MQ cũng là học sinh miền Nam, nên chị rất vui. Bố tôi thì không ngăn cản thô như me, nhưng có một lần đã nói chuyện với tôi và bảo: “Bố nghĩ rằng con còn trẻ lắm, ra trường rồi con đi làm, con có thể gặp một người đàn ông lớn hơn hẳn con, lại có địa vị nữa. Nếu con yêu và lấy người ta con sẽ đựợc sung sướng hạnh phúc hơn. Trong gia đình, đàn ông phải là trụ cột để người vợ dựa vào. Chứ con yêu bạn bè cùng lứa, trình độ không hơn con, quê ở quá xa, thì không thuận đâu. Con nên suy nghĩ kỹ đi.” Tôi không dám nói gì chỉ im lặng. Thật ra tôi biết, bố tôi còn không thích tôi yêu và lấy MQ vì bạn là con của một gia đình cách mạng tập kết ra Bắc. Bố tôi sợ hai gia đình không hợp nhau, ông luôn có mặc cảm và một chút bất ổn về tinh thần sau những gì xảy ra ở quê với gia đình tôi. Nhưng mãi sau này, khi biết rằng ba má MQ đều là con nhà nho, gia đình giầu có, hiến hết bao nhiêu ruộng vườn trâu bò, bố tôi mới nguôi đi phần nào. Mà cái chính là tôi vẫn một mực kết thân và yêu MQ, thành ra cuối cùng gia đình đã chiều theo. Bố tôi còn đi xem tử vi cho hai đứa. Ông thầy tử vi bảo rằng, chúng tôi xung tuổi nhau. Nếu thành vợ chồng, không hòa hợp mà cãi nhau liên miên thì còn tạm sống được, bằng không rủi hai đứa yêu nhau thắm thiết thì tôi sẽ khổ, giữa đường đứt gánh, nghĩa là chồng tôi chết sớm, bỏ tôi một mình góa bụa. Ôi cái số tử vi sao mà ghê gớm. Bố tôi nhờ xem xong, suy tư và yên lặng. Bố tôi không dám nói cho tôi nghe, sợ rằng tôi khó sống yên bình. Tôi không bỏ MQ, nhưng cả đời lo lắng day dứt hoài vì những lời tiên tri ấy. Thành ra bố chỉ nói riêng với chị Thùy Trinh và yêu cầu giữ bí mật về chuyện này. Về sau, khi chồng tôi mất rồi, chị mới kể lại cho tôi chuyện tử vi đó. Tôi đau đớn nhưng thầm cảm ơn bố tôi, người cha rất mực tinh tế, tuy con gái lấy chồng mình không ưng ý- nhưng một khi đã cảm nhận đựơc tình yêu và sự gắn bó của chúng- thì vẫn tôn trọng các con và giải thích rằng đó là số phận, là định mệnh của mỗi con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét