Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hồi ký NMNC - Chương 3



CHƯƠNG 3.VÀO ĐỜI


                
Thế là chúng tôi kết thúc bốn năm trong trường đại học. MQ ở lại trường, làm giảng viên khoa Toán. Tôi được phân về một cơ quan nghiên cứu khoa học cùng sáu bạn nữa. Chỉ mình tôi là nữ mà không hiểu sao người ta lại cử tôi là đại diện nhóm lên khu sơ tán làm một số thủ tục giấy tờ. Tôi đã đi Thái Nguyên hoàn tất nhiệm vụ này, tới khi trở về nộp hồ sơ thì một ông tổ chức ra nhận rồi bảo: “Được rồi, nhưng chị không về cơ quan này nữa, chỉ có sáu người kia thôi”.Tôi ngỡ ngàng hỏi, ông ta thản nhiên trả lời: “Lý lịch của chị chị biết đấy. Chị chỉ có thể làm việc trong hiện tại, còn về tương lai chúng tôi cần cán bộ nghiên cứu vừa hồng vừa chuyên, mà chị thì không thể phát triển và không đáp ứng được yêu cầu, cụ thể là chị sẽ không được vào Đảng, không được đi làm nghiên cứu sinh, chị hiểu chứ? nên chị cứ về gặp lại phòng tổ chức của nhà trường người ta sẽ giải thích kỹ và phân công chị đi nơi khác phù hợp hơn”.Tôi nghe mà không tin ở tai mình, tôi thấy lý sự này làm sao ấy, nhưng tôi chưa đủ bình tĩnh để hỏi lại, chưa đủ trí khôn để “cãi” lại. Tôi mới hơn 19 tuổi thôi mà và thực tình thì tôi còn ngây thơ lắm lắm. Lí lịch tôi có vấn đề gì mà gay cấn thế nhỉ? Tôi về phải hỏi lại bố và me cho rõ mới được. Thảo nào khi mới vào trường, tôi không được đi tập quân sự để trở thành sĩ quan dự bị! Sao người ta khẳng định được tương lai của tôi? Tôi là một đoàn viên, trong đội ngũ cánh tay phải của Đảng, được đào tạo trong nhà trường Xã hội chủ nghĩa, tôi đang sống hừng hực với khí thế “đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên” đấy thôi. Tôi đã từng say mê ngưỡng mộ tấm gương một cô gái Hà Nội lên miền núi trồng bông tại nông trường lao động với năng suất thật cao, và tôi có thể viết những bài văn trôi chảy đầy sức lôi cuốn khi tả về “cuộc sống mới con người mới”. Không chỉ có viết, suýt nữa khi học năm cuối phổ thông, tôi đã định viết đơn xung phong lên miền núi lao động tại nông trường giống như cô gái ấy, nhưng rồi sợ lên không về thăm gia đình được vì say ô tô (!) nên thôi. Tôi đã lo xa hơi trẻ con nhưng tấm lòng ước nguyện cống hiến thì rất thực. Còn bây giờ, tôi đã là cử nhân Toán, tôi thiết tha ghi cả ba nguyện vọng khi ra trường là dạy Toán trong quân đội, nhưng không được thì thôi, thì tôi làm công tác nghiên cứu bên cơ quan dân sự có sao đâu, vì cớ gì họ nhận rồi lại chối từ?  Tôi về nhà, không ăn không ngủ gì được chỉ khóc một cách bất lực. Nhưng mà thôi, nghĩ lại, nếu lí lịch gia đình có vấn đề gì thì mình không được như các bạn là phải, mình cần tự xác định và chấp nhận đi, mình cần một việc làm bất cứ là việc gì, làm để góp sức vào sự nghiệp cách mạng bởi mình yêu nước và yêu Chủ nghĩa xã hội, có thế thôi. Mình gặp khó khăn thì càng phải phấn đấu nhiều hơn. Mình đã vào Đoàn, rồi sau này có vào Đảng thì chỉ cần  khai lí lịch rõ ràng, chứ có ai yêu cầu lí lịch phải tốt đâu, mình sẽ hỏi các đấng sinh thành cho rõ ngọn nguồn là xong, tôi luôn tự nhủ thầm như vậy. Còn đi nghiên cứu sinh ư, xa vời quá, cứ làm việc bình thường của một anh tốt nghiệp đại học đi đã nào, tôi tự trấn tĩnh. Sau đó tôi gặp phòng tổ chức của trường, tôi chẳng còn lòng dạ nào  nghe xem họ nói gì, mà chỉ nhớ nhất lời dặn thi thoảng phải quay lại để xem đã được phân đi nơi nào chưa.
            Thế rồi tới cả tám tháng trời đằng đẵng, phân đi hết nơi này nơi khác, không đâu nhận tôi. Tôi không thể ngồi không ở Hà Nội để chờ đợi. Me tôi cực kì sốt ruột sao mãi tôi không đi làm. Tôi luôn có cảm giác tôi đang ăn bám gia đình thật tệ hại. MQ không giúp gì cho tôi thoát khỏi tình trạng khủng hoảng này. Tôi đành theo anh Nghiệp lên làm tạm tại Trạm Bò giống Ba Vì, và tôi không cho MQ biết, không thư từ gì hết. Nói là Trạm Bò nhưng tôi không phải lao động gì cực nhọc, mà có cực tôi cũng chẳng sợ. Tôi chỉ tính toán theo thuật toán có sẵn để lập các hàm số tương quan từ đám số liệu rời rạc thu được qua điều tra về đàn bò. Ở đây, tôi đã cùng ăn cơm độn ngô vàng ươm, cùng ở nhà tranh đơn sơ, nhưng không cùng làm với các công nhân của trạm. Họ sống vất vả, nghèo nàn nhưng tốt bụng và chân thành, giản dị. Họ thích nghe tôi hát và tôi dạy họ hát, nhất là bài “Những cô gái mở đường”, đến tận bây giờ còn đôi người vẫn nhớ nhắc về tôi, về cái ngày xưa ấy. Tôi sống và làm việc như một cỗ máy, không lo lắng băn khoăn, không suy nghĩ gì nữa, thậm chí chẳng buồn vì phải xa Hà Nội, xa người yêu. Chỉ còn lại niềm xúc động nho nhỏ mỗi ngày đấy là lúc hát cùng họ, những người anh người chị người bạn người em xa lạ mà bỗng chốc trở nên gần gũi. Có những lúc tôi nhớ MQ nhưng tôi gạt đi ngay, MQ không là tôi, MQ không ở hoàn cảnh tôi, mọi thứ đối với MQ thật đơn giản nhẹ nhàng. Tôi ghen tị, tôi mặc cảm và tự ái không cần sự chia xẻ của bạn. Thật tội nghiệp cho bạn, tôi cứ buồn bã lánh mình đi cho yên thế thôi, khiến MQ lo lắng mà chẳng biết liên hệ với tôi bằng cách nào, có lọ mọ tìm đến nhà tôi thì me tôi không buồn tiếp đâu, và me cũng không biêt cụ thể địa chỉ của tôi.
Những giọt nước mắt đầu tiên
             Rồi cái gì đến sẽ đến. Thi thoảng tôi đáo qua Hà Nội để xem phân công đến đâu. Cuối cùng thì người ta phân tôi về một cơ quan trung ương, tại Hà Nội. Về sau tôi mới biết anh Quy ngày đó là kỹ sư mới học ở Liên xô về, làm trưởng phòng đào tạo máy tính và kỹ thuật tính toán, cần người nên sang Bộ Đại học thấy hồ sơ của tôi là anh xin luôn. Anh còn bảo đảm với Vụ Tổ chức của cơ quan là anh chịu trách nhiệm, anh cam đoan rằng tôi không làm sao cả, học bạ của tôi rất tốt, còn chuyện lý lịch gia đình chẳng có liên quan gì. Vậy là tôi đã có việc làm.Tôi không có lựa chọn nào nữa, ngày đó tôi còn không biết cơ quan của tôi được sinh ra để làm gì, nhưng mặc kệ rồi sẽ biết. Anh Quy là thủ trưởng của tôi trong nhiều năm sau này.
            Những năm đầu về cơ quan, lẽ ra người ta nhằm định đưa tôi về dạy Toán và làm chủ nhiệm một lớp ở trường Trung cấp, cách Hà Nội 30 km. Tôi mất công soạn xong giáo trình thì được biết trường không nhận tôi vì tôi chỉ có thể dạy Toán mà không thể làm chủ nhiệm lớp được vì tôi không phải là Đảng viên, vậy nên phải thay người khác (Trời cao Đất dày ơi sao cứ lặp đi lặp lại cái chuyện ấy với một con bé ngây thơ vô tội như thế?). Chẳng sao cả, ngày ấy không có từ OK, chứ như bây giờ chắc phải OK mạnh. Tôi trao cho người ta giáo trình đã soạn và không bực tức, không vui mừng, không mảy may xúc động.
               Tôi thì như thế, còn MQ dĩ nhiên là yên ổn. Bạn ở lại trường dạy tại khoa Toán, mà khoa Toán thì tiếp tục sơ tán ở Đông Anh. Vậy là chúng tôi cách nhau chừng 20 km. Bạn có một xe đạp nam, bạn bảo tôi dùng để đi làm vì từ nhà đến cơ quan tôi phải xa  7, 8 km. Nhưng tôi nhất định không mượn. Tôi thà đi bộ chứ không chịu “lợi dụng” bạn như thế. Bạn mới là người yêu đã phải là chồng đâu! Thế là ngày ngày tôi đi tàu điện, giũa đường mất điện thì đi bộ.
                 Năm đầu tiên mới đi làm, tôi vẫn ăn cơm ở nhà và me tôi nấu cho. Sáng ra đi làm thì mang theo cặp lồng cơm, trưa về nghỉ nhờ ở một nhà họ ngoại phố Đặng Dung. Năm sau, chỗ làm chuyển xa hơn nên tôi không ăn ở nhà nữa. Buổi trưa buổi chiều đều ăn cơm nhà ăn tập thể gần chỗ làm việc, rồi tối thì vào luôn thư viện đọc sách, khuya mới về nhà. Chủ nhật thi thoảng tôi sang Đông Anh thăm MQ, còn nếu bạn về Hà Nội thăm tôi thì đón ở nhà ăn, không đến nhà tôi chơi nhiều được vì me tôi phản đối dữ lắm. Có lần, MQ đến thì me bảo tôi đi vắng trong khi tôi đang ở nhà. Mỗi lần MQ đón, MQ chở tôi ngồi trên thanh ngang của xe nam, chứ không chịu để tôi ngồi phía sau, để MQ có thể gần như ôm tôi được. Chúng tôi nghênh ngang đi như thế trên các đại lộ khu Ba đình, đôi lúc tôi ngượng lắm nhưng MQ bảo mặc kệ mọi người nhìn, họ có biết mình là ai đâu. Nếu tôi ngồi sau thì MQ lại bảo tôi nắm cái “của quí” ấy mới buồn cười chứ. Tôi vui nhưng rất xấu hổ, và mặc dù chưa biết gì mấy, vẫn lờ mờ thông cảm với bạn, và chỉ cầm một tị rồi bỏ ra ngay.
              Mãi sau, me tôi thấy không thể cản tôi yêu MQ, nên chấp nhận việc MQ rủ tôi đi chơi. Nhưng chúng tôi chỉ được đi một lúc buổi tối và phải về trước tám giờ!. Me tôi giữ gìn cho con gái và không thích MQ nên cứ khó khăn thế, mà chúng tôi buộc phải tuân theo. Trong năm đầu tiên còn ăn cơm ở nhà, có khi ngày nghỉ tôi mời bạn về nhà mình chơi từ sáng, rồi ở lại ăn cơm trưa luôn. Nhưng mỗi lần như vậy tôi khổ vô cùng, vì nhà chẳng có thức ăn gì. Thường me tôi hay nấu canh mướp tự trồng với ít lạc sống giã nhỏ, với một đĩa dưa tự muối, thế thôi. Me tôi nuôi mấy gà mái đẻ, nhưng có trứng thì đem bán chứ không ăn. Nếu tôi muốn rán thêm một đĩa vài quả trứng gà cho bữa  cơm được cải thiện một tị thì tôi phải trả tiền cho quả trứng ấy! mặc dù hàng tháng lĩnh lương 51 đồng tôi đưa me 32 đồng chi tiêu cho việc ăn uống rồi. Tôi gửi bố 10 đồng góp thêm nuôi em Vinh nữa là 42 đồng, tôi còn bao nhiêu đâu trong khi phải tốn tiền tàu xe mua sách vở và đồ lặt vặt nữa. Nói điều này thì ngượng lắm nhưng đó là sự thực. Khi còn nhỏ, tôi không hiểu, nhưng càng lớn lên càng thấy me tôi rất mê tiền và say sưa kiếm tiền, nhiều khi đến mức vô lí, mất cả tình cảm. Khi trông cháu cho chị tôi, hàng tháng chị phải đưa biếu me tiền riêng, mặc dù chị khó khăn lắm, anh rể tôi công tác xa nhà; nếu chậm đưa là me khó chịu ngay, thi thoảng còn dằn hắt nữa. Tôi không biết các chị nghĩ sao, chứ tôi từ bé lớn lên chỉ biết có me, tôi yêu quí me biết chừng nào, dù không được me vỗ về trìu mến. Tôi không thể hiểu được sao me tôi hay tính toán thế. Hay là me quen tính toán trong buôn bán nên cuộc sống thực bị ảnh hưởng. Tôi tự thắc mắc một mình, tôi bé thế mà bao lâu rồi, làm được đồng nào tôi đều đưa me cả, vậy mà bây giờ lớn lên, họa hoằn lắm tôi mới muốn có thêm vài quả trứng gà vì có “khách” là người yêu mình, sao tôi phải đưa tiền thêm? Ôi giá như tôi không có người yêu đến chơi nhà thì tôi chả phải lo nghĩ về bữa ăn mời bạn, tôi không dám kể cho bạn, chỉ tránh né thôi, chả phải tôi tiếc tiền đưa thêm cho me, mà là cứ mỗi lần vậy tôi không sao chịu nổi cái cảm giác đau đớn, tủi hờn, và trong tôi nảy sinh rất tự nhiên sự thèm khát tình cảm đến điên cuồng đồng thời căm ghét đồng tiền một cách dễ sợ.
            Rồi cái sự căng thẳng ấy dần được nguôi ngoai bởi càng lớn lên, tôi có một cách nhìn khác, nhận thức khác. Đó là, me tôi do không có con, nên luôn mặc cảm. hay bị người đời dèm pha rằng me không thể trông cậy vào con chồng được, vì vậy me tôi  phải chi li chắt bóp vun vén cho mình mà phòng thân sau này khi về già! Tôi thấy thương me quá chừng, và trăn trở hoài rồi giải thoát nỗi đau bằng cách trách thầm bố tôi lấy vợ lần thứ ba để me tôi càng mặc cảm và khổ sở nên mới thế. Nhưng rồi tôi vẫn thương bố, và rất thương me nữa, có điều trong tôi không lúc nào yên. Cứ mỗi lần ở cơ quan, nghe đồng nghiệp kể chuyện về mẹ mình ở quê dành dụm chắt bóp từng tí một cho con cái, cứ mỗi lần 8/3 họ nhắc về thăm mẹ là tôi lại chạy lảng ra ngoài khóc thầm một mình. Không hẳn tôi nhớ mẹ tôi vì bà ra đi quá sớm, mà tôi chỉ tủi thân thôi. Chính bởi vậy, cùng với những khó khăn mà tôi gặp phải khi mới bước vào đời, từ chuyện lí lịch, phân công công tác, chuyện đi làm những năm đầu tiên vất vả mà buồn tẻ, tuổi trẻ và sự ngây thơ trong sáng của tôi không còn bình thường nữa.
             Tôi mắc bệnh đau đầu dữ dội từ những ngày này, và chịu đựng căn bệnh đó liền trong hai mươi năm, không có cách gì chữa nổi. Bên ngoài, không ai ở cơ quan biết bởi tôi dấu, tôi luôn tỏ ra là người bình thường, tôi  luôn gồng mình lên để làm việc thậm chí còn quá sức. Tôi luôn tâm niệm rằng mình là nữ, nhưng không được thua kém các đồng nghiệp nam trong chuyên môn, không được để cho bất kì ai coi thường và thương hại. Lí lịch gia đình tôi có thể không tốt như các bạn, nhưng sự giác ngộ cách mạng và thái độ lao động cùng hiệu suất công việc thì chưa biết ai sẽ hơn ai.
            Tôi sống căng thẳng vậy đó, nhưng may tôi có MQ rất yêu thương, hiểu tôi, và trong cuộc sống vợ chồng  sau này, anh đã truyền sang cho tôi lối sống rất lạc quan, suy nghĩ giản đơn hơn. Anh khuyên tôi, đừng mệt mỏi vì chuyện lí lịch, hãy cứ sống và làm việc thật tốt. Trong gia đình, đừng giận me mà phải nhìn vào những gì căn bản và tốt đẹp nơi me, đó là me chăm chỉ và rất yêu lao động, cả đời me nuôi con, rồi nuôi cháu, me có được hưởng hạnh phúc từ cuộc sống vợ chồng đâu, và phải chịu nỗi bất hạnh lớn vô cùng, đó là không sinh nở lần nào. Tôi thầm biết ơn MQ đã chia xẻ, và xác định được mình phải tận tụy hơn với bất kì nhiệm vụ nào cơ quan-tức là cách mạng-giao cho. Trong tình cảm, cần độ lượng, yêu thương me nhiều hơn, và hi vọng qua cuộc sống thực tế me sẽ hiểu tôi và không có khoảng cách nào ngăn trở mẹ con tôi nữa. Tôi không định hình thật rõ ràng mơ ước của mình, nhưng cuộc sống sự nghiệp của tôi, thái độ, cách cư xử và tình cảm của tôi trong cả cuộc đời sau này, nói lên rằng, tôi mơ ước và thực hiện được mơ ước: Me tôi hoàn toàn không còn mặc cảm gì và đã yêu thương tôi tuyệt đối cho tới ngày me về cõi vĩnh hằng, thọ 94 tuổi.
Và sau nhiều năm, tổ chức Đảng nơi tôi làm việc đã tìm hiểu lại chi tiết và vẫn kết nạp tôi vào Đảng, không đúng như lời “tiên tri” của ông làm tổ chức nọ. Về những nỗi buồn đối với me, những trang sau này tôi sẽ tránh và ít nhắc đến, bởi tôi không muốn thêm đau lòng, và chỉ muốn nhớ về những điều tốt đẹp mà thôi.
Tình người            
           
Bây giờ tạm gác chuyện MQ và gia đình tôi để nhớ về bạn bè và công việc ở cơ quan đã. Vào thời gian này, cơ quan tôi nhận nhiều người ở khoa Toán trường tôi lắm, họ về trước tôi hai, ba năm, sau mới có thêm hai bạn ở khóa sau tôi. Trong số đó, chỉ mình tôi là nữ, và anh Hoàng Thư là người đặc biệt hơn cả. Tôi biết nhưng chưa quen anh từ khi còn học năm thứ nhất ở trường đại học. Anh học trước tôi hai năm. Anh bị tật từ nhỏ, gù cả lưng và cả ngực, người thấp bé và khi nói thường phải thở dường như mệt lắm. Anh ở Hà Nội lâu rồi, nhưng quê gốc ở tỉnh khác. Suốt từ nhỏ, anh toàn tự học. Vào Đại học Tổng hợp là lần đầu tiên anh đến trường, anh thi kiểu thí sinh tự do mà. Anh học giỏi lắm, đặc biệt các môn Toán trừu tượng. Anh giỏi tới năm ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung và Tây ban nha, và thường chuẩn bị bài giảng cho thủ trưởng trình bày ở các cơ quan. Anh làm quen với tôi mỗi khi vào thư viện cơ quan đọc hoặc mượn sách. Nhưng làm quen không phải để nói những lời tử tế mà là để công kích tôi, rằng tôi học Toán Phương pháp tính mà làm gì, đó không phải là Toán; rằng tôi học và dạy kỹ thuật tính toán, dạy dùng bàn tính gẩy thủ công, máy tính quay tay, máy cơ điện chạy xoành xoạch, rồi sau này đến cả lập chương trình chạy máy tính điện tử đèn nhấp nha nhấp nháy cũng chẳng để làm gì, đó là những thứ phù phiếm vớ vẩn.Tôi chẳng hiểu sao anh như vậy, nhưng tôi không bao giờ bực mình tức giận anh cả. Tôi chỉ thấy thương anh lắm vì anh giỏi mà bị tật nguyền quá nặng. Rồi một vài người khác kể với tôi rằng, anh cũng trêu chọc người ta kiểu như thế, khiến người ta ghét quá, nhiều khi chỉ muốn túm ngực hay lưng anh kéo lên cho hả giận. Ôi nghe mà kinh cả người. Về sau, khi tôi và anh thân nhau hơn, anh mới giải thích cho tôi nghe rằng anh bị mặc cảm. Anh luôn cảm thấy mọi người sẽ nhìn anh bằng con mắt coi thường, chế nhạo, hoặc có khá hơn thì chỉ thương hại thôi, nên anh phải chủ động trêu tức mọi người để khi tức điên lên có khinh ghét anh thì họ vẫn là kẻ bị động!        
            Anh kể tôi nghe một chuyện buồn. Có một lần tết đến, sắp tới đêm giao thừa, anh ra hồ Hoàn Kiếm một mình. Đang đi trong dòng người náo nhiệt, bỗng anh trông thấy đi ngược về phía mình là hai vợ chồng người anh trai cùng một số bạn bè cùng đi đón giao thừa. Khi sát lại gần nhau, vợ chồng người anh vẫn chuyện trò vui vẻ bình thường với bạn và coi như không nhìn thấy anh, không biết anh là ai cả. Anh tủi thân quá. Anh nghĩ rằng anh chị đã không dám hỏi mình một lời vì ngượng với bạn bè có người em tật nguyền xấu xí như anh. Thế là từ sau cái tết ấy, anh không bao giờ đón giao thừa ở hồ Gươm nữa, chỉ lững thững đi bộ một mình qua những phố nhỏ và vắng vẻ của Hà Nội, đi mà chả biết đi đâu và đi làm gì. Anh đi chậm rãi nhưng nhìn thẳng, không bao giờ dám ngó vào trong nhà người ta, sợ bắt gặp đôi vợ chồng hay cặp tình nhân nào vui vẻ âu yếm nhau, hay những đứa trẻ bụ bẫm đáng yêu đang quây quần bên bố mẹ chúng. Tôi nghe mà nước mắt chảy ròng, nhưng phải cố nén và che dấu đi, và ngay lúc này tôi vẫn không chịu nổi vì thương anh Thư quá chừng.
            Anh sống với bố mẹ anh ở ngôi nhà thuộc một trong những phố sầm uất nhất của Hà Nội. Nhưng gia đình anh ở phía bên trong, còn bên ngoài là cửa hàng của người khác. Anh mời đến chơi, tôi tới và bố mẹ anh mừng lắm. Ông bà rất buồn và thương con. Ông bà dặn tôi chịu khó đến chơi với anh, ở nhà anh không bao giờ nói chuyện với ai cả, cứ lầm lũi đi về một mình thôi. Anh là con út, các anh chị khác cao lớn, rất đẹp và đều có tài. Tôi thực lòng muốn đến thăm anh nhiều, nhưng ngại người yêu không bằng lòng, nên mỗi lần đến cứ như đi trốn mặc dù MQ có biết đâu. Mỗi lần đến, tôi đạp xe đạp vội vàng suốt quãng đường gần bốn km từ nhà tôi đến nhà anh. Tôi dấu cả me tôi nữa. Có một lần, tôi còn mua vé xem phim mời anh đi xem tại rạp chiếu phim đẹp nhất của Hà Nội. Tôi hẹn anh chờ tôi ở vườn hoa Mê Linh đối diện hồ Hoàn Kiếm. Tôi muốn anh bớt đi một phần mặc cảm, tôi muốn trước mắt mọi người, anh vẫn có bạn gái đi chơi rồi đi xem phim hẳn hoi. Nhưng thật khổ cho tôi và cho anh, hôm đó người ta chiếu một bộ phim hài của nước ngoài có cảnh bữa tiệc xuất hiện một anh hề giống hệt diện mạo của anh. Tôi mua vé là tình cờ đâu có biết chiếu phim gì. Tôi chỉ muốn anh vui thôi mà. Tôi nhắm mắt lại, tôi xấu hổ và thấy mình thật có lỗi với anh. Tôi bảo anh đi về sớm, chúng tôi ra khỏi rạp ngay sau đó. Mặc cho anh nghĩ sao, tôi chỉ im lặng trong một nỗi buồn khủng khiếp. Anh cũng im lặng. Và thế là từ sau đó, không bao giờ tôi dám đưa anh đi đâu để xem gì nữa. Tôi sợ vô tình làm tổn thương anh thêm.
                Những lần ít ỏi gặp tôi, anh vẫn thế, vẫn một giọng bông đùa diễu cợt trêu tôi, nhưng tâm tư thầm kín của anh thì trải dài theo những lá thư dày đặc chữ nhỏ li ti gửi tôi theo đường bưu điện hoặc đưa trực tiếp. Anh đã thầm gọi tôi: “Kim Thư ơi, anh muốn gọi em ngàn lần, người bạn cùng tên mà anh mến thương,…”, rồi anh viết hoài bằng một thứ ngôn ngữ tình cảm đặc biệt, đầy triết lý khó hiểu nhưng không kém phần lãng mạn. Anh đọc nhiều tiểu thuyết quá, anh biết lắm thứ mà tôi không biết. Tôi chỉ cảm nhận đuợc ở anh một tình thương yêu cháy bỏng cuồng nhiệt nhưng luôn luôn phải ghìm mình lại. Tôi càng thương anh nhưng sợ anh nữa, mặc dù chưa một lần nào anh dám cầm tay tôi. Tôi luôn kể cho anh nghe về MQ, rằng chúng tôi đang yêu nhau và sắp cưới mặc dù biết rằng như thế làm anh buồn hơn. Tôi không muốn dấu để anh hy vọng thêm tội nghiệp. Tôi nói chuyện với anh thì như vậy, trong khi đêm đến, tôi mơ thấy tôi sẽ lấy anh chứ không phải lấy bạn mình. Thật là kỳ lạ nhưng đấy là sự thật. Tất nhiên tôi chẳng bao giờ dám nói cho người  yêu nghe về những giấc mơ đó. Cho đến tận bây giờ đôi lúc tôi cứ tự hỏi mình, chẳng lẽ trong con người ta, có những phút tình thương người còn mãnh liệt hơn cả tình yêu sao???
               Trước mắt anh, tôi là người bạn gái nhỏ mà anh đem lòng quí mến  yêu thương, nhưng là một người cực kì khó hiểu. Anh luôn ngạc nhiên và tìm mọi cách để hiểu, vì sao tôi là một cô gái mới lớn lên, học hành tử tế, ra trường đi làm, có người yêu khá sớm, vậy mà tôi lúc nào cũng đăm chiêu, buồn bã. Tôi chỉ vui cười tí chút mỗi lần mang đến cho anh một quả mận thật to mà tôi đã lau bóng nó hàng giờ, hoặc dúi vào tay anh mấy cái kẹo cực kì ngon, cứ như là còn trẻ con lắm ấy. Bởi lẽ, những nỗi buồn của tôi, tôi có bao giờ kể cho anh nghe đâu. Tôi chỉ nghĩ là anh bất hạnh, bất hạnh lắm, nên tôi thương anh và là bạn của anh. Anh cần biết làm gì những nỗi buồn vớ vẩn của tôi? Tôi thân với anh, hi vọng rằng anh đỡ buồn và đỡ cô đơn. Tôi luôn khích lệ anh, nói với anh rằng mọi người đều tôn trọng anh, anh đừng xa lánh và hãy gắng hòa mình với họ, như thế anh sẽ cảm thấy đỡ khổ và cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Anh vẫn chơi với tôi, nhưng dường như lúc nào anh cũng hoảng sợ khi nghĩ đến cái ngày tôi đi lấy chồng, có lúc không kiềm chế được thậm chí anh còn thổ lộ “chả lẽ anh lại cầu mong cho em …bất hạnh (?), để anh có thể thương em nhiều hơn...”
             Và cứ thế cho tới ngày tôi và MQ cưới nhau thật. Tôi không dám nói trực tiếp với anh, tôi chỉ gửi thiếp cho anh rồi đi ngay. Sau đó, tôi nhận được thiếp gửi trả lại qua đường bưu điện, và tất nhiên anh Thư đã không có mặt trong đám cưới của tôi. Thế là từ đó, anh không gặp gỡ và chuyện trò gì với tôi nữa. Nếu có nhìn thấy nhau trong cơ quan, anh quay đi lảng tránh, anh coi như chưa quen tôi bao giờ. Và phải như thế sau 12 năm, anh mới gửi một lá thư xin lỗi tôi vì hành động “trẻ con” của mình, và đề nghị nối lại quan hệ bè bạn với tôi. Thực ra anh chẳng có lỗi, có lẽ trong chuyện này tôi có lỗi nhiều hơn, tại sao tôi không thể nói gì với anh mà gửi cái thiếp như thế trong khi tôi quá biết rằng anh không thể nào đến dự được? Nhưng thôi tôi không dám nhắc gì đến chuyện đã qua, tôi lại thăm anh hàng tuần, kể anh nghe các con tôi lớn bao nhiêu mỗi khi anh hỏi; nhưng hầu như tôi không đi một mình, mà cùng một bạn gái đến thăm anh. Anh đã chuyển sang cơ quan khác, tâm tính anh đã đổi thay nhiều, anh không còn trêu chọc mọi người nữa. Anh còn tự nguyện xin gia nhập và đã vào Đảng, rồi anh làm công tác quản lí chứ không đơn thuần nghiên cứu. Mỗi lần đến chơi, anh không muốn nghe tôi cáo từ ra về, chỉ cần hơi thấy tôi có biểu hiện sắp đứng lên là anh nói tiếp sang chuyện khác. Tôi hiểu và rất thương anh, nhưng vui vì anh cứng rắn hơn xưa. Về sau con tôi lớn, tôi dắt chúng đến thăm bác luôn. Chỉ mỗi tội không dám đưa chồng đến thôi. Nhưng tôi không dấu MQ, tôi thường kể mỗi khi tôi đến thăm anh Thư. Chỉ có những bức thư đốt dần theo thời gian là chồng tôi không biết.
              Anh đã mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.Thật ra anh ốm đã lâu nhưng dấu không cho tôi biết. Tôi thì bận ở cơ quan và bận cả việc nhà nữa, lâu chưa đến thăm, nên không biết anh  nằm bệnh viện. Tới khi nặng lắm rồi và hình như biết mình không qua khỏi anh mới nhờ bạn bè nhắn tìm tôi. Tôi đến thăm anh ngay khi nhận được tin, anh vẫn còn tỉnh táo và ngồi dậy được. Tôi làm một cốc cam vắt rồi xúc từng thìa một cho anh. Anh uống hết và tỏ ra rất vui, anh còn hỏi thăm tôi công việc ra sao nữa. Tôi ở đó đến 10 giờ đêm mới về, không ngờ đó là lần gặp cuối cùng khi anh còn tỉnh. Sáng sớm hôm sau trước khi đi làm tôi ghé qua bệnh viện thì bác sĩ bảo anh đã hôn mê sâu từ đêm chuyển sang phòng cấp cứu rồi. Từ đó ngày nào sau khi ở cơ quan về, tôi đều đến thăm và chăm sóc anh cùng với người thân trong gia đình anh. Tôi cũng nói để chồng tôi biết tình trạng của anh Thư và việc tôi qua thăm anh ấy luôn. MQ biết tôi quí anh Thư nên không tỏ ý phiền hà gì cả.
           Anh Thư đã hôn mê và lẫn lộn chả biết gì. Tuy nhiên khi tỉnh lại, anh có vẻ nhận ra tôi, nhưng không nói được chỉ gật gật đầu. Lúc anh mất, trong đám tang anh, hình như tôi là người khóc nhiều nhất. Cả cơ quan không thể hình dung được tôi và anh thân nhau từ bao giờ, và vì sao tôi xúc động đặc biệt đến thế. Rồi thời gian cứ trôi nhanh vùn vụt, bao nhiêu đổi thay đến với cuộc đời tôi. Nhưng tôi không bao giờ quên được hình bóng một người bạn lớn  bị tật nguyền về thể xác nhưng trí tuệ, tâm hồn thì thật tuyệt vời và nghị lực phi thường hiếm có. Thi thoảng tôi vẫn đến thăm mộ anh tại một vùng đất trồng hoa của Hà Nội, và trong gió nhẹ lay động những cánh hoa đủ màu khoe sắc thắm, tôi vẫn nghe vẳng đâu đây tiếng gọi của anh “Kim Thư ơi, anh muốn gọi em ngàn lần, người bạn cùng tên mà anh mến thương…” nghe để cảm nhận đến tận cùng  trong cái vô biên thinh lặng tình người.
Mệt mỏi.
             Trở lại chuyện tôi đi làm ở cơ quan trung ương đây. T
ôi về công tác tại  phòng Đào tạo thuộc một Cục Kĩ thuật. Phòng chỉ có ba anh em: anh Quy trưởng phòng, anh Hữu cùng học Đại học Tổng hợp trên tôi ba năm và tôi. Sau mới có thêm hai bạn nam học sau tôi một khóa. Những ngày mới đi làm, tôi buồn lắm. Trưởng phòng Quy đưa tôi một đống tài liệu đọc để hiểu những nguyên tắc làm việc của cơ quan, tính chất mật và tuyệt mật của số liệu, chứ chưa làm gì cả. Hàng ngày tôi đọc, một lát lại nghỉ giải lao chạy ra cửa sổ tỏ vẻ ngắm xuống đường nhưng thực ra là để khóc. Tôi nhớ trường lớp, nhớ bạn, nhớ người yêu. Tôi không thích hợp ngay được với cái lối “sáng xách ô đi tối xách về” kiểu công chức viên chức nhà nước này. Anh Hữu mới quen mà đã có cảm tình ngay với tôi và tán luôn thật bạo dạn. Tôi ngại quá đành tông tốc kể rằng tôi đã có người yêu chính thức rồi. Anh ấy bảo “Kệ, thứ nhất cự li thứ nhì cường độ”. Tôi buồn cười và “kệ ” thôi. Nói vậy chứ các anh đều lớn tuổi hơn tôi và là người tử tế, thấy cô em “cứng” quá cũng “cho qua”, chỉ thi thoảng gửi thơ lục bát tán vui vẻ trêu đùa “Bát đũa còn có khi xô, Sao Thư giận mãi đến giờ chửa nguôi”, nhìn tôi và tủm tỉm cười.
             Thế rồi tôi chuẩn bị giáo trình dạy Toán, đến khi bị từ chối thì bàn giao cho anh Ngọc - mới chuyển từ miền núi về, vốn cùng khóa học với anh Hữu. Rồi tôi nhận công việc mới. Phải tự thấy rằng thần kinh mình rất vững nên tôi mới nhận nhiệm vụ mà không có phản ứng gì. Đó là tập gẩy bàn tính gỗ và soạn bài để đi phổ cập sử dụng nó trong công việc tính toán. Chả là cơ quan tôi được giao nhiệm vụ tổ chức cơ khí hóa và tự động hóa công tác tính toán trong các ngành kinh tế quốc dân, mà thời bấy giờ làm gì có máy móc đâu, toàn tính nhẩm, tính tay viết trên giấy thôi, nên trong kế hoạch dài hạn nặng nề được giao phó, thoạt tiên chúng tôi phải triển khai công cụ tính toán thô sơ nhất đã, đó là bàn tính gẩy. Những ông lang bán thuốc bắc lâu nay thường dùng bàn tính gẩy 7 viên bi . Nó được chia ra thành hai phần, phía trên mỗi gióng có 2 viên bi, phía dưới có 5 viên bi. Giá trị của viên bên dưới là 1 thì viên trên là 5. Anh Quy trưởng phòng tôi cải tiến bàn tính này thành bàn tính 5 viên, tức là mỗi gióng chỉ có 5 viên, phần trên có 1 viên giá trị 5, phần dưới có 4 viên mỗi viên giá trị 1, khi gẩy thì đặt bàn tính ngược với kiểu cũ, và gẩy bằng cả mười ngón tay, không mổ cò. Bàn tính này được gọi là “bàn tính cải tiến” và cần được phổ biến rộng rãi, nó tốn ít vật liệu hơn, mà gẩy nhanh hơn. Tôi là người được giao nhiệm vụ tuyên truyền, đào tạo các thầy (oách quá!) rồi các thầy tiếp tục đào tạo phổ biến nhân rộng. Tôi phải đi kiểm tra đôn đốc phong trào trong ngành mình và khích lệ các ngành bạn. Thực ra hai bạn nam phòng tôi đều được phân công cùng làm công việc như tôi, nhưng họ dứt khoát chối từ, nên về sau được phân công việc khác. Lúc đầu tôi thấy là lạ, làm sao mà học Tổng hợp Toán lại ra làm cái việc vớ vẩn này. Nhưng thôi thì cách mạng cần việc gì làm việc đấy, mà suýt nữa chả có cơ quan nào nhận thì mình còn sống dở chết dở ấy chứ. Thế là tôi trổ hết mẹo vặt để làm sao gẩy nhanh nhất, rồi còn lí sự để nhân để chia để khai căn nữa. Tất nhiên là có sự gợi ý chỉ đạo của anh Quy. Có một lần tôi lọ mọ đọc được ở đâu một cuốn sách nhỏ nói là từ lâu lắm rồi người Nhật đã thay đổi bàn tính cũ thành bàn tính 5 viên y trang. Tôi băn khoăn, thế trưởng phòng của tôi có đọc được để biết vậy mà vẫn nhận bàn tính cải tiến là của mình không, nhưng tôi sợ không dám hỏi, sau rồi tôi nghĩ có thể những ý sáng tạo là trùng lặp, nên thôi cho qua, và cứ việc mình mình làm thế thôi.
            Tôi nhớ lại, khi mở những lớp giảng đầu tiên, học trò của tôi toàn là cán bộ cự phách trong “làng” tính toán, có người đã thạo bàn tính cũ rồi, có người chưa. Khi tôi giảng, mấy anh đàn ông bàn tán chỉ trỏ rồi cười tôi, không chăm chú nghe gì cả. Tôi chợt nhớ, bố tôi kể khi ông đi dạy học lần đầu tiên ông mới có 18 tuổi, lúc vào lớp, học viên không ai thèm đứng lên chào, ông bực lắm. Hôm sau ông nghĩ ra mẹo là vừa vào lớp ông đã vẫy tay “cảm ơn cảm ơn các anh chị ngồi xuống” thế là người ngồi bàn trước tưởng người ngồi bàn sau đứng lên chào, cũng đứng lên. Cứ như vậy, cuối cùng mấy bữa sau dần dần cả lớp đứng lên chào nghiêm chỉnh. Bấy giờ tôi không ở trong tình trạng ấy, nhưng cần vận dụng ngay, phải lấy độc trị độc mới được. Tôi vừa giảng vừa nhìn xoáy thẳng vào mấy ông tướng này, nhìn không rời mắt dù chỉ một giây. Thế là mấy chàng đâm ngượng, liếc sang chỗ khác, sau không dám nói chuyện nữa. Rồi khi giảng tôi đưa ra những ví dụ vui vui và biểu diễn động tác cải tiến, tôi ra bài tập mọi người làm và so sánh đáp số, thế là cả lớp đều chăm chú nghe chăm chú gẩy, quên hẳn chuyện cười cợt cô giáo trẻ ranh. Có một lần đi tuyên truyền bàn tính gẩy cải tiến tại phòng kế toán của một Sở, mấy cha kì cựu có vẻ khó chịu, mình già đời làm kế toán gẩy bàn tính rõ thành thục mà bây giờ con ranh này lại bảo bàn tính mới tốt hơn, tính nhanh hơn. Đã vậy thì thi cho nó biết tay, cho nó hết nói phét đi. Thế là họ đưa ra một trang số liệu dày đặc cần cộng. Họ cử một đại diện gẩy bàn tính nhanh nhất để thi với tôi. Thật sự tôi bất ngờ, thấy hoảng, nhưng không thay đổi được tình thế. Tôi đành cố làm thật bình tĩnh. Tôi và anh ta bắt đầu thi có mọi người chứng giám. Tiếng lách tách của bàn tính anh ấy gẩy rộn ràng, vì anh ấy gẩy mạnh, và do dùng bàn tính gẩy cũ thường có những động tác thừa. Còn bàn tính của tôi không phát ra âm thanh mấy nhưng nhìn vào sẽ thấy tôi gẩy uyển chuyển hơn bởi dùng nhiều ngón tay. Kết quả thật bất ngờ, tôi hoàn thành xong trước ít phút, còn kết quả thì hai người giống nhau. Thật hú vía. Do kết quả ấy mà họ mới tiếp tôi và bàn bạc cẩn thận, không tỏ ý khó chịu nữa.
               Tôi cứ đi lang thang Sở này Sở nọ, rồi Cục nọ Cục kia, và đi cả các tỉnh. Có lần tôi đi Nam Định và Thái Bình. Vì say ô tô, nên tôi đi tàu hỏa đến Nam Định, mở lớp dạy ở đó, kết thúc lớp là buổi chiều sẩm tối, xong đi bộ tiếp sang Thái Bình mặc dù đường dài tới 18 km. Bao nhiêu xe khách vụt qua dừng đón tôi, nhưng tôi lắc đầu từ chối. Tôi đi bộ quen rồi, từ nơi sơ tán, trên đường về Hà Nội tôi đi bộ 40 km cơ mà, nay có 18 km ăn nhằm gì. Tôi đi nhanh lắm, và xuất hiện ở Thái Bình khoảng hơn tám giờ tối. Mọi người ngạc nhiên sao tôi đến cơ quan vào giờ này.
                 Cục trưởng Thái Bình rất quan tâm đến cô giáo từ trung ương về mở lớp bàn tính gẩy cải tiến và kĩ thuật tính toán. Ông ghé vào nhà ăn, thấy tôi ăn xuất cơm tập thể chỉ có đĩa rau muống luộc nhỏ và mấy miếng đậu phụ kho xuông, ông bảo nhà bếp từ hôm sau phải bổ xung cho tôi thức ăn. Vậy là sau đó bữa nào tôi cũng được phát thêm một đĩa tôm gạo rang, mặn ơi là mặn. Dù sao tôi rất biết ơn Cục trưởng, và kỉ niệm này tôi không bao giờ quên.
           Có một buổi trưa tôi được báo mời dự bữa cỗ ở nhà dân, tôi không kịp biết lí do, cứ đến là đến thôi. Tới nơi, người ta chỉ cho tôi một cái màn mắc xùm xụp lên một cái chiếu đôi và bảo tôi chui vào đó. Màn là màn cũ ngày xưa màu xám xịt nên từ ngoài tôi không nhìn thấy gì cả. Tôi lật màn chui vào thấy sừng sững năm ông đàn ông đang ngồi quanh mâm cỗ. Tôi giật cả mình, xong buồn cười quá vì mọi người giải thích là phải ăn cỗ trong màn vì nhiều ruồi! Một buổi tối khác, tôi được mời ăn mít. Bọn trẻ đang ngồi ăn mít la liệt dưới đất, bóc từ nhiều miếng bà chủ nhà bổ sẵn. Thấy thế, tôi ngồi xà xuống cùng ăn với bọn trẻ. Bà chủ nhà la lên “cô giáo ơi chúng nó bẩn lắm, tôi đang bóc mời cô đĩa riêng đây này!”.”Ôi không sao chị ạ, em ăn với các cháu cho vui”. “Cô giáo bình dân quá nhỉ?”. He he tôi thầm nghĩ, chị ơi mít là thứ em thích nhất trong các loại hoa quả, và khả năng ăn của em là vô tận. Em vốn bình dân thì đúng rồi nhưng chị làm sao biết được em ăn với các cháu vừa được tiếng dễ hòa đồng, vừa ăn được nhiều ai biết đấy là đâu, lát nữa chị bóc xong em ăn thêm mấy miếng nữa, chứ em ngồi đợi đĩa mít của chị rồi em ăn hết cả đĩa to tướng như vậy thì còn ra thể thống gì nữa chứ. Tôi gian đến vậy là cùng.
                  Phải mất gần hai năm tôi đi rong ruổi khắp nơi như thế, lúc thì dạy ở Hà Nội, và xung quanh Hà Nội. lúc thì đi xa. Tôi bận mải và gắng quên những buồn chán.  Tôi đi tìm niềm vui ở mỗi lớp với những học viên đa phần lớn tuổi hơn tôi. Tôi dần vui lên khi biểu diễn gẩy bàn tính nhanh nhẹn uyển chuyển trước sự chăm chú của mọi người. Tôi không còn thời gian để ý xem có bao nhiêu con mắt thán phục quí mến, bao nhiêu con mắt chán nản và chế giễu. Tôi nhận ra khả năng thuyết trình có phần lôi cuốn của mình. Chả trách khi ra trường, ông Trời cứ xui khiến tôi ghi cả ba nguyện vọng là “dạy học”, nhưng có ai phân công vậy đâu. Bây giờ thì tôi đang dạy học đấy thôi, còn yêu cầu đòi hỏi gì nữa?
                  Những ngày làm việc ở Hà Nội, tôi rất chăm vào thư viện đọc sách, đọc cho quên bớt nỗi buồn rằng mình học đại học Toán mà đi gẩy bàn tính cộng trừ nhân chia, lại đi giảng vài cái kĩ thuật tính toán làm tròn số gượng gạo, rằng luôn phải gồng mình lên những là hoàn thành bất kì nhiệm vụ nào được giao, vân vân và vân vân. Nhưng rồi tôi tự so sánh, anh Quy đi học bao năm ở nước ngoài về mà chỉ nghiên cứu bàn tính gẩy cải tiến, thì mình học trong nước đi triển khai phổ biến cái công trình sáng tạo ấy là may lắm rồi còn gì nữa?Và càng về sau tôi càng tự trấn an rằng, mình đang làm một công việc rất có ý nghĩa đó là giúp cho mọi người có thói quen tính toán bằng công cụ thô sơ rẻ tiền, nhưng không mệt mỏi dễ sai như khi tính nhẩm thủ công. Đấy là cố vậy thôi, còn thì trong thực tế, phong trào có được lan rộng lắm đâu, ai quen dùng bàn tính gẩy cũ thì cứ cũ mà dùng, ai chưa biết thì tập dùng nhưng không dễ kiên trì làm quen được. Về sau, phong trào tạm lắng xuống nhường chỗ cho máy tính quay tay Nisa, Phi Ngư thịnh hành, vì dễ sử dụng. Đến bây giờ, tôi còn giữ ấn tượng khó quên vui vui là lạ của ngày xưa, đó là mỗi khi bắt gặp bàn tính gẩy cải tiến xinh xinh, phân màu từng ba gióng một, nằm ngay ngắn trong một số cửa hàng mậu dịch, được bán thoải mái không phải cung cấp, phân phối gì.
           Vậy là tôi đã miệt mài với công việc tưởng chừng rất tẻ nhạt và vô lí gần hai năm trời. Ngày ấy, sau 18 tháng thực tập là được vào biên chế chính thức. Tôi được duyệt ngay biên chế vì luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều khi Cục trưởng giao thẳng cho tôi (không qua phòng) viết đủ loại công văn giấy tờ gửi đi các ngành, địa phương và mỗi khi trình lên, ông không đọc kí luôn và chỉ nói đúng một câu “tôi kí đây còn cô thì chịu trách nhiệm nhé”. Lúc đầu, tôi ngớ ra tưởng Cục trưởng nói đùa hóa ra thật. Kể cũng vui. Lãnh đạo “tín nhiệm” thế chỉ tội ông không nhớ tăng lương tôi khi đến hạn, và sau này chỉ một câu “tôi xin lỗi, tôi quên không đề nghị nâng lương nên cô thiệt thòi”. Ngày ấy, tôi chả nghĩ gì, nhưng sau này, cuối đời rồi, khi họp lớp cũ với các bạn, mọi người hỏi lương, tôi nói, thì chả ai tin, cứ khoát tay bảo tôi nói dối, làm gì có chuyện lương thấp thế. May mà tôi “ghét” tiền nên tăng hay không tăng lương chả có gì quan trọng!
               Ấy, lương không quan trọng mà một cái phiếu ăn tập thể lại quan trọng. Nó làm tôi khốn đốn cả năm trời. Số là thế này, năm đầu đi làm tôi ăn cơm nhà, năm sau ăn ở nhà ăn gần cơ quan. Một tháng nộp 18 đồng, cùng với tem gạo 13 kg. Nhà ăn phát các phiếu ăn từng bữa. Nếu bữa nào không ăn thì đến báo trước và người ta đóng dấu vào phiếu, rồi cuối tháng thanh toán tiền, và nhận lại phiếu lương thực tương ứng. Tem lương thực này có thể dùng để đổi lấy bánh mì rất rẻ. Một lần, tôi đi công tác vắng, quên không báo trước cho nhà ăn. Khi về, sực nhớ nên tôi đến, định trình bày vì công tác gấp chưa kịp báo cắt cơm, mong họ thông cảm mà đóng dấu cho cái phiếu ăn. Nhưng nhìn quanh căn phòng, chả có ai ở đó. Thấy sẵn con dấu, tôi liều mạng đóng béng vào phiếu ăn. Biết là gian đấy, nhưng tôi tự nhủ, mình không trộm cắp của ai, của mình mình tiếc, cần thanh toán mà dùng cho bữa khác chứ. Quan trọng là ở cái tem phiếu ấy, chứ không phải tiền của bữa ăn, có đáng gì bao nhiêu. Nhưng khổ thân tôi, gian thì phải chịu, đúng lúc đóng dấu thì người ta trở về, bắt được quả tang con bé vừa tự ý đóng trộm, thế là họ lập biên bản ngay, mặc cho tôi trình bày. Tôi không khóc, nhưng tôi biết mình sai, nên đành chịu và kí vào biên bản, kí rằng đã tự ý đóng dấu xác nhận không ăn…một bữa cơm tập thể! Biên bản tức tốc được gửi về cơ quan. Năm ấy, tôi bị cắt “lao động tiên tiến”, một năm duy nhất trong đời không đạt danh hiệu thi đua này. Còn may là mấy anh lãnh đạo Phòng, Cục đều quí và thương tôi nên không làm ầm ĩ  lên, bạn bè đồng nghiệp thì đều cùng trường đại học với mình, ái ngại cho mình và họ là nam giới không thích buôn lắm chuyện nên lơ đi (đoạn này là tôi hàm ý nói xấu phụ nữ đây, hay thích truyền khẩu các vụ “Oa tơ ghết”. Xin lỗi chị em nhé, đừng giận, tôi cũng là phụ nữ mà!). Phải công nhận ngày ấy nghiêm thật, và tôi xấu hổ day dứt vô cùng. Tôi dấu MQ, dù anh sắp là chồng tôi rồi. Nhưng không thể giữ kín một mình, tôi phải hẹn một buổi “đi chơi” và tâm sự với bạn cùng lớp đại học với tôi và MQ. Tôi kể và khóc, tôi ngượng lắm. Bạn nghe xong an ủi mãi tôi mới nguôi ngoai. Tôi xấu hổ bởi chính tôi, giống MQ, là người rất ghét gian dối. Chuyện nói dối thì cả đời công tác của tôi, có khi số lần nói dối chỉ đếm bằng mấy đầu ngón tay, đến nỗi ông giám đốc của tôi những năm sau này, đã phải bảo “Chị thật quá, thật đến mức khó chịu!!!”. Vậy mà tôi không vượt qua được một cái tem 225 gam lương thực trời đất ạ, nên tôi mới khổ thế. Kỉ niệm buồn ấy theo tôi mãi suốt cuộc đời, không cách gì xóa nổi. Tôi chẳng nhớ sau lần ấy, bạn có mách MQ hay có lúc nào tôi kể với MQ không, hình như không bởi tôi sợ MQ không thông cảm. Tôi vẫn còn cảm giác sợ hãi và thương các bạn đào trộm sắn hồi nào mà chi đoàn bắt làm bản kiểm điểm đó.
            
Ngày tháng dần trôi cùng những chuyến tôi đi phổ cập bàn tính gẩy mệt mỏi về thể xác, nhức đầu do đấu tranh tư tưởng để chịu đựng, mà không phải do làm gì vất vả cao siêu. Bù lại, thời đó, các sinh hoạt công đoàn, đoàn thanh niên, tập quân sự, đều diễn ra ngoài giờ chính quyền, trong đó có sinh hoạt văn nghệ thật sôi nổi với những buổi biểu diễn trong cơ quan, liên cơ quan, tôi rất nhiệt tình tham gia và bớt đăm chiêu ủ dột đi nhiều. Chúng tôi lại hợp xướng Sông Lô, Sông Thao như ngày sơ tán, có điều khác là tôi được mặc áo dài quần trắng, tô ít phấn son, và đứng dưới ánh điện tỏa sáng chứ không phải dưới ánh đèn măng sông trên núi rừng Thái Nguyên thuở trước.
          Đi làm, thi thoảng công đoàn phân phối bánh kẹo, này là mỗi người hai cái bánh nướng tròn tròn xinh xinh, này là từng dúm kẹo cứng, kẹo bi nhiều màu chia ra cẩn thận, rồi mỗi người đóng tiền có mấy hào thôi, mang gói của mình về nhà. Lúc đầu, tôi ngạc nhiên và khó chịu lắm. Sao không ăn chung cho vui, sao lại mang về ? Lâu nay tôi quen cuộc sống sinh viên, thiếu đủ gì đều có nhau mà. Lạ rồi cũng phải chấp nhận, dần dần vui nữa vì có mang về thì me mới được ăn, hoặc cho thằng em vài cái chứ.
Đám cưới hạnh phúc
         MQ thương tôi đi công tác triền miên, luôn mong đợi ngày tôi về Hà Nội, để chúng tôi được gần nhau dù ngắn ngủi. Đó là những buổi trưa vội vã dạo vườn Bách Thảo, ngồi ven hồ mà nắm bàn tay của nhau, và tôi lấy cái đuôi tóc thật dài của mình quấn vào cổ hai đứa. Đó là những buổi tối (phải về trước tám giờ tối) chúng tôi dắt nhau vào công viên Thống nhất ngồi ghế đá, dưới gốc cây vắng vẻ, cái xe đạp của MQ dựa vào thật gần. Bọn tôi say sưa yêu nhau đến nỗi kẻ trộm lẻn lấy túi xách mang đi mà chả hay biết gì. Túi xách không có đồng nào, toàn bài kiểm tra Đại số, Giải tích mà thầy MQ mới thu của sinh viên mang về chấm. May mà xe đạp không bị dắt đi. Chúng tôi vừa sợ hãi vừa buồn cười, và thương luôn kẻ trộm. Nó sẽ làm gì với tập bài kiểm tra ấy ngoài việc bán cho đồng nát như giấy vụn? Rồi có lần, MQ đang “gian giảo” và say sưa lần tìm “trái đào” của người yêu thì đèn pin bỗng xuất hiện chĩa thẳng vào hai đứa và đòi kiểm tra giấy tờ. Ôi ngượng và tức quá đi. Thì chúng tôi vẫn đang nghiêm chỉnh đấy chứ, quần áo có xộc xệch tí nào đâu mà lắm chuyện. MQ hiền nhưng nóng tính định quặc nhau với họ, tôi bấm nhịn chỉ nói vài câu ôn tồn, rằng chúng tôi là vợ chồng sắp cưới và không làm gì phi đạo đức đâu mà. Họ nghe và bỏ đi, nhưng chúng tôi mất cả hứng, buồn thiu rủ nhau về. Cứ mấy trận lủng củng thế, nên chúng tôi thích chở nhau ngao du trên các đại lộ khu Ba Đình cho yên thân và tự do mà thôi. Chỉ tội đi xe đạp thì không được hôn nhau thật sâu, không có cảm giác run lên vì hạnh phúc, không được đắm đuối nhìn nhau trìu mến. Vì thế, thi thoảng chúng tôi đi bộ trên vài con đường quanh hồ Thuyền Quang thơm mùi hoa Sữa, MQ ôm ngang lưng tôi. Một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng tràn ngập.
           Lâu lâu, chúng tôi đi ăn tối với nhau. Có lần, MQ đưa tôi vào một cửa hàng mậu dịch bán chè. MQ rất thích của ngọt, nhất là chè. Hồi sơ tán, MQ tự nấu chè đậu xanh, ngọt sắt đến mức tôi chỉ xúc một thìa to và nhâm nhi từng tí một mãi mới hết trong khi MQ ăn một lúc ba bát luôn. Lần này vào cửa hàng, MQ gọi tám bát và bảo mỗi đứa ăn bốn bát. Tất nhiên MQ trêu tôi chứ thừa biết rằng tôi cố lắm chỉ được hai bát! Chè ở đây là chè hoa cau ấy mà, nhạt hoét. Tôi nhìn nhân viên bê ra tám bát chè xếp thẳng hàng thẳng lối mà buồn cười. Lần khác, chúng tôi ăn bánh tôm, không phải bánh tôm Hồ Tây mà ở một cửa hàng.nhà nước tại công viên Thống nhất. Họ toàn dùng tôm khô chứ không có tôm tươi, khi ăn tôm cứ rời lả tả ra, cuối cùng chỉ ăn đám bột rán còn thấy ngon, tôm thì ăn ít thôi rồi bỏ lại. Hai đứa tiếc của mà không cố được, cũng không dám mang về.
          Thời gian qua nhanh. MQ nghĩ đến hôn nhân và bàn bạc. Tất nhiên là tôi “gật” rồi. MQ đưa má và anh trai đến thăm gia đình tôi, đặt vấn đề để hai nhà trao đổi thống nhất lễ cưới. Ba MQ mất từ khi MQ mười một tuổi đang học ở Trung Quốc, tức là chỉ hai năm sau khi tập kết ra Bắc thôi.
          Ngày ấy, cả hai nhà đều nghèo, nên chúng tôi xin phép được tự lo bao gồm mua đồ cưới phân phối như giường đôi, lụa sa tanh đen may quần, kẹo bánh, thuốc lá, chè…rồi chuẩn bị đám cưới đời sống mới tiệc trà, hoa cưới. Còn hai gia đình, bên nào có mấy mâm mời khách ăn mặn thì tổ chức ở nhà bên ấy.
          Hai đứa tiết kiệm từng đồng góp lại để mua sắm. Chúng tôi đăng kí kết hôn. Người  ta phát cho phiếu mua đồ cưới. Tan giờ làm việc là MQ đón tôi đi ngắm giường cưới phân phối. Giá giường 64 đồng, đóng đơn giản mộc mạc, gỗ xoàng xĩnh, vậy mà chúng tôi thích thú đi lại ngắm nghía hoài. Rồi cũng chọn được cho mình một chiếc. Mười năm sau ngày cưới, trong khi tôi đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, ở nhà giường bị gẫy một chân, MQ tìm gỗ làm một cái chân thay vào, rồi dùng đến nhiều năm sau nữa.
                 Chúng tôi mua sẵn thiếp cưới loại nhỏ nhất cho rẻ tiền, nhỏ đến mức gấp đôi lại một chiều có 8 cm, một chiều 3,5 cm. Thiếp được in sẵn, có hai chữ hỷ ở mặt ngoài,  mình chỉ việc điền họ tên viết bằng tay ở trang bên trong.
               Đồ tiệc trà thì được mua chè mạn, hai tút thuốc lá Tam Thanh và Tam Đảo; được mua bánh qui tròn, kẹo cứng bằng đường đen. Rồi chúng tôi mua thêm một ít hạt dưa đỏ, hạt bí rang lên thơm thơm dễ chịu.
             Tôi được mua vải đủ may hai quần sa tanh đen. Tôi biếu me một chiếc. Me tôi may để mặc dịp tết hoặc đi chơi đâu đó. Còn tôi thì giữ khư khư trong ngăn kéo, thi thoảng giở ra ngắm, chứ không may. Phải đến năm năm sau tôi mới đem ra may, mà ít khi mặc lắm vì tôi thấy nó đẹp quá, bóng bẩy quá, trông “mợ” quá, người xâu xấu lôi thôi như mình mặc vào cứ ngượng thế nào ấy. Chúng tôi được mua một cái màn, và phiếu mua vải làm vỏ chăn. Suy đi tính lại mãi, mới dám mua may một cái vỏ chăn bằng vải ka ki màu ghi loại rẻ tiền nhất, trông thật thô thiển nhưng có vẻ đắp chắc trùm bền. Rồi hai đứa đi mua một lõi bông 5 kg cho thật ấm.
               Quần áo cưới chả có. MQ chuẩn bị một áo len màu boóc đô tươm nhất đã sờn mặc ra ngoài một sơ mi cũ. Tôi mượn áo dài quần trắng, bộ quần áo cưới của chị cả tôi. Bởi không được mặc áo dài trắng mới tinh khiết dành cho cô dâu trong ngày cưới, nên tôi dùng phiếu vải cung cấp hàng năm để mua vải phin trắng may một sơ mi, và may hai vỏ gối. Xưa nay tôi chưa biết thêu thùa rua ren là gì, nay phải tự may áo gối, nên lọ mọ chạy sang bà chị họ gần bên hỏi, rồi về cố làm thật đơn giản, và làm được. Của đáng tội, có ít đường thêu trên mặt gối, rồi rút sợi làm thành đường rua xung quanh, với sợi chỉ màu trắng, thì không khó. Tôi rất ngạc nhiên về sản phẩm của mình, trông nhẹ nhàng thanh thoát ra phết. Sau này đi bộ đội, MQ đã mang một chiếc gối đi theo suốt những chặng đường hành quân. Khi ngủ tạm trên lán trại MQ đều ôm gối ngủ để tưởng tượng vẫn có tôi ở bên mình.
              MQ ở lại trường dạy, được phân một phòng trên dãy nhà lá tập thể, chật chội và gió lồng lộng rét lắm trong tiết mùa đông. Cưới nhau vào dịp sau Noel mấy ngày, nên chúng tôi xin phép ở tạm nhà bố mẹ vợ sau khi cưới, tức là MQ ở rể, rồi từ từ sẽ chuyển về khu tập thể. Bởi vậy, giường cưới được kê ngay trong nhà tôi, ở một góc khiêm tốn nhất, ngăn cách với giường me tôi nằm gần bàn thờ gia tiên bởi một tấm gỗ mỏng và lớn có sẵn. Trước ngày cưới mấy ngày, má MQ cùng mấy người trong họ “dắt” MQ đến nhà tôi ăn hỏi. Gọi là ăn hỏi nhưng có mỗi chùm cau bé tí chừng mươi mười hai quả cau, mấy lá trầu, với một gói chè. Lễ thành hôn tổ chức tại nhà tôi, theo kiểu tiệc trà đời sống mới tiếp khách suốt ngày suốt tối. Nghĩa là MQ đến nhà tôi cùng với  mấy người “hộ vệ”. Dân tình trong phố đứng xem chỉ trỏ anh chàng MQ còn trẻ măng, da trắng xanh yêu yếu, tóc nâu đỏ, mũi cao, mắt đen rất sáng, mặc áo len màu boóc đô từ xa đi lại (đi bộ) là chú rể đấy, còn tôi ở trong nhà, ai đến dự cưới mới biết chứ người ngoài chịu chết không biết cô dâu là ai, ăn mặc thế nào. Tôi mặc bộ đồ cưới của chị Hiền Trang, áo dài sa tanh hoa màu hồng đỏ, quần trắng. Các chị bắt tôi đi uốn tóc quăn, không được để hai đuôi sam dài ngúng nguẩy nữa, làm tôi buồn quá. MQ nhìn tôi trong bộ dạng tóc uốn vậy thì mặt xị lại, vẻ rất khó chịu, rồi thì thầm, “tại sao em cắt tóc đi như thế? anh không thích!”…”thì em đâu có thích nhưng em không làm chủ được mình trước một “đống” các bà chị ủa vào gây sức ép!” Áo sống là vậy, còn cái đầu phi dê là lạ của tôi thì được cài một cành hoa vải trắng, ngực cài một bông hoa trắng (vẫn là của chị tôi cho mượn, trước đây đám cưới của chị tôi hoành tráng lắm, tại khách sạn Phú Gia, có cả xe con kết hoa đưa đón ấy chứ).
             Bánh kẹo chè thuốc đơn giản trong tiệc trà thì như tôi đã kể. Riêng khoản hoa cưới, tôi không chịu giản đơn tị nào. Tôi và chị Thùy Trinh đi đặt hoa tận Nhật Tân, một bó hoa Lay ơn trắng thật đẹp, cùng với hoa hồng bạch để cắm bát hoa đặt trên bàn. Hoa hồng trắng, hàm tiếu, chúm chím hé nở trăm bông đều nhau tăm tắp cả trăm. Tôi không nói ngoa, trong đời tôi, với con mắt của tôi, những bông hồng bạch ấy là đẹp nhất so với mọi lần tôi mua hoa sau này hoặc nhìn thấy ở tiệc cưới nhà khác. Bởi chúng tôi đặt kĩ lắm, khi đi lấy hoa thì chọn lọc “bắt bẻ” chủ hoa kinh người. Kết quả là những dãy bàn tiếp khách để lại ấn tượng thật đặc biệt cho mọi người là những bát hoa hồng bạch này, mà không phải là mấy chiếc kẹo cứng đen xì nọ, cái bánh qui tròn kia. Và tôi, một cô dâu nghèo, rất lấy làm thỏa mãn. Chỉ tiếc, chúng tôi chả có hình chụp nào trong ngày cưới. Mọi hình ảnh đều chỉ lưu trong cái đầu của tôi già cỗi dần theo thời gian, và giờ này chúng được chộp giật lại để hóa thân thành những con chữ tôi đang gõ trên bàn phím đây.
              Mở đầu buổi lễ là màn chủ hôn làm việc, có đại diện hai họ, đại diện cơ quan tôi, đại diện Khoa Toán Đại học Tổng hợp, giới thiệu phát biểu chúc tụng căn dặn đủ điều. Me cho tôi chiếc nhẫn một chỉ vàng làm kỉ niệm, tôi vẫn giữ đến giờ. Còn MQ thì chả được gì, chỉ ngắm tôi đeo nhẫn một mình. Tôi mặc áo dài hồng đỏ, MQ áo len nâu đỏ vậy là hòa đồng “tông màu” đấy chứ. Tôi dùng chút ít phấn son, chứ MQ da trắng xanh và môi lúc nào cũng đỏ sẵn. MQ lớn hơn tôi ba tuổi nhìn rất trẻ, tôi bị già đi bởi cái đầu tóc uốn, thế là hòa coi như ngang nhau, chứ tôi không đến nỗi già hơn đâu! Có điều, tôi và MQ cao bằng nhau, hơn 1m60 một tí, trong đám cưới tôi đi giày cao gót, nên “bắt” MQ phải “thửa” một đôi giầy đế bằng nhưng phải cao cao kẻo thấp hơn vợ nhiều quá thì gay go. Còn bình thường tôi chỉ dùng dép cao su, dép lê cao một phân thôi chả bao giờ dám đi guốc giày cao gót cả. Âu đó cũng là nỗi khổ hiếm hoi của tôi khi quyết định lấy MQ làm chồng!
               Rồi tiếp khách cả ngày lẫn tối, rải rác nhiều đợt. Thích nhất là lúc bạn bè chúng tôi đến, cái lớp đại học đầy kỉ niệm buồn ít vui nhiều ấy. Các bạn nói cười rôm rả, ăn kẹo bánh như thụi. Thoáng một cái, tên Thiều đã đập bàn đập ghế ầm ầm “Ê cái Thư đâu, thằng Quang đâu, chúng tao ăn hết bánh kẹo rồi này. Chúng mày mau mau mang nữa ra đây!!!” và cả bọn cười như nắc nẻ. Tôi buồn cười, nhưng hơi xấu hổ, lật đật nháy người nhà khẩn trương tiếp tế. Ôi cái bánh qui thì thường thôi, nhưng cái kẹo thì tôi phải tả kĩ hơn mới được. Nó đen xì, rắn lắm nhưng vì răng khỏe nên nhai kẹo vỡ kêu lốp cốp. Ngọt thì đã đành, nhưng kẹo có vị đăng đắng của đường bị cháy, nào phải hương vị cà phê cà pháo gì cho cam. Vậy mà bọn ranh này nhai nhanh thế không biết. Chúng vui chuyện ngồi lâu lắm, không chịu đứng lên khi có khách đâu, mà tôi thì quí chúng nên chỉ tiếp người khác qua qua rồi quay về chỗ cũ.
                Khách đến thật đông, đều có đồ mừng nho nhỏ cho vợ chồng tôi, nhưng giống nhau y trang theo từng chủng loại. Đó là: lọ cắm hoa bằng sứ màu trắng, đĩa bát sắt hoa tráng men, đĩa nhựa nhỏ màu xanh đỏ tím, bát ăn cơm. Khi chúng tôi xếp quà cất đi thì phải xếp hàng thành dãy thành chồng, cất trong mấy cái hòm, rồi khi có đám cưới ai, thì lục tục giở ra gói ghém mang đi làm đồ mừng cho họ. Ngày ấy là vậy. Dĩ nhiên tôi có dùng mấy lọ hoa cho gia đình, rồi đĩa bát nữa, có cái đĩa dùng đến khi nó sứt ra một mảng bị rỉ nâu nâu mà vẫn tiếc rẻ không chịu bỏ đi.
                 Tiệc trà là tiếp khách đại trà. Còn gia đình, và một ít khách thân của bố mẹ, thì được ăn bữa mặn từ hôm trước ngày cưới. Mặn không phải là nấu cỗ, mà là ăn kiểu tây: mỗi người một xuất bánh mì, một miếng thịt bò bí tết, một ít rau thơm. Kể cũng là lạ, nhưng phụ huynh làm sao biết vậy, chúng tôi chả dám ho he. Bên nhà MQ thì tiếp khách thân thiết bằng mấy món ăn miền Trung, phạm vi rất hẹp tôi chả được  tham dự nên không rõ.
              Đấy đám cưới của tôi là vậy,
27/12/1970. Chúng tôi tiếp khách dài dài nên mệt phờ. May trời lạnh nên không toát mồ hôi hột, nhưng khi xong việc, chú rể cô dâu đều rét run mặt mày nhợt nhạt. Dọn dẹp mãi, lên giường tân hôn phải quá 12 giờ đêm.
Chuyện lạ có thật 
              
            
Sáng ra, chúng tôi dậy rất sớm, khênh bàn ghế trả hàng xóm. Chúng tôi nghỉ cưới mấy ngày, chỉ ở nhà, không đi đâu tuần trăng mật, loanh quanh chào hỏi họ hàng hai bên thôi. Rồi lại đi làm bình thường. Má chồng tôi cho quà cưới là một đôi dép lê nhựa Tiền Phong màu tím, nhựa trong, dáng rất đẹp. Tôi thích đôi dép lắm, vì đi vừa như in. Thi thoảng, tôi lấy ra ngắm nghía, đi thử mà không chán. Mọi khi tôi hay đi dép cao su có quai hậu, êm êm, nhưng không thể diêm dúa mảnh dẻ như đôi dép lê tím này được. Thế là ngay buổi đầu tiên đến cơ quan làm việc sau mấy ngày nghỉ cưới, tôi đi luôn đôi dép mới. Hôm ấy, tôi có việc vào phòng máy tính, nơi có nhiều người ra vào phải để giày dép ngoài cửa phòng, tôi tháo dép để đấy. Một lúc sau, quay trở ra không thấy dép đâu nữa, hỏi loạn lên chả ai biết cả. Thì ra là mất dép rồi! Tôi thẫn thờ cả người. Tôi tiếc đôi dép xinh xắn, từ khi lớn lên đến nay có bao giờ tôi đi dép đẹp thế đâu. Nhưng quan trọng hơn là tôi buồn vì mất nhanh quá, mất cái kỉ niệm đơn sơ má tặng tôi nhân ngày hạnh phúc của đời mình. Tôi chán, chán chả muốn mượn tạm ai dép, buổi trưa tôi cứ chân trần như thế đi xe đạp về nhà xỏ đôi dép cũ của mình. Tối về, tôi kể cho MQ nghe. Anh im lặng chẳng nói gì. Chắc anh cũng thương tôi.
             Ở nhà tôi được một tháng thì chúng tôi chuyển vào khu tập thể giáo viên khoa Toán. MQ chịu khó lắm, trồng xu hào xanh non mơn mởn, trồng ớt chỉ thiên quả bé xíu thật cay. MQ còn nuôi năm con gà mái đẻ trong một cái chuồng bằng gỗ. Gọi là chuồng, thực ra nó giống như một cái hòm to hình hộp chữ nhật, đóng bằng các  thanh gỗ kiểu như gỗ dát giường ấy. Hàng ngày, thả chúng ra, tôi cho ăn mấy hạt cơm nguội vét nồi, mấy cái lá xu hào già. Còn thì chúng tự đào bới kiếm con giun con sâu. Cả năm con đều óng ả mỡ màng, lớn nhanh như thổi. Mỗi con lông một màu khác nhau, màu mỡ gà, màu nâu nhạt, màu trắng pha tí vẩy đen, màu đen tuyền, và màu nâu sẫm đốm vàng. Đàn gà không có trống, nhưng hàng xóm bên cạnh nuôi nên bọn gà giao lưu với nhau vui đáo để. Năm ả gà mái bên nhà tôi nghe chừng sắp đẻ rồi. Thế mà, bống nhiên, một buổi sáng đẹp trời, bừng con mắt dậy, vợ chồng tôi chả thấy gà đâu. Ra chỗ để chuồng, thấy chiếc xích nhỏ đứt tung. Chả là MQ cẩn thận khóa móc chuồng gà vào một mớ gì tùm lum của công trình công cộng. Đi tìm xa xa ngoài cánh đồng, thấy cái chuồng hộp vứt chỏng chơ, còn năm ả gà mái óng mượt ấy đã bị kẻ trộm mang đi từ bao giờ. Mà lạ thật, tịnh chả có một tiếng quang quác nào vẳng lên trong đêm. Ruộng xa quá chăng, hay tại vợ chồng tôi mải say sưa trong giấc nồng hạnh phúc? Chúng tôi buồn lắm.Mặt mũi đứa nào đứa ấy bạc phếch trong gió lạnh. Tôi thương MQ hơn vì anh mất công nhiều để tạo dựng đàn gà này. Tôi thì chỉ cho gà ăn hàng ngày. Tôi bần thần nhìn mấy củ xu hào mơn mởn bụi phấn, mấy chiếc lá xanh già ôm bọc xung quanh. Buổi chiều nay, rồi mai nữa, đi làm về, tôi chẳng còn cái thú ngồi thái nhỏ chỉ xu hào để xào khan cho hai vợ chồng, và thái lá già cho đám gà chiu chiu mổ đớp đến nghẹn họng. Chúng tôi lấy nhau vào cái ngày giờ gì mà hay bị mất trộm thế nhỉ. Đến cơ quan mất dép má cho, về nhà tập thể mất gà sắp đẻ.
            Mất gà hôm trước thì hôm sau bố tôi vào thăm. Hôm ấy trời thật lạnh, bố tôi đi tàu điện hai tuyến rồi đi bộ vào khu tập thể. Ông mặc một cái áo ba đờ xuy dài, màu nâu xẫm may từ một cái chăn chiên phá ra. Nhà tôi chả có thức ăn gì, tôi cố chạy ra cửa hàng mua hai lạng thịt bằng tem phiếu, nhưng đen quá, chỉ còn toàn dọi long, nghĩa là bèo nhèo mỡ trên miếng bì. Tôi lọc bì ra kho riêng, còn lại băm nhỏ trộn với xu hào thái chỉ, một ít mắm, hành, chứ chẳng có mộc nhĩ chẳng có miến không có trứng nốt. Xong đâu đấy tôi đi gói nem, tức là bỏ cái nhân lộm nhộm vào cái bánh tráng mỏng thoa tí nước đường ướt nhèm nhẹp, đem rán lên chúng cứ ỉu xìu xìu, nghĩ mà thương bố và thương cả mình nữa. Nhưng may bởi trời rét quá nên ai bưng bát cơm lên ăn với cái nem rán dở hơi này cũng thấy ngon, thi thoảng ăn xì xụp thêm một ít canh xuông nấu từ củ xu hào MQ trồng!
             Khổ vậy mà đời vẫn tươi vui. Buổi chiều khi đi dạy về, MQ thường ngồi đánh cờ tướng với anh em trong khoa. Nhiều anh là thầy của chúng tôi. MQ về khoa nên đổi xưng hô là anh em và các thầy bảo tôi xưng anh em luôn cho thân mật. Thi thoảng tôi ngồi ké xem mọi người chơi. MQ chơi cờ tướng thuộc loại khá giỏi. Hễ ai khen thì MQ bảo “vợ mình dạy mình đánh cờ đấy!” khiến mọi người cứ trợn mắt lên nhìn tôi thán phục, và tôi thì ra sức thanh minh là MQ nói đùa mà họ vẫn không tin, tại vì khi nói MQ cứ tỉnh bơ như không, chẳng cười cợt gì hết.
            Sống ở nhà tập thể này, luôn được nghe gió rít từng cơn, nhất là ban đêm. Khi ngủ, chúng tôi có cái chăn bông năm kg nên thật ấm,  nhưng sáng ra trở dậy, nghĩ đi làm ngại lắm. Tôi phải đạp xe hơn 10 km, mặc áo bông Tầu hoa hai mặt đổi đi đổi lại cho đỡ chán. Chiều về, dù vẫn phải đạp xe trong gió rét, nhưng tôi hăng hái hơn, vì biết chồng đang chờ mình, sẽ lại có bữa cơm đơn sơ chỉ hai đứa gắp cho nhau. Hoặc lúc tôi mải mê xem MQ chữa xe đạp cho mình thì vui lắm, vì tôi khích “ơ…anh phải…vặn thế này chứ…ôi dào em không làm chứ em mà mó tay vào í à, thì..”. Trêu chồng thế thôi, chứ xe cộ là tôi đoảng nhất rồi, cấm biết cái gì cả.
            Không biết chữa xe đã đành, tôi còn không biết những việc quan trọng hơn nhiều. Đấy là chung sống đời vợ chồng trên giường ngủ thì khác khi đang yêu như thế nào. Nói, bạn đọc tha lỗi, tôi lấy chồng rồi mà lúc nào cũng “giữ gìn” như ngày yêu nhau nơi sơ tán ấy, bởi vậy tôi mới phải ghi lại đây những sự cố không thể nào quên được: Tôi lớn lên, dần hiểu ra nỗi khổ của me tôi, là bị vô sinh không có con. Nên tôi thầm nghĩ, mình lấy chồng là phải có thai ngay, không được chậm trễ. Cứ phải đẻ một “nhát” đã rồi tính tiếp. Bởi vậy, chúng tôi không kế hoạch gì cả. Nhưng khốn nỗi, hai đứa sống ở nhà bố mẹ tôi có “làm gì” được nhau đâu, kéo dài cả một tháng trời, cho tới khi chuyển vào ở tập thể, tôi mới bảo MQ đưa tôi khám phụ khoa phụ sản gì đó. Tiếp tôi là một nữ bác sĩ, thật là may mắn. Tôi kể hết cho bà nghe, rằng tôi mới lấy chồng, rằng chúng tôi yêu nhau lắm, mà…chịu chết! Bác sĩ khám cho tôi và bảo “màng trinh của em quá dày, thật là đặc biệt. Mà đụng đến em một tí là em dúm người lại thế này, chả trách…Em “nhát” thế sao còn cả gan đi lấy chồng hả? (cười) Chắc chồng em hiền lắm nên nó mới …thế!” Tôi ngượng quá, nhưng vui, và tâm sự tiếp rằng tôi muốn có con sớm. Tôi xin bác sĩ “giải pháp”. Bà cười hồn hậu:”Không phải chỉ mình em rơi vào tình trạng này đâu. Nếu cần, tôi có thể can thiệp để phá trinh hộ!” Tôi tự quyết nhờ bác sĩ. Vậy là sau đó, vợ chồng tôi có thể sinh hoạt như mọi người! Tôi kể cho MQ, may anh không giận, vì hiểu và thông cảm với ý muốn có con ngay của tôi. Rồi từ đó, hai đứa còn trêu nhau nữa. Tôi thì bảo “Bêu bêu MQ thấy người ta lấy vợ, cũng lấy vợ, ai dè chả biết gì”.
MQ trêu lại tôi:”Có mà mình dấm dớ thì có. Ai đời dám lấy chồng mà cứ dúm tứ túc làm cho người ta hãi, sợ làm đau mình nên hổng dám xông lên!!!” Tôi vẫn chưa tha “Sao anh còn tiếc ngày ở sơ tán anh không mạnh dạn hả?” MQ chỉ cười trừ rồi cù tôi nhột muốn chết. Tôi phải hổn hển “thôi giờ thì muốn gì em chiều hết, chỉ xin đừng có cù em, em không chịu nổi, lỡ lăn ra tắc thở thì hối chả kịp đâu chồng hiền của em ạ”.
            Ôi chúng tôi yêu nhau say đắm biết chừng nào mà lại có chuyện ẩm ương như thế. Tôi dám chắc trên thế gian này chúng tôi là đôi vợ chồng đặc biệt, nếu không nói rằng có một và chỉ một mà thôi. Và giờ này viết truyện, tôi “thật thà quá, thật thà đến mức khó chịu”. Lỡ ra có ai đọc thấy khó chịu thật thì cố bỏ qua , đóng trang sách lại nhé, và đừng chấp tôi, một mụ già đã sang tuổi tây 64 rồi. Với cá nhân mình, tôi không thể quên được. Còn với bạn đọc, tôi muốn cho các bạn biết thêm một chuyện lạ có thật, để tăng thêm một chút ‘hiểu đời” dẫu rằng nó chả có gì hay ho hấp dẫn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét