Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

NƯỚC MẮT & NỤ CƯỜI - CHƯƠNG 17/3


       CAI NGHIỆN ( Tiếp theo)

      
Có thể do Trời Phật và Gia tiên phù hộ độ trì cho cháu và gia đình, nên đúng dịp đó tôi đã có cơ hội tìm được việc làm cho cháu. Số là, cơ quan tôi phải xử lí số liệu cho một tổng điều tra thật lớn, nên cần chiêu sinh hàng trăm người để đào tạo nhập tin trên máy vi tính. Cán bộ nhân viên có con, em, cháu đều có thể xin vào, mà cũng không đủ, phải lấy ngoài xã hội nữa, chỉ cần có trình độ phổ thông trung học thôi. Đây là việc làm đột xuất, chỉ kí hợp đồng vụ việc. Thế là tôi nghĩ xin cho Phong dự lớp tập huấn này. Tuy nhiên, tôi băn khoăn lắm. Liệu cháu có chịu khó học hành và làm cho tốt không? Hay lại “phá bĩnh”? Tôi có cần nói thật với mọi người về tình trạng của cháu không? Người ta có dám nhận cháu không? Hay chỉ kéo theo những lời đàm tiếu, khổ thêm cho cháu và cho mình. Tôi đấu tranh tư tưởng rồi cuối cùng quyết định chỉ nói thật với Phi:
- Này ông! Tôi có thằng cháu con trai chị ruột, chả dấu gì ông, nó mới cai nghiện một tháng nay. Hiện giờ thì cháu cũng tỏ ra quyết tâm cai đấy, nhưng chưa biết thế nào. Tôi muốn xin cho cháu dự tập huấn và nhập tin kì này để cháu có việc làm tạm thời, rồi sau tính tiếp, chứ ngồi không ở nhà gay lắm. Nhưng tôi cũng ngại cháu sinh sự. Tôi đã hình dung hết những sự thể tồi tệ xảy đến thì tôi phải hứng chịu, nhưng còn phiền phức với cơ quan và công việc chung thì sao, ông góp ý với tôi cho khách quan nhé. Ông bảo có nên cho cháu vào làm hay không. Ông nghĩ và quyết định hộ tôi. Ông bảo thế nào tôi nghe theo thế ấy, đầu óc tôi muốn nổ tung lên rồi đây này. Nếu bảo không nên xin vào thì tôi tìm cách khác, ở nơi khác vậy.
- (sau khi nghĩ) Thôi, cứ cho cháu vào đi, rồi quan tâm theo dõi cháu cẩn thận. Không sao đâu mà!-Phi động viên tôi.
- Cảm ơn ông lắm. Tôi ngại nói dối quá. Thôi thì tôi đã nói thật với một người là ông, ông chịu khó "đại diện" cho cả cái tập thể này nhé và thông cảm cho tôi.
Vậy là cháu vào học và đi làm.
              
Vốn cháu có tí chút thông minh nhanh nhẹn (trước kia cháu đã từng là học sinh chuyên Toán), cháu theo học dễ dàng, tiếp thu nhanh, và cũng chịu khó nữa, nên đạt kết quả rất tốt. Cháu học cả ngày. Chiều tối về nhà với mẹ và vợ con. Cả nhà thống nhất với cháu là tuyệt đối không liên lạc với bè bạn qua điện thoại (cố định), ngày đó cũng may là chưa có điện thoại di động phổ dụng như bây giờ. Buổi trưa, Phong ăn cơm hộp bình dân cùng các bạn. Rồi nghỉ tạm ngay tại phòng học. Tôi thường gặp gỡ cháu vào buổi trưa, luôn theo dõi sát tình hình của cháu thông qua các giáo viên và phụ trách lớp học. Thi thoảng, tôi bảo Phong vào phòng tôi làm việc, tôi cho cháu sử dụng máy để biết thêm về tin học văn phòng, về một vài trò chơi nhưng chủ yếu vẫn là để nói chuyện trao đổi với cháu, hỏi han cháu học hành tập luyện ra sao, rồi tâm tình với cháu chuyện gia đình, khơi dậy cho cháu lòng tự trọng và tự tin ở bản thân. Phong nói chuyện với tôi hết sức thoải mái, cả về những ý nghĩ thầm kín tế nhị trong các mối quan hệ của  gia đình cháu.
Sau một thời gian làm thử, sát hạch, Phong được vào làm theo ca, hưởng lương theo sản phẩm và chất lượng nhập tin. Phong rất chăm chỉ, chịu khó, miệt mài. Đôi khi có vài người kể lại với tôi, Phong học và làm rất giỏi, các cô các chị đều phục nó có vợ con sớm, nhưng thấy cháu ít nói và “mảnh dẻ gầy gò phờ phạc trông cứ như thằng nghiện ấy!”. Tôi nghe mà giật mình, mặc dù lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tinh thần xấu nhất, đó là nó quay lại nghiện hút, rồi rủ bạn bè tìm cách lấy trộm máy tính (!) thì mình sẽ phải hứng chịu cả về vật chất đền bù và danh dự như thế nào.
Nhưng nghĩ vậy thôi, lo thì lo cũng chỉ có lúc, còn đa phần như có một trợ giúp siêu hình nào đấy, tôi luôn tự trấn an được tinh thần và có một niềm tin tuyệt đối vào Phong.
            Bẵng đi một thời gian, có dễ đến vài tuần, tôi bận việc quá, không gặp Phong và cháu cũng ngại lên phòng tôi, nên cô cháu không gặp nhau. Tôi bỗng sực nhớ ra điều gì, một buổi trưa tôi gọi Phong hỏi chuyện. Sau một loạt hỏi han tâm sự về gia đình, về mẹ cháu, vợ con cháu, về chuyện nhập tin, về bạn bè, tôi bảo cháu:
- Này Phong, cô hỏi thật, cháu đừng nói dối cô nhé. Từ lâu nay, có khi nào cháu quay lại dùng ma túy không? Hoặc chỉ là có ý nghĩ quay lại?!?
- (sau một lát dường như phân vân) Có cô ạ, có một lần….
- Cháu nói sao? Một lần quay lại ma túy ư?
-Vâng, đó là một lần cháu buồn quá về chuyện gia đình, mẹ cháu và vợ cháu cứ lủng củng, cháu muốn tâm sự với cô nhưng cô lại bận quá, cháu ngại làm phiền cô.
- Ôi trời, sao cháu dại và liều thế? Cháu kể kĩ cho cô chuyện ấy đi nào!
- Cháu thấy chán, thấy buồn, cháu đi hút lại. Nhưng thực ra cháu đã không làm được điều ấy, khi dùng cháu thấy đau đầu kinh khủng, không thể chịu được. Cháu lại nghĩ đến cô, kiểu gì cháu cũng không được làm ảnh hưởng đến cô. Rồi sau đó cháu thôi cô ạ.
- Thật là còn may quá. Lần sau cháu đừng dại dột thế nhé. Chuyện của mẹ cháu và vợ cháu chỉ là chuyện nhỏ thôi. Cái chính cháu phải thực sự quyết tâm bỏ thuốc để trở lại với gia đình, và cuộc sống lành mạnh của cháu sẽ làm cho mẹ cháu và vợ cháu vui hơn, đỡ khổ hơn Phong ạ. Lâu nay cô không nhắc đến vợ cháu và mẹ cháu, cô chỉ muốn tập trung động viên cháu học và làm thôi. Nhưng hôm nay, thì cô phải nói với cháu. Cháu phải biết ơn, từ đáy lòng, biết ơn vợ cháu trong việc cai nghiện này. Nếu vợ cháu không kiên trì, theo sát cháu thì làm sao gia đình biết cháu đang say sưa ở đâu, để mà phối hợp đưa cháu đi cai nghiện? Mẹ cháu thì bất hạnh, chân lại đau như thế, vợ cháu đã trải qua bao ngày chăm sóc mẹ từ khi mới chỉ là người yêu thôi. Chuyện va chạm nhỏ thường ngày cũng khó tránh, nhưng về bản chất, mẹ cháu và vợ cháu vẫn thương nhau đấy chứ, cháu đừng có tự dằn vặt mình quá mức. Việc của cháu là tập trung vào cai cho thật tốt, vậy thôi. Cô cũng rất vui khi cháu nghĩ đến cô, nhưng thực ra cô hay các bác có cố gắng giúp cháu việc này việc nọ cũng chỉ là hỗ trợ và tạo điều kiện một chút thôi, còn thành công hay không phải là do cháu, do nghị lực của cháu. Nếu cháu thương bố mẹ, thương vợ con và đừng quên, cháu thương bản thân mình, thì cháu hãy hứa với cô đi, đừng bao giờ yếu đuối và dại dột thế nữa. Cô rất sẵn lòng nghe cháu tâm tình chia xẻ bất cứ chuyện gì, cháu cứ chủ động đừng ngại làm phiền cô Phong nhé.
- Vâng cháu cảm ơn cô, cháu xin hứa-Phong nói khẽ đủ để tôi nghe thấy.
            Rồi từ đó, lại tiếp tục những ca nhập tin mải miết, những năng suất và chất lượng không thể phàn nàn gì về cháu được. Ít lâu sau, cơ quan có nhu cầu chọn người nhập tin tại địa bàn một số tỉnh phía Nam, mang máy tính đi lưu động. Công việc này kéo dài cả một năm trời luôn. Tôi nghĩ đến Phong và hỏi cháu có muốn đi vậy không. Cháu thích quá và đồng ý. Tôi dặn:
- Cháu đi làm vậy sẽ vất vả hơn, sẽ phải ăn ở tại nhà dân, tuân theo kỉ luật của nhóm, của đội điều tra. Nếu cháu không tự giác quyết tâm cai nghiện, dù là đến nơi lạ, cháu có thể hỏi ra chỗ để tiếp tục mua thuốc  không có gì quá khó khăn, nhưng cháu nhớ đây là dịp may cuối cùng để cháu tập trung vào làm việc và hoàn lương, cháu có hiểu không?
- Dạ cháu hiểu, cô hãy tin ở cháu…
           Vậy là tôi xin cho cháu đi, cháu được biên chế vào một nhóm do bác Ly phụ trách. Tôi đã nhờ bác bảo ban cháu và nghiêm khắc trong mọi việc. Tất nhiên tôi không dám nói chuyện cai nghiện của cháu. Tôi chỉ nói với bác nếu bất cứ lúc nào cháu có biểu hiện tự do vô kỉ luật thì gọi điện giúp cho tôi ngay để tôi xin đổi người, và cháu không được làm nữa.
            Rất mừng là cháu đã đi, và làm rất tốt. Không kể ngày đêm, khi lên rừng, hay ra vùng chài bên biển, dù ăn ngủ ở đâu, sướng cực thế nào, cháu không chán nản và tuyệt đối không bị ai phàn nàn, còn được các bác khen là nhanh nhẹn, nhập tin chính xác, phân việc gì phụ thêm cũng làm ngay. Bác Ly cũng quí và tin tưởng cháu lắm. Đi làm lưu động như vậy, lương  được trả cao hơn ở nhà, Phong có thể tiết kiệm mang về cho vợ con chút ít.
              Một năm trôi đi thật nhanh, cháu trở về. Tôi không tin ở mắt mình nữa, Phong tăng có dễ trên chục kí. Cháu khỏe manh, cao lớn, hoàn toàn không còn dấu vết gì của một thời “oanh liệt” trong còm cõi, xác xơ. Vậy là bước đầu coi như thành công.
Từ đó khi nào cơ quan có việc theo thời vụ, cháu và các cháu khác quen làm, làm giỏi lại được gọi vào nhập tin. Lúc này, chả còn ai cười cháu “trông như thằng nghiện” nữa. Tuy nhiên, vì công việc có ít, không đều đặn thường xuyên, nên cháu sang làm ở một công ty tin học của bạn chồng tôi. Cháu làm phụ giúp các kĩ sư vừa làm vừa học và về sau cháu tham gia làm phần đồ họa cho Web. Cháu sống giản dị, và bằng lòng với công việc đó, cho tới mấy năm gần đây thì chuyển sang những việc khác tự lo, và chăm chỉ đưa con cái đi học, quan tâm khích lệ các con cố gắng học giỏi.
              Chuyện chỉ có vậy. Đã 13 năm kể từ ngày gặp bác sĩ ở trạm cai nghiện, cháu tôi trở lại cuộc sống yên bình, tôi không còn lo lắng gì nữa. Tôi hiểu, cai nghiện không dễ dàng chút nào, và trường hợp của cháu tôi là may mắn hi hữu. Tôi không biết nghiện ra sao, nhưng thầm phục Phong, chắc cháu phải có một hệ thần kinh vững vàng thế nào mới vượt qua được chính mình trong những thử thách, những chịu đựng kinh khủng như thế. Nhiều lúc, tôi chợt nghĩ hay là vì có những phù trợ của Đức Phật, phù hộ của gia tiên nữa, điều mà chị tôi hiểu rõ hơn tôi nhiều, bởi nửa cuộc đời sau của chị gần như gắn liền với công việc của nhà chùa, chị đã tìm được sự giải thoát từ nơi cửa Phật.
            Về phần mình, tôi không bao giờ quên hình ảnh, việc làm và giọng nói của người bác sĩ đáng kính, và cũng chính vì vậy, mãi đến sau này và chắc rằng trong cả phần đời còn lại, tôi sẽ rất dè dặt mỗi khi có ý nghĩ rằng, bác sĩ đang làm khó với mình, đang muốn “vòi” tiền mình đây. Tôi cũng rất vui vì đã đặt lòng tin không lầm chỗ, vào thằng cháu yêu quí của mình, và phần nào dù chỉ rất nhỏ thôi truyền sang được cho cháu lòng tin ở chính bản thân để vượt qua thử thách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét