Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Tình người


              Ngày ấy, tôi là sinh viên mới ra trường, đầu năm 1969 tôi về nhận công tác tại một cơ quan trung ương. Nhà tôi ở cuối thành phố, nên đi làm khá xa. Tôi thường đi xe điện, giữa đường mất điện thì đi bộ. Vì vậy bao giờ tôi cũng phải đi làm sớm. Buổi trưa và chiều tôi ăn  cơm tại nhà ăn liên cơ quan, tối đến thư viện Hà Nội đọc sách luôn và chừng 10 giờ đêm mới về nhà. Tôi không có gì hấp dẫn về hình thức nếu không nói là còn hơi xấu. Tôi cao chừng hơn 1m60 nhưng gầy lắm. Bạn bè thường trêu tôi là gió sông hồng thổi cũng bay. Da mặt tôi đã xanh lét còn lốm đốm nhiều trứng cá. Tôi phải buông xòa mấy sợi tóc trước trán để che bớt những nốt đầu đen. Đôi mắt không to tròn, lại chỉ có một mí rưỡi, lòng trắng không trắng hẳn lòng đen không đen hẳn, nghĩa là cứ mờ mờ nhàn nhạt. Lông mày thì vừa thưa vừa rộng. Tôi không có ý thức làm đỏm gì, thậm chí đi làm không soi gương mấy khi. Tôi chỉ có mấy sơ mi may kiểu hồng công thẳng đuỗn che bộ ngực không hề nở nang nịt trong áo lót ấm ớ vải bông mềm oặt. Quần thì mua sẵn loại rẻ tiền nhất, loanh quanh ghi ghi rồi nâu nâu tôi cũng chẳng để ý con gái thì nên mặc màu gì, hoặc cái quần có phù hợp tông màu với áo không.  Tóc tôi dài và dày, tết thành hai đuôi sam buông quá gấu áo, kể cũng gọi là tha thướt nhưng khốn nỗi đi đứng chẳng khoan thai uyển chuyển chỉ hùng hục bước nhanh quá đàn ông, chân lại đi dép cao su hoặc dép lê bạc màu cu cũ nên các đấng mày râu có định để ý cũng phải tắt lụi ý đồ. Tôi chẳng lo lắng vì thực tình tôi đã có người yêu từ khi học đại học, đó là Minh Quang, bạn cùng lớp. Minh Quang bảo anh yêu tôi không phải vì hình thức, mà vì tôi học giỏi, ít nói nhưng có cái gì đó sâu lắng bên trong và tình cảm. Minh Quang biết tôi yếu đuối hay khóc, còn Minh Quang thì cứng rắn vậy là ổn, chứ hai đứa cùng một tính nết thì có khi cũng sinh       chuyện.
            Chúng tôi ở xa nhau, nên chỉ gặp nhau cuối tuần, đi dạo trong công viên chừng hơn tiếng đồng hồ là phải về nhà rồi vì me tôi khe khắt quản lý chặt chẽ lắm.    
            Hàng ngày đi làm ở cơ quan tôi buồn vì nhớ bạn bè, nhớ người yêu. Tôi hay lẻn lên thư viện cơ quan tìm sách đọc thêm, hoặc tham khảo để soạn các bài giảng của mình. Chả là tôi hay phải vào trường dạy nghề làm giáo viên không chuyên trách. 
            Hầu như lúc nào lên thư viện, tôi cũng gặp anh Hoàng Thư. Anh học cùng trường hơn tôi hai khóa. Anh bị tật gù lưng và gù cả  ngực. Khuôn mặt anh gầy, da xanh tai tái và gò má hơi cao. Cặp kính cận nhiều đi ốp lúc nào cũng gắn trên đôi mắt của anh chừng như mệt mỏi. Anh làm chuyên môn rất giỏi. Thủ trưởng các cấp tin cậy anh, hay phân công anh soạn bài để họ đi giảng ở các bộ ngành, các trường đại học khi cần. Anh làm việc cần mẫn, nghiêm túc, nhưng hầu như không quen không chơi với ai cả. Vậy mà anh lại rất hay châm chọc mọi người, nói thẳng một cách thô lỗ khiến người ta mất mặt. Gặp ai dáng vẻ hơi mộc mạc ăn mặc xuềnh xoàng thì anh bảo người ta là trông cậu quê mùa lắm, lôi thôi luộm thuộm mà đến cơ quan à. Gặp người đang tra cứu sách tham khảo thì anh bảo ông biết cái gì mà lục lọi ghê thế? Làm sao ông đọc được sách chữ tây hả? ông học ngoại ngữ từ bao giờ vậy? Nghĩa là đủ kiểu khiến người ta phát điên phát rồ lên. Ai không biết tưởng anh thần kinh chập mạch. Nhưng nhìn vào công việc của anh thì chẳng ai dám tin người thần kinh lại làm lắm việc khó đến thế. Anh chủ trì biên soạn từ điển của ngành, anh thông thạo tới năm ngoại ngữ. Tiếp chuyên gia nước ngoài sang làm việc hợp tác bao giờ cơ quan cũng yêu cầu phải có anh.    
            Từ hôm tôi đến thư viện, anh đã mấy lần trêu tôi rồi. Anh bảo cái cô này ở đâu về đây ấy nhỉ? À à cô học ở tổng hợp toán ra đấy, cùng trường tôi, nhưng cô học chuyên ngành gì Phương pháp tính à, ôi trời vớ vẩn quá. Bây giờ cô đi phổ cập sử dụng bàn tính gẩy, hướng dẫn sử dụng một lũ máy cơ điện, rồi nay mai cô lập chương trình và sử dụng cái máy tính điện tử đèn sáng lập lòe là cùng chứ gì, càng dấm dớ hơn… Cô mang danh cử nhân Toán mà không xấu hổ à? Chẳng biết đáp chuyện với anh thế nào,  lúc đầu tôi hơi khó chịu, nhưng nhìn dáng vẻ anh, tôi thấy cứ tồi tội thế nào ấy. Thành ra tôi không dám nổi cáu bao giờ, chả bù cho một anh cùng phòng, mấy lần kể với tôi:”Tớ ghét thằng cha ấy quá. Nó coi khinh người ta như mẻ. Nó luôn trêu trọc chửi vỗ mặt vào tất cả. Có những lúc, tớ tức quá, chỉ muốn túm xách cái đám gồ gồ ở lưng hay ở ngực hắn lên rồi ném xuống cho hả thôi…” Tôi gắng hình dung thông cảm đôi phần nhưng cái “định” của anh ấy thì khiếp quá, rợn người, ai lại ác thế cơ chứ. 
           Mấy bữa rồi tôi bị cúm nghỉ ở nhà. Tôi mới đi làm trở lại. Anh Thư nhìn thấy tôi lần này vồn vã không nói những lời khó chịu nữa. Anh chỉ bảo: “Chào cô Thư, cô đi đâu thế không thấy cô lên thư viện đọc sách nữa?” Anh nhìn thẳng tôi, miệng cười cười nhưng tôi đọc được ở đó một nỗi buồn khó tả. Tôi hơi lúng túng nhưng chưa bao giờ tôi thấy anh lành hiền như hôm nay, cứ như thể anh biến thành một con người khác. Tôi giải thích việc mình vắng mặt, rồi tự nhiên đánh bạo hỏi anh sao hôm nay không trêu tức tôi như khi tấn công mọi người không chút nề hà. Anh lặng đi một lát, rồi khẽ bảo: “Thật ra, tôi không có ý châm chọc ai cả. Nhưng nói thật với cô Thư, tôi luôn cảm thấy mình quá dị dạng trước mọi người. Nên tôi phải chủ động tấn công họ trước. Một khi họ nổi khùng lên với tôi, thì tôi đắc thắng vì tôi là người chủ động tạo nên cơn tức bực này. Họ ghét tôi, đành vậy, nhưng ghét là bởi tôi đã coi họ không ra gì chứ chẳng phải họ khinh thường tôi, cô hiểu không?” Tôi khuyên anh chân thành: “Vâng, em hiểu. Với em thì không sao, anh có thể trêu tức đủ điều, em không giận anh đâu. Nhưng với người khác, anh đừng làm thế. Ai cũng quí và kính trọng anh. Anh đừng mặc cảm làm gì” Hoàng Thư tư lự: “Phải, tôi biết…Thú thực với cô, từ khi quen cô, tôi cũng dần dần bớt châm chọc đi chứ ngày trước thì còn kinh khủng hơn nhiều”. Tôi thấy vui vui:” Vâng. Em mong anh sống thoải mái, hòa đồng   với tất cả, chính anh sẽ thấy dễ chịu hơn. Mà em nghe nhiều người khen anh lắm anh Thư ạ. Họ còn kể với em là từ nhỏ anh toàn tự học thôi, vào đại học tổng hợp anh thi theo kiểu thí sinh tự do rồi đậu và đây là lần đầu tiên anh tới trường học, có phải thế không ạ?” Anh Thư gật đầu, không nói thêm gì nữa. Một lát sau anh mới nói khẽ, “lúc nào rảnh hoặc nghỉ giải lao khi làm việc quá căng thẳng cô cứ lên thư viện nhé, ta nói với nhau nhiều chuyện hơn”.
            Thế là từ đó, tôi và anh dần trở nên thân thiết. Anh vẫn trêu tôi vẫn bông đùa đủ thứ nhưng có vẻ chân tình hơn, không xa lạ như những ngày đầu mới quen. Thi thoảng chúng tôi đi dạo bên nhau trên từng con phố nhỏ của Hà Nội 36 phố phường. Một lần, chúng tôi đi quanh hồ Hoàn Kiếm. Khi đó sắp tết nguyên đán. Thực ra tôi chẳng biết quê anh ở đâu nên cứ hỏi bừa:”Tết này anh Thư có về quê không ạ?” Anh cười hồn hậu: “Không, vì gia đình tôi ở cả trên này từ lâu rồi, quê Thái Bình chỉ còn ít anh em họ hàng thôi cô ạ”.
-      Anh có đi đón giao thừa không anh? 
-     Có, ngày trước tôi hay ra hồ Hoàn Kiếm xem thiên hạ hái cành lộc…nhưng từ hai năm lại đây tôi không đi nữa.
-   Vâng, đêm giao thừa thường lạnh và mưa phùn, anh ra ngoài phải cẩn thận, mặc áo ấm…Sao mấy năm nay anh lại không đi nữa?
   - Nghe cô hỏi, tôi chợt nhớ lại một chuyện buồn. Đó là cái Tết năm kia, như lệ thường, gần đến Giao thừa là tôi đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm. Cô biết đấy, nhà tôi ra Hồ khá gần. Đêm hôm đó, mọi người đổ ra đường đông lắm. Tôi lững thững đi trong dòng người hướng về phía hồ. Năm nào cũng vậy, tôi chỉ đi một mình cô ạ.
Tôi chưa hiểu chuyện gì đã thấy lòng nao nao:
-    Dạ, em hiểu. Anh sẽ cảm thấy buồn?
Anh lắc đầu: 
 - Không, tôi quen rồi. Tôi chẳng buồn rầu gì hết nếu như không        xảy ra một tình huống bất ngờ và khó chịu. Tôi đang đi, thì trông thấy đi ngược lại về phía tôi, cặp vợ chồng anh chị tôi cùng một đám đông bè bạn nói cười vui vẻ. Tôi hơi sững người, nhưng cũng đang định đáp lời anh chị khi họ hỏi tôi. Nhưng không phải thế, anh chị lơ đi coi như không biết tôi là ai. Chắc anh chị xấu hổ ngượng ngùng với bạn bè rằng đã có người em trai xấu xí tật nguyền như tôi mà cô.
 Tôi không cầm lòng được dụi dụi mắt:
 - Ôi…em chẳng nghĩ thế…
 Anh hơi ngừng lại trong giây lát, hít một hơi thở sâu:
-    Cô không nghĩ thế nhưng sự thực là thế. Tôi tủi thân lắm cô Thư ạ, mặc dầu bình thường tôi cứng cỏi như cô đã biết. Tôi trở về, tự thề với mình rằng, sẽ không bao giờ đi đón giao thừa nữa. Nhưng tôi không ở nhà, tôi vẫn ra đường, đi một mình trong phố vắng, và không dám nhìn vào nhà ai, lỡ bắt gặp người ta âu yếm nhau, hay thấy cảnh vợ chồng con cái quấn quít bên nhau… 
           Từ hôm nghe anh Thư kể chuyện buồn trong đêm giao thừa ấy, lòng tôi chẳng lúc nào yên. Tôi tự bảo mình phải tìm mọi cách để làm cho thiên hạ biết rằng anh Thư chẳng làm sao cả, anh cũng có … bạn gái như mọi thanh niên khác, bạn gái ấy là tôi - mỗi tội bạn gái của anh không đẹp, nhưng thế thì đã sao nào, có phải mọi cô gái trên đời đều xinh xắn cả đâu?
           Thế là tôi vào “cuộc” ngay. Tôi tha thiết mời anh đi xem phim tại rạp Tháng Tám và anh nhận lời. Tôi hẹn chờ anh ở vườn hoa Mê Linh gần đó. Tới chỗ hẹn, anh đã ở đó từ bao giờ rồi. Hôm ấy, tôi cố tình mặc chiếc sơ mi popolin trắng tinh cổ cánh sen tức là mặc chiếc áo đẹp nhất nhưng khổ nỗi cái quần thì mầu nâu bàng bạc trông gớm chết. Tôi nghĩ chuyện mặc áo đó vì anh Thư cũng hay mặc áo trắng, nên tôi hi vọng có sự “đồng bộ”. Nào ngờ anh lại mặc sơ mi nâu sẫm làm nổi bật nước da trắng yếu ớt của anh. May mà qua cặp kính cận trong suốt, có thể nhìn thấy đôi mắt anh hôm nay thật linh hoạt khác thường, chẳng còn chút gì căng thẳng trên bộ mặt khắc khổ như mọi khi nữa. Bất giác tôi tủm tỉm cười rồi hỏi như để mà hỏi: “Anh ăn cơm rồi chứ ạ?” Anh nháy mắt cười trêu: “Chả lẽ tôi lại nhịn đói đi xem phim với cô sao?” Đoạn anh hơi băn khoăn: “Mà ta xem phim gì thế cô?” khiến tôi lúng túng quá: “Dạ, em … chưa biết. Ta cứ đến đó là xem luôn mà anh. Em vẫn hay đi xem thế. Thôi mình đi kẻo muộn anh ạ”.
           Chúng tôi đi bên nhau sóng đôi. Tôi tết hai đuôi sam dài và mượt, buộc dây chun hẳn hoi. Tôi gắng đi đứng thong thả ngang tầm bước chân của anh. Anh bị gù lưng và ngực nên phần trên ngắn, còn chân thì bình thường, nhưng chắc là mảnh gầy ẩn trong chiếc quần vàng nhạt hằn mép là thẳng tắp. Tôi cao hơn 1m6 mà anh chưa tới 1m4 nên tôi không dám đi sát vào anh. Tôi không ngại gì về mình, tôi chỉ lo anh có chút mặc cảm về sự không cân xứng ấy. Với lại, ngày đó tôi luôn tâm niệm cái sự “nam nữ thụ thụ bất thân” nên không bao giờ dám có sự va chạm nào với người khác giới, chỉ ngoại trừ riêng Minh Quang thì dĩ nhiên tôi có thể “ngả ngốn” mà cũng chỉ vào lúc hai đứa đi với nhau trong khoảng tôi tối rất ngắn ngủi nào đấy thôi. Gọi là không dám đi sát, nhưng tôi cảm thấy tôi có đủ “tư thế” để mọi người nhìn vào hiểu ngay rằng chúng tôi là một “cặp đôi” hẳn hoi, và tôi cảm thấy tự hào về điều đó, niềm tự hào tạo ra cho người bạn lớn mà tôi quí trọng.     
           Tới rạp, tôi liếc nhìn mấy tấm phông quảng cáo, rồi hồn nhiên la to: “Anh Thư này, hôm nay người ta chiếu phim hài đấy, chắc là sẽ vui lắm”. Anh im im hơi khó hiểu rồi như lơ đãng: “Ờ ờ hi vọng là thế”. Tôi vẫn say sưa kể lể: “Em thích rạp chiếu bóng này, xem dễ chịu lắm anh ạ. Nhưng hôm nào chiếu phim hay thì khó mua vé lắm, đông người mua đã đành mà cái chính là “phe” sẽ mua hết, không tới lượt mình đâu. Anh chờ em một chút nhé, em mua vé và chắc chắn sẽ chọn được chỗ thật tốt”. Tôi chạy vào ô cửa bán vé, gần như tức khắc tôi giơ giơ hai vé trước mặt anh rồi nhẹ kéo tay anh bước vào rạp. 
            Nhưng thật khốn khổ, bữa ấy, cảnh trên phim hài lại xuất hiện một chú hề có diện mạo y chang anh Hoàng Thư. Tôi hoảng hốt, mặt tái dại quay sang anh hổn hển: “Anh Thư ơi, em hơi mệt, như là bị chóng mặt ấy. Ta phải về thôi anh ạ. Khi khác sẽ xem. Anh Hoàng Thư nhìn tôi im lặng và cũng đứng lên lật bật bước đi. Tôi bấm đèn pin thủ sẵn trong túi để hai anh em thấy đường len lén đi ra trước ánh mắt hơi soi mói của mọi người xung quanh. 
            Ra khỏi rạp, anh lo lắng : “Em có sao không Kim Thư?” Nếu tôi không nhầm, đây là  lần đầu tiên anh Thư gọi tôi là “Em”, tôi xúc động : “Dạ dạ, em không sao. Em hơi choáng, em vẫn bị thế luôn anh ạ…Ra ngoài này dễ thở hơn nên em dễ chịu ngay thôi”.
Chúng tôi thong thả đi bộ về phía vườn hoa Mê Linh. Trước khi chia tay, tôi ngập ngừng: “Em xin lỗi anh, anh Thư nhé. Em chẳng biết nói sao bây giờ. Em không cố tình, chỉ là ngẫu nhiên xem phải cái phim này...” Anh im lặng nhìn tôi một lát, không dấu được ánh mắt buồn khôn tả.
           Vậy là sau lần ấy, tôi không dám rủ anh đi xem phim xem hát xem kịch gì nữa. Tôi chỉ còn tìm đến nhà riêng thăm anh, thăm bố mẹ anh để anh vui thôi, hoặc chúng tôi dạo quanh tìm ghế đá bên hồ ngồi mà nói chuyện tầm phào. Nhưng để làm được chuyện đó đối với tôi cũng là cả một nan trình. Cái hồi tôi còn hay đọc sách ở thư viện Hà Nội đến 10 giờ đêm mới về thì tôi cứ việc bỏ thư viện mà đi dạo với anh, chứ về sau này, tôi bận chuẩn bị cho đám cưới của mình, thì tôi thường phải về nhà sớm. Đã về mà còn đi thì chỉ có cách lẻn như người vụng trộm. Có lúc tôi lấy xe đạp đi, tôi nói với me tôi là tôi phải đi mượn sách, tôi dặn me nếu Minh Quang người yêu tôi ghé qua thì bảo chờ tôi về sớm, đừng có đi đâu. Có hôm, ngại nói với me, tôi tự tiện đi bộ ra khỏi nhà cứ như ra chợ quanh đâu đấy, thực ra tôi chạy thục mạng leo lên tàu điện để đến bờ hồ rồi lại chạy bộ vào nhà thăm anh Thư mấy phút rồi lại chạy về ngay. Tôi không hiểu rõ, vậy là thế nào, tôi chỉ biết tôi tự gán cho mình trách nhiệm, anh Thư phải luôn gặp tôi, không chỉ trên cơ quan, mà cả khi về nhà nữa. Tôi cần nhìn thấy gương mặt rạng rỡ của anh cả khi ở nhà cũng như khi anh mải mê đọc đọc viết viết trên bàn làm việc. Tôi thường hay dúi vào tay anh khi thì một quả mận thật to chín mọng, tôi đã từng lau nó tới hàng giờ để nó có thể bóng lộn lên; khi thì mấy chiếc kẹo tây thật ngon ai đó cho tôi. Anh hơn tôi cả tới hơn chục tuổi mà tôi cứ coi anh như trẻ con bởi tôi chính là con nít thực sự…
              Có một lần, trong khi trò chuyện, đột nhiên anh Thư hỏi tôi hình như tôi có người yêu rồi. Tôi cũng thật thà kể ngay, tôi có Minh Quang. Anh lại hỏi dự kiến tương lai thế nào, tôi hơi miễn cưỡng trả lời anh là chúng tôi sắp làm đám cưới. Miễn cưỡng là bởi tự nhiên tôi không thích “khoe” hạnh phúc của mình với anh – người bạn lớn mà tôi biết chắc anh đang rất cô đơn, nhưng tính tôi thật thà không mấy khi nói dối vả lại trong trường hợp này nói dối cũng chẳng để làm gì. 

             Thế rồi sau một thoáng như phải tự trấn tĩnh lại, anh Thư bảo: “Kim Thư này, anh không hiểu được, không thể hiểu được, vì sao em là một cô gái mới lớn, học hành giỏi giang, có người yêu sớm, … vậy mà lúc nào trông em cũng buồn. Gặp anh, em nói cười hớn hở, nhưng đôi khi anh cảm thấy đó là cái vui giả tạo Thư ạ”
           Nghe anh nói vậy, tôi nửa thật nửa đùa: “Thôi mà anh. Không có gì đâu ạ. Em thân với anh, em quí anh, chân thành chứ không bao giờ dám thương hại anh cả. Anh hãy vui với niềm vui của em đi, anh nghĩ anh lo em giả tạo để làm gì. Mà này em nói cho anh biết đây, em mà đóng kịch thì có trời cứu, không ai nhận ra được đâu, kể cả anh vốn lúc nào cũng kiêu căng nghĩ mình thông minh, tự hào là dân Toán chính hiệu, với cái đám lí thuyết Toán trừu tượng của anh, thì cũng bị em lừa hết ha ha ha!!!” Anh Thư thấy tôi đùa vui vậy, cũng dí dỏm theo: “Cái cô này gớm thật…Đọc những lá thư của cô mỗi lần cô đi công tác, tôi chả bị buồn nẫu ruột ra là gì, nhưng thôi tôi không căn vặn cô nữa…” Thấy vậy, tôi bật ứng khẩu mấy câu vần vè: “He he lại  đổi giọng CÔ/Khiến cho em thấy lo lo thế nào/Thôi đành xa chốn ồn ào/Ai về nhà nấy tào lao một mình/Hẹn anh lúc khác rập rình/Anh vui nhiều nhé giữ tình mến thương/Đường về “thơ cóc” còn vương/Chúc anh chớ có ẩm ương nữa mà” rồi chạy thục mạng đi giơ tay vẫy vẫy tạm biệt.
            Rồi những buổi trưa nghỉ tại cơ quan, anh em tôi cũng thường tâm sự chia sẻ với nhau hầu như không bao giờ hết chuyện. Có lần tôi hỏi anh bâng quơ mà rất nghiêm trang  : “Em nghĩ, anh Thư ạ, niềm vui được làm việc và làm việc được là niềm hạnh phúc lớn lao nhất quyết định mọi hạnh phúc khác trên đời này. Anh có thấy thế không?” Anh nhìn tôi thật lâu như dò xét điều gì rồi gật đầu: “Em nói đúng. Nhưng hình như, khi người ta có “mọi hạnh phúc khác” thì người ta mới nghĩ vậy!”
           Tôi như đứa trẻ đang tập diễn thuyết trước người thày của mình, mà không chút e dè lo lắng: “Hạnh phúc chỉ có thể có khi người ta được sống trong tình thương yêu của những người xung quanh. Tất nhiên có những tình cảm xuất phát từ máu mủ tự nhiên, nhưng rất đáng quí là tình thương yêu thật sự có được do sức lôi cuốn của trái tim mình”. Anh Thư trầm ngâm: “Nhưng không phải tất cả đều đáng yêu thương vì yêu tất cả tức là không yêu ai cả. Và dẫu với những người ta mến yêu, cũng phải thấy mỗi người đều có mặt xấu nhất định. Quên điều đó, lí tưởng hóa cuộc đời thì chỉ có thể đi đến tan vỡ lòng tin vào nó và cuối cùng chỉ thấy một màu bi quan xám xịt”.
            Tôi nhìn đồng hồ, sắp tới giờ làm việc rồi, tôi cười: “Hay thật. Tự nhiên hôm nay hai anh em mình lại lý sự ghê thế anh Thư nhỉ” Anh rất thật thà: “Anh bảo thật này, anh thích nói chuyện với em, Kim Thư ạ. Không rõ vì sao…” Tôi hơi ngượng ngập rồi bình tĩnh lại ngay: “Nói chuyện với anh em lại nhớ đến cái câu “tạch tạch sè” ngày xưa “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…”. Mà thôi, em đi về đây. Chiều nay nhà em có việc em xin nghỉ phép một buổi. Anh Thư ở lại làm việc ngoan và chăm chỉ nhé hé hé hé…”
            Cứ thế, cứ thế, chúng tôi luôn gặp nhau nhiều hơn cả Minh Quang và tôi gặp nhau. Chẳng những thế, bao lá thư anh gửi tôi và ngược lại cứ dồn dập đến, khi thì qua đường bưu điện, khi thì qua hộp thư cơ quan, khi thì đưa trực tiếp. Anh tự day dứt mình : “Một ngày gần đây, hạnh phúc sẽ đến với em, thì không biết lúc đó anh có còn giữ trọn vẹn tình cảm của anh đối với em như hiện nay không? Thú thực với em, anh không dám nghĩ nhiều tới ngày mai, và không tin gì ở nó”. Đọc dòng thư mà tôi bật khóc một mình: “Anh đừng nghĩ thế. Anh phải giữ sức khỏe. Anh đang làm được bao nhiêu việc có ý nghĩa. Hãy cứ hình dung và tin đi: em mãi là đứa em gái bé nhỏ của anh, luôn nghe anh tâm tình về những vui buồn của cuộc đời này. Sẽ không có gì thay đổi trong quan hệ của anh em mình anh Thư ạ…”
           Tôi gắng nén lòng nhưng thực sự có những lúc tôi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, người tôi cứ run lên khi vẳng bên tai tôi lời anh gọi thiết tha: “Em ơi! dầu cuộc sống bên ngoài có tươi đẹp bao nhiêu, anh vẫn thấy nó chẳng hứa hẹn cho anh một điều gì sáng sủa hơn. Hoặc là anh phải cứng rắn tàn nhẫn, hoặc là cứ phải đau khổ không cùng. Hình như hôm nay là lần đầu tiên anh dám nói với em điều này. Và chắc hẳn em chưa hiểu và cũng không thể ngờ tới được, đó là ảnh hưởng của Thư đã đần dần thay đổi cả nếp sống của anh. Từ chỗ sống câm lặng, anh đã cảm thấy NÓI là yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Mọi lúc vui, buồn, băn khoăn, hay hào hứng anh đều thấy cần phải nói với em, chỉ có điều hoặc nói ra thực hoặc chỉ nói ra trong ý nghĩ  của riêng mình mà thôi. Cũng có khi, anh lại tự bảo mình, chả lẽ anh lại cầu mong cho em … bất hạnh để có thể thương yêu em được nhiều hơn… Hãy tha lỗi cho anh vì những điều rồ dại ấy …”
           Tôi xúc động lắm: “Dạ, em cảm ơn anh. Em vẫn đang tưởng tượng nghe anh nói đây…và cũng chỉ hôm nay, em mới mạnh dạn thổ lộ ý nghĩ thầm kín của mình rằng, dù vật đổi sao dời, mãi mãi em không bao giờ quên được anh, một người bạn lớn bị tật nguyền về thể xác nhưng trí tuệ tâm hồn thì thật tuyệt vời và nghị lực phi thường hiếm có. Mong anh hiểu đúng và đừng giận em”.
           Mỗi lần gặp tôi ở cơ quan hoặc tôi đến nhà anh, hoặc chúng tôi đi dạo, tôi đều nhận ra ở anh một sự đổi khác, anh tự tin hơn, yêu đời hơn. Anh lắng nghe tôi hát những bài ca về Hà Nội thường không thuộc trọn vẹn tùy theo ngẫu hứng một cách say sưa và hình như anh rất cảm động. Nhưng  anh luôn luôn phải chịu đựng cái sự ra về vội vã của tôi, còn tôi thì luôn cảm thấy có lỗi với anh. Anh chẳng biết làm thế nào để giữ tôi lại, đành dúi vào tay tôi mảnh giấy chữ viết li ti trên tờ giấy po luya đã ngả màu vàng ố, mà phải khi về nhà, tôi mới chạy vào góc nhà tắm để đọc ngấu nghiến trong một nỗi đau đến như tê dại:”Trời ơi! cái triết lí muôn sự phục tùng một thứ logic khắt khe tiền định, con người cứ phải cúi đầu phục tùng, không nên oán trách, cứ kiên trì nhẫn nại chung sống hòa bình với nó, cái triết lí lạc quan ấy đã từng giúp anh che dấu tâm tư buồn thảm trước con mắt mọi người, cái triết lí ấy giờ đây hoàn toàn bất lực. Chỉ còn lại một nỗi buồn tê tái rã rời…Kim Thư ơi, sao em không ở lại, nói gì thêm nữa với anh, sao em lại cứ phải về???”
”Có lẽ giờ này em đang lủi thủi ở một bến xe nào hay đang lao đao say lử trên ô tô…Anh buồn vô hạn Kim Thư ạ. Anh thương cho em, thương cho anh, những con người yếu đuối về tình cảm, như những chiếc lá đơn độc run bần bật trước mỗi cơn gió nhẹ. Giờ đây, một mình, anh không còn giữ nổi vẻ bình thản diễu cợt thường ngày nữa, em có biết không. Kim Thư vô cùng mến thương! Chúng ta đều muốn giữ đến trọn đời nguyên vẹn tình bạn trong sáng hiện nay, nhưng thực tế phũ phàng trước sau rồi cũng cướp nó đi. Nỗi lo sợ trước sự mất mát đáng sợ ấy gây ra ở anh niềm đau khổ ngay từ bây giờ. Và anh cũng sợ rằng, tác hại của nó còn to lớn hơn nhiều. Chắc gì anh còn đứng vững được trước sự trống rỗng đang đến gần?”
”Anh không nói rằng em chưa hiểu anh. Nhưng rõ ràng rằng ngày mai của anh khác xa ngày mai của em, và do đó em không thể nghĩ như anh nghĩ. Em thực ngây thơ khi cho rằng em có thể giữ nguyên tình bạn đối với anh khi em bước vào cuộc sống hạnh phúc của mình. Em quên rằng anh khác xa Hiền bạn gái của em hay một người bạn nào khác. Em vẫn biết rồi đấy, thường thường một con người khao khát cái gì đó thì không muốn chứng kiến người khác được hưởng điều mà mình không có. Vậy thì làm sao anh có thể nhận tình thương của em mà không có ý nghĩ dẫu chưa rõ ràng rằng, đó chỉ là lòng thương hại thừa thãi? Em hiểu anh chứ em Thư, dù rằng anh mến thương em vô cùng”…
            Tôi không đủ thời gian và sự bình tĩnh để đọc kĩ, tôi chỉ đọc lướt thật nhanh rồi  vội vàng đốt đi. Tôi sợ bằng cách nào đó Minh Quang chồng chưa cưới của tôi bắt gặp. Cũng chẳng sao nhưng tôi chắc Minh Quang sẽ không vui. Vả lại, chính tôi, tôi cũng cảm thấy sợ … những lá thư của anh, ngại những lời nồng nàn da diết, sợ những triết lý sâu xa của anh mà nhiều khi tôi không hiểu được hết. Anh đối với tôi rất đường hoàng, đứng đắn, chưa bao giờ một lần nắm lấy bàn tay tôi. Tôi cũng vậy, rất tôn trọng anh, không bao giờ xàm sỡ chỉ ngoại trừ cái lần đi xem phim tôi kéo tay anh vào rạp mà sau đó tôi cứ thấy mình có cái gì … không phải. Vậy mà chẳng hiểu sao có lần đi công tác xa nhà tới mấy tuần, khi nhớ về Hà Nội, tôi chẳng nhớ Minh Quang, tôi chỉ nhớ anh Thư và viết cho anh thôi:”Anh Thư quí mến! Giờ này anh đã nghỉ chưa hay vẫn ngồi trong thư viện? Em đã dạy xong. Em dự liên hoan chia tay với lớp và bây giờ ra biển viết thư cho anh đây. Chỉ ngày mai thôi em sẽ về nhà, đến cơ quan là gặp lại anh rồi, gặp người bạn lớn rất quí mến em chỉ tội hay chọc tức em thôi. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”.
            Thế rồi, đêm đến, tôi  đã nằm mơ, tôi lấy anh Hoàng Thư mà không phải làm đám cưới với Minh Quang bạn mình. Thật là kì lạ. Minh Quang mà biết chắc sẽ giận tôi  lắm đấy. Khổ thân tôi, tôi chỉ thương anh Thư thôi mà, thương đến thắt lòng. Tôi thầm mong sao Minh Quang hiểu tôi và đừng ghen tức tội nghiệp. Cho đến tận bây giờ ngồi viết những dòng chữ này, đôi lúc tôi cứ tự hỏi mình : chẳng lẽ trong con người ta, có những phút tình thương người còn mãnh liệt hơn cả tình yêu sao?  
           Rồi cái gì đến vẫn phải đến. Minh Quang và tôi phải làm bao nhiêu việc để chuẩn bị cho đám cưới dẫu rằng nó nghèo nàn và đơn giản vô cùng. Chúng tôi đi chọn mua thiếp cưới in sẵn với cỡ bé nhất đến mức có thể để đỡ tốn tiền. Chúng tôi phải tự viết bằng tay điền tên khách định mời. Khi viết đến bạn bè ở cơ quan, lướt tới tên anh -  Hoàng Thư, tôi hơi sững lại, mặt đần ra, nhưng rồi Minh Quang tình cờ nhìn tôi, tôi vội vàng cúi xuống viết tiếp thật nhanh, tôi chỉ sửa bằng tay hai từ “chúng tôi” thành “chúng em” mặc dù sửa thế trông rất cẩu thả. Tôi chỉ nghĩ giản đơn là chuyện chúng tôi sẽ lấy nhau tôi đã kể với anh lâu nay rồi, nên bây giờ mời dự cưới thì cứ mời thôi. Nhưng tới khi đưa thiếp thật, đến cơ quan, đi thẳng phòng làm việc của anh Thư tay cầm  thiếp cưới nhỏ, tôi mới thấy mình vô duyên và lúng túng quá: “Em chào anh ạ”. Anh Thư ngẩng nhìn vồn vã: “Thư đấy à, vào đây. Em đi đâu có việc gì mà tất tả thế?” Tôi đặt vội thiếp lên bàn nói cụt lủn: “Em gửi anh…Em xin phép về ạ”. Tôi lật đật quay ra và biết chắc rằng chỉ trong giây lát, anh sẽ ngơ ngác nhìn theo bóng tôi mà như chết lặng.
             Mấy ngày sau, tôi nhận được tấm thiếp trả lại người gửi là tôi qua đường bưu điện, một tấm thiếp mời nhỏ xíu đơn độc trong một cái phong bì lớn, tịnh không kèm một ghi chú nào. Và sau đấy vài ngày nữa, mới lại có lá thư tiếp theo với những dòng chữ run rẩy: “Thế là hết, tôi đã mất em thật rồi. Nếu có em giờ này, ở đây, chắc tôi sẽ không dấu nổi nước mắt, và chẳng thể nào câm lặng trước em đâu Kim Thư! Tôi sẽ phải trở lại bình thản bên mấy cái cấu trúc đại số hay là rã rời tiêu tan tất cả vì tan vỡ và trống rỗng? Tôi lại trở về với con số không sáng vác ô đi tối vác về , không còn đủ sức để say mê và ước vọng một cái gì ư??? Nhưng không sao, em không cần phải thương hại tôi, tôi đủ sức chịu đựng, mà sức chịu đựng đó chính là do em mang lại cho tôi một cách vô tình trong thời gian qua. Em có hiểu hay không thì cũng vậy thôi. Chúc em hạnh phúc”.
           Thế đấy, anh đã trở thành "TÔI" xa lạ trong ngôn từ giao tiếp với đứa con gái bé bỏng vừa tinh tế vừa vụng về mà bấy lâu nay anh trao cho nó tiếng "ANH" trìu mến. Từ đó, chúng tôi gặp nhau trên đường hay trong cơ quan, không ai nói gì với nhau cả, cũng không chào hỏi coi như người không quen. Tôi không hẳn giận anh, nhưng thấy anh lạnh lùng, tôi ngại. Rồi cuộc sống mới cuốn tôi vào những cơn lốc. Chúng cuốn đi hết những trăn trở trong tình cảm mến thương anh từ lâu nay, mặc dầu tự trong sâu thẳm tôi vẫn quí trọng anh lắm. Tôi bận mải với tình yêu của tôi, với những đứa con ra đời. Những năm tháng chiến tranh sơ tán vất vả có lúc cái chết kề bên cũng như khi lặn lội trên bao nẻo đường công tác trong hòa bình, vật lộn với cái khó khăn thiếu thốn nghèo nàn đến cùng cực không bao giờ khóc, mà chỉ cười với hạnh phúc đầm ấm mãn nguyện bên chồng con, tôi hầu như đã quên anh Hoàng Thư trong tâm tưởng. Thì ra ngày xưa anh bảo tôi trao cho anh "tình thương hại thừa thãi" lại là đúng hay sao? mặc dù tôi không cố ý. Tôi không biết, không nghĩ lại, cũng không dằn vặt gì cả. Sau này, khi về già, đã sống gần hết đời người rồi, tôi mới lờ mờ hiểu ra rằng cái “duyên” của chúng tôi chỉ đến thế. Nhưng quả là hợp rồi tan, tan xong lại hợp là câu chuyện sắp đặt của “thượng đế”. 12 năm sau khi gửi trả lại cái thiếp cưới bé nhỏ, anh Thư gửi cho tôi một lá thư nói lời xin lỗi. Anh xin lỗi vì ngày ấy, anh đã hành động như một đứa trẻ dỗi dằn. Anh bảo rằng thời gian cứ lặng lẽ trôi, dẫu tôi có quên anh, hình ảnh của tôi vẫn luôn ở trong anh. Anh vẫn giữ nguyên những bức thư tôi tâm sự an ủi động viên anh ngày nào, chứ không như tôi đốt thư anh dần theo năm tháng. Tôi phải đốt ngay từng bức thư sau mỗi lần đọc vội vàng để bảo vệ tình yêu với người chồng sắp cưới. Thì làm sao khác được, tôi và Minh Quang yêu nhau cũng là duyên trời định đoạt. Tôi chẳng yêu ai ngoài Minh Quang. Tôi chưa bao giờ suy nghĩ so sánh rằng Minh Quang thể hiện tình cảm sự quan tâm đối với tôi khác gì tôi nhận được ở anh Hoàng Thư để mà vui buồn vẩn vơ. Tôi thường nghĩ, dường như Minh Quang sinh ra là để có tôi rồi, Minh Quang có đầy đủ tình cảm vợ con và người thân trong đại gia đình của anh. Minh Quang vô tư sống, học tập, giảng dạy, …với tất cả nhiệt huyết của một người thanh niên trong thời đại mới, một người thầy giáo khoác quân phục sĩ quan, Minh Quang có tâm hồn lành mạnh lạc quan thậm chí hơn cả những gì có thật trong đời. Vậy thì việc tôi thương xót người bạn lớn tuổi tài giỏi mà bị tật nguyền, phải chịu đựng thiệt thòi đủ thứ cũng là chuyện dễ hiểu, tình cảm của tôi là trong sáng, tôi chẳng có lỗi gì. Có điều khi người bạn ấy lảng tránh thì tôi không thể chạy theo anh ấy nữa. Tôi chỉ là một cô gái mới lớn lên, cuộc đời chưa từng trải, tôi cần có cuộc sống ổn định vậy thôi, ổn định một cách quay cuồng trong những bận rộn lo toan của người phụ nữ hầu như nuôi con một mình vì chồng đi bộ đội xa nhà.  Tuy nhiên, trong câu chuyện này, nghĩ lại - tôi đã cư xử chẳng ra gì. Tôi thừa biết rằng anh không muốn và sẽ không đến dự đám cưới của tôi, vậy sao tôi đã thân thiết với anh mà không nói trực tiếp với anh được mấy lời chân tình hơn, mà lại gửi cho anh cái thiếp lạnh lùng như thế? Tôi lúng túng vì lẽ gì, tôi bận rộn quá nên “đại tiện” mọi việc, hay là tôi quá vô tâm, để anh phải cư xử lại “bất bình thường” và rồi phải nhận lấy lỗi “trẻ con dỗi dằn” ấy về anh? để rồi tôi tự “có cái cớ” mà quên hẳn bóng hình anh trong suốt 12 năm đến nỗi dứt khoát không liên lạc với anh nữa, trái hẳn lại với ngày nào tôi bảo rằng “dù vật đổi sao dời, mãi mãi em không bao giờ quên được anh, một người bạn lớn bị tật nguyền về thể xác nhưng trí tuệ tâm hồn thì thật tuyệt vời và nghị lực phi thường hiếm có”. Thế đấy, đời là chốn vô thường mà! “Xám hối” và trăn trở vậy nhưng thật ra “đổ” tại “duyên trời định” có lẽ vẫn thỏa đáng hơn. Làm sao tôi có thể là đứa nói xạo chứ? Mà thực ra trong cả quá trình thân thiết với anh Thư, tôi có lừa dối anh bao giờ đâu? Tôi không “khoe” hạnh phúc của tôi và Minh Quang, nhưng tôi đã nhiều lần buộc phải nói vắn gọn nhưng rõ ràng là chúng tôi yêu nhau lắm để không thể có bất cứ sự hiểu lầm nào cơ mà? Hay là tại vì tính tôi, bất luận sai hay đúng, tôi quen Minh Quang luôn phải làm lành trước với tôi mỗi khi có những xung đột trong cuộc sống vợ chồng, mà Minh Quang thì lành hiền tính tình vui vẻ không “chấp” tôi nên anh Hoàng Thư phải chịu hậu quả về cái tính xấu cố hữu của tôi ư?                 
              Trở về thực tại, dòng thư với nét chữ quen thuộc của anh Thư lại nhảy múa trước mắt tôi. Chúng gọi ngày xưa trở về. Tôi tự thầm oán trách mình mà chỉ im lặng không một lời giải thích. Tôi chỉ sửa lỗi bằng cách đến thăm anh ngay. Chúng tôi coi như không có chuyện gì căng thẳng, lại vui vẻ tự nhiên trò chuyện. Nhưng giờ đây tôi không còn là cô gái lẻn trốn mẹ trốn người yêu để đến với anh trong ít phút vội vàng nữa. Tôi là phụ nữ có chồng có tận ba đứa con. Tôi có thể tranh thủ thời gian thăm anh mỗi tuần mỗi tháng, nhưng tôi phải dắt con đến, hoặc phải cố rủ một cô bạn gái thân thiết hiểu tôi, hiểu về tình bạn giữa chúng tôi đi cùng. Nghĩa là tự tôi không chấp nhận tôi đến thăm anh mà chỉ có một mình. Tôi sợ anh có phút giây nào yếu đuối, tôi sợ cái cứng rắn lạnh lùng vốn không phải là bản chất của tôi vô tình làm tổn thương anh. Tôi sợ đủ thứ. Nhưng thực ra, anh Thư vui lắm và đơn giản hơn tôi tưởng. Anh đã khác hẳn ngày xưa rồi. Anh đã làm Trưởng phòng của một cơ quan nghiên cứu kinh tế, anh đã gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi không có ý định ca ngợi rằng anh vào Đảng tức là anh tốt hơn ngày xưa, anh làm công tác quản lý nghĩa là anh “oai” hơn giỏi hơn ngày xưa. Điều làm cho tôi vui là tôi hiểu anh đã hòa mình vào cuộc sống, đã thực sự là người bạn giữa đông đảo bạn bè đồng nghiệp, là người cán bộ mẫn cán không chỉ thầm lặng làm việc một mình mà bên anh đã có “đồng đội” – những con người mộc mạc chân thật của cuộc đời vốn dĩ cái thiện vẫn là gốc mà chẳng có cớ gì anh lại lánh xa họ mãi. Và từ trong sâu thẳm, tôi rất vui thoáng một chút tự hào khi nhớ lại lời anh năm nào “ảnh hưởng của Thư đã đần dần thay đổi cả nếp sống của anh rồi đó”.
             Giống với ngày xưa, anh luôn mong được gặp tôi trò chuyện, nhưng khác ngày xưa anh không còn gửi tôi những dòng thư yêu thương nồng nàn mà ủy mị buồn nản nữa. Mỗi lần tôi đến, anh vừa hỏi chuyện, vừa liên tay rót nước trà mạn đặc ép tôi uống rồi liên miên chuyển chủ đề khiến tôi không thể nào đứng lên cáo từ ra về. Khổ thân tôi, tôi có biết uống trà đâu nhưng nể anh nên phải uống. Có lần, tôi đang nhịn đói (nhà hết gạo chưa mua được chỉ còn lưng bơ nấu cháo cầm hơi nhường mấy bà cháu), mà uống trà nhiều quá, nên tôi lăn ra chóng mặt gục đầu xuống bàn. May vì có bạn gái đi cùng nên tôi đã nhờ cô ấy mà “thoát thân” đưa về nhà trong nỗi thương anh thương mình thật khó tả.
              Khổ quá, đói nghèo quá cũng có lúc sung sướng. Năm 1985 khi tôi lần đầu tiên được sang Bangkok học ngắn ngày, tôi choáng  ngợp trước những tòa nhà hiện đại cao ngất trời, những đường phố rộng ken chặt hàng trăm hàng ngàn chiếc xe bóng lộn đi trật tự trên đường phố mà không thấy bóng một cảnh sát nào, những cửa hiệu, siêu thị tràn ngập hàng hóa đủ sắc màu chủng lọai với các luồng thang máy cuốn dòng người tấp nập… Một lần, tình cờ tôi đi ngang qua quầy xà phòng thơm, bỗng tôi ngậm ngùi nhớ về Hà Nội một thời bom đạn, một thời bao cấp tôi cùng Minh Quang đi mua tích trữ một đống xà phòng giặt Liên Xô để vào gậm giường để phòng ngừa lúc thiếu thốn, tôi nhớ cái mùi hôi hôi nồng nồng của chúng tôi trên chiếc giường ngủ tồi tàn bốn chân gẫy một Minh Quang phải tự đóng thay chân khác, tôi thoáng có ý định mua một loạt bánh xà phòng thơm đủ loại này về cả  nhà dùng cho bõ tức, song nghĩ đến túi tiền của mình, đến cuộc sống còn quá khốn khó của gia đình mình, tôi bấm bụng “nhịn”, và chỉ mua đúng một bánh xà phòng Camay đen mà thôi. Mà bánh xà phòng thơm duy nhất ấy lại là dành cho anh Hoàng Thư chứ không phải cho bố, mẹ, chồng, con, anh chị em hay bạn bè nào khác. Tôi còn nhớ như in, bánh xà phòng ấy thơm đến mức tôi cầm nó một tí rồi cất vào va ly, vậy mà mùi thơm còn mãi trên tay, tôi không dám rửa tay hàng bao nhiêu giờ sau đó mà ngửi lại vẫn sực nức. Tôi tưởng tượng ngay ra khi tôi trao nó cho anh Thư, không biết anh có thích không chứ tôi thì quá xúc động là cầm chắc rồi! Thế đấy tình cảm và sự quan tâm của tôi tới anh chỉ nho nhỏ vậy thôi, nhưng xuất phát từ tấm lòng của tôi với anh, và dĩ nhiên tôi chẳng thể kể với anh chi tiết về nó.      
            Mặc dù rất bận việc nhà việc cơ quan, nhưng tôi luôn tranh thủ thời gian để thăm anh Thư thật nhiều. Anh không còn ở cơ quan tôi nữa. Anh đã chuyển công tác đi nơi khác lâu rồi, nên ngoài việc tới nhà riêng, thi thoảng tôi sang cơ quan anh chuyện phiếm mà anh rất lấy làm thú vị. Có việc gì khó khăn, tôi cũng hỏi anh và nhận được khuyên bảo thật chân tình.
           Thế rồi, bẵng một thời gian, tôi bận đi công tác địa phương, và bấn bíu với con cái học hành, tôi không liên lạc với anh. Tôi cũng chủ quan là sức khỏe anh khá tốt, tinh thần anh thì thoải mái, công việc của anh cũng bận rộn. Nào ngờ tới một hôm, tôi nhận được hung tin là anh ốm nặng đang điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị. Thực ra anh bệnh đã lâu lâu rồi, nhưng đến khi nặng quá, anh mới nhờ mấy cô nhân viên liên lạc báo tin. Nghe người ta kể, anh bị đau tim rất nặng đã đến giai đoạn cuối khó qua khỏi, anh phải chữa bệnh tốn kém lắm, mà kinh tế của anh thì eo hẹp, anh không có tiền để bồi dưỡng sức khỏe. Tôi nghe mà rụng rời tay chân. Tôi tự trách mình thân với anh mà chẳng mấy khi quan tâm đến bạn. Trong khi tôi chóng mặt, đau đầu, tôi hơi xổ mũi ho hung hắng là anh đã biết ngay. Còn tôi, tôi chỉ biết rằng anh bị tật bẩm sinh nên sức yếu, anh nói nhỏ và hay phải thở hổn hển, anh hay bị tức ngực nhất là khi thay đổi thời tiết, chứ tôi hoàn toàn không biết gì về bệnh tim của anh cả.
           Ngay tối hôm nhận được tin, ở chỗ làm về, tôi hớt hải đến thẳng bệnh viện tìm thăm anh. Trên giường bệnh, anh Thư nằm tựa vào gối cao, khó thở, nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Anh không gầy đi, vì vốn cũng đã gầy rồi, nhưng da xanh xao lắm. Có vẻ như vì nhờ bạn báo tin, nên anh không mấy ngạc nhiên khi tôi tới thăm, tuy nhiên nét mặt anh rạng rỡ dần lên. Anh tự ngồi dạy dựa lưng vào tường nói chuyện với tôi. Tôi trách nhẹ anh không báo cho tôi biết sớm, anh mỉm cười thật hiền rằng anh biết tôi rất bận và vất vả với con cái, và anh cũng không ngờ được kết cục bệnh lại nặng đến vậy. Anh mệt mà còn nhớ hỏi tôi dạo này làm việc thế nào có gì mới mẻ thú vị, hỏi thăm con gái tôi đã đi học ở Nga chưa, chồng tôi có hay được về với vợ con không … 
            Tôi cắt cam ra vắt cho anh uống, tôi xúc từng thìa một, anh chăm chú uống từng ngụm khá ngon lành. Anh luôn lo lắng giục tôi về nhà kẻo muộn. Tôi gạt đi vừa động viên anh chịu khó ăn, uống mỗi thứ một tí cho lại sức, chứ tiêm và uống thuốc tây nhiều là hại người lắm, mà anh thì đang yếu nữa. Anh cảm ơn tôi với ánh nhìn chân thành mà không hề yếu đuối, mệt mỏi. Chúng tôi lại chuyện trò với nhau như biết bao lần từng là như thế nhưng hôm nay thì là lần đầu tiên tôi chăm anh trên giường bệnh. Tôi vừa bón nước cam vừa dỗ anh:
- Anh uống nốt đi nào, có nhạt không để em pha thêm đường?
- Ngọt rồi em ạ.
- Buổi tối này anh đã uống thuốc chưa anh?
- Tôi mới uống trước khi em vào đấy.
- (sót xa): Nào anh gắng nhé, còn có một thìa thôi. À, hay là em về báo với nhà rồi em vào đây với anh đêm nay nhé. Có sao không anhThư?
- Thôi đừng. Em còn bao nhiêu việc ở nhà, mai lại đi làm sớm. Các anh chị của tôi lát nữa đến sẽ ở lại đây chăm tôi mà. Em đừng lo. Bây giờ cũng muộn rồi thì phải. Em về đi kẻo ở nhà mong đấy.
-   (tần ngần): Vâng ạ. Mai đi làm em sẽ ghé qua đây sớm. Anh cố ngủ một lát đi cho đỡ mệt ạ.
-   Em về nhé. Cảm ơn em lắm.
Tôi ghé vào tai anh nói nhỏ: “Sao anh lại xưng “tôi” với em? Mai em trở lại thăm anh, em “cấm” anh xưng hô thế đấy nhé” rồi vụt chạy ra ngoài…
              Sớm hôm sau, mới 5 giờ sáng, tôi đã vào bệnh viện để có nhiều thời gian rồi từ đó đi làm ngay. Tôi xăm xăm tới phòng anh, nhưng chẳng thấy anh đâu. Tôi vội tìm bác sĩ trực hỏi đầy lo lắng: “Thưa bác sĩ, làm ơn cho tôi hỏi thăm, bệnh nhân Hoàng Thư nằm phòng 303 tối qua, chuyển đi đâu rồi ạ?”.
-      Anh Hoàng Thư hôn mê sâu từ nửa đêm, chúng tôi cho chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu rồi.
-      Dạ thưa…phòng ấy ở đâu bác sĩ chỉ giùm cho.
-      Chị đi thẳng đường này rồi rẽ trái, nhà D tầng 1 phòng 420.
           Tôi cảm ơn người đàn ông rồi lao tới phòng Hồi sức cấp cứu. Trong phòng, anh Thư nằm gần như bất động, máy móc dây rợ đầy xung quanh. Chị Cảnh Hoàng chị dâu của anh đang ở đó. Chị em tôi có quen nhau vì cùng làm trong cơ quan. Tôi lo lắng:”Em chào chị ạ. Tối qua em thăm anh Thư tới chừng hơn 10 giờ, sớm nay quay lại thì bác sĩ bảo anh mới chuyển sang đây…Tình hình anh Thư thế nào chị?”
-      Kim Thư phải không? Thư mới chuyển đêm qua em ạ, bất tỉnh  luôn, chẳng biết gì. Em ở đâu, có gần đây không mà sao đến được sớm thế?
-      Dạ, em ở gần, vùng chợ Giời ạ. Em đi làm ghé qua đây trước…
-         Tối qua, Thư còn bình thường mà. Khi em mới về khoảng nửa tiếng thì vợ chồng chị vào. Thế mà bệnh xoay chuyển nhanh quá, chừng nửa đêm nó khó thở hôn mê em ạ. Khi chị mới vào nó gửi chị đưa em lá thư này đây.
              Tôi run run xé mép phong bì, mấy tờ pơ luya ghi những dòng nhật kí của anh với nét chữ quen thuộc: Tri! Chết bây gi k cũng bun. Nhưng thôi, chết phi chăng là li thoát tuyệt vời nhất cho bao cái bế tắc hôm nay…Kim Thư ơi! Không hiểu sao mấy ngày nay anh hay nhắc đến cái chết, liệu có phải điềm gở không em? Anh kiệt sức thật rồi…Mà lúc nãy em tới đây thăm, anh không dám nói gì với em…
Anh sẽ không bao giờ quên tên em, vì chẳng bao giờ anh quên được tên anh, hỡi người bạn cùng tên vô cùng mến thương của anh.
Nhưng có một điều chắc chắn là ý nghĩ cuối cùng của anh trước khi chết sẽ hướng về em. Anh sẽ dành tiếng nói cuối cùng để gọi tên em và người ta cũng chẳng cười anh được vì họ tưởng rằng anh tự gọi tên mình thôi”…
          Mắt tôi nhòe đi… Tôi gắng gượng trở lại bình thường nói với chị: “Vâng, tối qua lúc em tới, anh Thư còn nói chuyện vui vẻ lắm và uống hết cốc nước cam. Thật không ngờ anh mệt nặng nhanh thế”. Chị Cảnh Hoàng buồn rầu kể: “Đêm qua, trước lúc hôn mê, chị thấy nó cứ gọi gì Thư…Thư, và ràn rụa nước mắt. Chị không hiểu, chị hỏi “Thư cần gì hả em” mà nó im lặng em ạ…” Tôi sụt sịt: “Tội nghiệp anh Thư quá. Chị ơi, cho em ra hỏi chuyện xem anh ấy có tỉnh không chị nhé”. Chị Cảnh Hoàng gật đầu: “Ừ em cứ hỏi Thư đi”.
Tôi tới bên giường bệnh, sờ trán anh, khẽ lay gọi: “Anh Thư ơi! Em đây…Kim Thư đây…” 
Anh Hoàng Thư mở mắt nhìn… Tôi thì thào:”Anh có mệt lắm không ạ?” Anh chỉ im lặng…Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc của anh: “Anh có nhận ra em không ạ?” Anh khẽ gật đầu. Vậy là anh tỉnh rồi. Tôi nhẹ nhàng: “Anh có dễ thở không anh? Có hả? Vậy anh ngủ đi một lát. Em xoa lên trán anh nhé và hát cho anh nghe này… Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thơm nâu…”    
           Suốt trong khoảng một tuần sau đó, ngày nào tôi cũng đến thăm anh và ở lại rất lâu trong bệnh viện cùng anh chị của anh để chăm sóc anh. Phần lớn thời gian anh ở tình trạng hôn mê sâu, rất sâu. Đôi lúc anh mới tỉnh, anh chăm chú nhìn tôi và những giọt nước mắt rơi đã thay điều anh muốn nói. 
            Và anh cứ yếu dần yếu dần, anh đã ra đi vì một cơn đau tim đột quị.
            Hôm sau nữa tang lễ anh cử hành tại bệnh viện. Tôi nói với chồng: “Anh Minh Quang ơi, anh Hoàng Thư mất rồi. Em phải qua bệnh viện dự tang lễ bây giờ…Anh ở nhà nhắc các con ăn sáng đi học và đừng chờ em nhé”. Chồng tôi vẻ ái ngại: “Ừ, em đi. Nhớ thắp giùm anh một nén nhang cho anh ấy”. Tôi phải cố kìm nén không thì tôi đã ôm chầm lấy Minh Quang mà khóc rồi. Từ bao nhiêu năm nay kể cả từ những ngày đầu mới thân với anh Hoàng Thư, tôi đều kể cho Minh Quang mà, tôi không dấu diếm quan hệ thân tình ấy. Chỉ có điều, không bao giờ Minh Quang có thể đọc được những bức thư anh Thư gửi cho tôi. Và Minh Quang cũng không biết việc anh Thư trả lại thiếp cưới cũng như chi tiết về việc tôi “trốn” mẹ và Minh Quang để đi thăm anh ấy ngày nào, lại càng không thể biết giấc mơ tôi cưới Hoàng Thư. Còn sau này, tôi thường dắt các con lên thăm bác Thư thì hầu như lần nào tôi cũng nói với Minh Quang, chỉ trừ khi Minh Quang vắng nhà thôi. Mọi chuyện đã qua rồi, người bạn lớn của tôi đã vĩnh viễn ra đi để tôi khỏi phải lẩn tránh những  niềm thương nỗi nhớ thẳm sâu trong những lúc chúng tôi còn “duyên” mà đến với nhau nữa…      
               Dự đám tang có đông đủ gia đình, lãnh đạo, bạn bè đồng nghiệp của anh. Tôi đã không kìm nén được, òa khóc nức nở một cách lạ lùng và bất thường. Tôi đã khóc suốt, mà khóc to nữa hầu như át mọi tiếng khóc. Tôi không biết niệm A di đà Phật như bây giờ để cầu cho anh vãng sanh về nơi cực lạc. Trong phút chốc gần như mê muội, tôi thầm hỏi các đấng siêu nhân nào không rõ, sao không đưa tôi về một giấc mơ, tái lại cảnh đám cưới tôi lấy Hoàng Thư, rồi tiếp đến cảnh đám tang anh như thế này, để tôi để tang anh như vợ để tang chồng? và lúc đó, bao nhiêu vòng hoa trắng muốt sẽ biến thành những vòng hoa với đủ sắc mầu của cuộc đời trao tặng gửi gấm tiễn đưa anh. Tôi không kịp nghĩ nói lời xin lỗi với chồng tôi, tôi cũng chẳng kịp hình dung Minh Quang có đủ độ lượng để chấp nhận những ý nghĩ bất thường mà thực ra là rất dung dị này của người vợ đã đang và mãi mãi chung thủy với Minh Quang hay không. Còn cái đám đông, rất đông khách dự tang lễ ấy, hình như ai cũng nhìn tôi bằng con mắt ái ngại nhưng vô cùng kinh ngạc, bởi lẽ họ chứng kiến quá bất ngờ nỗi đau đớn của tôi khi tiễn đưa anh Hoàng Thư về cõi vĩnh hằng, họ không thể hình dung tôi là ai, thân với anh Thư từ bao giờ, thân đến mức nào, và vì sao tiếng khóc tiếc thương anh Thư của tôi lại thê thảm đến nhường ấy…
             Tôi tiễn anh, và ngay sau đó tôi được biệt phái vào Đà Nẵng gần một năm. Âu cũng là trời sắp đặt như vậy, chứ nếu tôi đi xa trước đó chỉ ít ngày thì tôi không thể ở bên anh trong những giờ phút cuối cùng. Tôi sẽ chỉ còn biết ngậm ngùi mỗi khi đến viếng thăm mộ anh, ở giữa cánh đồng hoa Nhật Tân, và thì thầm : “Em chào anh ạ. Anh chắc còn nhớ em chứ anh Thư? Em mong anh hãy trở về nói chuyện với em nữa đi anh! Em xin phép dẫm lên chỗ này, để làm cỏ và lau dọn anh nhé! Anh Thư ơi! Lâu nay em vẫn sống, gắng sống bình thường và tự tạo cho mình hạnh phúc. Em vẫn nhớ đến anh, nhớ những ngày xưa, nhớ mãi. Cầu mong nơi thế giới bên kia, anh được khỏe mạnh, an lành, được thỏa sức say mê những ước mơ và thực hiện mơ ước của mình nhé anh!…”
                Tôi ra về, và trong gió lay động những cánh hoa đủ màu khoe sắc thắm, tôi vẫn như nghe vẳng đâu đây tiếng gọi của anh Thư:” Kim Thư ơi! anh muốn gọi em ngàn lần, người bạn cùng tên mà anh mến thương…”, nghe để cảm nhận đến tận cùng trong cái vô biên thinh lặng tình người…

Hà Nội 29 tháng 12 năm 2014

Hồ Minh Quang  

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Chuyện ghi chép ở bệnh viện


Xe đẩy bệnh nhân mới vào phòng, giường số 30. Một người đàn ông hơi thấp, mặc áo vét đen đẩy xe, cùng với nhân viên đỡ bệnh nhân nằm xuống giường. Bà kêu ré lên é é é. Tất cả vội vã đi ra ngoài. Bệnh nhân tự nhỏm dậy, ngồi nhìn ngơ ngác, đoạn nhổ đánh toẹt một bãi nước bọt trên sàn nhà đang sạch bóng loáng. Đó là người đàn bà chừng  60 tuổi, da dẻ hồng hào, khuôn mặt nhỏ nhắn. Bàn tay phải bị co nắm lại, chân phải hình như cũng cứng ngắc.
Tôi nằm ở giường cách khá xa, hỏi vọng “Bác đau bệnh gì ạ?”
Bà đáp:
-         Rồi, rồi, hờ hờ….
Tôi kiên nhẫn hỏi tiếp:
- Thế con bác đâu? Không có ai ở trong này với bác à?
Bà chỉ tay ra phía cửa và gật gật đầu “rồi rồi”….
Tôi và Thu, bệnh nhân nằm giường bên cạnh nhìn nhau ngán ngẩm. Tôi lắng nghe Thu thì thào:
-         Sáng nay em thấy nói có ca ung thư xương cứ kêu lên é é khi có ai đụng tới người, các bác sĩ bảo cho về thôi không chữa được… Hay chính là ca này? Chắc bà ấy xin ở lại và được chuyển sang phòng mình đây.
Tôi thở dài nói khẽ:
-         Vâng phòng mình xơi “quả độc” rồi. Mình kinh nhất cái đoạn bà ấy nhổ lung tung xuống sàn, vừa rồi lại nhổ tiếp nửa trên giường nửa dưới đất đấy. Không biết chồng và con cháu đi đâu hết nhỉ chả thấy ai.
Thu hơi đăm chiêu:
-         Ông lúc nãy đẩy xe vào, chắc chỉ là người chuyển giúp, ông ấy đi mất tiêu rồi…
Thật khổ. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh bệnh nhân bị bỏ rơi. Khi có việc cần các bác sĩ y tá hỏi đến chẳng có người nhà nào chăm sóc cả. Rồi bệnh nhân cùng phòng thương tình giúp được gì thì giúp thôi.
Người đàn bà vẫn ngồi, mái tóc uốn dở cắt ngang quá gáy rối bù. Bà mặc chiếc quần lửng chỉ dài quá đầu gối một tỵ, để lộ ra cặp đùi trắng trẻo có da có thịt, tươi trẻ hơn rất nhiều so với vẻ già nua bên ngoài. Chúng tôi chán chả hỏi chuyện gì nữa. Bỗng người đàn ông mặc áo vét đen quay lại. Bà bệnh nhân mới tên là Vân vui vẻ hẳn lên và cười “hờ hờ”… Ông xách theo mấy củ khoai lang luộc, ngồi xuống ghế vươn về phía sau khoan khoái, rồi thong thả bóc từng củ đưa cho bà ăn, vừa chủ động chuyện trò với cả phòng:”Các bác ạ, tôi năm nay 75 tuổi rồi, tôi vẫn còn đi dạy thêm để nuôi vợ tôi đây, và một thằng con trai 22 tuổi nữa. Vợ tôi bị tai biến mạch máu não đã 7 năm nay. Nghe gì bà ấy cũng hiểu hết nhưng không nói được…” Nói đoạn, ông âu yếm nhìn vợ:”Sao, em ăn thấy có ngon không? Khoai mới luộc còn nóng hổi đấy!” Bà Vân gật gật đầu, “rồi rồi”, “hờ hờ hờ hờ”… Cả phòng ai cũng ái ngại thương ông chồng quá, mỗi người một câu, khiến người đàn ông dường như vừa ngường ngượng vừa phấn khích thật khó tả.Ông tự giới thiệu tiếp, ông chính là nghệ sĩ ưu tú tên tuổi không thật nổi trội nhưng đã để lại những ca khúc bất hủ trong lòng thính giả một thời. Ông về hưu chục năm nay, bây giờ nhiều nơi vẫn mời ông dạy thanh nhạc, dạy hát, cả tân nhạc, cả hát sẩm, thôi thì đủ thứ. Vì bận chăm vợ con nên một tuần ông chỉ dạy mấy buổi thôi, vừa có thêm thu nhập vừa tìm được niềm vui từ các cháu các em đang say sưa luyện giọng luyện nghệ thuật biểu diễn trên các sân khấu rực rỡ ánh đèn. Tôi chăm chú nghe ông kể chuyện vừa dán mắt vào người đàn bà tay vung vẩy vụng về , miệng nhai miếng khoai vẻ mãn nguyện, và luôn nhìn chồng với vẻ trìu mến.  
Bất giác, tôi trở về với sự cố bất thường của mình mấy tuần trước đây. Sáng hôm ấy, tôi đã uống thuốc huyết áp rồi mới đến lớp bồi dưỡng viết văn, vậy mà giữa đường đi ăn cơm trưa với anh Vũ Lan, tự nhiên thấy toát mồ hôi trong khi trời trở gió lạnh. Nửa người bên trái tôi gần như tê liệt, rồi chợt rung lên bần bật, mắt trái như xụp xuống, khớp vai và tay bên trái cứng đờ và đau kinh khủng. Tôi cố ăn cho hết đĩa cơm rồi anh Vũ Lan chở đến nhà người bạn cũ của tôi  gần đó theo hẹn thăm từ trước. Lúc đó tôi chẳng nghĩ mình bị tăng huyết áp, chỉ nghĩ chắc phải gió nên khó chịu thôi. Vào đến cửa, tôi chỉ kịp nói với anh bạn:”Anh Vinh ơi, em mệt lắm anh ạ”. Chủ nhà niềm nở đón chúng tôi vào và lo lắng:”Em mệt sao, hai người ăn cơm trưa cùng vợ chồng mình nhé?” Tôi thều thào nhát gừng “em cùng đi với anh Vũ Lan đây,anh ấy ở gần nhà em,cùng đi học lớp viết văn, hai anh em ăn cơm hàng rồi bây giờ ghé thăm anh chị. Lúc nãy em đã gọi điện hẹn anh đấy … nhưng thôi anh đừng hỏi em nữa, em mệt lắm”. “Hay là em có bị huyết áp không, để anh bảo vợ anh đo cho em nhé, nhà có máy mà”. Tôi ngần ngừ:”Dạ thôi, sáng nay em uống thuốc rồi ạ, em nhờ chị sau, bây giờ em ngồi yên cho trấn tĩnh lại đã”. Thế rồi, tôi uống chén nước nóng nhâm nhi mấy cái kẹo chủ nhà mời, để mặc hai anh chuyện trò với nhau. Một lát sau, tôi mới vào phía trong, chị Hải – vợ anh Vinh đang dọn cơm. Tôi nhờ chị đo huyết áp, 210/112. Chị Hải kinh ngạc yêu cầu đo lại. Tôi cũng hoảng nhưng biết chắc đó là sự thực rồi. Lần thứ hai, dù tôi đã gắng thở sâu và bình thản, nhưng vô ích, con số 210/115 hiện lên trêu tức. Hai vợ chồng hò nhau cấp tập lấy thuốc hạ huyết áp cho tôi uống. Người tôi như bốc lửa bên trong mà bên ngoài ai cũng thấy là tái dại. Tôi thoáng nghĩ đi cấp cứu vào bệnh viện, nhưng rồi nhớ lần năm xưa cũng thế này, đang đêm vào Bệnh viện Hữu Nghị uống tới 5 loại thuốc ngủ mà mắt cứ trân trân nhìn trần nhà, bong bong báo hiệu huyết áp cứ căng lên tròn mọng không chịu xẹp tí nào mặc cho đủ loại thuốc hạ cấp hạ mãn đã tuồn vào miệng…Cái cảm giác đến gần cái chết cứ gặm nhấm trong nỗi hoảng sợ không thể nào chế ngự ấy đã không cho phép tôi chịu đựng lặp lại một lần nữa. Tôi thầm nghĩ, thì cứ về lớp học bình thường đi, hạ huyết áp được thì tốt không thì … cho “đứt” luôn, tôi đã có Minh Quang đón ở thế giới bên kia cơ mà!Ôi, giá như cái buổi chiều liều mạng hôm ấy để lại hậu quả cho tôi về tai biến như người đàn bà này nhỉ, bây giờ tôi lại đang nằm liệt hay đang ngồi chồm hổm để chờ miếng ăn mà “rồi rồi hờ hờ” như thế thì thật là….Nhưng tôi đâu có diễm phúc được như bà ấy. Liệu sẽ có người đàn ông nào dù chỉ một lần bón cháo bóc khoai cho tôi không ? (ngoại trừ con cái trong nhà thì không kể rồi). May chăng anh Vũ Lan có thể làm được điều ấy. Anh luôn như một người anh rất xót thương tôi lúc ốm đau. Nhưng chắc tôi không dám nhận cái điều tự mình tưởng tượng ra ấy đâu. Bất giác tôi rùng mình nhận ra tôi đang là tôi nằm đây, trong căn phòng sạch sẽ ấm cúng của bệnh viện, tôi  đang đau liên miên nhưng tôi chưa bị tai biến, tôi chưa cần ai phải chăm sóc gì đặc biệt cả. Chẳng nhận ra mọi người đang trò chuyện với người đàn ông đến đoạn nào, tôi đột nhiên hỏi:”Thưa bác, thế con trai hai bác đâu rồi? bác bảo có con trai 22 tuổi mà”. Người đàn ông đáp lại thật buồn:” Vâng chúng tôi có con trai. Nhưng thằng bé lại bị tâm thần, may mà nó cứ uống thuốc rồi ngủ suốt ngày chẳng phá phách gì”Ôi trời! tôi không kìm được thốt lên:”Sao bác lại vất vả đến vậy? Thế hai bác chỉ có một con thôi sao?” Ông chậm rãi:” Không thực ra tôi có 4 con hai trai hai gái nữa cơ, chúng đã trưởng thành hết rồi và ăn nên làm ra, nhưng đó là con của người vợ đầu. Còn với cô này, tôi chỉ có một thằng bé ấy. Vợ đầu của tôi tuyệt  lắm, “công dung ngôn hạnh” đủ điều. Chúng tôi đã sống hạnh phúc với nhau 25 năm trời rồi cô ấy bị ung thư đại tràng chữa trị cầm cự một năm thì mất. Lúc đầu tôi tưởng như không thể đứng vững được nữa, nhưng sau rồi tôi gặp cô Vân. Cô ấy là họa sĩ cơ đấy. Cô Vân chưa có gia đình, tôi thì đã 4 con và lớn hơn cô ấy 15 tuổi. Tôi cũng băn khoăn lắm khi quyết định tái giá, nhưng quả thực Vân rất nhiệt tình yêu tôi, và cũng chắc tại duyên phận nữa, chúng tôi lấy nhau. Tôi từ chối nhiều đám khác giầu có trẻ đẹp vì họ có con riêng, tôi sợ sẽ phức tạp. Lấy cô Vân thì đơn giản hơn. Có điều cả nhà tôi, chẳng ai ưng cô ấy cả. Bọn con tôi rất ghét cô ấy, nên giờ cô ấy ốm đau, chỉ mình tôi cố gắng chăm, chứ tôi  chẳng báo cho chúng biết. Đấy là với cô Vân thôi, chứ tôi mà ốm thì các con tôi quây quần chăm sóc chu đáo lắm. Tôi vẫn thường đoàn tụ ở nhà chúng vui vầy với các con và cháu nội cháu ngoại đủ đầy mà”…Trong lúc chồng kể chuyện, bà Vân vẫn ngồi chăm chú nghe, thi thoảng “rồi rồi” chứ không cười "hơ hơ" gì nữa.
Chúng tôi lặng đi khi nghe tâm tình của người đàn ông xa lạ mà bỗng nhiên như thân quen từ bao giờ. Tôi thầm trách bốn đứa con (dâu rể là thành tám) đã thiếu độ lượng và cảm thông thương sót bố. Ký ức lại vụt hiện về. Tôi và MQ cũng sống với nhau 22 năm và nếu kể 3 năm yêu nhau thì cũng là 25 năm. MQ cũng ra đi trong khi chúng tôi đang có một gia đình hạnh phúc. Tôi đã đau đớn nhưng không nghiêng ngả. Tôi từ chối mọi tình yêu đơn phương của bao người đàn ông đến với tôi để dồn tâm tư tình cảm chăm sóc cho những đứa con và anh linh người chồng thân yêu bạc mệnh. Và như thế tôi cảm thấy yên ổn. Thành ra dù  không may tôi bị bệnh hiểm nghèo đến thế nào, chắc chắn tôi không phải nhận ở những đứa con sự ghẻ lạnh, quay lưng và suy diễn lung tung nào cả. Nghĩ lan man vậy, nhưng tôi hiểu mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Không thể bắt người nghệ sĩ ưu tú kia phải ở vậy suốt trong phần đời còn lại khi ông mới ở tuổi 50 sung sức. Nhưng mà … thật tội nghiệp, cái “tập 2” của ông quá nặng nề và bất hạnh. Đấy là tôi cứ nghĩ thế, chứ hầu như ở người đàn ông đó, chưa bao giờ có một phút giây thể hiện mệt mỏi. Ông luôn ôn tồn dỗ dành vợ từng ly từng tý. Vợ ăn xong mấy miếng khoai luộc, ông lại săm sắn mua về cặp lồng cơm, bón cho vợ từng miếng một, có lúc bà nhè ra đĩa không ăn nữa, ông thản nhiên ăn nốt phần còn lại khiến chúng tôi rùng mình rồi ai nấy đều thấy cay cay con mắt. Ông ăn ngon lành, một loáng là xong. Rồi ông tươi cười dìu vợ vào toilet để bà đi tiểu. Bà Vân có thể đứng và bước được bằng  chân trái, còn chân phải yếu chỉ lê theo. Ông sốc một bên nách bà, một tay đỡ ngang hông. Thi thoảng hình như bị đau, bà kêu ầm lên “giời ơi giời ơi”. Ông chỉ một mực nhẹ nhàng, “cố gắng một tý nào, có anh dắt rồi đừng sợ”… Đợi vợ đi tiểu xong, ông lại tiếp tục làm nốt phận sự đưa vợ trở lại giường, rồi dặn vợ, “anh đi rửa bát đĩa nhé, rồi anh cho em uống thuốc”… Bà Vân cười cười “hờ hờ” rồi rồi nhìn theo ông chồng lật đật tới chỗ bồn nước rửa. Xong việc, ông đỡ nhẹ bà nằm xuống giường, xong ra ngồi tựa vào chiếc ghế dành cho khách, ngửa cổ ra phía sau. Thoáng một cái ông đã ngáy khò khò ngon lành. Ông già 75 tuổi mà dễ ăn dễ ngủ thế đấy. Nhìn ông với dáng đi bệ vệ, thong thả, tự tin, nét mặt hiền lành chân chất không có chút gì kênh kiệu amator của giới nghệ sỹ, chẳng ai hình dung được ông đã và đang trải qua những ngày khốn khó đến thế. Thật ra, sự khốn khó không nằm ở chỗ tiền bạc. Lương hưu hai vợ chồng chừng 10 triệu, ông dạy them hàng tháng trung bình 6 triệu nữa. Tổng cộng 16 triệu với ba nhân khẩu là có thể sống ung dung trong ngôi nhà gác bốn tầng bảy phòng cách trung tâm thành phố chừng  15 km kia rồi. Nhưng cái khốn khó là ở chỗ, ông cứ phi xe máy vù vù mỗi buổi dạy cả đi lẫn về 30 km giữa những đám đông ùn tắc giao thong để đến lớp và để trở về với bà vợ yêu quí suốt ngày chỉ “rồi rồi, giời ơi, hờ hờ”, và chỉ mặc mỗi áo mà không mặc cả quần lót lẫn quần dài để đi vệ sinh cho "đại tiện", tự vịn tay lê la ra toilet, tự xúc cơm bằng một bên tay chưa liệt... Là ông kể như thế, rằng chỉ khi vào bệnh viện thế này, lạ nước lạ cái, ông mới phải dìu bà ra toilet và bà mới kêu tướng lên thôi, chứ ở nhà bà cũng phải tự vận động nhất là lúc ông đi vắng. Vậy đó, thời gian thấm thoắt đã 7 năm từ cái ngày bà lên gác ba phơi quần áo, rồi khi xuống lỡ hụt chân ngã, cái căn bệnh huyết áp đã quật bà không thương tiếc, để rồi ông phải lăn lộn lắm chữa chạy lắm mới được như ngày hôm nay. Cái khốn khó là ở chỗ, cậu con trai quí tử được bố mẹ nuông chiều từ bé, thích chơi hơn thích học, được gia sư đến tận nhà kèm cặp nhưng vẫn lơ đãng với một đống các môn văn hóa mà cậu cho là chết tiệt, để rồi khi mẹ cậu bị tai biến, bố cậu đã mua cho cậu một cái máy vi tính. Những tưởng để cậu ngồi yên giải trí không phải lùng sục trò gì ngoài đời nữa, nào ngờ một mình ở nhà cậu học thì ít, chơi game thì nhiều, chơi đến nỗi quên ăn quên ngủ, quên bố nhọc nhằn chăm mẹ ở bệnh viện, quên mẹ ngơ ngơ chỉ trỏ nói lời ngòng ngọng ú ớ. Cho tới một hôm, với căn bệnh ảo tưởng nhiễm tự bao giờ, cậu bám đu người vào lan can đòi nhảy xuống từ tầng tư, khiến cả tổ dân phố hốt hoảng người mang đệm kẻ mang chăn ra chắn đỡ cậu. Kết quả là cậu không tắc tử mà thành dở điên dở dại. Đi chữa bệnh bác sỹ cho uống thuốc tâm thần, cả ngày cứ việc ngủ tới 11 giờ trưa dạy ăn cơm (bố nấu), hoặc khi bố mẹ vào bệnh viện thế này, thì cậu lang thang ra chợ gần nhà mua cái bánh mì hay đĩa cơm bình dân. Nghĩa là cậu còn biết sử dụng đồng tiền bố đưa cho mà tự mua đồ ăn cho mình, ăn xong lại ngủ tiếp.
Càng nghe chuyện càng não lòng. Càng não lòng càng thương ông nghệ sĩ, thương bà họa sĩ thuở nào cầm cây cọ vẽ chân dung ông chồng mà nét phong độ cứ hiển hiện như cái gì rất tự nhiên hồn nhiên trong giọng cười của bà. Ai nói gì bà cũng hiểu, nên tôi thường chuyện trò với bà. Tôi nói vui, bà có ông chồng thật tuyệt vời. Nhưng bà phải cố gắng lên, phải vịn thành giường mà tập đi này, phải làm sao cho chồng bớt cực nhọc một chút, không thì ông ấy đi theo mấy cô bác sĩ tầng dưới kia kìa. Các cô ấy trẻ đẹp lại mê giọng hát của ông nhà bà lắm đó. “Rồi rồi”, bà gật đầu vẻ nghiêm trang rồi lại hờ hờ cười. Tôi đang nói cười tán dóc thì ông chồng về. Ông phụ họa luôn một cách rất duyên:” Đúng rồi đó, nhiều cô thích anh lắm. Em không cẩn thận cứ la hét to cứ cáu kỉnh là anh đi luôn đấy nhé”. Dường như hiểu và quen với kiểu trêu như thế, bà cười to và bảo “rồi rồi”. Nói chuyện với bà, tôi bị lây thói quen, suốt ngày ai dặn gì tôi, hay hỏi gì tôi cũng luôn miệng “rồi rồi”. Tôi bảo mấy chị em bệnh nhân “mọi người thấy chưa, mình giống bà Vân rồi, mình không còn thói quen nói cho có đầu có đuôi nữa ha ha ha….” Đang vui vẻ thế bỗng dưng xảy ra một chuyện bất ngờ. Chả là bữa đó đến giờ ông phải đi dạy, ông nhờ một bà em gái tới trông vợ mình. Bà em tuổi chừng ít hơn bà Vân một chút, tháo vát, nhanh nhẹn, trông khá sắc sảo. Bà em vui chuyện, mau mồm mau miệng kể oang oang với mọi người :”Ôi dào, nói thật với các bác chứ, em thương ông anh em, em mới đến trông thay, chứ cứ như cái bà này ấy à, em là em cạch mặt”. Mọi người nhao nhao hỏi lí do và chờ trả lời. Bà em tiếp một tràng:”Bà này ghê gớm lắm, lấy anh em mà giữ hết tiền không xì đồng nào cho các con chồng. Anh em có làm thêm được tí nào hay có bổng lộc ở đâu thì dấu diếm mang về cho các con. Chị dâu đầu của em tốt lắm và phúc hậu vừa đẹp người đẹp nết chứ không như bà này. Các bác có tưởng tượng được không, bà này còn không bao giờ vào thăm bố mẹ chồng cơ, cứ đứng ngoài đường chờ chồng vào thăm bố mẹ xong, ra đón bà về nhà chị em bên ngoại thế thôi, hỏi ai mà chịu được? Bây giờ thì suốt ngày cứ dạng tè he ngay trên giường  để chồng lau đít cho, cấm có chịu khó tập tành gì”. Bà Vân lắng nghe, mặt đỏ lên vì tức giận, lúc đầu thì chỉ rít khẽ “giời ơi” sau rồi la to dần “giời ơi giời ơi” bàn tay đập đập vào ngực, chỉ chỉ ra phía ngoài ý chừng muốn tống cổ cô em ra rồi bà la hét gầm rú với một âm thanh tưởng như nhà sập đến nơi… Chúng tôi cuống quýt trấn an bà Vân, thôi nào bà quát to thế ồn ào quá bác sĩ vào đây mắng cho bây giờ, còn cô em ơi cô ra ngay bên ngoài đi, khủng khiếp quá khủng khiếp quá… Bà em không phải người vừa nhưng đến nước này thì cũng chịu thua buộc phải chạy ra. Tôi vừa hoảng sợ, vừa thông cảm với bà em tâm sự trải lòng trút giận vừa thấy làm vậy không phải, ai đời người ta bất lực không nói được không giải thích được điều gì mà mình lại nói vỗ mặt như thế.
Vừa lúc ông chồng về. Bà Vân vẫn còn tức bực. Bà tiếp tục đập tay vào ngực, vừa chỉ ra phía cửa như muốn phân bua. Chúng tôi đành tóm tắt sự việc  bằng thong tin ngắn gọn là cô em vừa kể xấu về vợ ông nên vợ ông tức giận. Ông vỗ nhẹ vào vai bà ôn tồn, “thì người ta nói xấu em, nhưng em không xấu, em vẫn là người tốt thì có sao đâu mà! Thôi để anh đi rửa mặt một tí rồi anh xuống mua phở cho em nhé”. Bà Vân chỉ chỉ tay vào chồng. Ông hiểu ý bèn cười, “được rồi, còn anh thì anh sẽ mua cơm về đây ăn. Nếu em ăn phở xong lại thích ăn cơm nữa anh sẽ xúc thêm cho, được chưa. Và nếu phở em ăn không hết, anh sẽ ăn nốt cho hết khỏi phí mà”. Được lời như cởi tấm lòng, bà cười vang “hờ hờ hờ” thật to, khiến chúng tôi lại phải ra hiệu suỵt suỵt khẽ chứ buổi trưa đừng làm ồn.    
Đêm đến, ông phải về nhà với thằng con. Mấy cháu con bà chị ông anh của bà tới trông giùm. Các cháu đều bận đi làm bận con nhỏ nhưng rất tốt rất nhiệt tình chịu khó đỡ đần ông nghệ sĩ, vào bệnh viện từ 9 giờ tối tới 7 giờ sáng hôm sau mới về. Họ cũng chăm chút cho bà Vân, dìu bà đi vệ sinh, nhưng với họ, bà thường la lớn hơn, kêu ca “giời ơi” liên mồm chứ không “ngoan” như với ông chồng. Cũng may là ngoài một đôi lần đi vệ sinh, đêm bà ngủ ngon không quấy đảo gì ai. Các cháu cũng tự kể thêm cho tôi nghe rằng bà Vân ghê gớm lắm, bà bắt nạt chồng trong khi ông thật hiền lành và tốt bụng. Cũng có nhiều lần thuê người giúp việc nhưng bà không chấp nhận ai cả, người lâu nhất là hai tháng, người mau nhất là hai giờ. Trong số họ, có một bà đáo để, ngay từ đầu đã trấn áp bà Vân, bắt vào khuôn vào phép trong sinh hoạt. Lúc đầu bà Vân sợ phải nghe theo bà giúp việc nhưng rồi bà như “tỉnh” lại, bà làm cho mấy trận gào thét đánh lại, cuối cùng người giúp việc phải thua và tháo chạy. Thành ra quanh quẩn chỉ có ông nghệ sĩ phục vụ bà thôi chứ không thuê ai được. Nghe cháu kể thế, tôi hình dung liên tưởng ngay ra cái lúc bà nổi đóa với cô em chồng, nên tin ngay. Tôi kể lại cho mọi người nghe mặc dù kể rất khẽ, nhưng bà vẫn lắng nghe và lờ  mờ hiểu ra hay sao ấy mà bà trợn mắt lên với tôi ngay và lắp bắp “giời ơi”, khiến tôi phải đánh trống lấp, tôi bảo tôi không nói gì bà đâu, tôi kể chuyện nhà hàng xóm của tôi cơ mà, còn bà thì tôi hiểu rồi, lúc nào bà cũng tuyệt vời, được chưa nào? Nghe vậy nét mặt căng thẳng của bà có phần chùng lại rồi cuối cùng bà lẩm bẩm “rồi rồi”…
Thời gian trôi thật là nhanh. Bệnh bà cũng thường. Bà chỉ rối loạn tiêu hóa nhẹ và buồn nôn lúc mới vào viện, sau uống thuốc mấy ngày là ổn. Thế là dù mới được ít ngày, ông nghệ sĩ xin cho bà xuất viện sớm. Tối hôm đó, ông chở con trai đến viện đón mẹ về. Ông bảo thằng bé muốn thế. Ôi chao khỏi phải nói, chúng tôi ai cũng nóng lòng chờ đợi gặp mặt thằng bé. Thì đây, nó đang lừ lừ đi vào phòng theo sau bố. Nghe ông nhắc, nó chào các cô các bác cẩn thận rồi đứng lui vào một góc phòng. Thằng bé trẻ hơn tuổi 22 nhiều. Người cũng thâm thấp như bố nhưng không béo bằng bố. Da cậu trắng bóc, mịn màng còn hơn da con gái chỉ tội xanh xanh yêu yếu. Đôi mắt mở to, đen láy và đẹp một cách hiền hậu. Cái mũi cao, miệng xinh, môi hồng hồng trên khuôn mặt tròn trịa cùng cái đầu húi cua trông ngồ ngộ nhưng thật dễ thương. Tôi nhắc cậu:”Cháu ngồi xuống ghế đi cháu!” Cậu bé lắc nhẹ:”Cháu không ngồi xuống ghế được ạ, ngồi khó lắm”. Tôi quan sát, đoán vì bụng cậu hơi phệ và chiếc sơ mi kẻ chật bó sát người gây cản trở chăng, nên tôi dắt cậu ra mép giường và bảo cháu ngồi xuống đây sẽ dễ hơn. Quả nhiên, cậu ngồi xuống thoải mái. Chúng tôi mỗi người một câu hỏi cậu tíu tít. Cậu chậm rãi nhưng đều trả lời đầy đủ, rõ ràng. Cậu còn nhớ rõ cậu 22 tuổi tức là cậu sinh năm 1992. Bà Vân vui lắm, tay xoa vào vai con, vào lưng con trìu mến và cũng chỉ biết “hờ hờ” cười mãn nguyện. Ông bố thường hay tranh trả lời thay con, nhưng thực ra cậu bé tỏ ra vẫn hiểu và khi các cô gặng thì vẫn trả lời theo đúng ý của mình chứ không phụ thuộc vào bố. Tôi hỏi tiếp cậu mấy điều, và sau đây là lời đối thoại của hai cô cháu:
- Thế cháu có thích nghe nhạc không?
-         Có ạ.
-         Cháu thích nghe nhạc gì?
-         Nhạc cổ điển ạ.
-         Cháu có thích tập đàn không?
-         Dạ không.
-         Cháu có thích cái gì không? Dùng máy tính, đá bóng, xem xiếc chẳng hạn?
-         Cháu chẳng thích cái gì.
-         Thế khi bố cháu đi vắng, cháu thường ra chợ ăn phở hay ăn cơm?
-         Cháu ăn phở ạ.
-         Buổi sáng cháu dạy lúc mấy giờ?
-         Cháu ngủ đến 11 giờ mới dạy.
Tôi quay sang bố cháu:”Bác ạ, em thấy cháu tỉnh táo lắm mà, cháu trả lời mọi thứ đàng hoàng. Em mạn phép bác nói vài suy nghĩ của em, giá mà bác có thể xin bác sĩ theo dõi và cho giảm dần liều thuốc để cháu có nhiều thời gian thức hơn, bác bày cho cháu tưới chậu cây, quét cái nhà, tập hát, tập đàn một cách đơn giản có lẽ sẽ tốt hơn cho cháu”.
Người đàn ông xua xua tay:”Không được đâu mà. Tôi bận đi dạy, lại bận chăm mẹ nó nữa, tôi chẳng kèm cặp gì được nó. Để nó ngủ ít rồi nó lại hoạt động, trông thấy ô tô là lao vào nhảy lên xe thì tôi cũng đến chết. Chỉ có, thi thoảng tôi đi nhà hát làm giám khảo gì đó, tôi dẫn nó đi theo ngồi xem thôi. Đành chỉ thế thôi.”
Tôi vẫn cố:”Hay là bác mở lớp dạy ở nhà để khỏi đi lại nhiều, bác có tuổi rồi, bây giờ giao thông lộm nhộm lắm, bọn trẻ hay lách hay lượn mình có cẩn thận vẫn nguy hiểm. Mà bác làm việc tại nhà sẽ có thời gian chăm vợ con hơn”.
Ông cười giải thích:”Tôi không dạy ở nhà được đâu ạ, vợ tôi suốt ngày “rồi rồi” “giời ơi” nhòm ngó nghe đủ thứ chuyện thì ai mà học được cơ chứ. Thành ra tôi cứ phải đi. Mấy bữa nay vợ tôi phải vào viện thì tôi dạy ít buổi, chứ lúc bình thường tôi dạy nhiều hơn. Dạy để kiếm thêm và cũng để vui hơn, đỡ căng thẳng. Còn khi về nhà là cứ vui như tết. Tôi luôn phải bày trò, kể chuyện vui, khôi hài, pha trò để mẹ con cô ấy cười suốt ấy mà. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, cô ấy không may bị bệnh, bị di chứng thế này, xem như đã thành người khuyết tật. Vậy thì mình hãy đối xử với cô ấy không chỉ là đối xử của người chồng đối với người vợ mà còn là đối xử với người khuyết tật, mình phải chăm sóc phải nhường nhịn, bao dung, đừng làm người ta bị tổn thương…Còn với tôi, vất vả đã quen rồi, tôi cứ nghĩ đó là số phận, mình phải chịu. Đoạn đời đầu tôi đã quá hạnh phúc, quá sung sướng, thì đoạn sau phải bù lại phải khổ, cũng chẳng trách trời đất làm chi các bác ạ…Tôi còn nghĩ đến cả sau này, khi tôi yếu đau nằm xuống, phần tôi chả lo vì có con cháu tận tình rồi, tôi chỉ lo cho cô Vân, tôi đã dự tính đâu đó để thu xếp gửi một bà chị một bà em ruột của cô Vân chăm sóc rồi, cũng chẳng biết làm thế nào khác nữa.”
Nghe người đàn ông phân giải, chúng tôi ai nấy đều thầm cảm phục và càng thương xót ông nhiều hơn. Riêng tôi, ngoài sự thương xót ấy, hình ảnh của cậu bé tâm thần lúc nào cũng ám ảnh tôi. Hàng đêm, phần vì bị đau nhiều tôi không ngủ được, phần vì nghĩ miên man tới cậu bé tôi không sao chợp được mắt. Cuộc đời của nó sẽ ra sao, từ nay đến cuối đời còn xa lắc ấy, nó cứ uống thuốc để ngủ để thức lờ vờ mãi vậy sao. Trông nó gần giống với cháu ngoại tôi, cũng trắng cũng xinh cũng ngoan và đều ham thích trò chơi máy tính, nhưng cháu tôi thì đoạt huy chương vàng  toán Olimpic Châu Á Thái Bình Dương năm xưa, bây giờ thì đang học đang luyện để đầu năm tới thi tuyển may ra có được đi thi Tin học quốc tế không, và không được thì cũng đã được vào thẳng đại học vì có giải quốc gia từ năm ngoái rồi. Còn thằng bé tội nghiệp ấy, ai cứu nó, ai đưa nó từ từ ra khỏi cuộc đời sống mà như đã chết này? Trong những phút lãng mạn tột cùng, tôi thầm ước, giá như tôi trẻ lại được chỉ cần mươi tuổi, giá tôi đừng có ốm đau sầu não gì, tôi sẽ chạy thẳng đến nhà ông nghệ sỹ và xin được kèm cặp thằng bé. Tôi chẳng sợ gì bà Vân căng thẳng vì sự hiện diện của tôi trong ngôi nhà xa lạ ấy, tôi cũng không ngại ông nghệ sỹ hiểu lầm gì về tôi, chẳng kinh mọi người nghĩ tôi cũng đang tâm thần như cậu bé…Trời ạ, tôi cam đoan rằng những ngón tay trắng trẻo thuôn dài của nó sẽ lướt trên phím đàn để cả nhà được nghe những âm thanh diệu kì, sẽ lướt trên bàn phím máy tính để ghi lại những đoạn văn tôi tập viết về cuộc đời này, những kỉ niệm cười ra nước mắt…Và sau hết, chắc rồi cũng có lúc, ông nghệ sĩ già tài hoa phúc hậu ấy sẽ phải hát tặng tôi nghe ít nhất một lần, ca khúc đã từng lay động trái tim thính giả một thời không thể nào quên.

Hà Nội, 24/12/2014
Hồ Minh Quang 
      






Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Khổ

                  Vợ chồng Đại và Tam là người cùng quê. Họ hơn nhau 4 tuổi. Tuổi thì đẹp nhưng hình thức thì tương phản. Đại cao 1m70, da hồng hào, mắt đen và sáng cùng đôi lông mày rậm nhìn vào có cái gì sâu thẳm nhưng hơi tinh quái, như muốn soi rọi thấu suốt tim đen của người nào định dở trò gì đối kháng. Đại có mái tóc bồng bềnh, lúc nào cũng chải mượt. Ở nhà thì không nói, chứ ra đường bao giờ quần áo Đại cũng được là thẳng tắp, Đại thông minh học giỏi, tốt nghiệp một trường đại học kĩ thuật từ cái ngày xa xưa phải thi rất khó đậu. Tam người thấp, chừng 1m50, to ngang bè bè, mặt vuông da tái nhợt. Đôi mắt to dài nhưng lòng trắng đục mờ lúc nào trông cũng mệt mỏi. Tóc Tam chưa già đã lưa thưa vì rụng, luôn để lộ da đầu sùi những đám gầu trăng trắng. Tam không sáng dạ như chồng nhưng cũng đã kiên trì dùi mài ngữ sử để có cái bằng đại học tiếng Trung. Họ có với nhau hai mặt con, một trai một gái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Đại ra trường lên miền núi công tác, một năm may chăng một đôi lần về xuôi thăm nhà. Tam nuôi con một mình ở Hà Nội, vất vả, nhưng không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Chị rất ít khi cười, sống nội tâm, khép kín. Nhìn dáng vẻ chị tất bật, hiếm khi hồ hởi, chỉ im lìm như một tảng băng, mọi người bảo, đúng là học tiếng Trung có khác, thâm lắm, chẳng biết đằng nào mà lần! Khổ thân chị, học là học vậy, chứ có được dùng tiếng Trung mấy khi. Hồi đầu mới ra trường, chị về nhận công tác tại một thư viện của một trường đại học, thì còn nhúc nhắc, thôi thì làm thẻ, xếp sách, tra tra cứu cứu mấy cái tiêu đề, ai hỏi mượn thì đưa rụt đưa rè thấp thỏm vì sợ nhầm. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, anh Đại, chồng chị đã lo thu xếp xin cho chị lên cơ quan chủ quản của anh ở Hà Nội, thì chị đoạn tuyệt hẳn với nghề. Chị làm văn thư cho đơn vị kĩ thuật chúng tôi. Công việc của chị thật là nhàm chán, tẻ ngắt so với các bạn trẻ ở đây. Mọi người luôn đắm mình trong các hoạt động tả đột hữu xung của một ngành công nghệ non trẻ và nói tiếng tây rào rào, nào Nga, nào Đức, nào Anh, chứ không ai nói tiếng Trung. Nên chị đã lẻ loi lại càng cô đơn hơn.Tuy vậy, mọi người đều cảm thông với chị. Tôi cũng vậy, chồng đi bộ đội xa nhà, nuôi con một mình thì càng thương chị lắm, Tôi luôn xem chị như cùng cảnh ngộ với mình. Gọi là cùng cảnh ngộ thôi, chứ tôi sướng hơn chị nhiều. Tôi được hưởng lương kĩ thuật cao hơn, lại có lương của chồng gửi về nữa. Tôi có mẹ trông con cho những lúc ốm đau, chứ chị thì tuyệt đối trông vào mấy đồng lương còm cõi của riêng mình hay sao ấy. Chị chẳng có ai thân thiết ở bên. Chị mồ côi bố mẹ từ khi còn nhỏ. Lúc trái gió trở trời, mẹ con chỉ ôm nhau mà rơm rớm nước mắt.
                                         Ngày nghỉ, hoặc lúc chị ốm đau, tôi thường tới thăm mấy mẹ con. Tôi chưa bao giờ gặp anh Đại, chồng chị, mà chỉ gặp một người đàn ông khác là Tân - lái xe cho cơ quan. Anh Tân rất lành hiền chứ không dữ dằn như người ta hay bình luận về nghề nghiệp của anh. Đôi mắt anh nhỏ và dài, không sáng nhưng có ánh nhìn đằm thắm, thương sót. Anh cũng cao nhưng đôi vai xuôi như vai con gái nên trông có phần yếu ớt. Áo sơ mi xẫm mầu luôn được mặc và cài khuy ở cổ tay cẩn thận, bỏ ngoài cái quần hơi rồng rộng. Tôi không xét đoán để ý gì. Tôi chỉ nghĩ họ ở cùng khu tập thể thì sang chơi thăm nhau cũng là bình thường. Nghe nói, Tam hay bảo con mang sang cho bác Tân khi thì bát canh cua, lúc thì bát cháo đậu đen ngày hè nóng bức. Còn anh Tân thì mỗi lần Tam ốm đau mỏi mệt lại kịp đến để đun cho bạn nồi nước lá xông giải cảm, hay mang vài viên thuốc trăng trắng xanh xanh.
                                            Cho tới một ngày, tôi được ông Bí thư Đảng ủy đơn vị gọi đến họp, cùng một số anh chị em khác nữa, đủ thành phần công đoàn, tổ trưởng chuyên môn…Thì ra, đơn vị đang nghi ngờ Tân và Tam có tình ý với nhau trong khi cả hai đều có gia đình riêng. Theo yêu cầu của tổ chức, tôi cùng vài ba người nữa phải về quê Tân điều tra, xem vợ con anh đang sống ra sao, tình cảm gia đình thế nào. Về quê, mới tới đầu làng hỏi thăm nhà Tân thì bà con chỉ dẫn và đã xì xào ngay rồi, Tân bỏ vợ con, loằng ngoằng với cô nào trên cơ quan. Thì ra, con trai lớn của Tân đã có lần rình bố đi đâu tới đâu và kịp làm um lên rồi. Câu chuyện trở nên gay go thật sự chứ chẳng chơi. Đoàn không dám hỏi gì chị vợ, chỉ coi như đi công tác ghé thăm gia đình. Mặc dù vậy, vợ Tân đã kịp khóc lóc thảm thiết, kể lể và mong cơ quan giúp đỡ. 
                                          Từ nhà Tân về, tôi buồn lắm. Tôi thương bạn, nhưng tôi thương vợ Tân hơn. Chị là một phụ nữ nông thôn tảo tần, cuộc sống còn cơ cực hơn Tam nữa ấy chứ. Chị cũng có một trai một gái giống như Tam. Các cháu đều khỏe mạnh ngoan ngoãn nhưng chẳng được học hành gì, đến hết cấp 2 là ở nhà làm ruộng với mẹ rồi. Trước kia, anh Tân tuần nào cũng về nhà, có khi tuần về vài ba lần, nhưng bây giờ thì không. Chiến tranh lạnh đang xẩy ra. Vợ anh hiền lành, không ghê gớm, chỉ lặng lẽ khóc thầm.
                                              Tôi, gọi là thương quí Tam, chứ không hẳn thân thiết theo đúng nghĩa bạn thân. Bởi vậy, tôi không dám tâm tình gì với Tam, và Tam cũng không có ý định chia sẻ với tôi, với đồng nghiệp. Tam chỉ im lặng,  
Một lần, Đại về xuôi thăm nhà. Đại ghé vào cơ quan vợ. Vị bí thư Đảng ủy nọ chủ động gặp Đại, mời Đại vào phòng uống nước. Ông chậm rãi một cách nặng nề, nghiêm trọng:
- Anh Đại này. Tôi muốn trao đổi một chút về chuyện của gia đình anh…
- Vâng, anh cứ nói. – Đại đáp vẻ hững hờ.
- Theo tôi, anh xem thế nào xin chuyển về dưới này làm việc, để vợ chồng có nhau...
- Tôi cũng đang thu xếp anh ạ - Đại ngắt lời.
- Là tôi muốn nói, anh chuyển về, để lo ổn thỏa gia đình, chứ chuyện vợ anh tằng tịu với cái cậu Tân ấy, anh chắc nghe mọi người xì xào rồi đó,…
- Hà hà, tưởng chuyện gì, chuyện đó thì anh cứ bình tĩnh, đâu có đó mà! - Đại đứng dậy vỗ vai người bí thư Đảng ủy.
-?!?
                           
Đại chào ông bí thư rồi ra khỏi phòng, nét mặt thản nhiên. Ông bí thư tái mặt, nhưng cũng phải cười cười gượng tiễn chân một người đàn ông mà theo ông nghĩ, là kì quặc. Ông như cứng họng, không thể dài dòng tuôn trào tiếp những lời khuyên mà ông từng tâm đắc. Ông không thể làm được việc gì nữa, đành tạt vào phòng tôi. Anh chị em trong phòng đang chuyện trò gì có vẻ sôi nổi lắm. Thấy ông vào, mọi người thoạt đầu hơi chững lại, nhưng rồi Bình, cậu kĩ sư trẻ nhất phòng, tính tình vui vẻ, khôi hài, đã hắng giọng, lấy lại vẻ tự nhiên mà đột phá:
                       - A anh Toạ đây rồi. Mời anh vào uống nước ạ. Bọn em vừa mới giải lao một tí, đang chuyện phiếm.
- Các cậu có chuyện gì mà rôm rả thế, chả bù cho tớ đang bực mình đây - Ông bí thư ngồi xuống ghế và nét mặt buồn buồn pha một chút tức giận.
- Là em đang hỏi chị Minh Quang. Theo em nghĩ, đã là tình yêu thì tình yêu nào cũng đẹp. Vậy sao chúng ta lại cứ phải can thiệp vào chuyện riêng của họ kia chứ? Em muốn thắc mắc về cái chuyện các anh cử chị Minh Quang và bọn em về điều tra tình hình vợ con của anh Tân nhà mình ấy ạ. Mong anh đừng giận.
Mọi người trong phòng thấy Bình nói thế, hơi hốt hoảng, len lén liếc nhìn ông bí thư. Ông bí thư dường như không để ý đến thái độ của anh chị em, thả phanh dốc bầu tâm sự:
- Ôi dào, tớ cũng đang bực về cái chuyện ấy đây. Biết tình hình họ rối ren rồi, lúc nãy tớ mới nói chuyện với cái cậu Đại, chồng cô Tam ấy.
Ông kể lại câu chuyện đối thoại của hai người như trên cho mọi người nghe. Rồi ông nhấn mạnh lần nữa:
- Hừ, tớ khuyên bảo thật lòng để nó xin về dưới này giải quyết chuyên gia đình cho ổn thỏa, thì nó lại vỗ vai tớ bảo tớ bình tĩnh. Mẹ…nó chứ! Nó đáng tuổi em út tớ mà nó lại vỗ vai tớ, hỏi có lộn tiết không hả các cậu?
- Anh ơi, tưởng chuyện gì chứ cái thái độ kỳ quặc có một không hai trên đời này thì anh Đại là nổi tiếng từ lâu rồi, chỉ là vì anh không được nghe nhiều chuyện đấy thôi…- Một cậu chêm vào.
- Thế các cậu thử nghĩ xem, họ cứ quan hệ loằng ngoằng thế thì ảnh hưởng hết cả còn gì. Các gia đình là cứ tan vỡ hết - Ông bí thư than phiền.
- Thôi anh, mặc họ. Em nghĩ là anh phải lo cho gia đình anh đi ạ. Vợ anh đẹp thế, trẻ thế, lại là văn công. Anh thì tóc bạc gần hết đầu, suốt ngày tay lấm lem dầu mỡ, bọn em đang lo cho anh đây - Cậu kĩ sư trẻ tiếp tục “tấn công” trêu đùa.
- Hả, cậu lo cho tớ ấy hả? Tớ lại phải vỗ vai cậu rồi, cậu cứ bình tĩnh. Tớ đã bảo vợ tớ rồi: “Này mình, ở khu tập thể này có 9 cặp vợ chồng thì đã có 8 cặp bỏ nhau, chỉ còn mỗi tớ và mình. Tớ dặn mình trước đây này, nếu sau một đêm đẹp trời nào đó, tỉnh dậy, mình thấy chán tớ thì cứ việc nói một câu “Ông ơi tôi chán ông rồi!” Thế là tớ sẽ móc hầu bao đi mua ngay một lô bia và ít đồ nhắm, rồi tớ và mình liên hoan chia tay, đơn giản thế thôi. Chứ nếu mình mà lẳng lặng theo thằng nhãi ranh nào thì không xong với tớ đâu, tớ bảo trước cho mà định liệu -Ông bí thư trở lại vui vẻ và hăng hái chia sẻ.
- Ha ha hoan hô anh, chiêu của anh thật là tuyệt, các cậu phải học anh về răn đe phu nhân của mình đi nhé. – Tôi hỉ hả trêu đùa mọi người.
- Thôi không phải tán chuyện của tớ nữa. Tiếp tục cái chuyện bộ ba kia đi. Tớ cũng thấy nản. Thú thực với các cậu, tớ chả muốn rây vào họ nữa! Họ có phải là trẻ con đâu, họ phải tự quyết định lấy đời mình và hạnh phúc của mình chứ.- Ông bí thư nói, vẻ mặt trầm ngâm.
- Anh thật chí lí! Giá mà anh chí lí sớm hơn có phải bọn em đỡ phải về cái làng xóm kia mà điều tra điều hỏi không - Bình lấn tới, bỗ bã.
- Suỵt, cậu nói cái gì thế? - Một bạn trẻ khác lườm Bình.
- Thôi tớ về đây. Tớ nhức đầu quá từ khi bị thằng cha Đại vỗ vai - Ông bí thư thật thà tâm sự nốt rồi đi ra.
                                        Tán chuyện ở cơ quan thì thế, còn thực tình, trong lòng, tôi buồn lắm. Tôi chẳng biết nên nói thế nào với Tam, với anh Tân, anh Đại cả.
Cho tới một lần họp kỉ niệm ngày thành lập ngành, tôi gặp hai vợ chồng Đại và Tam ở ngoài cổng cơ quan. Đây là lần đầu tiên, tôi được tiếp kiến với người đàn ông “đặc biệt”, vì hôm Đại đến nơi làm việc thì tôi ra ngoài có chút việc, không gặp . Tôi chào và hỏi thăm xã giao. Đại niềm nở, vui vẻ lắm. Trong lúc nói chuyện, Đại luôn tay cầm quạt phe phẩy cho vợ, và bảo tôi rằng anh ấy thương vợ lắm, vất vả bao năm nuôi con một mình rồi, rằng lần này anh ấy về nghỉ tạm một thời gian, anh ấy sẽ xin tổ chức cho chuyển công tác về xuôi để gần vợ con, để đỡ đần việc nhà cho vợ chứ vợ anh hồi này yếu hẳn đi, để chăm lo bảo ban con cái học hành chứ thằng cu lớn đang chuẩn bị thi vào đại học rồi, con bé út thì thi lên lớp mười.…Nghe vậy, tôi cũng cảm thấy yên lòng. Thôi thì quá mù ra mưa, vợ chồng Tam bây giờ ổn thỏa là may quá.
                                             
Lại một lần khác, Tam nghỉ ốm. Tôi cùng bạn bè ở công đoàn tới thăm. Đúng lúc mọi người đến, thì Tam đang mải cãi nhau với chị hàng xóm, về chuyện xây bức tường thế nào đó. Tam mặt đỏ phừng phừng, thấy bạn bè đến đành miễn cưỡng trở về tiếp khách. Tam bảo, Tam đã bớt bệnh rồi, đã dậy cơm nước được rồi. Mọi người ngồi xuống uống chén trà thăm hỏi tíu tít nào chuyện ốm đau, nào chuyện cãi nhau, đủ cả.
                                             
Đại, tay vẫn cầm một cái quạt thường trực, quạt cho vợ, và bảo:
- Thôi, em đừng có bực mình nữa mà khổ thân, lại ốm thêm nữa. Em cứ kệ họ. Em chỉ cần biết có anh là chồng em, thương em là đủ rồi. Em chỉ cần biết có anh là chồng em, yêu em là đủ rồi…
                                              
Cả đám công đoàn ai cũng muốn trợn ngược mắt lên vì kinh ngạc. Chưa bao giờ mọi người được tận tai nghe thấy một người đàn ông nào dỗ vợ ngọt ngào công khai thái quá, cứ như đang diễn trên sân khấu ấy. Tôi hơi buồn cười mà phải nín nhịn. Tôi cũng rất ngạc nhiên, nhưng rồi lại nghĩ, thì mỗi người có một kiểu thể hiện tình cảm khác nhau. Tôi chợt mủi lòng thương cảm Đại, thầm trách sao Tam nỡ lòng nào mà lại phản bội chồng.Thế rồi, có một chuyện buồn và khó hiểu xẩy ra. Tam mới khỏi ốm ít ngày thì lại bị đau chuyện khác. Chả là Tam nuôi gà để thêm thu nhập, nhưng không may, bị nhiễm trùng đầu ngón tay hay thế nào mà tay sưng vù lên phải vào điều trị tại bệnh viện. Lúc đầu, ai cũng tưởng đấy chỉ là chuyện nhỏ, ngón tay nhiễm trùng thì dùng kháng sinh, khỏi là xong. Ai ngờ, cái sẩy nẩy cái ung. Ngón tay của Tam phải tháo khớp, nếu không sẽ lan bàn tay, cánh tay thì còn khổ nữa. Bác sỹ bảo vậy. Thế là tôi và chị em trong cơ quan phải xin phép lãnh đạo, thay nhau vào bệnh viện chăm sóc Tam, nhất là những giờ các con Tam đi học vắng nhà. Tịnh không ai thấy Đại xuất hiện bao giờ. Ai cũng ngạc nhiên, có hỏi thì cũng hỏi qua qua, không dám hỏi kĩ, mà Tam chỉ có chảy nước mắt chứ không giải thích. Đến nước này, thì mọi người mới càng cảm thấy bức bối hơn. Bao nhiêu giả thuyết đặt ra:
                                    
- Người đàn ông đặc biệt ấy đã trả thù vợ trong quan hệ riêng, nhưng bề ngoài với cơ quan, bạn bè đồng nghiệp thì tỏ vẻ quan tâm, yêu quí vợ, cũng là một cách như đã trả lời với ông bí thư rằng, anh cứ bình tĩnh, đâu có đó…
                                     
- Anh Tân và chị Tam vẫn đang bàn tính ngầm xem họ có thể lấy nhau được không? Nhưng hình như không dễ dàng vì họ làm việc trong cùng một cơ quan.
                                     
- Bọn trẻ con nhà anh chị Đại Tam rất yêu quí bác Tân, chứ không quí bố Đại. Hình như chúng chỉ sợ bố thôi. Có thể tạm lí giải vì chúng không gần bố, bố ít về nhà.
                                       
 Cho tới một ngày, dường như không thể nào khác được nữa, Tam mới tâm sự với tôi:
                                   
     - Minh Quang à, mình biết bạn rất thương mình. Mình đoán Minh Quang đang nghĩ cách giúp mình giải tỏa bê bối của gia đình mình. Nhưng mình không biết làm thế nào cả. Mình cũng đã cố gắng thu xếp, cũng có những dũng cảm cần thiết để làm chủ đời mình, nhưng mình bất lực. Anh Tân đã không trở về với vợ anh ấy, cũng không dám lấy mình, mà đã yêu một cô gái khác rồi. Cô ấy không đẹp, nhưng được cái là rất trẻ, kém anh ấy cả vài chục tuổi. Chắc anh ấy ngại cơ quan mình…Đến tháng sau là anh ấy làm đám cưới.
Tôi ngập ngừng hỏi:
- Thế còn chị? Chị với anh Đại thì sao?
Tam rơm rớm nước mắt:
                                        
- Vẫn thế thôi, mình đã quen mọi thứ rồi Minh Quang ạ. Cái bên ngoài và cái bên trong của anh Đại khác xa nhau một trời một vực, không ai tưởng tượng nổi đâu. Bây giờ nói chuyện với Minh Quang mà mình vẫn đang rùng mình đây. Anh ấy đã xé toạc hết tất cả quần lót và đay nghiến tra tấn mình đủ kiểu, mà thôi mình xấu hổ lắm, mình không dám kể bạn nghe đâu, hãy thông cảm cho mình. Mình biết mình có lỗi, nhưng mình thèm khát tình yêu và sự sót thương chân thành, giản dị của người đàn ông, điều mà anh Tân đã dành cho mình tất cả….nên mình không thể nào đừng được trong mối quan hệ bất chính này. Giá như bọn mình không ở cùng một cơ quan, giá như…Nhưng mà thôi, hai đứa con mình vẫn cần có bố. Và kết cục là anh Tân với mình cũng chẳng nên cơm cháo gì cả. Thành thử mình phải chấp nhận cái tình yêu địa ngục này, cho đến một ngày nào đó, rất gần chứ không xa nữa đâu, mình tin là anh Đại phải thay đổi cách xử sự với mình, bởi vì một bí mật cốt lõi, mình chẳng dấu bạn nữa, là mình có đủ bằng chứng rằng, hai đứa trẻ không phải là con của anh Đại, vì anh ấy bị vô sinh! Mình chỉ nói với Minh Quang thôi nhé, đừng có cho ai biết chuyện này…
-???
                               
Tôi chia tay Tam mà lòng rưng rưng. Tự nhiên, tôi lẩm bẩm một mình “Đời là bể khổ thật chứ chẳng đùa! ngoại trừ một mình ông bí thư” … Lẩm bẩm xong, tôi hoảng quá giật mình nhìn quanh, may không có ai nghe thấy cái câu nói lung tung của tôi.

                             Sửa lại ngày 12 tháng 11 năm 2014
                                                     Hồ Minh Quang