Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Khuyên bạn

Chúng tôi đến hội ngộ với nhau tại nhà anh bạn cũ một chiều chủ nhật. Nhà chỉ có hai vợ chồng già. Con cháu ở riêng hết. Chúng tôi làm tiệc liên hoan um sùm. Bọn đàn bà chúng tôi tha hồ bầy ra nấu nướng trong một nhà bếp thật rộng rãi, thoáng mát. Chị chỉ chào hỏi chúng tôi qua loa rồi lặng lẽ vào một phòng lớn, trong đó có điện thờ…
Tôi không ngạc nhiên nếu người đàn bà thả mình đắm hồn giữa tiếng chuông chùa ngân vang trong một chiều hè tĩnh mịch. Nhưng tôi ngỡ ngàng khi chị đã đam mê, phải đam mê tu tập đến không cùng. Nhìn gương mặt chị, tôi vẫn hình dung ra cả một thời tuổi trẻ xa rồi, chị là người con gái đẹp. Da trắng, mảnh mai, đôi mắt hiền, nụ cười đằm thắm. Nghề giáo sẽ lại càng làm tôn lên vẻ đẹp cao sang của chị, mặc cho thời gian, sự vất vả…có thể làm chị gầy yếu đi, làm cho mái tóc chị đổi mầu...
Tôi không hiểu biết nhiều, nhưng tôi trân trọng đạo Phật. Tôi chưa qui y Phật, nhưng tôi thông cảm với các quí bà đi tìm lấy sự tĩnh tâm an bình khi đến với cửa Phật. Tuy nhiên, tôi thực sự không hiểu, khi bạn bè chúng tôi liên hoan ăn uống xong phải tới gần 9 giờ tối, vì lẽ gì mà chúng tôi không được phép rửa bát khi màn đêm dần buông xuống, chỉ vì, trong đêm tĩnh lặng, cái tiếng rửa bát lanh canh sẽ gây động kinh hoàng đến điện thờ, mà ở đó Đức Phật bà không thể nào chấp nhận (là chị bảo tôi thế).Tôi không hiểu được vì lẽ gì chúng tôi không được  phép dâng thắp hương trái măng cụt, một trong những trái cây ngon có tiếng của miền trung, miền nam, chỉ vì nó là măng cụt, cái tên vô tội ấy trót mang trong mình từ “cụt” khiến chị liên tưởng đến những sự tàn tật ở đời…nên chị khuyên phải tránh né không cúng dâng Người.
Chị đã kể chúng tôi nghe, chị đến với đạo cả chục năm nay rồi, từ khi chị mới nghỉ hưu. Chị được tận mắt thấy Đức Phật bà Quan âm hiển hiện. Và từ đó, nhất cử nhất động, chị làm theo chỉ dẫn của Người. Chị đã rời bỏ thế gian phàm tục này. Chị đã ăn chay trường, 100%. Tội nghiệp, chị bị bệnh tiểu đường đã lâu, tôi ngại chị ăn chay như thế sẽ không đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe và trị bệnh cho mình.
Bỗng chốc, tôi nhớ có một lần, vào ngày giỗ đầu của me tôi, chị gái tôi đưa một nhà sư đến để cúng. Tôi đang rất lo lắng về việc cúng xong khi vào ăn cỗ thì chúng tôi sẽ tiếp nhà sư thế nào. Tôi đã chuẩn bị một số món chay, mang ra cùng một mâm cỗ mặn. Tôi bảo con rể lớn: “Lát nữa con ngồi vào mâm này, tiếp nhà sư hộ mẹ nhé. Mẹ đang bận quá với khách khứa, mà cái chính là mẹ chẳng biết tiếp thế nào”. Tất nhiên, chị tôi cũng ngồi vào mâm cùng nhà sư, nhưng về phía gia chủ (tôi là người chủ trì), thì cũng phải tiếp đón ân cần mới phải phép. Và con rể tôi bắt đầu sửa soạn…Nhưng con tôi chưa kịp làm gì, thì nhà sư đã rót rượu cho con tôi, và cho mình, gắp thịt gà vào bát con tôi và cho nhà sư nữa, rồi ông niềm nở bảo con tôi cụng ly rượu, miệng nói chân tình cởi mở:“Ăn đi cậu”. Tôi đi qua đó ngạc nhiên hơi xững lại, xong kịp định thần, liếc nhìn cậu con rể cũng đang ngơ ngác lúng túng…tôi buồn cười nhưng thở phào nhẹ nhõm. Vậy đấy. Và tôi còn nhớ có lần tôi đọc quyển “Phật Đà”, tôi cũng thấy có đoạn đức Phật bảo có thể ăn cá thậm chí thịt gà bình thường trong một số trường hợp cần thiết.
Bởi vậy, tôi cứ thấy sót xa nhiều lắm khi chị xanh xao, yếu ớt thế mà mỗi bữa chỉ lưng cơm với mấy cọng rau xanh, vài ba miếng đậu phụ luộc.
Tôi cũng cảm thấy mủi lòng khi hai vợ chồng gần như có hai thế giới riêng biệt. Chồng thì gắn bó với đời thường, mà vợ thì cho đó là phàm tục, là “đáng tiếc cho anh vô cùng”. Chị gắn bó với điện thờ, tu tập và cúng lễ, mà chưa bao giờ người chồng bước vào phòng có điện thờ ấy. Những buổi bạn bè rủ đi nhậu, rủ đi hát ka ra OK, rủ đi biển Đồ Sơn, Sầm Sơn hay hóng mát bên sông Hồng, tất nhiên là người chồng đi một mình, còn vợ thì lắc đầu mệt mỏi.
Tôi cứ nghĩ, giá như, giá như hai vợ chồng dung hòa được hơn, thì sẽ hạnh phúc biết mấy. Con cái họ đã trưởng thành, đều ở riêng, và thành đạt. Các cháu nội ngoại của họ khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi. Họ đều đã nghỉ hưu. Hai vợ chồng có thể giúp đỡ nhau khi đau ốm, cùng chăm lo những bữa ăn giản dị có hương vị của cả hai miền quê, cùng đi du lịch ngắn ngày dài ngày đều được cả, để sau này già yếu hơn sẽ không còn tiếc nuối. Chị vẫn có thể tu nhân tích đức, có thể ăn chay theo tuần theo tháng, rằm mồng một hoặc vài ngày trong tuần chẳng hạn, đi lễ Chùa hoặc thắp hương lễ Phật, lễ gia tiên tại gia…Cuộc sống sẽ bình dị, và hạnh phúc biết bao. Vợ chồng đầm ấm bên nhau, cùng ôn lại những kỉ niệm của một thời gian khổ nhưng tươi rói những nụ cười và đầy ắp tình người…
Là tôi cứ giả thử như thế, đặc sệt mùi lí sự của người ngoại đạo. (con xin đức Phật từ bi hãy tha lỗi cho con nếu con nói có điều gì không phải). Nếu chị biết những lí sự này của tôi, chắc chị cũng sẽ cười nhạt hoặc nếu cười đậm thì với một vẻ thương hại tôi vì sự thiếu hiểu biết chăng.
Chị có kể với chúng tôi là chị đến với đạo Phật một cách tự nhiên và bất ngờ. Nhưng tôi thì không nghĩ thế. Tôi có linh cảm vào những năm chị sắp về hưu, anh còn đương nhiệm nên tâm lý và sinh hoạt của hai người có những điểm khác nhau. Ngày xưa anh chị gần ngang tuổi nhau thì không sao, nhưng sau này, bao giờ phụ nữ chẳng già hơn nam giới. Chị không có cái sôi nổi, vui vẻ, cởi mở của người chồng. Trong khi anh đang chức đang quyền, phải tiếp khách là thường xuyên, phải đi sớm về tối, thì chị chỉ mơ một cuộc sống bình lặng, vợ chồng luôn ở bên nhau chứ không ồn ã. Chị cũng có theo chồng đi dự tiệc, cũng đi hát ở nhà hàng, nhưng chị không cảm thấy thực sự hòa đồng vào những chuyện vui vẻ như thế. Đấy là chưa kể, biết đâu chị còn nghi nghi hoặc hoặc liệu chồng mình, ở cái thời đại “văn minh” này, lại chẳng bắt bồ bắt bịch với một vài cô gái trẻ trung, tươi rói, nói năng ngọt sớt và dễ dàng chiều chuộng mấy cánh mày râu???
Cuộc đời là thế. Những ngày cực khổ xưa kia kéo người ta gần lại với nhau. Anh vốn cũng chịu khó, biết làm đủ thứ, việc nhà việc cửa, nuôi dậy con cái, chứ không phải là người chồng gia trưởng khệnh khạng. Nhưng khi đảm nhận những chức vụ nhất định, anh chắc chắn bận rộn hơn, và công việc gia đình sẽ đổ lên đầu người vợ nhiều hơn. Sự chịu đựng âm thầm thiếu chia sẻ giữa hai vợ chồng sẽ làm nên hố sâu ngăn cách một cách vô hình, và từ từ chứ không phải ngày một ngày hai.
Khi nhận ra thì đã muộn. Chỉ vì chán nản và sống trong trạng thái nghi ngờ, chị phải tìm đến cách giải thoát khác cho nhẹ lòng. Đến với việc tu tập, thành tâm hướng về cửa Phật là một giải pháp chẳng có gì khó hiểu, nếu không nói là tối ưu với chị.
Nhưng tiếc thay, khi anh cũng lại về hưu, thì sự trống rỗng mới lại đến gần. Người chồng không thể tránh những giờ phút buồn đến nao lòng, vì nhận ra sự cô đơn của mình ngay trong chính ngôi nhà hiện đại với người vợ hiền, mà cảnh sống đó đã từng là mơ ước khát khao của bao nhiêu người. Tất nhiên, anh có thể vui vầy cùng bạn, vẫn có thể đàn đúm, nhưng than ôi, cái đàn đúm của một “quan to” tuổi chưa tới 60 thì phải khác với sự đàn đúm của một ông già nghỉ hưu ngót nghét 70 chứ. Anh chỉ còn biết tìm đến những đám cờ tướng để giết thời gian, để tìm lại chính mình trong mỗi nước đi thông minh sáng tạo đầy bản lĩnh. Để rồi, khi trở về nhà, làm vội bát mì sợi, hoặc nấu ăn qua quýt cho xong, nồi cơm thì chung hai vợ chồng, nồi thức ăn thì riêng rẽ, hỏi làm sao mà anh có thể vui được? Anh cũng không thể bỏ mặc vợ ở nhà một mình để đi chơi đi hát đêm khuya mới về, nên đành âm thầm ngồi nhà ôm lấy cái ti vi, hay một vài cuốn sách để đọc mà những con chữ lúc nào cũng như nhảy múa làm nhòa cả mắt anh, đôi mắt vốn không lấy gì làm khỏe khoắn và tinh tường… 
Cuộc đời là thế, là những vòng xoáy, là những cơn gió lốc vô tình cuốn đi tất cả. Anh là “Thiên tài” như anh và chúng tôi gọi đùa, nhưng là thiên tài trong sự hiểu biết đông tây kim cổ, là thiên tài trong những đam mê sáng tạo và cống hiến cho đời, cho sự nghiệp mà anh theo đuổi, là thiên tài cho những đóng góp xây dựng ngành, xây dựng thủ đô yêu dấu, là thiên tài cho những định hướng đối với những đứa con yêu quí, nhưng anh không là thiên tài để bảo tồn hạnh phúc của mình bên người vợ hiền, dâu thảo năm nào. Anh không là thiên tài để vợ chồng anh, trong tuổi xế chiều này, vẫn có thể sánh vai thong thả từng bước bên nhau, nhìn nhau với ánh mắt thương sót và đằm thắm rất mực thương yêu như ngày xưa nữa. Là người chồng tốt, có trách nhiệm, anh vẫn gánh vác tất cả mỗi khi vợ anh đau bệnh, anh vẫn lo lắng sót thương khi nhìn vợ ngày một gầy mòn, xanh xao, nhưng lòng anh không tránh khỏi những phút giây trống rỗng. Cũng may anh thuộc lớp người vui vẻ lạc quan quen tự lập từ xưa nên còn đỡ được đôi phần. Những nỗi buồn thoáng qua chắc chỉ đọng lại trong nội tâm của anh mà thôi, chứ hiếm khi thể hiện.
Chẳng thể nào lấy lại những gì đã mất ngoài niềm tiếc nuối. Nhưng thôi, cách tốt nhất là cố gắng hết sức mình, và tâm lí một tị, thì tôi tin là mọi sự sẽ ổn hơn. Tôi muốn góp ý với Thiên tài như thế và hi vọng rằng Thiên tài đừng có bực mình. Dù sao thì tôi cũng chỉ nói mò, nên tránh sao được những nhận định thiển cận, những suy đoán dở hơi. Tôi chỉ có tấm lòng và sự chân thật. Ít ra là tôi đã nói hết cho Thiên tài nghe rồi, về những điều Thiên tài khiến chúng tôi ngưỡng mộ, và cả những điều không biết dùng từ chê trách thì có nặng lắm không. Dài dòng cũng chỉ có thế. Nhân danh là người bạn của Thiên tài, tôi cống hiến cho Thiên tài những giải pháp nhỏ nhưng rất cụ thể đây. Nếu thấy được thì Thiên tài duyệt ngay và thực thi nhé, còn không thì coi như chẳng có lời góp ý nào cả, chỉ là một mớ chữ lằng nhằng nghe qua cho biết vậy thôi.

1. Đi tìm loại trứng gà hoặc trứng vịt không có trống mang về cho vợ ăn mỗi ngày một quả để có đủ chất dinh dưỡng. Thường, người ta hay bán ở trại gà trại vịt trại chăn nuôi gì đấy.

2. Tìm mua đậu ngự tươi hoặc khô cũng được cho vợ ăn thường xuyên (nấu canh hoặc luộc). Ăn ít cơm trắng đi, hoặc thay cơm trắng bằng cơm gạo lức.

3. Cho vợ uống đều đặn ngày một viên đa sinh tố và chất khoáng (loại của Mỹ là tốt nhất, không quá đắt).

4. Hàng tuần, đưa vợ đi một vài chùa chiền để vợ vào lễ rồi hai vợ chồng đi dạo hưởng bầu không khí trong lành, kể cho vợ nghe những chuyện vui vui.

5. Hàng ngày, hai vợ chồng đi bộ đều đặn vào những giờ nhất định, tại công viên Thống Nhất gần nhà đó, buổi sáng từ tám đến chin giờ là tốt nhất, hoặc buổi chiều tối cũng khoảng giờ đại loại như vậy.

6. Không được cáu kỉnh khó chịu với vợ, lúc nào cũng gắng nói nhẹ nhàng, và thể hiện những quan tâm nho nhỏ, ví dụ chủ động gợi ý đưa vợ đi thăm bà nội cháu, đi thăm con cháu và bạn bè (đặt lịch hẳn hoi và cần nhất là đều đặn), chứ không phải để bạn bè hay là con cái đưa đi đâu.

7. Chủ động rủ vợ dọn dẹp lại phòng ở cho gọn gàng ngăn nắp hơn, mỗi ngày dọn một tí không thì rất mệt.

8.Hát cho vợ nghe những bài hát tình cảm, nhẹ nhàng.

Chúc Thiên tài sáng suốt hơn và sống thật vui, hạnh phúc đến mức có thể và ngày càng cảm thấy cuộc đời đáng yêu hơn. Hãy bằng lòng với những gì hiện có và bỏ công sức tâm huyết hơn nữa với những người thân trong gia đình, nhất là với người bạn đời nghĩa tình sâu nặng của mình nhé Thiên tài!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét