Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

"Cầu Giấy thơ", một khối tình

LỜI KHAI MẠC BUỔI ĐIỂM THƠ VÀ RA MĂT TẬP “CẦU GIẤY THƠ”
     
     
    Kính thưa Ban giám đốc Nhà Văn Hóa cùng đại diện các Phòng, Ban nghiệp vụ.
         Kính thưa các vị khách quý, các bạn thơ từ các Câu lạc bộ Cầu Diễn, Tây Hồ, Gia Lâm, Văn học Tháp Bút Hà Nội, Ban thơ Ba Đình cùng các bạn từ các Câu lạc bộ 8 Phường trong Quận. Đặc biệt có các bạn từ Cúc Bồ, Bồ Dương tận cuối tỉnh Đông xa xôi cũng về dự cùng chúng tôi.
         Thay mặt cho trên năm chục hội viên CLB Thơ Nhà Văn Hóa Quận Cầu Giấy xin nhiệt liệt và hân hoan chào đón sự hiện diện của các bạn. Với niềm phấn khởi tưng bừng, hy vọng qua buổi hội ngộ này, chúng ta sẽ hiểu biết nhau hơn; vòng tay thơ giữa chúng ta sẽ mở rộng thêm-với những trái tim thơ rộn ràng nhịp đập Hùng Vương của lớp con cháu Tiên Rồng Cầu Giấy-Hà Nội hôm nay.
         Thưa quý vị và các  bạn,
         Thơ Cầu Giấy được chuyển tiếp từ thời Quận còn là Huyện Từ Liêm trên cơ sở Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh do các hạt nhân tích cực từ các phường tập hợp lại. Lúc đầu chúng tôi cũng phải trải qua nhiều thử thách và các trải nghiệm, các hình thức sinh hoạt sao cho vừa vui mà nghiêm túc. Quá trình này chúng tôi cũng gặp nhiều sóng gió, chua cay và ngọt bùi. Cuối cùng, sóng cũng lặng, thuyền cũng êm. Bấy giờ có hội viên đã viết:

Qua vòng gió quẩn sông Tô
Thuyền thơ nhẹ tới bến chờ bình minh
Vời trông vào một chữ TÌNH
Tình yêu thương giữa chúng mình yêu thơ
Cao buồm cập lại bến xưa
Với bình minh ấy để giờ là xuân.”

        Từ cái ngày cập bến xuân đến nay, con thuyền thơ Cầu Giấy của chúng tôi đã bồng bềnh theo gió qua từng mùa hội của các phong trào mà Nhà Văn hóa các Phường, Quận đề ra. Chúng tôi cũng tham gia biên tập cùng Nhà Văn hóa in bốn tập sách: “Hương cốm”, “Hương xuân”, “Hương mùa thu”, “Hà Nội hào hoa và linh thiêng”.
        Thưa quý vị và các bạn,
        Nói đến hội viên chúng tôi thường nhắc nhở nhau rằng, chúng ta may mắn được sinh hoạt dưới sự quản lý của một cơ quan văn hóa nhà nước rất chuyên nghiệp. Địa điểm sinh hoạt thoáng mát, rất văn hóa - quanh ta là văn hóa cho nên ứng xử với nhau cũng gắng mà văn hóa cho đẹp. (Có một trường hợp, một hội viên của chúng tôi có thái độ rất vô văn hóa bị phê phán, thế là tự  xách túi đứng lên ra khỏi phòng trong sự ái ngại và cảm thương của cả Câu lạc bộ. Riêng tôi nghĩ thầm”Ơn trời!”).
        Thưa quý vị và các bạn,
        Qua trên 15 năm sinh hoạt, các lớp hội viên cũng thay đổi, phần vì tuổi cao cánh hạc theo mây, sức khỏe, đường xa, bệnh tình ngăn cản v.v…có cả vì không thích và bất hòa nữa. Song sĩ số sinh hoạt thường giữ từ 40-50 người. Chúng tôi cũng lưu ý đến việc tham quan du lịch, thường mỗi năm 2 lần dã ngoại. Chúng tôi chú trọng đến những nơi danh lam lịch sử, lịch sử văn hóa, các danh nhân văn hóa nhằm nâng cao hiểu biết cội nguồn mà vận dụng vào thơ (thiết nghĩ làm thơ mà nghèo lịch sử, địa lý và danh nhân ắt thiếu sự vững vàng, đáng tiếc).
        Địa bàn Cầu Giấy của chúng ta rất đậm đặc địa chỉ văn hóa cấp quốc gia ví như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Học viện Quốc phòng, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặc biệt là khu Đại học Sư phạm với nhiều chuyên khoa, khu Văn công Nghệ sĩ, Học viện Quan hệ Quốc tế v.v…Hiện  nay, Câu lạc bộ chúng tôi đã có nhiều cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, học viện tham gia sinh hoạt. CLB mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nữa với nguồn giầu văn hóa, trí tuệ này.
        Thưa quý vị và các bạn,
        Dòng sông Tô mà chúng tôi lấy làm cứ địa cho thuyền thơ ruổi rong chèo lái cũng đôi lần nổi sóng ngả nghiêng, có khi tưởng như chao đảo. Song cái đó cũng chỉ là một cú hích cho tỉnh phút mơ màng, bừng lên đi tới.
        Ngoài việc tham gia biên tập bốn tập thơ của Nhà Văn hóa, chúng tôi cũng in sách cho chính mình từ “Cầu Giấy 1” đến  “Cầu Giấy 7”. Đặc biệt năm 2010, chúng tôi tổ chức in tập “Còn mãi tình thơ” với 531 trang sách của 45 tác giả. Chúng tôi cũng tổ chức giới thiệu cho 4 hội viên có tác phẩm in qua nhà xuất bản: “Nắng muộn “ của Hữu Thước, “Khúc hát mùa xuân” của Phạm Xuân Hướng; “Hoài niệm tình yêu” của Ngọc Giao; “Trang giấy” của Vũ Hưng và hôm nay là “Cầu Giấy thơ”.
        Để kết thúc lời chào mừng của tôi, xin được có mấy câu thơ như sau:
Thơ là rượu là hương cuộc sống
Chưng cất suốt đời hồ dễ đầy be
Cõi vô thường theo dòng hóa cải
Chốn Vô Biên ấy bến tinh anh
Đời người vị một chữ tình

Xin chúc sức khỏe các bạn và gia đình.
Xin cám ơn nhiều.

Cầu Giấy, ngày 20 tháng 6 năm 2013
                                                Chủ nhiệm CLB
                                                      Vũ Hưng





“CẦU GIẤY THƠ”, MỘT KHỐI TÌNH
Bùi Thị Kim Thư

  
   Cầm trên tay “Cầu Giấy thơ”, tập thơ với cái tên giản dị thân thương của Câu lạc bộ thơ Nhà Văn Hóa Quận vừa ra đời, tôi đọc, càng đọc, càng thấy đó quả là nơi chia xẻ cảm xúc của những tâm hồn đồng điệu. Mỗi tác giả như đều có một “nàng thơ” hay “chàng thơ” để dốc bầu tâm sự, và dù là huyền ảo mộng mơ hay mộc mạc giản dị, thơ đã chắp cánh cho tâm hồn ta bay bổng vươn tới những ước mơ cao đẹp và tận hưởng những phút giây xúc động lạ kì.       
      Cầu Giấy thơ” là tập thơ của 50 tác giả với 183 bài thơ. Về thể loại, có 86 bài thơ lục bát, 37 bài thơ Đường luật, 28 bài thơ tự do, 23 bài thơ thất ngôn, 6 bài thơ tứ ngũ lục ngôn, 3 bài song thất lục bát; làm nên một KHỐI TÌNH THƠ về:
- Cầu Giấy, Hà Nội, địa linh, nhân kiệt
-. Đảng và Bác Hồ, chiến tranh bảo vệ tổ quốc
-. Xuân, thắng cảnh và thiên nhiên
-. Quê hương, tình người, tình cảm gia đình
-. Tình bạn, tình yêu
-. Xã hội, Tự sự và triết lí cuộc đời

Về cách diễn đạt, trong số 183 bài thơ, bài “Vịnh Kiều” như mách bảo rằng, truyện Kiều đã là nguồn cảm hứng đặc biệt của tác giả, bởi thơ anh cực kỳ hòa quyện với những dòng trích từ truyện Kiều. Một số bài được kết hợp khéo léo giữa rung động từ tâm hồn thơ và nghệ thuật diễn đạt thơ một cách tinh tế như dùng các phương pháp nhân cách hóa, hoán dụ, ngoa dụ, phúng dụ, nghịch lý, vòng vo. Khoảng 70 bài dùng phương pháp ẩn dụ, phương pháp so sánh hoặc vừa ẩn dụ vừa so sánh.Như thế là khoảng nửa số bài thơ đã được tác giả sử dụng các phương pháp diễn đạt rất …
THƠ. Số còn lại diễn đạt mộc mạc chân tình, không dùng kĩ thuật kĩ xảo thơ nhưng thể hiện tâm hồn và cảm hứng chân thật nên vẫn gây những cảm xúc mạnh cho người thưởng thức.
Bên cạnh phương pháp diễn đạt tinh tế, các tác giả còn vận dụng tài tình các yếu tố cấu tạo nên bài thơ như từ, các điệp từ, câu, hình ảnh, hình tượng, nhạc điệu…khiến cho thơ trở nên hấp dẫn hơn về mặt hình thức.
Dưới đây chúng ta sẽ điểm qua những lời thơ, bài thơ của 50 tác giả làm nên
KHỐI TÌNH THƠ ấy. Vì thời gian không cho phép và khả năng có hạn, nên điểm thơ chỉ xin đúng là “cưỡi ngựa xem hoa”, có lúc chỉ đơn thuần là trích thơ ra, mong các bạn thơ thông cảm.

Vâng, Thưa các bạn, thưa các nhà thơ, xin các bạn hãy lắng nghe nàng thơ bộc bạch tình cảm yêu quí mến thương Cầu Giấy. “Tiếng leng keng thức dạy cả bình minh” của chuyến tàu điện xưa khiến ta bồi hồi xúc động, nhớ về những tấp nập bình dị của làng nghề truyền thống, ngây ngất tận hưởng “cốm vòng xanh thơm ngát đến bây giờ”. Và rồi nàng thơ bỗng phải thốt lên:”Cầu Giấy thực, cứ như mơ: đẹp quá!”. Thật tự hào qua bao nhiêu đổi thay, Cầu Giấy vẫn giữ truyền thống khuyến tài hiếu học mà:
    Thầy rèn thày bước cùng nhân loại
    Lớp lớp thăng hoa lớp lớp trưởng thành
”.
Và ngàn đời vẫn còn:
            Sông Tô ôm ấp bao miền
      Chảy dòng thơ, tiếng mẹ hiền ru con

Với lòng ngưỡng mộ vô cùng thành kính một Hà Nội ngàn năm văn vật, đặc biệt với danh nhân Lý Thường Kiệt, người đã cho đọc bài thơ thần đánh giặc ngoại xâm, chúng ta được thưởng ngoạn một bài thơ đường luật khơi dậy lòng tự hào thật khí phách:

       Nam quốc sơn hà, Nam đế cư…”
          Tuyên ngôn độc lập, tựa thần thưa
          Cây thương đạp Tống yên bờ cõi
          Ngọn giáo bình Chiêm xóa hận thù
          Mộng ước lay trời truyền bách tính
          Uy danh dậy đất gửi thiên thu
          Hịch văn một áng lưu kim cổ
          Hào khí Lạc Hồng mãi thấy dư.

và một thi nhân khác thì bộc trực khẳng định:
                Đất thiêng biết mấy tự hào
         Thăng Long Hà Nội giặc vào khó ra
”.
Nàng thơ cũng dành cho “Thành phố vì Hòa bình của thế giới hôm nay”, một tình yêu cháy bỏng vì một Hà Nội mà “Máy bay cháy! Máy bay cháy! không gian vỡ òa mừng reo khôn xiết” trong những ngày cuối năm 1972 đi vào lịch sử như một huyền thoại, nhưng lại ngậm ngùi hỏi những đứa con rằng:
     Có phút nào con nghẹn ngào cảm xúc
     Nghe mẹ thì thầm thời máu lửa con ơi

hỏi mà rưng rưng muốn trào nước mắt…
Bồi hồi nghĩ về Hà Nội 54 năm giải phóng, với những mốc son chói lọi của lịch sử, và những đổi mới hội nhập, tác giả thốt lên một cách chân thành và cảm động, bằng thơ:
            Ôi Hà Nội có đời tôi trong đó
          Tôi say mê gắn bó cuộc đời mình
Nguyện dâng Người tất cả sức bình sinh
…”


Thưa các bạn, thưa các nhà thơ,
Chúng ta biết, Đảng Cộng sản Việt nam ra đời vào mùa xuân, Đảng cũng đem lại mùa xuân cho dân tộc ta. Phải chăng đó cũng là “mệnh trời”?. Những lời ngợi ca dành cho Đảng được thi nhân gửi gắm qua những dòng thơ thật chân thành:
Đảng ra đời lúc xuân sang
Cơ duyên thiên định non ngàn nở hoa
” và đầy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Đảng như ánh hào quang rực rỡ, Đảng là ngọn đuốc thiêng sáng soi,dẫn dắt ta đi trên con đường Cách mạng chân chính :
Đuốc thiêng rực rỡ hào quang tỏa
Cờ Đảng tươi màu định hướng bay

Với Bác Hồ, vẫn là những xúc động thốt lên từ sâu rất sâu trái tim thi sĩ: ”Nô lệ lầm than ôi mất nước
          Bác về dân tộc được hồi sinh

Dù Bác đã đi xa, nhưng tấm gương đạo đức của Người còn sống mãi, và ta hãy nghe thi nhân nhắn nhủ chân tình:
         Làm theo lời dạy của Người
  Chính chuyên cần kiệm là đời nở hoa
Đi thăm di tích lịch sử khu Đá Chông, thi nhân dạt dào xúc cảm thiêng liêng về Bác. Bác mãi là linh hồn của dân tộc ta, đất nước ta:
         Đền thờ hương ngát quanh năm
        Rừng thông vi vút vẫy trăng đêm về
            Vẳng nghe chim hót bốn bề
        Lời ru non nước vọng về nơi đây
”.
và bâng khuâng:
               Ra về lòng mãi vấn vương
         Kể sao cho hết dặm đường Bác đi
Chúng ta biết đến Đồ Sơn với những bãi tắm thơ mộng và rừng thông xanh mướt, nhưng nếu để ý ta sẽ thấy nơi đây còn ẩn chứa nhiều di tích lịch sử, như Bến tàu không số K15 thuộc khu 3 Đồ sơn, nơi xuất phát của những con tàu không số chở hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.Tượng đài này được nhắc đến bằng tình cảm sâu nặng chân tình của nhà thơ:
               Năm xưa bến cảng K15
           Khuất nẻo ẩn xa gợi núi trầm
  Bao người lính chiến vượt thuyền biển
 Thẳng tới phương nam chẳng ngại ngần
”.
Ngậm ngùi thương tiếc mười cô gái hi sinh ở ngã ba Đồng Lộc, thi nhân tìm thấy được niềm an ủi, an ủi linh hồn của các em hay là tự vấn mình nhắc nhủ về lòng biết ơn:
       Mỗi giọt máu hồng em đổ  xuống
      Xanh tươi đồng ruộng nước non này

Và dù đang sống trong hòa bình, quá khứ hào hùng thời trai trẻ vẫn luôn tái hiện lại những ngày gian khổ mà vui bên đồng đội, kề cận cái chết nhưng một khi nhận ra chân lý của cuộc đời, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập tự do của tổ quốc, thì  người lính chỉ còn lại ý chí chiến đấu kiên cường, lòng dũng cảm tuyệt vời và tinh thần hi sinh vô bờ bến một cách thanh thản:
          Chiều mai anh lại lên đường
Vẫn nhằm thẳng hướng chiến trường bom rơi
”…
và tin vào niềm tin tất thắng:
                  Giặc tan anh lại trở về
      Nước non giữ trọn lời thề không quên

Còn người vợ chiến sĩ ở nhà thì hiểu và tự nhủ rằng:
               Nơi ấy bom thù tung trận địa”
              Quê nhà em gắng giữ màu xanh
”.
Và đến hôm nay, khi chủ quyền biển đảo của ta bị xâm phạm, bị lâm vào tình thế chung chiêng, chao đảo, thì thi nhân đã đưa vào thơ lời nhắn gửi thật tâm huyết:
Trường sa ơi!

Thế hệ hôm nay đứng thẳng làm người
Gìn giữ giang sơn không hổ thẹn với đời

và khẳng định:
           Đảo quê hương trước biển Đông
          Ngàn năm là đất Lạc Hồng Việt Nam

cho nên giữ vững ý chí kiên cường bất khuất bảo vệ vùng biển vùng trời tổ quốc:
              Đảo Trường Sa giữa đại dương
         Quyết không tha kẻ bạo cường xâm lăng

và nhắc nhau:
                      Dù cho bão táp mây mưa
             Non sông phải giữ quốc gia phải gìn


Thưa các bạn, thưa các nhà thơ,
Mùa xuân bao giờ cũng là nguồn cảm hứng rất tự nhiên của thi ca. Hãy tưởng tượng xem:
                  Xuân vội vã hồng đào đỏ thắm
                   Gọi ta vào tắm nắng tân xuân

Xuân vội vã hay thi nhân vội vã? Câu thơ thật hóm hỉnh. Ta hãy cứ tắm nắng trong lành đi để tận hưởng những gì mới mẻ của đất trời, hà tất phải nghĩ tới tuổi già, đã có Xuân “chịu trận” rồi mà!
Vâng, và ta hãy lắng nghe lời chúc Xuân Quí Tỵ thật khiêm nhường nền nã qua bài tứ tuyệt sau đây:
                    Cung kính tay nâng chén rượu đào
                      Chúc nhau sức khỏe thật dồi dào
                      Tân niên Quý Tỵ nhiều may mắn
                     Xuân gõ cửa mang phúc lộc vào

Vẫn là thơ với cảnh đẹp Hồ Tây, nhưng những hình ảnh đẹp được tác giả miêu tả với sự quan sát tinh tế khiến cho ta cũng thấy sững sờ về một Hồ Tây tuyệt vời sinh động:
                      Nước xanh cá nhảy trên làn sóng
                       Trời biếc thuyền đi dưới áng mây
                      Tốp tốp sâm cầm bơi rỡn bạn
                      Đàn đàn le vịt lặn vui bầy

Bằng nghệ thuật ẩn dụ , một cơn mưa ở Huế mộng mơ cũng đủ làm thi nhân mơ mộng đến mức:
                        Để em áo nép vào tôi
         Ôm chung giọt nước mưa trời ban cho

Bằng ngôn ngữ giầu hình ảnh, Đà Lạt hiện lên dưới ngòi bút sắc sảo của thi sĩ thật đẹp và huyền ảo:
               Mùa thu Đà Lạt không vàng nắng
                 Thác Prenn tung trời nước trắng
                 Hồ Tuyền Lâm tĩnh lặng mặt gương
             Ngàn ngạt hoa thơm ngát phố phường
”.

Hành hương lên đất Phật Yên tử, qua chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng, thi nhân xúc động có thơ rằng
                    ” ”Long Đầu” uy nghi sườn núi biếc
                 Sáng ngời cửa Phật - sáng tâm tư
”.
Và đến chùa Đồng:
          Chùa Đồng đỉnh ngự, vầng dương tỏa
              Phật tử kinh cầu, phúc, lộc, khang

Những câu thơ thật trang nghiêm mà thanh thoát, thể hiện tình cảm của tác giả đã dẫn người đọc một cách tự nhiên, đến nơi cửa Phật với sự tôn trọng và tấm lòng thành kính.
Bà Nà, thắng cảnh có quá nhiều thay đổi, được phác họa lên thật lôi cuốn. Cứ tưởng tượng :
Gió lùa man mát dưới chân
Cây cúi trước mặt mây vần sau lưng
” là hình dung ra được cáp treo hiện đại đã nâng bước chúng ta tuyệt vời thế nào.
Và có đi đâu, cuối cùng cũng không thể quên về đất Tổ, cội nguồn thương yêu của mỗi người con xứ Việt:
            Hướng về nguồn cội tổ tông
     Càng sâu nghĩa biển càng nồng tình non


Thưa quí vị,
Đẹp biết bao nhiêu những bình yên đời thường với một miền quê:
                   Bầy trâu vui tiếng trẻ cười
              Bên triền đê cỏ xanh ngồi đường đi

Thi nhân đã thốt lên những tiếng gọi trìu mến tha thiết:
                   Làng tôi đẹp lắm người ơi
         Lũy tre giếng nước tình đời ngàn năm

Chúng ta từng tâm đắc khi nghe tiếng hát “Quê hương nếu ai không nhớ /Sẽ không lớn nổi thành người”, vâng, nhưng ở đây thi nhân của chúng ta chỉ bằng một vài lời nhắn nhủ tha thiết bộc bạch một cách chân thực:
              Dù đi trăm nẻo nghìn phương
           Nhắc nhau ta nhớ con đường về quê
    hay:
     Dù cho cách trở sơn khê
Trăm năm chớ lạc lối về quê hương
 từ hai tác giả mà ta có thể lầm tưởng là một, cũng đủ để đi thẳng vào lòng người, để những ai xa quê lỡ dù chỉ một lần quên mất cội nguồn sẽ bàng hoàng suy ngẫm…Không chỉ thế, có thi sĩ lại tìm đường về quê một cách rất thơ: “Tha hương rời bỏ quê cha
Nhớ câu lục bát ngân nga lại về

Có bồi hồi xao xuyến không khi đọc những vần thơ thấm đậm tình người:      

 “Mưa gió bão bùng miền Trung dằng dặc
  Vẫn một lòng thôn xóm chở che nhau

để cảm nhận sâu sa những nét đẹp rất đẹp của khúc ruột miền Trung yêu quý này.Cùng một tác giả, bài thơ “mẹ tôi cha tôi”, tôi đọc đi đọc lại mà không viết được lời nào chỉ vì khả năng hạn chế của mình, nhưng tôi đã bật khóc…
Nhắc đến Mẹ, chúng ta không thể nào quên những năm tháng của lòng quả cảm, tình yêu và hi sinh lớn lao vì độc lập tự do của tổ quốc, ở đó có biết bao chiến công của những đứa con mà đứng đằng sau là người mẹ Việt Nam ngàn lần anh hùng. Vâng mẹ thật là vĩ đại. Với phương pháp hoán dụ, nhà thơ đã cho chúng ta một hình ảnh mẹ vĩ đại từ trong những tảo tần vất vả, hi sinh thầm lặng:
                   Thân cò thân vạc dãi dầu
      Giang sơn gánh nặng hai đầu đòn cong

mà giản dị biết chừng nào:
                     Vẫn là mẹ của đời thường
            Áo nâu quần vải yêu thương hết lòng

Không chỉ thắt lưng buộc bụng nhường cơm xẻ áo cho con, mẹ còn dạy con biết mơ ước và sống can đảm, đó là những “hành trang” đặc biệt quí giá mẹ đã trao cho con trong suốt cả cuộc đời:
                        Mẹ cho con biết ước ao
           Dạy con can đảm bước vào thế gian
    để rồi nước mắt chảy xuôi, các con lại trở thành bố mẹ, thành ông bà của những đứa trẻ xinh ngoan giỏi giang, và những ước mơ lại được ông bà ươm mầm hy vọng một cách sâu lắng:
                    Bà già tóc bạc sương mai
                  Lời ru gửi cháu nối dài ước mơ
”,
còn cháu thì:
               Thương bà vất vả lắm khi
            Cuộc đời như gió gom gì được đâu
 
(tôi thích câu này lắm ạ)
                 Chỉ còn tình nghĩa đậm sâu
            Phải cần gìn giữ bền lâu suốt đời

Còn gì sung sướng hạnh phúc cho bằng khi mà:
          Danh vang họ Nguyễn ngời gia tộc
             Ông cháu cùng vui thỏa chí reo

và thương quí biết bao nhiêu hình ảnh những người ông người bà hiền dịu gửi vào thơ một thông điệp sâu nặng ân tình:
                      Bây giờ đã ở tuổi cao
            Dành bao đức độ gửi vào cháu con


Thưa các bạn, thưa các nhà thơ,
Thơ làm nảy sinh tình thơ, tình bạn, thơ làm ta xích lại gần nhau. Chả thế mà thi sĩ nhắn bạn:
                    Chúc anh cứ mãi yêu đời
           Yêu thơ yêu cả những người bạn thơ

Trước những nét đẹp của cuộc đời tưởng như rất đỗi bình dị, với tài năng và tâm hồn nhạy cảm, thi sĩ đã đưa ta đến ngây ngất say trước vẻ đẹp của cô giáo thượng ngàn chuốc rượu với nghệ thuật dùng điệp từ thật tuyệt:
                   Cho em rót tỉnh vào say
           Nồng nàn rót nồng nàn cay nồng nàn

Chẳng thể nào giấu được xúc cảm rất tự nhiên, rất chân thành mà thi sĩ đã bày tỏ qua một chuyến đi dã ngoại, về thăm quê bạn:
                     Giao lưu tâm đắc tình thi hữu
                    Một góc miền quê dạ vấn vương
Cứ vấn vương đi, cứ xao xuyến đi, rồi có ngày cái tình bạn trong sáng nên thơ ấy trở thành cái “Nợ tình” thật đáng yêu. Với phong cách nghệ thuật ẩn dụ, tác giả khiến ta như đắm mình như đang bị hút hồn bởi cái duyên rất tình, rất đặc trưng của người quan họ:
                        Nợ tình làm khổ thân tôi
                Hội tan giã bạn “Người ơi đừng về

                  Trăm năm tính cuộc vuông tròn
           Hồn thơ dậy sóng em còn …giao duyên
”.
Vâng cái duyên là bởi lời thơ hay là cái duyên của người quan họ thật khó mà tách bạch, chỉ biết rằng:
            Câu thơ quan họ thêm duyên
    Rượu nồng cạn chén mạn thuyền nên quen
”.
Cũng có khi, tình yêu đến từ những vần thơ, trao tặng nhau ngay từ buổi đầu gặp gỡ:        

   Mừng vui thuyền cập bến bờ
   Yêu anh từ những vần thơ ban đầu
”.
Thi sĩ say thơ, yêu thơ. Có lúc người say mê mẩn đến dại khờ, và biết rằng:

 “Chả trách yêu thơ bao người khổ
     Dấn thân như thể số trời đầy

Nhưng đó là say trong hạnh phúc, trong phong độ tự tại thật đáng kính nể:
              Trái tim ta mách đâu cần rượu
               Mỗi lúc gần nhau cũng thấy say
”.
Hãy nghe nhà thơ nguyện cầu, thật lãng mạn, ấm nồng, da diết:
             Cầu cho ngày tháng bình yên
      Sóng yêu thương rộn tiếng đàn họa thơ
               Trăm năm biết đến bao giờ
           Tôi-Em mãi cứ ngu ngơ chữ tình
”…
và nghe chị em đánh giá vai trò của đàn ông tưởng như không còn gì hơn được nữa:
Thế gian mà vắng đàn ông
 Thì trên trái đất thiếu không mặt trời

các đấng nam nhi hẳn phải xúc động và …lo lắng biết chừng nào!
Bằng kết hợp nghệ thuật so sánh và hoán dụ trong những câu thơ tài hoa, (khi ra biển chỉ một mình), thi sĩ viết thế này:
         Để lòng như dại như ngây
  Ban đêm mộng mị buổi ngày khát khao

bởi nhớ về cái phút giây:
Quờ tay chạm nửa bầu tiên
Lòng ta bối rối má em ửng hồng
” từ một tuổi thơ bên dòng sông xưa cũ. Tình yêu là thế, thăng hoa là thế, thi sĩ cứ thả hồn về sông về biển, nơi gặp gỡ của tình yêu để cho ta được cùng đắm say và khao khát…


Thưa các bạn, thưa các nhà thơ,
Nghề giáo thật là cao quí. Khi đọc mấy câu thơ giản dị chân thành:
 Sự nghiệp cao quí ở đời
Nghề dạy học ôi tuyệt vời biết bao
” ta có thể đồng cảm được ngay với tác giả của bài thơ, một thầy giáo cả đời tâm huyết với nghề . Và ta cũng thầm tự hỏi lại lòng mình:
         Trang đời ai viết mãi mênh mông
         Có thành đạt nào không từ bụi phấn
?”
để thấm thía hơn, biết ơn những thầy giáo cô giáo mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có lần gặp gỡ trong đời.
Thầy giáo được ví như người lái đò chở khách qua sông, từ ngàn xưa vẫn là như thế. Nhưng ngày nay, trước một số tồn tại và bất cập trong giáo dục, với ảnh hưởng từ những mặt trái của cuộc sống hiện đại, tác giả đã dùng nghệ thuật ẩn dụ kết hợp với phúng dụ để cảnh tỉnh, đọc lên phải đau sót và suy nghĩ:  
               Đò bây giờ phí quá cao
         Chòng chành đâu dễ cập vào bến mơ
              Sắc đời nhuộm xám tuổi thơ
       Măng cong hay thẳng hãy chờ ngày mai

Bên cạnh các phương pháp ẩn dụ, so sánh hay gặp, phương pháp ngoa dụ được tác giả bài thơ “Không thích rừng thích ở Hà Nội” sử dụng thật độc đáo. Ngày trước đọc bài thơ “Nhớ rừng” của nhà thơ Thế Lữ, tôi thấy hay nhưng chưa chú ý lắm về phong cách này. Nay đọc bài thơ mới, tôi thầm cảm phục tác giả vô cùng vì anh đã khéo léo dẫn giải phản ánh rõ ràng khúc triết những tồn tại về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thật sâu sắc và thú vị.
Dù cho có yêu đời lạc quan đến mấy, dù cuộc sống có nhiều thăng ít trầm đến mấy, thì “đời vẫn là bể khổ”. Mỗi con người là một cá thể duy nhất với những trăn trở và gánh chịu riêng mình, với những niềm riêng một đời dấu kín. Thế nên, khi đọc được dòng thơ về nỗi cô đơn của thi nhân thể hiện qua việc dùng phương pháp nghịch lý, tôi cảm thấy thật “đã” và thán phục:
Kìa ai chào bắc đón đông
 Ta bâng khuâng giữa muôn trùng nhân gian

Ta cũng sẽ cảm nhận được nỗi cô đơn của một thi nhân khác, qua  lối diễn đạt vừa ẩn dụ vừa tả thực rất chân thành cụ thể
            Ngắm nhìn chiếc bóng tự tình
        Buồn cho cái cảnh một mình bấy nay
               Ước chi em tựa bóng này
       Cùng anh quấn quít đêm ngày bên nhau

Với phong cách miêu tả ẩn dụ, thi nhân cho chúng ta xúc cảm mãnh liệt và bâng khuâng nuối tiếc khi nhận ra mình đã ở tuổi xế chiều:
            Hằng nga sớm chếch non đoài
       Xế chiều khuyết nửa mơ hoài tuổi thơ
”.
Cứ mỗi lần ngắm mình trong gương, cứ mỗi lần bạn bè cháu con nhận xét thảng rất vô tình và chân thực, ta hiểu quá rõ , rằng mái tóc mình đã đổi màu theo thời gian, rằng tuổi cao sức yếu ngày một đến nhanh và rất gần, nhưng bằng cái nội lực tuyệt vời vượt lên tất cả những yếu mềm và trở ngại của cuộc sống thường nhật, thi nhân vẫn tự nói với lòng mình và muốn gửi tới bạn bè một thông điệp cực kì thú vị hoàn toàn đúng, mà lại rất thơ đó là:
              ”Kể chi mái tóc ngày thêm bạc
                Cốt ở thanh xuân mãi nụ cười

Chúng ta hãy xem chàng thơ phác họa chân dung nữ sĩ của mình
               Dáng người thanh mảnh nét xuân tươi
                 Đã tám tư xuân vẫn thích cười
                 Kiếm quạt múa đều trên bãi tập
                 Thi đàn mời gọi chẳng buông lơi
Đọc thơ mà thấy mình muốn sống đến tuổi tám tư như nữ sĩ quá trời…
Bằng phương pháp nghịch lý và ẩn dụ tài tình, tác giả để lại ấn tượng sâu sắc về cái triết lý rất đáng xem trọng, đáng để vang lên trong trái tim sâu thẳm của mỗi chúng ta là:
      
Công danh mua bán không màng thiết
               Phú quí xin cho cũng cóc cần
               Chỉ có nàng thơ đêm ngày biết
               Say đắm hồn ta khúc tri ân

và những lời khuyên nhủ chân tình:
                    
Không nên lưu hận ngậm sầu
                    Đời vui mới khỏe sống lâu mới bền
”.
Yêu thơ, được tôn vinh là nhà thơ hay tự cho rằng mình là nhà thơ có thứ hạng, đâu đó có đủ cả. Ở đây, thi nhân cũng đã thẳng thắn, bằng thơ với cách diễn đạt kết hợp cả so sánh và phúng dụ nhắc bạn bè mình, rằng cần nghiêm túc, đừng để hữu danh vô thực:
              
                    
Văn chương đâu dễ phong là được
                      Thi sĩ xem ra tấn xạo vờ
                      Cho nhắn cùng ai xin cẩn trọng
                      Khỏi rồi thơ lại xóa nhà thơ
”…
Chúng ta bùi ngùi tiếc nuối một thời sức trẻ, không tránh khỏi những phút giây xao lòng, man mác nỗi buồn mênh mông không cắt nghĩa được, nhưng ngay lập tức chúng ta lại có thể cười tủm tỉm một mình, hay cười phá lên tùy tính cách khi nàng thơ với phong cách ẩn dụ thật có duyên, đang nháy mắt liếc tình và bảo:
                    
Thi sĩ lãng du thích nói vui
                       Thả chim bắt bướm ngắm sao trời
                       Đời người ai biết bao nhiêu tí
                       Giỏi lắm trăm năm có thế thôi”…

Và thật phóng khoáng yêu đời biết mấy:
Tôi ngân câu hát Dân ca kinh Bắc
Nghe sao ngọt ngào Tiếng hát vút cao
Dạt dào sóng nước Nhấp nhô xanh biếc
Mênh mang hồ Tây”


Kết luận: Vâng thưa quí vị, đó là những tâm hồn thơ, là cái buồn cái vui thật đáng kính nể và đáng yêu của những người yêu thơ và sáng tác thơ như thành viên của Câu lạc bộ Thơ Nhà Văn Hóa Quận Cầu Giấy. Bởi vậy, đọc “Cầu Giấy thơ”, chúng ta xúc động, vui và trân trọng, mà không phải là “mẹ hát con khen hay”. Chúng tôi nhận ra rằng, một khi chịu khó đọc kĩ thơ bạn, chúng ta sẽ tìm ra được những gì mới mẻ, và do vậy sẽ học được ở nhau thật nhiều. Mặc dù vậy, trong quá trình đọc “Cầu Giấy thơ”, để chắt lọc và giới thiệu những câu thơ nổi bật của tất cả 50 tác giả, chắc chắn không thể tránh khỏi thiếu sót vì đã thiếu phân tích sâu sắc, có lúc sa đà dàn trải bỏ qua áng thơ hay.Thôi thì cũng mong các bạn thơ lượng thứ. Cá biệt, một vài bài có thể cần trao đổi riêng với tác giả để hiểu rõ hơn ý thơ, xin phép chưa đi vào chi tiết trong lúc này. Giới thiệu “Cầu Giấy thơ” xin được dừng ở đây. Xin trân trọng cảm ơn. 
 
Thuy Quyen, Ngoc Hoi, Minh Quang, Kim Ngoc, Van Nga

6 nhận xét:

  1. Trong bài giới thiệu thơ này, tôi thấy hình như chị dùng hơi nhiều những khái niệm về biện pháp tu từ trong thơ như: Ẩn dụ, hoán dụ phúng dụ...nhưng lại chưa phân biệt rõ các khái niệm đó. Do vậy những câu thơ đưa ra như một minh chứng lại không khớp với khái niệm đã nêu.( Song Thu)

    Trả lờiXóa
  2. Theo MQ hiểu,

    I. Khi diễn đạt theo phương pháp ẩn dụ, tác giả có ý nói một cách bóng bẩy, muốn so sánh vật này với vật kia, sự việc này với sự việc khác.

    Vì thế trong bài viết, có 5 lần MQ trích dẫn thơ dùng lối ẩn dụ:

    1.Bằng nghệ thuật ẩn dụ , một cơn mưa ở Huế mộng mơ cũng đủ làm thi nhân mơ mộng đến mức:
    “Để em áo nép vào tôi
    Ôm chung giọt nước mưa trời ban cho”

    2. Với phong cách nghệ thuật ẩn dụ, tác giả khiến ta như đắm mình như đang bị hút hồn bởi cái duyên rất tình, rất đặc trưng của người quan họ:
    ”Nợ tình làm khổ thân tôi
    Hội tan giã bạn “Người ơi đừng về”
    và “Trăm năm tính cuộc vuông tròn
    Hồn thơ dậy sóng em còn …giao duyên”.
    3. phong cách ẩn dụ thật có duyên, đang nháy mắt liếc tình và bảo:
    “Thi sĩ lãng du thích nói vui
    Thả chim bắt bướm ngắm sao trời
    Đời người ai biết bao nhiêu tí
    Giỏi lắm trăm năm có thế thôi”…

    4. qua lối diễn đạt vừa ẩn dụ vừa tả thực rất chân thành cụ thể
    ”Ngắm nhìn chiếc bóng tự tình
    Buồn cho cái cảnh một mình bấy nay
    Ước chi em tựa bóng này
    Cùng anh quấn quít đêm ngày bên nhau “
    5. Với phong cách miêu tả ẩn dụ, thi nhân cho chúng ta xúc cảm mãnh liệt và bâng khuâng nuối tiếc khi nhận ra mình đã ở tuổi xế chiều:
    ”Hằng nga sớm chếch non đoài
    Xế chiều khuyết nửa mơ hoài tuổi thơ”.

    Trả lờiXóa
  3. (Nhận xét không được quá dài nên MQ phải cắt thành hai đoạn)

    II. Diễn đạt theo phương pháp phúng dụ tức là diễn đạt với những tình tiết có ngầm ý riêng, để giáo dục hay giải thích những tư tưởng, đạo đức…

    MQ trích dẫn hai trường hợp, đó là:
    6. nghệ thuật ẩn dụ kết hợp với phúng dụ để cảnh tỉnh, đọc lên phải đau sót và suy nghĩ:
    ”Đò bây giờ phí quá cao
    Chòng chành đâu dễ cập vào bến mơ
    Sắc đời nhuộm xám tuổi thơ
    Măng cong hay thẳng hãy chờ ngày mai”

    7. kết hợp cả so sánh và phúng dụ nhắc bạn bè mình, rằng cần nghiêm túc, đừng để hữu danh vô thực:

    “Văn chương đâu dễ phong là được
    Thi sĩ xem ra tấn xạo vờ
    Cho nhắn cùng ai xin cẩn trọng
    Khỏi rồi thơ lại xóa nhà thơ”…


    III. Diễn đạt theo phương pháp hoán dụ là dung từ chỉ sự vật này để hình dung sự vật khác.

    MQ trích dẫn hai trường hợp:

    8.. Vâng mẹ thật là vĩ đại. Với phương pháp hoán dụ, nhà thơ đã cho chúng ta một hình ảnh mẹ vĩ đại từ trong những tảo tần vất vả, hi sinh thầm lặng:
    “Thân cò thân vạc dãi dầu
    Giang sơn gánh nặng hai đầu đòn cong”

    9. Bằng kết hợp nghệ thuật so sánh và hoán dụ trong những câu thơ tài hoa, (khi ra biển chỉ một mình), thi sĩ viết thế này:
    “Để lòng như dại như ngây
    Ban đêm mộng mị buổi ngày khát khao”
    bởi nhớ về cái phút giây:
    “Quờ tay chạm nửa bầu tiên
    Lòng ta bối rối má em ửng hồng”

    IV. Diễn đạt theo phương pháp ngoa dụ là cách diễn đạt những sự vật có ý nghĩa tầm thường thành trong đại

    MQ trích dẫn một trường hợp:

    10. Bên cạnh các phương pháp ẩn dụ, so sánh hay gặp, phương pháp ngoa dụ được tác giả bài thơ “Không thích rừng thích ở Hà Nội” sử dụng thật độc đáo. Ngày trước đọc bài thơ “Nhớ…

    V. Diễn đạt theo phương pháp nghịch lí là diễn tả với những tình tiết trái ngược nhau về sự vật, hoàn cảnh, nhân tình thế thái.

    MQ trích dẫn hai trường hợp:

    11. phương pháp nghịch lý, tôi cảm thấy thật “đã” và thán phục:
    ”Kìa ai chào bắc đón đông
    Ta bâng khuâng giữa muôn trùng nhân gian”

    12. Bằng phương pháp nghịch lý và ẩn dụ tài tình, tác giả để lại ấn tượng sâu sắc về cái triết lý rất đáng xem trọng, đáng để vang lên trong trái tim sâu thẳm của mỗi chúng ta là:
    “Công danh mua bán không màng thiết
    Phú quí xin cho cũng cóc cần
    Chỉ có nàng thơ đêm ngày biết
    Say đắm hồn ta khúc tri ân”

    Đấy là khái niệm mà MQ hiểu và vận dụng trong khi đọc thơ để cảm nhận, và trích dẫn cho 12 trường hợp tất cả. Nếu TRIANCUOCDOI thấy sai thế nào xin cứ chỉ rõ dùm nhé. MQ xin cảm ơn nhiều và sẵn sàng tiếp thu. MQ vẫn cứ phải nhắc lại rằng mình là dân “ngoại đạo” nên hiểu biết về văn chương thơ phú còn lộ cộ lắm TRIAN ạ.





    Trả lờiXóa
  4. Trong các phép tu từ thì so sánh là dễ nhận biết hơn cả. Nghĩa là người ta đặt sự vật, hiện tượng này trong thế đối chiếu với sự vật hiện tượng kia nhằm làm bật lên một đặc điểm nào đấy của cái muốn so sánh. Giữa hai sự vật hiện tượng thường có các từ so sánh như bằng, là, như. Ví dụ: Em như con hạc đầu đình, Tính tôi là giọt thủy ngân, Con giận bằng con ba ba...
    Hoán dụ là dùng sự vật hiện tượng này để chỉ sự vật hiện tượng kia trên cơ sở giữa hai sự vật hiện tượng có mối liên quan gần gũi hoặc đại diên, đặc trưng. Ví dụ: Một tay gây dựng cơ đồ, Hai cái nón trắng đang nhấp nhô ngoài cổng trường, Một chân sút đã trở thành huyền thoại, Một cây bút thơ xuất sắc...Ở đây những cụm từ Một tay, một cây bút, chân sút và cả hai cái nón nữa đều được dùng để chỉ những con người cụ thể.
    Còn ẩn dụ cũng là dùng sự vật hiện tượng này để chỉ sự vật hiện tượng kia nhưng lại dựa trên cơ sở giuwac hai sự vật hiện tượng ấy có nét giống nhau hay tương đồng nào đó. Vì vậy người ta còn gọi phương pháp ẩn dụ là lối so sánh ngầm. Nghĩa là chỉ nêu ra một đối tương chứ không phải A là, như hoặc bằng B. Ví dụ Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung. Hoặc Thiếp từ ngộ biến đến giờ/ Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa, hay Gặp đây mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?...Ở đây những khái niệm mận đào, vườn hồng, nhị đào, cánh hoa tàn đã được sử dụng theo phương pháp ẩn dụ để chuyển đổi ý nghĩa của bản thân nó thành một hàm nghĩa khác. Phúng dụ cũng gần với ẩn dụ nhưng thường được sử dụng trong các truyện ngụ ngôn hoặc lối thơ trào phúng để đả kích, châm biếm hoặc gây cười. Ngoa dụ hay còn gọi là phóng đại, thậm xưng nghĩa là nói quá lên về sự vật hiện tượng nào đó. Ví dụ Lỗ mũi mười tám gánh lông, Con giận bằng con ba ba...Đó là những điều mà bọn tôi được học mong chị tham khảo thêm

    Trả lờiXóa
  5. À quên, chị tiếp tục đưa chương 3 lên nhé. Có lẽ chị nên cài dặt để nhận xét không cần phải xác minh từ. Cách làm là vào chữ thiết kế ở góc trên cùng bên phải rồi vào cái cà lê và làm theo hướng dẫn không cần xác minh từ. Điều này sẽ tiện hơn nhiều cho ai muốn nhận xét vào trang của chị đó.

    Trả lờiXóa
  6. MQ cảm ơn TRIANCUOCDOI. MQ bị mệt và máy hỏng nên không vào được blog mấy ngày qua. Nay đã chữa được máy nhưng mạng bập bùng, chưa thay được zac cắm bị...cháy dở và dây mạng quá cũ; nên cũng còn bập bùng lắm, lúc được lúc không. Mong TRIANCUOCDOI thông cảm.

    Trả lờiXóa