Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Kỉ niệm sâu sắc

Thân gửi các anh chị em và các bạn,
MQ lâu nay chữa bệnh nên không vào mạng mặc dầu rất nhớ mọi người. MQ bị huyết áp quá cao và viêm dạ dày cấp, nằm điều trị tại bệnh viện và nơi khác, nay mới về nhà tiếp tục uống thuốc. MQ rất cảm ơn các anh chị em và bạn bè đã thăm hỏi tận tình và luôn động viên MQ. Hôm nay, nhờ bạn Đăng Biên MQ mới lại vào đây được (ốm lú lẫn quên hết các thứ…), MQ đăng bài để gửi đến độc giả yêu quí như trước đây đã từng như thế. Có điều MQ còn mệt, chưa vào đọc trang TACD và các trang của bạn bè, cũng không có bình luận chia sẻ gì, mong được thứ lỗi và thông cảm.    

Bài viết về kỷ niệm sâu sắc trong đời

Ranh giới giữa sự quan tâm và can thiệp sâu vào việc của người khác là rất mong manh. Chỉ cần lùi lại một tí sẽ thành vô tâm, và chỉ tiến quá một chút là thành làm phiền dù không cố ý. Hai chuyện xảy ra trong quan hệ với con gái út của tôi không có gì to tát, nhưng thật khó quên. Chúng khiến tôi tự bằng lòng với mình trong câu chuyện thứ nhất, và trăn trở đến tận bây giờ rằng mình sai hay đúng trong câu chuyện thứ hai. Bạn hãy nghe tôi kể lại đây.
Tôi có ba con, hai gái một trai. Ngân Hương là con gái út. Tôi yêu quý Ngân Hương như những đứa con khác trong gia đình, nhưng có phần thương hơn, vì nó yếu ớt hơn anh chị, lại chịu nhiều thiệt thòi nhất vì bố mất sớm khi mới 11 tuổi; và cũng vì tôi luôn cảm nhận được ở con gái tôi sự nhạy cảm, sâu sắc và tinh tế. Những kỉ niệm có liên quan đến Ngân Hương  đầy ắp trong trí nhớ của tôi.

Chuyện thứ nhất: TÌNH HUỐNG BẤT NGỜ

Sâu, thằng cháu ngoại của tôi chạy đến leo phắt lên con ngựa gỗ và phi chúi người về trước rồi ưỡn người về phía sau. Tôi lại gần:
- Bà ngoại dặn con này, con ngồi yên mà chơi lắp mấy đoàn tầu, đừng có chạy đừng có phi ngựa mạnh thế nhé, lỡ ngã thì lôi thôi lắm, nhất là cái lưng con còn đau vì vết mổ ấy!
Nghe bà, nó nhoài ra lên giường ngồi chơi được một lát. Tôi ra bếp đặt siêu nước uống. Vừa quay lại tôi đã thấy nó đẩy đoàn tầu đồ chơi rồi thoắt một cái nhảy vèo từ trên giường xuống đất và ngã soài, tôi hoảng hốt và tức giận quát to:
- Sâu! sao con cứ nghịch và nhảy thế? Con có nhớ lời bác sĩ không hả?
Nó lồm cồm bò dạy chạy đến gần nhìn thẳng vào mặt bà ngoại và hồn nhiên hát:”Bà ơi bà cháu êu bà lém, tóc bà trá mà trá nư mây, cháu êu bà cháu nám bàn tay, khi cháu vơ lờ cháu bít bà vuôi…” Tôi buồn cười quá mà cố nhịn, kẻo cười với nó thì mất “thiêng”. Nhưng không thể nhịn mãi được, nó vừa dứt lời thì tôi cũng phì cười, ôm chặt thằng bé vào lòng, thơm vào cái má âm ấm của nó rồi nhẹ nhàng xoa khẽ vào lưng, dỗ cháu:
- Được rồi, bà không quát con nữa, con yêu bà phải nghe lời bà nhớ không Sâu? Con nằm yên đi, rồi tu bình sữa bà mới pha kìa…
Tôi bế cháu đặt vào giường. Nó như biết thân biết phận ngoan ngoãn tu bình sữa to. Nó vẫn thích và tự tu sữa từ hồi còn 5, 6 tháng tuổi ấy mà…
Tôi đi nấu cơm. Kìa thằng bé tu hết bình sữa và đã ngủ từ bao giờ. Nó trở mình, cái môi đỏ chót nhoẻn một nụ cười. Tôi nằm cạnh bé triền miên suy tưởng. Tôi mong lát nữa trở dạy, thằng cháu yêu mới 30 tháng tuổi ấy lại hát cho tôi nghe những lời yêu bà ngòng ngọng thật dễ thương...
Đấy là những hình ảnh của bà cháu tôi bốn năm về trước nhưng kí ức ùa về như mới hôm qua. Bố mẹ Sâu vừa đến thăm tôi ốm mệt vì huyết áp quá cao. Sâu bảo: ”con nhớ bà ngoại quá, con muốn được đi với bố mẹ, nhưng mà thôi con có nhiều bài lắm, con phải ở nhà, bố mẹ cho con mượn một điện thoại rồi bố mẹ gọi điện để con hỏi thăm bà ngoại vậy nhé”. Ôi chao, cái thằng Sâu, Sâu bé bỏng của tôi mới đó mà đã sắp sinh nhật 7 tuổi rồi. Nó đang ngồi mê mải viết chữ, làm toán, nó có biết rằng tôi cũng đang ngồi viết về chuyện xảy ra với nó không để giữ làm kỉ niệm – kỉ niệm không thể nào quên…

Sâu là con trai đầu lòng của Ngân Hương, con gái út tôi. Cháu sinh vào cuối năm 2007. Tên thật của cháu là Phan Hồ Anh Quân.  Cháu ngoại tôi sinh ra khỏe mạnh, háu ăn mau lớn, ưa hoạt động nhưng hay bị ho, viêm họng. Giữa năm 2009 cháu bị xưng phổi khá nặng phải đi chụp X Quang. Khi nhận kết quả về, tình cờ vợ chồng con trai tôi (đều là bác sĩ) phát hiện ra cột sống của Sâu cong vẹo khác thường. Thảo nào mấy lâu nay vợ chồng Ngân Hương hay than phiền cháu không tăng chiều cao như trước. Từ đó, bố mẹ cháu đưa đi thăm khám cẩn thận. Bệnh viện căn dặn hai vợ chồng cứ tiếp tục theo dõi, định kì khám lại. Bố mẹ cháu xin phép được liên lạc qua điện thoại hoặc thư điện tử thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa để báo cáo về diễn tiến của Sâu hoặc xin ý kiến khi cần thiết. Rồi tới một ngày, bác sĩ nhắn tin cho gia đình mang Sâu tới khám vì có đoàn chuyên gia nước ngoài sang nghiên cứu mổ cột sống nhân đạo cho các cháu nhỏ.   
Tối hôm đó, tôi mới cơm nước xong thì nghe điện thoại từ Phương, con rể:
- Mẹ ơi, hôm nay chúng con tưởng cứ đưa cháu đi khám bình thường như mọi khi, và lần này có chuyên gia nước ngoài thì họ sẽ nghiên cứu xem xét đã, nào ngờ họ chọn luôn hai hồ sơ để mổ cột sống cho hai bé nhỏ tuổi nhất trong đó có Sâu mẹ ạ. Chúng con lúng túng quá vì chưa  chuẩn bị tinh thần.
Nghe xong, tay chân tôi như rụng rời. Trời thu se lạnh mà mồ hôi tôi vã ra. Cơn thần kinh thực vật, bệnh cũ của tôi tái phát. Tim tôi đập dồn như muốn vỡ tung, thảng thốt, mạch máu nơi ngang lưng giật giật liên hồi. Tôi gắng định thần, mà vẫn lắp bắp: “Con … con ơi … cho … cho mẹ nói chuyện với vợ con…” rồi tôi òa khóc khi nghe tiếng Ngân Hương trong máy:”Con ơi…sao lại có chuyện mổ cột sống vào lúc này? Thằng bé sẽ … chết mất…”. Nghe vậy Ngân Hương với giọng bình tĩnh đáp lời: ”Mẹ ơi! Nếu mẹ nói chuyện với con mà mẹ khóc thế này thì con xin lỗi mẹ, con không trả lời mẹ được. Con cũng đang rất bối rối, mẹ đừng làm con cuống thêm nữa mẹ!” rồi máy vụt tắt. Tôi bàng hoàng, ngơ ngác xen chút tức giận. Tôi vùng chạy đến bên giường ôm chặt di ảnh của chồng vào ngực gần như gào lên nức nở: ”Anh Minh Quang ơi! Anh sống khôn chết thiêng, hãy trở về giằng lại thằng cháu ngoại về cho em, người ta định mổ cột sống của nó. Anh có tưởng tượng được không? Anh nói đi em phải làm gì bây giờ?” Nói đoạn, tôi lại vùng chạy đến ban thờ gia tiên, loạng quạng thắp hương và khóc lóc thảm thiết:”Con lạy trời lạy phật lạy thần linh thổ địa lạy gia tiên nội ngoại họ Hồ họ Bùi, xin các ngài hãy cứu cháu ngoại con, cứu thằng Sâu tội nghiệp ấy…” Thế rồi, ngay sau đó, tự nhiên tôi bình tĩnh trở lại với đôi mắt ráo hoảnh. Tôi nhấc máy gọi ông bà thông gia: ”A lô, tôi là Kim Thư đây ạ. Có chuyện mới xảy ra chắc ông bà đã biết. Tôi mời ông bà sang bên tôi, chúng ta nên có cuộc họp hai gia đình để bàn về việc này thưa ông bà”. Nhận được đồng tình của họ, tôi gọi cả vợ chồng con gái lớn, gọi Phương cùng tới. Vợ chồng con trai tôi thì đã đi làm về rồi.
Tôi trình bày vắn tắt sự việc xảy ra. Tôi đề nghị mọi người cho ý kiến, nêu quan điểm riêng của mình góp ý một cách khách quan để bố mẹ cháu Sâu tham khảo.
Ông thông gia là người đầu tiên lên tiếng: ”Tôi thấy không thể chấp nhận cuộc mổ gấp gáp như thế này. Có gì cũng phải chuẩn bị đã chứ. Tôi không đồng ý để họ mổ cháu tôi!”. Bà thông gia với đôi mắt thật buồn nhìn chồng im lặng.
Tiếp đó, con rể lớn của tôi phát biểu: ”Thưa mẹ, thưa ông bà nội cháu Sâu, con không dám cản việc mổ cột sống cho cháu. Tuy nhiên, theo con, nên để chậm lại ít nhất sáu tháng nữa. Trong thời gian ấy, sẽ phải tìm hiểu thật kĩ, ở ta có bao nhiêu trường hợp mổ cột sống cho trẻ bé như thế? bao nhiêu ca thành công? Khi mổ xong, các bé ấy ra sao … rồi mới tiến hành cũng chưa muộn. Chuyên gia thì chắc sang nhiều đợt, ta chỉ xin lui lại thôi ạ.
Tôi nhìn con trai tôi, như muốn nhắc nó có ý kiến. Tuấn sau một lát chừng như đắn đo, tiếp lời anh rể: ”Con thấy là cuộc mổ này hơi vội. Nhưng con muốn lưu ý với cả nhà, là chúng ta cũng cần quan tâm đến khía cạnh chất lượng cuộc sống của cháu nữa. Việc mổ hay không tùy thuộc quyền lựa chọn của gia đình, đặc biệt của hai em Phương Hương. Trong thực tế, nhiều trường hợp mổ, cũng nhiều trường hợp không mổ và chung sống hòa bình với nó, nhưng phải chấp nhận những hệ lụy của sự cong vẹo cột sống, những hệ lụy rất nặng nề”.
Tôi hỏi con rể út ngồi đó đang suy tư:
-         Phương này, con là bố của cháu, trong câu chuyện bàn với vợ con, ý con thế nào?
Phương trả lời chậm rãi, buồn buồn:
- Dạ, con không muốn mổ Sâu ngay trong đợt này ạ. Đêm nay bệnh viện yêu cầu mẹ con Ngân Hương ở lại để chuẩn bị mổ, và không cho con ở trong ấy cùng. Con băn khoăn và lo lắng lắm. Nhưng vợ con thì có vẻ thiên về hướng đồng ý mổ. Từ lâu nay, vợ con cứ miệt mài tìm hiểu tài liệu và đi tìm thông tin tham khảo ở một số nơi về bệnh của Sâu đấy ạ.
      Tôi quay sang hỏi vợ chồng con trai:
-         Các con có biết khi sang, chuyên gia sẽ mổ trực tiếp hay người mình mổ không?
Con dâu tôi giải thích:
- Theo con hiểu, thường thì chuyên gia sang có thể trực tiếp mổ, cũng có thể ở đó hướng dẫn bác sỹ Việt mình làm và giám sát, sẽ có ca kíp bố trí cụ thể cho phù hợp. Trường hợp cháu bé ở tuổi như Sâu mổ rất phức tạp, hi vọng chuyên gia sẽ can thiệp là chủ yếu ạ.
Nghe vậy, ông thông gia đỏ mặt giận dữ:
-  Tôi thấy mù mờ lắm. Ai ở đó mà biết họ sẽ làm ăn thế nào? Cháu tôi không thể là chuột bạch cho một cuộc thí nghiệm!
Tôi vẫn ngồi đó, chăm chú lắng nghe từng ý kiến một, nhưng vừa nghe vừa quay cuồng bao ý nghĩ lộn xộn. Trong đầu óc tôi, hiện lên đủ thứ. Cháu tôi không mổ, cột sống cứ cong vẹo dần. Lớn lên, nó bị chèn làm hại tim, phổi… nhưng nó vẫn là cháu ngoại dễ thương mà tôi yêu quí, nó vẫn là cháu đich tôn bên nhà thông gia của tôi. Còn nếu mổ vội vàng, xác suất thành công là bao nhiêu?Cột sống liên quan một đống dây thần kinh các loại, người lớn người trưởng thành mổ xong còn liệt đầy ra kia kìa, huống chi cháu tôi non nớt thế này! Nó sẽ liệt mất rồi nó nằm đó cả đời ôi trời… đấy là chưa kể xấu hơn, tôi không bao giờ còn được ôm nó trên tay nữa. Nó sẽ về với tiên tổ, về với ông ngoại cháu hay sao? Tôi nghĩ miên man và dơm dớm nước mắt … Giật mình nhận ra đến lượt mình bày tỏ quan điểm một cách chính thức rồi, tôi gắng bình tĩnh, chậm rãi: ”Về phần tôi, tôi thực sự lo lắng và hoảng sợ nữa. Tôi không muốn để Sâu mổ ngay, cho tới khi nào có đầy đủ thông tin, chuẩn bị sẵn sàng cả về tinh thần và vật chất đã”. Quay sang con rể, tôi xúc động nói tiếp:”Trong cuộc họp hai gia đình hôm nay, Phương đã tham dự. Con là chồng của Ngân Hương, là bố của bé Sâu, con là chủ gia đình. Con đã trực tiếp nghe và nắm bắt tất cả ý kiến của mọi người. Con hãy truyền đạt hết cho vợ con, dù chỉ qua điện thoại. Nhưng mẹ muốn nói với con, tôi muốn xin cả hai gia đình chúng ta thống nhất cho một điều rằng, những ý kiến vừa bày tỏ chỉ là để giúp các cháu tham khảo cân nhắc suy xét. Ai thấy cần phải góp ý gì nữa xin cứ tiếp tục để Phương lĩnh hội, còn cuối cùng là do bố mẹ cháu Sâu quyết định. Quyết định đó đưa đến hậu quả tốt xấu thế nào chăng nữa, thì chúng ta cũng đều chấp nhận, và tuyệt nhiên sau này đừng ai ca thán trách móc gì ai cả. Chúng ta chỉ còn lại một việc là hết lòng ủng hộ động viên giúp đỡ các cháu đến mức có thể mà thôi”.
Mọi người đều nhất trí với lời kết luận của tôi và chào nhau tạm biệt.
Đêm về thật tĩnh lặng và tâm hồn tôi trĩu nặng. Tôi không sao ngủ được, lững thững ra sân một mình. Cây quất nhà tôi trồng lại từ dịp tết năm đó đang tươi tốt, ra hoa trắng muốt, ong bướm suốt ngày bay lượn rồi kết bao nhiêu quả, vậy mà bỗng nhiên nó héo rũ. Lá vàng dần, rủ xuống và rụng lả tả. Một số quả còn xanh bé tí đã ngả màu vàng nhạt và sờ vào thấy mềm đến lạ. Cây sung ở góc sân bị sâu ăn rỗ trụi, lá chỉ còn những xống trụi khẳng khiu cùng một ít nốt mủ lưa thưa cố đeo bám vào mảnh lá nhỏ còn sót lại. Tôi cố vẩy vẩy tay và thở đều cho lòng trấn tĩnh lại mà không được. Trở vào phòng, tôi gượng nằm xuống giường, vẫn trằn trọc mãi không sao chợp mắt lấy vài phút. Chỉ nghe tiếng tim đập dồn bức bí, tôi ngần ngừ rồi với lấy chiếc điện thoại, bấm liên hồi tin nhắn gửi Phương để động viên nó, mà thực ra cũng là để tự trấn an mình. Tới quá 12 giờ đêm đến sáng tôi không làm phiền con rể nữa, nhưng vẫn thức trắng, phấp phỏng thầm gọi con gái: ”Ngân Hương ơi! Giờ này con có chợp mắt tí nào không? Hai mẹ con đang làm gì? Bác sỹ bảo gì con? Con biết mẹ tính đa sầu đa cảm hay lo lắng quá mức nên đã ngắt đường tâm sự với mẹ rồi, nhưng con vẫn hiểu mẹ thương con thương cháu đến thế nào chứ Ngân Hương? Giá như bố Minh Quang còn, bố sẽ là chỗ dựa của mẹ, của con về mặt tinh thần phải không? Hơn hai mươi năm nay, mẹ đã một mình vừa là bố vừa là mẹ của các con, nhưng thực sự mẹ không có được sự cứng rắn và lạc quan của bố nên lúc này mẹ thấy bất lực quá chừng. Sâu ơi, lạy giời họ đừng mổ con. Cho dù sau này con có bị tật nguyền, bà vẫn mãi yêu con và chăm lo cho con hết lòng, miễn sao bà có con Sâu ạ… Tôi khóc nấc lên và cố kìm nén chờ trời sáng. Tôi không dám gọi trước cho con rể, nhưng mắt cứ đăm đăm nhìn điện thoại. Rồi chuông cũng reo với tiếng Phương rành rọt: ”Mẹ ơi! Đêm qua chúng con đã thống nhất quyết định để Sâu mổ. 7 giờ sáng chúng con phải kí tự nguyện rồi làm một số xét nghiệm cho cháu trước ca mổ chính thức vào 11 giờ trưa nay. Con sắp vào bệnh viện đây ạ. Con thưa để mẹ biết, và thôi mẹ đừng lo lắng gì nữa, đành vậy mẹ nhé”.
Tôi buông điện thoại mà rã rời. Tôi sẽ chịu đựng thế nào đến trưa nay? Cả đêm thức trắng khiến tôi ngồi dậy mà choáng váng lửng lơ như đi trên mây. Tôi gắng làm mấy việc vặt, chuẩn bị ăn sáng…Vợ chồng con trai tôi vừa đi làm, ra khỏi cổng một đoạn thì chuông lại đổ dồn. Tiếng Phương trong điện thoại:
- Mẹ à, anh Tuấn đi làm chưa mẹ?
Tôi hồi hộp, trống ngực lại đập liên hồi:
- Tuấn vừa đi, có việc gì thế con?
Con rể tôi giọng hơi run run, xen chút hốt hoảng:
- Mẹ ơi, bây giờ người ta không cho Sâu mổ nữa. Ông trưởng khoa bảo sẽ chọn đổi hồ sơ khác thay thế. Tại vì trường hợp này gia đình có vẻ không tin tưởng thì thôi, không ép. Chúng con vật nài khẳng định cả hai là bố mẹ cháu Sâu, đều tự nguyện xin cho cháu được mổ nhưng ông ấy nhất định không chịu. Ông ấy vừa nghiêm khắc vừa nóng nảy. Chúng con muốn nhờ anh Tuấn thử đến tìm gặp và tác động giúp được không ạ.
Tôi luống cuống bảo con:
- Vậy hả, thế con gọi điện cho Tuấn đi, chắc giờ này nó cũng đến rồi đó.
Nói rồi, tôi chả hiểu mình nên vui hay buồn. Thì người ta không cho mổ là trùng với ý của tôi, của đa số trong hội nghị hai gia đình còn gì nữa. Nhưng sao người ta lại biết là gia đình không tin tưởng? Có ai nói gì với bệnh viện đâu nào? Hay là ông nội cháu có quen ai ở bệnh viện, đêm qua đã tác động để dừng ca mổ này? Tôi phát cuồng lên gọi điện chia sẻ với con gái lớn. Cháu an ủi tôi:”Mẹ ơi thôi mà! Mẹ lo lắng làm gì? Người ta không cho mổ vậy là may cho thằng bé rồi, cú từ từ đã, có phải bệnh cấp cứu đâu ạ, cháu vẫn ăn chơi bình thường đấy thôi”.
Lo cũng chẳng được. Con trai tôi đã tìm gặp ông “nóng như hổ lửa” ấy. Sau này nghe con kể lại, tôi mới biết, rằng tưởng ai, hóa ra trong bệnh viện, tuy không làm việc trực tiếp hay có liên quan gì, nhưng Tuấn có quen biết và ông ấy rất quí Tuấn. Thế nên khi Tuấn đến nói khẩn thiết:”Chú ơi, có trường hợp Phan Hồ Anh Quân, sao không được chuyên gia mổ cột sống nữa hả chú? Nó là con trai của em ruột cháu mà chú. Cháu hỏi kĩ hai đứa rồi, chúng tha thiết mong thằng bé được mổ. Chú giúp chúng với…” thì ông ấy mới ngỡ ngàng:”Ơ … ơ… mẹ nó là em ruột cậu à? Tôi có thấy cậu liên hệ gì trước đâu? Ừ thì thôi … không thay nữa. Tôi đang bực mình và căng thẳng lắm đây. Ai đời cả đêm qua, em cậu nó thức suốt, lùng sục hỏi loạn cả lên hết gặp người này lại gặp người kia, hỏi nào là bao nhiêu trường hợp mổ bệnh nhân bé như con nó, thành bại ra sao. Nó còn xông thẳng lên xin gặp chuyên gia tới mấy lần, nói chuyện rất lâu với chuyên gia nữa chứ. Dĩ nhiên người nước ngoài thì họ cũng tốt thôi, họ cũng giải thích đủ điều. Nhưng tôi thì tôi không chịu được. May mà chuyên gia chọn đúng con nó, chuyên gia chọn ưu tiên hai bé 30 tháng là tuổi mổ cột sống thuận lợi nhất với bệnh vẹo cột sống bẩm sinh. Nó không biết con nó gặp may lại còn rắc rối lắm chuyện. Nó thử để con nó không mổ xem nào, tới năm 21 tuổi có mà toi hối chẳng kịp”…
Vậy là mọi việc lại được tiến hành. Thật hú vía. Tất cả các xét nghiệm thủ tục kịp hoàn tất ngay trước giờ gây mê. Cả hai gia đình chúng tôi đứng ngoài chờ đợi, thót tim. Chẳng ai nói với ai điều gì, chỉ đi đi lại lại đầu óc rối bời. Tới khi mọi việc xong xuôi, ca mổ thành công, cháu tỉnh lại vẫy bố mẹ, thì chúng tôi mới thở phào. Bà thông gia nắm chặt tay tôi, với ánh nhìn đằm thắm thì thầm đủ để tôi nghe thấy gọn trong tám từ:”CHỊ ƠI! NGÂN HƯƠNG NHÀ MÌNH GIỎI QUÁ”…
Tôi lại bật khóc. Tôi tự bằng lòng với những gì trải qua. Tôi không ân hận vì những suy nghĩ và việc làm của mình. Nhưng tôi càng thương con gái hơn, thương nhiều lắm. Tôi thầm cảm ơn trời phật, gia tiên nội ngoại, cảm ơn Minh Quang chồng tôi đã phù hộ cho cháu Sâu, đã cho con gái tôi có đủ nghị lực, tỉnh táo và thông minh để cùng với chồng có quyết định đúng. Tôi càng thấm thía một điều rằng, mình là bậc ông bà cha mẹ thật, nhưng không thể nào lấn át, thay con cháu quyết định những việc hệ trọng của gia đình chúng. Mình đã già rồi, mình thua con trẻ là điều đáng mừng. “Con hơn cha là nhà có phúc” mà….
Tôi viết một mạch. Tôi đọc đi đọc lại thấy cũng bùi ngùi. Tôi sẽ cho vợ chồng Ngân Hương xem trong dịp kỉ niệm sinh nhật của Sâu sắp tới , và tưởng tượng một ngày nào đó không xa lắm, tôi sẽ chăm chú nhìn nó, thằng Sâu ấy, tự tay lật đọc những trang giấy này, trang viết của bà ngoại về chuyện đau cột sống của nó thuở còn trứng nước…                                Hết

Chuyện thứ hai: HOA LY

Năm 2010, Ngân Hương – con gái út tôi không đi làm ở công ty nữa. Suốt ngày đêm, nó kiếm tìm tra cứu thông tin trên mạng về bệnh vẹo cột sống bẩm sinh của con trai mới hơn 2 tuổi, về trồng và kinh doanh hoa ly. Tôi cảm thông với nỗi lo lắng của con, nhưng không hiểu được sao nó lại nghĩ sẽ kinh doanh ở một lĩnh vực khác lạ với nghề nghiệp chuyên môn đến thế. Nào phải Ngân Hương kém cỏi gì. Trước đây con tôi đã làm xuôn xẻ tại các công ty nước ngoài, nó chỉ than phiền là hay phải đi công tác xa, trở ngại cho việc chăm sóc con nhỏ mà thôi. Gần đây nhất khi phỏng vấn tại một công ty phần mềm của Úc, Ngân Hương được người ta ưng lắm, trả lương 1500 đô la Mỹ một tháng, được làm việc tĩnh tại, vậy mà sau một hồi suy nghĩ cân nhắc tìm hiểu kỹ nhiệm vụ phải đảm nhận, hình dung những áp lực của công việc từ trải nghiệm thực tế của bản thân, nó đã lững lờ, cuối cùng từ chối để lao vào trồng hoa. Ngân Hương xin tôi cho mượn mảnh vườn ở quê để thử trồng một vụ. Nó liên kết với một cô bạn thân cùng bỏ vốn, còn nó chủ trì tổ chức và thực thi làm từ a đến z, tự thuê xe lớn xe nhỏ chở đất phù sa về, mua những loại vật liệu khác nhau rồi nhào trộn làm nên loại đất đặc biệt để trồng, tự liên hệ chọn giống hoa của Hà Lan, theo dõi chăm sóc tỷ mẩn theo từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của hoa, đương đầu với dịch với sâu bệnh đủ loại của loại hoa “khó tính” này, phải làm các giàn giáo cần thiết khi che nắng rát khi ngăn mưa tuôn xối xả, làm các dãy bóng đèn chăng khắp vườn để điều khiển nhiệt độ thích hợp lúc trời quá lạnh.  Trong khi triển khai, nó cũng thuê thêm tư vấn kĩ thuật, thuê người chăm sóc hoa hàng ngày, thuê lao động gỉan đơn khi cần. Tôi không muốn con bỏ chuyên môn, nhưng thương con nên vẫn phải giúp, khi thì trông cháu để mẹ nó chuẩn bị , lúc lại cùng về quê thuê nhân công hoặc giải quyết những trở ngại phát sinh. Rồi cây hoa ly cũng lên mầm trong những chậu nilon nho nhỏ đặt kín vườn chừng 200 m2 theo hàng theo lối, lớn nhanh như thổi, cây vươn thẳng, lá xanh mượt, kết nụ hoa trăng trắng rồi chuyển sang phớt hồng.
Chỉ còn mấy tuần nữa là tết, mà trời năm ấy lạnh quá, nên ngoài việc bón chăm, bọn trẻ còn phải hãm phải sưởi để hoa nở đúng dịp. Một số lái buôn thấy hoa đẹp đã tới hỏi mua cả vườn, hoặc nửa vườn, nhưng hai cô bé này lì lợm không chịu bán. Chúng hy vọng mang về Hà Nội bán trực tiếp, cả bán lẻ cả bán buôn để có thể trải nghiệm tiêu thụ đầu ra.
Vậy là tôi lại một phen lao đao nhờ Trung tâm Tin học nơi tôi làm việc trước đây cho mượn cái sân để tập kết và bán hoa những ngày giáp tết. Tôi đặt vấn đề với họ mà thấy xấu hổ. Thật ra tôi không coi thường nghề trồng hoa. Tôi đã phải nuốt nước mắt vào trong khi tận mắt chứng kiến, tận tay cầm dao phá chặt cả một vườn cây tôi từng chăm bẵm bao nhiêu năm kể từ sau khi về hưu đang cho hoa thơm trái ngọt, để con tôi có mặt bằng xếp chậu trồng hoa ly. Tôi có thể phăm phăm cầm cuốc san nền vườn chẳng kể mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt già nua đang tái xạm. Tôi có thể thức thâu đêm suốt sáng
cùng những người làm thuê lăn lộn băm chặt các mảnh khô dầu, trộn với đất phù sa cùng một số phụ gia khác rồi miệt mài đóng vào các chậu nilon nhỏ để bỏ củ vào trồng từng cây một, rồi tôi còn hát để mọi người nghe cho đỡ mệt nữa. Nhưng khi đối mặt với những người bạn, những nhân viên của mình ở cơ quan cũ, tôi ngượng ngùng khó tả. Con gái tôi, giỏi giang từ khi còn học trường chuyên, thi đại học điểm rất cao, học đại học bảo vệ luận văn xuất sắc, đi làm cho công ty nước ngoài lương cao, ngoài chuyên môn vững vàng tiếng Anh lại sử dụng rất thành thạo, vì sao lại đi làm cái việc trồng hoa bán hoa như thế ? Tôi không giải thích được cặn kẽ, chỉ vắn tắt với mọi người rằng cháu ngoại tôi không may bị bệnh, mẹ cháu không còn bụng dạ nào để đi làm nữa, nên mới thế. Cả cơ quan ai cũng nhìn tôi, nhìn Ngân Hương bằng con mắt ái ngại thương hại. Rồi mấy cậu kỹ sư tận tình giúp tôi kéo nguồn điện ra sân, nối lồng bóng đèn từng dãy. Bọn trẻ thì lo thuê người đến lắp mái di động. Tất cả đã sẵn sàng. Từng đoàn xe ô tô chở hoa về tập kết. Nhìn từng hàng từng hàng chậu hoa, nhiều nụ còn bé, xếp lạnh lẽo trong cái khoảng không mênh mông lạnh ngắt, tôi không khỏi nao lòng. Con rể tôi phải xin nghỉ làm mấy ngày trước tết để cùng vợ và bạn thường trực ở đó suốt. Chúng phải xoay vần chiếu đèn che chắn đủ thứ cho hoa ấm lên mà nở dần. Nhìn con gái đúng kì kinh nguyệt mặt mũi bơ phờ tái dại, cùng với chồng trải nilon nằm trên sàn đất trong khi ngoài trời gió rít từng cơn mưa phùn buốt lạnh, tôi đau thắt lòng.       
Rồi cũng đến lúc bán hoa. Từ từng cây riêng biệt trong chậu nilon, phải đưa sang đặt trong chậu nhựa, mỗi chậu 3 cây, 5 cây hoặc nhiều hơn tùy theo yêu cầu của khách. Tôi xăm xắn mua mấy chậu tặng các bà chị ruột, gọi là mở hàng cho con gái lấy may mắn. Nhân họp mặt người về hưu cuối năm, tôi giới thiệu với bạn bè để ai có nhu cầu thì mua hoa giùm. Bình thường tôi rất bạo dạn, thoải mái mà lúc đó tôi cứ như gà mắc tóc. Tôi nói lúng búng không còn một tí gì vẻ tự tin, đàng hoàng của ngày xưa khi còn là phó giám đốc tại nơi này. Tôi xấu hổ, mặc dù chẳng ai chê bai khích bác gì, nhưng tôi cứ tự vận vào mình một sự mặc cảm. Vì là lần đầu tiên bán hoa, chẳng có quảng cáo chẳng biết bày biện ở đâu, con tôi thuê mấy sinh viên ra bày bán ở ngoài đường Nguyễn Chí Thanh, nhưng khổ nỗi họ nhút nhát, chỉ đứng trông chứ chẳng biết mời chào gì. Bởi vậy, chỉ có mấy chị em trong trung tâm không hiểu vì có nhu cầu mua thật hay vì thương hại mẹ con tôi mà đến mua, còn lại khách thật thưa thớt. Ngân Hương cùng cô bạn gái phải đi liên hệ để bỏ mối buôn. Thế rồi từ từ các hàng hoa ở đường Hoàng Hoa Thám cũng đến lấy. Của đáng tội, năm ấy rét quá, hoa ly chưa kịp nở, hoa ở nhiều nơi đổ về thành phố đều rất xấu. Trong khi hoa của con tôi thì sau ít ngày hãm sưởi đã bừng nở dần với vẻ đẹp lộng lẫy, sang trọng  lạ kỳ. Tôi thầm cảm phục con gái, lần đầu tiên tự tìm hiểu, dám tự trồng hoa ly mà lại đạt chất lượng không ngờ . Bất giác tôi nhớ đến ai đó đã từng cho rằng đây là loài hoa tượng trưng cho sắc đẹp - đức hạnh - thanh cao - quý phái - kiêu hãnh, tượng trưng cho sự trinh trắng, lòng chung thuỷ và cao thượng. Ôi bao nhiêu mỹ từ dành cho loài hoa này, xuất phát từ những truyền thuyết từa tựa hoặc khác nhau, lưu truyền từ nước này sang nước khác mà tình cờ tôi đã đọc được ở đâu đó. Nhưng đó là chuyện của người ta. Còn với tôi, tôi chỉ biết ngẩn ra mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp lạ lùng của nó -  không chỉ bởi vẻ đẹp thuần túy của một loài hoa sắc hương vẹn toàn- mà còn bởi tôi được chứng kiến, nó lớn lên hiện hữu từ một cái củ bằng mấy đầu ngón chân cái, mà giờ đây, cây cao thẳng đứng lá xanh mướt, mỗi cây có năm bông vừa hoa vừa nụ đang hé nở. Mỗi bông nở ra sáu cánh xòe thành hai lớp. Mỗi lớp có ba cánh màu phấn hồng, không thẫm đậm sặc sỡ mà tươi tắn thanh tao. Những nền hồng mượt của lớp cánh hoa bên trên có những lấm chấm màu đỏ thẫm bao bọc quanh nhụy với sáu tia màu trắng vươn thẳng từ giữa lòng bông hoa, đầu nhụy màu vàng óng ngả về các phía khiến cho những bộ óc mộng mơ vương sắc đời cổ tích có thể tưởng tượng ngay ra, đó là những  vũ nữ tí hon vừa múa lượn vừa tung những confectuya màu hồng đỏ, tỏa ngát hương thơm nhấn chìm ta trong cơn mê đắm diệu kì. Ngắm hoa, tôi đã tạm quên đi những khó khăn đối mặt trong giây lát mà mỉm cười tự hào về chủ nhân của chúng, về đứa con gái út luôn là bé bỏng nhưng đáng nể vô cùng trong con mắt tôi. Trở về thực tại, nói là các hàng buôn hoa đến lấy, nhưng nói chung thị trường tiêu thụ chậm lắm, nên hoa vẫn để đó, ngút ngàn. Bọn trẻ thầm tiếc, giá như đừng có tham, bán buôn quách nửa vườn thì có phải đỡ lo không.
Tôi buồn lắm, đứng ngồi không yên. Tết ngày càng tới gần. Tôi quyết định mua tiếp của các cháu hơn chục chậu hoa nữa làm quà biếu trung tâm, và bạn bè mà tôi yêu quí và quan tâm đặc biệt. Đối với trung tâm, tôi không dám mang hoa đến trực tiếp vì chả lẽ tặng người này không tặng người kia nên phải mang tới nhà riêng của họ. Với đối tượng đặc biệt càng phải như vậy. Họ là những người bạn nhỏ bị tật nguyền, làm sao tôi có thể gọi điện bảo họ tới nhận hoa? Thế là mặc dù tôi bị cảm rất nặng, xổ mũi ròng ròng, ho khan rồi từ viêm họng lan dần xuống phế quản ho rút ruột từng cơn, người hâm hấp sốt, trời thì mưa phùn lạnh buốt, vậy mà tôi cứ lẽo đẽo đèo từng chậu hoa tới nhà từng người, từ đầu thành phố tới cuối thành phố. Có những lúc đói lả, người run run, nhưng nóng lòng cho được việc, tôi vẫn cố, tôi vẫn cứ còng lưng xuống để buộc để tháo gỡ tưng mối dây chằng buộc chậu hoa, tôi vẫn ngơ ngác chen lấn giữa đường phố Hà Nội đông đúc tìm đến nơi cần phải đến. Thật là khổ, có ai bắt tôi phải khổ thế đâu. Trung tâm có ai cần tôi phải tặng hoa đâu, hoa của các cháu mang bán mà. Nhưng tôi thì cứ nặng ơn nghĩa. Hoa đầy ra đấy, sao không tặng lại đi mua quà khác biếu à? Con tôi đang cuống lên lo đủ thứ tôi lại bắt nó ơn với huệ hay sao? Vậy thì một công đôi việc, tôi mua hoa để cháu đỡ ế một phần, và để cảm ơn mọi người, để trao món quà tình cảm cho bạn ngay khi thời gian chưa là quá muộn, chứ đợi đến bao giờ nữa? Con gái tôi thoạt đầu không biết chuyện này, tôi dặn bạn cháu, tôi chọn để riêng ra một chỗ rồi tôi khuân đi dần dần một cách âm thầm lặng lẽ. Tôi cũng phải phi xe về quê kịp đặt một chậu hoa trước bàn thờ gia tiên tại ngôi nhà và mảnh vườn con tôi trồng hoa thử. Nó còn trẻ, lo toan bấn bíu, nó không kịp biết rằng cần phải đặt hoa cúng ông bà tổ tiên nữa. Tôi cứ lầm lũi như thế mà lòng buồn vô hạn.
Cứ thế đêm giao thừa tới rồi mà hoa vẫn còn ngổn ngang trên sân hứng mưa chịu gió vì nhà bạt phải tháo dỡ theo đúng hợp đồng đã kí. Và mấy ngày đầu năm các cháu vẫn phải tiếp tục bán rẻ cho các hàng hoa trên Nhật Tân. Tôi kịp chọn cả hơn chục cây về trồng một chậu thật lớn đặt trong phòng khách. Còn chậu hoa từ đầu con gái tôi dành riêng cho nhà thì tôi để gần bàn thờ chồng tôi. Hoa Ly thơm ngào ngạt. Hoa Ly hồng nhạt nhưng mạnh mẽ, nồng cháy trước những nén nhang khói bay nghi ngút trong phòng.
Thế là cái tết năm ấy tôi chi tới cả năm triệu bạc - một số tiền lớn - chỉ vì hoa ly. Bình thường chỉ một chậu 300 ngàn cả đời tôi, tôi chưa bao giờ dám bỏ tiền ra mua nó, vậy mà...
Sau khi biết chuyện tôi mua hoa do bạn kể lại, con gái tôi đã không kiềm chế được. Nó cự tôi:
-         Sao mẹ lại làm vậy? Con làm thì con phải tính, con lỗ thì con phải chịu và xem đó là học phí trả cho trường đời. Mẹ bỏ tiền ra mua hoa để làm gì? Con thật không hiểu được mẹ.
Tôi thoáng một chút lúng túng rồi khẽ đáp lại con với vẻ mặt rầu rầu:
-         Ừ thì mẹ chỉ muốn động viên con, muốn giảm bớt phần nào khó khăn của các con khi hoa ly năm nay tiêu thụ chậm quá và lần đầu các con còn chưa có kinh nghiệm... Đằng nào mẹ cũng muốn tặng quà cho mọi người. Mẹ đã tự nguyện thì con đừng có phiền lòng.
-          Nhưng mẹ phải hiểu rằng mẹ làm thế thì liệu sau này con có dám làm cái gì nữa không chứ? Mẹ bảo mẹ tôn trọng và thương con, nhưng con không thể chịu đựng được cách hành xử như thế của mẹ. – Ngân Hương nhìn tôi có chút gì cứng cỏi nhưng rồi bật òa khóc ôm chặt lấy người mẹ đáng thương của nó.
Gió vẫn rít từng cơn. Tôi tự kiềm chế và im lặng trước những xúc cảm thương con và tự thương mình. Tôi chẳng biết chia sẻ với ai. Chỉ biết rằng từ đó, mỗi khi trời trở lạnh, mỗi khi tết sắp về, nhìn những người phụ nữ mặt tái dại ngồi bên những gánh hoa bán dọc đường, hay những cô bé sinh viên ngồi trông những chậu hoa ly cho người chủ chẳng biết đã đứng tuổi hay còn non trẻ, tôi cảm thấy xót xa cho họ quá chừng. Đằng sau những bông hoa đẹp ấy là cái gì chứ?
Rồi sau vụ trồng hoa ly năm ấy, con gái tôi đã không còn lao vào sự nghiệp trái ngang ấy nữa. Nó không còn mộng mơ rằng từ thành công trong mảnh vườn bé nhỏ của mẹ, nó sẽ nhân rộng ra cả vùng, rồi nó sẽ xây một ngôi nhà giữa cánh đồng hoa để mẹ có thể sống thanh thản và lãng mạn, có thể viết tiếp những trang hồi kí cuộc đời, với cả nước mắt bên những nụ cười. Nó đã dự thi tuyển vào Ngân hàng Công thương Việt Nam. Nó vượt qua vòng đầu với hơn 500 người chọn tuyển 50 và vượt luôn vòng hai với 50 người chọn 10. Con tôi, và cả tôi nữa không quen bất kì ai ở ngành này để mà xin, để mà đi cửa trước cửa sau gì đâu. Thực sự Ngân Hương đã được tuyển vì năng lực thể hiện qua các bài thi, vì hồ sơ đẹp của nó từ khi học và ra trường tới nay. Tôi có kể thì cũng chẳng ai dễ tin rằng thời buổi này, ngành ngân hàng lại có sự sáng trong đến thế. Từ đó tôi yên tâm hẳn. Tôi không bao giờ nhắc lại với con gái tôi kỉ niệm buồn của những ngày nó vừa phải lo toan về bệnh tình của con trai yêu quí, vừa phải lao tâm khổ trí để dựng xây một cơ nghiệp mà thực sự ở ngoài khả năng của nó. Tôi chỉ biết thắp những nén nhang lên ban thờ Phật, ban thờ gia tiên, ban thờ chồng tôi để nói lời biết ơn anh linh các đấng bề trên đã thương sót ban cho tôi và con cháu cuộc sống yên lành. Còn việc làm của tôi, đúng hay sai đến bây giờ tôi vẫn còn trăn trở.
        

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét