Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Thi hát ngộ ghê (cách đây 4 năm)








Mình xa blog mấy ngày vì chóng mặt. Hôm nay mới mò dạy được, mở blog ra thấy 13 comments và 3 lưu bút mới của các bạn, vui quá và biết ơn các bạn quá, nên gắng viết ít dòng kể cho bạn bè nghe về cái chuyện thi hát của mình. 

Như các bạn biết, từ lâu nay, mình đã chuẩn bị cho nó nhưng chuẩn bị cụ thể như thế nào chứ? Thoạt tiên, mình chọn bài hát trong phim “Vợ chồng A phủ”, nhưng rồi sau lại đổi sang “Mặt trời bé con” của nhạc sỹ Trần Tiến. Mình thử hát một cách tự nhiên, nghe thấy không hay, đi tìm trên mạng, nghe thử, thấy cũng không thích lắm, mà có vẻ giật giật…Mình biết, mình hát không đúng, phải theo họ là chuẩn hơn. Nhưng từ từ đã. Mình nghĩ, nếu chỉ đứng hát trơ trọi thì cũng đơn điệu quá, phải có động tác tay chân thế nào chứ. Thế là mình đứng trước gương, tay phải cầm cái lọ giả vờ làm Mic, tay trái,…thì hành động. Lúc thì tay trái vung lên giả vờ đang đánh đàn, lúc lại đặt lên ngực, lúc thì huơ tròn tròn như Mặt trời bé con…nghĩa là đủ kiểu. Nhưng thế quái nào, khi lồng động tác vào, mình lại hóa ra xúc động quá trớn, mình hát mà nước mắt lại cứ ròng ròng, đôi lúc còn nghẹn ngào nữa “từng đêm đứng quanh tôi những mặt trời bé con”…”em bé chờ vẫn chờ đợi dưới mưa….”. Hỏng hết cả, bài hát này cũng có phần xúc động nhưng như mình thì thái quá, không ai có thể chấp nhận được, thế là mình bắt đầu lên gân, nét mặt cứng cỏi lạnh lùng ra để đừng có nhè,…và vvv…Cho đến một ngày, có ông anh mình đến chơi, mình khoe đang tập hát để thi, mình hát và bảo anh nghe thử xem. Mình cũng biểu diễn động tác hẳn hoi. Anh bảo “cô hát cũng được đấy, nhưng nét mặt cô sao căng thẳng thế, cứ thoải mái đi!” Chả là anh không biết cái vụ mình giảm bớt xúc động…hì hì. Anh lại nhiệt tình” cô có muốn tôi quay camera để cô rút kinh nghiệm không và hôm nào hát tôi cũng quay cho để làm kỷ niệm” “Ôi thế thì còn gì bằng cảm ơn anh quá…” (lâu nay nhà mình có đám cưới con cái cũng hay nhờ anh quay camera mà). Vây là anh quay lần thứ nhất cho mình. Mình bớt căng thẳng, nhưng thấy mắt sao cứ chớp chớp liên hồi lúc nhìn lên quá thể, lúc lại nhìn ngang cố gắng. Mà mắt mình thì vốn đã dạng mắt toét rồi…Lần thứ hai, mình sửa, ngó ra cũng đỡ chút xíu, anh cũng công nhận mình có khá hơn…Thế rồi chiều 20/4, mình dẫn ông anh đến nơi thi để biết chỗ. Nhưng cũng chính vì lần tiền trạm này, mà mình biết được cuộc thi sẽ bắt đầu 22/4 chứ không phải 21/4. Thôi được, hoãn một ngày chả sao. Thế rồi sau đó về nhà mình hơi quay quay chóng mặt, mình uống thuốc luôn, hí hửng sẽ có ngày 21/ 4 tập luyện thêm. Nào ngờ 21/4, mình chóng mặt nặng hơn. Đêm 21/4 càng nặng. Sáng 22/4 gục hẳn. Mình gọi điện ban tổ chức, mình xin hoãn đến 23/4 hoặc 24/4, vì có những 3 buổi sáng thi sơ khảo. Hôm qua 23/4, bệnh càng nặng lên không có cơ may nào đi thi được. Vậy là trông chờ hôm nay 24/4 thôi. Nhưng đâu có đơn giản thể, ban tổ chức gọi về cho mình, có thi thì trong buổi sáng 23/4 thôi, tức là sáng qua đấy. Họ đã rút gọn lại và kết thúc vào 11g 30 không kéo sang sáng hôm nay nữa. Trời ơi có là đánh đố mình….
Chả lẽ mình bỏ cuộc sao…Mà cái bệnh của mình, bạn nào đã từng chóng mặt, buồn nôn thì biết rồi đấy, có dạy được đâu, cứ thay đổi trạng thái là quay đảo luôn, đến đi tiểu cũng còn sờ lần chán, mắt nhắm tịt cho bớt chóng mặt mà. Mình phải ăn toàn đồ khô, nhịn uống nước để số lần phải trở dạy là ít nhất… Mình lò mò thử ngồi dạy thấy quay lắm, không được lại về giường nằm, mở điện thoại thấy 8.30 rồi 9.00, rồi…? Một ý nghĩ trong đầu vụt lóe, mình nhất định phải đi thi, vào lúc 10.30. Từ đây đến đó còn hơn 1 giờ động hồ. Mình dạy lần sờ ra tủ thay cái quần…lại nằm lại quay. Lại dạy lấy cái thỏi son quệt quệt vào môi 3 cái, lại  nằm thở, lại dạy thay …cái áo lót cho hợp với áo dài…lại nằm…Mình gọi điện cho con gái út ở gần đấy sang. Chả là con dâu mình vẫn phải đi làm ngày giỗ tổ Hùng Vương, con giai thì đưa mấy cháu về bà ngoại rồi trở lại nhà vì mình đang bệnh.…Mình nói ý định đi thi ấy, con gái la quá trời “Mẹ làm sao thế, con không đời nào lai mẹ đi bằng xe máy đâu, rồi đến đó mẹ có việc gì thì con không chịu đâu, ngoài trời đang đổi gió lạnh run đây này…” Thấy mình cứ ngồi lên nằm xuống thế nó cũng kệ mình. Mình nằm thở và rơm rớm nước mắt “Mẹ tưởng con là con gái gần gũi với mẹ thì cũng phải động viên hay giúp gì mẹ chứ, con nỡ ngồi nhìn mẹ vật lộn với cái áo trong, với cái quần mà con ngồi im được sao? Mẹ không thể chịu đựng được nữa khi mà cứ phải nằm bất lực thế này. Mẹ không cần giải thưởng, mẹ chỉ muốn được hát cho mọi người nghe, được phơi bày cái  “công trình” mẹ say mê suốt bao ngày nay thôi. Rồi có được vào chung kết hay không cũng không quan trọng nữa, mẹ mệt thì mẹ sẽ ở nhà luôn mà. Mẹ hiểu, con phản ứng với mẹ cũng vì lo cho mẹ, nhưng mẹ nhất định làm thôi, kể cả có bị sao có lăn đùng ra thì đưa đi bệnh viện là cùng chứ gì, mẹ chả sợ chết bao giờ... Nếu sống mà cứ nằm ịch thế này thì sống cũng chả có ý nghĩa gì…Thằng anh con đấy, nó vẫn nửa đùa nửa thật bảo Gớm mẹ cứ viết blog bliec làm gì cho mệt ra…gớm mẹ hát làm gì,…gớm mẹ cứ đi thăm người ốm đi đám cưới đám tang lắm thế…mẹ già bệnh tật đầy người lại về hưu rồi ai người ta trách mẹ…nghĩa là rất nhiều thứ gớm. Thế chẳng hóa ra nó chỉ muốn mẹ ngồi im một chỗ, hàng ngày chờ đến buổi chiều thì nấu cơm ăn xong đi ngủ vậy là đủ để "cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao à?" Mẹ không muốn giải thích nhiều nhưng không ai sống thay mẹ được cả, con hiểu không…”
Nghe vậy, con gái "xuống thang" một chút, anh T sắp về chưa mẹ, hỏi xem anh ý có đồng ý để mẹ đi không thì gọi taxi chứ dứt khoát không đi xe máy…kể cả  con biết mẹ bị say xe vẫn phải thế…Rồi gọi điện thằng anh về, thằng anh thì đơn giản hơn, mẹ có đi được không, cái H dắt mẹ ra chỗ ô tô nhé (đường làng). Con sẽ đi cùng mẹ …Mẹ cố thế cũng tốt thôi, cứ nằm mãi cũng chán…Con gái thì lại gọi điện cho
chồng nó …anh ơi mẹ đòi đi thi này, sắp ra ô tô đây, anh có ra không, mang cả con đi nhé, nhớ mang máy ảnh đi chụp cho bà,…Hà hà có thế chứ!
Nó giúp mình mặc và cài khuy áo dài. Tóc mình búi lên qua qua vì chóng mặt lắm, không làm kĩ được, đấy là lúc nằm đã phải hì hụi gỡ từng tí tóc rối rồi đó. Xong xuôi, mình bảo con khoác dùm cái áo vét dày to nhất, đầu thì trùm kín khăn quàng dài màu lòng tôm. Chân vẫn đi đôi tất màu đen bạc màu, cũng không thể tìm và thay tất trắng hay nhạt màu gì được. Kệ…đi thôi…
Con gái dắt mình, một bên mình bám cầu thang đi xuống, vớ đôi guốc cao gót cũ cũ còn đang vướng tí bùn chưa rửa. Đi quãng đường làng, một bên thì con dắt, một bên thì cứ vịn vịn vào các bức tường. Gặp ai quen không chào cho ra hồn, cứ gật gật đầu thôi, vì mắt có mở ra to được đâu, cứ him him cho đỡ quay nhiều mà. Mọi người rất ngạc nhiên, bác đi đâu thế này, diện thế, mà lại như là ốm, đi bệnh viện hả, sao lại mặc áo dài? …
Ra đến ô tô, leo lên ngồi ngửa vật ra phía sau, mắt le lé nhìn phía trước. Hì hì thì ra con bé nói đúng, ngồi trên xe thấy cũng êm êm, không say gì cả vì còn mải chiến đấu với cái quay quay…
Đến rồi, vợ chồng con gái gửi xe máy, con trai hẹn xe chờ, rồi cùng nhau đưa bà mẹ “dở hơi” lên thi ở hội trường tầng 3. Các thí sinh đang lần lượt thi. Mình loạng quạng tự đi lên về phía hàng ghế đầu và ngồi phịch, không chào hỏi được ai hết. Một ông bạn quen thấy mình đến, ngồi ghé vào bên cạnh, mình tháo ví tiền và điện thoại đeo ngực, tháo khăn quàng,…tháo áo khoác tống bừa vào lòng ông ấy, ngượng mà không biết làm sao (ngượng vì mình không thân mà lại làm mấy việc ngó bộ tự nhiên quá, ai biết đâu mình đang quay tít này…)., vì con rể loay hoay máy ảnh sửa soạn, con trai lại ngồi chỗ xa, con gái đang phải dỗ con chạy lung tung…
Rồi, bắt đầu tim mình đập thình thịch nhanh chưa từng thấy trong đời, kể cả so với những lần cấp cứu vào bênh viện, những lần h/áp 220/120, nhịp tim 120…Mình hơi hoảng, mình vận khí công thở để nhip tim chậm lại nhưng không ăn thua. Cô gái điều khiển cuộc thi, giới thiệu…bảo mình cứ ngồi nghỉ rồi thi cuối nhé. Mình bảo, mình mệt lắm, cho thi ngay sau người đang hát thôi, mình không chờ được (trước khi đi đã liên hệ điện thoại sẵn rồi, khi nào đến được là cho mình hát ngay…). Chấp nhận, nào sắp hát thật…Mình thoáng nghĩ nếu tim đập nhanh bất thường này mà giở chứng gì thì sao đây, lỡ lên bị gục thì …? Nhưng thôi kệ, rồi cũng đến lượt mà. Mình chưa hát ngay, mình nói vài lời đã, mình xin lỗi ban giám khảo, xin lỗi quí khán giả, xin lỗi các thí sinh, mình làm đảo lộn thứ tự thi của mọi người, nhưng xin được thông cảm vì mình không may có việc riêng…
Mình bắt đầu hát, hoàn toàn không làm chủ được bản thân, mà chỉ thể hiện theo…bản năng...kết quả của sự luyện tập thôi. Mắt mình gần như nhắm là chủ yếu, chỉ ti hí chút chút vì nếu mở to mắt là quay dữ lắm không hát được. Tay chân thì cứ vung theo hoạch định. Chỉ cảm thấy một điều là mình hát khớp với tiếng nhạc đệm, thế thôi. Ngày xưa khi còn đi làm, thi thoảng có hát thì phải có một vài lần ghép nhạc trước xem có ổn không đã mới lên hát, lần này chả ai cho gặp nhạc công mà ghép thử cả, mình vốn lo nhất cái khoản này, nhưng lúc hát thật rồi thì thấy ... OK!
Khi tiếng hát cuối cùng vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên. Bao nhiêu người chạy lên tặng hoa cho mình, mình cảm động quá nhưng thực sự là không nói gì được, không nói được một lời cảm ơn nào. Mình không nhìn ra ai với ai cả, không biết hoa to hoa bé cầm ôm thế nào đâu. Đang luống cuống tự nhiên thấy mọi người cười ầm lên, chả biết là có chuyện gì, hóa ra cháu ngoại bé tí đang khệ nệ ôm bó hoa tướng mà bà ngoại thì có cúi xuống nhìn thấy cháu đâu. Cháu thấp có 87 cm, bà thì cao lêu đêu gấp gần 2 lần cháu; mắt bà lại nhìn thẳng bởi bà vẫn đang bị chao đảo mà …. Khi mọi người nhắc biết rồi mình vẫn chẳng ngồi được xuống mà ôm lấy cháu..., mình phải lảo đảo chạy về chỗ ngồi. Lại chui vào áo khoác, lại chùm khăn tiếp ngồi đợi kết quả…He he, đây rồi, thấy các biển số rồi …Ban giám khảo có 4 vị, ba biển 10 một biển 9,5. Dụi mắt tưởng nhìn nhầm, không nhầm, …rồi người  ta cũng tuyên bố bằng lời, mình được 39,5/40.
Mình đứng lên chắp tay vái vái cảm ơn về phía ban giám khảo và hội trường, rồi con cái lại dắt dìu mình thoát khỏi cái đám đông ấy…dị quá, nhưng biết làm sao được…
Về đến nhà, tiếp tục nằm vật ra cho đến sáng nay lần đầu tiên trong mấy ngày có thể dạy để…đánh răng, khiếp quá….
Chiều nay, không quay đảo nữa rồi, ngồi dạy và gõ cho các bạn đọc đây. Bé Ngọc Linh sáng nay vô tình đến chơi, cô MQ còn nằm bẹp trên giường, cũng không kể cuộc thi vì muốn để bé tự đọc hay hơn…
Vậy là chắc chắn được vào chung khảo, thứ tư tuần sau 28/4. Nhưng mình thì không chờ đợi nó, nghĩ bụng nếu còn mệt không đi thi cũng chả sao, hát một lần vậy là đủ rồi...chỉ tiếc là ông anh định quay cho mình thì hôm 22/4 đến nơi chả thấy cô em đâu, hỏi ra mới biết cô em chóng mặt nằm nhà không thi được. Anh trở về và vào thăm mình. Anh cười và bảo "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên nhé..." Mình xin lỗi vì đã không lưu tên anh trong điện thoại, lúc chóng mặt có biết đàng nào mà lần tìm ra số để báo anh. Mình cũng bảo anh, mình không biết có thi được không và thi vào lúc nào nên thôi không phiền anh quay camera nữa. Đúng lúc mình ở trên ô tô, anh bấm máy hỏi mình sao rồi, mình bảo đang chóng mặt nhưng trên đường ra chỗ thi đây, anh bảo tiếc quá không …lên kịp…thôi đành chúc mình đạt kết quả vậy hi…hi…
Đấy chuyện thi hát của mình gớm quá và đúng là NGỘ GHÊ…
Đời mình đã có một kỷ niệm chắc không bao giờ quên được.
Mình cũng phải tiết lộ là, trong cái việc quyết định thi như thế, có những bàn tay của các bạn vẫy gọi đấy, MQ cố lên cố lên. Mình nằm giường lúc nào cũng lẩm bẩm “Nam mô a di đà Phật…” “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền….” “Anh ơi không phù hộ cho em đi, làm sao em dạy được để đi thi đây…” “Các bạn ơi, mình phải thi để có chuyện mà kể cho các bạn nghe chứ, chả lẽ mình chỉ đơn giản nói một câu mình chóng mặt rồi, không thi được là xong à….”.
Thế nhé, bây giờ thì mình thật sự không còn hơi sức nào nữa, đầu đau nhức quá, mình lại đi nằm đây nhé các bạn. Vui với mình chưa nào???

24/4/2010

Hồ Minh Quang


Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Thích cỏ dại

Chỉ ngày một tháng tư nói dối thế thôi
Từ hôm sau ai dám ngăn quay trái đất
Biển muôn đời sóng xô chán ngắt
Trăng lặng thầm nhìn xuống buông lơi

Núi cần gì chờ tim đập vỡ đôi
Người ta mang đủ thứ ra băm nát
Ánh bình minh cứ thả tình bát ngát
Chẳng dám ôm vào lòng bỏng thêm ra

Hôm nay đây Cỏ dại đến nhà
Ngắm vườn nghèo ít hoa nhiều lá
Hắn mon men đùa em thích quá
Em thầm nói với anh...Cỏ dại đẹp, rất xanh!

Anh đã về chưa trong giấc ngủ yên lành
Thấy vợ mình cười tươi bên bình hoa Cỏ dại
Giở trang nhật ký ra biết em là Cuội
Chấp gì đâu em vẫn…an bình!

Sắc sắc không không em là vợ chàng
Đua theo anh vui cười không biết mệt
Nhưng già quá tất thành lệt bệt
Lởm khởm tí ti …nay hối lỗi muộn màng

Thích Cỏ dại đẹp, xanh bên em, vợ chàng...  


Hồ Minh Quang

 
 

,

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Đậy lại


Tà dương ráng đỏ nắng chiều

Ngậm ngùi chẳng rạng được nhiều sắc hoa

Non cao chi lắm kẻo mà

Chân chùn chẳng biết đâu là xuống lên

Ngẩn ngơ ngày hết lại đêm

Vọng từ xưa cũ chày hiền Bom bo

Một thời gió thoảng vu vơ

Trái đào rơi giữa đợi chờ bâng khuâng

Trăng trong lách đám mây tầng

Thẹn soi rạo rực vườn xuân sương dày

Suối reo cười giữa rừng cây

Ngỡ ngàng khỏa tiếng dô hầy gọi tiên

Bồi hồi tức cảnh Điện Biên

"Nồi" thơ đậy lại ưu phiền nhờ "vung"....  

23/4/2014

Hồ Minh Quang




















Ước










Ước gì be bé như con
Để không buồn bã héo hon mệt nhoài
Ước gì biến thành chúng mày
Để trong đôi mắt suốt ngày cười thôi
Ước gì là áng mây trôi
Chở theo hết những xa xôi giận hờn
Ước gì thành cánh chuồn chuồn
Về thăm suối cũ lượn vòng về đâu
Ước gì quên mọi lo âu
Không còn vơ vẩn thơ sầu quẩn quanh...

27/4/2014
Hồ Minh Quang

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Dại


Mặc cho mưa nắng dãi dầu
Vẫn xanh xanh mãi một mầu nõn xanh
Ước chi cỏ dại đâm cành
Như cây cổ thụ bóng lành chở che



Chùm ảnh động tuyệt đẹp của những bông hoa   đang khoe sắc 4





Hoa tàn thiếu nắng bung xòe 
Phép thần thành nụ sang hè còn tươi
Hằng Nga giáng thế nàng cười
Cuội ta chắc mẩm tóc người còn xanh...


27/4/2014
Hồ Minh Quang
 **********







Hồn lạc Phách xiêu











"Thư tiên" qua mạng 
gửi về em

Nghe xốn xang tim

bớt nỗi niềm

Đàn dạo phập phừng 

thôi lặng ngắt

Ca ngân nheo nhẻo 

hết quàng xiên

Lơ mơ hồn lạc 

lòng chao đảo

Phớ lớ phách xiêu 

dạ ngó nghiêng

Đáp lại mấy dòng 

thơ mới-cũ

Mong đời rộng lượng 

quí "người tiên"(!)

1/4/2014
Hồ Minh Quang



Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Bà nội (lời bài hát)


Bố ơi bố ơi
Ai sinh ra bố?
Con hãy nhớ
Bà nội sinh ra bố, hê hê...
Bà nội sinh ra bố, he he...
Bà nội nằm bên nghe
Bà nội nhìn con say mê
Bà nội cười hiền ghê...
A a a con mong hè về
Bà nội dắt con đi bơi, bố nhé
Bà nội đưa con đi chơi, bố ơi
Bà nội kể chuyện-bà tiên tuyệt vời
Tiên ở trên trời
Xanh cao và xa tít tắp
Tiên quí con, con ngoan giỏi lắm
Con múa hát, kìa Tiên đang ngắm
Giấc mơ nồng
Con nằm trong lòng
Bà nội con yêu
Nhìn bà tiên con bỗng khẽ kêu
Con cũng yêu bà tiên thật nhiều
Bà nội giống bà tiên thật nhiều.
25/4/2014 Hồ Minh Quang 



Thức tỉnh




Kính tặng các thày giáo giảng dạy lớp bồi dưỡng 
sáng tác VHNT khóa III Trung tâm Văn hóa 
Thành phố Hà Nội

"Nhất tự vi sư bán tự vi sư"
Huống chi thày dạy em nhiều thứ
Và thắp bừng cháy lên ngọn lửa
Đam mê văn thơ như chưa bao giờ thế trong đời.

Em chỉ là dân "ngoại đạo" thày ơi
Biết khiêm nhường tài mình hèn mọn
Mà đôi khi liều âm thầm cao giọng
Tự nhủ "văn thơ em đâu đến nỗi nào"...

Tới hôm nay mới biết sóng gầm gào
Từ sâu xa nổi chìm lời biển gọi
"Ta đã nhấn chìm cuốn đi vồi vội
Mấy trăm bài thơ dăm truyện của ngươi đi tận phương nào
Sáo rỗng cũ mèm âm điệu khi thê lương lúc ồn ào
Dù luyến tiếc nhưng hãy mau thức tỉnh
!"
....
Em sẽ là dạ tràng se vần thơ, đoạn văn từng mảnh
Hi vọng biển cuốn rồi sóng lại trào dâng
Dạt dăm ba cái vu vơ ... vào...hôn bờ cát lâng lâng
Và lặng lẽ làm mong manh hạt bụi
Cho êm chân ai dạo bước ngắm trăng khơi gợi
Nuôi dưỡng tình yêu cuộc sống trên đời.

Xin cảm ơn các thày, em viết vội mấy lời...

Hà Nội 3/2014     Bùi Thị Kim Thư



Nao núng

Thơ lòng thầm gửi hương yêu
Vương trong lá chữ liêu xiêu ven đồi
Lục bình tím đã trao người
Làm sao dạt tự biển đời vào ao
Vui buồn một chút chênh chao
Thả trong lục bát ồn ào mấy khi
Thẳm sâu những nỗi mê si
Biến trong thành đục sắc gì dao cau
Tình người giữ đượm trong nhau
Rung theo tiếng sáo gian lao đã từng
"Nồi" thơ đậy lại nhờ "vung"
Trong mơ hoa lại nở rừng Điện Biên.

Thơ ai tuôn chảy triền miên
Khiến em nao núng bút liền đảo theo
Hiềm vì câu chữ cong queo
Tìm đâu kiên nhẫn để liều một phen
Học thầy thúc tứ trồi lên
Rồi ra ngố sẽ hóa tiên bất ngờ...

24/4/2014
Hồ Minh Quang

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Vẩn vơ

Đàn buông mấy khúc vẩn vơ
Bổng trầm nhịp lỡ thẫn thờ vào ra
Hương tình ngỡ lốc cuốn xa
Nào hay vương vít nhụy hoa rối bời
Bật cười pháo mới lên đồi
Mà sao sim đã tím trời vây quanh
Mộng mơ nụ nở đầu cành
Không ong vẫn kết trái lành ngọt thơm
Gửi vào thơ tỷ nguồn cơn
Cho đêm bớt thức dỗi hờn nhanh qua
Sáo ơi hãy vọng ngân nga
Cho em hát giữa chiều tà buồn tênh
Để thuyền thơ mãi lênh đênh
Nhưng đang chở nặng nỗi niềm nhớ thương.

24/4/2014
Hồ Minh Quang













Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Chùy

Ho liên miên vẫn rong chơi
Lễ hội Kinh Bắc nên sơi mấy chùy
Chùy một rên sốt li bì
Chùy hai thao thức tì tì năm canh
Chùy ba mũi mắt xổ quanh
Chùy tư vào blog cóc đành nhảy lên
Khụ khù chẳng thể đảo điên
Cũng may chưa kịp lên tiên theo người...

12/4/2014

Hồ Minh Quang

Một nửa


Chẳng có gì khiến trái tim tội nghiệp
Dẫu chỉ còn có một nửa thôi
Một nửa lặng yên sống gấp với đời
Một nửa ồn ào thong thả tìm quá khứ
...

20/4/2014
Hồ Minh Quang


Nắng tháng tư

Tháng tư về nắng mỏng mảnh giữa mưa
Lá nhẹ rơi nghe chăng khe khẽ
Tiếng tơ lòng rơi trong thơ lặng lẽ
Gửi chút nhớ thương trong nắng giao mùa...

Tháng tư về nắng chẳng tràn trề
Nắng cuối Xuân níu ngày Xuân sắp cũ
Quất chín rơi hoa thẹn thùng lại nở
Thơm giấc mơ lành thấp thoáng hình xưa.

21/4/2014
Hồ Minh Quang

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Thời sinh viên sơ tán (hè 1966)

Hai mái nhà tranh bên cạnh đồi
Nghiêng mình tắm ánh nắng xuân tươi
Lùm cây trước cửa khoe màu biếc
Xui đóa hoa mua mỉm miệng cười

Suối lượn quanh nhà reo róc rách
Mây trời soi bóng nước hồ bơi
Xa nhà yêu mến nơi sơ tán
Càng thấy yêu thêm mảnh khối đời…

Hồ Minh Quang 


Nắm bột mỳ nào đen xám thay
Luộc lên chấm muối gặm loay hoay
Canh rau lõng bõng dăm ba cọng
Húp húp chan chan thế vẫn may

Một chú vịt thả trong chảo quay
Băm băm chặt chặt đến là hay
Xu hào cắt gọt vừa bốn củ
Múc vội chia vừa trăm xuất đây…

Bùi Thị Kim Thư










Vẫn

Một mai lỡ bước nàng xa
Hôm nay nàng vẫn ru ca bên người
Nắng mưa là chuyện của trời
Nhẩn nha thơ vẫn ngàn lời yêu thương...
Đi tìm ánh mắt nhòa sương
Gửi câu nhung nhớ sầu vương cõi trần
Mãi còn ngơ ngẩn mơ màng
Xuân nồng lẩn giữa mênh mang nắng chiều...

19/4/2014

Hồ Minh Quang

Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Lại ốm


Lăn lăn lóc lóc mấy tuần rồi
Buồn tỉnh buồn tình chán quá thôi
Chân lạnh tay run  lòng bất ổn
Nóng đầu  mũi nghẹt ruột quằn sôi 

Miếng ăn mằn mặn dần nhai chậm  
Thức uống nhạt phèo chẳng nuốt trôi
Thơ phú ngại ngần đành bỏ dở
Góc nhà lặng hẳn tiếng đàn tôi...

15/4/2014
Hồ Minh Quang

Một số cảm nhận về tập thơ "Đáy mắt" của Nhà thơ Nguyễn Minh Thuộc


(trình bày trong buổi tọa đàm về tập thơ này tại Công ty Văn hóa Đất Việt)

Cảm nhận ban đầu khi mới đọc cả 47 bài trong tập thơ, tôi không thích, vì thơ cụt lủn, khô khốc mặc dầu một số bài thơ có ý nghĩa sâu sắc. Nhưng hiểu rằng phê phán tác phẩm bằng cảm tính thì dễ, còn tìm để hiểu được cái hay thì khó, nên tôi đọc nghiêm túc và trải qua những nhận thức và xúc cảm như sau:

1.Đối chiếu với những tiêu chuẩn bài thơ hay thu nhận qua lời giảng của các thầy:

Thơ nói lên tâm tình, là tiếng lòng của nhà thơ thông qua những hình ảnh, có vần có nhịp điệu tiết tấu. Nó lay động trái tim của độc giả, không phải bằng cái gì thật cụ thể mà là mang lại chút gì đó khiến người đọc phải trăn trở, hoặc có cái gì đó   nhớ mong, những hoài niệm, khát khao về tình yêu và cuộc sống tốt đẹp trên cõi đời này, khát vọng được giao hòa trong cái tình người thật mênh mông cao cả...Để xem thơ
Đáy mắt có phải là thơ hay không, tôi đã thử trả lời các câu hỏi sau đây:

a. Có tứ mới, tứ hay không? có hàm ý triết lý về nhân sinh về xã hội không? Có, tất cả các bài thơ trong tập thơ của anh Minh Thuộc đều có tứ hay, sâu sắc. Tác giả rất chú ý sử dụng nghệ thuật ẩn dụ.
b. Truyền được xúc cảm, tác động lên cuộc sống, suy nghĩ của người đọc không? Có, tất cả 47 bài đều làm được điều đó.
c. Có cấu tứ đẹp (theo các thể loại thơ, lục bát, đường thi...với việc sử dụng ngôn từ chọn lọc, mang tính thẩm mỹ) không? Không
d. Có hình ảnh không? Có, nhưng chỉ vừa phải. Có giai điệu âm nhạc không? hầu như không, hoặc một số ít có thì bình thường, không hay. Người ta thường ca ngợi "Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc" - "Trong thơ có hoạ, trong thơ có nhạc". Ở thơ Đáy mắt dường như không có nhạc, họa.

2. Cảm nhận cụ thể một số bài thơ:

a. Tôi thích những bài thơ sau (chỉ là ví dụ, không có nghĩa chỉ thích những bài này):

+ Nhộng trang 61 Bị luộc/Lột trần/Vẫn nhả tơ: khái quát thân phận và thái độ sống tích cực của người quân tử hay nói chung - của con người chân chính. Tuy nhiên, chi li ra thì từ ngữ có thể chưa thật chính xác, hoặc phải hiểu theo nghĩa thoáng hơn. Con nhộng bị luộc lên có còn nhả tơ đâu mà là người ta rút sợi tơ từ nó (ươm tơ). Nhả tơ ở cung đoạn trước đó cơ ạ (con tằm nó nhả ra tơ). Nên chăng thay lại là Bị luộc/Lột trần/Vẫn vương tơ

+ Hiện tượng trang 49 Dòng nước xoáy/Gỗ to không nuốt nổi. Từ hiện tượng thực tế, đọc bài thơ này ta có thể liên tưởng theo hai tình huống:
Vâng thứ nhất, đại trượng phu, người có bản lĩnh thì không dễ gì bị  xoáy vào vòng xoáy (sa ngã) của cuộc đời, giữ được cho mình phẩm hạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Thứ hai, nếu vòng xoáy tượng trưng cho sự cao cả mà gỗ to hàm ý là kẻ tiểu nhân, là kẻ ác...thì vòng xoáy của chính nghĩa chưa đủ nuốt nổi hắn. Phải chăng lúc này phải chờ đợi ... ví như tại ngã ba sông ẩn sâu dưới lòng nước, phải có một miệng hang nào đó ngày đêm  hút  nước rất mạnh,  tạo  nên  dòng  nước xoáy dữ dội hơn vâng hay cách mạng đủ chín mùi mới mong quật ngã kẻ thù.

+ Vịt trang 31: Một con ran ran/Cả đàn cạc cạc: Đọc xong tôi thuộc ngay. Nó lập tức thường trú trong tiềm thức, nhắc nhở mình cần tránh thói xu nịnh vào hùa a dua. Nhưng cũng nói vui mà là nói thật, đôi khi ta lại cần cái "ran ran" của một ai đó để ta sẵn sàng "cạc cạc" vì một điều tốt đẹp cần phải hưởng ứng, ủng hộ. Nghĩa là có hai mặt của cùng một vấn đề.

+Nhân quan trang 79: Mắt mở mà chưa mở mắt Từ hiện tượng gắng nhìn ra cái bản chất sâu xa. Nhìn thấy mà thực là không thấy bởi người ta thường phán đoán bề ngoài hơn là thực chất. Điều này đúng cho ngay cái việc tôi đọc thơ Đáy mắt vậy.

+Những ngôi đền trang 101: Bài này tôi rất thích. Nó lại đúng là bài thơ duy nhất còn mang dáng dấp "thơ tự do kiểu truyền thống", nghĩa là có vần có điệu, có tứ hay, gây xúc động về lòng dân đối với Võ Đại tướng.

+ Khi đọc bài Mộ liệt sĩ trang 13: Cùng gương mặt/Hình chữ nhật/Ngôi sao đều một hướng, thoạt đầu tôi nhớ ngay đến bài thơ lục bát "Nghĩa trang Trường Sơn" của bạn thơ Hoàng Thị Ngọc Hồi
Nắng chiều bỏng rát Trường Sơn
Nghĩa trang trùng điệp trắng non sao vàng
Các anh ơi vẫn hàng hàng
Chưa về với mẹ nhỡ nhàng nằm đây...
tôi thấy thơ truyền thống này gây xúc động hơn. Nhưng đọc đi đọc lại bài của nhà thơ Minh Thuộc, tôi có xúc cảm theo kiểu khác. Bài thơ có 11 từ mộc mạc thôi nhưng ám ảnh, khắc họa thật rõ nét về Mộ liệt sỹ, và trước mắt ta hiện lên toàn cảnh các dãy mộ liệt sĩ giống nhau xếp hàng hàng lớp lớp tại các nghĩa trang trên toàn quốc, vâng, các dãy mộ ấy đông đảo quá, (theo số liệu đăng trên trang điện tử CP.vn thì đã qui tập 939462 hài cốt liệt sĩ tại 3077 nghĩa trang trên toàn quốc, và còn thiếu khoảng 200000 nữa). Từ đó cảm nhận rõ hơn cái mất mát, mất mát nhiều quá, đau sót, đau sót quá  từ chiến tranh, và họ đấy, các chiến sĩ đã nằm xuống nhưng hình như họ vẫn còn đó, vẫn cùng đội trên đầu ngôi sao quay về cùng một hướng, như vẫn đứng trong đội ngũ điệp trùng nhắc nhở ta hãy sống cho xứng đáng, hãy uống nước nhớ nguồn.

+ Hai đầu trang 71 Cầu/Không thể một đầu: Đã nói đến CẦU thì phải có cả hai đầu, hai phía, không thể chỉ một. Đó là sự bình đẳng trong các mối quan hệ, từ tình yêu nam nữ (không thể chỉ mình chàng chạy theo nàng  như theo một cái bóng. Bày tỏ tình cảm có thể đàn ông chủ động, nhưng cốt yếu hai người cùng phải có nhu cầu yêu thương, đều cần đến nhau) cho tới bè bạn, sếp với nhân viên, chính phủ với dân...hai bên đều phải có yêu cầu lẫn nhau, đều cần đến nhau, có trách nhiệm, quan tâm đến nhau...

b. Thắc mắc
 
Bài Cá quả trang 53: Nhảy lên bờ/Kiến đốt/Lao xuống nước chia mồi. Nghĩa đen là con cá mẹ chịu đau giả chết lên bờ để đàn kiến bu vào đốt, sau đó nhảy xuống tạo mồi kiến nổi lềnh bềnh giúp đàn cá con có mồi ăn. (theo một câu chuyện kể cho bé nghe "Con cá thông minh" đăng trong maxreading.com/sach-hay/chuyen.../con-ca-thong-minh-13959.html‎ ). Tôi đã đọc truyện nên mới rõ ngọn ngành thế, chứ chỉ đọc bài thơ thì chưa chắc thấu hiểu ý tứ của nó.Thế ở đây có phải tác giả đã dùng ý này để gói vào trong mấy từ vắn tắt nhằm hàm ý ca ngợi sự thông minh và đức hi sinh của cha mẹ đối với con cái nói riêng và suy rộng ra với quan hệ khác không? Như thế thì ta sẽ đánh giá thế nào về "tư cách" của bài thơ "Cá quả"? Nhưng nếu có sự trùng lặp ngẫu nhiên thì tôi thành thực xin lỗi tác giả, tôi hơi nặng lời.

3. Liên tưởng đến quyển sưu tầm lời hay ý đẹp, ca dao tục ngữ dân gian. Trong sách đó cũng có một số câu trùng lắp ý với một vài bài thơ trong Đáy mắt. Có lần, một cô bạn thơ hỏi tôi: "Chị ơi, em nghĩ ra những câu có tính chất triết lý, nhắc nhở bản thân em, và chắc cũng có ích cho người khác. Nhưng em không biết sẽ đặt đầu đề cho chúng như thế nào, và gọi là gì, chúng lại không phải là những bài thơ...". Tôi đã trả lời: "Chị không rõ lắm, nhưng theo chị hiểu, trong dân gian có nhiều câu ca dao tục ngữ truyền từ đời này sang đời khác. Cũng lại có những câu danh ngôn của các bậc tiến bối, kể cả của người nước ngoài. Người ta đã từng tập hợp chọn lọc đưa in trên lịch, in thành sách. Nếu em thích thì em có thể cứ đọc lên trình bày cho bạn bè nghe khi sinh hoạt thơ ở Câu lạc bộ ấy, hoặc đưa in ở báo, ở tạp chí nào đó. Biết đâu sau này, những câu triết lý của em lại chẳng được đưa vào sách và người ta sẽ giới thiệu đó là của tác giả Minh Hằng".
Nay đọc thơ của nhà thơ Minh Thuộc, tôi trộm nghĩ cô bạn tôi hoàn toàn có thể cho ra đời một tác phẩm thơ tương tự. Đương nhiên tôi không có ý so sánh thơ của cô ấy và của nhà thơ, cũng chưa dám bình luận hay dở gì cả.
Thiết nghĩ nếu những bài thơ trong "Đáy mắt" chẳng hạn được xếp vào trong quyển sách kể trên thì chưa chắc được người đọc chú ý (vì quyển sách in nhiều câu quá, từ nhiều nguồn, sắp xếp lẫn lộn). Nhưng đặt trong bối cảnh là in riêng tập thơ dạng mới thế này thì có thể xảy ra hai khả năng: một là đâu đó có thể bị phản ứng vì sự thô ráp quá kiệm lời của thơ, khiến hạn chế số lượng độc giả. Hai là (chẳng hạn như tôi), càng đọc càng ngẫm nghĩ thì tôi càng thích và nhớ lâu, rồi từ từ cũng chẳng có nhu cầu phải đèm đẹp, mượt mà gì nữa, mà thơ vẫn cứ ám ảnh, đến mức có đêm thức trắng luôn chỉ để đọc và ngẫm nghĩ....

4. Đánh giá lại một cách tổng quan  
a. Ưu điểm
Thơ "Đáy mắt" dễ nhớ vì nó cực ngắn (dài mà hay thì biết là hay chứ cũng không nhớ được). Các bài thơ đã tác động sâu sắc đến nghĩ suy của người đọc mặc dù có thể ý thơ vẫn là điều mà nhiều người đã biết. Thơ thường để ngỏ tùy người đọc hiểu thế nào là tùy họ, theo cách nghĩ khác nhau. Thực ra điều này cũng có trong thơ truyền thống, "ý tại ngôn ngoại", có điều thơ truyền thống lay động tâm hồn độc giả một cách có nghệ thuật còn thơ trong "Đáy mắt" thì độc giả phải chìm ngập vào suy tư logic và tự cảm nhận, tự rung động bởi những ý nghĩa (tứ) sâu sắc của bài thơ.
Càng đọc kĩ, đọc nhiều lần tập thơ này, tôi có cảm giác bớt khó chịu, bớt chê bai, và chuyển dần sang thích thú hơn, nhưng chưa phải thích hẳn. Lí do chính là ở chỗ

b. Nhược điểm:
Cái đẹp về hình thức của lời thơ thì quá hạn chế (hình ảnh, âm điệu, sự mượt mà của từ ngữ, của cả câu...).
Tôi băn khoăn tự hỏi: Nếu coi thơ này là hay, là sâu sắc, là tuyệt mỹ,...thì có phải xem lại "lí thuyết" nhận biết thơ hay không? 
Nhưng tôi cũng lại thừ người ra khi đọc được những dòng sau đây của nhà thơ Trần Nhuận Minh...tôi xin phép đọc lại để quí vị nghe cùng:

Khi còn sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu hay dùng ba chữ rất đáng nhớ là "vặt lông vịt". Theo Xuân Diệu, con vịt béo hay gầy không phải ở bộ lông. Tìm thơ là tìm ở thịt con vịt chứ không phải ở bộ lông. Thịt con vịt theo Xuân Diệu là thực tế, là đời sống trong thơ, với tiêu chuẩn chân chân chân, thật thật thật. Còn khái niệm "bộ lông vịt" mà Xuân Diệu nói, đó chính là ngôn ngữ, hình ảnh, tiết tấu, dù 3 thứ đó ở trong thơ đều vô cùng quan trọng. Xuân Diệu lấy ví dụ khi dịch thơ ra tiếng nước ngoài, "bộ lông vịt" kia bị vặt đi, chỉ còn thịt là cái tứ, cái chất sống. Tôi nghĩ là ông có lý. Ví dụ như bài thơ bốn câu của Trần Đăng Khoa, bài Đất:
Đất muốn nói điều chi thế
Mà không nói được với người
Mà rạo rực trong quả ngọt
Mà rưng rưng màu lá tươi…
Nhà thơ Nga Gogol đã dịch ra tiếng Nga, xuất bản tại Nga. Hào Minh đã dịch thẳng từ tiếng Nga trở về tiếng Việt, bài thơ thứ 2 này như sau, Đất:
Lời của đất ngắn gọn
Thay cho lời, chỉ có
Hoa tươi
Quả ngọt.
Vậy lao động thơ, tâm đắc chữ... vân vân..., trong những rạo rực, rưng rưng… rồi đến cái tiết tấu của câu thơ lục ngôn, đều đã bay tiệt, chỉ còn lại cái tứ, cái ý tưởng. Cái đó mới là cái cốt tuỷ của thơ, cái bản quyền của thơ, cái nội sinh của thơ mà thôi. 
Thơ là sự tương ứng giữa ý và lời. Lời và ý song song nhau, lời hết ý cũng hết là thơ trung bình. Lời hết mà ý vẫn còn, các cụ xưa gọi là dư ba, ý tràn ra cả ngoài lời là thơ hay, Ý đã hết rồi mà lời vẫn còn là thơ dở. Còn thơ rất hay là bất cứ lúc nào, ở độ tuổi nào, trong hoàn cảnh nào, đọc cũng thấy thấm, và càng ngẫm nghĩ, càng thấy có một điều gì đó còn ở phía trước...

Thơ thể hiện tư tưởng vút lên từ cuộc đời bình thường là thơ hay (Nhà thơ Vũ Quần Phương)

Và sau khi thừ người ra về những điều trên, tôi ngậm ngùi tự hỏi: Mình có khe khắt với thơ "Đáy mắt" không đấy, hay là mình chưa thật hiểu về cái hay cái mới của loại "thơ nén lời" này, hay là ....
Thôi thì kiểu gì tôi cũng đã bộc bạch hết, tôi nghĩ sao nói vậy, rất trung thực không khen lấy được, cũng không chê lấy được. Nhưng dù sao vì hiểu biết trình độ còn hạn chế, nên mong được tác giả và các nhà văn, nhà thơ thông cảm. Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Minh Thuộc. Xin cảm ơn sự lắng nghe của quí vị.

Hà Nội 30/3/2014
Bùi Thị Kim Thư
Học viên khóa 3
















Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Ngu ngơ


Quí nhau nên tưởng "còn duyên"
Dù xa cách vẫn chung miền tiếng thơ
Đi tìm người ở trong mơ
Thấy mình trẻ lại thấy xưa não nề 
Ngượng ngùng nhưng chẳng phiền nề 
"Lục trên bát dưới" vụng về trao nhau
Bùi ngùi tóc đã đổi mầu
Nhâm tình cũ biết gượng sầu vì ai
Ngày thì ngắn đêm thì dài
Tứ ơi có đọng u hoài tình thơ
Bần thần một thoáng mộng mơ
Làm sao sóng cuốn được thơ hỡi mình

Ngân nga sáo trở bình minh
Gọi trong vi vút chữ tình ngu ngơ
Lời thề chẳng thể làm ngơ
Đợi chờ khuất bóng xa mờ hoàng hôn...
17/4/2014
Hồ Minh Quang   


Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Tâm sự Yên Phong


Anh ơi hãy về lại Yên phong an bình
Thả hồn thơ trong âm vang nguồn cội  
Ngắm phố thị đông vui bên em bước vội  
Có rưng rưng nhớ làng nhỏ ngày xưa
Quê hương mình cái nôi của người Việt cổ ầu ơ
Cũng là nôi của ngàn câu quan họ
Đằm thắm nghĩa tình quên đời gian khó
Ru ta lớn để thành người
Cứ mỗi độ xuân về trong vắt tiếng cười
Giữa rộn ràng lễ hội
Anh có ngẩn ngơ ngóng trông vời vợi
Tìm dáng ai ... tựa mạn thuyền xưa
Về đi anh đình Diềm
bên núi Quả Cảm và Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Sơn thủy hữu tình đến lạ
Giếng ngọc đôi cá chép thần thu đông xuân hạ
Trên trăm năm rồi không bỏ chốn này đi
Hãy về chùa Mẫn Xá Văn Môn lạy đức Phật từ bi
Cứu khổ nạn, độ chúng sinh thoát vòng bão lũ
Phòng tuyến sông Như Nguyệt hào hùng chiến lũy
Nhà Lý quật cường chống Tống hung hăng
Hồn núi sông tụ lại tự ngàn năm  
Vang dội chiến công chói lòa lịch sử...
Anh hãy lắng nghe em trải lòng tâm sự
Đừng quên nàng thơ Thông reo bay bổng tháp tùng
Em biết rồi trong sâu thẳm tận cùng
Tháng năm anh xa quê cội nguồn đã thành điểm tựa
Hôm nay mình líu lo quên tuổi già
tạm quên chồng quên vợ
Gửi cho nhau đôi nét chữ vội vàng
Trao nồng ấm dịu dàng
Qua giọng thơ ngâm đang kết vần sinh tứ
Để mai xa rồi mãi nhớ
Yên Phong thắm tình lưu vọng hồn thơ
Mình bên nhau diệu kỳ, giấc mơ...


9/4/2014 (về dự lễ hội Yên Phong Bắc Ninh)
Hồ Minh Quang 
  

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Mông lung




Thơ ơi sao cứ la đà
Say nôn nao một chiều tà mông lung

Nhạc ơi lạc giữa không trung 
Bổng lên trầm xuống tận cùng mong manh

Xa rồi  sóng có trào dâng
Nhạc thơ thơ nhạc theo tầng cát trôi
Bồng bềnh vang vọng khơi khơi
Tháng năm xưa cũ xin người đừng quên...

13/4/2014
Hồ Minh Quang

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Làng lên phố


Làng xưa lên phố thị rồi
Tầng cao đứng ngắm mây trời lang thang
Chị Hằng còn nhớ xóm làng
Lo cùng chú Cuội đi bàn việc thôn?
Tìm đâu dìu dịu thảo thơm
Ngọc Lan Thiên Lý thắp hương lên chùa
Chén tương chan bát cơm mùa
Mắt nai theo tiếng sáo lùa đàn trâu
Sân chèo lúng liếng thị Mầu
Sân chầu theo Mẫu người hầu chốn xa
Sân đời dáng chớm kiêu sa
Bờ tre giếng nước cây đa đi rồi...
Quan họ ơi thơ rối bời
In trong đáy mắt mưa rơi giọt buồn
Ước gì là cánh chuồn chuồn
Bay trên phận mỏng ánh hồng bừng lên...    

4/4/2014
Hồ Minh Quang


Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Đi học





Lớp bồi dưỡng kĩ năng sáng tác văn học khóa III (Trung tâm văn hóa TP Hà Nội)
tại Quảng trường nhà thờ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm 22/3/2014
MQ đứng giữa hàng sau


Thêm chú thích

Vân Nga và Minh Quang





















Phát biểu cảm tưởng về khóa III 
bồi dưỡng sáng tác VHNT
(MQ chuẩn bị nhưng không có giờ nên bị cắt)

Kính thưa các vị khách quí,
Kính thưa các thầy và các anh chị em học viên khóa III,


Lời đầu tiên cho phép tôi được gửi đến toàn thể 
quí vị lời kính chào trân trọng, lời chúc sức khỏe 
và mọi sự an lành. Tôi rất vui và xúc động khi được
 phát biểu cảm tưởng trong buổi bế mạc này. Xin 
được bày tỏ lòng biết ơn Trung tâm Văn hóa Đất Việt 
và Câu lạc bộ Thơ Lục bát đã tổ chức khóa học thật hiệu quả và đầy ý nghĩa.  

Xin phép được "quay đĩa" lại cuộc trò chuyện 
trong bữa cơm gia đình nhà tôi:

Con trai: Mẹ ơi! Con chịu không hiểu được, mẹ sáu mấy tuổi rồi, mà lại lọ mọ đội gió đạp mưa đi học, để cho tối qua phát sốt mà hôm nay lại vẫn đi tiếp là thế nào ạ?
Mẹ: Con ơi, có phải một mình mẹ đội gió đạp mưa đâu, các bác các cô trong lớp  nhiều người lớn tuổi hơn mẹ, lại ở xa bằng 2,3,4 lần mẹ cơ con ạ.
Con dâu: Thì lâu rồi, mẹ không được đi học, bây giờ đi thấy vui vẻ giống như bọn trẻ đến trường ấy mà...
Mẹ: Ha ha thì ra con định nói mẹ "càng già càng giống trẻ con" hử?
Con dâu hơi ngường ngượng còn con trai thì khỏa lấp: Nói thế thôi, chứ thằng bạn con cũng bảo, tao chỉ thích có mỗi việc đi học thôi, học chả phải lo nghĩ gì... Thế mẹ đi học có đúng là mẹ chẳng phải lo nghĩ gì không ạ?
Mẹ: Cũng gần như vậy. Nhưng nói vui thế thôi chứ  đầu óc luôn hoạt động liên tục vì những điều thật thú vị, thật mới mẻ và bổ ích khi nghe các thầy giảng bài, và giao lưu chia xẻ với các bác các cô trong lớp con ạ.
Con trai: Thế liệu học xong khóa này, mẹ có làm được bài thơ nào hay viết cái gì hay hơn trước đây không? mẹ thử đọc cho con nghe ví dụ so sánh xem nào! 
Mẹ: Chưa, làm sao mà thần tốc được như vậy? 
Mẹ chỉ nghĩ đến mấy trăm bài thơ và mấy truyện kí mẹ đã viết thôi...
Con trai: Mẹ định sửa đi hả mẹ?
Mẹ: Không, mẹ không sửa mà ... muốn dấu hết chúng đi...chỉ để lại mươi bài thôi.
Con trai: Ôi mẹ ai lại thế...Bữa trước mẹ định in một tập thơ. Chị em con đã chuẩn bị tài trợ cho mẹ rồi hì hì, mẹ đừng có cầu toàn. Mẹ già rồi mà...
Mẹ: Ừ mẹ cảm ơn các con. Mẹ không lo đâu, mẹ chỉ nghĩ một chút thôi ....

Vâng đấy là một chút "văn nghệ" còn sau đây 
là một chút "văn gừng", kỉ niệm của tôi trong khóa học :

Ba lần em khóc

Đang say bài giảng của thầy
Nghe thơ da diết *  bỗng cay mắt quầng
Ai dâng sớ ... để mưa tràn
Người xưa thoáng hiện âm vang tỏ tường
Ngậm ngùi Lòng mẹ # xót thương
Như cùng nghẹn những đêm trường Mận ơi
Bảy ngày khóa học thoắt trôi
Ba lần em khóc giữa đời bình yên
Bồi hồi nhớ mãi không quên
THƠ VĂN LAY ĐỘNG TRÁI TIM, lời thầy...

* Thơ anh Hồ Sỹ Tá
# Truyện ngắn của thầy Bùi Thanh Minh có nhân vật Mận


Học viên tôi xin cảm ơn thật nhiều và thực sự biết ơn các thầy giáo Nguyên An, thầy Đỗ Hoàng, thầy Bùi Thanh Minh, thầy Vũ Quần Phương, thầy Nguyễn Thế Kiên. Xin cảm ơn anh chị em cán bộ nhân viên trong Trung tâm Văn hóa Đất Việt và Trung tâm Văn hóa Thành phố. Ra về tôi thật khó quên ban cán sự lớp đầy nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm, nhớ anh chị em trong khóa III luôn đoàn kết thân tình cùng nhau học tập miệt mài mặc dù tuổi bình quân của chúng ta chắc cũng sắp là xưa nay hiếm. Mong có ngày được gặp lại các thầy và anh chị em.


Hà Nội 2/4/2014
Học viên Bùi Thị Kim Thư