Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Hội lớp






















"Trước ngày hội bắn" song ca
Ông Kỳ Lân diễn bên bà Kim Thư
Tốp ca "Nhớ thời đã qua"
Phố Liên Lân với BẠN XƯA bên mình
Nhạc rộn vui nhảy rập rình
Ông Lê Thiếm dắt đình huỳnh Minh Quang
Dẫm khăn hồng thắt vội vàng
Mớ ba bảy thẹn nên đành ngồi chơi
Hội Lim quan họ rối bời
Hồi Thư biết có gượng cười hay không
Hai mươi năm đấy vẫn mong
Hội liên lạc khỏe rộn ràng đông vui
Thắp nhang Thư khấn ngậm ngùi
Người ơi đừng giận nửa vời tung tăng
Khoe trên Blog hung hăng
Chỉ vì muốn bớt nếp nhăn u sầu
Cuộc đời vui nghẹn thơ rầu
Nghĩa tình em vẫn trước sau đó chàng
Nhang cháy cong đỏ đốm tàn
Hiện thân anh mọi nẻo đàng em đi...


16/11/2013
Kỉ niệm 20 năm thành lập Hội cựu học sinh
Cộng hòa Kiến Thiết
lớp 7a và 7b (khóa 1955-1958)

Hồ Minh Quang
   

Bạn có cười không?

MQ không định viết những dòng này nhưng một bé con ngồi bên cạnh cứ giục phải viết để xem mọi người có buồn cười không…

Ngày xưa đã lâu lắm rồi, cách đây có dễ đến 35 năm, một đồng nghiệp của MQ kể lại rằng, anh ấy có dịp qua Bắc Kinh, tới một cửa hàng bách hóa. Anh ấy muốn mua một cái phích nước nóng, nhưng không biết tiếng, nên cứ chỉ trỏ bằng ngón tay, ra hiệu cho cô nhân viên bán hàng. Vì chỉ trỏ quá xa (khách bị ngăn bởi một cái quầy gỗ, hàng thì để trên tầng khá cao), nên cô nhân viên lắc đầu không hiểu chỉ một mực hỏi “Sẩn ma? Sẩn ma?" (nghĩa là "Cái gì? Cái gì?")... Anh ta tức quá, tay tiếp tục chỉ trỏ, miệng thì lắp bắp xị xộ bắt chước tiếng Trung:

1. Xoong thủng chảo thủng lung tung thủng…

2. Lảo sư để can treo lủng lẳng…

Cô nhân viên càng không hiểu, cứ trân trân nhìn khách như nhìn một sinh vật lạ.

Cuối cùng, anh bạn không chờ được nữa, choảng một câu cuối cùng trước khi rời cửa hàng:

3. Sẩn ma sẩn ma cái gì? Đánh rắm thủng bao tải ấy...Hảo hảo à….

Anh bạn ấy kể cho MQ và bạn bè nghe, và thề sống thề chết rằng đó là chuyện thật 100%. MQ tin sái cổ, và “quay đĩa” lại cho bé con nghe. Không ngờ, nghe xong, nó cứ cười sằng sặc, và muốn mọi người phải cùng cười theo cơ…

Chưa hết, hai người bạn bên Yahoo hồi năm ngoái đóng góp thêm cho MQ hai chuyện nữa, MQ chép vào đây luôn: 

NGUYÊN SƠN

Mấy anh sang TQ nhưng không biết tiếng, bị mất chìa khóa khách sạn nhưng nói gì lễ tân cũng không hiểu bèn nói bằng tay lấy ngón trỏ tay phải ngoáy vào cái vòng tròn của ngón cái và ngón trỏ tay trái tượng trưng cho cái ổ khóa. Cô lễ tân tỏ vẻ hiểu ý và ra hiệu cứ về phòng trước. Lát sau có một em móng đỏ lên gõ cửa phòng!
Gã chạy thẳng tắp bạn ạ.

XUÂN ĐÀO
Chuyện của tụi mình gần như thế!
Ngày mới sang Ba Lan mấy người rủ nhau đi mua vài thứ cần dùng . Ở quầy tạp hóa có người thấy bày bán cúc áo rất đẹp, liền bảo nhau mua. giá bày hàng không xa nhưng nhiều mặt hàng quá , cô bán hàng lấy cái nào cũng bị từ chối vì không đúng bấy giờ cứ hỏi nhau "KHUY ÁO" là gì nhỉ? Cả đám cứ nỏi nhau khuy áo là gì?
Buổi tối cán bộ quản lý của đại sứ quán triệu tập họp nghiêm khắc kiểm điểm những ngươi nói tục ở cửa hàng tạp hóa gây tiếng xấu cho người Việt
Cuộc họp kéo dài chừng 30 phút thì vỡ lẽ khuy là từ tục của tiếng Ba Lan...là...là con "chim cu" đấy
Góp với bạn một chuyện hoàn toàn thật

Thế đấy, bây giờ các bạn đọc,
có cười không???

29/11/2013
Hồ Minh Quang

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Huyễn hoặc


Thành phố buồn nhưng mộng mơ hơn
Khi dấu chân là u hoài kỉ niệm
Thông vẫn reo lá vàng thu bay liệng
Lay hồn người thơ đau đáu chờ trông

Từ thẳm xa giữa yên lành mênh mông
Thơ huyễn hoặc lời thì thầm của gió
Gửi bàng hoàng dù tỉnh say còn nhớ
Gọi khát khao ngay giữa giấc nồng…

Đành lặng im quên thành phố buồn
Lời dấu yêu đã trở thành vô nghĩa
Có bâng khuâng khi ngập ngừng lối rẽ
Bỏ lại thơ đau đớn không cùng

Cách xa ơi đâu phải nghìn trùng
Nhờ trái tim lang thang tìm nơi xưa hò hẹn
Biết chẳng phải duyên mà thơ trào vẫn nghẹn
Lặng trước thu tàn lạc lối mê cung

Sẽ có ngày trở lại thong dong
Nhẩn nha thơ tình vui đời tung thả
Lốc cuốn ưu tư về miền đất lạ
Chốn hoang vu phút chốc hóa thiên đường…


11/2012
Hồ Minh Quang

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Nhớ giường gẫy một chân


Cái giường vốn có bốn chân
Cưới được phân phối sướng dần…mê tơi
Nay một chân gẫy giời ơi
May vợ đi vắng không thôi hết hồn

Tìm kìm kiếm gỗ đập dồn
Nhăn nhăn mếu mếu mỏi mòn đẽo, tra
Chửi thầm đểu thật … sư cha
Đứa nào nằm nặng để ta mệt nhoài

Đóng xong lại chợt bật cười
Ngẫm ra trời lạnh chúng đòi …nhẩy rung
Chăn chiên mỏng lót dưới lưng
Không thỏa dùng điện đốt mông cho nàng

Nơi xa em có biết rằng
Mình yêu nhau quá nên giường gẫy chân?
Về nhanh em chớ lần khân
Anh đã đóng lại ta… mần…nghe em…(?)

Hồ Minh Quang

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Mệt quá

Bố: Đến bữa ăn rồi, các con lại đi đâu thế?
Con trai: Vâng chúng con ra ngoài có việc...
Con dâu: Chúng con không ăn cơm đâu ạ, bố mẹ không phải để phần.
Mẹ: Ơ cái bọn này... Mẹ dọn cơm lên xong rồi đây này, ăn rồi hãy đi!
Con trai: Thôi mẹ ạ.
Bố: Này, bố bảo, chúng mày đi thế chẳng hóa ra chúng mày để bố mẹ ăn cơm thừa thay cho ... chó à?
(Vợ chồng con kéo tay nhau ra khỏi nhà)
Mẹ: Thôi ông, mệt quá...
Bố: Tôi nói câu này là cực chẳng đã, mà đây không phải là lần đầu tiên, vậy mà chúng cũng coi như không ấy thôi.
Mẹ: Ông bạn thơ tôi khuyên, nên cho chúng ăn riêng chúng sẽ biết lo hơn và tự do ông ạ. Hai lão già mình ăn với nhau...
Bố (trừng mắt): Ông bạn thơ nào đấy? Ai lại khuyên thế bao giờ, bà liệu hồn!
Mẹ: Cái ông này thật là...
Bố (bình tĩnh lại): Có mà chúng ta nên theo lời khuyên của bà bạn tôi trong nhóm dân ca ấy, giao hết cho con dâu quản lý, đi chợ mua gì là tùy nó, mình chỉ giúp nó đặt nồi cơm lên thôi, chứ vẫn ăn chung bà ạ. Như thế bà rảnh rỗi hơn, tha hồ mà thơ với phú...À mà "phú" là gì hả bà?
Mẹ: ??!


26/11/2013
Hồ Minh Quang

Chỉ vì nỗi nhớ

"A lô a lô
         gọi ... mình ... không vì gì
Chỉ vì nỗi nhớ..."
Bỗng dưng ngột thở
Run rẩy bần thần  
Bàn tay nào một thoáng...chạm vai
Tiếng gọi ... vọng từ hôm nay
          hay từ xưa cũ?
Oằn lòng bên bờ bão lũ
          bỏ lại khúc nhạc rừng    
          một thoáng hồn ... say... 

22/11/2013
Hồ Minh Quang

Vui ... tình


Ơi xuân xin gửi gắm
Mấy vần thơ yêu đời
Dẫu khó nhọc xuân ơi
Tình em trao xuân đấy!

Một sớm mai thức dạy
Thấy lòng cứ xốn xang
Biết rằng ai mơ màng
Nhớ người xưa trong mộng

Những con đường trải rộng
Vẫn chỉ mình em đi
Có tiếng ai thầm thì
Hôm nay,…mình ….thế nhé!

Em bật cười hỏi khẽ
Sao thích quá vậy anh?
Nhưng lỡ lắm nhóc ranh
Xin thôi nên gìn giữ!

Ừ thì anh gìn giữ
Ẩn nằm trong …bé xinh
Vẫn gần gũi bên mình
OK … rồi cười nhạo

”Em thật là khờ khạo
Thế giới này đảo điên
Cũng bởi cái…tòm tem
Mà em cười anh đấy!!!”

 
10/3/2010
Hồ Minh Quang

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

CẢM NHẬN VỀ THI PHẨM "CHÂN QUÊ"



 

     Kính thưa Ban chủ nhiệm CLB thơ Thông reo, kính thưa quí vị dự buổi giới thiệu tập thơ Chân quê hôm nay, kính thưa nhà thơ Thanh Nhã. Lời đầu tiên cho phép tôi bày tỏ là kính chúc quí vị luôn có sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc và mọi sự an lành. Kính chúc nhà thơ Thanh Nhã thật vui trong cuộc hội ngộ này.
   Thưa các thi huynh thi hữu, cầm trên tay tập thơ Chân quê của nhà thơ Thanh Nhã, khi đọc lần đầu, tôi đã viết mấy câu mộc mạc thế này:
Em đọc CHÂN QUÊ đó anh ơi
Thấy một tài năng thật tuyệt vời
CHÂN QUÊ giữ gốc trong muôn sự
Thơ, họa, cùng khoe sắc - hương trời. 
nhưng sau rồi đọc đi đọc lại thấy không đừng được, tôi muốn viết ít dòng cảm nhận. Với những câu thơ tâm đắc mà sợ chưa hiểu đúng, tôi đã xin nhà thơ chỉ giáo, nên hôm nay được phép của Ban chủ nhiệm và Ban tổ chức tôi rất vui mừng được phát biểu trên diễn đàn này.
       Vâng thưa quí vị, đọc Chân quê, tôi đã bắt gặp chân dung một trong những người lính Điện Biên (của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) năm xưa,  từng bị địch bắt vào tù, từng xông pha chiến trận, mặc  áo chiến sĩ 36 đường may trên vai mà tưởng tượng ra đó là chỗ "để cài trăng mơ" với sự lạc quan vô bờ bến, để mỗi khi nhớ về lịch sử oai hùng ấy, vẫn trăn trở nguyện ước "Những mong đất nước người hiền, Niềm vui giữ trọn, lưu truyền ngàn sau (Nhân ngày 45 năm chiến thắng Điện Biên). Người lính ấy sau chiến tranh đã trở về với gia đình, sống một cuộc đời bình dị. Thơ của anh là tiếng lòng thấm đậm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Chỉ đọc 14 từ trong bài thơ Bóng mẹ là đủ để ta cay cay mắt bởi  tình yêu thương, lòng hiếu thảo của người con với mẹ một đời tần tảo:
 Nắng nghiêng cháy rát lưng già
Chiều tàn khuất bóng lệ nhòa mắt con
Nỗi niềm ấy, sự kết tinh của những tình cảm yêu thương mẹ và khát vọng chia sẻ đã được tác giả mô phỏng qua hai câu thơ:      
Mơ thấy đêm về ôm gối mẹ
Nghìn trùng cách trở nghẹn đau thương  
(Đọc Song Hoàng nhớ Thi Hoàng) cũng thể hiện tình yêu quê hương đất nước của người con xa quê, mặc dù tác giả không dùng từ nào để bảo rằng mình đang yêu, nhớ mẹ.
Hạnh phúc gia đình, con cháu xum vầy, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia không ngừng phát triển, bắt nguồn sâu xa từ công ơn sinh thành dưỡng dục của lớp lớp mẹ cha được tác giả gửi gấm trong hai câu lục bát vô cùng giản dị mà thấm thía:
 Một nhà con cháu tương lai
Càng sâu nghĩa mẹ càng dài tình cha (Ảnh gia đình)
Bất giác, tôi thấy như được tác giả đồng cảm và chia sẻ với mình và nhớ lại lúc nào đó đã tự hát thầm "Công cha mẹ dưỡng sinh thành/Chảy xuôi nước mắt an lành nghe con..."
Và thật sự mừng vui biết mấy khi nghe tâm sự của ông về hạnh phúc tưởng như không thể nào viên mãn hơn với người bạn đời yêu quí:
 Ông tơ se đạo vợ chồng
 Trời cho "lá thắm chỉ hồng" sánh duyên
(Ảnh thọ 80 tuổi)
      
Thưa các thi huynh  thi hữu, thơ lục bát trong thi phẩm Chân quê đều ở thể "Lục bát truyện Kiều". Thơ ông rất uyển chuyển nhịp nhàng, vần được chuyển hóa linh hoạt và ý thơ khoáng đạt. Háy nghe ông ngẫu hứng tả cảnh bình minh thật đẹp rất sinh động qua hình tượng một cô gái bằng bốn câu lục bát với những hình ảnh rất chọn lọc:     Hướng dương níu giọt bình minh
Bừng lên trời đất ấm tình núi sông
Đôi tay nâng hạt nắng hồng
Vòng cung uốn ngực bóng lồng ban mai (Hướng dương)
Với bài thơ tặng nữ sĩ Kiều Bắc khi dự hội  thơ Văn miếu Quốc tử giám xuân Quí Tỵ, nhà thơ Thanh Nhã tả người đẹp thế này:   
Chao nghiêng chiếc nón quai thao
Mà như vục cả trời sao vào lòng
Dịu dàng một nét lưng ong
Duyên dáng là cái vờ trông mây trời (Hương xuân)
tôi cứ thấy sững sờ, bởi những từ ông dùng "vục cả trời sao", "vờ trông mây trời", khiến cho dù không đi đâu, tôi vẫn thấy như thấp thoáng đâu đây bóng dáng cô gái quan họ đằm thắm duyên dáng đến hút hồn, nhất lại đó là hình ảnh chính xác về Kiều Bắc, một nữ sĩ đã thành danh trong nhiều câu lạc bộ thơ nói chung và Thông reo nói riêng.      
Rung động rất thơ trước sắc đẹp và tài năng của "Nàng Sita", Chủ nhiệm CLB thơ Hoa Sứ Thái Nguyên, nhà thơ đã thổ lộ:
Em như "Hoa Sứ" ngời ngời
Anh như sóng biển suốt đời lao xao
Rồi rất dí dỏm, bỗng nhiên ông hỏi:
Kiêu sa như vóc lụa đào
Liệu vầng trăng có lọt vào mắt hoa (Em như)
Tôi rất thích bốn câu thơ này, nhưng trộm nghĩ, muốn thay chữ "như vóc" sau "Kiêu sa" bằng chữ "vóc dáng", và bật cười một cách thú vị rằng nhà thơ lại trở thành "vầng trăng". Cũng phải thôi, trăng lung linh dưới sóng biển lăn lăn...sóng lao xao ru nhẹ và ngất ngây gửi gấm bóng trăng in hình trong mắt em...thật là lãng mạn.
      Vâng, thưa các nhà thơ, thưa các bạn, suốt cả cuộc đời, nhà thơ Thanh Nhã đã tận tụy trung thành đi theo cách mạng, không chỉ cầm súng trong chiến tranh, ông đã kinh qua Đại học kinh tế trong hòa bình, rồi  nhiệt tình cống hiến với tất cả tài năng đức độ của mình, luôn tự hào và giữ gìn phẩm giá của người lính Cụ Hồ. Ông có cuộc sống gia đình thuận hòa hạnh phúc, có những người bạn tâm đắc tri kỷ, có nhiều bạn thơ độc giả thơ yêu quí ông nồng nàn. Nhưng không phải cuộc đời chỉ có hạnh phúc và niềm vui. "Nàng thơ" là nơi ông gửi gấm những gì ông phải trăn trở có lúc đến mệt nhoài:  
Đã toan quên hết sự đời
hoặc là ... Đã toan dứt mối tơ mành gần xa (Đã toan)
gửi những suy ngẫm sâu sắc về nhân tình thế thái, khi thì thảng thốt:   
Cõi nhân thế kẻ cười người khóc
Nghề  trần gian buôn dọc bán ngang
Chợ Giời tăng giá lan tràn
Những lo cùng ngại những than cùng phiền (Ngại)
lúc lại rất thâm trầm:
Đất trời cùng nhau vận chuyển
     Thơ nhạc rồi hóa dở hay
Sử sách còn người chép lại
   Giục ta suy ngẫm đó đây (Thăm lại Côn Sơn). Vâng, cùng là một bài thơ, bài ca hôm nay có thể bị chê là dở, thậm chí bị lên án nữa, nhưng lâu lâu sau lại được khen là hay. Chuyện đời là vậy. Nhưng nhà thơ tin lịch sử bao giờ cũng được ghi lại một cách trung thực để cái gì là sai cái gì là đúng phải được phân minh tỏ tường. Lời thơ thật giản dị nhưng hàm ý sâu sa khiến người đọc phải suy ngẫm về con người, về thời cuộc... những gì đã qua, hôm nay và ngày mai.   
     Thưa quí vị, dù có những phút trăn trở mệt nhoài, khi thảng thốt lúc sâu sắc thâm trầm như thế, nhưng sau hết vẫn là một Thanh Nhã bao dung hiền dịu, một Thanh Nhã tự tin nhưng không kiêu ngạo, một Thanh Nhã luôn giữ được những phẩm hạnh rất chân quê từ cốt lõi:
Dẫu chưa trọn kiếp nhân sinh
Với chân quê cũng ấm tình núi sông   (Chân quê)
mà không kém phần lịch lãm đầy hiểu biết của một trí thức thành Nam, đã từng theo thầy học đạo nấu sử sôi kinh một thời. Tình cờ tôi mới được biết, nhà thơ Thanh Nhã được học chữ Nho tới 3, 4 năm, hẳn là tác giả thuộc lớp người hiếm trong giới làm thơ ngày nay. Chả thế mà ông đã tự sự:
Ông đồ xứ Nghệ luôn tâm đắc
Thày khóa thành Nam vẫn thiết tha (Tám ba tự sự)
Sự sâu sắc, tài hoa còn được thể hiện ngay cả trong những bài thơ họa mang tính trào phúng như "Văn miếu Nguyên tiêu": Tác giả rất "tưng tửng" rằng:
Rồng cõng "Ngũ thường" tâu thượng đế
Bóng gồng "Thất trảm" gửi dòng Ngân
nên:       Năm mới dập dìu toàn mốt mới
     "Hào hoa" rặt những dáng thanh tân
Vâng Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, cái Ngũ thường đó (THIỆN) và sự trừng trị  cái ÁC (nhắc đến "thất trảm", chúng ta nhớ lại sự kiện Chu Văn An ngày xưa dâng thất trảm sớ lên vua Trần Dụ Tông...) chỉ có ở ... thượng giới xa vời thì ta có bâng quơ tự hỏi lòng rằng, cái bùng nhùng bê bối  như tham ô tham nhũng gì đấy bây giờ liệu có chống nổi không? 
Tài hoa, đức độ, tận tụy, thủy chung...ông có đủ, có điều ông đã phải chấp nhận, hay nói cách khác, nhận ra cái sự: "Đa đoan mộng ảo" của mình một cách chua sót, thầm lặng để vẫn "chung tình chân quê" mà tỏa sáng một cách thầm lặng qua những vần thơ cho đời: 
   Chắt chiu xuyên suốt cuộc đời
   Mỗi từ, mỗi ngữ,... sáng ngời chữ tâm
(Tấm lòng vàng)
và đây là "chân dung" tâm hồn thơ Thanh Nhã:
Thơ ở trong ta chẳng có mùa
Chẳng vì bạc tiền danh với lợi
Kiếp tằm đến thác vẫn vương tơ.
    Thưa các nhà thơ, thưa các bạn, Cụ Nguyễn Công Trứ, quan văn quan võ song toàn xưa có chủ trương rằng, làm trai là mắc nợ tang bồng, nghĩa là làm sao hai vai gánh vác sơn hà, tung hoành dọc ngang giữa trời đất. Đó là nói chung, còn riêng với nhà nho là nợ sách đèn phải trả bằng nghiên bút. Thì đây, nhà thơ Thanh Nhã ngậm ngùi tự cất cho mình cái gánh nặng tang bồng với công danh sự nghiệp khi nghỉ hưu bất đắc dĩ, nhưng mãi còn vấn vương với lục bát, thâm thúy với Đường thi, bay bổng với hồn thơ mà như sau này ta thấy, mấy chục năm trời ông đã thai nghén và cho ra đời hàng chục đứa con tinh thần rất tinh anh:  
Người về nhẹ gánh tang bồng
Trời yên biển lại lặng lòng với ai
(Vấn vương lục bát)
Cũng bởi thế, hôm nay, chúng ta mới có hạnh phúc được hội ngộ để chúc mừng nhà thơ Thanh Nhã với Chân quê, tập thơ thứ 11 thấm đậm tình người. Cũng mong và tin rằng đó không phải thi phẩm cuối cùng của ông. Với riêng tôi, chỉ là người yêu thơ và tập toạng làm thơ, không đáng là học trò của nhà thơ Thanh Nhã, về tuổi đời thì chỉ như em út của ông, mà hôm nay lại cứ dài dòng, có gì không phải xin nhà thơ và quí vị bỏ quá cho. Để thay cho lời kết, tôi xin tiếp mấy câu kính tặng nhà thơ Thanh Nhã:                                      
Chúc mừng anh em thật kiệm lời
Quẩn quanh quanh quẩn dạ rối bời
Mong anh thơ đời còn lưu luyến
Thọ ngoại trăm năm bút chẳng rời...

Xin cảm ơn nhà thơ Thanh Nhã. Xin cảm ơn sự lắng nghe của quí vị./.

Hà Nội 27/10/2013
Bùi Thị Kim Thư
Hội viên Câu lạc bộ thơ
Thông reo Hà Nội

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Giấc mơ


Giấc mơ, mơ lại ngày xưa
Còn trong sáng mãi đến giờ vẹn nguyên
Chào đời tiếng khóc vang lên
Là như biết đã may nên thành người
Mơ màng mụ dạy khóc cười
Lim dim nhếch nháy tươi tươi môi hồng
Ngày đêm ôm ấp sữa nồng
Thơm thơm vú mẹ thẹn lồng bóng cha
Bàn tay nhỏ xíu ê a
Ngậm ngậm mút mút ngỡ là núm xinh
Trong mơ lỡ thoảng giật mình
Êm sâu lắng mẹ ru tình ầu ơ
Nhún chân nhảy nhót tình cờ
Nghe kèn* cha thổi nhạc thơ dâng đời
Lúc la lúc lắc bên người
Xanh hồng tím đỏ một trời pháo hoa
Bước nhanh bước chậm từ xa
Đất lành phút chốc hóa ra mẹ hiền
Bi bô nhìn xuống trông lên
Bên tai văng vẳng u huyền tiếng cha
...............
Bây giờ người đã đi xa
Thơ run run nấc lời ca muộn màng...
 
1/11/2013 (kỉ niệm sinh nhật con gái lớn)
Hồ Minh Quang

* ACMONICA  

Lạ


MQ (quét ngõ): Bà đã đi mua quà sáng về sớm thế ạ?
Bà già: Vâng, bà ơi, tôi chẳng biết đường về nhà...
MQ: Ôi chết, để em đưa bà về nhé (dìu tay bà già...)
Bà già: Chán quá bà ạ, già rồi chán quá...
MQ: Trời lạnh thế này, bà phải đi tất vào chứ kẻo cảm lạnh đấy!
Bà già: Vâng, tôi định lấy tất đi mà chả nhớ để tất ở chỗ nào. Nhà tôi có cả đống ấy chứ...
MQ: Bà ơi, thế bà ở nhà với ai?
Bà già: Tôi ở một mình bà ạ, thỉnh thoảng có đứa cháu họ đến xem có cần gì không.
MQ: Bà được mấy các em hả bà?
Bà già: Cảm ơn bà, tôi được cả thảy 6 người con. Chúng lập gia đình hết rồi, nhà nào cũng đẻ hai đứa. Chúng nó giỏi lắm bà ạ, đứa thì làm ... ấy tôi cứ hay quên...người ta bảo kiến trúc gì ...sư, con nữa thì dạy học, đứa thì làm ở ngân hàng, lại cái cậu thứ hai nhà tôi làm gì to lắm đấy...
MQ: Ôi thế thì tốt quá...Nhưng sao các anh chị ấy không ai đón bà về cùng ở, hoặc về đây ở cùng để chăm sóc bà?
Bà già: Ôi dào, ấy là tôi khoe bà thế, chứ chúng nó đi ra nước ngoài hết rồi, làm ăn ở nước ngoàì hết rồi, có đứa nào ở đây đâu mà!
MQ: Thế con cháu bà ở những nước nào ạ? không ai xin đón bà đi được à?
Bà già:Tôi cũng chả nhớ chúng nó ở nước nào bà ạ...Làm sao mà chúng nó đón tôi được? Ai cho tôi bệnh tật thế này sang được hả bà?
MQ: ?!?
MQ: Đây đến ngã tư nhỏ này rồi. Bà có nhận ra nhà mình không nào?
Bà già: Có, có chứ, tôi nhận ra rồi. Thôi bà về đi, tôi tự đi nốt, cảm ơn bà nhé.
MQ: Dạ không có gì ạ...Bà đi cẩn thận nhé...
MQ (lẩm bẩm) Cả 6 tiểu gia đình đều ở nước ngoài? Họ "rủ nhau" đi bằng cách nào thế? Chả lẽ một số trong họ vẫn đang ở quanh đây mà bà già lại "lẫn" quá chăng?...Lạy trời, còn sống thêm ít năm nữa, mình cầu trời mình không bị lẫn lộn chi cả, và mình đến thăm bà già được nhiều hơn, chứ không vô tình như trước.

21/11/2013
Hồ Minh Quang

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Minh Quang làm thơ như thế nào

Cách đây gần 50 năm, MQ là sinh viên. Có một lần, lớp lên báo tường. Mình băn khoăn lắm, viết gì bây giờ nhỉ. Mình cứ lờ lờ đi, chưa vội gửi bài. Mình đọc một lượt bài của các bạn. Họ làm thơ này, hay chưa. Mình chưa bao giờ làm thơ cả, đọc thử một bài xem sao. Mới hai câu đầu:

”Ai về thăm tổ ba tôi
Thì ai cũng phải tức thời khen ngay”

Ơ hay, thơ à? Hình như người ta gọi là thơ lục bát. Đúng rồi, câu đầu sáu từ là lục, câu sau tám từ là bát. Từ cuối câu đầu cùng vần với từ thứ sáu trong câu sau, còn bằng trắc gì nữa thì ko biết, mà cũng ko cần tìm hiểu.
Nhưng thơ làm sao ấy nhỉ. Kể ra thì lục đấy, bát đấy, hợp vần đấy nhưng nghe cứ thô thô ngang phè thế nào. Thơ thế thì thà mình viết đại một bài văn xuôi cho xong!
Hay là mình cứ thử vài câu xem may ra mình cũng làm được thì sao…
Mình nhăn mày nhó mặt rặn ì ì thuỗn ra mà chẳng được tới nửa câu nói gì lục với chả bát. Thôi hàng!
Một năm sau, vào một ngày Xuân đẹp trời, bỗng dưng MQ nhận được một mảnh thư tình tuổi lớn hơn học trò:

”Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
Hoa Cúc vàng như nỗi nhớ day dưa…” *

kèm theo là bưu ảnh có lá có hoa.
Chà, không biết chú có tình ý gì với trẻ con này đây,
nhưng trẻ con này bỗng dưng phụt ra:

”Nhớ ai ? ai nhớ bao giờ?
Mà đầu Xuân tặng lời thơ thế này?”

Rồi cất béng cả thơ chủ lẫn thơ khách vào một góc, thầm cười tủm tỉm một mình. Sướng nhất cái đoạn tự nhiên mình lại làm được hai câu thơ lục bát hẳn hoi. Hay thì không hay nhưng còn hơn “cái thằng” “Ai về thăm tổ ba tôi…”. Mà lạ quá cơ, chú chàng lại ko làm thơ lục bát, thơ của chú lại toàn tám từ một câu là sao nhỉ. Kệ nó, cứ để đấy…
Lại một năm sau. Bạn tỏ tình thân muốn kết bạn. Bạn và mình ra suối (nơi sơ tán) truy bài ôn thi…Mấy hôm sau, bạn dúi vào vở mình một bài thơ tặng, bài thơ dài lắm, nhưng mở đầu và kết lặp lại thế này:

”Ta có người bạn gái mến thương
Cùng học một lớp ở một trường
Hồn nhiên như sức Xuân đang dạy
Thông minh học giỏi mấy ai bằng”

Lạ chưa, bạn cũng biết làm thơ à? Mà thơ này lại bảy từ một câu là sao nhỉ, ko phải lục bát, không phải tám từ một câu như “Lá phong đỏ…”. Nhưng thôi, sướng cái đã, bạn thích mình rồi, lại còn “nịnh” mình học giỏi à. Nghe cũng hay hay nhỉ. Nhưng mà…thơ ba câu đầu thì được, nghe xuôi xuôi, bỗng nhiên câu cuối lại đổ rầm xuống thế. Hay là mình thử thay vài từ khác xem…Chịu chết bí rì rì…Thôi cho qua…cất đi làm của để dành đã.
Nửa năm sau. Thời gian trôi nhanh như chó chạy. Bạn ko muốn với mình chỉ là bạn nữa. Bạn hỏi mình:”Mọi người bảo chúng mình yêu nhau. T thấy thế nào?”. Mình chả nói gì, gật đầu. Vậy là thành yêu nhau. Thế thôi!.
Tình yêu, kể cũng lạ. Tình yêu chắp cánh cho thơ. Mình bắt đầu phụt ra các kiểu thơ linh tinh, mỗi câu n từ, với n là số tự nhiên lớn hơn hoặc bằng 5 tùy thích. Mà cũng chẳng xét nét gì, đọc thì cứ ngường ngượng cho đến ngày làm bài thơ “19 tuổi biết yêu” thì tự mình thấy cũng ko đến nỗi nào lắm. Không được lục bát nhưng dứt khoát phải hơn lục bát của mấy chàng trên báo tường rồi…
Lại vài tháng sau, trong một buổi dự xemina chung của nhiều khóa khác nhau, mình  nhận được một bức thư của một anh học trên mình hai năm, mở đầu thế này

”Anh viết thư này giữa ánh khuya
Cỏ cây yên ngủ gió xa về
Anh nhìn mây lướt hồn hiu nhẹ
Như bóng vườn trưa xanh tiếng ve…”*

Chà, lần này đọc thì phải dấu người yêu. Thơ này đúng là thơ đây, khác hẳn lục bát của mấy nhãi ranh cùng lớp mình (!), và xịn hơn nhiều thơ người yêu mình nữa chứ.
Mình mới cố đẻ ra vài câu đáp lại và cũng để thử xem mình có khá hơn xưa ko.

”Thơ anh sao viết hay ghê”
”Nhưng  em lại có người yêu mất rồi!”

Bố khỉ! Chẳng ra cái thể thống gì cả. Đến cả vần cũng bất chấp thì hỏng hẳn rồi! Thôi lại cất…
Cho đến mãi về sau, thi thoảng thơ đi thơ lại với người yêu, sau này người yêu ấy chính là chồng mình, mình quen thơ hơn. Tuy nhiên, vì bận rộn con cái, thơ cũng bị lãng quên nhiều…

Nhưng tóm lại, tình yêu đã cho mình viết được thơ theo xúc cảm tự nhiên và chắp lại có vần tí chút như các bạn thấy blog của MQ bây giờ. Mình ko thấy có gì khó khăn khi làm thơ kiểu này. Tất nhiên, bài của MQ ko thể là thơ thật, nhưng cứ gọi là thơ đi để @ Minh Quang được động viên, đúng không nào?

Chúc các bạn làm thơ thật hay, và tình yêu cũng chắp cánh cho thơ các bạn nhé.


* Về sau MQ mới được các anh ở TACD bảo cho mà biết đó là thơ của người khác, thế mà bạn MQ lại "trộm" để tặng MQ hì hì...

 



19 tuổi biết yêu

Vừa mới hôm nào
Em còn nép vào ngực anh ngoan ngoãn hiền lành
Mà nay lại giận hoài chẳng nhìn anh nữa
Em vẫn nhủ thầm
Hãy đốt lên ngọn lửa
của tình yêu! rực cháy mãi không thôi
Em muốn với anh em đã yêu rồi
Nhưng chưa đủ, cần yêu hơn thế!
Ngày hôm nay giống khi xưa còn bé
Em ghét anh nên chẳng thích …chơi
Nhưng sau một đêm nhung nhớ đầy vơi
Gặp anh em thấy mình bình thản
Lại muốn hát anh nghe bản tình ca sâu lắng
Với dịu dàng năm tháng yêu thương
Nhưng giận dỗi hôm qua khiến em bước trên đường
Mắt nhìn thẳng ngượng ngùng không nói
Anh lành hiền vẫn cười khẽ hỏi
Trả lời ngập ngừng
Em vội bước đi…
Em chẳng biết đâu anh nghĩ những gì
Chỉ thấy vui vì mình…chiến thắng
Cười dấu anh một nụ cười kiêu hãnh
Rằng em lớn khôn rồi và đã biết yêu
Em giận anh vơ vẩn giận nhiều
Bởi muốn giận để càng yêu tha thiết
Chỉ ngày mai thôi ai nào có biết
Em lại ngả vào anh trìu mến hơn xưa
Em nhìn đời thấy đẹp tựa giấc mơ
Và lại nhìn anh…(có chớp!) say sưa…

 11/1967

Bùi Thị Kim Thư

Không thể rời xa


Không thể nào thật rời xa
Mặc trăng lạnh lùng soi tỏ
Tinhtho trái tim em đỏ
Lành hiền nhuộm giọt sương sa
===
Ta nhận ra lời ai ca
Chứa chan tinhtho trong sáng
Như ngôi sao nào lấp lánh
Vẫn cười nháy đời hoang vu
===
Nhưng nhìn bầu trời âm u
Lòng buồn bỗng buồn khôn tả
Con chữ rụng rời khắp ngả
Không còn tuôn chảy…chiều mưa
===
Ta lại tìm về xa xưa
Nụ cười bàng hoàng chợt khóc
Quên mảnh trăng rời lăn lóc
Soi một cuộc tình trong mơ
===
Bâng khuâng viết bài thơ nhỏ
Gửi lại chốn cũ Tinhtho
Không thể nào TAN, dang dở
Tiễn thu, ai tạm rời xa…
===
Ta gọi những lời ru ca
Từ trong tim em sâu thẳm
Ru đời ru hồn bình lặng
Tinhtho người vẫn đợi chờ…


21/11/2012
Hồ Minh Quang

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Nhớ lại cơm thời sinh viên (1964-1968)

Nắm bột mỳ nào đen xám thay
Luộc lên chấm muối gặm loay hoay
Canh rau lõng bõng dăm ba cọng
Húp húp chan chan thế còn may

Một con vịt thả trong chảo quay
Băm băm chặt chặt mỏi cả tay
Xu hào "nhảy" vào vừa năm củ
Múc vội chia vừa trăm xuất đây…

 

Hồ Minh Quang

Mẹ vẫn gọi con

Thơ tặng bà già bất hạnh...

Suốt phần đời cuối cùng này mẹ vẫn gọi con
Chỉ bằng lặng im không còn nước mắt...

Lưng còng, chân run, gắng lê trên đất
Đôi dép vẹt mòn khăn bạc màu tro
Cầm bát đi mua chút cháo, bánh khô
Hổn hển ngu ngơ ngắt từng nhịp thở
Đăm đắm nhìn theo đoàn* qua ngõ nhỏ
Với gọi, tất tả, lục tìm lần vạt áo ra đưa
"Các ông bà ơi hãy nhận dùm cho
Năm nghìn đồng thôi gọi là thơm thảo
Góp cứu trợ người nghèo trong mùa lũ bão
Tôi không có tiền nhiều chỉ nghĩa tình trao"...

Mẹ cô đơn bên cháu con giữa bộn tiếng ồn ào:
"Bà có lương rồi vì thằng em tôi (con bà), nó là liệt sỹ
Chớ làm phiền chúng tôi, xin đừng bóc mẽ
Chúng tôi bận nuôi bầy trẻ - (cháu bà), bà biết đấy thôi!"

Nhăn nhúm bàn tay mẹ thắp nhang gọi
                  (anh linh liệt sĩ) con ơi
Nước mắt chảy xuôi...
       Vậy mà mẹ đang sống bằng...máu con đã đổ!
Chẳng thiếu bát cơm chỉ thèm chút nhân nghĩa nhỏ
Cõi thiên thu con siêu thoát rồi, nghe tiếng mẹ không?
Mẹ gọi con hoài giữa đêm lặng mênh mông...


* những người đi vận động nhân dân ủng hộ đồng bào bị bão lụt

15/11/2013
Hồ Minh Quang

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Vui tự sự

Tôi đây cao tuổi bệnh luôn
Nhưng may "liều mạng" vào trang Blog nhà
Nghe chừng thấy khỏe người ra
Thấy bớt chóng mặt thấy da hơi hồng
Thấy đầu mát thấy ấm lòng
Chân tay bớt nhức dây chằng bớt co
Thấy yên tâm không thấy lo
Đêm nằm ngủ kỹ chẳng mơ kinh hoàng
Đi đứng thêm chút đàng hoàng
Ngồi lâu không mỏi chẳng phiền tê chân
Hát thì cứ hát lăng nhăng
Nhưng không đứt mạch vì căng ...cao trào (!)
Khi có việc lúc ồn ào
Mặc lòng vui vẻ không vào nghỉ yên
Trong túi mà lỡ hết tiền
Ăn gì cũng tưởng lạc miền cỗ to
Huyết áp giảm xuống như mơ
Mạch vành biến mất chẳng chờ mổ nong
Đi đâu có việc chưa xong
Vẫn cứ xe máy chạy nhông trên đường
Vẫn bị bọn trẻ bốn phương
La: Cô chậm thế? Tránh đường cháu đi!
Hôm nào mưa ngập bu gi
Thì cưỡi xe đạp mà phi thôi mà
Bụng bớt to, vẫn đẫy đà
Thần kinh thực vật im re khỏi hành
Hai quả thận cứ ngang tàng
Cười xem "niệu liệu"  tung hoành ra sao
...
Thôi thôi chuyện nảo chuyện nao
Viết lâu viết mãi ai vào đọc cơ
Thơ ấm ớ, thông cảm cho
Tôi vui vui quá nhằm nhò gì đâu
Đã có tóc bạc trên đầu
Mà còn cứ thích sắc màu trẻ thơ...  


Hồ Minh Quang

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

CẢM TÁC VỀ BÀI THƠ "NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN" của tác giả Hoàng Thị Ngọc Hồi


Nắng chiều bỏng rát Trường Sơn
Nghĩa trang trùng điệp trắng non sao vàng
Các anh ơi! vẫn hàng hàng
Chưa về với mẹ nhỡ nhàng nằm đây
Bồ đề che chở tán cây
Ru yên giấc ngủ bàn tay dịu hiền
Ngoài kia quê mẹ trăm miền
Quặn đau thắt ruột nỗi niềm nhớ thương
Nguyện cầu gửi nén tâm hương
Hồn nơi chín suối nhớ đường thăm quê

          Cách đây 39 năm, Hoàng Thị Ngọc Hồi, nữ sinh viên trường đại học sư phạm I - một cán bộ Đoàn mẫn cán, trong lễ chia tay tân binh lên đường nhập ngũ, đã thay mặt những người ở lại đọc lời tiễn biệt vô cùng xúc động. Ngọc Hồi vừa dứt lời, cả đoàn người chạy ùa lên, kí vào lá cờ tổ quốc "Chết xanh cỏ, Sống đỏ ngực"... Thời gian như bỗng ngừng trôi, bao giọt nước mắt thân thương rơi bên những nụ cười tươi rói. Trái tim tất cả như muốn vỡ tung vì chia ly kẻ đi người ở nhưng cũng đập dồn vì chung niềm tin tất thắng. Rồi họ ra đi, hướng về mặt trận đầy máu lửa nhưng hừng hực khí thế của những người lính trẻ, sẵn sàng quyết tử vì độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc.
          Rồi tình cờ, một ngày thu se lạnh, cô sinh viên, cô cán bộ Đoàn năm xưa ấy, lúc này đã trở thành bà mẹ, cùng con đến thăm bạn bị ốm, bấm chuông gọi cổng một ngôi nhà trong ngách nhỏ. Ông bố của bạn ra mở đã lặng nhìn rồi kêu lên:"Ôi, có phải...có phải chị Ngọc Hồi không? Trời ơi, quả đất tròn mà!" Người phụ nữ mỉm cười hiền dịu "vâng ạ", nhưng thực tình chị không nhớ rõ người đàn ông là ai nên hơi lúng túng. Anh ấy mời hai mẹ con vào nhà, chăm chú nhìn người mẹ rồi tư lự: "Đúng là chị rồi. Chị có biết không? ngày ấy chúng tôi ra trận, vâng, chúng tôi ra trận hào hùng và mang theo hình ảnh của chị trên mỗi bước đường hành quân. Chúng tôi nhớ giọng nói đầm ấm dịu dàng của chị, chúng tôi tưởng như đó là lời nhắn gửi của quê hương, lời dặn dò của các thày cô lời động viên của bạn bè, chúng tôi ra đi và hứa thề quyết thắng...Nhưng thật đau lòng, tôi là thương binh may mắn trở về, trong khi nhiều bạn của chúng ta không còn nữa, những người bạn cùng chạy lên kí vào lá cờ tổ quốc năm xưa đó chị. Và không biết giờ này, có đủ những ngôi mộ xanh cỏ cho các bạn không"...Nghe đến đây thì Ngọc Hồi mới xúc động òa khóc bên người đàn ông vừa mấy phút trước đây còn là xa lạ.      
           Từ đó, Ngọc Hồi mang trong lòng niềm mong mỏi, sẽ có ngày đi dọc theo chiều dài đất nước để thắp hương cho các liệt sĩ trong đó có bạn bè mình. Và mong ước ấy được toại nguyện, tháng 4/2012 chị đã có mặt cùng đoàn cựu chiến binh trong một chuyến thăm lại chiến trường xưa. Chị đã qua các nghĩa trang Quảng Trị, Trường Sơn...Đến đâu, niềm xúc động cảm thương cũng trào dâng lặng lẽ. Chị gửi lòng mình qua những vần thơ chân tình cảm động. Và chị sáng tác bài thơ "Nghĩa trang Trường Sơn" khi lần đầu đặt chân đến đây.
           Gần 40 năm qua rồi. Trường Sơn đã trở lại màu xanh, không còn mang trên mình những vết sẹo loang lổ do bom đạn hủy diệt nữa, nhưng vẫn nguyên cái nắng chói chang khắc nghiệt. Và đây, hình ảnh Nghĩa trang Trường Sơn - nơi yên nghỉ đời đời của các chiến sĩ hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, cũng là nơi tôn vinh những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, được tác giả phác họa bằng hai câu mở đầu bài thơ:
Nắng chiều bỏng rát Trường Sơn  
Nghĩa trang trùng điệp trắng non sao vàng
Với nắng Trường Sơn, tác giả dùng từ "bỏng rát" liệu có phải vì muốn nhắc đến cái bỏng rát của chiến trường năm xưa, của bom đạn xé nổ tung trời? Cái bỏng rát ấy đã cướp đi sinh mạng của những người lính trẻ, cái bỏng rát ấy còn mãi làm quặn đau trái tim người mẹ Việt Nam. Phải, rồi ta sẽ thảng thốt biết mấy khi trước mắt hiện lên hơn một vạn ngôi mộ điệp trùng, mà nếu từ trên cao nhìn xuống trông như một khăn tang trắng khổng lồ giữa cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn. Nhưng cái sắc trắng non ấy cũng là hiển hiện sự trắng trong của các anh linh liệt sĩ tuổi mới chừng đôi mươi đã sớm về với cõi thiên thu. Và phải chăng chính ánh nắng hoàng hôn ấy còn tỏa chiếu lên sắc vàng của quốc huy, hiện hữu ở đầu mỗi ngôi mộ, như gợi tưởng về dân tộc Việt Nam, máu đỏ da vàng, vẫn đang ôm trọn các anh vào lòng. Sắc vàng ấy cũng làm tăng vẻ điệp trùng, cho chính các anh, như vẫn đứng điệp trùng trong hàng ngũ quân đội nhân dân, với hình quốc huy có ngôi sao gắn trên mũ đội đầu, các anh không thể chết.
Vâng, giữa không gian bỏng rát, giữa nền trắng non sao vàng của hơn một vạn ngôi mộ trùng điệp ấy, tác giả khẽ gọi các anh linh liệt sĩ:
Các anh ơi! vẫn hàng hàng
Chưa về với mẹ nhỡ nhàng nằm đây.
Hai từ "nhỡ nhàng" có cái gì đau sót thương cảm đến tột cùng. Chiến tranh là tàn khốc, chiến tranh là đau thương. Những người lính trẻ được an táng tại nghĩa trang Trường Sơn đó là một sự nhỡ nhàng chưa tìm về được với mẹ, hay chính mẹ đã chưa tìm nổi vùng đất tĩnh lặng nơi các anh ngã xuống.
Tuy nhiên, các anh nằm đây không lạnh lẽo, cô đơn:
Bồ đề che chở tán cây  
Ru yên giấc ngủ bàn tay dịu hiền.
Lá bồ đề có hình trái tim, cây bồ đề là biểu tượng của cõi tâm linh yên bình nơi đất Phật linh thiêng. "Bàn tay dịu hiền" trong thơ tác giả là bàn tay tâm linh, bàn tay của tổ quốc Việt Nam, của quê hương của những người mẹ trên mọi miền tổ quốc như đang vỗ về các anh, xoa dịu trái tim những người con anh dũng hi sinh trong cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Dù ai trồng cây bồ đề, hay bồ đề tự mọc, thì như có phép thần thông, cây bồ đề đã lớn lên, nằm ngay sau đài tưởng niệm, tỏa bóng làm dịu cái bỏng rát của Trường Sơn năm xưa, cái bỏng rát của những thời khắc chiến tranh nghiệt ngã. Đó là nơi linh hồn các liệt sĩ tề tựu mỗi đêm trăng, rỉ rả trao nhau những tâm tình của tuổi thơ tuyệt đẹp, và như được chở che cho dịu bớt những oi nồng mỗi khi cái nắng miền Trung ập đến. 
Hiểu rằng, mộ liệt sĩ ở Nghĩa Trang Trường Sơn phần lớn là mộ những người con miền Bắc, nên tác giả mới ngậm ngùi:
Ngoài kia quê mẹ trăm miền
Quặn đau thắt ruột nỗi niềm nhớ thương.
Có biết bao gia đình liệt sỹ nhiều năm qua đi tìm hài cốt của con em mình một cách vô vọng, làm sao không thắt lòng cho đặng? Tác giả đã nói hộ nỗi lòng sót thương ấy.Và cuối cùng, tác giả thắp nén hương, là nén tâm hương, gửi vào đấy nỗi niềm nhắn nhủ nguyện cầu các anh linh liệt sĩ biết tìm đường để về quê:
Nguyện cầu gửi nén tâm hương  
Hồn nơi chín suối nhớ đường thăm quê
Vì sao Ngọc Hồi lại nguyện cầu như vậy? Có phải vì chị nhớ lại, trong một buổi lễ cầu siêu cho tất cả các anh linh liệt sĩ kể cả thời chống Pháp, khi tiếng chuông thỉnh của nhà ngoại cảm Bích Hằng rung lên, gặp được linh hồn các liệt sĩ, Bích Hằng hỏi:"Các anh về đông quá nhỉ, các anh đã về thăm quê chưa?" Có nhiều tiếng trả lời:"chúng tôi về nhiều, nhưng chưa về quê bao giờ". Bích Hằng hỏi tiếp:"Đất nước hòa bình lâu rồi sao các anh chưa về quê?" "Chúng tôi làm sao về được? Khi ngã xuống, chung quanh là đại bác, là bom đạn xới tung, có biết đường nào mà tìm, có cách gì để nhận ra lối về quê hương mình bây giờ?" "Tôi đi chơi và không còn mộ nữa, do qui tập người nhà chuyển mộ đi mà không cầu nên tôi không còn lối về..."vv..vv...mà từ đó Ngọc Hồi có một nguyện ước thiết tha là phần hồn của các liệt sỹ hãy tìm được đường về quê không? Như thế sẽ bớt tủi hơn cho cả những người sống và những người đã khuất. Riêng tôi, tôi thầm nghĩ, câu thơ nhắn gửi của Ngọc Hồi còn gợi mở một thông điệp cho những người thân của liệt sĩ, rằng người hãy tới đây, nghĩa trang Trường Sơn này, biết đâu người lại chẳng làm cho đường về quê của anh linh liệt sĩ được ngắn lại?   
           Đọc bài thơ "Nghĩa trang Trường Sơn" của Ngọc Hồi, lạ kỳ thay âm vang của bài thơ còn đọng lại mãi trong tâm tưởng tôi. Đó không chỉ là 10 câu thơ lục bát giản dị, mà là tất cả những gì sâu sắc yêu thương trỗi dậy từ lòng biết ơn chân thành đang dần lan tỏa. Tôi không biết người đàn ông nọ đã đọc bài thơ này của chị chưa, nhưng tôi dám chắc rằng các anh linh liệt sĩ, những người bạn của chị có mặt trong nghĩa trang này đang chạy về nấp dưới bóng bồ đề và nghe thơ của chị trong niềm hạnh phúc khôn tả xen lẫn ngậm ngùi. Phải, họ đã không ẩn hiện từ những nấm mồ xanh cỏ, nhưng họ đã yên lành dưới những nấm mồ trắng non sao vàng, nơi mà hàng ngày có hàng chục ngàn người như chị Ngọc Hồi đang khấn thầm các anh và lòng bảo lòng, hãy sống cho xứng đáng với sự hi sinh thầm lặng của các anh, những chiến sĩ trẻ... 

Bùi Thị Kim Thư Hội viên CLB THƠ THÔNG REO HÀ NỘI
       (viết bài này có tham khảo lời tâm sự của tác giả bài thơ)

Bụi phấn




Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần. Minh Quang xin thân chúc các anh, các chị, các bạn và các em là thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, an lành, mãi hạnh phúc vì mình có những thế hệ học trò đã, đang và sẽ trưởng thành.

Xin gửi tặng bài thơ MQ làm cách đây 4 năm
có tựa đề BỤI PHẤN:

Bụi phấn rơi theo dòng chảy thời gian
Mái tóc thầy đổi màu đen trắng
Em lớn lên nhìn đời bụi nắng
Có lúc nào chợt nhớ thầy không?

Trang đời ai viết mãi mênh mông
Có thành đạt nào không từ bụi phấn?
Em có vô tình phút giây ân hận
Lãng quên Người chèo lái ngày xưa

Bài ca ai đưa em vào giấc mơ
Nghẹn ngào lớn lên con em thành cô giáo
Bụi phấn trắng theo dòng đời huyên náo
Cười hiền đưa những ước mơ về...


11/2009
Hồ Minh Quang

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Hình chụp sinh nhật 17/11


Từ trái sang phải: Vợ chồng Ngân Hương Việt Phương và Thùy Anh
Quang Anh, Diệp Cầm, Thanh Hoa, Phúc Hoàng, Minh Quang
Anh Quân, Thúy Hậu, Song Hương, Diệu Ngân
(Anh Tuấn mắc chụp hình)



Bánh gato vợ chồng con gái út tự làm (hình thức hơi xấu nhưng ăn thì ngon hơn bánh mua nhiều
ngon cả theo nghĩa "vật lí" và "logic")


Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Sinh nhật KIM THƯ 17/11

Ba mươi chín năm trước đây anh làm thơ tặng em
Còn hôm nay em làm thơ tặng...vợ (!)

Vẫn biết cuộc đời có sướng vui có cả nhiều nỗi sợ
Là số phận rồi chấp nhận xuống lên
Mà sao vẫn ngơ ngẩn buồn tênh
Ngậm ngùi khi đũa còn một chiếc
Bài thơ "Vợ ơi anh yêu em" nguyên tình tha thiết
Kỉ niệm xa rồi như mới hôm qua
Em gọi anh với nỗi nhớ diết da
Mở trang thơ đời sẻ chia cùng bè bạn
Phút khôn thiêng-ngày mai, anh về đi trong yên lặng
Với bạn đời nay đã lại là ... ANH
Nụ cười vẫn tươi ấp ủ hiền lành
Trao cho vợ yêu những gì anh muốn...


16/11/2013
Hồ Minh Quang
 

Vợ ơi anh yêu em!
Anh viết cho em bài thơ
Mừng em hai mươi sáu tuổi
Những vần thơ ghi vội
Từ rung động trái tim
Sai nhịp vần nhưng nặng yêu thương
Xin tặng em cả lòng chung thủy
Em ơi thời gian trôi nhanh không nghỉ
Hai mươi sáu mùa xuân trôi
Chúng mình yêu nhau cũng bảy năm rồi
Thế mà anh tưởng nụ hôn đầu tặng em mới vừa năm ngoái
Chặng đường hành quân nào đôi chân không mỏi
Em có nhớ không
Và nụ hôn đầu tiên
Em tặng anh trên môi anh vẫn còn nóng bỏng
Ơi những đêm trăng sáng
Chúng mình bên nhau
Chẳng nói lời nào
Chỉ có những vì sao cười nhấp nháy
Tình yêu ban đầu sáng trong biết mấy
Trái tim hồng trao nhau
Và chắc em rất đỗi tự hào
Bởi đã vượt biết bao ngăn trở
Để có hôm chúng mình ngồi bên cành Lay ơn hé nở
Ngượng ngùng xấu hổ nhìn nhau
Áo dài em tươi màu
Tóc á phi dê là lạ
Môi hồng tươi đẹp quá
Mắt nhìn vui hạnh phúc chứa chan
Đám cưới đơn sơ
Không rước dâu
Chẳng pháo nổ râm ran
Nhưng vô cùng ấm cúng
Đến hôm nay tính năm vừa tròn bốn
Thế mà anh tưởng mới hôm qua
Những ngày tháng bên nhau thắm thiết mặn mà
Những bữa cơm đi làm về nấu vội
Những sáng mùa đông giật mình thức dạy
Thương em ngược gió đi xa
Và những đêm nép chặt vào nhau nghe gió rít sau nhà
Thấy hạnh phúc nở bừng lên đẹp quá
Giọt nước mắt dỗi hờn lăn trên má
Cũng nặng tình yêu thương
Rồi chúng mình có con
Thêm những tình yêu mới lạ
Anh thương em vất vả
Ngày đêm lo lắng chăm con
Một chút lớn khôn
Nảy thêm mầm vui mới
Anh không được cùng em sớm tối
Để gia đình đủ nét tươi vui
Chúng mình bên nhau chỉ một năm thôi
Mà hạnh phúc gieo vào bao kỷ vật
Một chiều hè nắng gắt
Chúng mình chia ly
Một buổi chiều con tiễn anh đi
Vẫy mãi bàn tay bé xíu
Anh đi xa càng xa càng thấu hiểu
Cái nghĩa mặn nồng của những phút gần nhau
Chiếc gối cưới hôm nao nâng giấc đêm thâu
Trên những chặng đường hành quân gian khổ
Chiếc gối em may nặng ân tình trong đó
Có hơi thở chúng mình những phút gối chung
Lúc nhớ em ôm gối vào lòng
Như ôm cả bóng hình em trong ấy
Và những đêm băng đồng xuyên tối
Vẫn có em cười gọi anh
Anh thấy mình sức mạnh tăng thêm
Bởi đôi chân có tình em nâng bước
Anh biết nơi xa kia vắng anh em vô cùng khó nhọc
Thức khuya dạy sớm lo toan
Chưa ngừng việc cơ quan
Đã đến việc nhà cơm rau áo tã
Một tiếng con ho cũng làm em nín thở
Sớm chiều lo lắng không nguôi
Chỉ một mình em thôi
Chỉ một mình em thôi
Buồn vui nào ai chia sẻ
Thế mà tình yêu, tình yêu luôn luôn mới mẻ
Như bát nước đầy em giữ trọn cho anh…
Chúng mình xa nhau sắp được ba năm
Thế mới biết thời gian qua nhanh em nhỉ
Nhìn tương lai ta vẫn còn xa mãi
Tim anh thoắt nhói thương đau
Nhưng có bao giờ và ai muốn thế đâu
Có ai muốn vợ chồng chia ly đôi ngả
Có phải không em bởi giặc thù còn đó
Bởi cuộc sống nghèo hèn giục những bước chân
Em hãy nói với con
Hoa ơi lớn nhanh bước theo đường của mẹ
Tuấn ơi lớn nhanh bố đang chờ con đó
Đời các con rồi sẽ đẹp hơn…
Anh viết tặng em bài thơ
Mừng em hai mươi sáu tuổi
Anh muốn cùng em ôn lại
Mối tình đôi ta
Có cả vui xum họp có cả buồn lìa xa
Nhưng rất đẹp bởi tình yêu vô cùng trong sáng
Rất hạnh phúc bởi những nghĩ suy cuộc sống
Chúng mình trùng nhau…
Anh ngồi lặng yên và lật trang nhật ký năm nào
Để tìm lại bóng hình em trong ấy
Và đây bức ảnh em thời con gái
Bím tóc tròn trên vai
Đôi mắt ngây thơ trong sáng nhìn ai
Nồng cháy yêu thương như nhắc anh những ngày sôi nổi
Giờ đây em hai mươi sáu tuổi
Anh cũng vào ba mươi
Những nét xưa thành quá khứ xa xôi
Đổi thay nhiều mà không thấy
Chỉ có tình yêu ngày thêm nồng cháy
Là chẳng bao giờ tắt giữa đôi ta…


Hồ Minh Quang
viết ngày 17-11-1974,
vợ tròn 26 tuổi. 

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

KY UC ANH

Họp hội nghị tại Bangkok về sự cố Y2K trong CNTT năm 2000,
MQ mặc áo khoác đen đứng hàng thứ hai trước ông đầu bạc

Lớp học sử dụng PC cho phân tích thống kê 1985 tại Bangkok
MQ đứng thứ hai hàng thứ hai từ trái sang

Đi học Phân tích và thiết kế hệ thống CNTT tại Án độ 1992
MQ bên phải

Khảo sát CSDL tại Tổng cục Thống kê Indonesia 1992
MQ đứng giữa 

Khảo sát về CSDL và mạng máy tính thống kê tại Indonesia 1997
MQ đứng thứ ba từ phải sang 

Tham quan nơi lắp ráp máy vi tính tại Singapore 2000
MQ đứng thứ ba bên phải sang

Phòng cố vấn trưởng dự án Sida Thụy điển
trước khi MQ nghỉ hưu cuối 2003

Quảng trường Thiên An Môn Trung Quốc 2000





Tham quan nơi lắp ráp máy vi tính tại Singapore 2000
MQ đứng thứ ba bên phải sang



MQ và Chuyên gia CNTT Thụy điển đứng trước Cục Thống kê Trung ương Thụy Điển SCB

MQ và lãnh đạo SCB (1998) 

MQ và chuyên gia CNTT Thụy Điển (1998)

MQ bên phải và em dâu dưới chân tháp Eiffen tại Paris (1998)

MQ và Cố vấn trưởng dự án Sida Thụy Điển  (1998)

Các bạn cùng lớp học phân tích và thiết kế hệ thống CNTT
tại Ấn Độ (1992)
MQ bên phải

MQ và các bạn cùng lớp học ở Ấn độ (1992)


Đoàn Việt Nam học tại Ấn độ và một người bạn
MQ đứng giữa, PHI (trong hồi ký) là người thứ hai từ trái sang

Hội nghị về Thống kê lao động không được trả công tại Hàn Quốc (1999)
MQ đứng giữa

MQ ở Ấn Độ 1992



Đoàn đại biểu dự đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam 2002

Hồ Minh Quang và con gái Hồ Thanh Hoa chụp trước nhà hát Lơ Vốp UCRAINA 1992