Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Cố

Hãy cố chắp vần cố làm thơ
Có gì đâu cần đợi trông chờ
Thơ nguồn cảm hứng từ tâm đó
Yêu, giận, thương, hờn dỗi...là thơ         

Thơ chắp cánh cho bao ước mơ        
Thơ khiến trái tim thôi hững hờ        
Thơ mang tiếng nhạc lòng say đắm      
Thơ cùng đời trăn trở âu lo      

Nghĩa là thơ không thể bơ vơ 
Thơ nhẹ bay khắp chốn thực mơ    
Đáng thơ hay không đều trân quí    
Nên tự nhủ mình cứ viết thơ … 

10/7/2013
Hồ Minh Quang

3 nhận xét:

  1. Thơ không phải là thứ có thể "cố" được đâu.Tôi nhớ trong truyện vui dân gian ngày xưa coa truyện kể rằng: có một anh học trò dôt sắp đến kỳ đi thi anh ta lo lắng lắm.Suốt ngày chỉ vò đầu bứt tai, thở ngắn than dài. Vợ anh ta đang có thai sắp đến tháng đẻ, thấy chồng lo lắng khổ sở quá thì động lòng thương, mới hỏi anh ta rằng:
    -Mình à, Em hỏi mình chứ việc mình đi thi nó có khó bằng việc em dặn để không mà mình phải lo phiền quá thế. Anh ta bèn trả lời rằng:
    -Em đẻ thì còn có con trong bụng để mà rặn, chứ anh đi thi thì lấy gì ra mà rặn.
    Làm thơ chính là việc sinh nở ra đứa con tinh thần đó. Nó có quá trình và những công đoạn tất yếu của nó. So với quá trình hình thành một thai nhi trong bụng mẹ thì quá trình hình thành các thi tứ trong tâm não con người phức tạp và bí ẩn hơn nhiều. Đó là một quá trình ngầm, ta thường không nhận biết và phân định được nó. Chỉ khi nào có một duyên cớ nào đó làm ta nảy sinh một cảm hứng, một rung động, thì ý tứ bài thơ mới hình thành và thôi thúc ta tìm câu chữ thể hiện.
    -Còn cái mà ta vẫn quen gọi nó là thơ, và nếu cần ta vẫn có thể cố rặn ra vẫn được thì đó mới chỉ là văn vần.Nó cỏ thể diễn ý, nó có thể kể chuyện, cũng có thể tả cảnh. Những nó chưa thể là sự hóa thân của con người tinh thần vào trong câu chữ được. Và vì thế nó cũng chưa thể có cái ma lực kỳ lạ của thơ được.
    Nói vậy để trong quan niệm ta không nên bao giờ tỏ ra dễ dãi với thơ cả. Còn trong thực tế, tôi, cô, và rất nhiều anh em bạn thơ chúng ta vẫn đang viết văn vần là chính. Nhưng không sao, cứ chịu khó viết văn vần, mặt khác cứ đọc và tham khảo thật nhiều thơ hay, rồi cũng có lúc ta làm được thơ và sẽ có thơ.
    - Câu thơ gần cuối (thứ hai từ dưới lên): Thơ "đáng thơ/không" đều trân quý. Tôi chả hiểu cô định nói gì cả. Chẳng lẽ đây lại là một lối trình bày thơ hiện đại hay hậu hiện đại chăng? cứ gần giống như trình bày ngày tháng năm ấy: Tôi tạm dịch ra như thế này không hiểu có đúng không: Thơ ngày đáng thơ tháng không năm đều trân quý.

    Trả lờiXóa
  2. Quan niệm của anh là hoàn toàn đúng. Nhưng với người làm thơ như kiểu MQ (dân "ngoại đạo") thì hay tự động viên mình cố gắng đấy thôi, chứ ko có ý dễ dãi với thơ hay coi thường thơ đâu ạ.
    Từ trong ngoặc kép thì em dùng tùy tiện thật. Em đã dùng kí hiệu gạch chéo thay cho nghĩa "hoặc", tức là em định nói THƠ ĐÁNG LÀ THƠ HAY KHÔNG ĐÁNG LÀ THƠ mình đều trân trọng yêu quí.
    Em sẽ sửa lại. Cảm ơn anh nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Thơ không có ai là nội đạo và ngoại đạo cả. Ai có lòng, có tâm thì người đó có thơ. Anh đinh hạ thêm một câu "cẩu thả" nữa, nhưng sợ cô "choáng" nên giả vờ không hiểu để cô giải thích thế thôi.Làm thơ cũng như chuyện sinh con ấy. Có đứa thì nghén đến khổ như con Thanh Hoa. Có đứa thì "lồng ruột" như thằng Anh Tuấn, có đứa lại còi cọc như con Thanh Hương...Mỗi đứa một cách vất vả khác nhau.Nhưng nuôi chúng thành người chúng sinh con đẻ cháu cho mình, mình sẽ rất sung sướng.Làm thơ cũng phải vất vả như thế thì mới thú.Con là máu thịt của mình, thì thơ phải là linh hồn và tâm huyết của mình. Cố nhiên loại thơ thứ thiệt như thế phải may mắn và trời cho ta mới làm được thôi. Ta cứ phải chấp nhận với nhau làm loại thơ "ăn ngay". Nhưng kể cả loại thơ tươi "ăn ngay" này cũng không nên cố "rặn ra thơ". Cứ để có một rung động, một ý tứ nảy sinh rồi hãy viết. Như vậy nó đỡ mệt hơn.
    Với thơ thì anh cũng ngoại đạo, cô cũng ngoại đạo cả ấy mà. Không nên phân biệt đẳng cấp như thế, khó ra.

    Trả lờiXóa