Me về với tổ tiên ( Tiếp)
Vậy là hai chị em, chị Hiền Trang và tôi thay
phiên nhau chăm me ở bệnh viện. Ban ngày tôi bận đi làm thì chị Trang đến (chị
đã nghỉ hưu), đêm thì tôi đến với me đổi ca vì chị tôi hay chóng mặt không ở
lại ban đêm được. Công việc cơm nước ở nhà, các con tôi phải tự lo thôi. Tuấn
thì chạy vòng ngoài, nhờ bạn bè giúp đỡ chữa bệnh cho bà. Sau khi khám xét đủ
thứ, bệnh viện kết luận là me tôi tim bị to, do già quá, phổi hơi rám, và ho
nặng. Họ bảo chỉ cầm cự chứ chẳng có điều trị gì đặc biệt. Nằm ở đây chừng mười
ngày, bệnh viện chuyển me tôi sang khoa Tim mạch, bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu
cho tiện. Me cũng đồng ý. Nhưng khổ là khoa này đông, nên me phải nằm chung với
một bệnh nhân nữ chừng 50 tuổi yếu lắm, da bọc xương, đang truyền huyết thanh.
Vậy mà me tôi, người to béo cứ giở mình ầm ầm, vùng vằng lấn cả sang chị. Bọn
tôi phát hoảng, phải giữ và dặn me nằm yên hơn kẻo đụng mạnh chị ấy đang truyền
là lôi thôi to, lỡ ngã thì chết. Một mặt tôi gắng liên hệ xin chuyển phòng
khác. Gọi là đỡ chứ vẫn hai người một giường. Phòng có 8 giường, mỗi bệnh nhân
có từ 1-2 người nhà ở lại ban đêm nên đêm nào cũng có từ 16-20 nhân khẩu nằm
ngồi la liệt trong phòng chưa tới 20 m2, lại còn bao nhiêu bô đặt để người bệnh
đại tiểu tiện nữa chứ. Ban đêm, tôi chỉ có một mình, mệt thì nằm dưới đất thiếp
đi một tị, trong túi thường trực lọ dầu để trị cảm trị chóng mặt, vì cả đêm phải
lục cục dìu me dậy đi tiểu vào cái bô cao mang từ nhà-cái bô mà ngày xưa me tôi
suốt ngày đi đổ cho tôi vì tôi nghén nặng nôn liên miên đó. Tôi còn lấy sẵn một
cái siêu to đổ đầy nước để vệ sinh cho me sau mỗi lần đi tiểu hoặc đại tiện.
Cái vụ vệ sinh này là do tôi học được hồi đi Ấn độ, thấy họ luôn đặt sẵn cái
siêu ở các vòi nước nhà vệ sinh, nơi tham quan di động trong rừng sâu, rất tiện
và sạch sẽ. Mấy ngày sau, có các cháu Ngân (con chị Hiền Trang), cháu Phong
(con chị Thùy Trinh), cháu Miên (con em Vinh), và các chị em con cháu khác gần
xa đến thăm nom và trông bà nên chị em tôi đỡ hơn.
Khoa Tim mạch cũng kết luận
giống như Viện Lão khoa thôi. Họ khích lệ đưa bà về nhà chứ bệnh viện không làm
gì được hơn mà cả bà và con cháu đều vất vả. Chúng tôi hỏi ý kiến me, me đồng ý
nên ra viện. Me muốn về chị Hiền Trang mấy bữa rồi về lại nhà tôi sau. Me yếu
hơn trước, mặt đã bắt đầu phù nề, bàn tay cũng vậy. Me vẫn ăn được, nhưng ngủ
ít hơn. Tôi ở cơ quan làm việc xong thường chiều tối ghé qua thăm me. Chị em
bạn bè tôi ở cơ quan cũng ghé thăm, mọi người hay nói chuyện vui để me yên
lòng. Ở được ít bữa, me đòi về Cổ nhuế. Đúng dịp ấy, tôi có mấy ngày đi công
tác cùng chuyên gia tập huấn ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi động viên me ở lại
với anh chị khi xong việc tôi ra ngay và đón me về nhà. Me nghe theo hơi miễn
cưỡng. Tối hôm ấy, trước khi ngày mai lên đường công tác, tôi ở lại với me thật
lâu. Tôi dỗ me ăn được một miếng bánh chưng to, một quả trứng gà luộc, và một
quả quit bự. Hỏi ra mới biết me táo bón mấy ngày nay rồi, tôi dỗ me đi ngoài
cho đỡ nặng nề, và me nghe theo. Tôi và chị Thùy Trinh (bị đau chân đến khổ)
dìu me ra bô, vẫn chiếc bô cao đầy kỉ niệm ấy.Me đi ngoài được thật nhiều. Tôi
mừng lắm, rửa cho me đàng hoàng sạch sẽ và hai chị em dìu me trở lại giường,
yên tâm hẳn. Khuya rồi, me dục tôi về chuẩn bị mai đi công tác, dục chị Trinh
về nghỉ ngơi. Me hứa sẽ đi ngủ ngay.
Tôi về nhà, dọn dẹp thu xếp hành lí
rồi đi nằm chứ không sao ngủ được, lòng cầu mong ngày mai lên đường bình an, hi
vọng các anh chị sẽ chăm sóc me cầm cự được ít ra là tới tết Nguyên đán. Tôi
định bụng vào thành phố sẽ thuyết phục một cô bạn nhỏ, kĩ sư chương trình nơi
sở tại, làm phiên dịch thay tôi rồi tôi trở lại Hà Nội ngay để sớm đón me về
theo ý nguyện. Nhưng thực tế chẳng tính được gì cả. Sinh có hạn, tử bất kì, me
tôi đã ra đi lúc hơn 5 giờ sáng trong bàn tay nâng giấc của anh chị cả tôi. Chị
gọi điện và nhắc tôi gấp rút lo tìm ảnh chân dung của me, cùng chuẩn bị một số
thứ khác nữa.Tôi điện báo cho cơ quan để hủy chuyến đi, và tôi nhắn chuyên gia
thông cảm, cứ vào trước rồi sẽ có người khác dịch. Nhưng ông ấy không chịu vào,
ở lại dự tang lễ me tôi rồi chờ tôi cùng vào muộn. Tôi vội vã đến anh chị, cùng
với anh rể làm thủ tục xin đưa me tới nhà tang lễ Phùng Hưng, rồi về quê xin
đất nghĩa trang và làm mọi thứ cần thiết, thông báo họ hàng. Và tang lễ trọng
thể đã được tổ chức vào ngày hôm sau, đông đảo các cơ quan đoàn thể họ hàng bạn
bè đến dự. Cả gia đình thống nhất để tôi viết và đọc điếu văn Me:
“Me ơi! Hôm nay ngày 8/9/1999 tức ngày 28/7 năm Kỉ Mão, chúng con về
đây để tiễn biệt me về cõi vĩnh hằng. Than ôi! Giờ đây âm dương đôi ngả đau
buồn xiết bao!
Đã chín mươi tư mùa xuân
trôi qua kể từ ngày me ra đời ở một làng quê bé nhỏ. Trải qua bao nhiêu thăng
trầm, khổ đau, sướng vui, me đã không quản gian lao vất vả nuôi các con rồi lại
chăm sóc đàn cháu nhỏ từ các cháu Thanh Ngân, Thanh Ngọc, Việt An, Thục An, đến
các cháu Tuấn Phong, Thanh Hoa trong những năm chiến tranh đầy gian khổ đến các
cháu Anh Tuấn, Ngân Hương và mới hôm nào đây cụ còn vui vầy với chắt Phúc Hoàng
trong những ngày gần cuối cuộc đời. Chúng con không thể nào quên hình ảnh me,
một người mẹ cần cù chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, không quản ngại khó
khăn gian khổ luôn vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Giờ đây chúng con đã trưởng
thành, đàn cháu của bà đã lớn khôn. Đã qua những ngày gian lao vất vả vì lâm
bệnh trong lúc tuổi già sức yếu, nên mặc dù được các bác sĩ y tá hết lòng cứu
chữa, con cháu chăm sóc tận tình, bạn bè gần xa quan tâm thăm hỏi, nhưng me vẫn
không qua khỏi để bây giờ chúng con vắng me, các cháu thiếu bà.
Me ơi! giờ phút linh
thiêng này, thay mặt cho cả những người đã khuất, chị Hiền Thục, chị Hiền Thủy,
anh Đình Viên, anh Minh Quang, em Đức Vinh, chúng con xin kính cẩn cúi đầu
trước vong linh me. Chúng con mong me hãy tha thứ hết những lỗi lầm dù nhỏ,
những điều con cháu làm cho me không vui để chỉ mang theo sự thanh thản và
những niềm vui sướng trên cõi đời này về với tổ tiên, gặp lại thầy con và các
anh chị em chúng con.
Trước vong linh Người,
chúng con xin hứa sẽ luôn hết lòng thương yêu đùm bọc nhau, sống theo đạo làm
người mà thầy me đã truyền lại cho chúng con suốt cả cuộc đời. Chúng con xin
cúi đầu vĩnh biệt Me kính yêu, xin vĩnh biệt…”
Linh cữu me tôi được
đưa về an táng tại quê nhà. Tôi cầm khay trầu đi mời họ hàng và bà con dân làng
dự rất đông. Tôi không thể nén kìm những dòng nước mắt vì sót thương me và vì một
chút gì mặc cảm khi quá khứ rất xa xưa chợt hiện về. Tôi lại nhớ đến hình ảnh
của mình, 13 tuổi lần đầu tiên theo me về quê, chạy trên con đường làng bé nhỏ
vào nhà nọ nhà kia, nhưng không dám dừng lại trước cổng nhà mình, nơi me đã
từng ngồi hóng mát trên lầu hai lộng gió, đơn độc một thời.
Tôi trở lại Hà Nội và vội
vàng vào Nam
vì chuyên gia đang đợi. Tôi chưa thể quen với việc me tôi đi xa, nên những ngày
này đi công tác có khi lại là may. Đến lúc về thì buồn lắm. Cây hoa giấy héo
rụi trong khi mọi ngày nó xanh um mơn mởn. Nó khỏe đến nỗi cái rễ chui qua vết
nứt đáy chậu mà đâm xuống đất, nên không cần phải tưới. Cô hàng xóm bảo cây héo
là vì bà mất. Muốn cứu cây thì khoanh một vòng tròn vôi trắng quanh thân cây,
coi như để tang bà. Tôi làm theo, quả nhiên vài ngày sau cây lại xanh tưng bừng
như cũ. Đúng là lạ thật. Nhà tôi có chị Thùy Trinh làm trên chùa nên cúng cho
me tôi chu đáo. Tới 35 ngày thì cúng tại chùa ở quê. Chúng tôi đặt cơm chay,
nhờ nhà chùa làm lễ. Mọi người cử tôi ngồi vào chiếu cầm cành phan, tức là một
cành tre lớn, đầu trùm kín mít một chiếc khăn. Nếu me tôi về thì hồn nhập vảo
tôi và cành phan sẽ quay tít mù, là mọi người bảo vậy. Tôi ngồi, thực lòng
không tin, nên đầu óc tỉnh táo, tay cố ý cầm chặt cành tre chống xuống đất cho
chắc chắn. Rồi tôi nghe sư thầy tụng kinh, nghe cô em dâu họ đang cúng bái, gọi
hồn. Tôi vẫn để ý mọi chuyện, biết hết. Bỗng nhiên, tôi thấy cành phan quay thật,
tôi ghìm lại mà không được. Rồi sau đó cô em lật chiếc khăn ra, tôi khóc như
mưa như gió, tôi đứng lên đi ra ôm từng người thân và chỉ nức nở không nói được
lời nào. Một hồi lâu, cô em bảo với vong hồn me tôi :”Bác ơi, thế là được rồi.
Hôm nay chị em con cháu về đây cúng 35 ngày cho bác, bác gặp đầy đủ cả mọi
người rồi đấy. Mong bác sớm siêu thoát và phù hộ cho tất cả nhé. Mọi người luôn
nhớ bác, chào bác ạ.” Dứt lời, tôi chợt rùng mình, rồi mắt tôi ráo hoảnh, như
chưa khóc bao giờ. Cuộc lễ tan, cả nhà ra ngoài ăn cỗ chay hưởng lộc. Trên
đường đi ra, chị Hiền Trang ghé tai tôi hỏi nhỏ:”Thư thấy thế nào? Cảm giác ra
làm sao, chị chẳng tin…” Tôi thuật lại cảm giác và sự thay đổi của tôi, tôi bảo
chị “hình như me có về thật chị ạ”.
Vậy là me tôi đã đi xa thật
rồi. Ở nhà, chỉ còn ba mẹ con, tôi và Tuấn, Hương. Tôi lại tiếp tục mê mải công
việc ở cơ quan, thi thoảng được cử ra nước ngoài vội vã trong 1-2 ngày, họp hội
nghị quốc tế và phải làm báo cáo trình bày tình hình của Việt Nam, lần thì họp
về sự cố năm 2000 (Y2K) trong công nghệ thông tin ở Bangkok, lần thì họp bàn
thống kê lực lượng lao động không được trả công (unpaid work) ở Hàn Quốc. Khi
mới sang, trước giờ hội nghị thì buồn, nhưng vào hội nghị rồi, vừa lo lo vừa
thú vị, vì ở đây, tự nhiên khi phát biểu trình bày, tôi thấy đủ tự tin và giọng
nói của mình khác hẳn đi, đỡ “annam”
hơn. Vẫn chỉ có một phiền phức duy nhất là tôi bị say xe nên vào việc thì mới
gồng mình lên mà tỏ ra khỏe mạnh, còn lại thì xanh xám mặt mày, và lúc nào cũng
phải thầm gọi MQ thì mới đỡ tí chút.
Chết hụt
Mùa hè năm 2003, tôi dự
hội nghị ở Nha Trang. Chúng tôi nghỉ tại khách sạn ngay gần bờ biển, trên đường
Trần Phú. Sáng sớm trước khi vào hội nghị, khoảng 5 giờ, tôi và chị Nga ở Lâm
Đồng (cùng phòng) rủ nhau ra biển. Hai chị em bảo nhau mặc áo tắm sẵn nếu tiện
thì xuống nước. Ra đến nơi mới biết biển động, sóng lớn lắm, cao chừng năm mét,
nên chúng tôi chỉ chạy trên cát và tập thể dục. Chạy mãi hơi mệt, tôi dừng lại
và nằm chơi. Tự nhiên tôi nghĩ mình nằm vậy không ổn, rất nguy hiểm, nên trở dậy,
đi lên sát phía gần đường. Tôi định nghịch khoét một hố cát to để nằm vào đó,
nhưng loay hoay chưa kịp làm gì thì một con sóng lớn đã chồm tới, trong chớp
mắt, tôi bị cuốn ào ra biển. Tôi ở tư thế nằm ngửa nên sóng tiếp tục tràn qua
và nước xối xả ào vào miệng khiến sặc sụa ngột thở. Tôi không biết bơi nên tự
vùng vẫy một cách bất lực. Tôi chỉ kịp nghĩ “sao mình lại phải chết một cách
giản đơn và vô lí thế này?” và cố gắng giơ thẳng cánh tay phải lên trời để may
ra ai nhìn thấy mà cứu không. Chuyện kể dài dòng, chứ thực tế xảy ra nhanh lắm.
Tôi bỗng thấy như ai đụng vào mình, chắc là tôi được cứu rồi. Tôi nhớ lời dặn ở
đâu đó, nếu sắp chết đuối, không được ôm chặt người khác, người ta sẽ cuống và
cả hai cùng nguy. Thế là tôi gắng bất động, để mặc ân nhân đẩy kéo tôi. Tôi chỉ
kịp nhận ra láng máng đó là một người đàn ông mặc áo đen, chưa tới 50 tuổi. Tôi
cảm thấy mình được đẩy ra xa vì hình như biển lặng lắm không có sóng lớn nữa.
Sau rồi tôi thiếp đi, và tỉnh dậy thấy anh ấy kéo tôi đến gần bờ và nghe tiếng đông
người lội xuống dìu đưa tôi lên. Tôi thở dốc, sặc nước mà không nôn được, cổ
họng phát ra những âm thanh thật rùng rợn cứ như bò rống hay là lợn bị chọc
tiết ấy, vang giữa một vùng trời. Có tiếng người đàn ông bảo mọi người đặt tôi
nằm xấp, và ai đó dẫm lên lưng tôi cho nước trào ra. Họ cũng làm theo nhưng vô
hiệu, tôi vẫn nằm trơ ra đó, thở dốc. Chị Nga bảo đưa tôi đi cấp cứu, nhưng tôi
lắc đầu. Tôi bắt đầu thở nhẹ hơn nhưng chóng mặt quay quay khi được đỡ ngồi dậy.
Chị Nga lại hỏi đưa tôi về khách sạn nghỉ thì tôi bằng lòng, nên chị cùng một
người nữa dìu tôi đi bộ, bên kia đường là khách sạn mà.Nhưng chưa kịp sang
đường, tôi đã nôn thốc nôn tháo, nước ộc thẳng phun ra từng mẻ. Ai cũng mừng.
Trở về khách sạn, chị Nga đưa tôi vào phòng tắm và trợ giúp. Tôi tiếp tục nôn.
Có nôn mới biết sao mà mình ngốn lắm nước biển đến thế. Vào phòng nằm nghỉ, chị
vẫn đặt đầu giường một cái chậu cho tôi. Chị bàng hoàng kể lại, khi xảy ra sự
cố sóng thần chộp tôi, chị chạy khắp bãi biển kêu cứu. Lúc đó có chừng hơn chục
người. Một số ông định nhảy xuống nhưng ra rồi lại phải vào vì sóng quá dữ,
chịu không nổi. Chị đã thất vọng và hoảng sợ lắm, nhưng ngay trong chớp mắt,
đúng vào thời khắc đặc biệt, một người đàn ông đặc biệt đã lao từ trên đường
Trần Phú xông thẳng xuống biển không ngại gì sóng dữ để cứu tôi. Đó là người
đàn ông tôi thoáng thấy giữa cơn hiểm nguy, mà trong lúc nhộn nhạo ở bờ biển,
mọi người tập trung giúp tôi, đã không để ý đến anh ấy nữa. Và khi được dìu về
khách sạn, tôi mới nhớ ra hỏi xem ân nhân của mình đâu rồi thì mọi người đều
chịu không biết.
Tới giờ ăn sáng để chuẩn bị
vào hội nghị. Chị Nga dặn tôi nằm nghỉ và tìm đồ ăn gì cho tôi. Nhưng tôi cảm
ơn rồi không nghe, cứ gượng dậy, tự bám leo cầu thang từng bước lên phòng ăn.
Tôi nói với chị Nga tôi hiểu tình trạng của mình, và tôi đang làm theo một cách
riêng để bình phục được nhanh nhất. Tôi lê từng bước, chọn miếng bánh ga tô nhỏ
và một cốc sữa nóng rồi ngồi vào bàn nhấm nháp. Bình thường tôi không thích sữa,
nhưng có thể cố uống mỗi khi yếu mệt, còn bánh thì tôi thích. Nhưng lúc đó chịu
chết, tôi không thể nuốt nổi một ngụm sữa hay một mẩu bánh nào vì như có gì
chẹn ở họng, tôi ngậm vào lại nhả ra. Thế là tôi đành rời phòng ăn lên thẳng
hội trường. Vì mệt, nên tôi kiếm một chỗ ngồi ngay không giao lưu gì với ai cả.
Tôi chờ đến lượt mình báo cáo, tôi không có ý định bỏ cuộc. Tôi ra ngoài uống
mấy ngụm nước nhỏ.Theo chương trình, báo cáo của tôi được trình bày sau giờ
giải lao. Tôi không nghĩ ra là xin đổi lên trước, nên cầm cự mãi người cứ lạnh
dần lạnh dần, tôi chẳng biết bấu víu vào đâu ngoài lọ dầu nóng. Ra giải lao,
tôi lấy một đĩa bánh và cốc sữa như cũ, lần này thì nhâm nhi được từng tí một.
Tôi đứng ở hành lang, nơi góc khuất, không chào hỏi gặp gỡ bất kì ai mặc dầu
biết chắc là có rất nhiều người quen từ trung ương vào, từ các địa phương tới.
Một cậu trưởng phòng của trung tâm lại gần chuyện trò với tôi trong chốc lát,
tôi không kịp nói gì thì đã bỏ đĩa chén xuống chiếc bàn nhỏ và xin lỗi rồi chạy
vào nhà vệ sinh ngay cạnh. Tôi nôn thốc nôn tháo, khởi đầu là ít bánh sữa tôi
vừa ăn và nước uống khi ngồi họp, sau đến nước biển mằn mặn, tiếp tục vọt ra xối
xả. Cả một phòng đệm (nơi có bồn rửa tay) bỗng chốc ngập ngụa bẩn thỉu. Tôi vừa
thở hồng hộc vừa vội vã tự dọn dẹp, múc nước dội đi. Không may là chẳng có ai
để tôi nhờ giúp đỡ, nhưng lại may là không có ai vào nên tôi có thể dấu được sự
cố của mình, vuốt tóc bằng tay rửa mặt qua quít rồi ngật ngưỡng trở lại hội
trường như không có chuyện gì xảy ra. Và chuông reo, tôi lên trình bày. Có lẽ
vì hưng phấn cao độ, nên bản báo cáo của tôi giữ được phong độ cần thiết, và
khi kết thúc, tôi xin hội nghị mấy phút, kể vắn tắt chuyện vừa xảy ra sớm nay
bên bờ biển. Tôi xúc động tâm tình rằng, xin cảm ơn chị Nga, đồng nghiệp đã
gián tiếp cứu tôi, và người đàn ông Nha Trang đáng kính đã cho tôi sống lại, để
bây giờ tôi có thể làm tròn nhiệm vụ của mình, và nói lời tạm biệt trước khi
(cuối năm này) tôi về hưu. Điều đó cũng có nghĩa là BẠN BÈ ĐỒNG NGHIỆP và
QUÊ HƯƠNG NHÀ CHỒNG
luôn ở bên cạnh tôi, mãi mãi.
Ngay chiều hôm ấy, tôi đi
xe ôm xuống nghĩa trang Suối Hiệp, mang theo lọ cắm hoa nhỏ đùm cả một ít xi
măng bỏ trong hành lí đưa từ Bắc vào, để thay bình cắm bông cũ là một vỏ lon
bia, anh Quảng-anh chồng tôi-làm bấy lâu nay. Tôi đem một chai nước nữa. Vậy là
tới mộ ba má, tôi chỉ việc bỏ vỏ lon bia đi, lấy dao cạo khoét một lớp rồi gắn
lọ hoa vào cho chắc. Cũng may là chú lái xe ôm rất nhiệt tình cùng làm giúp
tôi, chứ tôi quá mệt khó làm tử tế chắc chắn được. Nhắc đến anh Quảng, tôi lại
nhớ đến ngày này năm trước, anh đã trở về cõi vĩnh hằng sau một thời gian lâm
bệnh hiểm nghèo. Tôi kết hợp công tác vào Sài Gòn, kịp tới thăm anh và ở lại
bệnh viện một ngày một đêm, khi anh đang sống những ngày cuối cùng của cuộc
đời. Tôi đã được chứng kiến sự chăm lo chu đáo, hết sức tận tình tỉ mỉ và tình
yêu thương vô hạn của chị Lý, vợ anh; của Nga, Hà-hai con đối với anh, và không
bao giờ quên được. Tôi càng nhớ da diết những ngày rất xa xưa, anh lụi hụi mang
cho vợ chồng tôi cái ổn áp để tăng điện, anh đóng tặng chiếc giường 1,2m để vợ
chồng con cái tôi ngủ san ra đỡ chật, và đóng một tủ gỗ lim nhỏ tôi đang cất đồ
lưu niệm của chồng tôi và đặt ban thờ MQ lên trên cho tới tận bây giờ.Tôi ra Hà
Nội được mấy hôm thì anh Quảng mất. Biết trước là vậy mà tôi vẫn buồn, buồn tê
tái trong một nỗi hoang vắng lạ kì.
Trở về chuyện người đàn ông cứu tôi. Suốt mấy
ngày hội nghị, buổi trưa và sáng sớm, tôi thẫn thờ ra bờ biển hi vọng tìm lại
ân nhân bằng cách hỏi thăm, nghe ngóng dân tình bình luận về cái vụ chết hụt
của tôi để may chăng có thông tin gì về anh ấy. Nhưng vô hiệu, chị Nga và bạn
bè tôi chỉ phỏng đoán anh ấy phải là bộ đội đặc công, hoặc dân chài đi biển kỳ
cựu thì mới có thể làm vậy. Tôi ân hận quá vì đã không kịp nói gì với anh kể cả
một lời cảm ơn ngắn ngủi thì anh đã đi rồi. Tôi không biết làm thế nào, nên
đành viết thư gửi Đài truyền hình và báo Nha Trang kể lại sự việc, cảm ơn ân
nhân tôi chưa biết rõ mặt, chưa biết quí danh, đồng thời ghi tên tuổi địa chỉ điện
thoại của tôi mong được liên hệ với con người vô cùng đáng kính ấy. Nhưng rồi,
không có hồi âm nào trở lại, mặc dù báo đài đã làm hết trách nhiệm của họ.
Sau sự cố chết hụt ấy và
ra Hà Nội, suốt hai tháng liền, đêm nào (và cả thi thoảng buổi trưa), cứ đặt
mình xuống thiếp đi ngủ mơ, tôi lại thấy có một cảnh tượng thôi. Đó là biển
mênh mông sóng cồn dữ dội và tôi, đang một mình vật lộn quẫy đạp với bộ não
tỉnh táo đón chờ cái chết một cách bất lực, và một trái tim đang đập dồn trong
ước vọng mong manh nhưng rực lửa: TÔI
CÒN ĐƯỢC SỐNG.Tỉnh dậy hốt hoảng và bần thần, tôi lại mộng mơ
rồi, người đàn ông áo đen hôm nào không ai khác, đó là MQ đã hóa thân trở về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét