Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Nhật ký xa nhà

Tôi gặp lại Thi và Minh tại một thành phố miền Trung. Với Thi thì còn có đôi lần gặp ở Hà Nội, nhưng với Minh thì phải gần nửa thế kỉ chưa gặp lại ngoại trừ sau ngày ra trường, tôi nhớ có một lần cùng MQ (chồng tôi) thăm Minh tại bệnh viện Thường Tín. Tôi không nhớ rõ Minh bị làm sao, chỉ láng máng rằng thần kinh của Minh lúc đó không được ổn định.
Bao nhiêu lần họp lớp đại học cũ, tôi đều nhắc tới Minh, nhưng chẳng ai biết Minh ở đâu. Cho tới khi gặp lại Thi, chúng tôi mới biết rằng Thi có điện thoại để liên lạc với Minh. Và thế là tôi lên đường vào thành phố miền Trung này cùng với Tùy, Mùi để thăm Thi, và hi vọng gặp cả Minh nữa.
Chúng tôi đi tầu Thống Nhất. Chỉ mua được hai giường nằm tầng 2 và một vé ngồi mềm toa khác. Tùy nằm một giường. Tôi và cô bạn nhỏ (Mùi) nằm chung một giường. Tùy là bạn đại học cùng với Thi, Minh, tôi và MQ. Không có ai đi nữa nên tôi rủ cô em thân thiết đi cùng. Chị em tôi vốn hay đi dã ngoại với nhau, thân nhau, và có em, tôi thấy yên tâm hơn vì tôi không được khỏe. Từ sau khi hoàn thành hồi ký, tôi đã yếu đi so với năm trước. Cũng bởi vậy, lần này tôi quyết tâm đi chơi xa để may ra thay đổi không khí, cải thiện được tình trạng tăng xông và choáng váng cố hữu của mình.
Sau khi sang toa nhận ghế mềm và chờ kiểm tra vé, Mùi trở lại phòng nằm. Hai chị em nằm chung một giường tầng 2. Quả cũng băn khoăn, lỡ ra mà quá tải giường đổ ụp xuống thì sao nhỉ…Tôi thoáng nghĩ vậy, nhưng rồi quên ngay khi mà mấy nhân viên trên tầu đang tới bán vé ăn phở cho sáng mai. Tôi nằm trên giường thò đầu xuống và hồn nhiên bảo, cho bọn tôi mua 3 vé phở…Mùi và Tùy cũng vui vẻ tham gia vào câu chuyện. Thế là nhân viên tầu nhìn ngang sang hai bên mới phát hiện ra hai giường nằm có tới ba người. Họ la toáng lên. Đành phải năn nỉ trình bày, cả hai mụ đàn bà chúng tôi đều say lắm, lên tầu là phải nằm suốt, mà rủi không mua được cả 3 vé nằm nên mới phải bỏ ghế mềm để nằm ghép nhờ thế này, chứ chúng tôi đều biết rằng làm vậy là sai rồi. Mặc cho trình bày, mặc cho năn nỉ, họ bảo chúng tôi chỉ được đàn đúm tới 9 giờ là một người phải ra khỏi phòng nằm. Thật khổ, tam nhân bất đồng hành, tôi đã từng nghĩ thế, quả thật bây giờ câu nói ấy là đúng quá. Tùy, bạn tôi, là nam nhi, nhưng không may bị cảm hay bị sao mà nôn mấy lần trước khi lên tầu, bạn kể vậy, nên bạn phải nằm yên từ hồi nào đến giờ. Trong chớp mắt, tôi có giải pháp ngay không chậm trễ. Tôi trải chiếc áo mưa mỏng xuống sàn, giữa hai giường tầng 1để nằm, mà phải nằm ngay vì chỉ ngồi một tí là sẽ nguy nan. Mùi bảo tôi để em nằm sàn, nhưng tôi không chịu. Tôi rủ em đi cùng, làm sao tôi lại để em nằm dưới đất, còn hai anh chị nằm trên hai giường cơ chứ. Vả lại, tôi đã quá quen với sàn tầu rồi. Ngày xưa tôi cũng nằm lê la như thế, còn phải dỗ con nhỏ tránh những bao gạo người ta đi buôn ném tới tấp vào mặt, tôi vẫn chịu được nữa là…Tôi cười giải thích để Mùi yên tâm ngủ đi.
Thế rồi, đêm lui dần vào yên tĩnh chỉ còn lại tiếng đoàn tầu chạy xình xịch. Tôi không chớp mắt nổi dù chỉ mấy phút. Chiếc điều hòa chĩa thẳng từ trên cao lạnh ngắt. Tôi mặc sẵn áo khoác rồi, chân thì đi tất mà vẫn rét run. May mà Tùy lúc trước ném xuống cho tôi cái chăn, cũng có nghĩa là bạn sẽ chịu lạnh một kiểu khác. Cái áo mưa rẻ tiền, mỏng mảnh, lại ngắn nữa, nên nó chỉ trải vừa tới quá ngang lưng. Bởi vậy, tôi phải co hai chân lúc nghiêng lúc ngửa và cố làm sao cho đừng chạm ra ngoài sàn, vì tôi cứ tưởng tượng ra cái sàn ấy bẩn đến thế nào khi mà khách cứ lục xục ra vào thôi thì ra nhà vệ sinh, rồi những đôi giầy cao thấp đủ kiểu đang hầm hè coi xem liệu tôi có ngủ quên đi mà đè bẹp chúng không…
Lâu nay tôi hay bị tê chân tay lắm, ở nhà nằm trên chiếc giường to tướng, có bao nhiêu dụng cụ quanh mình để đập để gõ để dùi các huyệt mà tôi còn khó ngủ, huống chi lúc này. Tôi loay hoay co mình trông chờ trời mau sáng. Càng trông chờ thì đêm dường như càng dài ra vô tận. Thi thoảng đôi bạn trẻ một tây một ta nằm trên tầng 3 trèo xuống đi ra ngoài rồi lại đi vào khiến tôi lo lắng nhất. Với cô gái nhỏ nhắn thì còn đỡ, chứ tôi chỉ sợ lỡ ra cậu tây cao có tới 1m80 ấy mà trượt chân ngã xuống thì…Lo vớ lo vẩn nên tim tôi cứ đập thình thình. Cơn thần kinh thực vật được dịp tái phát lại oanh tạc, nhưng tôi quen rồi, tôi không sợ, tôi chỉ thấy mệt mỏi và buồn buồn một nỗi buồn khó tả...
Tới một lúc, chân tôi tê cứng lại, tôi chẳng biết làm thế nào đành cố gượng lùa hai chân vào chéo trong gầm giường. Bẩn sạch gì cũng đỡ hơn cái sàn giữa tôi đang nằm mà tôi có duỗi bừa chân cũng chẳng được vì vướng cửa đóng rồi. Nhưng chỉ được chừng một phút là lại phải co lên trườn về vị trí cũ. Ôi giá như tôi có thể ngồi dậy được nhỉ, tôi sẽ vù ra khỏi phòng ngoài hành lang mà ngắm nhìn cảnh vật vụt trôi ngang qua tầm mắt, để tôi có thể mơ mộng về những gì biết là không có thật nhưng đắm say vì nó..,đằng này, tôi say quá, ngày xưa say ô tô là chính, bây giờ ngoài say ô tô, còn say tầu chẳng là phụ chút nào nên mới cực thế này.
Chịu đựng mãi rồi trời cũng phải sáng. Bây giờ có mệt thế nào cũng buộc phải ngồi dậy thôi. Tôi không bị chóng mặt sau một đêm dài thức trắng vậy là còn may đấy. Các bạn tôi còn đang ngủ. Tôi lẻn ra ngoài hành lang, tôi buồn nôn lắm, nhưng để cho nôn thật thì coi như…chết rồi. Thế nên, tôi lại phải tự vận không phải chỉ bằng khí công, mà bằng cả mọi nội lực còn lại để cầm cự…
Mặt trời rạng đỏ đằng đông…Tôi vịn một tay vào gờ gỗ phía trên, rồi tôi chạy tại chỗ hướng về phía trước, tôi chạy thi với mặt trời. Ông mặt trời hình như cũng động lòng trắc ẩn nên trông thật hiền từ và thoáng vẻ sót thương tôi …Tôi chạy được một lúc thì thở dốc, đôi chân mỏi nhừ nên phải dừng lại. Dừng thì lại buồn nôn, nhưng hình như sự khó chịu đã giảm dần so với trước, nên gắng chịu đựng một lát trong trạng thái “tĩnh khí công ý thức” là tôi lại tiếp tục chạy. Tôi nghe như trong mình dòng khí huyết đang luân chuyển. Khí tiên thiên đã nhập qua huyệt bách hội rồi…Tôi thầm cảm ơn thầy Nhật Quang tử Hoàng Vũ Thăng, người thầy đã dạy dỗ và trợ giúp luyện công cho chúng tôi thuở nào…
Tôi đã khá hơn. Tôi ra vệ sinh, tấp nước mát lên mặt cho tỉnh hẳn. Nhìn trong gương thấy mình mới tiều tụy, da mặt tái mét, mắt lờ đờ mệt mỏi, nhưng cũng vui vui vì đã trải qua một đêm “gay cấn”…
Trở lại phòng, Tùy sang toa ghế, hai chị em mới được thênh thang hai giường. Tôi vừa nằm vừa ăn phở chứ không ngồi mà ăn được, rồi ăn tiếp đủ thứ em Mùi mang đi nên dần dần ổn hơn. Sau rồi khách xuống bớt, nên ba chúng tôi lại hội ngộ trong toa nằm. Nhân viên có quay lại mắng mỏ thêm mấy câu và dọa phạt, nhưng rồi cũng qua, sức đâu mà chầy cối với mấy ông bà già này…
Tới thành phố, hai chị em về một nhà nghỉ gần nhà Thi. Tùy thì ở bên nhà Thi luôn. Bạn và cả gia đình đón tiếp chúng tôi thật nồng nhiệt. Rồi bạn đưa chúng tôi đi một vài danh thắng, nhâm nhi cà phê và trà cung đình tại những quán café nổi tiếng, thưởng thức những bữa ăn sáng sinh động nhiều màu sắc của miền trung, bữa cơm đập niêu với những đặc sản dân dã trong ánh chiều tà mặt trời ráng đỏ, những bữa nhậu tưng bừng bên bờ biển nơi mà những nàng tiên đã bị bỏ quên tự bao giờ, hát ka ra ok ở quán “sạch” duy nhất của thành phố và dự lễ hội đầy ấn tượng của một ngôi trường đặc biệt…
Thật là khó tả, những ngày ngắn ngủi ở nơi đây, tôi ngày càng cảm thấy quí mến Thi hơn. Từ đáy lòng, tôi cảm thấy rất tự hào vì mình có một người bạn cũ, một học sinh miền nam giống chồng tôi, nhưng khác chồng tôi, bạn đã trở về quê hương và làm nên nhiều kì tích, thì cứ gọi tạm là thế, chứ tôi không muốn dùng từ “thành đạt” đối với bạn. Chẳng thể nào tưởng tượng được, người bạn năm xưa thật xa lạ với bọn nữ chúng tôi, mà bây giờ thì thân thiện, đàng hoàng, nhiệt tình, tinh tế trong sự dí dỏm khôi hài đến ngạc nhiên. Ban ngày đi chơi đâu đó, tôi không ngủ trưa đã đành, đêm đến, tôi cũng không ngủ được chỉ vì hình ảnh bạn cứ ẩn hiện chập chờn.Nếu bạn biết được điều này thì chắc bạn buồn cười lắm đúng không Thi?
Tôi là thế, là tất cả những gì phức tạp rối rắm và mơ màng thái quá đến lạ. Tôi chẳng biết làm sao để suy nghĩ giản đơn hơn. Tôi vẫn cười, với nụ cười ròn tan đấy thôi, và ngay lập tức, tôi lại có thể não nề đến mức vô lí và cực kì khó hiểu. Sáng hôm qua đã là một ví dụ điển hình. Không ngồi gần tôi như Tùy, chắc bạn khó phát hiện ra tôi đã khóc. Phải, tôi khóc vì ngay sau giờ ăn sáng này, tôi phải xa bạn rồi, và không biết bao giờ mới gặp lại. Tôi khóc vì nghe bạn nói, tôi chợt nhớ lại anh Nguyễn Lực, thủ trưởng của tôi, nhớ đến nao lòng, vì giọng nói của hai người giống nhau tới mức đã gần như là một. Anh Nguyễn Lực cũng quê ở thành phố này, nhưng ở huyện bên cạnh huyện bạn. Anh là thủ trưởng thật đặc biệt để lại trong tôi lòng biết ơn sâu sắc, vì anh ấy đã đưa tôi trở lại đúng nghề, đã vượt qua những rào cản để đưa tôi đi nước ngoài lần đầu tiên đáng nhớ mà tôi đã viết trong hồi ký ấy. Anh Nguyễn Lực đã đi xa, thật xa, nên tôi không còn tâm trí nào nhờ bạn chỉ đường để biết quê anh ấy một lần…
Tôi đã không dám nhìn thẳng vào mắt bạn, để xem ở đó có ánh mắt nhìn tôi trìu mến và đầy thương cảm như anh Nguyễn Lực không…bởi vì tôi quá nhớ ánh mắt ấy, chứ tôi vẫn biết bạn là Thi mà...Phải, cuốn phim cuộc đời tôi đã ghi lại không bao giờ xóa nhòa được ánh mắt của ba người. Đó là ánh mắt của MQ, của Minh Quyết và của anh Nguyễn Lực trong những tình cảm hết sức khác nhau đối với tôi. Mà lúc này, chuyện nọ xọ chuyện kia, tôi nhớ lung tung, tôi nhớ lộn xộn, tôi đã mất đi tất cả rồi đó Thi!
Thi có biết không? Khi Thi bảo, có lẽ Minh không ra được vì ba bạn bệnh nặng quá, và Minh hỏi thăm Ngần có vào không, tôi có linh cảm rằng Minh muốn ra đây là vì hi vọng có Ngần. Tôi thầm ghen tị với Ngần, nhưng tôi đã kịp trở lại bình thường. Vì tôi hiểu, các bạn ấy là bạn nam, chơi thân nhau từ ngày đại học nay nhớ nhau tìm về với nhau mà, thì cớ gì tôi phải chạnh lòng kia chứ?
Thế rồi, Minh đã từ Qui Nhơn ra. Và có vậy tôi mới được gặp Minh. Thời gian đã làm cho mái tóc trên đầu chuyển đen thành bạc, đã làm cho những nếp nhăn thêm hằn sâu trên trán, trên đuôi mắt, nhưng vẫn là Minh, một bạn Minh hiền từ và vui vẻ của ngày xưa. Thì tôi, Tùy, Thi và Minh, tất cả chúng tôi đều già rồi đấy thôi, có thế thì chúng tôi mới lên ông lên bà, và các con của mỗi người mới thành bố thành mẹ của những đứa trẻ thông minh bụ bẫm học giỏi chứ phải không?
Thật là tiếc, vì Minh chỉ đi được ngắn thời gian, trong khi tôi mệt phải ở lại biển mà không thể trở về thành phố vui cùng các bạn. Tôi rất xúc động khi Minh bảo Minh muốn ôm tôi một lần tạm biệt. Tôi đã xà vào vòng tay của Minh, nhận từ Minh một nụ hôn vội vàng trên má, nụ hôn thân tình bạn bè mà không hề cảm thấy ngượng ngập, không hề phản ứng chối từ như trong tình huống xảy ra với những người đàn ông khác trong đời…Tôi không hiểu, nhưng rồi lại hiểu và trân trọng đến nhường nào tình cảm của bạn. Cũng có thể đó là sự xúc động tình cờ, có thể là vì sự thương cảm người bạn nữ bất hạnh góa chồng quá sớm mà người chồng ấy lại chính là bạn của mình,…thôi thì dù là lý do gì nữa, tôi cũng chẳng đắn đo, tôi mong bạn nhận ở tôi một lòng biết ơn chân thành. Ngay ngày hôm sau, dù nằm liệt không trở dạy được, tôi muốn gọi điện thoại cho Minh trước lúc bạn trở lại Qui Nhơn để nói thêm lời tạm biệt, nhưng bỗng nhiên, có cái gì vô hình ngăn lại. Tôi lần lữa, lần lữa cho tới khi ước chừng Minh đã về tới Qui Nhơn, tôi lại định bấm máy, nhưng tôi sợ, tôi sợ người vợ chưa một lần quen biết sẽ lấy làm khó chịu khi không biết tôi là ai mà lại gọi điện líu ríu thế này
Thế đấy, tôi đã sợ tất cả mọi người, tôi đã quen không nhận ở mọi người, những tình cảm quí mến sót thương, tôi sợ mọi sự hiểu lầm, hình như lúc nào cũng bủa vây quanh tôi…
Rồi tôi trở lại với những ngày vui ở thành phố bên bạn, bên Tùy, Mùi và những người bạn, người em đồng nghiệp của bạn. Tôi đã không hiểu được, tôi muốn về ngay, về sớm, hay tôi muốn ở lại…Tôi chờ đợi chờ đợi mà biết chắc chắn rằng sẽ không có lặp lại vòng tay của bạn một lần ôm tôi trìu mến như Minh nữa. Tôi chấp nhận sự khác biệt ấy, Thi ạ.
Nhưng Thi có biết không, cứ mỗi lần bạn chở tôi trên xe máy, tôi phải dè dặt đặt một bàn tay trên vai bạn, mà không dám ôm eo. Tôi chợt nhớ một lần cách đây chừng hơn 20 năm, khi tôi đi picnic với bạn bè đồng nghiệp, Xuân, một cậu đáng tuổi em chở tôi bằng xe máy. Chỉ vì “nam nữ thụ thụ bất thân” nên tôi đã ko bấu víu vào đâu cả. Kết quả là tình cờ gặp một ổ gà lớn, Xuân không tránh được húc vào khiến tôi bị bật lên cao thẳng đứng cách thật xa chiếc yên xe. Rồi…tôi lại được trả lại đúng vào vị trí cũ, nhưng vì bật quá cao nên tôi hoảng sợ, từ sau đấy tôi buộc phải ôm eo cậu em, không có ngại ngần gì nữa. Cũng từ đấy, hễ ngồi sau xe của một đấng mày râu nào, tôi mới nghĩ ra, tôi sẽ đặt bàn tay lên vai họ, để cảm thấy yên lòng không lo sự cố ổ gà ổ trâu nào cả, là tối ưu nhất, là đỡ phiền phức nhất. Còn bây giờ thì tôi ngồi sau bạn. Lí trí nhắc tôi phải xa cách bạn, nhưng có một thứ tình cảm lạ lùng đã trỗi dậy. Tôi thèm được tựa hẳn vào lưng bạn trong giây lát đủ để thì thầm một lời “tôi yêu bạn!” rồi sẽ lại xa ngay. Thi đừng vội ngạc nhiên, tôi còn tỉnh táo mà, yêu mà ko phải là yêu, yêu không phải là từ chỉ dành cho tình yêu nam nữ…bạn có hiểu không? Tôi quí bạn lắm lắm và cảm thấy bạn thật đáng tôn trọng. Nhưng còn nữa, một chút gì tôi hơi sờ sợ bạn (dùng từ “sờ sợ” này có vẻ không đắt nhưng tôi nghĩ thế nào viết vậy), không phải vì bạn có gì dữ dằn, có gì thiếu đứng đắn thiếu tôn trọng tôi, mà là hình như bạn ở một chỗ đứng khác xa tôi, về sự hiểu biết, về lòng dũng cảm, về những đam mê dâng hiến cho cuộc đời này, ít ra là với quê hương của bạn Thi ạ.   Tôi nhận ra rằng mình muốn dùng từ “yêu” mà không phải là “quí” chỉ vì ngôn ngữ trong phút chốc, đã trở thành bất lực. Tôi đành mặc lòng thả hồn bay đến một thiên đường mộng mơ, ở đó, tôi có MQ. Anh ấy hiểu tôi, và cho phép tôi “lộng ngôn” trong một phút giây thầm thì với Thi. Mà không, cũng chẳng cần bay tới thiên đường nào cả, lúc nào mà MQ chẳng ở bên tôi, trong cuộc hành trình này, cũng như mọi hành trình khác. Tôi đã khấn MQ đi cùng tôi, tôi quen như vậy, tôi tin MQ luôn ở bên tôi mà…
Tôi bỗng cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, và tầm thường biết mấy. Tôi bỗng thấy thương chồng mình hơn khi nhớ lại, ngày xưa hồi mới thống nhất, má và cậu chồng tôi thoáng có ý định thu xếp để MQ trở về quê hương Khánh Hòa, thì tôi đã chau mày một cách thầm lặng. Tôi không cần biết đến một điều gì khác là giữ chặt MQ bên tôi và các con ở lại Hà Nội-mảnh đất thân thương duy nhất mà tôi không thể nào rời xa. Tôi cũng chẳng còn nhớ khi đó MQ nghĩ gì dự định những gì, chỉ biết là cuối cùng MQ đã ở lại ngoài Bắc, MQ đã miệt mài trên những giảng đường đại học dân sự và quân sự để rồi khi không thể miệt mài được nữa, thì MQ quyết ra đi để hi vọng đổi đời cho mẹ con tôi, rồi chịu một sự cố xảy ra thật đau lòng như Thi và mọi người đều biết.
Tôi không dám, tôi không dám tựa vào bạn, với một nỗi buồn thầm lặng. Tôi không được phép tỏ bày những tình cảm chân thành và rất trong sáng của mình, bởi vì cuộc đời này không chấp nhận những cử chỉ suồng sã như thế. Người ta, và cả bạn nữa, ai cũng sẽ tưởng tôi đang ngụy biện cho những ước muốn quái gở của mình…Thì thế, thế mới là tôi, Thi có hiểu không?
Đến giờ ra tầu và tầu sắp đến rồi đây. Bạn đã cầm nhẹ bàn tay tôi như một lần cách đây mấy ngày và nhắc lại rằng nhìn bàn tay tôi, bạn thấy tôi đã trẻ hơn tuổi của mình…Tôi hơi xấu hổ. Tôi không đến nỗi đỏ mặt, nhưng tôi cũng ngượng chứ, trẻ hơn tuổi có nghĩa gì đâu Thi?
Tôi xa bạn thật rồi, và còn lại trong lòng một nỗi nhớ quay quắt. Tôi phải tắt điện thoại, tôi sợ bạn gọi điện trong khi tôi chờ được nghe lại giọng nói của bạn. Thật là vớ vẩn. Tôi đã già tới mức trẻ lại giống như một đứa con nít đây Thi ơi...Rồi, cũng chẳng đừng được, Thi phải gọi qua máy của em Mùi để nói với tôi mấy lời…Thi bảo, khi tôi đi rồi, Thi thấy trống vắng quá, Thi thấy nhớ...Thi cảm thấy có gì không chịu đựng được khi nhìn tôi cúi xuống đĩa thức ăn và tay thì di di cắt cắt vài ba lát thịt cuối cùng một cách lúng túng vụng về trước giờ ra tầu. Thì tôi đang khóc mà, làm sao tôi có thể ngước lên nhìn bạn đang ngồi đối diện trước mặt tôi chứ.
Thi trách tôi sao cứ tắt máy hoài. Tôi gượng cười và bảo, tôi tắt vì nhiều lí do, về Hà Nội tôi sẽ bật điện thoại suốt ngày đêm. Tôi sẽ gọi điện cho bạn, còn lúc ở trên tầu, tôi không thể…Nghe bạn nói, tôi chỉ ầm ừ như cho qua chuyện, chắc rằng Thi nghĩ tôi đang mệt nên mới thế. Tôi có thể nói gì với bạn cơ chứ trong khi lòng tôi đang rối bời, tôi tưởng tôi đang trở về cái ngày xưa của gần nửa thế kỉ về trước, tôi xao xuyến khi nghe MQ nói những lời yêu…Là cứ tưởng tượng vơ vẩn như thế, chứ bạn và MQ khác biệt hẳn hoi mà, MQ là người yêu của tôi, còn bạn là người bạn xa cách mà sao bỗng nhiên lại khiến tôi nao lòng? Có lẽ nào MQ ở bên tôi mà cứ trêu tôi như thế? Và để làm gì kia chứ?
Về tới nhà rồi, tôi lao vào máy tính như điên như dại, những mong tìm thấy dòng chữ thân thương của bạn bè trên mạng trong lúc tôi vắng nhà, và cũng để quên bạn đi, để cho lòng tĩnh lại, bạn có hiểu không. Giữ đúng lời hứa, tôi đã gọi điện cho bạn để báo tin tôi về tới nhà an toàn, một cú gọi miễn cưỡng và cộc lốc, chỉ vậy. Tôi không muốn có những tâm tình ủy mị với bạn nghĩa là tôi có thêm một lần dối trá trong đời, để làm tăng số lần dối trá vốn ít ỏi của tôi, chứ chẳng phải như lời đùa cợt của bạn và mọi người, rằng người Hà Nội khéo lắm, không biết giả thật thế nào đâu.
Dối với bạn, nhưng tôi đang thật với bạn bè trên mạng của tôi đây. Và như vậy là đủ. Tôi chuẩn bị post bài và tôi đang cảm thấy nhẹ lòng Thi ạ. Tôi xin gửi tới mạng yêu dấu những dòng chữ thật lòng và không thể nào thật hơn, nối tiếp những trang Hồi ký Nước mắt và nụ cười của tôi, bởi vì Hồi ký đã khép lại, trong mùa xuân 2012 qua rồi…
Và tôi biết, cũng chỉ vài ba ngày nữa thôi, tôi lại trở về với cuộc sống an vui tự tạo thường nhật. Bao nhiêu người bạn đang chờ tôi hội ngộ đây, bao nhiêu cuộc điện thoại bị ngắt dừng khi tôi vắng nhà sẽ lại được nối, và còn nguyên vẹn tiếng cười khanh khách của ai đấy đang vang lên:
”Này Thư, đi vào trong kia hồi nào mà không báo cáo cho người yêu biết hả? sao không rủ người yêu đi cùng hả?...”
Một tiếng cười ròn rã của tôi đáp lại thoải mái vui vui mà cũng rất thật lòng:
”Hê hê, vẫn biết rằng người già cũng có thể có tình yêu với người già, nhưng cậu là người yêu của tớ từ khi nào đấy mà tớ phải báo cáo? Tớ đi chơi với bạn tớ, mà tớ rủ cậu đi thì còn ra cái thể thống gì hả H?”
Vậy thôi, tôi sẽ không còn nhớ Thi đến nao lòng. Tôi biết, tôi đã có những phút giây rung động bất thường theo cách nhìn của mọi người, nhưng không hề chi, tôi tự hiểu mình và tôi muốn kịp ghi lại trên những trang nhật kí này. Mặc cho Thi nghĩ là tôi khách sáo hay không, tôi vẫn phải nói lời cảm ơn chân thành vì lời mời vào thăm của Thi, vì sự đón tiếp thân tình của bạn. Tôi cũng cảm ơn Tùy, bởi nếu không có Tùy, chắc tôi không thể tự mình đi xa tới gần ngàn cây số để gặp lại bạn bè, những người bạn là học sinh miền nam tập kết ra bắc giống chồng tôi thuở nào. Và sau hết, tôi phải cảm ơn em Mùi, vì nếu không có em, chắc tôi cũng không thể nào đi xa, để có những cảm nhận phong phú hơn so với những ngày sống bình lặng ở nơi này.
Rồi đây, tôi sẽ trở về là tôi thật nghiêm túc, đơn giản và chân tình nhé Thi! Tôi sẽ khuyên bạn cách chăm lo sức khỏe, khuyên những điều Thi cần phải thay đổi (áp đặt ghê gớm thật!) để có một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy hơn với gia đình của bạn, nhưng chưa biết là sẽ góp ý bắt đầu từ đâu, và từ lúc nào he..he…Hãy đợi đấy NU PAKAGI!!!

Hà Nội 5/5/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét