Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Thế mới thành chuyện


                    Con gái bé bỏng nhất của chúng tôi, con gái 

“rượu” con gái “bia” của bố Minh Quang đã đi lấy chồng. 

Hai vợ chồng nó là bạn cùng lớp trong trường đại học 

giống như tôi và Minh Quang vậy. Cưới xong được có mấy 

tháng, con rể tôi đi tu nghiệp ở nước ngoài làm bằng thạc 

sỹ. Bố mẹ chồng còn trẻ đang đi làm nên mẹ con Ngân 

Hương xin về ở bên ngoại để tôi nghỉ hưu rồi có điều kiện 

giúp đỡ chăm nom hơn. Chẳng mấy chốc, con gái tôi ở cữ, 

sinh ra một bé trai xinh xắn ngoan ngoãn và rất dễ thương.

 Như lệ thường, giấy chứng sinh được làm tại bệnh viện 

phụ sản nơi con gái tôi sinh cháu ngoại. Ít lâu sau, con gái 

nhờ tôi tới Ủy ban nhân dân phường nơi quản lý nhân khẩu

thường trú để làm giấy khai sinh cho cháu bé. 

           Tất nhiên là đi làm thủ tục tôi phải mang theo hộ 

khẩu của gia đình, trong đó có tên hai mẹ con (chưa 

chuyển hộ khẩu về nhà chồng). Và cẩn thận hơn, vì đi làm 

hộ giấy tờ nên tôi mang theo ba chứng minh thư của tôi, 

con gái và con rể. Tới nơi, tôi hỏi tìm chỗ làm giấy khai sinh, 

xếp hàng rồi ngồi đợi tới lượt mình. Tôi bị bệnh rối loạn 

thần kinh thực vật nên mỗi khi phải chờ đợi thì dù không có 

gì khó khăn vẫn cứ  thấy lo lo, hồi hộp, tim đập nhanh hơn 

bình thường, nên biết thân biết phận bao giờ cũng cầm 

theo một cuốn truyện nhỏ hoặc một tờ báo gì đó để đọc. 

Mãi rồi cũng đến lượt. Anh cán bộ giải quyết công việc này 

còn khá trẻ, chỉ hơn con tôi chừng mấy tuổi. Anh không gầy 

không béo, người cao ráo trắng trẻo, mọi nét trên khuôn 

mặt đều khả ái chỉ ngoại trừ cái mũi hơi to to bè bè sang hai 

bên. Anh lật lật mấy giấy tờ và sổ hộ khẩu của tôi trình, rồi

 hất hàm:”Bà là thế nào với cô Ngân Hương?”. Tôi hơi sững

người vì thái độ không lấy gì làm thiện cảm, nhưng vẫn 

phải trả lời cho từ tốn, lịch sự, tôi đáp:”Thưa anh, tôi là mẹ 

đẻ của Ngân Hương, là bà ngoại của Phan Hồ Anh Quân, 

cháu bé đang được xin làm giấy khai sinh”. Dường như 

ngại anh cán bộ muốn hỏi lí do tôi đi làm thay, tôi phải nói 

luôn:”Con gái tôi mới nghỉ đẻ xong, phải đi làm cũng xa. Bà 

nội cháu chiều nay không phải lên lớp, sang chơi với cháu,

 nên tôi tranh thủ đi làm giấy tờ cho cháu anh ạ”. Anh ta im 

lặng, tay vẫn tiếp tục lật đi lật lại giấy chứng sinh, bản khai 

kết hôn. Chẳng hiểu anh ta đọc gì mà kỹ thế không biết, tôi 

cứ băn khoăn tự hỏi. Sau rồi, anh ta ngẩng lên nhìn thẳng

 vào tôi:”Bà về đi nhớ, bảo anh con rể nhà bà đến đây gặp

 chúng tôi!”. Tôi quýnh lên, vội vàng giải thích:”Ấy ấy, thưa

 anh, con rể tôi không tới được đâu ạ, vì chẳng dấu gì anh

, nó đang đi học ở nước ngoài”. Trong óc tôi diễn ra đủ kiểu 

suy luận, hay là người ta cần con gái hoặc con rể tôi một 

trong hai đứa đến làm trực tiếp, chứ không cho tôi là mẹ 

chúng đi làm thay? Ơ nhưng tôi là chủ hộ của hộ gia đình 

kia mà, làm sao tôi lại không được đi làm hộ? Hay là chỉ đây 

với đấy con gái tôi không chịu xin nghỉ một buổi ở cơ quan 

đi làm giấy khai sinh cho con nên anh ta bực mình? Tôi

 chẳng biết đâu là lí do bị từ chối, tôi đành nói bừa đưa ra 

một giả định: "Hay là tôi gọi điện về bảo con gái tôi đến vậy 

nhé…" Anh ta tiếp tục cấm cảu, mặt lạnh như tiền mà hai lỗ 

mũi lại phập phồng căng to ra bất ngờ trông vừa buồn cười 

vừa đáng sợ làm sao:”Không cần con gái bà đến, tôi nhắc 

lại này, bảo con rể bà đến, tai bà có làm sao không đấy???” 

Tôi dù có tâm niệm chữ NHẪN tới bao nhiêu thì giọng cũng 

bắt đầu hơi cao cao lên rồi:”Khổ quá, tôi nghe rõ anh yêu 

cầu mà, nhưng tôi đã thưa với anh là con rể tôi không có 

nhà, chứ nếu nó có nhà thì chắc tôi chẳng phải thân già lọ 

mọ đến đây nghe anh gắt gỏng như thế!” Nói xong tôi cảm 

thấy mình căng hơi quá mức, nên vội vàng tiếp lời:”Tôi nói 

gì không phải mong anh bỏ quá, thông cảm cho người già 

chúng tôi…”. Anh cán bộ lắc đầu chán nản, rồi xua tôi:”Bà 

không về thì mời bà tránh sang chỗ khác để chúng tôi giải 

quyết cho hồ sơ tiếp theo”. 

            Tôi tìm một chiếc ghế ngồi tạm ở gần đấy. Tôi 

không có bụng dạ nào mà đi về cho được. Tôi chẳng hiểu 

thế là thế nào. Nhưng tôi cứ phải tự trấn tĩnh, vận hết nội 

lực "tĩnh khí công ý thức" để điều chỉnh ổn định lại nhịp tim, 

thở thật sâu cho hạ bớt huyết áp và cái mạch ở sau lưng 

khỏi giật giật liên hồi. Tôi lại giở sách ra đọc tiếp vài trang, 

và không quên thỉnh thoảng liếc xem khách còn nhiều hay 

ít để tôi có thể vào hỏi lại người cán bộ kia không. May quá 

rồi khách cũng vãn. Anh cán bộ ngồi vươn vai ra phía sau 

vẻ thư giãn. Tôi đi khẽ tới trước ô cửa   nhỏ, ngồi xuống 

ghế và cố nói vọng vào đủ để anh ta nghe thấy:”Thưa anh, 

tôi là mẹ em Ngân Hương đây, lúc nãy đến lượt tôi rồi, anh 

bảo tôi về gọi con rể đến, tôi trình bày về việc con rể tôi ở xa 

không đến được, nếu buộc con rể tôi đến mới làm được 

việc này, thì tôi đành chờ em nó về, mà khi đó thì chúng tôi 

mắc lỗi là khai sinh chậm trễ, quá hạn qui định chuyển từ 

giấy chứng sinh sang khai sinh, như thế có sao không ạ?” 

Anh cán bộ nhếch mép cười nhạt:”Đương nhiên là phải 

phạt hành chính rồi!” Tôi vẫn kiên nhẫn:”Bây giờ đã không 

còn khách nữa, tôi phiền anh chỉ giùm cho tôi hiểu, vì sao 

cứ phải con rể tôi đến mới được mà tôi làm thay, thậm chí 

tôi gọi con gái tôi đến làm cũng không được. Mà cứ như 

thiển ý của tôi, thì mẹ cháu bé hay bố cháu bé đều ngang 

nhau về vai trò làm cha mẹ, chưa kể thêm một chút thiên vị 

thì con gái tôi còn trực tiếp mang nặng đẻ đau ra cháu 

ngoại tôi nữa. Tôi xin lỗi, tôi không có ý định coi thường giới 

đàn ông hơn đàn bà đâu ạ” Chả hiểu sao cái hôm ấy tôi cứ 

dài dòng lắm chuyện như thế cơ chứ. Nhưng hình như cái 

dài dòng ấy, một mặt làm người nghe sốt ruột, nhưng mặt 

khác lại làm cho anh ta tức tiết lên mà đáp lại chỏng lỏn:”Vì

 sao vì sao à? Cái cậu con rể bà ấy, tôi nói cho bà biết, nó 

bố láo, mới lấy vợ xong đã … để vợ tòi ra con rồi, bà còn 

phải hỏi lắm nữa à?” Đến nước này thì tôi mới là người 

muốn nổi xung mà không biết nổi xung bắt đầu từ đâu, từ 

câu chữ nào trong mấy cái tờ giấy chết tiệt kia, hay từ cái ý

 nghĩ quái gở nào của người cán bộ xa lạ nọ. May mà tôi 

mới vận nội lực khí công nên tôi không quá thở gấp, tôi vẫn

 khẽ khàng:” Sao anh lại bảo thế ạ? Tôi làm đám cưới cho 

các con tôi, tôi biết chứ, sao con rể tôi mới lấy vợ đã làm 

cho vợ nó … tòi ra con hả anh? Tôi còn nhớ như in, chúng

 cưới ngày 4 tháng 3 năm 2007. Tới ngày 29 tháng 11 năm 

2007 thì cháu ngoại tôi ra đời. Vị chi là thai cháu chừng suýt 

soát 9 tháng tuổi bào thai và là hơn 9 tháng theo “kiểu tính 

ngày rụng trứng 9 tháng 10 ngày”. Tôi tuôn ra ào ào cứ như

 là tôi đang đứng trước một vị “thiên thần áo trắng” nào của 

bệnh viện phụ sản ấy. Anh cán bộ nhìn tôi trừng trừng 

cũng không kém phần quyết liệt:”Bà lí sự gì mặc bà, cứ 

theo giấy tờ mà giải quyết!” Đến nước này thì tôi lại phát 

hỏang chột dạ, thầm nghĩ “chết chết, biết đâu giấy kết hôn 

hay giấy chứng sinh lại chả đề nhầm ngày của bọn 

chúng?” Tôi đòi anh ta chỉ cho tôi xem thông tin ba mặt một 

nhời mà tim lại nổi cơn thịnh nộ đập đập liên hồi như muốn 

tung ra khỏi lồng ngực đang độ già nua “đại lão” thật rồi 

nào phải “trung lão” “thiếu lão” gì. Tôi giương sẵn mục kỉnh 

số 3,5 rồi liếc nhìn dãy số anh ta chỉ chỉ. Ô hay chả là 

4/3/2007 thì là gì, mà anh ta lại thốt ra lời 4/8/2007 để cự 

tôi? Tôi nhẹ thở phào, ôn tồn:”Anh ơi, anh nhìn lại giúp, 

ngày kết hôn là 4/3/2007 mà. Ấy cái con số 3 nó cũng giống 

con số 8 thật, nhưng mà bên dưới còn dòng chữ mồng bốn 

tháng ba … mà!” Nghe vậy, anh ta nhìn lại và buông ra 

gọn lỏn hai tiếng “Ôi giời”, sau đó làm thủ tục giấy khai sinh 

như thường lệ. Mấy người dân mới đến xung quanh đó 

nghe lỏm chuyện, thì thào hỏi tôi:”Mà giả thử chúng nó ĂN 

CƠM TRƯỚC KẺNG thì sao nào, chả lẽ không được làm 

giấy khai sinh cho thằng bé con à?”. Một người khác lại 

thêm vào:”Thời nay, nói thật với các ông bà chứ, nhiều gia 

đình còn đòi hỏi bọn trẻ phải SỐNG THỬ trước xem có con 

không mới cho cưới ấy chứ, là người ta sợ trường hợp vô 

sinh mà…” Riêng tôi, tôi ấp úng chẳng tham gia được vào 

cuộc bình luận này, bởi trong lòng đang có một thắc mắc 

theo thói quen sống của mình:”Anh ta nhầm mà sao anh ta 

không đệm một câu XIN LỖI nhỉ”. Nhưng thôi, làm xong là 

được rồi, là tốt rồi. 

           Tôi ra về ung dung sung sướng hơn lúc trước, hệ 

thần kinh thực vật không oanh tạc cái thân già nữa là may 

rồi. Tôi phi chiếc bình bịch cũ kỹ màu đỏ một mạch về nhà, 

mang theo trong tâm trí một kỉ niệm chả biết 

gọi là vui hay buồn để đến hôm nay mới thổ lộ ra trang giấy 

viết “văn ếch”, “thơ cóc” này…Nhưng cũng chỉ trong lúc viết 

ra thế này tôi mới tìm được lời bào chữa, lý giải cho lòng tốt 

và tinh thần trách nhiệm của anh cán bộ nọ, là lỡ ra có 

trường hợp sinh con sớm thế, người chồng không nhận 

con mình, mà người vợ cứ làm khai sinh “vơ” như thế thì 

sao? Nên phải gặp người cha của đứa bé để hỏi cho ra nhẽ.

 Có điều, đáng ra anh ta cứ nói ngay từ đầu chuyện ngày 

tháng nghi vấn này, thì tôi hiểu và giải thích lại có phải mọi 

chuyện êm đẹp không. Thì tôi mới đặt đầu đề bài viết này là 

Thế mới thành chuyện” …            

Hà Nội 4/1/2015
Hồ Minh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét